LAO ĐỘNG THEO DÒNG LỊCH SỬ

Sách “Cầu Nguyện Với Phúc Âm Hằng Ngày” của Giáo phận Bà Rịa, trang 408 có đoạn viết: “Lạy Thiên Chúa là Cha của con, Cha đã tạo dựng nên vũ trụ này thật tốt đẹp nhưng còn đầy dang dở. Cha cho con được cộng tác vào công trình sáng tạo của Cha mà kiện toàn nó bằng bàn tay lao động. Và hơn nữa, chính trong lao động vất vả, con kiện toàn chính bản thân và gia đình mình, con gặp được anh em và phát sinh tình liên đới. Lao động làm cho con lớn lên chứ không làm giảm giá trị con người…”

Vâng, tự bản chất, lao động luôn luôn dẫn con người tới một điều gì đó mới mẽ và cao cả hơn trong hành trình của mình. Tuy nhiên, theo dòng lịch sử, con người đã có những suy nghĩ như thế nào về giá trị lao động ? Đó là một câu hỏi mà chúng ta cần phải suy nghĩ trong xã hội hôm nay.

Quả thật, ngay từ buổi đầu của lịch sử, con người hầu như không hiểu biết nhiều về giá trị đích thực và tính đặc thù của lao động. Bởi vì trong buổi sơ khai, con người sống trong một thế giới đồng nhất và niềm tin của họ chủ yếu đặt vào sức mạnh huyền bí của thiên nhiên hoặc của thần thánh. Việc lao động của họ chỉ nhắm tới một mục đích đơn thuần đó là đáp ứng nhu cầu sống còn và làm việc để có ‘lương thực’ cúng bái thần linh. Và dĩ nhiên, trong cách thức làm việc của họ cũng có những bước tiến mới, những sự thay đôi. Tuy nhiên, những bước tiến và sự thay đổi đó của họ chỉ nhằm vào việc họ muốn dâng hiến những quà tặng có giá trị hơn lên thần thánh của họ…

Thế giới huyền bí này đã thực sự tan vỡ khi người Hy Lạp ý thức được “thế giới của ‘lý trí’”. Quả thật, ngay từ buổi đầu xuất hiện, những người Hy Lạp Cổ đã ý thức được ‘Logos’ thống trị vũ trụ và con người. Và như vậy, con người dần dần khám phá ra trật tự của nó qua việc sống ẩn dật và chiêm niệm. Sự khác biệt giữa con người và thú vật là ở chổ đó. Chính sự chiêm niệm đưa con người đến một tầm vóc mới trong sự hiểu biết và nhận thức về trật tự và sự hài hòa trong vũ trụ. Vào giai đoạn này, con người cũng đã có những lý tưởng về triết học và “dự phần vào hoạt động xã hội dựa trên tiêu chuẩn về sự hài hòa, siêu việt nơi bản thân”. Trong giai đoạn này, người Hy Lạp coi thường lao động, vì họ cho rằng: lao động chỉ là công việc và nó chỉ thích hợp với những người nô lệ và súc vật…

Mãi cho tới thời Trung Cổ lúc Kitô Giáo thống trị, con người đã chấm dứt tình trạng coi thường và khinh rẻ lao động. Chính những người trung cổ đã có một cái nhìn hết sức mới mẻ về lao động. Họ đã nhìn lao động trong sự sáng tạo của Thiên Chúa. Chính suy nghĩ này đã dẫn họ tới một hiểu biết khá sâu sắc, xem “lao động là bắt chước và tham dự vào hành động sáng tạo của Ngài (Thiên Chúa)”.

Tuy nhiên, nếu để ý trong sách Sáng Thế, chúng ta thấy có đoạn viết: “Với con người, Thiên Chúa phán ‘ vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: ngươi không được ăn nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có miếng ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất.” (St 3, 17 – 19)

Như vậy, việc chúc dữ cho ‘con người’ sau khi phạm tội cho chúng ta thấy lao động cũng là gánh nặng mà Đấng Tạo Hóa trao cho con người và nó cũng là hậu quả đến từ tội lỗi của con người…

Đến thời Thánh Tôma Aquinô, Ngài mới đánh giá cao về lao động. Theo Ngài, chính lao động đã đem lại cho con người nhân đức. Nhờ lao động, con người mới kiểm soát được những đam mê hay thói hư tật xấu của mình. Về điểm này, thành ngữ Việt Nam có câu: “Nhàn cư vi bất thiện” hay trong bài giảng lễ Thánh Giuse Thợ (01/5/2010) tại Giáo xứ Láng Cát, Gp.Bà Rịa, khi nói về giá trị của lao động, Cha Phaolô Hưng, dòng Anh Em Đức Mẹ Lên Trời, đã trích một câu ngạn ngữ Pháp như sau: “L’oisiveté est la mère de tous les vices” (có nghĩa là: sự nhàn rỗi là mẹ của mọi nết xấu).

Hơn thế, nhờ lao động con người mới có thể có của ăn hằng ngày và làm phúc bố thí. Như trong Thông điệp “Lao Động Của Con Người”, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Chính nhờ lao động mà con người kiếm ra được lương thực hằng ngày và đóng góp vào sự tiến bộ liên tục của khoa học kỹ thuật và nhất là làm cho cộng đồng xã hội anh em của mình luôn luôn thăng tiến về văn hóa và đạo đức”.

Và cuối cùng, trong thời đại ngày hôm nay, ngành công nghiệp, kỹ thuật và tin học phát triển vượt bậc đã giúp cho cuộc sống con người thêm phần phong phú và tiện lợi. Tuy nhiên, lao động trong thời đại “cái gì cũng phát triển vượt bậc” như vậy cũng là một sự nhức nhối cho con người trên thế giới nói chung và người Việt Nam nói riêng. Một cách nào đó, cho dù sống trong một xã hội được coi là “tự do” nhưng con người, đặc biệt là những người lao động nghèo, ít học thức cũng đang bị bóc lột dưới nhiều hình thức ‘tinh vi’ khác nhau. Chính vì thế, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: vấn đề xã hội ngày nay có liên hệ với lao động, và chìa khóa để giải quyết vấn đề này chính là sự tôn trong phẩm giá lao công.

Nói tóm lại, bản chất của lao động luôn luôn tốt. Chỉ có cách hiểu của từng con người qua từng giai đoạn khác nhau đã làm cho lao động như là một “gánh nặng”; và, chỉ khi con người sử dụng lao động không đúng mục đích thậm chí không chịu lao động mới làm cho lao động trở nên hàm hồ và mất hết ý nghĩa.

“Lạy Chúa, cuộc sống mỗi ngày càng trở nên khó khăn vất vả hơn, nên trong khi lao động, con người đã làm tổn hại đến Danh Chúa và làm anh em xa cách nhau. Con người sinh lòng tham lam, gian dối, lọc lừa, trấn áp bóc lột nhau để gây ra bao nỗi đau khổ. Xin Chúa giúp con hiểu được ý nghĩa cao cả của lao động. Cho dù vất vả đến đâu, nhưng nhờ ơn Chúa nâng đỡ, con vẫn luôn tìm thấy niềm vui trong công việc. Xin đừng để con chỉ vì miếng cơm manh áo, vì đồng tiền bát gạo, mà quên đi lương tâm người Kitô hữu, đánh mất lương tri và phẩm giá làm người, đánh mất truyền thống cao đẹp của dân tộc và xem thường tình nghĩa anh em…” ( Trích sách Cầu Nguyện Với Phúc Âm Hằng Ngày, Giáo Phận Bà Rịa, trang 408)

Fx. Phan Dương, aa