HÀ NỘI - Ngày 17/01/2009 vừa qua, nhóm Emmau - làm công tác truyền thông và chăm sóc các bệnh nhân nhiễm HIV đã họp mặt tại Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội để tổng kết sau gần một năm hoạt động. Chương trình được bắt đầu với việc tổng kết hoạt động trong năm qua và đưa và phương hướng hoạt động trong năm tới do sơ Bông và sơ Sáng đảm trách. Tiếp đó là thánh lễ tạ ơn do Đức Tổng chủ sự. Sau bữa cơm trưa thân mật, các thành viên trong nhóm chia thành hai đoàn: một đoàn đi làm công tác truyền thông ở Hà Nam và số còn lại đi thăm và tặng quà cho các bệnh nhân HIV trên địa bàn Hà Nội.

Sự ra đời và hoạt động của nhóm trong năm qua

Nhóm Emmau có phôi thai từ tháng 6 năm 2007, khi đó được sự khích lệ và cho phép của Đức Tổng, hai chị Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế đã đến Hà Nội để chuẩn bị cho công tác truyền thông cũng như chăm sóc các bệnh nhân HIV. Từ đó các hoạt động này dần được khởi sắc và chính thức đi vào hoạt động có tổ chức từ tháng 02 năm 2008 đến nay. Trong năm qua nhóm đã có 40 thành viên, chưa tính 20 thành viên ở Thái Hà mới sát nhập. Với sự hoạt động tích cực của mình nhóm đã truyền thông được 158 cuộc (3500 người) và thường xuyên chăm sóc 100 bệnh nhân. Mục đích mà mỗi buổi truyền thông đạt được là mọi người đều nắm được cơ bản về HIV/AISD và những khái niệm có liên quan. Hiểu rõ tác hại của sự kì thị và phân biệt đối xử với người bệnh. Từ đó giảm bớt sự kì thị với người bệnh trong gia đình và cộng đồng. Động viên an ủi người bệnh về tinh thần, vật chất....

Đồng cảm với nỗi bất hạnh của các bệnh nhân

Mỗi lần đến thăm và tặng quà cho các bệnh nhân nhiễm HIV, các thành viên trong nhóm mới thật sự thấy được nỗi bất hạnh của những người bệnh, từ đó mỗi người có sự cảm thông, chia sẻ với những con người xấu số này. Những bệnh nhân nhiễm HIV không chỉ thiếu thốn về vật chất do “không thể” tự mình kiếm sống mà còn chịu sự kì thị khắc nghiệt của xã hội.

Chị Trang (28 tuổi), quê ở Hải Phòng cho biết: Hiện chị đang bị nhiễm bệnh do lây từ chồng. Chị đã có 5 đứa con, trong đó có 1 đứa bị nhiễm bệnh đang ở tại một trung tâm chăm sóc trẻ nhiễm HIV. Đời sống của chị thật cực khổ, chị chia sẻ: “trước kia, khi bệnh chưa nặng mình xin được vào khoa điều trị bệnh HIV ở bệnh viện Đống Đa để chăm sóc các bệnh nhân. Ở đó tuy vất vả nhưng còn có chỗ ăn ở và ít tiền gửi về cho con. Nhưng giờ bệnh nặng hơn nên họ không cho mình làm việc ở đó nữa. Hiện tại, ban ngày mình vừa học vừa làm may ở một “trung tâm” với đồng lương là 145000đ/tháng, còn đêm thì phải ra công viên ngủ. Tết này mình chẳng có tiền về quê vì hôm qua trung tâm đã cho nghỉ tết nhưng tiền trợ cấp cho mỗi người được có 150000đ nên tết này mình sẽ phải phải lang thang....”

Những người lớn khi nhiễm bệnh dù sao cũng đã hiểu rõ nguyên nhân và trách nhiệm của mình khi họ mắc bệnh nhưng còn những đứa trẻ, chúng còn ngây thơ đâu làm gì nên tội mà cũng chịu chung cái án “cực hình” như vậy.

Chị Hải (chủ nhiệm câu lạc bộ Bồ Câu) là mẹ của cháu Phúc (đang nhiễm bệnh), ở Hạ Đình, Thanh Xuân cho biết: “cháu Phúc đang học cấp I tại một trường trong Thành phố. Từ khi biết cháu có bệnh các bạn bè trong lớp không ai dám tới gần cũng như chơi đùa với cháu. Vậy nên cháu phải ngồi một mình một bàn. Các giờ ngoại khóa khi các bạn được thoải mái nắm tay nhau nô đùa thì cháu không được tham gia. Mặc dù cháu đã nói với các bạn “bệnh này không dễ lây như các bạn nghĩ đâu, nó chỉ lây qua 3 con đường: từ mẹ sang con, từ tiêm chích chung và từ đánh răng chung bàn chải” nhưng các bạn cháu vẫn sợ. Nhà trường và phụ huynh còn nhiều lần đề nghị không cho cháu được tiếp tục tới trường...”

Nguyên nhân đẩy những người bệnh vào đường cùng

Để người nhiễm HIV lâm vào đường cùng của sự khổ ải về vật chất cũng như tinh thần thì có nhiều. Có thể do người bệnh không đủ sức khỏe để tự lao động nuôi sống mình. Hay do người bệnh không được sự quan tâm chăm sóc của gia đình và cộng đồng. Nhưng có lẽ lí do chính yếu đẩy người bệnh vào đường cùng cần kể đến đó là sự thiếu quan tâm của nhà nước, của các cấp chính quyền. Như nhận định của chị Hà - một thành viên tích cực trong nhóm: “Các bệnh nhân nhiễm HIV phải khổ sở như vậy là do “các ông lớn” trong xã hội thiếu lương tâm, vì như chúng tôi biết có rất nhiều các nhà tài trợ nước ngoài đã rót rất nhiều tiền vào Việt Nam để hỗ trợ cho bệnh nhân nhiễm HIV. Nhưng điều quan trọng là số kinh phí đó có đến được tận tay các bệnh nhân hay không”. Chị cho biết thêm: “hôm trước, nhóm chúng tôi có đến trại 09 ở Cầu Bươu để thăm và tặng quà cho các bệnh nhân HIV. Nhưng đến nay đã là 4 ngày rồi mà quà chúng tôi mang tới vẫn chưa đến được tay bệnh nhân. Hôm đó, chúng tôi muốn trao quà tận tay cho từng bệnh nhân nhưng giám đốc trung tâm ở đó nói chỉ cho 10 người đại diện lên nhận và họ đảm bảo sẽ đưa quà tới những bệnh nhân còn lại...”

Hay như lời của anh Hải, một bệnh nhân quê ở Hà Đông: “Em là người nhiễm HIV, em đã đi nhiều trung tâm nhưng thấy không được. Nhiều khi thấy bức xúc quá, muốn lên tiếng nhưng đâu có dễ vì mình chịu sự quản lý của trung tâm về mọi mặt. Chúng em vẫn biết có rất nhiều người hảo tâm đã giúp chúng em nhưng chúng em đâu được hưởng. Chúng em chỉ là những “con cờ” để các vị cấp cao hưởng thụ thôi”.

Trước tình hình phức tạp trên, các thành viên trong nhóm đang nỗ lực tìm mọi cách để đến được với từng người bệnh “cho dù mất công mất việc chúng em cũng muốn đem được những món quà nhỏ bé của mình lẫn nỗi lòng cảm thông sâu sắc tới từng bệnh nhân” - Sơ Thúy tâm sự. Nhưng để thực hiện được ước nguyện này nhóm còn gặp rất nhiều khó khăn về mọi mặt từ vật chất tới nhân lực.

Lạy Chúa Giesu! Xưa Chúa đã tận tâm để mắt tới những người hèn mọn bị xã hội bỏ rơi, khinh miệt. Xin cho chúng con, đặc biệt các thành viên trong nhóm Emmau biết học nhân đức của Người, biết quan tâm tới những bất hạnh trong xã hội bằng tinh thần hăng say phục vụ quên mình.