Sự nâng cao tinh thần

(Thánh Bonaventura: Itinerarium mentis in Deum)


Sau hai năm rưỡi được bầu làm Bề Trên Tổng Quyền VII Dòng Phan-xi-cô, Bonaventura, tên thật là Johannes Fidanza (1221-1274), đã lui vào trong nơi thanh vắng Alverna, một ngọn núi thuộc dãy Appenin ở Toakana, không cách xa Caprese, nơi sinh trưởng của nhà danh họa Michelangelo. Chính nơi đặc biệt này, nơi thánh Phan-xi-cô Át-xi-xi được in năm dấu thánh, Bonaventura đã soạn thảo tác phẩm thời danh: “Itinerarium mentis in Deum“ (Con đường tầng cấp tinh thần dẫn về cùng Thiên Chúa), một tác phẩm rất xứng đáng được liệt vào hàng các tác phẩm tư tưởng sâu sắc nhất ở thế giới Kitô giáo Tây phương.

Triết-thần học gia nổi danh: Thánh Bonaventura
Bonaventura trình bày con đường hành trình của tinh thần tiến về cùng Thiên Chúa như là một sự bay lên cao của tinh thần. Và một thị kiến cho thấy rằng sự bay lên cao đó của tinh thần được Thiên thần Sê-ra-phim có các cánh, dưới vóc dáng một người mang năm dấu thánh như nơi thánh Phan-xi-cô, Đấng sáng lập Dòng, hiện ra và hướng dẫn. Sáu cánh của Thiên thần Sê-ra-phim tương ứng với sáu cấp bậc của sự nâng cao tinh thần, mà qua đó linh hồn đạt tới sự an bình trong việc chiêm ngắm Thiên Chúa. Ở đây, trước hết linh hồn hướng ra bên ngoài, để đi tìm những dấu ấn của Tạo Hóa trong vũ trụ, sau đó quay lại với tinh thần trong chúng ta, và sau cùng là vượt lên khỏi chúng ta để nhận ra được Thiên Chúa trong yếu tính đặc trưng của Người.

Cuối cùng, một bước đi thứ bảy, đó là sự đạt tới tình trạng chiêm ngắm trọn vẹn và sự bình an vĩnh cửu. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi khát vọng mong muốn nhận thức đều không cần thiết nữa; hay nói rõ hơn, con người không cần phải mong muốn đạt tới bất cứ điều gì nữa, vì đã đạt tới được tột đỉnh của sự trọn hảo.

Động tác nhận thức đó, tức động tác hướng dẫn từ dưới thấp lên trên cao, từ ngoài vào trong, từ tạm thời tới vĩnh cửu, làm phát huy những khả năng của bản chất con người. Ở đây Bonaventura đã so sánh toàn thể các sự vật, trong đó bao gồm cả chính linh hồn con người, tác nhân nhận thức, với một chiếc thang, mà nhờ đó chúng ta có thể bước lên cùng Thiên Chúa, tương tự như chiếc thang trong giấc mộng của Tổ phụ Gia-cóp (x. St 28,12tt). Tuy nhiên, nếu “chiếc thang Gia-cóp“ đó bắc qua các sự vật, thì Bonaventura giới hạn nó lại trong hai bậc thang đầu, tức: dấu ấn và hình ảnh. Bậc thang cuối cùng, tức bậc thang – được tượng trưng bằng cặp cánh trước của Thiên thần Sê-ra-phim – dẫn đưa linh hồn thiêng liêng bước ra khỏi chính mình để chiêm ngưỡng nguyên lý đệ nhất, tương ứng với hai danh xưng đầu tiên của Thiên Chúa: Sự hiện hữu và sự thiện hảo; trong khi đó ngược lại, một sự tạo hình trực tiếp, nghĩa là một sự tạo hình ưu tiên thì cần phải nhờ đến ánh sáng của chính chân lý vĩnh cửu.

Bước đầu tiên trong việc phân tích sự nhận thức của tác phẩm “Itinerariums“ nối tiếp hoà nhịp với bậc cấp nền tảng đầu tiên theo cách thức sự khởi đầu của thế giới, của đại vũ trụ, vào trong linh hồn chúng ta, trong tiểu vũ trụ. Tại đây linh hồn nhận thức được các sự vật phức tạp. Nhưng những sự vật thâm nhập vào trong linh hồn không phải theo bản thể của chúng, nhưng nhờ phương tiện những hình ảnh trực cảm của những sự vật đó qua các cổng giác quan. Cũng chính qua cách thức này, toàn thể thế giới sự vật thâm nhập được vào trong linh hồn con người qua các cổng giác quan.

Nhưng chính bậc cấp nền tảng thứ nhất - tức bậc cấp bao gồm hai cánh thấp nhất của Thiên thần Sê-ra-phim – không bị giới hạn trong những sự vật có thể tri giác được bằng giác quan, nhưng còn bao gồm cả những sự vật tinh thần nữa. Tính cách tổng quát của dấu ấn Tạo Hóa trong vũ trụ được tham chiếu theo ba nguyên nhân tính sáng tạo, vì Thiên Chúa là:

• nguyên nhân tác động,

• nguyên nhân mô phạm

• và nguyên nhân mục đích.

Tác động đi lên - từ dấu ấn cho tới chỗ khám phá ra chính Thiên Chúa - của một sự lùi dần từ các sự vật lên đến nguyên lý đệ nhất cũng tương ứng theo cùng cách thức như thế. Theo Bonaventura, đó chính là sứ mệnh của “nhà siêu hình học chân chính“, tức rời khỏi sự chiêm ngưỡng “hữu thể từ một hữu thể khác, theo một hữu thể khác và vì một hữu thể khác“ để đạt tới một “hữu thể từ chính mình, theo chính mình và vì chính mình“, và đó là điều bao hàm nội dung ý nghĩa về nguyên ủy, về căn nguyên và về mục đích.

Ngay tại sự khởi đầu bậc cấp nền tảng thứ hai tiếp theo sau đó - bậc cấp tương ứng với hai cánh giữa - là sự dẫn đưa quay trở về chính mình. Cùng với những lời của Augustinô, Bonaventura đòi hỏi hình ảnh: “Vậy, hãy quay trở lại với chính mình và hãy nhìn xem: Tinh thần ngươi đang yêu chính mình một cách hết sức nồng nàn. Nhưng nó sẽ không thể yêu chính mình được, nếu như nó không nhận ra được chính mình, và nó sẽ không thể nhận ra chính mình được, nếu như nó không hồi tưởng được những gì đã xảy ra cho mình; bởi vì chúng ta chỉ nhận thức được những gì đang hiện diện trong ký ức của mình mà thôi.“ Đây là điều Bonaventura đã giải thích rõ ràng qua một sự phân tích khả năng nhận thức được đặt cơ sở trên chân lý.

Sau cùng, sự phân tích nhận thức – được thực hiện trong hai giai đoạn – dẫn tới sự nhận thức hữu thể đệ nhất, tức hữu thể thuần tuý nhất, chân thực nhất và trọn vẹn nhất, nghĩa là hữu thể tuyệt đối, một hữu thể chiếm giữ sự ưu tiên kép: Hữu thể đệ nhất vừa trong trật tự nhận thức và vừa trong trật tự hiện hữu. Và chính hữu thể đó đi qua trí năng của chúng ta như là hữu thể đầu tiên và cũng là hữu thể luôn luôn được suy tưởng trước tiên trong tất cả những gì chúng ta nhận thức và suy tưởng. Hữu thể đó là thực tại tuyệt đối, là hữu thể Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa vậy.

Như thế, tinh thần đã khám phá trong chính nội tâm mình điều - mà theo bản tính nó - luôn luôn là chính nó, dù nó không ý thức được điều đó. Vì thế, Bonaventura đã nói đến một sự mù loà đầy bí ẩn khó hiểu; đó là khi tinh thần chúng ta không nhận thức được điều gì đã xảy ra trong nó, tức là điều mà khi thiếu nó, thì người ta chẳng nhận thức được bất cứ điều gì cả. Vậy, mặc dầu đối với Bonaventura sự tri thức về hữu thể trọn hảo của Thiên Chúa là nền tảng cho mọi nhận thức của con người, nhưng để có thể đạt tới được sự nhận thức về Thiên Chúa, con người cần phải nhờ vào sự chiêm ngưỡng thế giới tạo vật; bởi vì hữu thể Thiên Chúa – xét như là điều kiện tiên thiên của khả năng nhận thức của con người -, trí năng con người có thể nhận thức được một cách chung chung mà thôi, chứ không thể thấu hiểu trọn vẹn được. Nói cách khác, trí năng con người có thể minh chứng và xác tín được sự hiện hữu của Thiên Chúa, nhưng hoàn toàn không thể giải thích được một cách trọn vẹn yếu tính hay sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Nguyên tắc nền tảng sự chiêm ngưỡng Thiên Chúa qua công trình sáng tạo như thế là một sự tri thức về hữu thể, mà nhờ đó các sự vật không chỉ mang trên mình ý nghĩa của chính mình, nhưng chúng - xét như là những phản ánh sự sáng tạo – còn giới thiệu nguyên bản sáng tạo theo từng cách thức hiện hữu cụ thể của chúng. Điều đó có nghĩa là sự tương quan giữa các tạo vật với Thiên Chúa dựa theo mức độ:

• dấu vết,

• sự phản ánh,

• và sự tương tự.

Bonaventura đem áp dụng cách thức trình bày sự tương quan đó vào trong việc diễn giải về lãnh vực Thiên Chúa Ba Ngôi và Kitô học: Ngôi Lời Thiên Chúa, xét như là sự biểu lộ hoàn hảo của Chúa Cha, là nguyên bản vĩnh cửu của tất cả mọi tạo vật, và tất cả những tạo vật, qua mức độ hoàn hảo của chúng, phải được coi như là phản ánh sự vinh quang của Ba Ngôi Thiên Chúa. Tất cả mọi tạo vật xuất phát từ Thiên Chúa qua Ngôi Lời, và qua mầu nhiệm nhập thể làm người, Ngôi Lời đã hoàn toàn đảm nhận chức vụ trung gian của mình một cách trọn vẹn.

Như vậy, sự quay trở về cùng Thiên Chúa được giới thiệu như ba con đường cùng song hành và gắn liền với nhau:

• con đường thanh luyện,

• con đường chiếu sáng

• và con đường hoàn thiện.

Chính con đường sau cùng này quyết định toàn diện cuộc sống tinh thần con người và dẫn tới sự hoàn thiện của tình yêu Thiên Chúa cũng như dẫn tới sự huy hoàng rực rỡ của chân lý. Đó chính là con đường mà thánh Phan-xi-cô Át-xi-xi đã trải qua để nên giống Đức Kitô chịu đóng đinh về cả tinh thần lẫn thể xác. Nhưng để đạt tới được sự hoàn thiện cuối cùng trên con đường dẫn tới “sự bình an vượt trên tất cả mọi tư duy“ thì chỉ có ai biết loại bỏ được tất cả mọi cách thức suy luận theo các phạm trù của trí năng nhân loại và biết vượt ra khỏi sự tri thức khả tri, “đó là khi người ấy sử dụng cách thế hiệu lực có thể thắng vượt được tất cả để vượt ra được khỏi chính mình, tức khi người ấy nâng mình lên trên chính mình.“ Bonaventura diễn tả hành động „transcensus“ đó như một cái gì được nắm bắt, được tách ra và được đưa lên cao trong “lãnh vực thuộc khuynh hướng tri thức và tình cảm.“ Đồng thời chứa đựng trong đó sự minh triết hoàn hảo, tức một ơn của Chúa Thánh Thần bắt đầu trong sự nhận thức và kết thúc trong tình cảm, đó là ơn mà “không một ai ý thức được, nếu người ấy không cảm nhận được ơn đó.“

Trong sự đi lên này thì chính Đức Kitô là đường, là cửa, là thang và bạn đồng hành. Qua đó, ý niệm vượt qua có được ý nghĩa Kitô học. Đó chính là hành động – mà khoa thần bí học sau này giải thích là sự loại bỏ hoàn toàn ý riêng – sẽ dẫn đưa chúng ta, sau khi đã chết về mặt tinh thần, tới sự phục sinh: tức trở nên một con người mới! Chính qua hành động đó, thánh Phan-xi-cô Át-xi-xi – sau khi rời bỏ miền núi Alverna, nơi thánh nhân được in năm dấu thánh - đã trở nên mẫu gương trong việc chiêm ngắm trọn vẹn.

______________________

Sách tham khảo:

Bonaventura: “Pilgerbuch der Seele zu Gott“ (Itinerarium mentis in Deum). Eingeleitet, übersetzt und erläutert von Julian Kaup. Kösel Verlag, München 1961.