LẦN ĐẦU THAM DỰ NGÀY THÁNH MẪU

Tôi đến Carthage, Missouri lần này là lần thứ hai nhưng mới là lần đầu tiên được tham dự Ngày Thánh Mẫu đã diễn ra ở đây lần này đã là lần thứ 31. Năm trước vợ chồng chúng tôi đã đến đây vào trung tuần tháng Mười để thực hiện một chuyến hành hương nhân tháng Mân Côi và cũng để … thăm dò đường đất cho chuyến đi dự Ngày Thánh Mẫu lần này.

Khởi hành từ Burlington, Vermont lần trước chúng tôi phải ngồi trên xe Greyhound hơn 40 tiếng đồng hồ để tới Joplin rồi mới từ Joplin đi xe taxi đến Carthage vì ở Carthage không có trạm dừng của hãng xe Greyhound. Lần này chúng tôi đi cách khác. Sau khi đáp máy bay đến thăm gia đình anh bạn thân ở Wichita, Kansas chúng tôi cùng với anh chị đến Carthage trên chiếc xe Dodge 4x4 của anh chị và chỉ mất có mấy tiếng đồng hồ.

Chúng tôi có mặt tại Carthage vào khỏang 13:00 PM ngày thứ Năm 7/8. Lúc đầu anh bạn dự định sẽ đưa chúng tôi đến đây vào ngày thứ Sáu nhưng tôi mong muốn được có mặt từ ngày thứ Năm để có thể tham dự Ngày Thánh Mẫu từ đầu đến cuối. Cũng may gặp lúc công nhân hãng xản xuất máy bay Hawker nơi chị làm việc đang đình công, chị không bận việc nên lời đề nghị của tôi đã được chấp thuận. Thành phố Carthage có vẻ như không có gì thay đổi nhưng khu vực của tỉnh Dòng Đồng Công thì đã thay đổi hẳn khuôn mặt và rất náo nhiệt so với lần chúng tôi đến đây năm ngoái.

Những bãi cỏ xanh với cây cao bóng mát ở chung quanh nhà Dòng và khu đồi Can-vê ở phía bên kia con đường chạy qua phía hông trái của nhà Dòng giờ đây trông thật khác lạ. Những chiếc lều to có nhỏ có, đủ màu sắc mọc lên như nấm dưới những tàn cây và trên bãi cỏ không để một khoảng trống. Hai bên của những con đường chung quanh khu vực cũng đầy rẫy xe cộ đủ cỡ, đủ kiều nhiều vô kể đậu sát nhau như không còn một kẽ hở.

Tuy chưa chính thức khai mạc, ngày hôm nay khách hành hương đã có mặt khá đông. Nghe nói có người đã về đây cắm lều từ hôm thứ Hai tức là ba ngày trước khi chúng tôi đến. Người đâu mà đông đến thế và toàn là người Việt khiến tôi có cảm tưởng như đang ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam chứ không phải đang có mặt ở trong một thành phố của Mỹ. Trên nét mặt người nào người nấy đều lộ vẻ tươi vui. Có lẽ họ cũng như tôi đã rũ bỏ mọi phiền toái, đã bỏ lại đàng sau mọi lo toan của của cuộc sống để được núp dưới bóng Mẹ lành trong những ngày đại hội. Ý nghĩ này làm tôi nhớ đến những lời hát được diễn tả trong bản “Kìa ai”

Kìa ai dong duổi đường gió buị
Gánh sầu thương mệt mỏi hai vai
Về đây núp bóng sao mai
Về đây quên hết những ngày truân chuyên


Mặt tiền của tòa nhà mang danh hiệu “Mẹ Lên Trời” tức là dãy nhà ba tầng, nơi chúng tôi đã từng đứng quay phim, chụp hình năm ngoái giờ đây cũng đã khác hẳn. Một lễ đài đã được thiết lập làm nơi cử hành những thánh lễ với sự tham dự của nhiều ngàn người và cũng là nơi trình diễn văn nghệ. Từ trên cao và chạy dài theo mặt tiền của tòa nhà ngay phía bên trên lễ đài là những chữ màu đỏ nổi bật trên nền nửa vàng nửa trắng của lá cờ Hội thánh. Ở phía bên phải là hàng chữ Việt “Đứng Gần Thập Gía Chúa Giêsu có Mẹ Người” (Gioan 19: 25). Ở phía bên trái là hàng chữ tiếng Anh “Near The Cross of Jesus There Stood His Mother” (Jn19:25). Đó chính là chủ đề của Ngày Thánh Mẫu diễn ra từ ngày 7 đến ngày 10/8/2008.

Chủ đề này đã gợi lên trong tâm trí tôi hình ảnh Đức Mẹ ẵm xác Chúa Giêsu dưới chân thánh gía. Và rồi từ đó tôi lại liên tưởng đến những bức tượng Mẹ Sầu Bi ở Đồng Đinh, ở tòa Khâm sứ cũng là hình ảnh của Giáo hội Việt Nam đang phải đối diện với bao nhiêu gian nan, thử thách; đang phải gánh chịu bao nhiêu nỗi oan khiên. Phải chăng chủ đề của Ngày Thánh Mẫu năm nay muốn kêu mời giáo hữu Việt Nam ở khắp nơi hãy ra sức cầu nguyện và cậy trông nơi Mẹ nên trong bản kinh khấn đọc trong suốt những Ngày Thánh Mẫu đã có đoạn đặc biệt cầu cho Giáo hội và Tổ quốc Việt Nam:

“Lạy mẹ Maria là Nữ Vương nước Việt Nam, xin Mẹ thương tới Giáo hội và Tổ quốc Vịêt Nam. Xin Mẹ cho Giáo hội được thịnh trị nơi dân tộc nhỏ bé chúng con. Xin Mẹ cứu thoát chúng con khỏi nạn cộng sản vô thần duy vật, để mọi người được sống trong tự do, bình an và hạnh phúc”

Được biết Ngày Thánh Mẫu năm nay cũng là dịp kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức và kỷ niệm 20 năm ngày tôn phong 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Chúng tôi chính thức hòa nhập vào bầu khí của Ngày Thánh Mẫu bằng việc tham dự nghi thức làm phép Đàng Thánh Gía lúc 3:00PM tại đồi Can-vê do một Giám mục chủ sự. Sau khi ngỏ lời với hàng ngàn người hành hương qui tụ trước lễ đài ngay dưới chân tượng Mẹ Sầu Bi nằm chính giữa khu đồi Can-vê, Đức Giám mục đã bước xuống khỏi lễ đài để xông hương và làm phép từng chặng Đàng Thánh Gía. Nghi thức làm phép được kết thúc bằng phép lành do Đức Gíam mục ban cho tất cả những người hiện diện.

Ngay sau đó chúng tôi vội vã tiến về khu vực nhà Dòng để xưng tội, một trong những điều kiện cần thiết để được hưởng ơn Đại xá do Tòa Ân Gỉai Tòa Thánh thừa lệnh Đức Thánh Cha ban cho những ai tham dự Ngày Thánh Mẫu 2008. Nhiều tòa gỉai tội đã được thiết lập trên bãi cỏ trước lễ đài giúp cho việc xưng tội được nhanh chóng, không ai phải chờ đợi lâu. Xưng tôi xong chúng tôi đi mua hai chiếc ghế vải con và đã kịp đặt được ở một vị trí tương đối tốt phía trước lễ đài. Ở đây bất ngờ chúng tôi gặp cô chú tôi đến từ California và lại được cô chú dành cho hai ghế ở vị trí tốt hơn mà cô chú đã nhờ người đặt từ rất sớm. Thế là chúng tôi bỗng nhiên được ngồi ở hàng ghế “thượng hạng” rất gần lễ đài.

Đúng 7:00PM nghi lễ khai mạc và Thánh lễ Đại trào biệt kính Mình Máu Thánh Chúa được cử hành tại lễ đài. Thánh lễ do Đức cha James V. Johnson, đương kim Giám mục Springfield- Cape Girardeau, MO chủ tế và cùng đồng tế là Đức cha John J. Leibrecht nguyên Giám mục Springfield- Cape Girardeau, MO cùng với hàng trăm linh mục và tu sĩ Việt-Mỹ và nhiều ngàn giáo hữu tham dự. Phần thánh nhạc do các ca đoàn Ave Maria, Thiên Ân, Trinh Vương và Cecilia. Các bài đọc do các giáo xứ Nữ Vương Việt Nam (Port Arthur, TX) và giáo xứ các Thánh Tử Đạo Việt Nam (Houston, TX). Đọc Phúc âm do thầy Phó tế Nguyễn Văn Thành (Grand Rapids, MI). Lời nguyện Cộng đồng do các giáo xứ Thánh Giuse (Charlotte, NC), giáo xứ Các Thánh TĐVN (Arlington, VA), cộng đoàn Nữ Vương Hồn Xác Lên Trời (Allentown, PA). Dâng lễ vật do các giáo xứ Các Thánh TĐVN (Arlington, TX) và cộng đoàn Nữ Vương Hồn Xác Lên Trời (Allentown, PA).

Trong thánh lễ biệt kính Thánh Thể, trung tâm của đời sống của người Công giáo, Đức Giám mục giáo phận Springfield- Cape Girardeau, MO nói rằng “đã là con người thì phải có đói khát và ngoài những đói khát vật chất con người còn có những đói khát khác như đói khát được chấp nhận, đói khát yêu thương và được yêu thương, đói khát được bình an, đói khát được kết hợp với Thiên Chúa” . Ngài cũng nói đến những của ăn thức uống sai quấy mà con người tìm đến như “của cải vật chất, khoái lạc, những liên hệ bất chính…” mà hậu qủa là tội lỗi xẩy ra và chính do sự chọn lựa sai lầm mà con người càng ăn, uống lại càng thấy đói khát hơn. Ngài khuyên hãy noi gương Me Maria, người phụ nữ của Thánh Thể và “mở lòng ra để đón nhận Thánh ý Thiên Chúa như Mẹ đã chấp nhận ý Chúa dưới chân thập tự và hãy kết hợp những đau khổ của đời mình với hy lễ của Chúa Kitô”

Sau thánh lễ là phép lành Mình Thánh Chúa tại Công trường Nữ Vương Hòa Bình do Đức Gíam mục Giáo phận chủ sự. Tôi đã có dịp cùng với cộng đoàn hát bài Tantum Ergo đã lâu lắm nay mới được hát lại và thấy thật sốt sắng. Sau đó Mình Thánh Chúa được kiệu về đặt tại Đền Thánh Khiết Tâm để bắt đầu các giờ chầu canh thức cho đến sáng hôm sau. Tối hôm đó cũng có một thánh lễ tại công trường Hòa Bình nhưng chúng tôi không tham dự được.

Qua ngày thứ Sáu 8-8 chúng tôi dự thánh lễ cầu cho việc Truyền giáo tại lễ đài. Sau khi cùng cộng đoàn sốt sắng đọc ba kinh Kính Mừng và kinh khấn Ngày Thánh Mẫu, linh mục phụ trách nghi lễ loan báo cho cộng đoàn một tin buồn. Bằng giọng nói nghẹn ngào và đứt quãng nhiều lần, linh mục cho biết đêm vừa rồi một chiếc xe bus từ Houston, Texas trên đường đến dự Ngày Thánh Mẫu đã gặp tai nạn. Tin sơ khởi cho biết đã có 13 người chết và nhiều người bị trọng thương đã được đưa vào bệnh viện. Lời loan báo vừa chấm dứt tôi nghe nhiều tiếng kêu “Giêsu”, có cả những tiếng nấc nghẹn và cũng có người thút thít vì qúa xúc động trước tin chẳng lành này. Trong thánh lễ hôm nay cũng như trong các thánh lễ trong suốt những ngày đại hội, cộng đoàn đều được nhắc nhở cầu nguyện cho những người tử nạn, những người đang điều trị trong bệnh viện cũng như thân nhân của các nạn nhân.

Thánh lễ do linh mục Đinh Thành Bắc (Dòng Đồng Công) chủ tế. Giảng thuyết là linh mục Nguyễn Tuấn Bình cũng thuộc Dòng Đồng Công. Thánh nhạc do ca đoàn giáo xứ Các Thánh TĐVN (Arlington, TX). Các bài đọc do các giáo xứ CTTĐVN (Arlington, TX) và cộng đoàn Nữ Vương Hồn Xác Lên Trời (Allentown, PA). Đọc Phúc âm do thầy Phó tế Hoàng Dương Thi (Arlington, TX). Lời nguyện cộng đồng do các giáo xứ Chúa Phục Sinh (St. Louis, MO), Hội đồng Giáo dân Tổng giáo phận Galveston- Houston, TX). Dâng lễ vật do các giáo xứ Trinh Vương (Joliet, IL) và giáo xứ Đức Mẹ La Vang (Houston, TX).

Bài giảng lễ hôm nay đã được linh mục Nguyễn Tuấn Bình dẫn giải dễ hiểu, dễ nhớ. Linh mục cho rằng ai cũng mong cánh đồng truyền gíao được mở mang nhưng ít ai chịu dấn thân vào công việc truyền giáo. Cha cũng cho thấy việc truyền giáo không qúa khó khăn như người ta nghĩ và không phải chỉ có linh mục, tu sĩ mới có bổn phận truyền giáo. Mọi người Kitô hữu đều có bổn phận truyền giáo và chỉ cần sống đúng với vai trò của người Kitô hữu, làm đúng những lời gíao huấn của Chúa cũng là đóng góp vào việc truyền giáo rồi.

Những giờ tiếp theo sau thánh lễ là những giờ chầu Thánh Thể và nhiều buổi hội thảo với những đề tài dành cho những đối tượng khác nhau khiến chúng tôi hơi lưỡng lự nhưng cuối cùng chúng tôi đã quyết định tham dư buổi hội thảo “Tâm sự người cao niên” vào lúc 9:00AM tại Hội trường nhà ba lầu. Buổi hội thảo do linh mục Nguyễn Đức Khoan đến từ Thụy Sỹ hướng dẫn. Năm nay đã 79 tuổi nhưng cha Khoan còn khỏe mạnh và hăng say, cách nói chuyện của ngài không gìa tý nào cả.

Cha cho biết trong suốt 4 tháng trời từ khi nhận lời mời đến nói chuyện với người cao niên trong Ngày Thánh Mẫu, cha đã đi khắp nơi và ở đâu cha cũng xin mọi người cầu nguyện cho tất cả những người cao niên mà cha sẽ gặp gỡ và nói chuyện. Cha nhấn mạnh rằng người ta thường nói “Lão lai tài tận” nhưng theo cha và dựa theo kinh thánh “Người gìa thì được chúc phúc. Người gìa thì tích chứa đầy kho tàng của nhân đức. Người gìa có tất cả những kinh nghiệm của đời sống. Người gìa được kính nể. Người gìa là cột trụ của xã hội”.

Trong buổi hội thảo cha kể lại nhiều câu chuyện về nỗi lòng của người cao niên trong cuộc sống hôm nay như chuyện một bà gìa 73 tuổi đến kể lể rằng ông chồng 75 tuổi của bà đòi ly dị để về Việt Nam cưới vợ khác, câu chuyện một bà cụ đến than vãn với cha rằng ngày cưới của con gái, bà cho tiền nhưng con bà chê không chịu lấy khìến bà cảm thấy bị khinh rẻ và thấy nhục nhã hay là câu chuyện về thảm cảnh trong những cuộc phân chia gia tài cho con cái v.v.

Cha giới thiệu với mọi người về bà Marthe Robin (1902-1981) người Pháp là gương mẫu của sự chịu đựng đau khổ. Năm 17 tuổi Marthe Robin bị tai nạn và trở thành bất toại. Mười năm sau được Chúa hiện ra Marthe Robin nói với Chúa bằng lòng chịu tất cả mọi đau khổ để cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ của Người. Marthe Robin đã được in năm dấu thánh trên thân thể để cùng chịu khổ đau với Chúa Giêsu. Trong suốt hơn 60 năm trời bà không ăn không uống chỉ chịu lễ mỗi tuần một lần nhưng bà rất minh mẫn và được Chúa cho bà biết và làm được những điều thần bí.

Cha kể rằng Đức cha Của đến thăm và đưa Mình Thánh đến cho bà khi Đức cha mới đứng ở cửa phòng thì Mình Thánh Chúa đã bay tơí với bà. Đức cha Nguyễn Kim Điền khi đến thăm cũng đã được bà giúp cho có tiền để hoàn thành chủng viện Cần Thơ khi chủng viện mới xây được nửa chừng. Cha cũng kể rằng chính cha trở thành linh mục cũng nhờ bà. Cha đã được khuyên đến gặp bà và khi được hỏi ý kiến bà đã khuyên cha nên chọn đời sống tu trì. Cuối buổi hội thảo cha tặng mỗi người một tấm ảnh của bà Marthe Robin để hàng ngày nhìn lên mẫu gương của bà mà chịu đựng đau khổ để được kết hợp với Chúa.

Sau buổi hội thảo chúng tôi đến dự thánh lễ cầu nguyện cho bệnh nhân và những người đau khổ tại Đền Thánh Khiết Tâm vào lúc 12:PM. Hiệp ý cùng mọi người chúng tôi cầu nguyện cho những nạn nhân ở Texas, cầu nguyện cho người thân, những người xin chúng tôi cầu nguyện cho và tất cả những người bệnh tật và đau khổ. Lúc 3:00PM lại có thánh lễ tại Đền Thanh Khiết Tâm nhưng chúng tôi không dự đưọc vì phải trở về khách sạn nghỉ ngơi đôi chút để cùng cộng đoàn Vermont của chúng tôi đi viếng Đàng Thánh Gía vào lúc 5:00PM. Tại đồi Can-vê chúng tôi gặp một nhóm từ Houston, Texas đến cũng muốn đi viếng đàng Thánh Gía. Thế là hai nhóm chúng tôi kết hợp lại và cùng đi viếng Đàng Thánh Gía rất sốt sắng.

Với chiếc ghế xếp nhỏ vác lẽo đẽo trên vai, từ đồi Can-vê chúng tôi vội vã đi đến lễ đài nhưng đã không may mắn tìm được một chỗ tốt như những lần trước. Số người tham dự thánh lễ hôm nay còn đông hơn hôm qua. Cả khu đất rộng trước lễ đài tôi thấy không còn chỗ trống. Tôi chưa bao giờ được dự một thánh lễ với số người tham dự đông đảo như vậy. Từ những cụ gìa đã hơn độ tuổi “cổ lai hy” đến những em bé mới vài ba tháng tuổi cũng đều có mặt trong buổi lễ.

Thánh lễ Đại trào kính Các Thánh tử Đạo Việt Nam được cử hành vào lúc 7:00PM. Chủ tế và giảng thuyết là Đức cha Gerald R. Barnes, Giám Mục San Bernardino, CA. Phần thánh nhạc do các ca đoàn giáo xứ CTTĐVN, Ave Maria, Cecilia, Trinh Vương, Hồng Ân và Phanxicô đảm trách. Các bài đọc do các giáo xứ Thánh Anrê Dũng Lạc (Oklahoma City, OK) và cộng đoàn Kitô Vua (Syracuse, NY). Đọc Phúc âm do thầy Phó tế Bùi Thiện Nam (Corona, CA). Lời nguyện cộng đồng do giáo xứ thánh Anna & Giuse Hiển (Minneapolis, MN), giáo xứ Khiết Tâm Mẹ (Lincoln, NE), Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, CCsR (Houston, TX), giáo xứ Kitô Vua, Ngôi Lời Nhập Thể (Houston, TX).

Thánh lễ Đại trào kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cũng là ngày khai mạc Thế vận hội Olympic ở Bắc kinh, nơi đang diễn ra các cuộc tranh tài thể thao. Trong bài giảng của Đức Giám mục Gerald R. Barnes tôi không hiểu nhiều lắm nhưng tôi nhận ra được điều Ngài muốn nhắc nhở rằng các Thánh Tử Đạo Việt Nam cũng đã đạt được những huy chương nhưng là những huy chương của nước trời và ngài khuyên người giáo hữu Việt Nam hãy noi gương các bậc tiền nhân.

Sau thánh lễ là buổi văn nghệ. Chúng tôi đã bị giằng co giữa ý muốn ở lại xem văn nghệ hay ra về nghỉ ngơi để có sức tham dự thánh lễ kính Đức Mẹ La Vang vào lúc 7:30AM sáng hôm sau. Cuối cùng chúng tôi đã quyết định ra về nhưng rồi lại tiếc vì trên đường về đã gặp hàng hàng lớp lớp người đi ngược chiều đang tiến về khu vực trình diễn văn nghê. Sáng hôm sau còn thấy tiếc hơn vì được cho biết chương trình văn nghệ tối hôm qua rất đặc sắc.

Sáng thứ Bảy 9-8 nhờ đến sớm, chúng tôi đặt được ghế ngồi ở một vị trí rất tốt để dự thánh lễ kính Đức Mẹ La Vang tại lễ đài. Thánh lễ do linh mục Phạm Minh Vận thuộc Dòng Đồng Công chủ tế. Giảng lễ là cha Bùi Quang Tuấn thuộc Dòng Chúa Cứu Thế. Phần thánh nhạc do ca đoàn Thánh Linh (Garland, TX). Các bài đọc do các giáo xứ St. Pius Church (Santa Fe Springs, CA) và Cộng đoàn Thánh Phêrô (Tustin, CA). Đọc Phúc âm do thầy Phó tế Hoàng Ngọc Qúi (Forth Worth, TX). Lời nguyện cộng đồng do các giáo xứ Đức Mẹ La Vang (Houston, TX) và giáo xứ Trinh Vương (Joliet, IL). Dâng lễ vật do các giáo xứ Plano ( TX) và Cộng đoàn Nữ Vương Hồn Xác Lên TrờI (Allentown, PA).

Giảng lễ trong chủ đề “Đứng bên thập gía Chúa Giêsu có Me Người”Cha Bùi Quang Tuấn đã giúp người nghe nhận thức đươc tại sao Mẹ Maria đứng lặng yên khi Chúa Giêsu bị xỉ vả, bị đánh đập, bị kết án và chịu đóng đinh. Tại sao Mẹ không nhào đến để giành lại thân xác Chúa Giêsu đang thoi thóp trên thập gía. Mẹ không làm như vậy, Mẹ đứng đó trong im lặng để minh chứng cho tình yêu của Thiên Chúa. Mẹ cũng đứng đó như để trợ giúp, kích lệ Chúa Giêsu đừng bỏ cuộc mà hãy tiếp tục hoàn thành công trình cứu thế của Người. Cha cũng nhắc nhở rằng bên thập gía của mỗi người chúng ta cũng có Mẹ đứng bên để giúp chúng ta đi trọn hành trình niềm tin. Nhưng vấn đề là chúng ta có nhận ra không? Trong hoạn nạn, thách đố, đau khổ của cuộc đời chúng ta có thấy được bàn tay của Mẹ đưa ra để nâng đỡ chúng ta hay chúng ta chỉ thấy hình bóng của sự ác, của bóng tối để rồi ngã lòng, suy sụp và buông xuôi?

Sau thánh lễ thấy trời có vẻ sắp mưa chúng tôi trở về khách sạn định lấy dù nhưng rồi không bao lâu trời đổ mưa và kéo dài không dứt. Chúng tôi quyết định ở lại nghỉ ngơi để chuẩn bị cung nghinh thánh tượng Mẹ Fatima vào lúc 5:00PM và dự thánh lễ Đại trào biệt kính Khiết Tâm Mẹ vào lúc 8:00PM. Do vậy chúng tôi đã bỏ mất cơ hội tham dự nhiều thánh lễ được cử hành lien tục tại đền Khiết Tâm từ sáng cho đến chiều.

Vào khoảng 4:00PM mỗi người với chiếc dù nhỏ che trên đầu, chúng tôi đi trong mưa đến họp mặt với anh chị em trong cộng đoàn Vermont rồi cùng nhau tiến ra trướclễ đài nơi phát xuất cuộc rước Đức Mẹ. Tại đây mỗi giáo xứ hay cộng đoàn đều có một tấm bảng ghi tên cộng đoàn hay giáo xứ khi đi rước kiệu. Vì là lần đầu tiên tham dự Ngày Thánh Mẫu, cộng đoàn Vermont không được cung cấp tấm bảng này nhưng chúng tôi đã biết trứơc và đã tự thực hiện một tấm bảng tuy không đúng quy cách nhưng chúng tôi cũng đã có tấm bảng ghi tên cộng đoàn mình đi rước kiệu.

Dưới cơn mưa không dứt, cuộc rước kiệu đã xuất phát đúng 5:00 PM. Từ các Gíam mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đều hăng hái đi rước kiệu trong mưa. Có rất nhiều em nhỏ ngồi trên xe đẩy được che mưa cẩn thận cũng có mặt trong đoàn người đi rước. Nghe nói trước đây cũng đã có rước kiệu dưới trời mưa và trong 31 lần Đại Hội Thánh mẫu chỉ có hai lần phải hủy bỏ rước kiệu vì mưa qúa lớn. Sau 1giờ 30 phút đoàn rước kiệu đã trở về điểm xuất phát trong lúc mưa vẫn không dứt.

Khi kiệu Đức Mẹ tiến gần đến lễ đài mọi người vỗ tay reo mừng. Liền đó tiếng pháo nổ dòn và kéo dài, vang lên từ hai phía của lễ đài. Sau tiếng pháo, chùm bong bóng mang theo lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ từ từ bay lên không trung trong lúc mọi người cùng với ca đoàn hát “Mẹ ơi đoái thương xem nước Việt Nam. Trời u ám chiến tranh điêu tàn. Mẹ hãy giơ tay ban phúc bình an. Đưa Việt Nam qua phút nguy nan”. Thật là cảm động khi mắt nhìn lá cờ đang lên cao và tai nghe lời van nài xin Mẹ đoái thương xem nước Việt Nam.

Vì trời vẫn tiếp tục mưa, thánh lễ Đại trào được tuyên bố hủy bỏ và thay vào đó sẽ có thánh lễ tại ba nơi là Đền Thánh Khiết Tâm, Hội trường Các Thánh Tử Đạo và Hội trưòng nhà ba lầu. Cả ba nơi này không thể chứa hết hàng chục ngàn người cho nên cuối cùng thánh lễ tại lễ đài lại được cử hành cho những người không thể vào bên trong. Thánh lễ ngoài trời do Đức cha John J. Leibrecht nguyên Giám mục Springfield- Cape Girardeau, MO, vị Gíam mục đã 24 lần có mặt tại đại hội thánh Mẫu, chủ tế và giảng thuyết.

Ngày Chúa nhật 10-8 lúc 7:00AM là thánh lễ bế mạc được cử hành tại lễ đài. Ban đầu trời không mưa nhưng được nửa chừng thì trời đổ mưa. Tuy vậy thánh lễ vẫn được tiếp tục cho đến khi kết thúc. Chủ tế thánh lễ là linh mục Trần Minh Duệ thuộc Dòng Đồng Công. Linh mục Nguyễn Quang Đán cũng thuộc Dòng Đồng Công giảng lễ. Thánh nhạc do ca đoàn Têrêsa (Wichita, KS). Các bài đọc do các cộng đoàn Đức Mẹ Mân Côi (Mauldin, SC) và giáo xứ Kitô Vua (Forth Worth, TX). Đọc Phúc âm do Phó tế Nguyễn Văn Đức (Chicago, IL). Lời nguyện cộng đồng do các giáo xứ Plano, (TX), giáo xứ St. Pius Church (Santa Fe Springs, CA). Dâng lễ vật các giáo xứ Plano (TX), cộng đoàn Nữ vương Hồn Xác Lên Trời (Allentown, TX).

Dưới những hạt mưa lâm râm có lúc hơi nặng hột, cha Nguyễn Quang Đán vẫn tiếp tục bài giảng của ngài. Từ câu chuyện trong bài Phúc âm kể lại việc thánh Phêrô xin Chúa Giêsu truyền cho ông đi trên biển nhưng rồi khi thấy sóng gió nổi lên thì ông đâm sợ hãi, hoảng hốt la lên xin Thầy cứu vớt. Cha cho rằng ngày nay nhân loại trong đó có những người Kitô hữu đang phải “chống chọi với sóng nghi nan, gió bách hại, đêm đen thất vọng và muôn vàn nghịch cảnh do nền kinh tế, xã hội xuống dốc”. Nhân loại trong đó có những người Kitô hữu cũng đang phải đối diện với “Những trận cuồng phong của tệ nạn xã hội, đồi phong bại tục, những quyến rũ của vật chất. Những sóng thần của tự do qúa độ, tôn thờ vật chất, đua đòi thời trang. Những trận bão của nền văn hóa sự chết và rất nhiều những khó khăn thử thách khác”.

Cha cũng nhắc đến một câu nói của Đức cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận “Mẹ Maria xem ra đã mất tất cả nhưng được ở với Chúa Giêsu Mẹ cảm thấy qúa đầy đủ” như một lời nhắc nhở về một gương mẩu mà mỗi người Kitô hữu nên học ở nơi Mẹ. Kết thúc bài giảng cha mời và mọi người cùng hát “Lạy Mẹ là ngôi sao sáng. Soi lối cho con lúc vượt biển thế gian. . . ”

Sau thánh lễ, linh mục chủ tế ngỏ lời cám ơn các linh mục, tu sĩ cùng tất cả mọi người đã đến dự Ngày Thánh Mẫu. Ngài cũng cầu chúc mọi người thượng lộ bình an. Ngài yêu cầu ai có thêm tin tức của những nạn nhân ở Houston, Texas thì xin thông báo cho nhà Dòng biết. Điều này cho thấy nhà Dòng rất quan tâm đến những người hành hương gặp nạn. Hôm thứ Sáu 8/8 ngay khi biết tai nạn xẩy ra, nhà Dòng đã thông báo cho những ai là thân nhân của các nạn nhân nếu muốn trở về Texas thì nhà Dòng sẽ giúp phương tiện đưa về mà không phải trả một khoản phí tổn nào.

Kết thúc những ngày hội, chúng tôi từ gĩa nhà Dòng trong lòng tràn ngập niềm vui vì đúng như lòng mong ước, cuối cùng thì chúng tôi cũng đã được tham dự Ngày Thánh Mẫu, một Đại hội khó quên. Được biết trong 31 kỳ Đại hội, đây là lần đầu tiên giáo dân vừa đi rước kiệu vừa tham dự thánh lễ dưới trời mưa.

Rời khỏi Carthage, vợ chồng tôi lại theo xe của gia đình anh chị PBH về Greenville, South Carolina thăm những người chúng tôi đã từng hứa. Trên đường đi và theo chương trình của anh chị, tất cả chúng tôi đã ghé thăm cha Dũng thuộc Dòng Ngôi Lời đang phục vụ ở Memphis, Tennessee. Gặp chúng tôi cha Dũng nói đùa rằng cha thấy mặt ai cũng đầy hào quang, chắc là đã được nhiều ơn sau khi đi dự Đại Hội Thánh Mẫu. Qủa thật chúng tôi tràn ngập niềm vui sau những ngày khó quên tại Carthage. Nhưng chúng tôi cũng không khỏi chạnh lòng khi nghĩ tới những anh, chị, em đã tử nạn hay mang thương tích vì bị tai nạn trên đường hành hương đến linh địa của Mẹ

Vermont 14/8/2008