CÔNG NỢ VIỆT NAM TỚI MỨC BÁO ÐỘNG
(tiếp theo)

B. Hổ trợ (hay viện trợ) phát triển chính thức (thường được gọi là vốn ODA = Official Development Assistant, tiếng Anh, và Aide publique au développement, tiếng Pháp).

Sau khi bộ đội Việt-Nam rút khỏi Cambodge năm 1989, tháng 11.1993 tại Paris (Pháp quốc) đã diễn ra hội nghị các nhà tài trợ cho Việt-Nam đã ghi dấu một trang sử mới trong quan hệ hợp tác phát triển của quốc gia này và cộng đồng thế giới, khởi đầu với 28 nhà tài trợ song phương đến từ các quốc gia phát triển (Nhật bản, Pháp, Đức, Đan mạch, Thụy sĩ, v.v….) nhà tài trợ đa phương (Ngân hàng Phát triển Á châu, Ngân hàng Thế giới, Liên hiệp Âu châu, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc, UNESCO, v.v….). Hoa kỳ chỉ tham gia từ sau năm 1994, khi bỏ cấm vận Việt-Nam.

Đây là những số vốn dành cho các nước đang phát triển được các Chính phủ trung ương và nhà cầm quyền địa phương, các tổ chức liên quốc gia, các định chế tài chính quốc tế tài trợ. Vốn này phát sinh từ nhu cầu cần thiết của một quốc gia được các quốc gia hay định chế nói trên cam kết tài trợ thông qua một thỏa hiệp quốc tế được đại diện hai bên nhận và hổ trợ vốn ký kết. Những thỏa hiệp ký kết hổ trợ này được chi phối bởi công pháp quốc tế.

Vốn ODA được Chính phủ một quốc gia cấp cho Việt-Nam thì gọi là hổ trợ song phương. Nếu vốn ODA được cấp bởi một Định chế quốc tế (Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Á châu…) cho Việt-Nam thì gọi là hổ trợ song phương.

Vốn ODA được phân bổ theo từng dự án. Chính phủ Việt-Nam lập danh sách các lĩnh vực cần gọi vốn hổ trợ (hay viện trợ) phát triển. Hàng năm, Chính phủ trình danh sách đó cho nhà tài trợ tại Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ để yêu cầu tài trợ. Các nhà tài trợ sẽ xác định lĩnh vực cần viện trợ, xây dựng dự án và tài trợ theo dự án.

1.- Phân loại vốn ODA.

Theo cách thức hoàn trả vốn ODA, chúng ta chia làm ba loại có:

a.- Viện trợ.

Thường được gọi là ‘Viện trợ không hoàn lại’, nhưng chúng tôi đề nghị chỉ gọi là Viện trợ cũng đủ nghĩa là ‘Biếu Tặng’ (cho không). Đây là những những số tiền để thực hiện các dự án ở nước nhận vốn ODA, theo sự thoả thuận trước giữa các bên. Có thể xem viện trợ như một nguồn thu ngân sách Nhà nước, được cấp phát lại theo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Viện trợ chiếm 25% tổng vốn ODA trên thế giới và được ưu tiên cho những dự án về các lãnh vực như y tế, dân số, giáo dục, môi trường... Đối với Việt-Nam, số bách phân này đã giảm dần với thời gian và nhường phần cho các khoản tín dụng ưu đãi.

b.- Tín dụng ưu đãi (còn gọi là Viện trợ có hoàn lại).

Đây là loại vay chiếm phần lớn tổng số vốn ODA trên thế giới cũng như tại Quê hương. Tín dụng này thường được sử dụng cho các dự án về cơ sở hạ tầng thuộc các lãnh vực giao thông vận tãi, nông nghiệp, thủy lợi, năng lượng...làm nền tảng vững chắc cho ổn định và tăng trưởng kinh tế. Các điều kiện ưu đãi bao gồm:
- Lãi suất thấp,
- Thời gian trả nợ dài,
- Có khoảng thời gian không trả lãi hoặc trả nợ.

c.- Tín dụng hỗn hợp.

Đây là những số vốn ODA kết hợp hai dạng trên, bao gồm viện trợ và tín dụng ưu đãi.

Thí dụ: Dự án BOT (Built-Operation-Transfer, tiếng Anh) gồm việc ‘Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao’. Vì thiếu vốn, Chính phủ kêu gọi đấu thầu để chọn công ty bỏ vốn xây dựng (Built) trước. Khi hoàn thành, công ty được khai thác vận hành (Operation) một thời gian đủ có lời và sau cùng là chuyển giao (Transfer) lại cho Nhà nước sở tại.

Nhận xét: Giá thành các dự án theo dạng BOT này thường được đẩy lên cao so với thực giá nhằm ‘bắt chẹt’ các quốc gia đối tác thiếu vốn để xây dựng hầu phát triển cơ sở hạ tầng và có quá nhiều nước đang phát triển cần vốn.

2.- Ưu và khuyết điểm của ODA.

a.- Ưu điểm của ODA.

- Lãi suất thấp (dưới 3%, trung bình từ 0,25-2%/năm)
- Thời gian cho vay cũng như thời gian ân hạn dài (25-40 năm mới phải hoàn trả và thời gian ân hạn 8-10 năm)
- Trong nguồn vốn ODA luôn có phần viện trợ, khoảng 25% tổng số vốn ODA.

b.- Bất lợi vì nhận ODA.

- Các nước giàu dùng các nguồn vốn ODA để áp lực các quốc gia nhận trợ giúp để mở rộng thị trường cho hàng hóa của họ, đòi hỏi những sự hợp tác có lợi cho họ, những nhượng bộ về an ninh, quốc phòng hay những mục tiêu chính trị... Do đĩ, họ có những chính sách riêng hướng vào một số lĩnh vực mà họ quan tâm hay họ có lợi thế. Thí dụ: quốc gia nhận vốn ODA phải bỏ dần hàng rào thuế quan bảo hộ các ngành công nghiệp non trẻ và bảng thuế xuất nhập cảng hàng hoá của nước được tài trợ hay các nước này phải mở lần hồi cửa thị trường cho những hàng hoá mới của nước cấp vốn ODA cùng chấp thuận những ưu đãi cho các nhà đầu tư trực tiếp nước họ vào những lĩnh vực hạn chế, có khả năng sinh lời cao.

- Về kinh tế, nước tiếp nhận ODA phải chấp nhận dỡ bỏ dần hàng rào thuế quan bảo hộ các ngành công nghiệp non trẻ và giảm thuế nhập khẩu hàng hoá của nước tài trợ. Nước tiếp nhận vốn ODA cần ‘biết điều’ bằng dành những ưu đãi đối với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài như cho phép họ đầu tư vào những lĩnh vực hạn chế, có khả năng sinh lời cao. Là quốc gia hàng đầu cấp vốn ODA cho Việt-Nam, Nhật bản đang phiền trách Chính phủ Việt-Nam đã quyết định chọn Nga làm đối tác cung cấp công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân 1 ở tỉnh Ninh thuận, có công suất 2.000 MW giờ, được chào hàng với giá gần 8 tỷ mỹ kim.

- Các nước giàu cấp vốn ODA để yêu cầu các quốc gia đối tác nhập cảng các sản phẩm của họ, dù không phù hợp hay không cần thiết. Thí dụ: trong các dự án ODA về đào tạo, lập dự án và tư vấn kỹ thuật, phần lương trả cho các chuyên gia nước ngoài thường chiếm đến hơn 90% ngân khoản dự án.

Một thí dụ khác: Quốc gia đã tài trợ Việt-Nam bằng vốn ODA để xây một cây cầu, ngoài việc buộc trả lương thật cao cho các chuyên gia tư vấn của họ, còn phải mua sắm trang thiết bị máy móc của họ giá cao vì chính họ duyệt chi tài chính giải ngân. Đương nhiên, vẫn còn đủ tiền để vừa hoàn tất cây cầu, vừa đủ để ai đó chấm mút thoải mái 15-30% chi phí dự án. Còn về chất lượng hay tuổi thọ cây cầu ODA ấy thì chưa hết hạn trả nợ đã thấy… đòi thêm tiền rồi, cầu Văn Thánh hay cầu Dần Xây ở TP. Hồ chí Minh là những điển hình tiêu biểu.

- Tác động của yếu tố tỷ giá hối đoái có thể làm cho giá trị vốn ODA phải hoàn lại tăng lên. Đồng Việt-Nam không ngớt mất giá so với mỹ kim khiến giá thành tính bằng tiền đồng tăng cao.

- Tình trạng thất thoát, lãng phí; xây dựng chiến lược, quy hoạch thu hút và sử dụng vốn ODA chưa được hợp lý; trình độ quản lý thấp, thiếu kinh nghiệm trong quá trình tiếp nhận cũng như xử lý, điều hành dự án… khiến cho hiệu quả và chất lượng các công trình đầu tư bằng nguồn vốn này còn thấp... có thể đẩy nước tiếp nhận ODA vào tình trạng nợ nần.

- Cuối cùng, nạn tham nhũng lan tràn trong việc thực thi các dự án vốn ODA:

-> Tại Hội nghị nhóm các nhà tư vấn tài trợ cho Việt-Nam ngày 04.12.2008, Đại sứ Nhật bản Mitsuo Sakaba, sau khi thông báo sẽ ngưng toàn bộ các dự án ODA của Nhật bản và không cam kết vốn cho năm 2009, đã rời Hội nghị. Hành động này của Chính phủ Nhật nhằm phản đối Nhà nước Việt-Nam đối với vụ án tham nhũng sử dụng nguồn vốn ODA trong dự án Đại lộ Đông Tây ở thành phố Hồ Chí Minh.

-> Vụ PMU 18 (Project Management Unit, tiếng Anh, có nghĩa là Đơn vị quản lý dự án) là một vụ tham nhũng trong Bộ Giao thông Vận tải vào năm 2006, và đã gây xôn xao dư luận tại Việt-Nam cũng như nơi các nước và tổ chức cung cấp vốn ODA. Đầu tháng 01.2006, Bùi tiến Dũng, Tổng Giám đốc PMU-18 bị bắt giữ và cáo buộc đã cá độ bóng đá với số tiền trên 1,8 triệu đô la cũnh như đã dùng tiền thắng để bao gái. Công an đã tìm thấy tài liệu trong máy vi tính của đơn vị cho thấy trên 200 nhân viên đã tham gia cá độ.

-> Ngày 27.04.2010, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng cho biết, bằng mắt thường có thể thấy một số vị trí thấm cục bộ tại đầu đốt hầm số 1, đầu hầm số 2 trong phạm vi bản nắp, gần sát vành thép của mỗi đốt hầm và tại một vài vết nứt đứng thành hầm.

Hội đồng cũng có yêu cầu kiểm tra lại toàn diện bản nắp hai hầm đốt số 3 và số 4 tại bãi đúc Nhơn Trạch. Mục tiêu nhằm phát hiện các chỗ thấm nếu có và phải xử lý ngay trước khi lai dắt cho dìm xuống sông Sài Gòn như hai đốt đã thực hiện. Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông tây và Môi trường Nước TP. Hồ chí Minh cho biết dự kiến vào ngày 05.05.2010 sẽ cho lai dắt và dìm đốt hầm số 3.

3.- Những điểm về hổ trợ phát triển chính thức.

Hàng năm, Hội nghị nhóm các nhà tư vấn tài trợ cho Việt-Nam nhóm hai lần vào đầu tháng 06 (giữa kỳ) và tháng 12. Trong kỳ họp tháng 12, các nhà tư vấn tài trợ cam kết mức hổ trợ phát triển chính thức ODA cho năm sau. Cứ mỗi lần họp là họ nhắc lại một cách máy móc ‘chiếu lệ’ hai vấn đề: các quan chức tham nhũng và Chính phủ vi phạm nhân quyền.

Trong Hội nghị giữa kỳ khai mạc ngày 09.06.2010 tại TP Rạch Giá (Kiên Giang), đại diện các tổ chức thuộc Liên hiệp quốc tại Việt-Nam lưu ý kết quả cuộc điều tra gần đây của thanh tra Chính phủ Việt-Nam cho thấy những xấu xa do nạn tham nhũng trong ngành giáo dục khiến giới nghèo chịu hậu quả trầm trọng. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt-Nam đã cảnh báo rằng một trong những thách thức nghiêm trọng mà Việt-Nam gặp phải chính là quốc nạn tham nhũng, qua đó, tiền vay nợ ODA bị thất thoát vào túi riêng của các quan chức, nhiều nhất trong việc quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài nguyên, hải quan, xây dựng... Họ cũng không quên de dọa: « Nếu không loại được tham nhũng thì khó có tài trợ ».

Ngoài ra, cũng trong chương trình kỳ Hội nghị tại Rạch Giá này, đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt-Nam đã báo động thâm thủng ngân sách của Việt-Nam năm 2009 lên đến 9% Tổng sản lượng quốc nội, trái với con số 6,90% do Chính phủ công bố. (Coi chừng: giống như Hy lạp đã báo cáo gian con số này). Thêm vào đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng cán cân chi trả của Việt-Nam hiện đang ở mức nguy hiểm vì dự trữ ngoại tệ chỉ đủ cho 7 tuần lễ nhập cảng. Mức dự trữ an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế là phải đủ cho 12 tuần lễ như Việt-Nam từng đạt được hồi năm 2008.

Vốn ODA được cam kết hổ trợ Việt-Nam năm sau luôn cao hơn năm trước: năm 1994 (1,81 tỷ mỹ kim), 1995 (1,94), 1996 (2,26), 1997 (2,43), 1998 (2,4), 1999 (2,7), 2000 (2,1), 2001 (2,4), 2002 (2,4), 2003 (2,50), 2004 (2,84), 2005 (3,40), 2006 (3,70), 2007 (4,45), 2008 (5,426), 2009 (5,14, giảm vì thiếu Nhật bản. Ðại sứ Nhật phản đối tham nhũng trong dự án Đại lộ Đông Tây như đã nói trên) và năm 2010 với mức kỷ lục là 8,063 tỷ mỹ kim. Trong đó, Ngân hàng Thế giới vẫn là nhà tài trợ nhiều nhất với khoảng cam kết lên tới 2,498 tỷ mỹ kim. Sau đó là Nhật bản với 1,640 tỷ mỹ kim. Tiếp đến là Ngân hàng Phát triển châu Á cam kết tài trợ 1,479 tỷ mỹ kim, Liên hiệp Âu châu với 1,082 tỷ mỹ kim (Pháp dẫn đầu mức cam kết với 378 triệu, Đức 137 triệu mỹ kim,…), Hoa kỳ hứa Mỹ 270 triệu mỹ kim.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, mức cam kết thật là một sự hy sinh lớn của người dân đóng thuế tại các quốc gia ‘tư bản’ để giúp đỡ toàn dân Việt-Nam hầu xây dựng lại Quê Hương, phát triển nền kinh tế Nước Nhà và giáo dục nhẹ học phí và hữu hiệu cho Giới Trẻ, tương lai của Dân Tộc. Xin ai đó có quyền hãy thấu hiểu điều đó… Đọc báo Thanh Niên ngày 10.10.2002, chúng tôi thấy những dòng sau đây:

« Tại huyện Yên Bình, Yên Bái, dự án xây dựng nhà máy nước sạch với vốn vay của Pháp 50 tỷ đồng, lãi suất 1%/năm, có tới 13 tỷ đồng được cung cấp dưới dạng máy móc, thiết bị nhưng các thiết bị này... không sử dụng được, chất đống và hư hỏng. Tại Hà Nội, thanh tra cũng đã phát hiện tại một dự án vay vốn cũng của Pháp, nhiều khoản chi phí qua kiểm tra, đơn vị thực hiện đã không chứng minh được vì sao có khoản chi phí đó. Cụ thể, đơn vị này đã khai có sử dụng nguồn vốn lớn để mua thiết bị dự phòng, đào tạo, nhưng qua kiểm tra đều không có.

Tình trạng quyết toán khống, kê khai khống số lượng, đơn giá vật tư thiết bị sử dụng, nâng khống giá trị vốn đầu tư thực hiện... cũng là một thực tế phổ biến ở nhiều công trình được thanh tra. Tại Yên Bái, các thanh tra viên đã đóng giả sĩ quan quân đội đi mua cây cảnh, qua đó phát hiện việc kê khống mua cây cảnh lên tới 108 triệu đồng nhưng thực tế chỉ phải chi 48 triệu đồng. Chánh thanh tra Nhà nước Thanh Hóa cho biết, qua kiểm tra chỉ 6 dự án về giao thông, đê kè... trên địa bàn tỉnh, cũng đã phát hiện nhiều sai phạm lớn, thất thoát lên tới gần 6,3 tỷ đồng ».

Mỗi cuối năm, nhà tài trợ họp để cam kết mức ODA cho năm sau. Trong suốt thời gian từ tháng 11.1993 đến tháng 12.2009, Việt-Nam chỉ giải ngân 22 tỷ trong tổng số 42,5 tỷ mỹ kim, tức 51,76% tổng số cam kết ODA. Thật đáng tiếc! Đây là nguồn vốn bổ túc quan trọng cho vốn đầu tư của Nhà nước dành cho đầu tư phát triển. Trong thời kỳ từ 1994–2005, nguồn vốn ODA này chiếm hơn 11% tổng vốn đầu tư xã hội và chiếm hơn 20% tổng vốn đầu tư của Nhà nước.