Nguyên ủy của tất cả mọi thực tại

(Thánh Tôma Aquinô: Suma Theologiae)


Tôma Aquinô sinh năm 1225 trong miền Neapel/Nam Ý Đại Lợi. Năm 1244, ông gia nhập Dòng Đa-minh, cũng được gọi là Dòng Anh em Thuyết giáo (Ordo Fratrum Predicatorum: viết tắt là OP) trong sự chống đối mạnh mẽ của gia đình. Đây là một Dòng Tu do thánh Dominicus (1170-1221) thành lập trước đó chưa được bao lâu, chủ trương sống nghèo khó và dấn thân làm việc tông đồ qua sự thuyết giáo và công việc giáo dục. Vì thế, để công việc Tông đồ đó được thành công và đưa lại kết quả, các Tu sĩ cần phải được đào tạo và huấn luyện một cách đầy đủ chu đáo trong lãnh vực thần học. Đây là một môn học mà từ trước cho tới lúc bấy giờ vẫn được coi là nhân đức khôn ngoan, thì bây giờ lại trở thành một phân khoa đại học trong các trường đại học. Tôma đã theo học ngành chuyên môn «Các nghệ thuật tự do» tại tỉnh Neapel, tiếp đến ông theo học thần học tại Paris và sau cùng tại Köln dưới sự dìu dắt của giáo sư Albertô Cả.

Vào thế kỷ XIII, Tôma lại được gửi đến đại học Paris, một đại học thần học danh tiếng nhất vào lúc bấy giờ, để được đào tạo thành giáo sư thần học. Nhưng sau mấy năm sôi động ở Paris (tranh cãi về vấn đề những Tu Hội Hành Khất), Tôma lại trở về dạy học và tiếp tục nghiên cứu tại Ý.
Triết và thần học gia: Thánh tiến sĩ Tôma Aquinô


Năm 1265, ông được ủy nhiệm thành lập «trường cao đẳng thần học» tại Tu viện Santa Sabina ở Aventin/Rôma. Đây là một ngôi trường thần học được thành lập để huấn luyện riêng cho các thầy sinh viên của Tỉnh dòng Đa-minh Rôma mà thôi, và Tôma Aquinô vừa là người sáng lập vừa là giáo sư duy nhất, nên ảnh hưởng của ông chi phối hoàn toàn mọi sinh hoạt của trường. Bởi vậy, vào năm 1268 khi Tôma được thuyên chuyển tới Paris, thì trường cũng phải đóng cửa.

Trong thời gian dạy thần học ở Rôma, Tôma đã sử dụng sách «Tổng luận về các đề tài thần học» của Petrus Lombardus vừa để làm tài liệu dọn bài cho sinh viên và vừa để viết sách. Cuốn «Tổng luận về các đề tài thần học» này là một sưu tầm rộng rãi, đầy đủ các phát biểu của các Giáo Phụ về lãnh vực thần học. Nhưng sau đó ông đã bỏ dở công trình bình luận, bởi vì ông không bằng lòng với việc phân chia nội dung ý tưởng cơ bản và việc tách biệt hoàn toàn thần học luân lý ra khỏi khoa tín lý.

Thay vì sử dụng các tài liệu đó, Tôma đã soạn thảo riêng một tác phẩm đồ sộ và hoàn toàn mới mẻ khác, đó là tác phẩm «Summa Theologiae» (Tổng luận thần học). Để hoàn thành tác phẩm đầy công phu và giá trị này, ông đã phải cật lực làm việc ròng rã trong bảy năm trời và đã trình bày tất cả những gì kiến thức sâu rộng về thần học của ông cho phép. Ngoài ra ông còn soạn thảo bao công trình có giá trị khác nữa. Chẳng hạn, bên cạnh tác phẩm «Summa», ông còn viết tác phẩm «Summa contra gentiles», những tác phẩm bình giải các sách trong bộ Kinh Thánh, cũng như các tác phẩm triết học của Aristote. Vì thế, tuy chưa tròn 50 tuổi, nhưng Tôma đã để lại một kho tàng triết-thần học bao la và vô giá, nhiều hơn toàn bộ các tác phẩm triết học trong thời cổ đại lưu truyền lại. Đó là chưa kể vô số các công trình trước tác khác mà ông còn biên soạn sau này, mãi sau khi ông qua đời vẫn chưa soạn xong; trong đó kể cả tác phẩm thời danh «Summa» nữa.

Nếu nhìn lại tổng thể lịch sử triết học và thần học từ thời cổ đại cho tới thời trung cổ, thì người ta phải công nhận rằng tác phẩm «Summa Theologiae» của thánh tiến sĩ Tôma Aquinô là cả một công trình biên soạn nguy nga đồ sộ vào bậc nhất. Người ta thường ví tác phẩm vĩ đại đó như một ngôi vương cung thánh đường gô-tích nguy nga hùng vĩ.

Tuy nhiên, một điều người ta cần ghi nhận là đặc tính của tác phẩm này cũng có thể gây ra sự ngỡ ngàng xa lạ. Ngay tựa đề của tác phẩm «Summa Theoligae» đã là một điều không phải bất cứ ai cũng hiểu ngay được. Trước hết, người ta không thể chuyễn ngữ ý niệm «Summa» một cách tuỳ tiện được. Ở đây, chữ «Summa» phải hiểu là sự trình bày toàn diện một ngành học chuyên môn, tức không phải từng môn học riêng rẽ thuộc về thần học, nhưng là khoa thần học xét một cách tổng thể, mặc dầu đối tượng và phương pháp của mỗi môn học thuộc khoa thần học tương đối khác biệt nhau: từ môn tín lý cho đến môn thần học mục vụ, từ môn giáo sử, giáo luật cho tới môn chú giải Kinh Thánh, v.v… Do đó, khoa thần học thời trung cổ không những được hiểu là một môn học thuộc đại học, nhưng còn là một khoa học thống nhất; nghĩa là mọi môn học thuộc thần học đều liên kết gắn bó mật thiết với nhau.

Tuy nhiên, để thấu hiểu được nội dung tác phẩm «Summa Theologiae» của Tôma, trước hết người ta cần phải nắm vững được ý nghĩa của từng khoản mục (Articulus), như những phần nhỏ cơ bản của «Summa». Bởi vì, để giải thích và trình bày các vấn đề trong tác phẩm, tác giả đã sử dụng hình thức đặt ra các khoản mục (Articulus). Và để giải thích từng khoản mục đó, tác giả nêu lên một câu hỏi rất rõ ràng chi tiết duy nhất, ví dụ: «Có hợp lý hay không khi Thiên Chúa trở nên xác phàm?», chứ không chỉ nêu lên vấn đề một cách tổng quát như nơi Anselm Canterbury chẳng hạn: «Tại sao Thiên Chúa đã trở nên phàm nhân?»

Trước khi Tôma trả lời từng câu hỏi đó, thì ba luận cứ đối kháng được nêu lên và kết luận của những luận cứ đó như làm giảm thiểu nhiều ít câu trả lời của Tôma. Tiếp đến, một luận cứ khác được nêu lên - thường là trích dẫn một câu Kinh Thánh – để mở đường và làm điểm tựa cho câu trả lời của Tôma. Và sau cùng mới đến phần trọng tâm: đó là câu trả lời của Tôma. Trong câu trả lời của mình, Tôma đưa ra một luận đề rõ ràng được dựa trên nền tảng của lý trí và những bản văn cổ điển. Cuối cùng, những quan điểm hay những luận cứ đối lập đã nói trên sẽ lại được nhắc đến và được đưa ra mổ xẻ tìm hiểu, hầu có thể chứng minh là tại sao các luận cứ đó không thể đứng vững hay không thể chấp nhận được.

Cái kiểu trình bày mang nặng tính cách kinh viện như thế là nền tảng cho toàn bộ tác phẩm của Tôma. Toàn tác phẩm «Summa» bao gồm gần 3.000 khoản mục, được coi như những phần cơ bản tạo nên tác phẩm. Dĩ nhiên, ở đây còn phải kể đến 10.000 câu giải đáp và vào khoảng 20.000 các dẫn chứng.

Người ta đã coi tác phẩm «Summa Theologiae» là tác phẩm chính và quan trọng nhất của thánh Tôma, và theo nhà thần học J. Weisheipl: đó là «một đóng góp to lớn và quan trọng nhất của Tôma cho khoa học thần học». Tương ứng với sự đánh giá của Tôma về lý trí tự nhiên, trong tác phẩm còn có những tranh luận về triết học. Những cuộc tranh luận về triết học như thế, chẳng những rất được ưa chuộng và được khuyến kích vào lúc bấy giờ, nhưng còn vượt ra khỏi biên giới của chức năng thần học nữa.

Trong phần đầu của tác phẩm «Summa», Tôma đã tìm cách trình bày và chứng minh tính cách khoa học của thần học. Đó là một môn khoa học tùy thuộc sự tri thức về Thiên Chúa, bởi vì nó phát xuất từ sự mặc khải của sự tri thức về Thiên Chúa. Trước hết, vị thánh tiến sĩ Dòng Đa-minh chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa bằng phương pháp «ngũ đạo» thời danh, tiếp đến là sự luận bàn về những phẩm tính của Thiên Chúa. Khởi đầu, thánh nhân xây dựng giáo trình về một Thiên Chúa, một điều hoàn toàn vượt khỏi phạm trù hiểu biết của trí năng con người, chứ không phải như một số người chủ trương; và tiếp theo sau đó là giáo trình về Thiên Chúa Ba Ngôi.

Nhưng Thiên Chúa cũng là nền tảng của tất cả mọi thực tại ngoại tại, nghĩa là chính Thiên Chúa đã tạo dựng nên các thực tại đó, chứ Người không phải là những thực tại đó. Học thuyết về sự sáng tạo được chia ra: Trước hết, những cơ cấu của công trình sáng tạo nói chung và tiếp đến là các hình thức riêng rẽ của thực tại sau cùng: Những tạo vật thuần thiêng, các tạo vật thể chất và sau cùng là con người, kết tụ cả hai: tinh thần và vật chất. Đoạn kết thúc phần đầu được dành để bàn về sự bảo quản và điều hành các tạo vật.

Phần thứ hai của tác phẩm tương đối dài - được tiếp tục soạn thảo ở Paris - cũng được chia ra làm hai phần nhỏ. Phần thứ hai này được dành để bàn về con người xét như là hình ảnh của Thiên Chúa, nghĩa là một tạo vật gồm có trí năng và ý chí, tức một tạo vật tự do. Như vậy, phần đầu của phần thứ hai tác phẩm đề cập đến hành động thực tiễn của con người cũng như các nguyên tắc tâm lý của những hành động (tình cảm, các hành xử luân lý) và các nguyên tắc ngoại tại của các hành động (luật pháp, ân huệ.)

Khối to lớn thứ hai của phần hai (Secunda secundae) được dành để luận bàn về các nhân đức và các thói hư tật xấu: Trước hết là các nhân đức đối thần (đức tin, đức cậy, đức mến), tiếp đến là các nhân đức luân lý hay cũng được gọi là chính đức hoặc bản đức (đức khôn ngoan, đức công bằng, đức can đảm, đức thận trọng.)

Mùa thu năm 1272, Tôma lại rời Paris và trở về sống tại Neapel. Chính tại Neapel ông đã soạn thảo phần ba của tác phẩm «Summa Theologiae». Trong phần này Thiên Chúa được trình bày như là tình yêu thương của con người. Vì thế, trước tiên người ta phải bàn về Chúa Cứu Thế. Điều đó muốn nói rằng trước hết Tôma đã triển khai môn Kitô học và luận bàn về phương tiện sự cứu rỗi, tức các Bí tích.

Khi luận bàn về Bí tích Hòa giải, Tôma đã bỏ dở công việc nghiên cứu của mình vào ngày lễ Thánh Nicolaus, 6.12.1273. Về sau Tôma đã nói với các cộng sự viên thân tín của mình rằng tất cả những gì ông đã viết ra đều chỉ là đồ rơm rạ không đáng giá. Một ít ngày trước khi Tôma qua đời (7.3.1274) - ngay lúc ông còn trên đường đi dự Công Đồng ở Lyon - ông đã soạn thảo ra một Kinh, trong đó có đoạn: «Tâm hồn con hoàn toàn sấp mình thờ lạy Chúa, bởi vì nó không sao có thể thấu hiểu được Chúa một cách trọn vẹn.»

______________________

Sách tham khảo:

Thomas von Aquin: Summe der Theologie (Summa Theologiae). Heraugegeben in drei Bänden von Joseph Bernhard. Kröner Verlag, Stuttgart 1985.