SUBPRIMES VÀ NHỮNG CUỘC KHỦNG HOẢNG TIẾP NHAU



Cách đây gần 80 năm, từ ngày 29.10 đến hôm 13.11.1929, khi giá chứng khoán xuống mức thấp nhất, hơn 30 tỷ mỹ kim đã bốc hơi khỏi nền kinh tế Hoa Kỳ, đưa tới cuộc Đại Suy thoái năm 1929… Với một thời gian dài hơn, với những phương tiện tinh vi hơn, subprimes cũng đang tạo nên cuộc Suy thoái toàn cầu hiện nay, năm 2008. Đây là những nguyên nhân đã gây ra hai cuộc khủng hoảng kinh tế.

I. KHỦNG HOẢNG KINH TẾ 1929.

Thập niên 1920 đánh dấu một thời gian tăng trưởng kinh tế rất mạnh tại Hoa kỳ. Từ năm 1921 đến 1929, mức sản xuất công nghiệp tăng 50% so với thập niên trước. Trong cùng thời gian đó, ‘bong bóng’ chứng khoán tăng 18% hằng năm, tức một sự gia tăng tổng cộng là 300%. Gọi là ‘bong bóng’ vì giá các cổ phần niêm yết tại thị trường chứng khoán gồm một phần là trị giá thực của xí nghiệp và phần khác là trị giá ảo do những người đầu cơ đẩy giá lên, được ví như là không khí trong một cái bong bóng. Do đó, giá chứng khoán tăng nhanh hơn lợi nhuận của xí nghiệp; lợi nhuận xí nghiệp tăng nhanh hơn mức sản xuất và tiền lương công nhân.

Sự đầu cơ chứng khoán nảy sinh từ 1928 và trở nên đáng ngại khi người ta đi vay ngân hàng để mua chứng khoán. Cổ tức không còn thu hút nhà đầu tư, nhưng chính là bán đi để thu một số thặng dư (plus-value) quan trọng.

Đầu năm 1929, nền kinh tế Hoa kỳ đã có dấu hiệu yếu kém: số sản xuất xe hơi từ 622000 giảm còn 416000, từ tháng 3 đến tháng 9. Mức sản xuất công nghiệp giảm 7%, từ tháng 5 đến tháng 10. Sự suy giảm này có nguyên nhân là tiền tiết kiệm được dùng để mua chứng khoán hơn đầu tư vào xí nghiệp sản xuất.

Vài ngày trước cuộc phá sản chứng khoán (krach), những đợt bán hàng loạt chứng khoán được thực hiện. Đó là những đợt bán để lấy lời và những cũng làm cho giá chứng khoán giảm sụt. Làm sao bán để lấy lời? Để khuyến khích công nghệ xe hơi, Nhà Nước hứa mua lại giá 100 mỹ kim xe cũ của những ai chịu mua một chiếc xe mới. Hy vọng việc làm ăn của công ty Ford sẽ có lời, nhà đầu tư A mua ngay 5000 cổ phần với giá 50 mỹ kim mỗi cổ phần, trả 250000 mỹ kim ngày 05.10.1925. Các nhà đầu tư khác cũng hy vọng như vậy, nên tìm mua với giá cao hơn, tức 58 mỹ kim vào ngày 08 tháng đó và, vì còn người chịu mua, giá lên 62 mỹ kim hôm 12. Sáng ngày 15.10.1925, khi thấy chỉ số Dow Jones niêm yết giá của Ford là 65 mỹ kim/cổ phần, ông A thuận bán 5000 cổ phần với giá 325000 mỹ kim (65 x 5000). Như vậy, chỉ trong 10 ngày, với số vốn 250000 mỹ kim, ông A đã lời được 75000, tức 3% hay 9%/tháng.

Những sự hoảng sợ bắt đầu trong giới đầu tư từ thứ năm ngày 24.10.1929 (thứ năm đen) khi người ta hầu như không tìm ra người mua chứng khoán, nên giá chứng khoán sụp đổ. Vào lúc trưa, chỉ số Dow Jones giảm đến 22,6%. Các thị trường chứng khoán ở Chicago và Buffalo đóng cửa. Năm ngân hàng chính ở New York hội họp chỉ trong vòng 20 phút. Lúc gần 14 giờ, các công ty đầu tư can thiệp trực tiếp như Richard Whitney đề nghị mua 25000 cổ phần của U.S. Steel với giá 205 mỹ kim/cổ phần, trong khi giá đang niêm yết là 195 mỹ kim/cổ phần. Nhờ thế, chỉ số Dow Jones chỉ còn giảm 2,1% khi đóng cửa so với lúc mở cửa thị trường chứng khoán New York.

Nhiều nhà đầu tư vay tiền ngân hàng để đầu cơ chứng khoán buộc lòng phải hoàn trái sáng ngày mai. Ngày thứ sáu 25 và sáng thứ bảy 26.10.1929 (trước Thế chiến 2, sáng thứ bảy vẫn có giao dịch chứng khoán), thị trường chứng khoán New York sinh hoạt bình thường. Nhưng ‘thứ hai đen’ 28.10.1929 đáng lưu trí nhớ vì, hôm đó, trái với thứ năm trước, các ngân hàng không can thiệp khi chỉ số Dow Jones đã giảm sụt 13%. Chứng khoán vài công ty mất giá trầm trọng như General Electric mất 48 điểm, Eastman Kodak 42, AT&T và Westinghouse 34, U.S Steel 18.

Ngày ‘thứ ba đen’ 29.10.1929, 16,4 triệu cổ phần được trao tay và chỉ số Dow Jones tiếp tục giảm đến 12%, số thặng dư 10 tháng qua biến mất. Từ 22.10 đến 13.11.1929, chỉ số Dow Jones giảm từ 326,51 điểm xuống còn 198,69 (- 39%, tương đương với một sự mất ảo khoảng 30 tỉ mỹ kim (trị giá năm 1929), tức 10 lần ngân sách liên bang Hoa kỳ và cao hơn tổng số chi phí của Hoa kỳ trong Thế chiến thứ nhất.

Trong những năm kế tiếp, từ 1930 đến 1932, chỉ số Dow Jones giảm còn mạnh hơn và chỉ còn 41,22, mức thấp nhất kể từ khi thành lập năm 1896, vào ngày 08.07.1932. Các thị trường chứng khoán Hoa kỳ và thế giới, ảnh hưởng lẫn nhau, lần lượt suy sụp.

Sự mất niềm tin do khủng hoảng thị trường chứng khoán ảnh hưởng đến sự tiêu thụ và đầu tư trong những tháng sau đó. Những nhà đầu tư đã vay tiền ngân hàng để đầu cơ chứng khoán không thể trả nợ. Do đó, các ngân hàng buộc phải đòi những điều kiện thật khó khăn khi thuận cấp tín dụng khiến các xí nghiệp lớn bị thiếu tiền cho việc sản xuất. Những xí nghiệp nhỏ lần hồi tuyên bố khánh tận, làm gia tăng tính bấp bênh của các ngân hàng. Những người gởi tiết kiệm hoảng sợ, kéo tới ngân hàng đòi tiền ký thác. Do đó, tới phiên các ngân hàng không còn tiền trả và phải tuyên bố khánh tận. Cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán, từ năm 1930, trở thành khủng hoảng ngân hàng.

Khi khánh tận (hay phá sản, faillite), xí nghiệp hay ngân hàng phải trả lương cho nhân viên trước nhất, rồi đến thuế Nhà Nước và phần đóng góp các quỹ An ninh xã hội. Phần còn lại, xí nghiệp trả theo tỉ lệ cho các chủ nợ khác (đa số là các nhà cung cấp). Cũng thế, ngân hàng cũng chỉ trả phần còn lại cho những chủ nợ khác mà đa số là các trương chủ ký thác tiền. Tuy nhiên, ngân hàng là cửa tiệm buôn bán tiền, cần phải có uy tín đặc biệt, nên được Nhà Nước bảo đảm số tiền ký thác nơi trương mục vãng lai hay tiết kiệm. Nhà Nước Pháp quốc bảo đảm đến mức 70000 euros, đa số các quốc gia thành viên Liên hiệp Âu châu hứa đến mức 50000 euros.

Ngân hàng không cho vay tiền, sự tiêu thụ giảm bớt và xí nghiệp sản xuất giảm thiểu buộc xí nghiệp sa thải công nhân và số người thất nghiệp bùng phát (13 triệu người tại Hoa kỳ năm 1933) và khủng hoảng ngân hàng biến thành khủng hoảng kinh tế từ năm 1931. Đó là thời kỳ Đại Suy Thoái với hậu quả:

- Sản lượng công nghiệp giảm 45% từ năm 1929 tới năm 1932;

- Số nhà xây mới giảm 80% từ năm 1929 tới năm 1932;

- Từ năm 1929 tới năm 1932, 5.000 ngân hàng phá sản.

Ngoài ra, những biện pháp bảo vệ mậu dịch như luật Hawley-Smooth tăng thuế trên hàng hóa nhập cảng từ các nước khác để người Mỹ bớt mua dùng. Do đó, khủng hoảng kinh tế tràn lan sang các quốc gia Âu châu từ năm 1931.

Nền kinh tế Hoa kỳ chỉ phục hồi thật sự khi liên bang tham gia Đệ Nhị Thế chiến cuối năm 1941.

II. KHỦNG HOẢNG KINH TẾ 2008.

A. Vay tiền mua nhà đúng tiêu chuẩn.

1. Các ngân hàng cũng như cơ quan tín dụng, do tính cách thận trọng bắt buộc, cho vay trả góp để mua nhà chỉ chấp thuận nợ vay ở mức khoảng 75% trị giá căn nhà và phải chứng tỏ mình có khả năng tài chính để trả nợ đều đặn trong suốt thời gian đi vay. 25% còn lại là phần vốn người mua nhà phải có sẳn để trả cho người bán.

Tiền phải trả mà nguời vay phải trả cho ngân hàng bằng nhau hàng tháng (mensualité) gồm một phần là tiền lời (giảm với thời gian) và phần khác là vốn vay (tăng).

2. Sau đó, ngân hàng dùng công thức ‘tỷ lệ 28/36’ tính theo mức lợi tức hàng tháng. Ngân hàng thường chỉ thuận cho vay nếu số tiền trả hàng tháng (kể cả thuế và tiền bảo hiểm ngôi nhà) không vượt quá 28% lợi tức hàng tháng. 36% lợi tức còn lại dùng để trả các khoản nợ khác và để sống.

3. Ngoài ra, ngân hàng còn căn cứ vào tính tin cậy của người đi vay mà điều quan trọng là khách nợ có trả đúng hạn kỳ cam kết không.

Thí dụ, một người lãnh lương 5000 mỹ kim mỗi tháng thì có khả năng hoàn trái nợ mua nhà là: 6000 x 28% = 1400 mỹ kim. Nếu người đi vay để mua nhà với hạn kỳ 30 năm, trả theo hình thức chiết cựu (amortissement, tiếng Pháp, amortization, tiếng Anh) lãi suất 7,25%/năm, thì hy vọng vay được 205000 mỹ kim và có thể mua căn nhà trị giá khoảng: 205000/75%=273000 mỹ kim và một số tiền có sẳn: 273000 – 205000 = 68000 mỹ kim.

Theo Hợp đồng Tín dụng thế chấp Địa ốc (prêt hypothécaire), nếu người vay mua nhà không trả nợ, ngân hàng sẽ thu lại nhà để bán, trừ vào tiền nợ. Cả gia đình bị đuổi khỏi nhà.

B. Vay tiền mua nhà.. . dưới chuẩn.

Nói một cách đơn giản, Ngân hàng Trung ương có nhiệm vụ dùng lãi suất căn bản để giúp gia tăng kinh tế bằng hạ lãi suất hầu các nhà sản xuất trả tiền lời thấp sẽ giử giá bán rẻ và người tiêu thụ vay nợ trả lời thấp sẽ có thêm mãi lực mua hàng nhiều hơn. Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất căn bản để giảm bớt số tiền lưu hành khi có lạm phát.

1. Từ năm 2001, nhằm khuyến khích sự tăng trưởng kinh tế, Quỹ Dự Trữ Liên Bang (ngân hàng trung ương Hoa Kỳ) đã giảm lãi suất căn bản chỉ còn 1%, Đây là mức thấp nhất từ trước đến nay và trở thành động cơ khuyến khích những gia đình có mức thu nhập thấp vay tiền mua nhà với lãi suất rất thấp trong những năm đầu, gọi là subprime (cho vay dưới chuẩn), sau đó sẽ tăng giảm theo thời giá. Nhưng lãi suất thấp chỉ được áp dụng trong 4-5 năm đầu, sau đó, đã tăng lên từ 10 đến 15%, tức theo lãi suất di động (taux variable, tiếng Pháp, adjustable rate mortgage, tiếng Mỹ) theo lãi suất do Quỹ Dự Trữ Liên Bang, dưới thời Chủ tịch Alan Greenspan, ấn định. Bởi vậy, nhiều gia đình mượn tiền ‘cho vay dưới chuẩn’ không còn khả năng tiếp tục trả nợ nữa. Do đó, các định chế cho vay tịch thu những căn nhà thế chấp kia đem ra bán nhằm thu hồi lại số tiền đã cho vay. Năm 2007, khoảng 2 triệu căn nhà đã bị phát mãi theo kiểu này (năm 2006 là 1,2 triệu căn). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, con nợ, vừa bị mất tiền lẫn mất nhà, đã đập phá nhà trước khi bị đuổi khỏi nhà. Cuối cùng, khủng hoảng địa ốc đã xảy ra tại Hoa kỳ vì chủ nợ không thu được lời lẫn vốn.

Các ngân hàng và người đi vay không phải không thấy các nguy hiểm của loại tín dụng dưới chuẩn này, nhưng hoàn cảnh kinh tế và tài chánh lúc đó đã cho phép đôi bên có những hy vọng:

a) Giá nhà cửa sẽ tiếp tục gia tăng. Mọi người đều tin rằng giá nhà cửa sẽ gia tăng và khi phải ‘tính vay lại’ thì điều kiện món nợ ấy có thể được tái tài trợ dễ dàng.

Cơn sốt các ‘công ty về tin học, Internet’ niêm yết tại thị trường chứng khoán Nasdaq đã giúp nhiều người được giàu to. Họ dùng tiền thừa đầu tư vào địa ốc tại những vùng công nghiệp cao như thung lũng Silicon khiến giá tăng vùn vụt và lan rộng khắp nước Mỹ. Khi bong bóng ‘công ty về tin học, Internet’ tan vỡ, nhiều công ty bị đóng cửa, số công nhân mất việc gia tăng và mãi lực suy giảm.

Để tránh kinh tế suy thoái, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã liên tục hạ lãi suất. Nhiều người lại tham gia thị trường địa ốc khiến giá nhà tiếp tục gia tăng. Trong 10 năm qua, giá nhà ở Mỹ đã tăng khoảng 20% mỗi năm. Họ vay tiền để mua nhà và, khi giá nhà lên, thì bán đi để lấy lời. Rồi, họ vay nợ mua nhà khác vì trong hai năm đầu, lãi suất rất rẻ.

b) Cơ quan tín dụng địa ốc gia tăng. Trước thập niên 1980, vốn cho vay địa ốc đều do ngân hàng cung cấp với những điều kiện gắt gao và lượng tiền cho vay tùy thuộc phần lớn vào số tiền ký thác của khách hàng, và để tránh rủi ro thì chỉ một phần của tổng số tín dụng được dành cho địa ốc. Số người đủ tiêu chuẩn để vay tiền vì thế không nhiều và muốn giúp dân chúng có nhà thì Chính phủ Hoa kỳ phải tìm cách tạo thêm các nguồn tài trợ khác.

Năm 1980, Đạo luật Giao dịch Thế chấp Tương đương (Alternative Mortgage Transaction Parity Act) được ban hành, nới rộng những quy luật cho vay và khuyến khích việc thành lập những cơ quan tài trợ khác. Vì ít bị ràng buộc bởi những luật lệ ngân hàng, nên nhiều công ty tài trợ mới này tung hoành cho vay. Người ta cho rằng đây cũng là một mầm mống đưa đến cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn hiện nay.

c) Tín dụng dành cho vay địa ốc gia tăng. Để giúp ngân hàng có vốn cho vay, Chính phủ Mỹ cho thành lập một số “Công ty do Chính phủ bảo trợ” (Government Sponsored Enterprise) với hai cơ quan lớn nhất là Hiệp hội Quốc gia tài trợ bất động sản (Federal National Mortgage Association - gọi tắt Fannie Mae), và Công ty Quốc Gia tài trợ địa ốc (Federal Home Loan Mortgage Corporation - gọi tắt Freddie Mac).

Các cơ quan này mua lại những món nợ vay của các ngân hàng và dùng làm thế chấp để phát hành những ‘Trái phiếu bất động sản’ (Mortgage-backed Securities) bán cho các nhà đầu tư khác.

Họ cũng bán các món nợ này cho các ngân hàng đầu tư (banque d’investissement, tiếng Pháp, và investment bank, tiếng Anh) để các ngân hàng này phát hành những trái phiếu bất động sản và bán lại cho các nhà đầu tư khác. Từ đó, những món nợ địa ốc (kể cả các khoản nợ khó đòi) được luân chuyển và thay thế bởi những tiền vốn mới do bán những trái phiếu này trên thị trường tiền tệ toàn cầu.

Ngày nay, vì các ngân hàng Hoa kỳ kiểm soát chặt chẽ hơn tiêu chuẩn cho vay, nên những con nợ đang gặp khó khăn không thể vay nợ thêm (lãi suất thấp) để trả món nợ tồn động (lãi suất cao hơn).

d) Tiền lời trên tiền vay địa ốc còn được trừ tiền thuế lợi tức từ một mức nào đó tùy theo luật tài chánh từng năm.

2. Nhưng điều vô cùng nguy hiểm như chúng ta đang thấy hiện nay là làm sao khủng hoảng địa ốc tại Hoa kỳ đã lan sang sinh hoạt tài chính thế giới ?

Có ba giai đoạn:

a) Ngân hàng Hoa kỳ theo nguyên tắc sơ đẳng ‘mọi rủi ro (như nợ khó đòi) đều có thể giao hoán vì đầu tư là chấp nhận rủi ro với hy vọng đạt được mức lời cao hơn’. Theo đó, sau khi cấp tín dụng, ngân hàng tìm cách chuyển nhượng những món nợ này cho những cơ quan tài chánh khác, bằng cách ‘tái kết cấu’ và ‘đóng gói lại’ (titrisation, tiếng Pháp hay ‘restructuring and packaging’, tiếng Anh) các món nợ và bán lại cho những nhà đầu tư quốc tế dưới dạng trái phiếu hay cổ phiếu.

b) Theo giới chuyên gia tín dụng, khoảng 75% các món nợ ‘cho vay dưới chuẩn’ tại Hoa Kỳ đã được biến thành trái phiếu hay cổ phiếu và các chứng khoán này được niêm yết trên thị trường chứng khoán (400 tỷ mỹ kim đã được phát hành trong năm 2007). Tại đây, những món nợ với rủi ro cao được chuyền tay mua bán. Người mua có thể thu một số lời rất cao khi món nợ dưới chuẩn trước được thanh toán.

c) Các ngân hàng và quỹ đầu tư Âu châu tìm mua các trái phiếu hay cổ phiếu nói trên. Như vậy, những ngân hàng và quỹ đầu tư này trở thành chủ nợ của những người Mỹ không còn khả năng trả nợ, nên bị mất tiền. Hậu quả của tình trạng vỡ nợ vay dưới chuẩn tại Hoa Kỳ đã gây nhiều thiệt hại trực tiếp cho các ngân hàng và an ninh tiền tệ thế giới. Khủng hoảng tài chính thế giới đã thành hình. Trong 11 tháng qua, tính đến 30.11.2008, chỉ số công nghệ Dow Jones (New York, Hoa kỳ) đã giảm 33,75% (từ 13279,50 chỉ còn 8829,04 điểm) và chỉ số CAC 40 (Paris, Pháp quốc) đã giảm 41,33% (từ 5665,94 chỉ còn 3262,68 điểm).

Cuộc khủng hoảng địa ốc này xuất phát từ đầu năm 2006, số người đã mượn tiền theo hệ thống "cho vay dưới chuẩn" đã lần lượt thi nhau vỡ nợ. Các ngân hàng và cơ quan tín dụng không đòi được nợ. Các nhà thế chấp đã lấy lại được nhưng không còn dúng giá thật, thì chủ nợ bị phá sản. Kinh tế các nước lần lượt bị rơi vào suy thoái.

HÀ–MINH THẢO