Hôn Nhân, Đức Tin và Tình Yêu (6)

CHƯƠNG NĂM: CHỮA LÀNH

Trên đây đã nhắc đến sự kiện là khi kết hôn, hai vợ chồng mang theo mình khá nhiều thương tích mà họ đã tích tụ trong suốt hai thập niên đầu đời. Tâm điểm của liên hệ hôn nhân là tình yêu và tình yêu hành động nhiều cách khác nhau. Sự nâng đỡ nhau về phương diện vật chất và tình cảm là cái khung căn bản trong đó một chiều kích khác của tình yêu được thực hiện, đó là chiều kích chữa lành (healing).

Ý niệm chữa lành là một phần thân thiết của ý nghĩa thánh thiện, vì thánh thiện nhằm toàn vẹn lành lặn. Ơn thánh, tức sự sống của Chúa, đặc biệt hiện diện trong liên hệ hôn nhân giúp vợ chồng thực hiện được sự biến đổi bên trong, thúc đẩy họ đáp trả tiếng Chúa mời gọi nên thánh bằng cách trở nên toàn vẹn. Các ý niệm này được diễn tả rất rõ ràng trong các khảo luận thần học bàn về bản chất bí tích hôn nhân. Hôn nhân là máng chuyển đặc biệt qua đó Chúa đổ tràn sức mạnh giúp hai vợ chồng hành động. Công bố của Công Ðồng Vatican II, khi nói về tình yêu vợ chồng, đã viết như sau: "Thiên Chúa thấy tình yêu này đáng được hưởng những ân huệ thiêng liêng, ơn chữa lành, ơn nên toàn thiện, và tặng phẩm hân hoan của ơn thánh và tình yêu" (1). Như thế, ý niệm chữa lành đã rõ, tuy nhiên phương pháp thực hiện thì vẫn còn là một cái gì bí nhiệm. Và người ta rất ngại không muốn phân tích bí nhiệm, nhưng đó lại chính là điều cần phải làm nếu ta muốn tối đa hóa cách có ý thức công việc chữa lành đó. Muốn làm được việc ấy, thiết tưởng ta cần tới khoa tâm lý học là khoa vốn quan tâm đến trị liệu bản thân. Trong chương này, bốn hình thức chữa lành sẽ được bàn đến: chữa lành năng động, chữa lành dựa trên tác phong, chữa lành tự phát và chữa lành lạ lùng.

CHỮA LÀNH NĂNG ÐỘNG

Chữa lành năng động đã có từ thời con người mới xuất hiện, tuy nhiên Freud (2) và những người kế nghiệp ông đã đem lại cho phương pháp này hình thức nhất định của nó. Cũng như nhiều bác sĩ khác, Freud được nghe nhiều bệnh nhân than phiền về những triệu chứng thể lý và xúc cảm, như xao xuyến, buồn bực, đau đớn thể xác, mặc cảm tội lỗi, xấu hổ và tự lên án mình... Từ trước đến nay, các bệnh nhân này thường được điều trị bằng nghỉ ngơi, thay chỗ ở, tắm và một vài phương thuốc khác. Kết quả rất vá víu và không thỏa đáng. Freud đưa ra phương pháp điều trị rất cách mạng.

Ông đặt bệnh nhân nằm trên ghế dài, ngồi bên cạnh họ và để họ nói, lắng nghe họ mà không ngắt lời họ, không bình phẩm, không cho ý kiến gì cả. Nhờ thế, bệnh nhân bắt đầu vươn tới những xúc cảm mà họ đã chôn chặt trong cõi vô thức từ lâu. Các cảm quan và xúc cảm từng bị đè nén, tức bị đẩy khỏi cõi ý thức nhờ các cơ chế đè nén, nay trồi lên và chúng được chuyển cho nhà phân tích. Freud không phải là người khám phá ra cõi vô thức (3); cõi vô thức ấy đã được nhìn nhận từ thời Cổ Hy lạp. Nhưng Freud là người khai triển một phương pháp đáng tin cậy để khảo sát nội dung của vô thức. Các bệnh nhân bắt đầu coi nhà phân tích tuy trung lập nhưng quan tâm này như những nhân vật có ý nghĩa đối với cuộc đời dĩ vãng của họ. Nhờ thế, họ có thể làm sống lại các cảm nghiệm xúc cảm chưa hoàn tất hoặc gây đau lòng của đời dĩ vãng kia, những cảm xúc mà xưa nay họ không dám giáp mặt.

Việc giải thích các biến cố được đặt căn bản trên lý thuyết đặc thù của nhà phân tích; đối với Freud, cái căn bản nằm bên dưới tác phong lệch lạc, mặc cảm tội lỗi thái quá, sợ sệt, và các xúc cảm khác đều có liên hệ đến việc phát triển tính dục và gây hấn của nhân cách. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng kỹ thuật phân tâm học, nhờ đó, bệnh nhân làm sống lại kinh nghiệm quá khứ và do đó có cơ hội ổn định, hội nhập và hoà giải quá khứ ấy không lệ thuộc chủ trương năng động có tính lý thuyết của người phân tích. Càng ngày, người ta càng hiểu ra rằng điều quan trọng là khả năng trở nên ý thức về cõi vô thức, là làm sao cởi bỏ (unlearn) được những mẫu cảm nghiệm cũ và đạt được một cảm thức toàn vẹn hơn về chính bản thân mình. Ai mặc cảm tội lỗi sẽ tìm lại được an bình. Ai giận dữ, sẽ tìm lại được khoan dung và nhẫn nại. Ở đâu tính dục nặng cấm kỵ, sinh hoạt bản năng sẽ được giải phóng. Nơi nào ghen tương ganh ghét trổi vượt, chúng sẽ được thay thế bởi việc phát triển lòng tự hào (self-esteem) là thứ ít đe dọa hơn nhiều. Nơi nào hoài nghi do dự lấn át, chúng sẽ được thay thế bởi cảm thức chắc chắn và tự chấp nhận bản thân. Nơi đâu có tác phong lệ thuộc như trẻ thơ, ở đó tinh thần tự lập sẽ được phát triển.

Một sự kiện đáng kể của phân tâm học là nó khai mở một phương pháp chữa lành có nhiều ứng dụng rộng rãi hơn là chính hoàn cảnh phân tích. Nhờ vậy, bất cứ khi nào hai con người đạt tới mức độ tin tưởng lẫn nhau tương tự như sự tin tưởng mà nhà phân tích thiết lập được với bệnh nhân của ông ta, thì họ đều có thể áp dụng cùng một kỹ thuật phân tâm học để chữa lành nhau. Khả năng chữa lành này đặc biệt có khá nhiều trong hôn nhân.

Khi có được bầu khí nâng đỡ nhau tốt đẹp rồi, thì hai vợ chồng sẽ có điều kiện trở thành những nhà trị liệu cho nhau. Trong phân tâm học hoặc tâm lý trị liệu, bệnh nhân cảm thấy an tâm bộc lộ những giây phút hoặc những kinh nghiệm quá khứ làm họ đau khổ. Sự đau khổ ấy có liên hệ tới những trục trặc tính dục, hoặc những cảm nghiệm xao xuyến, tội lỗi, xấu hổ, giận dữ hoặc bối rối. Những bộc bạch này thường chỉ được thực hiện nếu người ta chắc chắn rằng chúng sẽ không là dịp để lặp lại nguyên con những cảm quan thương tổn cũ. Nghĩa là chúng cần một liên hệ đáng tin cậy để bảo đảm rằng chúng sẽ được đối xử khác hơn lần trước (không còn bị chối bỏ, hạ giá, rù quyến, quá lệ thuộc và tảy chay). Ðiều đó có thể thực hiện được, nếu người trị liệu tỏ ra không bình phẩm, không khuyên răn chi cả. Họ ở đó để tiếp nhận các cảm quan, giải thích chúng cho đến lúc chúng trở thành có nghĩa và cho phép chúng lặp lại cho đến lúc chúng bắt đầu thay đổi và mất đi cái đau tình cảm, để được thay thế bằng thực tại hoặc sự lớn mạnh thích ứng. Tóm lại, những bộc bạch này phải là một diễn trình trong đó "bệnh nhân" cảm thấy an tâm đủ để có thể giãi bày các vết thương lòng và sẵn sàng dẹp bỏ hàng rào phòng ngự từng cột chặt họ vào lo âu đau đớn.

Vợ chồng có thể và thực sự đã thực hiện phương pháp chữa lành như vậy. Khi đã có được lòng tin tưởng của vợ hoặc chồng, họ sẽ bắt đầu thổ lộ cái phần bản thân từng bị trấn thương đau khổ của mình. Vợ hoặc chồng sẽ lắng nghe và phải bảo đảm là mình sẽ không cư xử như bậc phụ huynh của thuở ban đầu. Họ chỉ lắng nghe mà không phê phán hoặc khuyên răn. Ngược lại, họ sẽ hành xử như người mẫu khác thay thế cho người của thuở ban đầu từng là nguồn gốc gây thương tích. Nhờ thế, hai vợ chồng sẽ tái cảm nghiệm cái đau nguyên thủy và tìm ra giải pháp thay thế trong lúc này. Mặt khác, càng biết nhau, hai vợ chồng càng có thể giúp nhau tiến sâu hơn vào cõi vô thức, nơi chất chứa biết bao nhiêu những cảm nghiệm đau đớn nhất và khó vươn tới nhất.

Ta có thể tưởng tượng ra cảnh người vợ thấy nơi người chồng hình ảnh người cha xa vắng, lạnh lùng, ít biểu lộ tình cảm và sẽ mong chồng hành động như thế. Nàng sẽ hành động như thể chồng mình cư xử như thế và ông chỉ cần làm thế nào để được giải thích theo cách đó mà thôi. Hay ngược lại, người chồng có thể thấy nơi vợ hình ảnh người mẹ với những cảm quan chưa được giải quyết như dục tính trẻ thơ, sự lệ thuộc đáng ghét và nỗi sợ bị chết ngộp. Mỗi triệu chứng này sẽ được hiểu và giải thích và tiệm tiến được người vợ từ khước. Dần dà, hình ảnh được phóng chiếu về các bậc phụ huynh trên sẽ giảm dần ý nghĩa và thực chất của vợ hoặc chồng sẽ trồi lên. Nhưng người vợ cần kiên nhẫn và rõ rệt trong bản sắc mới có thể đem lại cho chồng cái khuôn mẫu ông cần đến để liên hệ với trong tư cách một người trưởng thành.

Việc dần dần bộc bạch các vết thương này có thể cần nhiều năm mới hoàn tất. Bầu khí phải thật đáng tin và an ổn, và một trong những lý do đòi hôn nhân phải bền vững là vì chỉ ở trong cái liên tục đáng tin cậy ấy, cái phần sâu thẳm của bản ngã mới trồi lên để được thay đổi. Không thể nào bộc lộ toàn diện bản ngã ta ngay trong một lúc được, vì việc tỏ bày cái tôi chưa hoàn tất và bị trấn thương kia chỉ có thể thực hiện nhờ những biến cố đột khởi như việc ra đời của đứa con đầu hoặc đến tuổi nửa đời chẳng hạn. Chỉ có hôn nhân mới tạo đựơc những hoàn cảnh thích hợp khác nhau để việc từ từ bộc bạch kia thực hiện được. Ít nhất, việc chữa lành dựa trên một phân tích toàn diện có thể cần đến năm năm trong đó hai vợ chồng đều đặn và chăm chú tham dự từ ba đến năm buổi trị liệu một tuần. Tuy hai vợ chồng gặp nhau hằng ngày, nhưng họ không phân tích nhau một cách có ý thức. Họ cần những hoàn cảnh thích hợp (thường là các cơn khủng hoảng). Thành ra, diễn trình chữa lành có khi cần đến sự cởi mở cả đời, sự chăm chú lắng nghe và sẵn sàng có đó để cảm thông mà không phê phán.

Mô thức chữa lành này giả thiết hai vợ chồng phải đã đạt được một mức độ chín chắn đủ để có thể hành động như những nhà trị liệu đối với nhau. Nhiều cuộc hôn nhân sa lầy ngay từ buổi đầu chỉ vì hai người qúa thiếu sót, quá lệ thuộc và qúa tự từ khước mình đến nỗi không thể đem lại chút đóng góp gì cho diễn trình chữa lành nhau. Những trường hợp như thế, họ cần được các huấn đạo viên giúp đỡ trong việc phát triển đời sống nội tâm mạnh đủ để có thể hành động như những nhà trị liệu đối với nhau.

Việc chữa lành không giới hạn ở các vết thương hai vợ chồng đem vào cuộc hôn nhân. Những vết thương mới có thể phát sinh ngay trong cuộc sống hôn nhân và chúng cũng cần được chữa lành.

CHỮA LÀNH DỰA TRÊN TÁC PHONG

Tác phong trị liệu tương đối mới có đây trong ngành Tâm lý Trị liệu (4). Cũng như ngành phân tâm học, lý thuyết nền tảng tuy đã có từ những ngày xa xưa khi tác phong con người chịu ảnh hưởng và được khuôn định bởi sợ hãi, thưởng phạt, nhưng các kỹ thuật chi tiết thì chỉ mới có từ những tác phẩm dẫn khởi của Wolpe (5).

Ðâu là nguồn gốc và nguyên tắc của phương pháp trị liệu này? Cha đẻ của phương pháp này là Pavlov (6): Khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, Pavlov thực hiện các thử nghiệm thời danh về hiện tượng chó chảy nước miếng. Cũng như người, chó chảy nước miếng khi đói và đang chờ ăn. Ông nhận ra rằng một vài dấu hiệu như âm thanh hoặc ánh sáng, khi được biểu diễn cho chó trước khi đưa thực phẩm tới vẫn làm chó chảy nước miếng dù sau đó thực phẩm không được mang tới. Nói cách khác, chó đã học được một thứ liên tưởng mới, hoặc những phản xạ có điều kiện xuyên qua liên tưởng. Tỷ dụ, nó có thể chảy nước miếng khi tiếng kẻng được khua lên hoặc chiếc đèn được bật sáng. Tuy nhiên, nếu thực phẩm liên tiếp không được mang tới (nghĩa là sự tăng cường - reinforcement - liên tục không xảy ra), thì các dấu hiệu kia mất hết hiệu lực; nói cách khác, các phản xạ có điều kiện sẽ từ từ mất đi. Phần lớn tác phong con người là hợp thể những phản xạ có điều kiện. Ðứa trẻ học cách cảm nghiệm thấy nó được nhìn nhận, được ước muốn và được qúy chuộng; cũng vậy, nó sẽ học cách cảm nghiệm thấy nó bị lãng quên, bị từ khước và bị coi thường.

Ngày nay, tác phong trị liệu đã phát triển đủ để cho phép ta có thể cầm chắc rằng phần lớn các tác phong khó thích ứng hoặc thuộc tâm bệnh có thể loại bỏ được bằng cách liên hợp các cảm quan, các ý nghĩ và các hành động nguy hại với các kinh nghiệm đối nghịch tức các cảm nghiệm thoải mái, thích thú, chào đón...

Kỹ thuật điều kiện hóa có khá nhiều trong tương quan vợ chồng. Về phía tiêu cực, người phối ngẫu có thể liên tục gặp phải những dấu hiệu của các hành vi tiêu cực như không chấp thuận, từ khước, hoặc dửng dưng, và, nếu không có một bản sắc mạnh và dị biệt hóa để chống lại các hành vi tiêu cực đã thành hệ thống ấy, thì các dấu hiệu kia sẽ trở thành những đặc điểm của bản ngã. Dù người phối ngẫu ấy có một vài cảm nghĩ tích cực về mình đi chăng nữa, thì dần dà các cảm nghĩ ấy cũng sẽ bị tước bỏ khi các thành quả của họ không được nhìn nhận (thiếu tăng cường). Cứ như thế, với các kinh nghiệm khác dồn tới, kết cục, người phối ngẫu chỉ còn laị sự trống rỗng và bất lực. Tẩy não đã được thực hiện cách này. Ý thức hệ bạo lực được ca tụng khi học tập, còn các tin tưởng cũ bị lãng quên, bị chế riễu hoặc bị bác khước. Nhiều người phối ngẫu than phiền một cách cay đắng về bàn tay hạ giá có hệ thống của người bạn đời mình, và điều đó nhân bội các vết thương lòng.

Về phía tích cực, các nguyên tắc của tác phong trị liệu như loại trừ (extinction), tăng cường (reinforcment), học kinh nghiệm mới (new learning) có thể đóng góp vào diễn trình chữa lành. Những cơn giận lôi đình và được lặp đi lặp lại, vốn là kết quả các mẫu tác phong đã học được trong thời thơ ấu cũng như niên thiếu, có thể được loại trừ. Giận dữ có thể được đối đầu bởi giận dữ, hoặc thay vào đó, người ta cố gắng tìm hiểu nguồn gốc của nó về phương diện năng động học và làm ngơ nó về phương diện tác phong. Một khi đã hiểu lý do đàng sau các cơn giận dữ và thoả mãn các nhu cầu nằm sâu dưới chúng, thì những cơn giận liên hồi kia có thể được dập tắt bằng cách không tăng cường chúng bằng chú ý, hoặc liên hợp chúng với bác bỏ. Các triệu chứng khác cũng áp dụng cùng một kỹ thuật này.

Lo âu xao xuyến dưới mọi hình thức có thể được phản công bằng sự an tâm thỏai mái. Lo âu xao xuyến có mặt khi người ta sợ một cái gì đó, như đi ra chỗ quá trống hoặc vào chỗ quá hẹp, gặp đám đông hoặc lên tiếng trong một cuộc họp của công ty. Những nỗi sợ như vậy và những nỗi sợ tương tự có thể từ từ được loại bỏ. Người phối ngẫu không sợ sệt sẽ đem lại cho người bạn đời một cảm quan an tâm thỏai mái bằng sự có mặt trong những hoàn cảnh khiếp đảm. Những hiện diện ấy có thể được kéo dài tùy theo sự tiến triển của người bạn đời. Họ sẽ chỉ từ từ rút lui để người bạn đời một mình sinh hoạt lấy khi họ tìm được sự thoải mái.

Những người khép kín, sợ sệt, không chịu biểu lộ tình cảm, có thể được giúp đỡ để càng ngày càng cảm thấy vững bụng. Người phối ngẫu của họ sẽ tạo ra bầu khí thân cận thoải mái trong đó người bạn đời có thể từ từ bớt sợ và dần dà thủ đắc được cảm quan can đảm mới để đương đầu với người khác.

Mặc cảm tội lỗi và xấu hổ, liên hệ đến một vài vết thương cũ, có thể được thay thế bằng việc tự tha thứ và tự chấp nhận mình, khi người phối ngẫu hành động như một tác nhân tha thứ và chấp nhận. Ở đây, tất nhiên hành động của người phối ngẫu tha thứ kia nhắc ta nhớ lại sự tha thứ không ngừng và sự chấp nhận như mới của Thiên Chúa.

Vợ chồng cũng có thể giúp nhau cơ hội để thăng tiến lòng tự hào và tự chấp nhận mình. Trong hai lãnh vực này, những cảm quan tiêu cực sẽ không ngừng được liên hợp với những cảm quan tích cực, nhờ thế từng bước, hiện tượng tự từ khước mình sẽ được nhổ rễ và được thay thế bằng cảm quan tự chấp nhận mình.

Ghen tương là thứ ăn mục nằm ngay ở trung tâm bản ngã ta. Nó thường có mặt trong những hoàn cảnh ba chiều tam giác, trong đó, như đã trình bày, nỗi sợ nổi bật nhất chính là nỗi sợ mất mát, mất người mình yêu hoặc mất tình yêu của họ dành cho ta nay dành cho người khác không phải là ta. Người bất ổn không ngừng bị đe dọa bởi nỗi sợ mất mát. Người phối ngẫu có thể từng bước dùng tác phong đáng tin cậy của mình đảm bảo với họ rằng nỗi sợ ấy vô căn cứ. Họ có thể huấn luyện cho người bạn đời tin tưởng mà không sợ mất người thân yêu trong diễn trình huấn luyện. Người bạn đời phải được an tâm tin tưởng rằng họ không cần phải khiếp sợ hoặc phải cạnh tranh mới giữ được người yêu. Bất cứ biểu hiệu hoài nghi nào cũng phải được làm ngơ, nhờ thế, dần dà, nỗi khiếp sợ sẽ bị loại bỏ, và các dấu hiệu của tin tưởng được tăng cường củng cố. Cùng một nguyên tắc ấy được áp dụng đối với lòng ganh tỵ, qua đó, người phối ngẫu tự so sánh một cách không thuận lợi với người khác và không ngừng tranh đấu để ngang hàng họ, hoặc nếu có thể, qua mặt họ. Người bạn đời nên trấn an người phối ngẫu mình rằng như bây giờ họ đã đáng yêu rồi, nhưng nếu họ gia tăng cung cách thì càng tốt hơn. Bất cứ dấu hiệu tự chê nào cũng phải được làm ngơ, và bất cứ biểu hiệu đáng giá nào cũng phải được tích cực tăng cường củng cố.

Người phối ngẫu thụ động, khiếp sợ, không dám đưa ra sáng kiến đặc biệt nào, có thể được giúp đỡ bằng cách khích lệ làm chính cái việc mà họ khiếp sợ. Những hoạt động vụng về nên được coi nhẹ; còn những thành công, dù là nhỏ, cũng phải được ngợi khen.

Gần đây, phần lớn tác phong trị liệu cũng được áp dụng vào các vấn đề tính dục. Các công trình của Masters và Johnson (7) cũng như của Kaplan (8) cho thấy các khó khăn như xuất tinh sớm hoặc bất lực nơi đàn ông, co thắt âm hộ, không thấy cực khoái, mất hứng thú làm tình nơi phụ nữ, có thể vượt qua được. Vợ chồng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp nhau thỏai mái, học bỏ dần các thói quen xấu và học các phương pháp mới giúp cho sinh hoạt tính dục thành công trở lại. Các kỹ thuật này đã đem lại nhiều thay đổi lớn lao đối với các vấn đề tính dục và niềm hy vọng sâu xa cho nhiều người.

KHÁC BIỂT GIỮA TRỊ LIỆU NĂNG ÐỘNG VÀ TÁC PHONG TRỊ LIỆU

Ðâu là khác biệt giữa trị liệu năng động và tác phong trị liệu? Tâm lý học năng động đòi bệnh nhân phải bật mí cái quá khứ vô thức, trong khi tác phong trị liệu quan tâm đến việc loại bỏ các triệu chứng đang xuất hiện. Theo tác phong trị liệu, không cần dò tìm nguồn gốc các triệu chứng, chỉ cần loại bỏ chúng. Tuy thế, đôi lúc, các triệu chứng không thể loại bỏ được nếu ta không nhận dạng được gốc rễ của chúng, do đó cần phối hợp hai hình thức trị liệu này. Vợ chồng cũng nên tâm niệm rằng tâm lý trị liệu ngày nay càng ngày càng quan tâm đến việc biến đổi những hoàn cảnh cụ thể ở đây và bây giờ, nên họ không sợ phải dùng đến những kỹ năng vượt quá tầm tay họ.

Ðiều đòi hỏi chỉ là họ ý thức một cách bén nhạy các kinh nghiệm gây đau khổ cho người phối ngẫu, sự có mặt hoặc không có mặt của cái gì đó làm họ tổn thương. Sự hiện diện gây tổn thương sẽ dần dần được loại bỏ và được thay thế bởi một cái gì dễ chấp nhận hơn, và sự bỏ quên sẽ được lấp đầy bằng cái đang thiếu. Sự thân mật của hôn nhân hiện đại có nghĩa giữa hai vợ chồng phải có một mức độ tin tưởng và gần gũi nào đó để có thể áp dụng cả hai phương pháp trên.

TRỊ LIỆU TỰ PHÁT

Nhiều người cho rằng họ được chữa lành một cách tự phát đang khi cầu nguyện, suy niệm với người khác, hoặc khi bất thần xúc động mạnh về tình cảm. Ðiều đó có thể là hậu quả của hiện tượng xuất thần (ecstasy), hoặc cuả hiện tượng mà Maslow (9) gọi là kinh nghiệm tuyệt đỉnh (peak experience), khi toàn diện con người được đánh động trong hòa điệu hợp nhất với thực tại bao quanh, với cuộc đời hoặc với cái gì bên trên cuộc đời, sự linh thiêng chẳng hạn. Ðó là những giây phút mạc khải sáng lạn, thông tuệ sâu sắc, cải hối toàn diện. Tất cả những hiện tượng ý thức xem ra có vẻ đột ngột ấy đã đem lại một hậu quả sâu sắc đối với cá nhân. Dùng chữ xem ra, vì thực sự có thể đã có nhiều suy tư, nhiều chuẩn bị từ trước trong vô thức nay đem lại kết quả đột ngột. Những kinh nghiệm loại này đã được nhiều người mô tả xưa nay (10,11,12), và chúng có thể biến đổi những con người như thánh Phaolô làm cho đời Ngài có một hướng đi hoàn toàn mới mẻ.

Hiển nhiên những thông tuệ (insight) đột ngột như trên, dầu có thể nhỏ bé hơn, cũng có thể cảm nhận trong hôn nhân. Bản chất của những thông tuệ này vợ chồng không hiểu rõ lắm, nhưng nhu cầu được soi sáng, với lời cầu nguyện hay không, có thể được đáp ứng qua những tia lóe bất chợt của chân lý, chân lý về nhau, chân lý về Chúa, Ðấng hằng ngự trên gia đạo.

TRỊ LIỆU LẠ LÙNG

Tất cả những hình thức trị liệu trình bày trên đây đều là những kinh nghiệm thường thức của nhân loại, và cuộc hôn nhân nào cũng có thể chia sẻ. Hình thức trị liệu lạ lùng có khác: con người tôn giáo bước qua các hình thức trên để vào giao tiếp một cách ý thức và tự ý với Thiên Chúa. Ðiều này không có nghĩa là các hình thức trị liệu trên không có Thiên Chúa trong đó. Ðối với các tín hữu, cuộc sống nào cũng có sự hiện diện và sự nâng đỡ tích cực của Chúa. Nhưng quả có những máng chuyển đặc biệt để con người giao tiếp với Thiên Chúa. Cầu nguyện là một. Ở bất cứ thời đại nào, ta cũng thấy có những đền thờ đặc biệt, nơi người ta đến để tìm sự can thiệp lạ lùng của Chúa, và đôi lúc, người ta tìm được sự can thiệp ấy. Tìm cách hiểu được phép lạ là cố gắng tìm hiểu tâm điểm bản vị Thiên Chúa và đường lối mầu nhiệm của Ngài. Ngoại trừ sự kiện các đường lối này thấm nhuần tình yêu, và ở đâu có tình yêu thì ở đấy có Chúa, sự hiểu biết của ta sẽ chỉ chấm dứt khi ta đối diện với cõi vô cùng.

Ðối với những người dù chỉ cảm nhận Chúa một cách thoáng qua, tình yêu phu phụ và những phẩm tính chữa lành của nó là một trong những dấu chỉ mạnh nhất về sự hiện diện của Chúa. Không phải là ngẫu nhiên, khi tình yêu được liên kết với những đặc tính tuyệt đối và thần thánh, hoặc khi vợ chồng, qua các biểu lộ hôn nhân, tiến gần đến bản nhiên Thiên Chúa. Diễn trình chữa lành đem lại một bằng chứng mạnh mẽ về sự hiện hữu của một cái gì đó từng che khuất các cố gắng của con người.

Phong trào Thánh Linh có lẽ là một khai triển tôn giáo mới nhất nhắc các Kitô hữu nhớ rằng Thiên Chúa, việc cầu nguyện và diễn trình chữa lành là kiềng ba chân tạo nên hạ tầng cơ sở cho cuộc sống Kitô hữu của họ, cuộc sống được soi sáng và thấm nhuần Chúa Thánh Linh. Việc chữa lành các vết thương phu phụ dưới các hình thức được trình bày trong sách này có lẽ là nguồn suối chung nhất trong cộng đồng ta và một khi các nguyên tắc của chúng được thấu hiểu và quảng bá, ta sẽ có được một trong những phương thế mạnh mẽ nhất để chữa lành các vết thương, trong đó, người đàn ông, người đàn bà, Thiên Chúa và tình yêu gặp nhau.

TÓM LƯỢC

Với sự có mặt của một liên hệ đáng tin tưởng và tín thác, hai vợ chồng sẽ thổ lộ các vết thương của mình cho nhau, những vết thương thường thường có tính chất tâm lý. Các vết thương này được mở ra đón nhận sự chữa lành bằng các phương pháp năng động, tác phong, tự phát và lạ lùng. Việc chữa lành này, có lẽ là chung nhất trong xã hội hiện đại, chính là điểm gặp gỡ giữa tình yêu nhân loại và tình yêu thần thánh, và là yếu tố đầy sức mạnh tạo nên sự tòan vẹn và sự thánh thiện. Nó là biểu lộ đặc thù của yêu thương và là điểm gặp gỡ giữa con người và Thiên Chúa trong lòng gia đình.

Tài Liệu Tham Khảo:

1. Vui Mừng và Hy Vọng, Phần II, Ch.1

2. Freud, S. Psychoanalytic Procedure, Vol.VII, Hogart Press, 1968

3. Ellenberger, H.F. The Discovery of the Unconscious, Allen Lane, 1970

4. Beech, H.R.,Changing Man's Behaviour Penguin, 1969

5. Wolpe, J., Psychotherapy by Reciprocal Inhibition,Stamford University Press (USA), 1958.

6. Pavlov, I.P.,Conditioned Reflexes, Oxford University Press, 1927

7. Masters, W.H., và Johnson, V.E., Human Sexual Inadequacỵ Little Brwon, Boston, 1970.

8. Kaplan, H.S., The New Sex Therapy, Penguin, 1974.

9. Maslow, A., Religions, Values and Peak Experience, Viking Press, New York, 1964

10. James, W., The varieties of Religious Experience, Longmans, New York, 1902

11. Hardy, A., The Biology of God, Jonathan Cape, 1975

12. Hardy, A., The Spiritual Nature of Man. Clarendon Press, 1979