Dẫn nhập

Đã có nhiều cách, nhiều con đường để tiếp cận với vấn đề nầy: linh mục thừa tác, ngài là ai? Ở đây, nhân Năm Thánh Linh mục, chúng tôi mạo muội đề xuất một cách hiểu về căn tính của vị linh mục thừa tác (sacerdoce ministériel) qua lăng kính mầu nhiệm ngôi hiệp (union hypostatique)…

Qua lăng kính mầu nhiệm ngôi hiệp, chúng tôi sẽ lần lượt đào sâu những vấn đề sau đây:

1- Tương quan giữa Đức Kitô và vị linh mục thừa tác;

2- Tương quan giữa vị linh mục thừa tác và Bí tích Thánh Thể;

3- Tương quan giữa vị linh mục thừa tác và Bí tích Hòa giải;

4- Linh mục thừa tác, ngài là ai?

BÀI 1:

Tương quan giữa Đức Kitô và vị Linh Mục Thừa Tác qua lăng kính mầu nhiệm Ngôi Hiệp

Vào đề

Trong ngôn ngữ “nhà đạo” thông thường người ta hay gọi vị linh mục thừa tác (sacerdoce ministériel) là “Alter Christus”, là “in personna Christi”… “Alter Christus” thường được chuyển ngữ là “Đức Kitô khác” hay “Đức Kitô thứ hai”. “In personna Christi” thường được chuyển ngữ là “nhân danh Đức Kitô”, “đại diện Đức Kitô”, “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”, v.v… Cả hai cách chuyển ngữ nầy đều vừa thừa vừa thiếu. Thừa vì có vẻ như có hai “ngôi vị”. Thiếu vì thiếu tình trạng hiệp nhất giữa Đức Kitô và con người linh mục…

1- Mầu nhiệm ngôi hiệp (union hypostatique)

Trong ngôn ngữ kitô-học, mầu nhiệm thần tính và nhân tính của Đức Kitô hiệp nhất với nhau trên cơ sở chỉ có một Ngôi Vị duy nhất là Đức Kitô thường được gọi tắt là Mầu nhiệm ngôi hiệp. Nghĩa là thần tính nhận nhân tính cùng với những thụ cảm làm của mình hay “là” mình (appropriation) và thông ban (communication) cho nhân tính đó một số yếu tố đặc thù mà thần tính vốn có “vì loài người chúng ta” và “để cứu độ chúng ta”... Tuy mỗi bản tính vẫn là mình, không hòa lẫn (như nước biển với nước ngọt), nhưng cũng không hoàn toàn tách biệt (như dầu hôi với nước lã)… Một số giáo phụ so sánh sự hiệp nhất giữa thần tính và nhân tính với sự hiệp nhất giữa hồn và xác trên cơ sở ngôi vị của một cá thể… Chúng tôi thích hơn hình ảnh hai người yêu nhau, dù vẫn còn một số yếu tố bất toàn: khi yêu nhau, người ta trở nên một (cái “chúng ta”), dù mỗi người vẫn là mình…

2- Tương quan giữa Đức Kitô và vị linh mục thừa tác qua lăng kính mầu nhiệm ngôi hiệp

Để có thể hiểu được vị Linh mục thừa tác là ai và là gì, ở đây, chúng tôi mạo muội đề nghị một lối hiểu qua lăng kính mầu nhiệm ngôi hiệp. Nghĩa là: Qua Bí tích truyền chức, dưới quyền năng và tác động của Chúa Thánh Thần, Đức Kitô nhận con người linh mục mà Ngài đã gọi và chọn đó, cùng với những sở trường và sở đoản, “là” Mình hay “là” Ngài (appropriation), đồng thời thông ban cho vị linh mục đó một số yếu tố đặc thù thần linh mà vốn là sở hữu của Ngài (communication) và cả hai hiệp nhất nên một trên cơ sở Ngôi Vị Đức Kitô (in personna Christi)…

3- Cơ sở Thánh kinh của những hành vi “nhận làm của mình” hay “nhận là mình” (appropriations)

- Mt 25, 31-46: “[…]. ‘Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một người trong các anh em hèn mọn nhất nầy của Ta, là các ngươi đã làm cho chính mình Ta’.[…]. ‘Quả thật, Ta bảo các ngươi, những gì các ngươi đã không làm cho một người nào trong các kẻ hèn mọn nhất nầy, là các ngươi đã không làm cho chính mình Ta’.”

- Mt 10, 40: “Kẻ tiếp đón các ngươi là tiếp đón Ta; và kẻ tiếp đón Ta, là tiếp đón Đấng đã sai Ta”.

- Mt 18, 5: “Và kẻ nào tiếp đón một trẻ nhỏ nầy vì danh Ta, tức là tiếp đón Ta”.

- Mc 9, 37: “Kẻ nào tiếp đón một trẻ nhỏ thế nầy vì danh Ta, tức là tiếp đón Ta; kẻ nào tiếp đón Ta, thì không phải người ấy tiếp đón Ta, mà là Đấng đã sai Ta”.

- Lc 9, 48: “Kẻ nào đón tiếp trẻ nhỏ nầy vì danh Ta, tức là tiếp đón Ta; và kẻ tiếp đón Ta là tiếp đón Đấng đã sai Ta…”

- Lc 10, 16: “Ai nghe các ngươi là nghe Ta, và ai thảy bỏ các ngươi là thảy bỏ Ta, mà ai thảy bỏ Ta là thảy bỏ Đấng đã sai Ta”.

- Ga 23, 20: “Quả thật, qủa thật, Ta bảo các ngươi: ai chịu lấy kẻ Ta sai đến, là chịu lấy Ta, mà ai chịu lấy Ta, tức là chịu lấy Đấng đã sai Ta”.

- Cv 9, 1-5: “[…], ‘Saul, Saul, tại sao ngươi bắt bớ Ta?’ […]. ‘Ta là Giêsu, người đang bắt bớ’.”

4- Cơ sở Thánh kinh của những hành vi thông ban những yếu tố đặc thù cho nhau (communications): Một số quyền năng Đức Kitô thông ban cho con người linh mục:

4a- Quyền tha tội trong Ngôi Vị Đức Kitô: Mt 9, 1-7; Mc 2, 1-12; Lc 5, 17-26; Mt 16, 19; Cv 10, 43; Mt 28, 18-20; v.v…

4b- “Quyền năng trên các thần ô uế khiến họ có thể xua đuổi chúng và chữa mọi tật nguyền, bệnh hoạn” trong Ngôi Vị Đức Kitô: Mt 10, 1; Mc 3, 14; 6, 7; Lc 9, 1; v.v…

4c- Quyền năng thực hiện hành vi “nhận làm của mình” và “là mình” (appropriation) và hành vi thông ban một số đặc ân mình có (communication) trong Ngôi Vị Đức Kitô, đặc biệt nơi Bí tích Thánh Thể: Lc 22, 19-20; 1 Cr 11, 23-27; v.v…; và quyền tha tội trong Bí tích Hòa giải (Ga 20,23)…

5- Một vài suy tư thần học:

Trên cơ sở những điều trên đây, có thể nói được rằng mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời và mầu nhiệm Ngôi hiệp nơi Đức Kitô có mối quan hệ hết sức mật thiết với nhau, có tính phổ quát và với nhiều cấp độ khác nhau:

5a- Tương quan giữa Đức Kitô và Thụ Tạo nói chung:

Có thể nói rằng nhân tính nơi Đức Kitô chính là tượng trưng cho toàn thể thụ tạo và toàn thể nhân loại nói chung:

“Lúc khởi nguyên đã có Lời…và Lời là Thiên Chúa…Mọi sự nhờ Ngài mà thành sự và không Ngài thì không gì đã thành sự. Điều đã thành sự nơi Ngài là sự Sống và sự Sống là sự Sáng cho nhân loại.” (Ga 1, 1-3).

“Ngài (Đức Kitô) là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử giữa mọi thụ sinh, vì trong Ngài vạn vật đã được tạo thành, chốn trời cao và nơi dương thế, vật hữu hình, vật vô hình, dù là thiên tòa hay thiên chủ, dù là thiên phủ hay là uy linh: mọi sự đã được tạo thành nhờ Ngài và cho Ngài! Và Ngài có ưu thắng trên mọi sự, và mọi sự đều tồn tại trong Ngài.” (Cl 1, 15-17).

5b- Tương quan giữa Đức Kitô và nhân loại nói chung:

Bởi vì con người đã được tạo dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1, 26-27), mà hình ảnh Thiên Chúa chính là Đức Kitô (1 Cr 11, 7; 2 Cr 4, 4; Cl 1, 15), cho nên có thể nói rằng nhân tính của Đức Kitô cũng chính là toàn thể nhân loại, hiểu theo nghĩa cá thể cũng như tập thể. Chính vì thế, khi Đức Kitô cứu độ, thánh hóa nhân tính của Ngài và nhận nhân tính đó là của mình và là mình, điều đó có nghĩa là Ngài, trong chỉ một hành vi, một lần là đủ, đã cứu độ và thánh hóa toàn thể nhân loại, mọi nơi và mọi thời… Như thế, chúng ta hiểu vì sao Giáo hội trước sau như một luôn khẳng định Đức Kitô là Đấng Trung gian và là Đấng Cứu độ duy nhất và phổ quát, ngoài Ngài ra chẳng có ai khác cả (Ep 2, 13-18; Rm 11, 25-29).

“Nhưng nay, trong Đức Kitô Giêsu, anh em, những kẻ xưa kia ở xa, thì đã nên gần nhờ bửu huyết của Đức Kitô. Vì chính Ngài là sự bình an của ta, Đấng đã làm cho đôi bên nên một, triệt hạ tường ngăn thành chắn, (tiêu biểu cho) mối hằn thù – nhờ thân xác Ngài, - thủ tiêu Lề luật nguyên những điều răn lệnh chỉ, ngõ hầu trong Ngài, Ngài tạo dựng hai loại người ấy nên một người mới; đem lại bình an, và giảng hòa hai dân – trong một Thân mình – với Thiên Chúa, nhờ Thập giá, giết chết hằn thù – nơi mình Ngài. Và Ngài đã đến loan báo Tin Mừng bình an cho anh em những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Vì chính nhờ Ngài, chúng ta đôi bên, trong một Thần khí, được đến chùng Cha.” (Ep 2, 13-18).

“Hỡi anh em, tôi không muốn để anh em không hay biết mầu nhiệm nầy, để anh em đừng tự phụ mình khôn: Israel đã ra chai đá phần nào, cho đến khi toàn thể dân ngoại đã gia nhập, và như thế tất cả Israel cũng sẽ được cứu. […]. Vì chưng cũng như anh em, xưa kia bất tuân đối với Thiên Chúa, mà nay đã được thương xót, nhân vì họ bất tuân, thì họ cũng thế, nay bất tuân, bởi anh em được thương xót. Vì chưng Thiên Chúa đã dồn mọi người hết thảy vào đàng bất tuân, ngõ hầu Ngài dũ lòng thương hết mọi người.” (Rm 11, 25-26.30-32).

5c- Tương quan giữa Đức Kitô và Giáo hội hay là các kitô-hữu nói chung:

Giáo hội, trước tiên, là “Thân Mình” của Đức Kitô (Cl 1, 15-24; 1 Cr 12, 27; 1 Ga 3, 2; Rm 12, 5; v.v…), thứ đến, là cộng đoàn những kẻ tin vào Đức Kitô và được tập hợp lại để lắng nghe Lời của Thiên Chúa (Xh 19, 3-8.25; Gs 8, 32-35; 24, 1-28; v.v…) và cử hành các Bí tích của Đức Kitô (Cv 2, 42) …

“Nay tôi vui sướng trong các nỗi thống khổ chịu vì anh em; và trong thân xác tôi, tôi bù đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu vì Thân Mình Ngài, tức là Hội Thánh…” (Cl 1, 24).

“Mà anh em là Thân Mình của Đức Kitô, và ai theo phận nấy mà làm chi thể” (1 Cr 12, 27).

“Anh em thân mến, hiện giờ ta là con cái Thiên Chúa; ta sẽ là gi, thì chưa được tỏ hiện, ta biết rằng một khi điều ấy (hay là Đức Kitô “quang lâm” hay là Thân Mình mầu nhiệm của Đức Kitô là Giáo hội [ctctg]) tỏ hiện, thì ta sẽ được giống như Ngài (Đức Kitô “quang lâm” [ctctg]), vì Ngài thế nào, ta sẽ được thấy như vậy.” (1 Ga 3, 2).

“Họ chuyên cần với giáo huấn của các tông đồ và sự hiệp thông, việc bẻ bánh và kinh nguyện.” (Cv 2, 42).

5d- Tương quan giữa Đức Kitô và vị linh mục thừa tác:

Vị Linh mục thừa tác hiệp nhất với Đức Kitô trên cơ sở Ngôi Vị của Ngài, như nhân tính hiệp nhất với thần tính của Đức Kitô trên cơ sở Ngôi Vị của Đức Kitô. Cũng như Đức Kitô, trong tư cách vừa là Thiên Chúa thật vừa là con người thật, khi thì Ngài nói và cư xử như là con người, có khi Ngài nói và cư xử như là Thiên Chúa, con người linh mục trong Ngôi Vị Đức Kitô (in personna Christi) cũng nói và hành xử như vậy.

“Lạy Cha! nếu Cha muốn, xin cất chén nầy đi khỏi con! (Đức Giêsu nói trong tư cách là con người bình thường như chúng ta: chú thích của tác giả [ctctg]). Song đừng cho ý của con, mà là ý của Cha được thành sự! (Ở đây, Đức Giêsu nói trong tư cách là Thiên Chúa [ctctg])” (Lc 22, 42; tham chiếu Ga 12, 27-29; Lc 2, 49; Ga 8, 58; 10, 30; v.v…).

“Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: vì nầy là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con. […]. Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: vì nầy là chén máu Thầy, máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy”. (Những lời nầy chỉ thành sự và hữu hiệu khi được vị linh mục thừa tác nói trong ngôi vị Đức Kitô, chứ không phải trong tư cách con người bình thường như mọi người).

“[…]. Vậy, Cha tha tội cho con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” (Những lời nầy chỉ thành sự và hữu hiệu khi được vị linh mục nói trong ngôi vị Đức Kitô mà thôi, vì chỉ có Thiên Chúa và Con Người mới có quyền tha tội [Mc 2, 3-12]…).

Vì thế, có thể nói rằng không có Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hòa Giải thì cũng không có chức Linh mục thừa tác và ngược lại. Đó chính là cơ sở chính yếu để phân biệt giữa chức linh mục chung của mọi kitô-hữu (sacerdoce commun) và chức linh mục thừa tác của một số người được gọi chọn bởi Thiên Chúa qua trung gian Giáo hội (sacerdoce ministériel). Và đó cũng chính là một trong những cơ sở nói lên sự khác biệt căn bản giữa Giáo hội công giáo và các giáo hội thệ phản và Anh giáo liên quan các Bí tích, chức linh mục thừa tác, và các vấn đề giáo hội học, v.v…

BÀI 2:

Tương quan giữa vị Linh Mục Thừa Tác và Bí Tích Thánh Thể qua lăng kính mầu nhiệm Ngôi Hiệp

Giáo hội, hằng năm, vào Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, cử hành tưởng nhớ vừa việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể vừa việc Chúa Giêsu thiết lập Chức Linh mục thừa tác. Điều đó có nghĩa là trong truyền thống xưa nay của Giáo hội, chức linh mục thừa tác và Bí tích Thánh Thể luôn có tương quan mật thiết đối với nhau, đến độ người ta có thể nói rằng sẽ không có chức linh mục thừa tác nếu không có Bí tích Thánh Thể và ngược lại…

Việc phân tích những công thức “truyền phép” sẽ cho ta thấy được những điều đó.

1- “… Vì nầy là Mình Thầy…” và “… vì nầy là Chén Máu Thầy…”:

Trong Thánh Lễ, khi được đọc lên hay nói lên bởi vị linh mục thừa tác, công thức nầy vốn mang hai tầng ý nghĩa:

1a- Khi được nói lên hay đọc lên cách nguyên thủy bởi Đức Kitô, công thức nầy có ý nghĩa: qua hành vi “nhận làm của mình” hay “nhận là mình’ (appropriation), tấm bánh đó hay chén rượu đó được Đức Kitô nhận “là của mình” và “là Mình” và thực sự đó chính là Đức Kitô; đồng thời, trong Ngôi Vị Mình, Đức Kitô thông ban cho Tấm bánh đó và Chén rượu đó một số thuộc tính thần linh của Ngài, như kiểu thần tính ban cho nhân tính một số thuộc tính thần linh mà chỉ thần tính mới có… Ở đây, nói theo ngôn ngữ mầu nhiệm ngôi hiệp, Đức Kitô và Tấm bánh và Chén rượu đó hiệp nhất với nhau trở thành một trên cơ sở Ngôi Vị Đức Kitô (in personna Christi). Những khái niệm “nhận là Mình” (appropriation) và “thông ban cho nhau” (communication), như vậy, có vẻ như thích hợp hơn và năng động hơn là khái niệm “biến bản thể” (transsubstantiation) của thần học kinh viện… Thích hợp hơn, bởi vì gần gũi với ngôn ngữ thánh kinh hơn (xem Ga 6, 32-58; Mt 3, 9). Năng động hơn, bởi vì những khái niệm “nhận là Mình” và “thông ban cho nhau” bao hàm một qúa trình tiến hóa và tương quan qua lại giữa nhau, tạo cho tự do của con người và của Thiên Chúa có khoảng không gian và thời gian để chọn lựa, vì đó chính là điều làm nên căn tính của con người và Thiên Chúa…

1b- Khi được nói lên hay đọc lên bởi vị linh mục thừa tác hiệp nhất với Đức Kitô trong Ngôi Vị của Ngài, công thức nầy còn có ý nghĩa: qua hành vi “nhận làm của mình” và “là Mình”, vị linh mục trong ngôi vị Đức Kitô nhận Tấm bánh đó và Chén rượu đó “là của mình” và “là mình”. Vì thế, có thể nói rằng, không giây phút nào mà giữa vị linh mục thừa tác và Đức Kitô có được sự hiệp nhất sâu xa và lớn lao cho bằng chính nơi giây phút mà vị linh mục đó đọc “lời truyền phép”! Bánh đó và Rượu đó đồng thời cũng là Mình và Máu của vị linh mục đang đọc lời truyền phép đó trong ngôi vị Đức Kitô…

2- “… sẽ bị nộp vì các con…” và “… sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội…”:

Những lời nầy diễn tả chiều kích tình yêu dâng hiến và cứu độ của Bí tích Thánh Thể và Hiện sinh của con người Linh mục.

2a- Chiều kích tình yêu dâng hiến: Các nhà thần học ngày nay dùng hạn từ “hiện hữu cho và vì…” (“pro-existence”) để diễn tả một hiện sinh không hiện hữu chỉ cho mình mà còn cho tha nhân. Hiện sinh của Đức Kitô là mẫu mực của thứ “hiện hữu cho và vì tha thể…” nầy (“propter nos homines et propter nostram salutem”):

“Không có tình yêu nào lớn hơn là tình yêu dám thí cả mạng sống mình vì người mình thương mến” (Ga 15, 14).

“Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, ai ghét sự sống mình nơi thế gian nầy, thì sẽ giữ nó cho sự sống vĩnh hằng!” (Ga 12, 25; Mt 16, 25; Mc 8, 35; Lc 9, 23tt).

“Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: giả như hạt lúa gieo xuống đất không chết đi, thì nó trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, nó mới sai hoa lắm quả!” (Ga 12, 24).

Cũng như Mầu nhiệm Nhập thể (bao gồm mầu nhiệm Sáng tạo, Mặc khải và Siêu độ) tự nó đã là sáng kiến và hành vi dâng hiến tự do và nhưng không của Thiên Chúa Ba Ngôi vì tình yêu đối với loài người chúng ta, Bí tích Thánh Thể và hiện sinh linh mục thừa tác cũng vậy là sáng kiến tình yêu “để ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20), vì Thiên Chúa là Emmanuel (Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Mt 1, 23)…

2b- Chiều kích tình yêu siêu độ: Hành vi siêu độ của Đức Kitô diễn ra trên đỉnh Thập giá chính nơi giây phút mà Tình yêu dâng hiến đạt đến đỉnh điểm của nó, khi mà Đức Giêsu Kitô dâng hiến cho Cha cái còn lại cuối cùng là Thần Khí của Cha (Ga 19, 30), và chính lúc Đức Giêsu Kitô đã dâng hiến tất cả, Ngài đã được Cha ban cho lại tất cả: “Đã hoàn tất!”. Vì thế, tác giả Sách Tin Mừng thứ 4 gọi “Giờ Thập giá” cũng chính là “Giờ vinh quang” (Ga 12, 23: “Giờ đã đến! cho Con Người được tôn vinh!”). Hành vi siêu độ trên đỉnh Thập giá, như vậy, diễn ra khi mà Tình Yêu dâng hiến của Thiên Chúa chiến thắng tất cả, cả những toan tính nhỏ nhen, cả những nỗi sợ hãi, cả nỗi sợ hãi cái chết và chính cả Sự Chết…

3- “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn…” và “Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống…”:

Những lời nầy diễn tả chiều kích Bữa tiệc bày tỏ tình yêu hiệp thông và hiệp nhất (Cv 2, 42-47). Bí tích Thánh Thể và Hiện sinh linh mục thừa tác, như vậy, chính là nguyên lý của sự Hiệp nhất của cộng đoàn, trên cơ sở việc cử hành Lời Chúa, cử hành các Bí tích và tình yêu dâng hiến…

“Họ chuyên cần với giáo huấn của các tông đồ và sự hiệp thông, việc bẻ bánh và kinh nguyện. […]. Các kẻ tin hết thảy đều coi mọi sự là của chung: đất đai của cải, thì họ bán đi mà phân phát cho mọi người, ai nấy tùy theo nhu cầu của mình.” (Cv 2, 42.44).

4- “…Các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy”:

Những lời nầy mang một nội dung ý nghĩa kép: một đàng, vừa có nghĩa hành vi “nhận làm của mình hay là mình” (appropriation) và hành vi “thông ban cho nhau” (communication) nguyên thủy được thực hiện bởi Đức Giêsu-Kitô trong Ngày Thứ Năm và Thứ Sáu Tuần Thánh chỉ diễn ra một lần trong không gian và thời gian nhưng mang hiệu quả và hiệu năng có tính quyết định và phổ quát cho mọi người và mọi thời (Dt 9, 11-28); đàng khác, vừa có nghĩa, khi cử hành Bí tích Thánh Thể, vị linh mục thừa tác không phải “làm lại” hay “tái diễn lại” hành vi “nhận Bánh và Rượu là Thân Mình và Máu của Đức Kitô” trên chiều kích dâng hiến lẫn chiều kích siêu độ, để tạo ra những hiệu năng và hiệu quả như vậy một lần nữa trong thời gian và không gian, mà đúng hơn là “làm cho hiệu quả vốn đã có và đang hiện hữu hiện diện đối với…” (le rendre présent pour…), hay nói cách khác, vị linh mục thừa tác trong ngôi vị Đức Kitô, khi cử hành Bí tích Thánh Thể trong không gian và thời gian là làm cho chính “Đức Kitô ‘là’ Bánh và Rượu” hiện diện trong không gian và thời gian nơi Bánh và Rượu đang được “truyền phép” trên Bàn thờ và cả nơi chính con người của vị linh mục trong ngôi vị Đức Kitô đang cử hành đó, đối với những ai tin và muốn tin… (khái niệm “le mémorial”: xem Xh 3, 15; 12, 14; 13, 9; Tl 16, 3). Điều đó cho thấy tương quan giữa vị linh mục thừa tác trong ngôi vị Đức Kitô và Bí tích Thánh Thể cũng như đối với những kẻ tin vào Bí tích nầy không đơn giản chỉ có tính tĩnh tại (statique), máy móc, phi ngôi vị, hoàn toàn có tính khách quan, mà là quan hệ tình yêu, năng động và có tính tương quan ngôi vị… Bởi vì chỉ trong quan hệ tình yêu người ta mới có thể, dù không hiện hữu bên nhau, không nhìn thấy nhau, nhưng người ta vẫn luôn có thể ở trong nhau, có nhau và hiện diện đối với nhau (xem Pl 3, 10-11)…

Như vậy, khi cử hành Bí tích Thánh Thể, vị linh mục thừa tác trong ngôi vị Đức Kitô, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, làm cho Đức Kitô hiện diện cách hữu hình, qua việc ngài, trong ngôi vị Đức Kitô, nhận Tấm bánh và Chén rượu đang hiện diện trên Bàn thờ đó “là của mình” và “là mình” và thực sự là thế, Và như vậy, là để Đức Kitô luôn luôn “hiện diện” đối với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế…

5- Cơ sở Thánh kinh của việc Đức Kitô nhận Mình là lương thực (Bánh và Thức uống [rượu và nước]) cho con người:

Hầu như cả bốn Sách Tin Mừng đều chứng tỏ cho thấy Đức Giêsu bao giờ cũng chỉ nói và khuyên người khác làm điều mà chính Ngài đã, đang và sẽ làm và thực hiện (xem thí dụ Mt 5, 1-12a; Lc 14, 25-33; Ga 15, 13; 6, 51-58; v.v…). Trong ngôn ngữ Thánh kinh Cựu Ước, trung tín, trung thành với Giao ước, với lời thề hứa là một trong những đặc trưng của Thiên Chúa (Xh 34, 6; Tv 25, 10; Ga 18, 37; Kh 3, 14; v.v…)…

5a- “… Bánh hằng sống bởi trời xuống, chính là Ta! Ai ăn bánh nầy, thì sẽ được sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, ấy là thịt mình Ta vì sự sống thế gian.” (Ga 6, 51) và “…Bánh sự sống, chính là Ta! […]. Vì thịt Ta thật là của ăn và máu Ta là thật của uống. Kẻ ăn thịt Ta và uống máu Ta thì lưu lại trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy.” (Ga 6, 48.55-56): Phản ứng của một số kẻ nghe lúc đó (Ga 6, 60) cho thấy ngôn ngữ của Đức Giêsu có lẽ khá rõ ràng và cụ thể, chứ không theo nghĩa tượng trưng hay ẩn dụ gì cả: “ăn” (manducare, manger) thịt và “uống” (bibere, boire) máu! Có thể bởi vì họ chưa biết việc Đức Giêsu, trong Bí tích Thánh Thể, nhận tấm bánh ăn và chén rượu uống trong bữa tiệc hiệp thông là Thịt Mình và Máu Mình (appropriation) và khi ăn “tấm bánh” đó và uống “chén rượu” đó chính là “ăn” và “uống” Thịt và Máu của Đức Giêsu-Kitô!

5b- “…thì sẽ được sống đời đời.” (Ga 6, 51) và “…thì lưu lại trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy.” (Ga 6, 56): những lời nầy diễn tả tương quan giữa chiều kích tình yêu dâng hiến và chiều kích tình yêu siêu độ, tức là sự sống vĩnh hằng, sự sống Tình Yêu Thiên Chúa-Ba Ngôi, luôn tương tại và tương ngụ trong nhau, luôn sống cho nhau và vì nhau…

6- Một vài suy tư thần học

Trên cơ sở những phân tích trên đây, có thể nói rằng:

6a- Cũng như trong Mầu nhiệm Nhập thể, chỉ có vấn đề Thiên Chúa tự hủy làm người (“Et Verbum caro factum est” nơi Ga 1, 14) chứ không có vấn đề ngược lại là con người tự mình làm Thiên Chúa, nơi Bí tích Thánh Thể, cũng vậy, chỉ có vấn đề Đức Kitô và vị linh mục thừa tác trong ngôi vị của Ngài tự hủy nhận Bánh đó và Rượu đó là Mình (et Christus panis factus est, et Christus vinum factus est), chứ không có vấn đề ngược lại là Bánh và Rượu có thể tự mình làm thành mình và máu Đức Kitô. Đây là vấn liên quan tình yêu nhưng không, tự do và ân sủng của Thiên Chúa…

6b- Tương quan giữa vị linh mục thừa tác trong ngôi vị Đức Kitô và Bí tích Thánh Thể là tương quan có tính hữu thể (relation ontologique): điều nầy có nghĩa cũng như nơi Bí tích truyền chức thánh, qua quyền năng và tác động của Chúa Thánh Thần, Đức Kitô tự hủy nhận con người vị linh mục thừa tác làm là mình và cả hai hiệp nhất với nhau trên cơ sở ngôi vị Đức Kitô qua cấu trúc cấu thể hữu thể như nơi mầu nhiệm ngôi hiệp, ở đây, cũng vậy, khi vị linh mục thừa tác trong ngôi vị Đức Kitô “truyền phép”, nhờ quyền năng và tác động của Chúa Thánh Thần, vị linh mục thừa tác đang tế lễ đó hiệp nhất với bánh và rượu trên bàn thờ nên một trên cơ sở ngôi vị Đức Kitô…

6c- Tương quan giữa vị linh mục thừa tác trong ngôi vị Đức Kitô với Bí tích Thánh Thể và Giáo hội: bởi vì Giáo hội vốn được gọi là “Thân Mình mầu nhiệm của Đức Kitô”, vì thế cho nên, vị linh mục thừa tác chỉ ở trong ngôi vị Đức Kitô khi ngài hiện hữu trong, bởi, cho và vì Đức Kitô, Giáo hội và Bí tích Thánh Thể…

Đó chính là cơ sở của Khoản Giáo luật 1378, § 2, 1°: “… Những người sau đây bị phạt vạ cấm chế tiền kết và bị vạ huyền chức, nếu là giáo sĩ: người nào không phải là tư tế mà dám cử hành phụng vụ Hiến Tế Thánh Thể…”

BÀI 3:

Tương quan giữa vị Linh Mục Thừa Tác và Bí Tích Hòa Giải qua lăng kính mầu nhiệm Ngôi Hiệp

Bí tích Hòa giải, trước tiên, có hiệu năng khôi phục lại những tương quan vốn có giữa con người với Thiên Chúa, với tha nhân, với chính bản thân mình và với thiên nhiên vũ trụ đã bị phá vỡ do ích kỷ, kiêu căng, ghen ghét, hận thù, bất tuân và mù quáng, v.v…, hay nói chung là do tội lỗi (xem Stk 3, 1-24).

1- Việc phân tích Công thức tha tội của Giáo hội sẽ giúp chúng ta hiễu rõ hơn hiệu năng của Bí tích nầy và tương quan giữa vị linh mục thừa tác với Bí tích Hòa giải:

1a - “Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa…”:

Sự Hòa giải nguyên thủy, hoàn hảo, vẹn toàn, tuyệt đối, một lần thay cho tất cả hay sự Hòa giải của tất cả mọi hòa giải đã được thể hiện nơi Đức Giêsu-Kitô vốn vừa là Thiên Chúa thật vừa là con người thật nơi mầu nhiệm Ngôi hiệp, tức là nơi việc thần tính và nhân tính của Đức Kitô hiệp nhất trên cơ sở Ngôi Vị của Ngài “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta” (propter nos homines et propter nostram salutem).

Và, bởi vì nhân tính của Đức Kitô cũng chính là nhân loại toàn thể (xem Ga 1, 3; Tv 33, 6; Cl 1, 15-20; Kh 3, 14; 1 Cr 8, 6), cho nên khi nhân tính của Đức Kitô hoàn toàn hiệp nhất với thần tính của Ngài trên cơ sở Ngôi Vị của Ngài trong hành vi tình yêu dâng hiến hoàn toàn trên đỉnh thập giá cũng chính là lúc toàn thể nhân loại mọi nơi và mọi thời được thần linh hoá, được thánh hiến, được siêu độ, được tha thứ và được tái hòa giải lại với Thiên Chúa, với tha nhân, với thiên nhiên vũ trụ và với chính bản thân mình…

1b- “… và ban Thánh Thần để tha tội…”:

Theo ngôn ngữ Thánh Kinh, chỉ có Thiên Chúa và Con Người hay là Đức Kitô mới có quyền tha tội (xem Mc 2, 3-12). Vậy, khi nói “ban Thánh Thần để tha tội”, điều nầy hẳn có nghĩa là Thánh Thần của Đức Kitô cũng là Thánh Thần của Thiên Chúa hay là chính Đức Kitô, chính Ngôi Vị Đức Kitô tha tội… Đó chính là Thần Khí của Đức Kitô Phục Sinh hằng ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (xem Ga 14, 16-31; 20, 23; Mt 28, 19-20).

1c- “…Xin Chúa dùng thừa tác vụ của Hội Thánh mà ban cho […] ơn tha thứ và bình an…”:

Ơn tha thứ và bình an, như đã phân tích ở trên, chỉ có thể có “trong”, “bởi” và “với” Đức Kitô cách uyên nguyên và “Thân Mình mầu nhiệm” của Ngài là Giáo Hội nhờ ân sủng được ban cho (hay “thừa tác”) - tức là do được Đức Kitô nhận “là” Mình - mà thôi. Tác vụ hòa giải và tha tội đích thực và toàn vẹn, như vậy, chỉ có thể được thực hiện bởi vị linh mục thừa tác trong ngôi vị Đức Kitô và trong Giáo Hội là Thân Mình mầu nhiệm của Ngài mà thôi…

1d- “…Vậy, tôi tha tội cho […] nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.”:

Cũng như trong mầu nhiệm ngôi hiệp, tuy là hai bản tính (thần tính và nhân tính), nhưng ở nơi Đức Kitô chỉ là một Ngôi Vị hay chỉ có một cái “TÔI” mà thôi, cũng vậy, cái “tôi” ở đây chỉ có thể là cái “tôi” trong ngôi vị Đức Kitô, cái “tôi” được nhận là “cái tôi thiên chúa”: chỉ trong điều kiện cái tôi thiên chúa như vậy (nghĩa là thuộc về cấu trúc hữu thể học) mới có thể có quyền tha tội (xem Mc 2, 3-12).

Và, trên cơ sở mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi cùng tương ngụ trong nhau (inhabitation trinitaire), hành vi tha tội và hòa giải trong ngôi vị Đức Kitô hẳn đồng thời cũng phải là hành vi trong và bởi Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi: được tha thứ bởi Thiên Chúa-Ba Ngôi và được hòa giải với Thiên Chúa-Ba Ngôi…

2- Cơ sở Thánh Kinh của việc tha tội bởi Thiên Chúa, bởi Con Người và của việc hòa giải với Thiên Chúa, với tha nhân, với thiên nhiên vũ trụ và với chính bản thân mình:

2a- Mc 2, 3-12: “…[…]. ‘Ai nào có thể tha tội được, trừ phi là một mìmh Thiên Chúa?’.[…]. ‘Song để các ông biết Con Người có quyền tha tội dưới đất’.”

2b- Mt 16, 19: “…Ta sẽ trao cho ngươi chìa khóa Nước Trời, và điều gì dưới đất ngươi cầm buộc, thì cũng sẽ bị cầm buộc trên trời, và điều gì dưới đất ngươi tháo cởi thì cũng sẽ được tháo cởi trên trời.”

Quyền năng tha tội không chỉ được ban cho Phêrô thôi mà còn cho toàn thể tông đồ đoàn (collège apostolique): “Quả thật, Ta bảo các ngươi: mọi điều dưới đất các ngươi cầm buộc, thì cũng sẽ bị cầm buộc trên trời, và mọi điều dưới đất các ngươi tháo cởi, thì cũng sẽ được tháo cởi trên trời.” ( xem Mt 18, 18); và cho các môn đệ được qui tụ lại với nhau như một tập thể, một cộng đoàn: “… Nói thế rồi, Ngài thổi hơi trên họ và nói với họ: ‘Hãy chịu lấy Thánh thần. Các ngươi tha tội cho ai, thì tội họ được tha; các ngươi cầm giữ tội ai, thì tội họ bị cầm giữ!’.” (Ga 20, 23).

2c- Lc 15, 11-32: “[…]. Hồi tâm lại, nó nói: Biết bao nhiêu người làm công cho cha tôi có dư thừa bánh ăn, còn tôi thì phải chết đói ở đây! Thôi dậy! tôi sẽ về cùng cha tôi, tôi sẽ nói với người: ‘Thưa cha, con đã trót phạm tội nghịch với Trời và với cha; con không còn đáng gọi là con cha nữa, xin xử với con như một người làm công của cha thôi’ (đối chiếu với St 3, 1-24). […]. ‘Ta phải ăn khao mới được! vì nầy con ta đây: nó đã chết mà lại hoàn sinh, đã mất đi mà lại tìm thấy được.”

2d- Cl 1, 18-20: “Ngài là đầu của Thân mình, tức là Hội thánh. Ngài là khởi nguyên, là trưởng tử giữa các vong nhân, ngõ hầu trong muôn sự Ngài là đệ nhất vô song! Vì chưng, Thiên Chúa đã quyết ý cho tất cả Viên mãn đậu lại trong Ngài. Và đã giảng hòa cả vạn vật nhờ Ngài và cho Ngài, đã ban lại bình an nhờ bửu huyết đổ ra nơi Thập giá của Ngài, cho mọi vật dù ở dưới đất hay ở trên trời!”

3- Một vài suy tư thần học

3a- Sự tha thứ “bởi” con người và sự tha thứ “bởi” Thiên Chúa:

Sự phân biệt và so sánh nầy thực ra chỉ có tính tương đối và vạn bất đắc dĩ mà thôi, cốt là để cho dễ hiểu và dễ nắm bắt hơn, bởi vì, nói theo ngôn ngữ thần học, tất cả mọi hiện hữu, mọi hành vi thánh thiện của con người đều chỉ có thể có được “trong” Thiên Chúa mà thôi (xem Rm 11, 36; 1 Cr 8, 6; Cl 1, 16tt). Khi nói tha thứ “bởi” con người là có ý nhấn mạnh khía cạnh hành vi tha thứ giữa con người với con người nói chung dù hành vi đó trên thực tế diễn ra trong Thiên Chúa. Còn khi nói tha thứ “bởi Thiên Chúa” là có ý nhấn mạnh sự tha thứ bởi vị linh mục thừa tác trong ngôi vị Đức Kitô vừa là Thiên Chúa thật vừa là con người thật.

Trong ngôn ngữ Thánh Kinh có vẻ như có sự khác biệt giữa sự tha thứ nói chung giữa con người với nhau và với sự “tha tội” chỉ bởi Thiên Chúa mà thôi: tha thứ thì tất cả mọi người đều có bổn phận phải tha thứ (Mt 18, 21; Lc 17, 4; 11, 4; v.v…), nhưng “tha tội” (quyền “cởi trói” và “cầm buộc”) thì có vẻ như chỉ những ai được ban cho “thẩm quyền tha tội” mới được tha tội (xem Mt 9, 6; Mc 2, 10; Lc 5, 24; Mt 12, 31). Ngoài ra, việc con người có được Thiên Chúa tha tội như thế nào có phần còn tuỳ thuộc vào việc con người có tha thứ cho nhau hay không và như thế nào (xem Mt 6, 12-15; 18, 35; Mc 11, 25-26).

3b- Thẩm quyền tha tội (quyền “cởi trói” và “cầm buộc”) của vị linh mục thừa tác trong ngôi vị Đức Kitô:

Như đã lưu ý ở trên, mục 2b, chỉ có Thiên Chúa và Con Người, tức là chính Đức Kitô, vừa là Thiên Chúa thật vừa là con người thật mới có quyền tha tội: đó là Thẩm quyền nguyên thủy, do căn… Các thừa tác viên có chức thánh khác (trừ phó tế), kể từ Giáo hoàng, Hồng y, Giám mục, và linh mục thừa tác chỉ có quyền tha tội trong ngôi vị Đức Kitô mà thôi, tức là do ân sủng được ban cho: “Chỉ có tư tế là thừa tác viên của bí tích Sám Hối” (GL Khoản 965)…

Tuy nhiên, bởi vì Phêrô, vị Giáo hoàng tiên khởi và tông đồ đoàn (các Hồng y và Giám mục?) vốn được ban cho thẩm quyền nầy có lẽ không phải cách đầy đủ hơn và trọn vẹn hơn mà đúng hơn là vì phạm vi phục vụ của các ngài rộng lớn hơn và bao quát hơn (xem Mt 18, 18; Ga 20, 23), nên thẩm quyền của các ngài mang tính phổ quát hơn là các linh mục thừa tác mà phạm vi phục vụ vốn là những cộng đoàn nhỏ bé hơn: điều nầy được phản ánh trong Bộ Giáo luật 1983 bao gồm các Khoản từ 965 đến hết 973… Đàng khác, có lẽ bởi vì một đàng để đề cao tầm quan trọng của Bí tích nầy và đàng khác để tránh những lạm dụng có thể xãy ra, Giáo luật Khoản 973 qui định: “Năng quyền giải tội thường xuyên phải được ban bằng văn bản”.

Ở đây, cần lưu ý là thẩm quyền tha tội mà vị linh mục thừa tác có được là vì vị linh mục thừa tác đó được hiệp nhất với Đức Kitô trong ngôi vị của Ngài và vì thế “trong cương vị của Đức Kitô” (“en raison d’être le Christ”) chứ không vì bất cứ lý do ngoại tại nào khác cả, thì dụ như những kiểu nói không thích hợp như: “vì thay mặt hay đại diện Đức Kitô” hoặc “vì được ủy quyền”, thậm chí cả những kiểu nói “đồng hình đồng dạng” hay “alter Christus”, v.v…

BÀI 4:

Linh Mục Thừa Tác, Ngài là ai?

Có thể nói rằng dung mạo của vị linh mục thừa tác đã lộ rõ ra khá rõ ràng khi chúng ta phân tích về những tương quan giữa ngài với Đức Kitô, với Bí tích Thánh Thể và với Bí tích Hòa Giải…

Như một đúc kết tạm thời và sơ lược, bài nầy cố gắng rút ra một số hệ luận từ những phân tích trên đây:

1- Linh mục thừa tác, ngài là ai?

2- Vai trò và vị trí của ngài trong tương quan với Giáo Hội và các Cộng đoàn…

1- Linh mục thừa tác, ngài là ai?

Ngài là “con người trong ngôi vị Đức Kitô” hay “con người được Đức Kitô nhận là Mình”: điều nầy khác xa với những khái niệm “Alter Christus” (Đức Kitô khác hay Đức Kitô thứ hai…), hay “Đại diện Đức Kitô” hay “Đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”…

1.1- Điều đó, nói theo ngôn ngữ mầu nhiệm ngôi hiệp, trước tiên, có nghĩa vị linh mục thừa tác vừa là Đức Kitô thật vừa là con người thật với những yếu đuối, những bất toàn và với cả tội lỗi, v.v…Bởi vì, con người “thánh” không đồng nghĩa với con người “hoàn hảo” hay “hoàn thiện” (perfection) mà đơn giản có nghĩa là con người được Thiên Chúa yêu thương và tha thứ… Chúng ta hãy nhớ đến các Tông đồ của Đức Giêsu: những Phêrô yếu đuối, những Giacôbê và Gioan đầy tham vọng trần tục, những Giuđa Iscariôt tham tiền và phản bội, v.v… Là chính Đức Kitô, nên ngài mới có thể “truyền phép Bánh và Rượu” và “nói”: “Nầy là Mình Thầy…” và “Nầy là chén Máu Thầy…”, để chính Đức Kitô và ngài “là” Bánh đó và Rượu đó (xem GL Kk. 899 § 2 và 900 § 1)…Là chính Đức Kitô, nên ngài mới có thể tha tội, và “nói”: “Và Tôi, Tôi tha tội cho Ông (Bà, Anh, Chị…) nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần…”. Nhưng, đồng thời, ngài cũng là con người với những bất toàn, những yếu đuối, những sa ngã, những tội lỗi, v.v…, cần được thông cảm, được thứ tha và được xây dựng…Như thế, nói theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô, là vì: “Nhưng chính những điều thế gian coi là điên rồ, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc hạng khôn ngoan; và những điều thế gian coi là yếu đuối, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc những gì là mạnh mẽ. Những điều thế gian cho là ti tiện, là không đáng kể, thì Thiên Chúa đã chọn, những điều không không, để hủy ra không những điều có, ngõ hầu đừng có xác phàm nào dám vinh vang trước mặt Thiên Chúa.” (1 Cr 1, 27-29). Và, còn nữa: “Thiên Chúa đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Ngài, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Ngài. An sủng đó Ngài đã ban cho chúng ta từ vĩnh hằng trong Đức Kitô Giêsu, nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng Cứu độ chúng ta là Đức Kitô Giêsu đã xuất hiện…” (2 Tm 1, 9-10).

1.2- Thứ đến, cương vị “là Đức Kitô” hay “trong ngôi vị của Đức Kitô” đó của vị linh mục thừa tác, vốn vĩnh hằng (Ep 1, 4) và, sau khi đã được một vị giám mục hợp pháp của Giáo hội, dưới quyền năng Chúa Thánh thần, truyền ban, là vĩnh viễn, không ai và không gì có thể tước đi được (xem Dt 5,1-10; 7, 24-28; Ga 15, 14-16; 17, 6-26; v.v…): người ta chỉ có thể cấm đoán hay tước đi quyền cử hành một số Bí tích và quyền thi hành mục vụ của ngài trong một thời gian nào đó, đối với một số đối tượng nào đó, v.v…, chứ không thể tước đi cương vị hay tư cách là “con người trong ngôi vị của Đức Kitô” của ngài được. Lý do, bởi vì cương vị “là Đức Kitô” đó vốn nằm trong cấu trúc hữu thể học của vị linh mục thừa tác (xem Ga 13, 20), chứ không phải là yếu tố ngoại tại. Đó chính là lý do giải thích tại sao Giáo luật của Giáo hội chủ trương rằng trong một số tình huống khẩn cấp và đặc biệt (như chiến tranh, bom đạn), một vị linh mục thừa tác trước đó vốn bị cấm đoán có thể tự động được ban Bí tích Hòa giải cho giáo dân, “propter nos homines” và “propter nostram salutem” (xem GL, Kk. 976 và 986 § 2).

Ngày 15-12-2009 vùa qua, qua Tự Sắc “OMNIUM IN MENTEM”, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã cho thêm vào Khoản Giáo Luật 1009 một triệt 3 qui định: “Những người được tấn phong chức giám mục hoặc linh mục nhận lãnh sứ mạng và năng quyền hành động trong ngôi vị Đức Kitô Thủ lãnh, nhưng các phó tế thì được ban cho năng quyền phục vụ dân Chúa trong vai trò phụ việc trong cử hành phụng vụ, Lời Chúa và bác ái” (1009 § 3: “Ceux qui sont constitués dans l’ordre de l’épiscopat ou du presbytérat reçoivent la mission et la faculté d’agir en la personne du Christ tête, mais les diacres sont habilités à servir le peuple de Dieu dans la diaconie de la liturgie, de la parole et de la charité”).

1.3- Khi nói “cương vị là Đức Kitô” thuộc về cấu trúc hữu thể học của vị linh mục thừa tác, điều nầy không có nghĩa, giống như Đức Giêsu-Kitô vốn là Ngôi Lời Thiên Chúa và là Thiên Chúa và Đức Maria vốn được những đặc ân như vô nhiễm nguyên tội, thánh thiện không tì vết, mặc dụ vẫn phải đối diện với những cám dỗ, những thử thách trong cuộc đời trấn thế, mà chỉ muốn nói rằng, cũng như nơi các Tông đồ của Đức Kitô, “cương vị là Đức Kitô” mà vị linh mục thừa tác nhận được trong ngày lễ Phong chức vốn bắt đầu như một “hiện hữu ở đó” (“être en lui”) và sẽ từ từ qua quá trình cuộc sống trở thành “hiện diện đối với ngài” (“être présent pour lui…”), và trong quá trình đó, hẳn ngài sẽ phải đối diện với những thử thách, cám dỗ và thậm chí những sa ngã…(xem 1 Tm 4, 6-16; 2 Tm 3, 10-17; 1 Cr 3, 18-23; 4, 1-5; 2 Cr 4, 1-11, v.v…).

Quá trình đi từ “hiện hữu nơi ngài” (“être en lui”) đến “hiện diện đối với ngài” (“être présent pour lui”) chỉ có thể là qúa trình tình yêu được sống, qúa trình tương quan ngày càng mật thiết, sống động và cá vị giữa vị linh mục thừa tác với Đức Giêsu Kitô, với Thân Mình mầu nhiệm của Ngài là chính Giáo Hội và với tha nhân, đặc biệt “những con người bé nhỏ”… Đó là một tương quan có tính năng động, hỗ tương và biện chứng, tức là vị linh mục thừa tác càng yêu thương Thiên Chúa và con người bao nhiêu bằng một tinh yêu vị tha, dâng hiến, Đức Kitô càng hiện diện đối với ngài và trong ngài bấy nhiêu, và ngược lại, Đức Kitô càng hiện diện bao nhiêu đối với vị linh mục thừa tác, ngài sẽ càng yêu thương nhiều bấy nhiêu và ngài càng “là mình” (identité) bấy nhiêu… Người ta sẽ hiểu được căn tính (identité) của vị linh mục thừa tác cách rõ ràng hơn khi nghiên cứu vai trò, vị trí của ngài trong tương quan với Giáo hội-Thân Mình mầu nhiệm của Đức Kitô…

2- Vai trò và vị trí của vị linh mục thừa tác trong tương quan với Giáo Hội và các Cộng đoàn…

Có thể nói rằng Ep 4, 11-13, một cách tổng quát, cho chúng ta thấy rõ vai trò, chức năng và vị trí của vị linh mục thừa tác trong Giáo hội và các cộng đoàn:

“Đức Kitô đã ban ơn cho kẻ nầy làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4, 11-13).

Còn Cv 2, 42 thì lại cho chúng ta thấy Hiện sinh đời sống của Giáo hội thời sơ khai và mọi thời được lập căn trên 4 yếu tố nền tảng: “Họ chuyên cần với giáo huấn của các tông đồ và sự hiệp thông, việc bẻ bánh và kinh nguyện”. Việc phân tích Cv 2, 42 sẽ cho chúng ta thấy rõ được vai trò và chức năng và sứ mạng cụ thể của vị linh mục thừa tác…

2.1- “Họ chuyên cần với giáo huấn của các tông đồ”: Giáo hội, trước tiên, là một tập thể những người qui tụ lại với nhau để lắng nghe Lời Chúa (Assemblée du Seigneur). Vị linh mục thừa tác chính là người mang trách nhiệm qui tụ, công bố, rao giảng và giải thích Lời Chúa nhân danh Giáo Hội, Thân Mình mầu nhiệm của Đức Kitô, tiếp nối truyền thống giáo huấn của các tông đồ.

2.2- “…và sự hiệp thông”: Thứ đến, Giáo Hội là một tập thể những con người có cùng chung xác tín tất cả mọi người đều là anh chị em với nhau vì cùng có chung một Cha là Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành mọi sự; hay nói cách khác, là tập thể những con người có cùng chung một Niềm Tin, một Niềm Hy Vọng và một Tình Yêu. Chính ở đây, vị linh mục thừa tác là nguyên lý của sự hiệp nhất của cộng đoàn…

2.3- “…việc Bẻ Bánh”: Sư hiệp thông luôn đòi hỏi tình yêu dâng hiến: cả hai điều nầy được thể hiện cách cụ thể nơi Bí Tích Thánh Thể. Vì thế việc tuyên xưng, cử hành và sống Bí Tích Thánh Thể chính là một trong những yếu tố làm nên nguyên lý, phương tiện và mục đích của hiện sinh của Giáo hội và làm nên chính căn tính của Giáo hội và cả của vị linh mục thừa tác…

2.3a- Bí Tích Thánh Thể và Căn tính của Giáo Hội:

Bí tích Thánh Thể, trước tiên, là nguyên lý của Căn tính của Giáo hội như là Thân Thể nhiệm mầu của Đức Kitô. Là nguyên lý, bởi vì, chính Bí tích Thánh Thể là nguyên lý khai sinh ra căn tính của Giáo hội, hay nói cách khác, chính Bí tích Thánh Thể làm cho Giáo hội là Thịt và là Máu của Đức Kitô, như là Bí tích của Đức Kitô giữa lòng thế giới…

Thứ đến, Bí tích Thánh Thể là phương tiện (moyen) xây dựng Căn tính của Giáo hội. Điều đó có nghĩa là Bí tích Thánh Thể vừa khai sinh ra vừa nuôi dưỡng Giáo Hội như là Thân Thể của Đức Kitô được trao ban cho nhân loại mọi nơi và mọi thời…

Sau cùng, Bí tích Thánh Thể chính là điều mà Giáo Hội phải và đang trở thành: “Nầy là Mình Thầy!” (Mc 14, 22.24 và ss) và “Anh em thân mến, hiện giờ ta là con cái Thiên Chúa; ta sẽ là gì, thì chưa được tỏ hiện, ta biết rằng một khi điều ấy tỏ hiện, thì ta sẽ được giống như Người, vì Người thế nào, ta sẽ được thấy như vậy” (1 Ga 3, 2). Hay nói cách khác, Bí tích Thánh Thể cũng chính là cùng đích của Giáo Hội…

2.3b- Bí tích Thánh Thể và Căn tính của vị Linh mục thừa tác: Cũng như trong tương quan với Giáo hội-Thân Mình mầu nhiệm của Đức Kitô, Bí tích Thánh Thể cũng là một trong những yếu tố căn bản làm nên nguyên lý, phương tiện và cùng đích của Căn tính của vị Linh mục thừa tác.

Trước tiên, là nguyên lý của Căn tính của chức linh mục thừa tác, bởi vì, giữa Chức thánh linh mục thừa tác và Bí tích Thánh Thể có mối tương quan mật thiết và hỗ tương với nhau. Tương quan mật thiết, vì chính Đức Kitô đã thiết lập cùng lúc hai Bí tích nầy (Truyền chức thánh và Thánh Thể) trong Bữa Tiện Ly Ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Và như đã lưu ý trước đây, có lẽ sẽ không có Chức thánh linh mục thừa tác nếu không có Bí tích Thánh Thể và ngược lại…Tương quan hỗ tương, bởi vì hai Bí tích nầy tác động hỗ tương đối với nhau: vị linh mục thừa tác càng “sống” căn tính của mình càng “nầy là Mình Thầy” hơn và vì thế càng trở nên “Bí tích Thánh Thể” hơn, và ngược lại…

Thứ đến, là phương tiện không thể thiếu giúp vị linh mục sống và thể hiện Căn tính đặc thù của mình là tình yêu hiệp thông và hiến tế: vị linh mục thừa tác chỉ trở thành “lương thực” và “thức uống” cho mọi người ăn và uống khi thực sự “sống” Bí tích Thánh Thể hay nói cách khác, khi ngài cũng là chính Bí tích Thánh Thể…

Sau cùng, là cùng đích của Căn tính của chức linh mục thừa tác, nghĩa là chức thánh linh mục thừa tác vốn là một “hữu thể đang trở thành” (être en devenir) của hành vi “Nầy là Mình Thầy” và “Nầy là Chén Máu Thầy” và cùng đích của quá trình nầy chính là Bí tích Thánh Thể (xem 1 Ga 3, 2)…

2.4- “…và kinh nguyện”: kinh nguyện cá nhân cũng như tập thể là cơ hội và là môi trường để con người “tiếp cận” với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính cả bản thân mình… Và đó cũng chính là lúc và là nơi mà dung mạo của Giáo hội được bày tỏ và thể hiện cách hết sức đặc thù. Ở đây, vai trò chính của vị linh mục thừa tác là “qui tụ” Dân Chúa lại với nhau, cùng đồng hành với họ và là “cầu nối” (pontifex) giữa con người và Thiên Chúa và ngược lại, trong ngôi vị Đức Kitô là Đầu…

2.5- Sự Hiện diện có tính bí tích của vị Linh mục thừa tác giữa lòng Giáo hội …

Trên cơ sơ những phân tích và suy tư trên đây, hé lộ cho chúng ta thấy một chiều kích huyền nhiệm nữa nơi Căn tính đặc thù của vị Linh mục thừa tác đó là Hiện diện của ngài giữa lòng thế giới và Giáo hội là một Hiện diện có tính bí tích (Présence sacramentelle) (xem Mt 28, 20; Lc 22, 19).

Là sự hiện diện có tính bí tích, trước tiên, bởi vì đó là sự hiện diện trong ngôi vị Đức Kitô: dù hèn yếu, tội lỗi, bất xứng, v.v…, nhưng, vì tình yêu nhưng không và có thể nói không ai hiểu được, Đức Kitô đã nhận vị linh mục thừa tác đó là Mình (appropriation) và qua ngài, Đức Kitô hiện diện với những người bạn của Ngài giữa lòng lịch sử…

Thứ đến, cùng với “Mình Thánh” và “Máu Thánh”, vị linh mục thừa tác trong ngôi vị Đức Kitô, cách bí tích, vẫn “nuôi sống” và “làm đã cơn khát” nhân loại đang “đói” và “khát” cách thể xác cũng như tinh thần…

Sau cùng, trong ngôi vị Đức Kitô là Đầu của Thân Thể mầu nhiệm là Giáo Hội, có thể nói vị linh mục thừa tác chính là “linh hồn” của các cộng đoàn… Không có ngài, cộng đoàn sẽ trở nên trống vắng, như ngôi nhà không có chủ, như thế giới vắng bóng Thiên Chúa…

Năm Thánh Linh mục 2009-2010