Quan Hệ Xã Hội... để làm người và thành người

Trong bài chia sẻ nầy, chúng ta đề cập 2 vấn đề cụ thể:
  • 1.- Trong mỗi quan hệ tiếp xúc hài hòa, chúng ta cần thực hiện những bước đi lên như thế nào?
  • 2.- Chúng ta cần sử dụng ngôn ngữ như thế nào, khi trao đổi?
Trên tiến trình làm người và thành người của chúng ta, nỗ lực chính yếu là kết dệt những quan hệ ĐỒNG CẢM và ĐỒNG HÀNH, với anh chị em đồng bào và đồng loại, bất phân chủng tộc. màu da hay là tôn giáo...

Theo lối nhìn của tác giả Stephen COVEY, đây là loại quan hệ "Người Thắng – Tôi Thắng – Chúng ta cùng Thắng". Không có kẻ hơn, người thua. Không có người tự tấn phong là hạng "siêu nhân", và những thành viên còn lại được cư xử và đối đãi như là "công cụ", "đồ vật", "bệ gác chân", hay là "một loại người phó sản".

Trong hiện tình thoái hoá của đời sống làm người, vì những lý do thực tiễn, quan hệ XIN CHO – nhất là trong môi trường Việt Nam - đã bị đầu độc và ô nhiễm một cách trầm trọng. Xin có nghĩa là quị lụy, sụp lạy trước một "phú ông ". Cho có nghĩa là ban phát một cách nhỏ giọt, từ trên và từ ngoài, một cách tùy nghi và tùy tiện.

Trong khi đó, quan hệ bình thường và lành mạnh giữa người và người, nhất là trong địa hạt Tình Yêu trao ban và dâng hiến, bao gồm bốn động tác cơ bản: XIN và CHO, NHẬN và TỪ CHỐI.

Hẳn thực, chính lúc tôi CHO, tôi đang NHẬN lại bao nhiêu hồng ân, bằng cách này hoặc cách khác. Khi xin ai một điều gì, tôi đang nhìn nhận tính chủ thể của người ấy. Cho nên, tôi không có thái độ cướp giật, ép buộc, đòi hỏi, đấu tranh, giống như hùm beo muông sói.

Cũng trong tinh thần và lăng kính ấy, khi ai xin tôi một điều gì, tôi cần khảo sát điều kiện thực tế của mình, để có thể chọn lựa một trong hai con đường: Một là CHO một cách bình tâm và thanh thản. Hai là từ chối, trả lời "KHÔNG", một cách nhã nhặn và khiêm tốn. Xin như vậy không phải là nài nỉ, ép buộc người kia phải cho. Và khi cho trong tinh thần ấy, tôi không phải là người ở trên, ban phát xuống một cái gì dư thừa, vô ích và vô dụng. Trong cách cho như vậy, tôi không cưu mang một hậu ý là "thả tép câu tôm". Hẳn thực, khi cho bất kỳ một điều gì, một cách thực sự và trọn vẹn, tôi CHO chính CON NGƯỜI của tôi. Tôi CHO cả MỘT TẤM LÒNG làm người, khả dĩ kêu mời người khác cũng làm người với tôi và giống như tôi.

Chính vì bao nhiêu lý do vừa được đề xuất như vậy, trong mọi quan hệ - bao gồm tình yêu, tình bạn, tình anh chị em đồng bào, tình đồng loại…- tôi dùng sứ điệp "NGÔI THỨ NHẤT, TÔI" (I-message), để diễn tả và khẳng định con người của mình, thay vì lạm dụng ngôi thứ hai, để nói thay, nói thế cho kẻ khác, theo kiểu "cả vú lấp miệng em", hay là áp đặt từ trên và từ ngoài những "qui luật" như: Phải, Cần, Nên, Không được...

Trong tinh thần và lăng kính ấy, khi biết lắng nghe và tôn trong con người đang có mặt và chung sống, chúng ta sẽ có khả năng sáng tạo và thiết lập với người ấy, những quan hệ xây dựng và hài hòa, còn mang tên là "tương sinh, tương thành".Từ thường đực dùng trong tiếng Anh la SYNergizing. Hẳn thực, khi chúng ta cố quyết "làm người", chúng ta sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ khác "thành người”, với chúng ta, nhờ chúng ta và như chúng ta.


1.- Bốn bước đi tới trong mỗi quan hệ tiếp xúc và trao đổi

Nhằm cụ thể hoá những ý kiến vừa được quảng khai, sau đây là bốn bước cần thực hiện, mỗi lần chúng ta thiết lập những quan hệ xây dựng và hài hòa với người khác, nhất là khi phải đối diện những phản ứng xúc động đang leo thang, tràn ngập và sắp bùng nổ:

Bước thứ nhất:
Tôi Nghe, tôi Thấy… Tôi ghi nhận sự kiện khách quan, cụ thể đang xảy ra trước mắt mình.
Khi làm như vậy, tôi tìm cách phản ánh và kiểm chứng: có phải, có đúng như vậy không ?

Bước thứ hai:
Kêu ra ngoài, gọi tên xúc động đang ẩn núp ở dưới sự kiện.
Ví dụ: Em/chị nói như vậy có nghĩa là em/chị đang BUỒN, GIẬN, hay là SỢ phải không ? Khi tiếp xúc với trẻ em, chúng ta chỉ cần xoay lui xoay tới với 3 xúc động chính yếu này mà thôi.

Bước thứ ba:
Sau khi lắng nghe và ghi nhận xúc động, chúng ta tìm hiểu thêm: Chị/em đang CẦN gì? Trong hiện tình, NHU CẦU quan trọng bậc nhất của chị/em có phải là --- ?

Bước thứ tư:
Vậy theo em/chị, trong hoàn cảnh và vị trí của tôi, tôi có thể làm gì cụ thể, để đáp ứng nhu cầu của em/chị ? Chị/em yêu cầu tôi LÀM gì?
Và sau khi lắng nghe, ghi nhận, tôi xin trả lời:

- Về yêu cầu thứ nhất mà chị vừa trình bày, tôi có thể làm được.
- Về yêu cầu thứ hai... tôi không có khả năng và điều kiện để làm.

Mỗi khi từng bước đi lên như vậy, tôi lưu tâm đến những cách làm quan trọng sau đây:

- 1) Dùng sứ điệp TÔI, để nói về mình, cũng như khẳng định mình một cách trung thực. Điều cần đề phòng là nói thay nói thế kẻ khác, thuyên giải, bói đoán, áp đặt cho kẻ khác những lối nhìn hoàn toàn chủ quan.
- 2) PHẢN ẢNH, nghĩa là nói lại với ngôn ngữ của mình, những gì chúng ta đã ghi nhận và đón nhận, khi lắng nghe và đặt trọng tâm vào con người của kẻ khác.
- 3) KIỂM CHỨNG bằng cách yêu cầu kẻ khác nói rõ: những điều tôi hiểu về họ, có hoàn toàn ăn khớp với quan điểm của họ hay không ?
- 4) KHÔNG KHUYÊN BẢO, nghĩa là từ trên và từ ngoài đề nghị cho kẻ khác những lối nhìn và cách làm của chính chúng ta.
- 5) Thay vì bói đoán hay là tưởng tượng, tôi GHI NHẬN một cách khách quan, những gì mắt thấy, tai nghe, phát xuất từ người đang trao đổi với tôi.
- 6) Thay vì ÁP ĐẶT một cách vu vơ, nghĩa là đề xuất một lối nhìn hoàn toàn chủ quan, do chính tôi khám phá, xây dựng và tưởng tượng, tôi chỉ cố gắng TRUNG THỰC NÓI VỀ MÌNH và LẮNG NGHE cũng như TÌM HIỂU ý kiến của người khác, khi họ phát biểu.
- 7) Khi thiết lập những quan hệ ĐỒNG CẢM như vậy, chúng ta tạm thời “đóng vào trong ngoặc”, không đề cập vấn đề đồng ý hay bất đồng, về mặt tư tưởng và quan điểm. Chúng ta chỉ làm công việc nhìn nhận con người và tôn trọng giá trị và bản sắc làm người của họ mà thôi.

Thể theo lối nhìn và kinh nghiệm của tác giả M.B. ROSENBERG, khi “đóng vai trò hòa giải – giữa những phe phái tranh chấp và thù nghịch - chúng ta chỉ cần tôn trọng một cách nghiêm chỉnh và chính xác, bốn bước từ từ đi lên, như được đề nghị. Lúc bấy giờ chúng ta sẽ có khả năng đề phòng và ngăn chận hiện tượng xúc động biến thành bạo động, trong hành vi của chính chúng ta, cũng như trong hành vi của kẻ khác.

Chính vì lý do này, mỗi lần có hiện tượng xúc động "bùng nổ", nhất là nơi trẻ em, tôi xin đề nghị những cách hành xử sau đây:

- Thứ nhất, người lớn hãy có mặt với trẻ em, đừng bỏ đi nơi khác,
- Thứ hai, thay vì ngăn chận, ức chế, bằng ngôn ngữ hoặc hành vi, chúng ta chỉ bình tĩnh phản ánh.
Ví dụ: Mẹ thấy con bùng nổ. Con có thể nói lên cơn tức giận của con. Mẹ cho phép con diễn tả, nói ra, bộc lộ ra ngoài. Nếu tức quá, con hãy tức với cái gối này đây.
Trường hợp trẻ em đánh đập kẻ khác, chúng ta chỉ cầm tay, giữ chặt trẻ em lại và nói: Con tôi tức quá, giận quá. Con có thể giận cái ghế, cái gối. Nhưng không bao giờ con được phép đánh em, đánh mẹ…
Điều cốt yếu trong lúc này là chúng ta giữ nét mặt và thái độ bình tĩnh, không thao tác những hành vi ức chế, đánh đập hay là trừng phạt.

- Thứ ba, sau khi trẻ em đã trở về tình trạng ổn định, chúng ta tìm hiểu nhu cầu của trẻ em.
Ví dụ: Con cần gì, hãy nói ra cho mẹ biết. Trường hợp trẻ em không nói, chúng ta có thể thuyên giải, đưa ra một lý do hay là đặt câu hỏi. Động cơ chính trong cách làm và cách nói của chúng ta, vào lúc này, là có mặt và trao đổi, phản ánh, hơn là khám phá sự thật hay là nguyên nhân đích thực của hành vi bùng nổ.

- Thứ bốn, để kết thúc, chúng ta đề nghị một trò chơi. Hai mẹ con có thể cầm tay nhau, đi quanh một vòng… Nếu người lớn đã có thói quen tiếp xúc, trao đổi như vậy… dần dần họ sẽ tìm ra những cách làm và lời nói thích hợp. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh lại, điều quan trọng ở đây là có mặt và trao đổi. Nội dung không thiết yếu bao nhiêu.

Và khi người mẹ biết tạo quan hệ Đồng Cảm như vậy, chính con người của bà là cái KHUNG bao bọc, che chở, tạo an toàn tình cảm cho đứa con, trong mọi tình huống thuận lợi cũng như bất lợi.

Trong tinh thần và lăng kính này, Lắng Nghe, Có Mặt và Đồng Cảm, là những quà tặng lớn lao, cho những người đang tiếp xúc với chúng ta, bất kể người ấy đang còn là một trẻ em, hay đã trưởng thành và có những trách nhiệm, trong lòng xã hội.

2.- Ngôn Ngữ trong quan hệ tiếp xúc và trao đổi

Nội Tâm bao gồm năm thành tố khác nhau, nhưng bổ túc và kiện toàn cho nhau:

- Cửa Vào làm bằng năm giác quan (Input),
- Tư Duy và Xúc Động là hai Thành Tố thuộc Tiến Trình Biến Chế và Chuyển Hoá (Processing),
- Hai Thành Tố thứ tư và thứ năm là Cửa Ra bao gồm Ngôn Ngữ và những Quan Hệ xã hội giữa người với người (Output).

Vì lý do sư phạm, tôi đã chọn lựa thứ tự trước-sau, trong-ngoài. Trong thực tế, năm thành tố ấy giao thoa chằng chịt, tác động qua lại, kết dệt với nhau những quan hệ nhân quả hai chiều. Hẳn thực, một trong năm thành tố có thể là nhân, có khả năng phát sinh, điều hướng hoặc điều động bốn yếu tố còn lại. Khi khác, chính yếu tố ấy lại là thành quả chịu ảnh hưởng lớn lao của một thành tố khác.

Tư duy chẳng hạn, mang lại cho đời sống của con người một hướng đi, một ý nghĩa, một mục đích. Tuy nhiên, không có xúc động làm động cơ thúc đẩy, làm sao con người có thể có khả năng chuyển biến một chương trình, một kế hoạch thành hoa quả cụ thể trong lòng cuộc đời. Nhưng khi không có ánh sáng của tư duy soi sáng và hướng dẫn, xúc động sẽ tức khắc bị tràn ngập và gây ra nhiều đổ vỡ trong đời sống xã hội…

Nói khác đi, xúc động cần được gọi ra ngoài, đem ra vùng ánh sáng của ý thức và ngôn ngữ. Lúc bấy giờ, xúc động không còn là một "Xung Năng" có nghĩa là một sinh hoạt hoàn toàn vô thức, một sức thúc đẩy, dồn ép, tạo căng thẳng. Trong tiếng Anh, sức mạnh ấy mang những tên gọi chuyên môn như Drive, Urge hay là Pulsion.

Trong lăng kính ấy, ngôn ngữ là một phương tiện được dùng, để GỌI RA NGOÀI, hay là MANG RA VÙNG ÁNH SÁNG, những gì được cưu mang trong đáy sâu của nội tâm. Đối với bốn thành tố khác – là giác quan, tư duy, xúc động và quan hệ xã hội – ngôn ngữ đóng vai trò tổ chức, xếp đặt, diễn tả, phản ánh hay là giải toả. Nhờ ngôn ngữ, chúng ta đặt tên hay là gọi tên, cho những gì chúng ta thấy, nghe, cảm.

Tuy nhiên, ngôn ngữ không phải là sở hữu riêng tư của một cá nhân. Đó là phương tiện của cả một tập thể, một cộng đồng, một nền văn hoá, có khả năng mở ra cho chúng ta những cánh cửa bao la, diệu vợi, một bầu trời tự do và sáng tạo. Đồng thời, ngôn ngữ cũng là một cạm bẫy đầy hiểm nguy và tai hoạ. Chẳng hạn, chúng ta dùng ngôn ngữ, để tìm hiểu, khám phá lối nhìn và quan điểm của kẻ khác. Nhưng chúng ta cũng có thể dựa vào ngôn ngữ, để áp đặt cho kẻ khác những cách làm, những lối suy tư, mà chúng ta lầm tưởng đó là chân lý ngàn đời, là qui luật bất di bất dịch, phổ cập bất kỳ ở đâu.

Bao nhiêu nhận xét ấy cho phép chúng ta ý thức đến ít nhất ba phần vụ khác nhau của ngôn ngữ:

- Thứ nhất, đó là một phương tiện cần được đặt dưới quyền sử dụng của tư duy, nhằm tổ chức và định hướng cuộc đời.
- Thứ hai, đó cũng là một dụng cụ hữu ích và hữu hiệu, để chúng ta thiết lập quan hệ tiếp xúc và trao đổi, chia sẻ và đồng cảm với những người cùng chung sống trong môi trường xã hội.
- Thứ ba, xuyên qua con đường ngôn ngữ, chúng ta thực thi công việc phản ánh, có nghĩa là từ từ gọi ra vùng ánh sáng của ý thức, bao nhiêu động lực đen tối, mập mờ, bao nhiêu xung năng vô tổ chức, cũng như bao nhiêu tiếng nói còn đang bị ức chế, trấn áp, chưa được coi trọng và lắng nghe.

Không nhìn nhận và coi trọng đúng tầm ba vai trò và ba giá trị ấy của ngôn ngữ, trong các phương pháp tiếp cận và giáo dục, chúng ta sẽ lập tức biến ngôn ngữ thành một dụng cụ nhồi nhét, nhồi sọ. Một cách vô tình và vô thức, chúng ta biến trẻ em thành một con sáo, con cưởng học nói, hay là một chiếc máy vô hồn ghi âm và phát âm.

Nói cách khác, bao lâu trẻ em – nhất là trẻ em khuyết tật, tự kỷ… - còn có những vấn đề "xúc động tràn ngập hay là bùng nổ", điều quan trọng bậc nhất là người lớn có trách vụ giáo dục, hãy tạo ra những điều kiện, những bầu khí, những khung cảnh an toàn thể lý và tâm linh. Tôi gọi đó là "cái KHUNG bền vững", bao bọc và che chở trẻ em, đối với mọi va chạm trong cuộc đời.

Bao lâu trẻ em còn sống bít kín, đóng khung trong những hành vi lặp đi lặp lại, ưu tiên số một hay là nhu cầu cơ bản nhất, cần khám phá, để chuyển hoá tình trạng hiện tại của trẻ em, là thiết lập với trẻ em – một cách vô điều kiện và đơn phương về phía chúng ta – những quan hệ xã hội qua lại hai chiều.

Quan hệ xã hội này làm bằng những động tác cụ thể như: có mặt, lắng nghe, nhìn ngắm, sung sướng, hạnh phúc, sẵn sàng đồng cảm và đồng hành với trẻ em.

Đồng cảm và Đồng hành như vậy là một quà tặng lớn lao và quí hóa hơn tất cả mọi quà tặng khác, trong cuộc sống làm người.

(Xin mời thưởng thức bài nhạc "Gọi Lòng Người" )