SUBPRIMES VÀ NHỮNG CUỘC KHỦNG HOẢNG TIẾP NHAU (2)

Trong bài ‘Subprimes và những cuộc khủng hoảng tiếp nhau’, ngày 05.12.2008, chúng tôi đã viết về những nguyên nhân đã gây ra hai cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929 và, hiện nay, năm 2008. Trong bài hôm nay, chúng ta xem làm thế nào để khôi phục lại nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929 và những cố gắng để chận đứng khủng hoảng xã hội (thất nghiệp, nghèo khó…) đang hình thành.

I. KHỦNG HOẢNG KINH TẾ 1929.

Cuộc Đại Suy Thoái năm 1929 bắt đầu từ ngày 24.10.1929, với sự suy sụp thị trường chứng khoán Wall Street (New York – Hoa kỳ) lần hồi lan sang các khu vực kinh tế khác và tràn sang tất cả các quốc gia kỹ nghệ tiền tiến khác. Nền kinh tế Hoa kỳ suy giảm tới mức thấp nhất vào năm 1932, với:

- 25% dân số trong tuổi lao động, tức khoảng 13 triệu người thất nghiệp tại Hoa kỳ năm 1933;

- Sản lượng công nghiệp giảm 45% từ năm 1929 tới năm 1932;

- Số nhà xây mới giảm 80% từ năm 1929 tới năm 1932;

- Từ năm 1929 tới năm 1932, 5.000 ngân hàng phá sản.

Nền kinh tế Hoa kỳ hứng chịu những sự những bất quân bình, nhất là trong sự phân chia lợi tức quốc gia khi người ta ước lượng chỉ có 36 gia đình giàu chiếm số lợi tức ngang bằng tổng lợi tức của 42% toàn thể dân số Hoa kỳ. Ngoài ra, trên 27,5 triệu gia đình, có đến 21,5 triệu gia đình không có sổ tiết kiệm.

Đắc cử Tổng thống thứ 32 của Hoa kỳ ngày 08.11.1932, với 57% tổng số phiếu bầu hợp lệ và chiếm tổng số phiếu đại cử tri tại 42 trên 48 tiểu bang, ông Franklin Delano Roosevelt (đảng Dân chủ) đã tuyên thệ nhậm chức ngày 04.03.1933. Do nhận định là có khủng hoảng kinh tế vì người dân mất niềm tin được thể hiện qua việc giảm tiêu thụ và đầu tư, trong diễn văn nhậm chức, Tổng thống Roosevelt, với sự lạc quan, đã tuyên bố: « The only thing we have to fear is fear itself » (chỉ có một điều chúng ta phải sợ, đó chính là sự sợ hãi).

Thật vậy, cùng ngày đó, khách các ngân hàng kéo đến đòi tiền gửi vì mất niềm tin, khiến các ngân hàng phải tuyên bố phá sản. Ngày hôm sau, Tổng thống ban sắc luật ‘United States bank holiday’ để các ngân hàng có thể đóng cửa và tuyên bố một chương trình để ổn định trước khi mở cửa lại.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, ông Roosevelt đã quyết định nhiều biện pháp để trấn an dân Mỹ và phục hồi kinh tế. Từ ngày 04.03. đến 16.06.1933, ông đề nghị 15 luật mới và được giới Lập pháp thông qua. Để giải thích sự thành công chính trị của ông, giới sử gia cho là ông có biệt tài thu hút khán thính giả các hệ thống truyền thông.

Công trình phục hồi kinh tế Hoa kỳ được Tổng thống Roosevelt đặt tên là New Deal (tạm dịch ‘Chương Trình Mới’), chia làm hai giai đoạn:

- New Deal thứ nhất mang tính cách khẩn cấp, được mệnh danh là ‘Một Trăm Ngày’ từ ngày 09.03 đến ngày 14.06.1933, bao gồm những biện pháp về tiền tệ, hệ thống ngân hàng, nông nghệp, kỹ nghệ và chống thất nghiệp, dựa trên những tiêu chỉ gọi là 3R: « Relief, Recovery et Reform» (trợ cấp xã hội, phục hồi và cải tổ). R còn là chữ đầu của tên của Tổng thống Roosevelt. Trong thời gian này, hai triệu người, trong đó có 250.000 thanh niên nam nữ, đã tìm được việc làm.

- New Deal thứ nhì có tính cách dài hạn nhằm cải tổ cơ cấu, kéo dài từ năm 1935 đến 1938 đã cải thiện việc phân phối lợi tức quốc gia và quyền hành, với những luật lệ bảo vệ nghiệp đoàn (Social Security Act).

Tuy hai giai đoạn New Deal đã góp phần vào việc cải thiện nền kinh tế Hoa kỳ, nhưng tạo nên một sự khiếm hụt rất quan trọng trong ngân sách liên bang.

Nền kinh tế Hoa kỳ chỉ phục hồi thật sự khi liên bang tham gia Đệ Nhị Thế chiến cuối năm 1941. Đó là điều không ai trong chúng ta muốn, trừ một vài tên độc tài và điên, để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

II. KHỦNG HOẢNG KINH TẾ HIỆN TẠI.

1.- Biện pháp Trợ giúp ngân hàng.

Tháng 09.2008, việc hai công ty tài chính bán công Fannie Mae và Freddie Mac phải đặt dưới sự giám hộ của chính phủ Hoa Kỳ. Sau đó, ngân hàng đầu tư Lehman Brothers khai phá sản và ngân hàng đầu tư Merill Lynch được bán rẻ cho ngân hàng thương mại Bank of America đã gây chấn động cho các thị trường chứng khoán thế giới, khiến nhà đầu tư mua bán chứng khoán hốt hoảng. Do đó, tối hôm 23.09.2008, Tổng thống George W. Bush đọc diễn văn truyền hình mời gọi người Mỹ ủng hộ dự án cho phép chính phủ tiêu 700 tỷ mỹ kim để cứu thị trường tài chánh khỏi sụp đổ.

Tranh cử tổng thống năm 2000, ứng cử viên Bush đã hứa với cử tri Mỹ điều: cương quyết không đem quân Mỹ ra ngoại quốc, giúp xây dựng chính quyền nước khác và ông quyết liệt chủ trương phải thu nhỏ vai trò của chính phủ liên bang Mỹ bằng cách giảm bớt số luật lệ can thiệp vào thị trường, giảm thuế để giới kinh doanh có vốn đầu tư giúp nền kinh tế phát triển.

Những biến cố xảy ra đã thay đổi những chủ trương đó. Đầu nhiệm kỳ I, cuộc khủng bố ngày 11.09.2001 khiến ông Bush phải đổi chủ trương ngoại giao bằng đưa quân Afghanistan và Irak. Trong những tháng cuối nhiệm kỳ II, vụ khủng hoảng subprimes ở Hoa kỳ, Tổng thống Bush phải nhờ cử tri Mỹ thúc đẩy các Thượng nghị sĩ và Dân biểu biểu quyết chấp thuận cho Bộ trưởng Ngân khố (tức Tài chánh tại Việt-Nam) Henry Paulson toàn quyền sử dụng 700 tỷ mỹ kim để mua những trái khoản về những món nợ địa ốc từ các ngân hàng và công ty tài chánh khác, theo thủ tục khẩn cấp và ‘không thay đổi gì hết’, trước khi rời nghị trường về đơn vị lo việc tranh cử. Một Tổng thống chủ trương giảm bớt quyền Nhà Nước để cho thị trường tự do hơn, nay lại phải tăng quyền cho Hành pháp (Chính phủ)!

Đến đây, chúng ta mới thấy rõ tính cách dân chủ của một quốc gia mà người dân thực sự phát biểu quyền làm chủ của mình đối với các vị dân cử (Thượng nghị sĩ hay Dân biểu).

Khi dự luật được công bố qua các cơ quan truyền thông, các chuyên viên hay giáo sư kinh tế đã viết những bài trên báo để bênh vực nhận định của mình hay tranh luận trên các đài truyền hình. Có người cho rằng dự luật này ‘lập ra một cơ quan từ thiện để trợ cấp xã hội cho giới ngân hàng giàu có bằng tiền của người dân đóng thuế’ hay nó chống lại nguyên lý của kinh tế tư bản, tức ai cũng phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình: người thận trọng sẽ được thưởng, người liều lĩnh có thể bị trừng phạt.

Phe chống đối lý luận: trong nền kinh tế tự do những hợp đồng có tính cánh bắt buộc, đặt bút tự do ký là chịu trách nhiệm. Nếu xóa bỏ đặc tính đó, nền kinh tế sẽ không chạy được. Đề nghị cần có những điều khoản giúp những người mua nhà không trả được nơ, nhưng ông Paulson bác bỏ vì các thẩm phán xử những vụ ngân hàng kiện người vay ra tòa để xiết nhà có thể thay đổi các hợp đồng vay nợ để giúp người vay không bị tịch biên nhà hay giảm bớt lãi suất hoặc số tiền vay của người kẹt nợ.

Trước dư luận trái ngược đó, Tổng thống Bush đã can thiệp trực tiếp vào cuộc thảo luận bằng giải thích những đề nghị của Chính phủ ông và bầy tỏ lòng nhân nhượng chấp nhận một số điều thêm hoặc bớt vào dự luật cứu nguy các ngân hàng. Ông kêu gọi toàn dân không phân biệt đảng phái hãy đoàn kết trước cảnh ‘kinh tế nguy biến’. Do đó, từng người dân cử tri đã yêu cầu Dân biểu đưa ra nhiều đề nghị thay đổi. Ông Paulson lúc đầu cương quyết phản đối những đề nghị thay đổi, nhưng sau cũng phải chìu ý của đa số để Viện Dân biểu thông qua dự luật. Cũng theo ý dân muốn, các Nghị sĩ Thượng viện cũng thông qua. Cuối cùng, Tổng thống Bush ký ban hành để dự luật trở thành luật, có hiệu lực cưởng hành.

Luật này đang giúp các ngân hàng có thêm vốn, nhưng niềm tin người mua nhà chưa phục hồi đủ vào thị trường nhà cửa, hay người ta còn chờ giá nhà còn hạ thấp hơn nữa. Nhưng ngân hàng ngại cho vay vì món nợ cho vay chỉ được bảo đảm bởi giá trị ngôi nhà mà, nếu giá xuống, thì họ lo đến lúc giá nhà thấp hơn khoản nợ. Do đó, ngân hàng sẽ cho vay rất ít, với điều kiện khắt khe hơn.

2.- Biện pháp Trợ giúp các hảng xe hơi.

Hồi tháng 10.2008, Chính phủ và Quốc hội đã cấp cho 3 công ty xe hơi (General Motors, Ford và Chrysler) đã nhận trợ cấp 25 tỷ mỹ kim để nghiên cứu sản xuất những loại xe ít hao xăng, từ xe chạy điện đến xe ‘hybrid’ chạy bằng xăng và điện. Trong hiện tại, các xí nghiệp xe Âu Châu (Pháp, Đức, Thụy điển) và Nhật bản đã sản xuất những loại xe ít hao xăng từ mấy chục năm nay, không cần chính phủ khuyến khích và cho tiền mà chính thị trường đã thúc đẩy họ chế ra loại xe nào khách hàng cần.

Trong ngày 05.12.2008, sau khi ba hảng xe điều trần về kế hoạch xin tiền trước lưỡng viện Quốc Hội, Tổng thống Bush thỏa hiệp với các lãnh tụ đảng đa số (Dân Chủ) tại Quốc hội để có một chính sách chung trong việc giúp ba hãng xe nói trên. Như vậy, các chính trị gia Hành pháp lẫn Lập pháp có thể vi phạm những nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế Hoa kỳ: nguyên tắc trách nhiệm. (ghi chú: sự vi phạm này chỉ có thể chế tài bởi Tối cao Pháp viện mà thôi).

Nhưng sự lo lắng (cũng là trách nhiệm) hiện tại của họ là: nạn thất nghiệp đang gia tăng. Ngày 04.12.2008, theo loan báo của Bộ Lao động cho biết trong tháng 11 đã có 533.000 người đệ đơn xin trợ cấp thất nghiệp (7% dân số đang tuổi làm việc). Đây là con số hàng tháng cao nhất từ 34 năm qua. Nếu các hãng sản xuất xe nầy dẹp tiệm thì những xí nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng cho họ cũng sa thải nhân viên. Tổng số người bị ảnh hưởng có thể lên tới 3 triệu. Chưa hết, nếu kể cả gia đình của họ thì nền kinh tế Hoa kỳ sẽ mất mươi triệu người tiêu thụ. Trước những con số đó, các nhà chính trị khó từ chối cứu ngành xe hơi.

Trong khi kinh tế Mỹ đang xuống, các công ty Toyota và Honda ở Hoa kỳ vẫn kiếm được lời mà 3 hãng xe lớn ở Detroit lâm nguy do hàng không bán vì giá thành quá cao. Công nhân viên các hãng xe này được hưởng nhiều quyền lợi từ quỹ y tế và hưu bổng sau khi họ về hưu. Ngoài ra, các hãng xe này trả lương và tiền thưởng cho thành viên ban giám đốc căn cứ trên giá cổ phần tăng hàng năm trên thị trường chứng khoán. Vì thế, những người lãnh đạo có thể tìm cách trưng ra các kết quả ngắn hạn để thúc cổ phần tăng giá, rồi lãnh tiền thưởng.

Ngày 20.12.2008, hai hãng xe General Motors (9,4 tỷ) và Chrysler (4 tỷ) được Chính phủ quyết định cấp cho một khoản vay trị giá 13,4 tỷ mỹ kim để duy trì hoạt động cho tới cuối tháng 3/2009. Số tiền này được trích ra từ kế hoạch 700 tỷ mỹ kim giải cứu thị trường tài chính. Hãng xe hơi lớn thứ hai Mỹ là Ford chưa cần phải vay từ phía Chính phủ trong khi chờ Thượng nghị viện chấp thuận dự án 54 tỷ mỹ kim. Chính phủ có quyền thu hồi khoản vay trước ngày 31.03.2009 và để cho hai hãng xe nói trên phá sản.

Tôn trọng tính cách liên tục Chính phủ, Tổng thống Bush đã thông báo quyết định cấp một khoản vay cho hai hãng xe hơi General Motors và Chrysler cho Tổng thống đắc cử Barack Obama. Sau đó, ông Obama tuyên bố hoan nghênh kế hoạch của Tổng thống Bush và yêu cầu các công ty này phải thực hiện những biện pháp để tái cấu trúc công nghiệp xe hơi bằng nhiều tỷ mỹ kim do tiền vay của Chính phủ.

3.- Biện pháp từ Quỹ Dự Trữ Liên Bang Hoa kỳ.



A/ Giảm lãi suất.


Ngày 16.12.2008, Quỹ Dự Trữ Liên Bang Hoa kỳ (Fed- Federal Reserve) đã giảm lãi suất căn bản từ 1.0% xuống 0.25%, và có thể xuống đến 0% trên vốn vay.

Lãi suất căn bản là số bách phân để các ngân hàng thương mại Mỹ chi trả cho nhau khi cần vay lẫn của nhau qua đêm. Các ngân hàng này bị buộc phải gửi một số tiền vào Quỹ Dự Trữ Liên Bang (QDTLB). Số bách phân dự trữ này do QDTLB ấn định. Thí dụ cho vay 100 mỹ kim thì phải gửi 5 mỹ kim cho QDTLB, nếu số bách phân dự trữ 5% trên số tiền cho vay. Khi số dự trữ bị thiếu, ngân hàng phải tạm vay một ngân hàng khác hay QDTLB để bù vào. Nếu vay từ QDTLB, hiện nay, với lãi suất 0%, họ có thể vay mà không trả lãi.

QDTLB hành động như vậy để các ngân hàng thương mại có thể cho dân và xí nghiệp Mỹ vay dễ dàng hơn. Khi có nhiều người dùng tiền, người thì đầu tư kinh doanh thêm, cửa tiệm bán được nhiều hàng hóa hay dịch vụ hơn, cuối cùng là kinh tế phát triển cao hơn. Nhờ đó, nền kinh tế Mỹ sớm thoát khỏi cơn suy thoái kéo dài và nặng hơn.

Tổng thống đắc cử Obama hứa sẽ dùng ‘biện pháp ngân sách’ để khích cầu cho nền kinh tế sau khi ông nhậm chức. Ông sẽ cho chính phủ chi tiêu 1.000 tỷ mỹ kim để cố gắng tìm cách tạo hoặc duy trì 3 triệu công việc làm.

B/ Gia tăng khả năng thanh toán bằng tiền mặt.

Khi lãi suất căn bản đã xuống tới mức 0% mà nền kinh tế Hoa kỳ chưa khởi sắc trở lại thì QDTLB phải lựa chọn một biện pháp khác như cung cấp khả năng thanh toán bằng tiền mặt. QDTLB có thể tăng số tiền lưu hành bằng cách mua các trái khoán của tư nhân hay Nhà Nước, tức mua lại những giấy nợ (thương phiếu) cầm giữ bởi các ngân hàng thương mại bằng tiền mặt. Danh từ chuyên môn ngân hàng gọi đó là tái chiết khết khấu.

Hà minh Thảo