“Thời gian nghỉ ngơi, đặc biệt là nghỉ ngơi ngày Chúa Nhật, được dành riêng cho chúng ta để chúng ta có thể tận hưởng điều không thể sản xuất và không thể tiêu thụ và không thể mua bán được... Ngày lễ là một món quà quý giá của Thiên Chúa; một món quà quý giá mà Thiên Chúa tạo thành cho gia đình nhân loại: Chúng ta đừng làm hỏng nó!”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 12 tháng 8 năm 2015 trong buổi Triều Yết Chung tại Đại Sảnh Phaolô VI. Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về Gia Đình. Ngài giải thích về các ngày lễ trong gia đình.

* * *


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta mở ra một con đường suy niệm nho nhỏ về ba chiều kích, có thể nói là đánh dấu nhịp độ cuộc sống gia đình là: ngày lễ, làm việc và cầu nguyện.

Hãy bắt đầu với ngày lễ. Hôm nay chúng ta sẽ nói về ngày lễ. Và chúng ta nói ngay rằng ngày lễ là một phát minh của Thiên Chúa. Chúng ta nhớ lại kết luận của tường thuật tạo dựng trong Sách Sáng Thế Ký mà chúng ta đã nghe: “Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Ngài làm. Khi làm xong mọi công việc, ngày thứ bảy, Ngài nghỉ ngơi. Thiên Chúa chúc phúc cho ngày thứ bảy và thánh hoá nó, vì trong ngày ấy Ngài đã nghỉ không còn làm mọi công việc tạo dựng của Ngài. “(2:2-3). Thiên Chúa dạy chúng ta về tầm quan trọng của việc dành thì giờ để chiêm ngưỡng và tận hưởng điều đã được thực hiện cách tốt đẹp bởi công việc. Đương nhiên là tôi nói về công việc, không những chỉ theo nghĩa thủ công và nghề nghiệp, nhưng theo nghĩa rộng: mọi hành động mà với nó chúng ta, những người nam hay nữ, có thể hợp tác vào công việc tạo dựng của Thiên Chúa.

Vì vậy, lễ nghỉ không phải là dịp lười biếng ngồi trên ghế bành, hay say sưa với những trò tiêu khiển vớ vẩn; không, ngày lễ trước hết và trên hết là một cái nhìn yêu thương và biết ơn về công việc được thực hiện tốt đẹp; chúng ta mừng một công việc. Ngay cả anh chị em, những cặp vợ chồng mới cưới, mừng những việc làm của một thời gian đính hôn tốt đẹp: và điều đó tuyệt đẹp! Đó là thời gian để nhìn vào con cái, cháu chắt, đang lớn lên, và nghĩ rằng: thật đẹp! Đó là thời gian để nhìn vào nhà của mình, những bạn bè mà mình đã tiếp đãi, cộng đồng chung quanh mình, và nghĩ rằng: thật tốt! Thiên Chúa đã làm như thế khi Ngài tạo dựng thế giới. Ngài liên tục làm như vậy bởi vì Thiên Chúa mãi mãi tạo dựng, ngay cả bây giờ!

Một ngày lễ có thể xảy ra trong những hoàn cảnh khó khăn và đau thương, và được mừng ngay cả “với một cái bướu trong cổ họng.” Tuy nhiên, ngay cả trong những trường hợp ấy, chúng ta xin Chúa ban sức mạnh để không hoàn toàn biến nó thành vô ích. Quý anh chị em là cha mẹ biết điều này: biết bao nhiêu lần, vì lợi ích của con cái, anh chị em có thể nuốt nỗi buồn để cho chúng sống một ngày lễ tốt đẹp, để chúng có thể thưởng thức ý nghĩa tốt đẹp của cuộc sống! Có biết bao yêu thương trong việc này!

Ngay cả trong môi trường làm việc, đôi khi – không sao lãng các bổn phận! - chúng ta biết để cho một vài tia sáng của việc mừng lễ “xâm nhập” vào đó: mừng sinh nhật, đám cưới, một em bé mới sanh, cũng như một người nghỉ việc hoặc mới vào... là những điều quan trọng. Điều quan trọng là ăn mừng. Đó là những giây phút làm quen trong bộ máy sản xuất: đó là điều tốt!

Nhưng thời gian thực sự của ngày lễ làm ngừng công việc chuyên môn, và là thời gian thánh thiêng, bởi vì nó nhắc lại cho những người nam nữ rằng họ đã được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng không phải là nô lệ của việc làm, nhưng là Chúa, và do đó chúng ta không bao giờ là nô lệ của công việc, nhưng là “chủ”. Có một giới răn cho điều này, một giới răn được áp dụng cho tất cả mọi người, chẳng trừ ai! Nhưng chúng ta biết rằng có hàng triệu người nam nữ và cả trẻ em đang làm nô lệ lao động! Trong thời gian này, chúng ta là nô lệ, bị bóc lột, nô lệ lao động, và điều này là chống lại Thiên Chúa cùng ngược lại với nhân phẩm!

Việc quá bận tâm với lợi nhuận kinh tế và hiệu quả của kỹ thuật đe doạ những nhịp điệu nhân bản của cuộc sống, bởi vì cuộc sống của con người có những nhịp điệu của nó. Thời gian nghỉ ngơi, đặc biệt là nghỉ ngơi ngày Chúa Nhật, được dành riêng cho chúng ta để chúng ta có thể tận hưởng điều không thể sản xuất và không thể tiêu thụ và không thể mua bán được. Nhưng chúng ta thấy rằng ý thức hệ về lợi nhuận và tiêu thụ muốn ăn tươi nuốt sống ngày lễ: đôi khi nó cũng bị thu hẹp thành một “dịp buôn bán”, một cách để kiếm tiền và tiêu tiền. Nhưng đó có phải là lý do để chúng ta làm việc không? Việc tham lam tiêu thụ, đưa đến việc phung phí, là một loại vi khuẩn kinh tởm trong số những vi khuẩn khác, cuối cùng làm cho chúng ta thấy mệt mỏi hơn trước. Nó làm tổn hại đến công việc thật và làm hao mòn cuộc sống. Những nhịp điệu vô trật tự của ngày lễ tạo ra những nạn nhân, thường là những người trẻ.

Sau cùng, thời gian của ngày lễ là thời gian thánh thiêng bởi vì Thiên Chúa ngự ở đó một cách đặc biệt. Thánh Lễ Chúa Nhật mang đến cho ngày lễ ân sủng của Đức Chúa Giêsu Kitô: sự hiện diện của Người, tình yêu của Người, hy tế của Người, việc biến chúng ta thành một cộng đồng, việc Người ở với chúng ta... Và như vậy, mọi thực tại nhận được ý nghĩa trọn vẹn của nó: việc làm, gia đình, những niềm vui và khó khăn của mỗi ngày, ngay cả đau khổ và cái chết; tất cả mọi sự đều được biến đổi bởi ân sủng của Đức Kitô.

Gia đình được cung cấp một khả năng chuyên môn ngoại thường để hiểu biết, hướng dẫn và nâng đỡ giá trị thực sự của thời gian ngày lễ. Nhưng điều tốt đẹp là mừng lễ trong gia đình, thật là đẹp! Và đặc biệt là vào ngày Chúa Nhật. Chắc chắn không phải là ngẫu nhiên mà những ngày lễ, trong đó có chỗ cho cả gia đình, là những ngày lễ thành công nhất!

Cùng một cuộc sống gia đình, được nhìn dưới cặp mắt đức tin, tỏ ra tốt đẹp hơn những cực nhọc mà chúng ta phải trả. Nó hiện ra như một kiệt tác của sự đơn giản, đẹp vì không giả tạo, không giả dối, nhưng có khả năng kết hợp với tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống thật. Nó xuất hiện như có một điều gì “rất tốt”, như Thiên Chúa đã phán sau khi tạo dựng người nam và người nữ (x St 1:31). Vì vậy, ngày lễ là một món quà quý giá của Thiên Chúa; một món quà quý giá mà Thiên Chúa tạo thành cho gia đình nhân loại: Chúng ta đừng làm hỏng nó!

http://giaoly.org/vn/

Nguyên bản: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2015/documents/papa-francesco_20150812_udienza-generale.html