PHẦN I: VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI

1.H. Theo sử sách, công cuộc truyền giáo ở Việt Nam bắt đầu năm nào và ở đâu?

T. Sách Khâm Định Việt sử thông giám cương mục cho biết năm 1533 giáo sĩ Inikhu đã đến truyền giáo ở xã Ninh Cường và xã Quần Anh, thuộc huyện Nam Chân và xã Trà Lũ thuộc huyện Giao Thuỷ, ngày nay thuộc tỉnh Nam Định, địa phận Bùi Chu.

2.H. Gần 500 năm hiện diện, Giáo Hội Công Giáo đã đóng góp những gì cho nền văn hóa Việt Nam?

T. Giáo Hội Công Giáo đã đóng góp rất nhiều cho nền văn hóa Việt Nam. Cụ thể Giáo Hội Công Giáo đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ, giới thiệu văn hóa Việt Nam với thế giới và giúp Việt Nam hội nhập với thế giới, tiếp cận với khoa học kỹ thuật tây phương, thành lập hệ thống giáo dục và y tế hiện đại, đón nhận các giá trị văn hóa văn minh của Kitô giáo như dùng lịch dương lịch, lấy năm Chúa Giêsu sinh ra làm căn cứ để tính thời gian, giúp Việt Nam từng bước loại bỏ tục đa thê và tiến đến chế độ hôn nhân một vợ một chồng như ngày nay v.v.

3.H. Tổng Giáo phận Hà Nội được thành lập vào năm nào và đã từng được gọi bằng những tên nào?

T. Tổng Giáo phận Hà Nội được thành lập năm 1659. Ban đầu được gọi là Giáo phận Đàng Ngoài. Sau đó, lần lượt được gọi tên là Giáo phận Tây Đàng Ngoài năm 1679, Giáo phận Hà Nội năm 1924 và Tổng Giáo phận Hà Nội năm 1960.

4. H. Tổng Giáo phận Hà Nội được hình thành qua những thời kỳ nào?

T. Tổng Giáo phận Hà Nội được hình thành và phát triển qua 3 thời kỳ: Thời Bảo Trợ từ năm 1627 đến năm 1659, thời Tông Tòa từ năm 1659 đến năm 1960 và thời Chính Tòa từ năm 1960 đến năm 2010.

5.H. Trong thời Bảo Trợ, Tổng Giáo phận Hà Nội có sự kiện nào đáng ghi nhớ?

T. Trong thời Bảo Trợ, trên phần đất Tổng Giáo phận Hà Nội hiện nay có 1 sự kiện đáng ghi nhớ: ngày 19 tháng 3 năm 1627, cha Alexandre de Rhodes (còn gọi là cha Đắc Lộ) và cha Mác-kê (Marquez) đến Cửa Bạng, Thanh Hóa, rồi được Chúa Trịnh mời về Thăng Long ngày 02 tháng 07 năm 1627.

6. H. Công cuộc truyền giáo ở Tổng Giáo phận Hà Nội trong thời Bảo Trợ diễn ra như thế nào?

T. Công cuộc truyền giáo ở Tổng Giáo phận Hà Nội trong thời Bảo Trợ rất thành công. Ngay khi đến Đàng Ngoài năm 1627, các thừa sai Dòng Tên đã lập nên những cộng đoàn tín hữu đông đảo từ Thăng Long đến Quảng Bình. Năm 1657, Đàng Ngoài đã có khoảng 350.000 tín hữu và 414 nhà thờ, trong đó Thăng Long có 4 nhà thờ ở nội thành và 12 nhà thờ ở ngoại thành.

7.H. Trong thời Tông Tòa, Tổng Giáo phận Hà Nội có những sự kiện nào đáng ghi nhớ?

T. Trong thời Tông Tòa, Tổng Giáo phận Hà Nội có những sự kiện sau đây đáng ghi nhớ:

1. Năm 1659, Tòa Thánh thành lập Giáo phận Đàng Ngoài, tiền thân của Tổng Giáo phận Hà Nội và bổ nhiệm Đức cha Phăng-xoa Pa-lu (François Pallu) coi sóc.

2. Năm 1669, Đức cha Lam-be Đờ La Mốt (Lambert de la Motte) đã truyền chức linh mục cho 7 thày ở Phố Hiến.

3. Năm 1670, Đức cha Lam-be Đờ La Mốt đã họp Công đồng Phố Hiến và lập nên Dòng Mến Thánh Giá tại Kiên Lao và Bái Vàng.

4. Năm 1912, Công đồng Bắc Kỳ lần thứ 2 diễn ra tại Kẻ Sở, dưới sự chủ tọa của Đức cha Đông, Giám mục Địa phận Tây Đàng Ngoài.

5. Năm 1934 Đức khâm sứ Cô-lôm-ban Đờ-rây-ê (Colomban Dreyer) triệu tập Công đồng Đông Dương tại Hà Nội.

6. Năm 1950, Tòa Thánh đã bổ nhiệm cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê, Chính xứ Hàm Long, làm Giám quản Tông tòa Giáo phận Hà Nội.

7. Năm 1954, khoảng 80 linh mục, hầu hết các tu sĩ, chủng sinh và khoảng 60 nghìn giáo dân di cư vào Nam.

8. Năm 1959, Đức Khâm sứ Đô-lây (Dooley) bị buộc phải rời khỏi Hà Nội, kết thúc sự hiện diện thường xuyên của Tòa Thánh tại Miền Bắc Việt Nam.

8.H. Công cuộc truyền giáo xây dựng Giáo Hội ở Tổng Giáo phận Hà Nội trong thời Tông Tòa diễn ra như thế nào?

T. Thời Tông Tòa kéo dài hơn 300 năm (1659-1960), Tổng Giáo phận Hà Nội trải qua những giai đoạn tồn tại và phát triển khác nhau:

- Giai đoạn 1659-1820: Tin Mừng liên tục được rao giảng và số tín hữu không ngừng gia tăng, Giáo Hội không ngừng phát triển và lan rộng bất chấp sự bách hại tôn giáo bất chợt xảy ra trong từng triều đại vua quan.

- Giai đoạn 1820-1884: Tổng Giáo phận Hà Nội bị bách hại dữ dội và chịu rất nhiều thiệt hại về nhân sự và vật chất do Nhà Nguyễn cấm đạo và do phong trào Văn Thân tàn phá. Mặc dù vậy, công cuộc truyền giáo vẫn phát triển và số tín hữu trong Tổng Giáo phận vẫn không ngừng gia tăng.

- Giai đoạn 1884-1954: Tổng Giáo phận được tương đối bình an, phát triển sâu rộng về mọi phương diện: Truyền giáo, tổ chức, đào tạo, phụng vụ, kiến trúc, văn hóa, giáo dục, truyền thông... Dung mạo Tổng Giáo phận được định hình và Tổng Giáo phận có ảnh hưởng to lớn trong Giáo Hội Việt Nam.

- Giai đoạn 1954-1960: Tổng Giáo phận càng ngày càng gặp nhiều khó khăn thử thách. Nhân sự sụt giảm; tài sản bị chiếm dụng; các tín hữu bị cô lập, đe dọa, sách nhiễu. Nhiều giáo dân, tu sĩ, linh mục bị bắt bớ, giam cầm. Đức Khâm Sứ bị trục xuất năm 1959. Công cuộc truyền giáo và xây dựng Giáo Hội bị đình chỉ hoặc kiểm soát gắt gao.

9.H. Trong thời Chính Tòa, Tổng Giáo phận Hà Nội có những sự kiện nào đáng ghi nhớ?

T. Trong thời Chính Tòa, Tổng Giáo phận Hà Nội có những sự kiện sau đây đáng ghi nhớ:

1. Năm 1960, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII nâng Giáo phận Hà Nội thành Tổng Giáo phận Hà Nội và bổ nhiệm Đức cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê làm Tổng Giám mục.

2. Năm 1976, Đức Tổng Giám Mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê được tấn phong làm Hồng Y tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam.

3. Năm 1979, Đức Tổng Giám Mục Giuse Maria Trịnh Văn Căn được tấn phong làm Hồng Y thứ hai của Giáo Hội Việt Nam.

4. Năm 1989, Đức Hồng Y Roger Etchegaray (Ét-sê-ga-rây) đại diện Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tới thăm Việt Nam, mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà Nước.

5. Năm 1994, Đức cha Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Hà Nội và làm Hồng Y thứ ba của Giáo Hội Việt Nam.

6. Năm 2005, Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Hà Nội.

7. Năm 2007, ngày 18 tháng 12 năm 2007, khoảng 3000 người đã cầu nguyện ở sân Tòa Khâm Sứ, khai mạc phong trào mưu tìm công lý và sự thật.

8. Năm 2009, ngày 24 tháng 11, Tổng Giáo phận Hà Nội tổ chức lễ khai mạc Năm Thánh của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam tại Sở Kiện.

10.H. Công cuộc truyền giáo và xây dựng Giáo Hội ở Tổng Giáo phận Hà Nội trong thời Chính Tòa diễn ra như thế nào?

T. Công cuộc truyền giáo và xây dựng Giáo Hội ở Tổng Giáo phận Hà Nội trong thời Chính Tòa, tính cho đến năm 2010 đã diễn ra như sau:

- Những năm 1960-1989: Tổng Giáo phận bị thiệt hại nặng nề do các chính sách bách hại tôn giáo của nhà cầm quyền. Vì thế, nhiều tín hữu bị đe dọa, bị cô lập, bị quản chế hoặc bị bắt giam và bị chết trong tù; nhiều người bỏ đạo và nhiều giáo điểm bị xóa sổ; công cuộc truyền giáo bị ngưng đọng; các cơ sở của Giáo Hội bị đóng cửa và chiếm dụng v.v... Nỗ lực của Tổng Giáo phận trong giai đoạn này chỉ là để bảo đảm cho các tín hữu giữ được đức tin trước muôn vàn khó khăn thử thách.

- Những năm 1989-2010: Tổng Giáo phận từng bước được phục hồi do chính quyền giảm bớt các chính sách và biện pháp sai lầm và khắc nghiệt đối với các tôn giáo: Tổng Giáo phận tái lập và củng cố việc đào tạo, tái lập các mối quan hệ quốc tế; phục hồi và thành lập các hội đoàn đạo đức; tái thiết cơ sở vật chất. Nỗ lực của Tổng Giáo phận trong giai đoạn này là củng cố được đời sống đức tin của các tín hữu và từng bước tái tổ chức công cuộc truyền giáo cho lương dân.

11.H. Vì sao Tổng Giáo phận Hà Nội có vai trò quan trọng đối với Giáo Hội và đất nước Việt Nam?

T. Vì phần đất thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội là nơi tọa lạc kinh đô, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, là nơi hội tụ, gặp gỡ, giao lưu của nhiều dân tộc và tôn giáo; cũng chính tại phần đất này, từ rất sớm đã diễn ra công cuộc truyền giáo và xây dựng Giáo Hội và dần dần Tổng Giáo phận Hà Nội trở thành giáo phận Mẹ của các giáo phận trong giáo tỉnh Hà Nội.

12.H. Tổng Giáo phận Hà Nội trước đây và ngày nay bao gồm những địa danh và nằm trong những phần đất nào?

T. Trước đây, thời Tổng Giáo phận Hà Nội đang được gọi là Đàng Ngoài, thì địa giới bao gồm Đàng Ngoài của Việt Nam, nước Lào và 5 tỉnh Miền Nam Trung Quốc. Địa giới Tổng Giáo phận Hà Nội hiện nay gồm các quận huyện thuộc Hà Nội nằm giữa sông Hồng và sông Đáy, toàn bộ tỉnh Hà Nam, phần lớn diện tích thành phố Nam Định nằm ở bờ bắc sông Đào và 4 huyện miền trên của tỉnh Nam Định, vùng đông bắc của tỉnh Hòa Bình, và một xã thuộc tỉnh Hưng Yên.

13.H. Từ khi được thành lập đến nay, Tổng Giáo phận Hà Nội đã được bao nhiêu Đức Giám mục lãnh đạo và phục vụ? Hãy kể tên các ngài.

T. Từ khi được thành lập năm 1659 đến nay, Tổng Giáo phận Hà Nội đã được 20 Đức Giám mục chủ chăn và 12 Đức Giám mục phó hoặc phụ tá phục vụ. Đó là các Đức cha sau đây:

1. Đức cha François Pallu (1659-1679)

2. Đức cha Jacques de Bourges (1679-1714)

3. Đức cha Edmé Belot (1714-1717)

4. Đức cha François Gabriel Guisain (1718-1723)

5. Đức cha Louis Neez (1723-1764)

6. Đức cha Bertrand Reydellet (1764-1780)

7. Đức cha Jean Davoust (1780-1789)

8. Đức cha Jacques Benjamin Longer Gia (1789-1831)

9. Đức cha Jean Marie Havard Du (1831-1838)

10. Đức cha Dumaulin Borie Cao (1838)

11. Đức cha Pierre André Retord Liêu (1838-1858)

12. Đức cha Charles Hubert Jeantet Khiêm (1858-1866)

13. Đức cha Joseph Simon Theurel Chiêu (1866-1868)

14. Đức cha Paul Puginier Phước (1868-1892)

15. Đức cha Pierre Marie Gendreau Đông (1892-1935)

16. Đức cha François Chaize Thịnh (1935-1949)

17. ĐHY TGM Giuse Maria Trịnh Như Khuê (1950-1978)

18. ĐHY TGM Giuse Maria Trịnh Văn Căn (1978-1990)

19. ĐHY TGM Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng (1990-2003)

20. Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt (2003- )

Các Giám Mục phó hoặc phụ tá

1. Đức Giám mục Louis-Marie-Henri-Joseph Bigolet

2. Đức Giám mục Jean-Pierre-Alexandre Marcou

3. Đức Giám mục Jean-Denis Gauthier

4. Đức Giám mục Jean-François Ollivier

5. Đức Giám mục Jean-Jacques Guérard

6. Đức Giám mục Charles La Mothe

7. Đức Giám mục Edmond Bennetat

8. Đức Giám mục Louis-Marie Deveaux

9. Đức Giám mục Edme Bélot

10. Đức Giám mục Phụ tá Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang (1981-1990)

11. Đức Giám mục Phụ tá Phaolô Lê Đắc Trọng (1994-2006)

12. Đức Giám mục Phụ tá Lôrenxô Chu Văn Minh (2008-)

14.H. Hiện nay (2010) Tổng Giáo phận Hà Nội có bao nhiêu giáo xứ và bao nhiêu giáo dân?

T. Tổng Giáo phận Hà Nội hiện nay có 141 giáo xứ, được chia thành 5 giáo hạt là Chính Tòa, Thanh Oai, Phú Xuyên, Hà Nam và Nam Định. Số giáo dân khoảng 330.000 không kể hàng chục nghìn tín hữu nhập cư đang sinh sống trong địa bàn Tổng Giáo phận.

15.H. Hiện nay Tổng Giáo phận Hà Nội có bao nhiêu linh mục và chủng sinh?

T. Năm 2010, Tổng Giáo phận có 104 linh mục triều, 13 linh mục dòng, 70 chủng sinh và 150 tiền chủng sinh.

16.H. Hiện nay Tổng Giáo phận Hà Nội có bao nhiêu dòng tu và tu sĩ?

T. Hiện nay ước tính có khoảng 20 nam tu sĩ thuộc 4 dòng nam và 400 nữ tu thuộc 20 dòng nữ, nhưng chủ yếu là Dòng Mến Thánh Giá đang hiện diện và phục vụ tại Hà Nội. Trong đó có các dòng tu hiện diện lâu năm tại Hà Nội là Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội và Dòng Thánh Phaolô thành Chartres.

17.H. Hiện nay, Tổng Giáo phận Hà Nội có mấy đền thánh và mấy trung tâm hành hương để nhận ân xá trong Năm Thánh?

T. Hiện nay Tổng Giáo phận Hà Nội có 3 đền thánh, đó là Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Thái Hà, Đền Thánh Phêrô Lê Tùy ở Bằng Sở, Đền Thánh Tử Đạo Sở Kiện. Tổng Giáo phận cũng có 4 trung tâm hành hương để nhận ân xá trong Năm Thánh 2010 là Nhà Thờ Chính Tòa, Nhà Thờ giáo xứ Từ Châu, Nhà Thờ giáo xứ Vĩnh Trị và Nhà Thờ giáo xứ Sở Kiện.

18.H. Tại sao lại chọn Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội là 1 trong 4 trung tâm hành hương Năm Thánh 2010 của Tổng Giáo phận?

T. Chọn Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội làm nơi hành hương Năm Thánh 2010 của Tổng Giáo phận vì lý do sau đây:

Thứ nhất: là nơi đặt ngai tòa của Đức Tổng Giám mục Hà Nội, đây cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến lịch sử Tổng Giáo phận và lịch sử Giáo Hội Việt Nam.

Thứ hai: đây cũng là nơi an nghỉ của Đức Giám mục thừa sai cuối cùng của Tổng Giáo phận là Đức cha Chaize Thịnh và ba đấng chủ chăn của Tổng Giáo phận cũng là ba Đức Hồng Y đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam; nơi lưu giữ thủ cấp cha Thánh Dũng Lạc.

Thứ ba: nơi cha Đắc Lộ đã đến rao giảng Tin Mừng, có pháp trường Ô Cầu Giấy, có thành Cửa Bắc, nơi giam giữ và xử trảm cha Thánh Ven, có Kẻ Sét nơi thánh Thịnh sinh ra, có ngôi nhà Nguyện đầu tiên, có nhà Đức cha Puginier Phước tức là nhà nguyện Fatima.

19.H. Tại sao lại chọn Nhà thờ Vĩnh Trị làm trung tâm hành hương trong Năm Thánh 2010 của Tổng Giáo phận?

T. Nhà thờ Vĩnh Trị được chọn làm nơi hành hương Năm Thánh 2010 của Tổng Giáo phận vì 4 lý do sau đây:

- Thứ nhất: Vì từ khoảng năm 1719 đến những năm 1860, Vĩnh Trị là thủ phủ của Giáo phận Tây Đàng Ngoài, là nơi từng tồn tại Chủng viện và những nhà in, nhà thương đầu tiên của Giáo phận.

- Thứ hai: Vĩnh Trị là nơi ghi dấu ấn của nhiều vị thừa sai mà một số còn đang an nghỉ nơi đây.

- Thứ ba: Vĩnh Trị là nơi bị bách hại đạo dữ dội điển hình, nhiều lần hồi thế kỷ 19 và cũng là nơi tín hữu kiên trì, bất khuất và vững tin tái thiết Giáo Hội.

- Thứ bốn: Vĩnh Trị là nơi các thánh tử đạo Antôn Nguyễn Đích, Micae Nguyễn Huy Mỹ, Giacôbê Năm và Phaolô Lê Bảo Tịnh, sinh sống, phục vụ, bị bắt rồi được phúc tử vì đạo.

20.H. Tại sao lại chọn Nhà thờ Sở Kiện làm trung tâm hành hương trong Năm Thánh 2010 của Tổng Giáo phận?

T. Nhà thờ Sở Kiện được chọn làm nơi hành hương Năm Thánh của Tổng Giáo phận vì 4 lý do sau đây:

- Thứ nhất: Sở Kiện nguyên là Nhà Thờ Chính tòa và nơi đặt Tòa Giám Mục của Giáo phận Hà Nội từ những năm 1860 đến cuối thế kỷ 19; là nơi an nghỉ của Đức cha Retord Liêu, Đức cha Theurel Chiêu, Đức cha Puginier Phước và Đức cha Gendreau Đông.

- Thứ hai: Sở Kiện là quê hương của hai Thánh Tử Đạo là Phêrô Trương Văn Đường và Phêrô Trương Văn Thi.

- Thứ ba: Sở Kiện là nơi lưu giữ thủ cấp Thánh Thi, hài cốt các vị tử đạo và nhiều chứng tích tử đạo và ngày nay là Trung Tâm Hành Hương của Tổng Giáo phận.

- Thứ bốn: Vì Sở Kiện là trung tâm văn hóa, tinh thần của Giáo phận từ giữa thế kỷ 19 đến những năm đầu thập niên 1930, nơi đã diễn ra những sự kiện quan trọng của Giáo phận Hà Nội và của Giáo Hội Việt Nam, như Lễ Khai Mạc Năm Thánh 2010.

21.H. Tại sao lại chọn Nhà thờ Từ Châu làm trung tâm hành hương trong Năm Thánh 2010 của Tổng Giáo phận?

T. Nhà thờ Từ Châu được chọn làm nơi hành hương Năm Thánh 2010 của Tổng Giáo phận vì 4 lý do sau đây:

- Thứ nhất: Trong những năm 1857-1861 các Đức Giám mục của Giáo phận đã ẩn náu ở đây. Ngày 6-3-1859, Đức Cha Khiêm đã tấn phong Giám mục cho Đức Cha Theurel Chiêu.

- Thứ hai: Giáo dân Từ Châu đã kiên trì giữ vững đức tin và can đảm đón nhận và bảo vệ các Giám mục, các thừa sai trong những năm đạo bị bách hại.

- Thứ ba: Từ Châu là nơi an táng và lưu giữ thủ cấp thánh Ven.

- Thứ bốn: Từ Châu là giáo xứ vùng sâu vùng xa nhưng biết trân trọng, giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa và đức tin.

22.H. Đức Cha Lam-be đờ la Mốt đã giúp gì cho Tổng Giáo phận Hà Nội?

T. Mặc dù ngài không phải là Giám mục coi sóc Giáo phận Đàng Ngoài nhưng ngài đã thay mặt Đức Cha Pa-lu truyền chức cho các linh mục Việt Nam đầu tiên ở đây; lập dòng Mến Thánh Giá; chủ tọa Công đồng đầu tiên ở Phố Hiến. Ngài là vị Giám mục đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này.

23.H. Cha Alexandre de Rhodes có đóng góp gì trong công cuộc truyền giáo?

T. Cha Alexandre de Rhodes được coi là vị thừa sai lỗi lạc của Tổng Giáo phận Hà Nội, cũng là người sáng lập Giáo phận Đàng Ngoài. Chỉ trong ít năm, từ 1627 đến 1629, khi ở Miền Bắc mà chủ yếu là ở Thăng Long, ngài đã rửa tội được khoảng 5000 người, lập nên Hội Thầy Giảng và các nhóm trinh nữ tận hiến, đặt nền tảng cho Giáo Hội ở đây trong việc tổ chức, phụng vụ, đào tạo nhân sự, truyền giáo. Ngoài ra ngài còn mở đường cho việc học hỏi và nghiên cứu văn hóa phục vụ cho việc truyền giáo, đồng thời góp phần gìn giữ, bảo tồn văn hóa Việt Nam qua việc xuất bản các tác phẩm chữ Nôm, hoàn thành việc sáng tạo chữ quốc ngữ và phổ biến các thành tựu khoa học, kỹ thuật.

24.H. Tại sao mối giao hảo giữa chúa Trịnh và cha Đắc Lộ không được lâu bền?

T. Mối giao hảo giữa chúa Trịnh và cha Đắc Lộ không được lâu bền có thể vì:

- Giáo lý cha Đắc Lộ dạy phải ăn ở một vợ một chồng, trong khi đó giới quan lại và quý tộc lại có nhiều vợ, nhiều thê thiếp.

- Hoặc chính các bà phi, thiếp của chúa Trịnh sợ rằng một khi chúa Trịnh theo đạo, sẽ ruồng rẫy mình, nên tạo áp lực để chúa Trịnh ra chỉ dụ cấm đạo và trục xuất.

- Chúa Trịnh vì sức ép trong phủ, sợ rằng tôn giáo sẽ ảnh hưởng tới chính trị, nên đã trục xuất cha Đắc Lộ.

25.H. Hãy cho biết sự nghiệp mà Đức cha Pa-lu đã để lại cho Giáo Hội đàng ngoài là gì?

T. Mặc dù chưa đặt chân lên đất nước Việt Nam nhưng Đức cha Pallu đã để lại cho Giáo Hội Đàng Ngoài là:

- Thiết lập chủng viện thừa sai ngoại quốc.

- Chuẩn bị đường biển đi truyền giáo.

- Thành lập bang giao giữa các nước.

- Củng cố quyền đại diện các Tông Tòa.

26.H. Hãy cho biết sơ qua vài nét về Giáo phận Tây Đàng Ngoài dưới thời chúa Trịnh (1714 – 1789)?

T. Cuộc bách hại đạo dưới thời chúa Trịnh gây nhiều khó khăn cho Giáo phận Tây Đàng Ngoài: các Giám mục bị trục xuất hoặc phải lẩn trốn, nhiều giáo sĩ thừa sai, các linh mục bản xứ, thày giảng và giáo dân bị cấm giảng đạo, bị bắt bớ và bị giết vì đạo. Mặc dầu gặp nhiều khó khăn như thế, nhưng Giáo phận vẫn phát triển. Năm 1773, toàn Giáo phận Tây Đàng Ngoài có 131.727 giáo dân, nhiều chủng viện được thành lập, số giáo sĩ Việt Nam đã lên tới hơn 40 vị, hàng trăm thày giảng và khoảng 300 nữ tu Mến Thánh Giá đã góp phần không nhỏ vào việc truyền giáo trong Giáo phận.

27.H. Đức cha Retord Liêu là người như thế nào?

T. Đức cha Retord Liêu sinh năm 1803 ở Pháp, mất ở Hà Nam năm 1858, làm Giám mục Tây Đàng Ngoài 20 năm, từ 1838 đến 1858, tức là trong 2 thập niên Đạo bị bách hại dữ dội nhất. Ngay trong những năm đạo bị bách hại dữ dội, ngài đã tổ chức và lãnh đạo Giáo phận phát triển về mọi phương diện, đặc biệt trong việc đào tạo nhân sự, mở rộng việc truyền giáo, mở nhà in và hội Hàn lâm.

28.H. Đức cha Puginier Phước là người như thế nào?

T. Đức cha Phước sinh năm 1835 ở Pháp và mất năm 1892 ở Hà Nội, làm Giám mục Tây Đàng Ngoài từ năm 1868 đến 1892. Ngài đã có công mở rộng việc truyền giáo, xây dựng nhà thờ Chính Tòa Kẻ Sở (1877-1882) và Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội (1882-1886), xây dựng, tổ chức và phát triển các Chủng viện Hoàng Nguyên và Kẻ Sở, mời Dòng Saint Paul Thành Chartres về Hà Nội phục vụ.

29.H. Đức cha Gendreau Đông là người thế nào?

T. Đức cha Đông sinh năm 1850 ở Pháp, mất năm 1935 ở Hà Nội, an táng tại Kẻ Sở. Ngài làm Giám mục giai đoạn 1892-1935, tức là trong những năm Giáo phận được củng cố và phát triển trong tự do và bình an. Ngài đã có công điều tra, nghiên cứu sưu tầm về các vị tử đạo trong Giáo phận, góp phần quan trọng tôn phong 27 chân phúc tử đạo. Ngài cũng mở rộng việc truyền giáo, xây dựng nhiều cơ sở vật chất của Giáo phận, thành lập các bệnh viện, các trường học, phát triển các nhà in và sáng lập báo nguyệt san Trung Hòa, gửi các chủng sinh đi du học, nâng cấp việc đào tạo trong Chủng viện, mời các dòng tu như La San, Carmen, Chúa Cứu Thế, Đa Minh, Xuân Bích đến Hà Nội.

30.H. Đức cha Chaize Thịnh là người như thế nào?

T. Đức cha Thịnh sinh năm 1882 ở Pháp, mất năm 1949 ở Hà Nội, an táng tại nhà thờ Chính Tòa Hà Nội. Ngài là Giám mục Giáo phận từ năm 1935 đến 1949 tức là trong thời chiến tranh Pháp-Nhật (1940-1945), cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 và chiến tranh Pháp-Việt (1945-1954). Giữa muôn vàn khó khăn, phức tạp, ngài đã phát triển việc truyền giáo cho dân tộc thiểu số vùng Hòa Bình, phát triển các cơ sở giáo dục ở các giáo xứ, phát triển các phong trào Công Giáo tiến hành, thành lập câu lạc bộ nghiên cứu xã hội, phát triển báo Trung Hòa lên 3 số mỗi tuần, duy trì sự hiệp nhất trong Giáo phận trong thời buổi bị chiến tranh và cách mạng phân hóa và tàn phá.

31.H. Hãy cho biết vài nét sơ lược về tình hình Giáo phận Hà Nội dưới triều nhà Nguyễn Tây Sơn (1788-1802)?

T. Dưới triều nhà Nguyễn Tây Sơn, Giáo phận sống trong hoàn cảnh đất nước nửa hòa bình, nửa chiến tranh. Nhưng với sự khôn ngoan kiên trì của các Giám mục làm cho giáo đoàn thêm tin tưởng và hy vọng.

32.H. Hãy cho biết đôi nét về tình hình Giáo phận Hà Nội dưới triều Nguyễn (1802-1883)?

T. Dưới triều Nguyễn từ Gia Long tới Tự Đức (1802-1883). Thời nhà Trịnh, đạo Chúa đã gặp nhiều khó khăn, tưởng rằng bước sang thời nhà Nguyễn sẽ tươi sáng hơn, nhưng thực tế đạo trong thời kỳ nhà Nguyễn cho tới Tự Đức gặp khó khăn thử thách hơn nhiều.

- Nếu đạo Chúa gieo trong khóc lóc để gặt trong vui tươi thì đây chính là thời kỳ hạt giống Đức Tin của Thiên Chúa đã gieo trong khóc lóc.

- Đối với Giáo phận, thời kỳ này đã trải qua 5 đời Giám mục: Đức Cha Longer; Đức Cha Havart; Đức Cha Retord (Liêu); Đức Cha Jeantet (Khiêm); Đức Cha Theurel (Chiêu). Các Ngài đều là những nhà lãnh đạo tầm vóc có thể đương đầu với thế thời.

33.H. Tình hình Giáo phận Hà Nội dưới thời bảo hộ của Pháp (1883-1945)?

T. Giáo phận Hà Nội nói riêng và toàn cõi miền Bắc nói chung bước vào thời kì phức tạp. Nhà Nguyễn mất quyền tự chủ, nước Việt Nam đặt dưới sự bảo hộ của Pháp. Nhà vua vẫn còn nhưng quyền chính trị phải theo chính phủ bảo hộ sắp đặt.

- Ở Giáo phận trong thời gian này được bình an Đức Cha Phước (Puginer 1868-1927) bắt tay vào việc tổ chức kiến thiết các nhà thờ (Sở Kiện, Nhà thờ Lớn Hà Nội), mời dòng nữ Saint Paul từ Sài Gòn ra Hà Nội nhận các việc bác ái, giáo dục và mở trường Sainte Marie. Buổi giao thời từ Tự Đức cho đến đầu thời thuộc bảo hộ của Pháp. Đức Cha Đông (Gendreau) coi sóc từ 1892-1935 (hoàn toàn dưới thời bảo hộ). Đức Cha Thịnh (Chaize) từ 1935-1949 (cuối thời kỳ bảo hộ đến thời kì lập đất nước).

34.H. Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Như Khuê là người thế nào?

T. Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Như Khuê sinh năm 1899 tại Tràng Duệ và mất năm 1978. Ngài là Giám mục người Việt đầu tiên của Tổng Giáo phận Hà Nội vào năm 1950, được vinh thăng Tổng Giám mục Hà Nội năm 1960 và được phong Hồng Y tiên khởi của Việt Nam vào năm 1976.

Ngài lãnh đạo Tổng Giáo phận trong giai đoạn có nhiều thử thách và đau thương, ngài đã kêu gọi hàng giáo sĩ ở lại Miền Bắc; quy tụ các linh mục tài ba, đạo đức để cùng nhau bảo vệ và xây dựng Giáo Hội trong cơn gian nan khốn khó; duy trì sự hiệp nhất, yêu thương của các thành phần dân Chúa với nhau và với Tòa Thánh; xác lập đường hướng mục vụ, diện mạo, cung cách sống và làm chứng cho đức tin trong giáo tỉnh Hà Nội trong những thập niên khó khăn.

35.H. Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn sinh và mất năm nào? Ngài làm Giám mục và Hồng Y vào năm nào? Ngài đã để lại dấu ấn gì trong Giáo phận và Giáo Hội Việt Nam?

T. Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn sinh năm 1921 tại Bút Đông. Ngài giữ chức Tổng Giám mục Hà Nội từ năm 1978, được phong tước Hồng Y năm 1979 và ngài qua đời năm 1990.

Ngài làm chủ chăn của Tổng Giáo phận trong giai đoạn khó khăn, thử thách lên đến cao độ, đồng thời bắt đầu có những dấu hiệu hy vọng trong Giáo Hội Việt Nam.

Ngài là người đã tái lập chủng viện Hà Nội, tái lập mối liên lạc công khai, chính thức giữa các Giám mục với Tòa Thánh, giữa Giáo Hội Việt Nam với Giáo Hội các quốc gia khác, giữa Giáo Hội và Nhà Nước Việt Nam. Ngài cũng là người cải tổ Dòng Mến Thánh Giá, sưu tầm, biên soạn thánh ca, dịch và xuất bản Kinh Thánh. Ngài có lòng yêu mến và sùng kính Đức Mẹ một cách đặc biệt.

Một số thời kỳ, ngài còn kiêm nhiệm chức vụ Giám quản các Giáo phận Thái Bình, Hưng Hóa, Huế, Thanh Hóa, đồng thời ngài còn đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam.

Đối với toàn thể Giáo Hội Việt Nam, ngài là người có vai trò then chốt và quan trọng nhất trong việc thành lập Hội Đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 và việc tôn phong các chân phúc Tử Đạo Việt Nam lên hàng hiển thánh năm 1988.

36.H. Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng sinh và mất năm nào? Ngài làm Giám mục và Hồng Y vào năm nào? Ngài đã gánh vác những chức vụ nào và để lại dấu ấn gì trong Giáo phận và Giáo Hội Việt Nam?

T. Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng sinh năm 1919 tại Ninh Bình, làm giám đốc Tiểu Chủng Viện Gioan năm 1955, Giám mục Bắc Ninh năm 1963 và làm Hồng Y Tổng Giám mục Hà Nội từ năm 1994, Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam (1995-2001), Giám quản giáo phận Lạng Sơn (1998-1999), thành viên Bộ Truyền giáo và Hội đồng Đồng Tâm (1995-2003).

Ngài là người thánh thiện, đạo đức, một mục tử khôn ngoan, nhiệt thành, hiền hoà và can đảm luôn tận tâm hy sinh phục vụ đoàn chiên và được đoàn chiên thương mến. Ngài đã chú trọng đào tạo nhân sự, nâng cấp quy mô đào tạo của Đại Chủng viện Hà Nội, tái lập việc gửi các linh mục đi du học ngoại quốc sau 40 năm gián đoạn, sáng lập Tu đoàn Nam Truyền Tin (1996) và Tu đoàn Nữ Truyền Tin (2002), phục hồi phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, Hội Dòng Ba Phan Sinh, Hội Legio Marie (1995), thành lập Hội Gia đình cùng theo Chúa (2000), Gia đình Thánh Tâm (2003), Hội Sinh viên Công Giáo Tổng Giáo phận Hà Nội (1998). Ngài đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, xây dựng và phát triển Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực tông đồ, đào tạo, tổ chức nhân sự và liên hệ ngoại giao giữa Giáo Hội và Nhà Nước.

37.H. Ai là Đức Tổng Giám mục đương nhiệm của giáo phận Hà Nội? Hãy cho biết đôi nét về tiểu sử của Ngài?

T. Là Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt sinh ngày 04 tháng 09 năm 1952 tại Lạng Sơn. Ngài thụ phong linh mục năm 1991 tại Giáo phận Long Xuyên, làm Giám mục Lạng Sơn-Cao Bằng năm 1999, được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa Tổng Giáo phận Hà Nội năm 2003 và được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Hà Nội ngày 19 tháng 2 năm 2005. Hiện nay, ngài còn kiêm chức Tổng Thư Ký của Hội Đồng Giám mục Việt Nam

38.H. Kể từ khi Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt làm Tổng Giám mục Hà Nội đến nay, Ngài có những đường hướng mục vụ nào?

T. Kể từ khi Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt làm Tổng Giám mục Hà Nội đến nay ngoài việc xây dựng các cơ sở hạ tầng và Ngài còn đặc biệt quan tâm tới:

- Việc đào tạo nhân sự cho Giáo phận: phát triển cơ sở đào tạo của Đại Chủng Viện Hà Nội, mời gọi các hội dòng tới hiện diện và cộng tác xây dựng Giáo phận.

- Xây dựng đức tin có chiều sâu và trưởng thành cho mọi thành phần: mở các lớp thường huấn, tĩnh tâm cho linh mục và giáo dân, thành lập các trung tâm hành hương, các giáo xứ và giáo họ mới.

- Ngài chú trọng đặc biệt tới công việc truyền giáo, thăng tiến đời sống giáo dân qua các chương trình từ thiện bác ái, mở các trung tâm giúp đỡ những người nghèo đói, cô đơn và khuyết tật.

- Hiệp nhất mọi thành phần dân Chúa trong Tổng Giáo phận và khích lệ mọi người hăng say, can đảm sống chứng tá trong mọi hoàn cảnh và mở rộng đối thoại với các thành phần tôn giáo và xã hội.

39.H. Kể từ khi Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt làm Tổng Giám mục Hà Nội đến nay có những sự kiện nào đáng ghi nhớ?

T. Ngoài việc chu toàn sứ vụ của người mục tử Tổng Giáo phận còn có những sự kiện lớn như sau:

- Năm 2005 đón tiếp Đức Hồng Y Sepe, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, thăm Tổng Giáo phận và phong chức linh mục cho 57 thầy trong giáo tỉnh tại Nhà thờ Chính Tòa.

- Năm 2007, cha Giuse Đặng Đức Ngân, Tổng Đại diện Tổng Giáo phận Hà Nội, được tấn phong làm Giám mục Lạng Sơn-Cao Bằng.

- Năm 2007-2008 phong trào hiệp thông cầu nguyện cho công lý và sự thật ở Tổng Giáo phận Hà Nội được khởi phát.

- Năm 2008, cha Lôrenxô Chu Văn Minh, giám đốc Đại Chủng Viện Hà Nội, được tấn phong làm Giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội.

- Năm 2008, Tổng Giáo phận tích cực cứu giúp các nạn nhân trong cơn lũ lụt lịch sử vào đầu tháng 11.

- Năm 2009, Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng và Đức cha Phụ tá Phaolô Lê Đắc Trọng qua đời.

- Năm 2009, Tổng Giáo phận tổ chức thành công Lễ Khai mạc Năm Thánh của Giáo Hội Công GiáoViệt Nam tại Sở Kiện (Kẻ Sở).

Nguồn: Chương Trình Hoc Hỏi Giáo Lý 2010 của TGP Hà Nội