Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa với nền văn minh lúa nước vốn có những ngày Tết truyền thống, những ngày lễ hội dân gian đầy ý vị và vui tươi. Từ Tết cơm mới cuối vụ mùa cho đến lễ mở rừng đi săn. Đến như lễ tết ra giêng để vào hè thì có Tết Thượng Nguyên, Tết Hàn Thực, Tết Đoan Ngọ. Đặc biệt để tiễn mùa đông người Việt đã ăn Tết Nguyên Đán. Bên cạnh đó còn có nhiều tết khác như Tết Trung Nguyên (rằm tháng bảy) của Phật Giáo, Tết Trung Thu (dành cho thiếu nhi), Tết Trùng Dương, Tết Ông Táo… Tất cả đều có sự tính toán dựa theo sự chuyển đổi của thời tiết trong năm và căn cứ vào nông lịch phương Đông.

Chữ “Tết” ngày nay đã được một số quốc gia sử dụng như là một “Le” hết sức độc đáo của dân tộc Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng chữ “Tết” bắt nguồn từ “Lễ Tiết” bên Trung Quốc. Tết do Tiết đọc chệch đi. Từ chữ Tết người ta còn ghép theo từ Nhứt nữa nghe thật thú vị, như ‘Tết Nhứt’ là do đọc chệch đi từ hai âm Hán Việt “Tiết Nhựt”, có nghĩa là ngày Tết. Còn Nguyên Đán, theo chữ Nôm: Nguyên là bắt đầu, Đán là buổi sớm mai, Nguyên Đán là sớm mai đầu năm. Nguyên Đán còn gọi là “Chính Đán” tức là “Chính Nguyệt Chi Đán”( buổi sớm mai tháng giêng), ngoài ra còn sử dụng từ tam chiêu, là ba cái sớm mai( sớm mai đầu năm, sớm mai đầu mùa, sớm mai đầu tháng).

Tự xưa nay, là người Việt Nam, dẫu ở bất cứ nơi đâu vẫn xem trọng ngày Tết Nguyên Đán. Một năm làm lụng vất vả mưu toan cho cuộc sống; một năm xa gia đình bôn ba mọi nơi, ba ngày Tết Nhứt vui vẻ, đoàn tụ, mọi chuyện buồn phiền lo toan đời thường tạm gác sang một bên để mọi người cùng hưởng niềm vui đón xuân về, tết đến.

“Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”, câu nói ấy đủ cho thấy người Việt chú trọng đến ngày Tết như thế nào. Dù khốn dù khó thì ngày Tết cũng phải có cặp bánh chưng, khoanh giò lụa, nải chuối, hộp mứt. Nhà có điều kiện thì mua sắm đủ thứ, nào là mâm ngũ quả thật đẹp, các loại bánh mứt thật hảo hạng, cây giò thật to, gà, thịt thật nhiều, bánh chưng và nhiều loại bánh khác. Cùng với những thứ ăn, là những chậu hoa, cây cảnh, chậu quất sai qủa, gốc mai cành đào đầy đủ lộc, nụ, hoa…

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” là cái Tết truyền thống của người Việt Nam. Ý nói cái Tết có cả phần vật chất lẫn tinh thần. “Câu đối đỏ” ngày nay được cải tiến rất nhiều. Bên cạnh những đôi câu đối viết bằng mực đen trên nền giấy điều, giấy lụa là những câu đối in trên loại giấy bóng tốt, nhiều nhà còn sắm về những hoành phi câu đối bằng gỗ, khảm trai hay những đôi câu đối thêu… Quan niệm của người Việt, ngày Tết tiễn cái cũ đi, đón cái mới về. Chính vì vậy, cùng với việc mua sắm, nhiều nhà có điều kiện, những tháng cuối năm thay đổi những cái cũ trong nhà như thay đổi tivi đời mới hơn, đổi cái tủ lạnh, cái máy giặt hay thay xe cộ… nhà không có điều kiện thì cũng cố gắng làm cho căn nhà mới hơn bằng việc quét vôi lại hoặc kê dọn đồ đạc trong nhà, lau chùi đánh bóng lư hương bát đèn, dọn dẹp sân vườn sạch sẽ…

Ngày Tết, còn là dịp để người người vui chơi. Bên cạnh việc “Ăn Tết”, người ta nghĩ đến việc “Chơi Tết”. Chơi Tết có thể kéo dài từ những ngày áp Tết 27, 28, 29, 30 Tết với những cuộc đi ngắm chợ hoa, đi chợ Tết và ngày nay còn cả việc đi vào các siêu thị. Có thể mua hoặc có thể chẳng mua gì, song việc đi chợ như là niềm vui của ngày Tết, đặc biệt đối với giới nữ. Vì vậy, chợ là nơi thu hút đông người. Chợ vốn dĩ đã ồn ào, náo nhiệt thì những ngày áp Tết chợ càng thêm tưng bừng, rộn rã hơn. Nói đến “Chơi Tết” thì không thể không nói đến chuyện đi thăm hỏi, chúc Tết nhau, con cái đi chúc Tết cha mẹ, anh em, họ hàng, thân bằng cố hữu đến chúc Tết nhau. Trong nhà, ngoài đường vui như trẩy hội. Việc “Chơi Tết” không chỉ dừng lại ở ngày Mùng Một, Mùng Hai. Nó có thể kéo dài hết tháng giêng, tháng hai và cả tháng ba với những lễ hội, đình đám. Vì thế mà người ta có câu: Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai đình đám, tháng ba hội hè. Có lẽ người người chờ đón Tết, thích Tết cũng vì lẽ đó.

Những ngày giáp Tết mọi nhà tất bật bận rộn công việc bán mua, sắm sửa cho ngày Tết. Chợ búa đông vui nhộn nhịp.

Người Việt Nam vui hưởng Tết, luôn nhớ về Tổ tiên ông bà cha mẹ, và không quên nghĩ đến người nghèo, những phần quà tết như gói trọn tình san sẽ sớt chia.

Với truyền thống tự ngàn đời, Tết Nguyên Đán với người Việt, dù ở đâu cũng có nhiều ý nghĩa lớn lao, cũng có những thiêng liêng sâu sắc. Mọi người trân trọng, nguyện cầu cho sức khỏe, an bình, ấm no và nhiều thành công cho năm mới. Tết cũng là một dịp để con cháu nhớ đến gia đình, tổ tiên, anh em, bè bạn, gặp nhau qua rượu chè trà mứt sau một năm dài làm việc. Vì vậy, mọi người, mọi gia đình đều háo hức đón chờ và chuẩn bị Tết rất chu đáo và công phu. Khắp quê hương thân yêu, những ngày này, từ đô thị đến những vùng nông thôn hẻo lánh xa xôi, nơi nơi chuẩn bị đón Tết. Nhưng đâu phải gia đình nào cũng có thể chuẩn bị được một cái Tết vui vầy, ấm cúng! Rất nhiều gia đình không thể tự lo Tết được. Họ là những người nghèo quá đâm ra sợ Tết hay nghèo quá không dám nghĩ đến Tết!

Mới đây báo chí đưa tin về một gia đình “Nhà nghèo quá nên sợ… Tết”. Đó là gia đình bà Phan Thị Nga (50 tuổi) ở ấp Thị Tứ, huyện Phong Điền, Cần Thơ. Nhà của bà là của cha mẹ để lại trước khi mất. Căn nhà vốn đã nhỏ hẹp, tồi tàn và lụp xụp còn phải bị ngăn ra làm 3 gian. Mỗi gian một gia đình. Bốn mẹ con bà chen chúc với nhau trong một gian.Bà Nga bị viêm khớp nặng, hàng ngày ngồi một chỗ trước nhà bày bán nước đá và thuốc lá lẻ mong kiếm chỉ vài ngàn đồng mua gạo. Ba đứa con, 2 trai 1 gái, thì đã có 2 đứa bị bệnh. Con trai lớn của bà là Phan Văn Cường (27 tuổi) cách đây 2 tháng đi làm hồ bị bụi sắt bay vào mắt và do không có tiền chữa trị nên đã bị mù một mắt phải. Hàng ngày Cường vẫn cùng đứa em kế là Huỳnh Bá Dư (25 tuổi) lang thang khắp nơi lượm bao ni long và phế liệu để bán lấy tiền phụ mẹ nuôi sống gia đình. Cô con gái út Huỳnh Thị Trúc Mai (10 tuổi) thì bị bệnh tim bẩm sinh nên sức khỏe rất yếu. Cũng vì quá nghèo, lo từng miếng ăn còn vất vả nên bệnh tật của mẹ con bà Nga không được chữa trị đến nơi đến chốn.Trong khi chung quanh nhiều gia đình đang sửa soạn lại nhà cửa để chuẩn bị đón Tết thì mẹ con bà Nga ngồi lặng lẽ, hiện rõ những nỗi buồn trên gương mặt. Bà Nga buồn bã tâm sự: “Từ lúc chồng mất đi, do không có tiền nên Tết đến, tôi đành đi mua thiếu người ta gạo với ít thịt ăn Tết. Đợi qua Tết, con nó đi lượm bọc kiếm tiền rồi mới trả. Năm nay chắc cũng vậy, lâm vào hoàn cảnh này rồi gia đình tôi có mong gì Tết nữa đâu”. Khi nói đến Tết giọng bà thật buồn cho biết không năm nào gia đình bà được đón một cái Tết đầy đủ, vui vẻ. Bà Nga thổ lộ, có nhiều năm đến 29, 30 Tết rồi mà trong nhà không có lấy một hạt gạo để nấu cơm. Bà phải chạy qua hàng xóm để mượn đỡ về nấu cho cả nhà ăn. Ngày Tết cũng chỉ ăn chao, tương, đậu hũ chứ cũng chẳng có thịt cá gì. Bà nói “Năm nay chắc cũng như mọi năm khác, cận Tết mà trong nhà trống không. Nhà nghèo, con cái cứ ngớ ngẩn như thế thì có ăn Tết cũng buồn lắm”.

Còn bao nhiêu người nghèo như những người tôi vừa kể rải rác trên khắp đất nước này? Đối với họ, cái Tết sẽ không còn hương vị của một ngày lễ hội mang tính văn hóa truyền thống, mà là một gánh nặng. Họ vẫn sống âm thầm khổ nhọc với cái nghèo như một thứ định mệnh.

Trớ trêu thay, bên cạnh những mảnh đời bất hạnh đó, bên cạnh những khó khăn cùng cực đó là những cuộc liên hoan xa hoa tốn kém, những bữa chè chén bạc triệu ở các nhà hàng sang trọng khi các cán bộ tiếp khách. Những cuộc rượu chè xa xỉ đua nhau nốc bia rượu cho đến ói mửa, đến say xỉn không còn biết đường về. Dọc đường phố đông đúc của Hà Nội và Saigon có lắm người ăn bận quần áo đắt tiền, lái những chiếc xe hơi sang trọng nhất thế giới, và hàng ngày dùng những bữa tiệc no say tại những khách sạn huy hoàng tráng lệ. (PV.Trần Việt Trình).

Xứ đạo tôi thuộc miền quê, các gia đình có biết bao lo toan đón Tết. Những gia đình nghèo đông con lại rất.. sợ Tết. Giáo xứ nổ lực hết sức xin các ân nhân xa gần giúp đỡ để lo quà Tết cho người nghèo. Năm nay, người nghèo nhiều hơn. Quà Tết cho người khuyết tật, người nghèo là lương thực cứu đói. Huy động hết mọi đoàn thể, mọi giới trong xứ đi lạc quyên giúp người nghèo được “Ăn Tết” cùng với mọi nhà, bởi lẽ “giàu thì ngày ăn ba bữa, nghèo thì cũng đỏ lửa ba lần”. Tỏ lòng hiếu, giáo xứ lo quà cho các cụ già trên 70 tuổi như tấm lòng biết ơn cùng với lời chúc thọ của con cháu trong thánh lễ Mồng Hai Tết.

Xuân về Tết đến, nhiều tác giả chọn tết, hoa tết, mùa xuân để viết văn viết nhạc vẽ tranh làm thơ. Riêng nhà thơ Vương Trọng lại chọn cách nghỉ tết của người lao động làm ruộng làm biển, qua bài thơ giản dị mà thấm đẫm nhân ái.

Nghỉ Tết người lên từ phía ruộng

Chân cọ nùi rơm khó sạch bùn

Dép nhựa ít dùng đi thấy vướng

Cứ để chân trần bước thích hơn

Nghỉ Tết người về từ phía biển

Nụ cười mỹ phẩm nở như hoa

Giày dép thời trang quần áo diện

Trai làng chiêm ngưỡng ngắm từ xa

Người lên từ ruộng, người cày cấy

Lúa khoai muôn thủa vẫn nuôi người

Người về từ biển nghề gì vậy

Mà xinh, mà dẹp, trẻ trung ơi

Xin xuân hãy mở lòng nhân ái

Đừng thức trong ai những nỗi niềm

Gặp gửi lời chào, xin chớ hỏi

Để người đoan chính đến … ra giêng

Người nghỉ tết là nông dân chân đất, họ lên từ phía ruộng “chân cọ nùi rơm khó sạch bùn”. Quanh năm chân lấm tay bùn. Khi Tết về, cần lịch sự hơn, chỉnh tề hơn nên xỏ dép nhựa đi tạm. Đi tạm mà: “dép nhựa ít dùng đi thấy vướng. Cứ để chân trần bước thích hơn”. Hình ảnh giản dị mà tuyệt đẹp về người dân quê.

Người nghỉ tết về từ biển, quanh năm “ăn với sóng nói với gió”. Hơi thở chất phác của biển, hiện lên chân dung thiếu nữ thanh tú với làn da ngăm đen ngấm vị mặn của biển nên phải cần trang điểm thôi. Trong mắt nhà thơ, nhìn nụ cười của người lên từ phía biển: “Nụ cười mỹ phẩm như nở hoa”. Người con gái miền biển quanh năm chài lưới vất vả, chân đất, không phấn son. Bây giờ xuân về tết đến nên mới diện, mới chưng một chút. Diện để trai làng chiêm ngưỡng từ xa. Nhìn từ xa chứ không nhìn gần đâu nhé. Từ xa, cái gì lung linh ảo mờ cũng đẹp đẽ. Trai làng sẽ có chàng khó quên hình ảnh của một thiếu nữ chân quê trở về phố thị từ miền biển. Nàng diện tết và chàng ngắm nhìn mùa xuân, nhìn tết đang về sau những tháng ngày lao động với nắng biển cát bay sóng vỗ lưới thuyền.

Nghĩ về người cần lao, thấm nổi niềm nhân ái, nhà thơ viết xác tín “lúa khoai muôn thuở vẫn nuôi người”. Ngàn đời người Việt sống nhờ khoai lúa, vinh danh cũng từ khoai lúa mà nên.

Nhà thơ vịn vào cớ để hỏi thế này: “người về từ biển nghề gì vậy, mà xinh, mà đẹp, trẻ trung ơi”. Vương Trọng gợi lên sức trẻ, nét xinh đẹp của thiếu nữ. Người đẹp về từ phía biển, mặn mà đến nỗi phải thảng thốt: “mà xinh mà đẹp”.

Thì thầm cùng mùa xuân, thi nhân tha thiết “Xin xuân hãy mở lòng nhân ái. Đừng thức trong ai những nỗi niềm”.

Vẫn biết vui buồn đời người ai cũng có, niềm đau không hẳn dễ nguôi ngoai. Nhưng nếu không có nổi buồn, niềm day dứt thì cuộc đời sẽ tẻ nhạt lắm thay. Xin mùa xuân hãy mở lòng nhân ái. Xin đất trời khoan dung. Hãy chào hỏi, chúc nhau những lời đẹp, may mắn, sức khoẻ, niềm vui. Còn mọi nổi niềm khác hãy để ra giêng. Ra giêng hãy tính đến chuyện nổi niềm.

Xin người về từ phía biển cứ xinh tươi, cứ rực rỡ đi, để tận hưởng cái tết cho thanh thản, có gì khúc mắc mùa xuân, để sau nhé, ra giêng nhé.

Mùa Xuân mới đang về. Xuân Canh Dần, Xuân Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam 2010. Xuân đem hy vọng đến. Xuân đẩy lui mây xám cuộc đời. Những rủi ro, Xuân mang đi. Điều may mắn, Xuân chở về. Xuân tặng mỗi nhà một cành Mai may mắn, một cành Đào thủy chung. Bó hoa niềm vui, Xuân trao tất cả. Cành lá phúc lộc, Xuân gởi tặng không. Trái tim băng giá, Xuân hâm cho nóng lại. Ánh mắt hận thù, Xuân nhỏ giọt yêu thương. Xuân kết chặt bàn tay nhân loại, để truyền cho nhau hơi ấm tình người. Đôi môi con người, Xuân điểm hoa cười, để mọi người cùng sống niềm hy vọng một năm mới Canh Dần hạnh phúc hơn, ấm no hơn, yêu thương nhau hơn.