Petrus Abaelard và sự hoài nghi theo phương pháp

(Petrus Abaelard: Sic et non)


Vào tiền bán thế kỷ XII, ba nhà tư tưởng vĩ đại của thời trung cổ đã gặp nhau:

• Bernard Clairvaux, đại diện cho phái Thần bí học;

• Petrus Venerabilis, Viện Phụ Tu viện thời danh Cluny, người từng có những xung đột thần học với Hồi Giáo;

• và sau cùng là triết gia và thần học gia Petrus Abaelard, sinh năm 1079 tại Le Pallet thuộc miền Nantes.

Petrus Abaelard

Ở đây chúng ta thử tìm hiểu quan điểm triết học và thần học của nhà đại tư tưởng người Pháp vào thời trung cổ này. Trước hết, Abaelard theo học môn triết học, nhưng sau đó vì bất mãn với giáo sư của mình là nhà biện chứng học Wilhelm de Champeaux, ông đã bắt đầu theo học thần học khi ông đã 33 tuổi. Nhưng trong lãnh vực thần học, khả năng xuất sắc về biện chứng pháp của ông lại gây nên những va chạm và bất đồng giữa ông với Anselm de Laon.

Triết- thần học gia Petrus Abaelard
Ngoài ra, cuộc đời của Abaelard còn phải đối mặt với đủ thứ bất ổn khác nữa. Đặc biệt nhất là sự quan hệ rắc rối của ông với cô học trò tên Heloise (1101-1164) mới xấp xỉ 20 tuổi vào lúc bấy giờ và hai lần liên tiếp ông bị kết án vì có tư tưởng lạc đạo, vào các năm 1121 và 1140. Trong một hoàn cảnh đầy sóng gió và thử thách như thế, Abaelard đã chạy đến tìm an ủi nơi Petrus Venerabilis, Viện Phụ Tu viện Cluny. Chính nhờ sự can thiệp của Viện Phụ Petrus Venerabilis mà Petrus Abaelard - một vài tháng trước khi ông qua đời vào ngày 21.4.1142 - đã làm hòa với Viện Phụ Bernard de Clairveaux, nhất là được Đức Giáo Hoàng Innocent II tha cho các án phạt mà Toà Thánh đã ra.

Một điều làm người ta không khỏi ngạc nhiên là mặc dù phải đứng trước một cuộc sống đầy thử thách đau khổ như thế, các tư tưởng của ông đã gây nên được một ảnh hưởng rất lớn, mãi cho tới khi ông qua đời. Trước hết ở Paris, ngay từ đầu khi dạy thần học và biện chứng pháp, Abaelard đã luôn đề cao địa vị ưu tiên của lý trí. Ngoài ra, ngay khi tái khám phá ra nền triết học cổ đại về những triết gia duy lý Hồi Giáo, thì phương pháp biện chứng lại càng trở nên tâm điểm cho tư tưởng Tây phương. Vì thế, Abaelard cũng bị vẻ hấp dẫn của biện chứng pháp lôi cuốn. Nhưng rồi lần hồi cả khoa thần học nữa cũng đã trở thành trọng tâm của mọi tư duy và hành động của ông. Tuy nhiên, nơi Abaelard – lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng Kitô giáo - chính khoa thần học cũng đặt định hướng theo lý trí, nghĩa là cần phải hành động theo những luật lệ của luận lý.

Bởi vậy, trong tác phẩm chính của ông là cuốn «Sic et Non» (Có và Không) - một trong các tác phẩm trọng yếu nhất về biện chứng, được viết ra trong thời gian từ năm 1121 đến 1140 - biện chứng pháp là tâm điểm. Sự hình thành của tác phẩm phải kéo dài trong một thời gian lâu ngoại thường như thế đã cho thấy rằng công việc soạn thảo tác phẩm đã phải trải qua ít nhất bốn giai đoạn. Ba gia đoạn sáng tác đầu tiếp nối trong các năm thứ hai mươi của thế kỷ XII, trong khi đó giai đoạn thứ bốn (và có lẽ giai đoạn thứ năm) chỉ được hoàn thành vào khoảng từ năm 1135-1140.

Abaelard dẫn chứng sự tương quan giữa luận lý học và khoa chú giải và qua đó ông cho thấy rằng, nhờ vào sự hoài nghi theo phương pháp người ta có thể giải quyết được những mâu thuẫn như thế nào. Qua 158 Quaestiones (những vấn đề tranh cãi thuộc lãnh vực thần học), những lời phát biểu của Kinh Thánh, của các Giáo Phụ và của các Công Đồng, được đối chiếu với nhau dưới hình thức những mâu thuẩn (adversa). Abaelard cho thấy rằng chỉ duy một vấn nạn về thần học mà các tác giả lúc thì trả lời đồng thuận (sic) lúc lại trả lời bất đồng (non). Tuy nhận định như thế, nhưng chính Abaelard cũng không đưa ra lập trường riêng. Trái lại, ông để chính các độc giả tự tìm ra lối giải quyết; và trong phần mở đầu, ông chỉ giới thiệu phương pháp giải quyết, tức trình bày những quy luật tương hợp khả dĩ qua ratio.

Những chủ đề cơ bản, như sự tương quan giữa đức tin và lý trí, thần luận (hay thần lí học) và Kitô học, thì được tranh luận liên tục trong các Quaestiones, tương tự như việc nêu lên các vấn nạn về nhân chủng học hay vấn đề sự tự do của ý chí, vì vấn đề đó liên quan tới vấn nạn luân lý.

Cho đến thời điểm đó, cách thức tiếp cận vấn đề của Abaelard đã làm cho độc giả lưu tâm một cách đặc biệt khi ông công nhận quyền ưu tiên của lý trí đối với tất cả mọi người, chứ không chỉ đối với những Kitô hữu mà thôi, mà theo nguyên tắc thì đó là phương pháp để nhận thức Thiên Chúa một cách hợp lý, và qua đó ông đã mở ra một không gian mới mẻ cho việc thực hành đức tin cá nhân. Như thế, Abaelard đã đương nhiên loại bỏ quan niệm truyền thống của một Anselm Canterbury hay của một Augustinô, những vị - trong sự tranh chấp giữa quyền bính (auctoritas) và lý trí (ratio) - đã đặt quyền bính lên trên; hay nói cách khác: đã đặt nặng quyền bính hơn lý trí. Chính Augustinô đã có lần nói rằng nếu như quyền bính Giáo Hội không dạy bảo thì ông đã không tin vào Phúc Âm.

Chắc chắn rằng một sự duyệt xét lại có tính cách phê bình đối với các giáo huấn về đức tin Kitô giáo như đã được trình bày trong tác phẩm «Sic et Non» sẽ gây ra trước hết một sự hoang mang về đức tin nơi các tín hữu. Do đó, nhà đại tư tưởng Abaelard đã phải đối mặt với những phê bình chỉ trích là đã gây ra bất ổn cho đức tin Kitô giáo và chống lại giáo huấn của Giáo Hội.

Quả vậy, nếu người ta chỉ đọc qua Abaelard, người ta sẽ rất dễ dàng cắt nghĩa hoàn toàn sai về ông. Thực ra Abaelard chỉ muốn nói lên rằng nguyên nhân của những mâu thuẫn trong các văn tự chính thức của Giáo Hội (kanonische Schriften) – Kinh Thánh, các Giáo Phụ, các Công Đồng - là do sự bất toàn và sự giới hạn của khả năng tinh thần con người tạo ra, chứ không phải do chính các bản văn đó. Trong bài nhập đề của tác phẩm «Sic et Non», Abaelard đã viết như sau: «Chúng ta nên suy tư về khả năng yếu kém hạn hẹp của mình và xác tín rằng mình không có được ơn hiểu biết đầy đủ, chứ không phải những văn tự đó không có được ơn linh ứng viết cho đúng.»

Cách hoài nghi theo phương pháp này nhắc lại trong nhiều trạng huống về phương pháp chú giải của ngôn ngữ triết học tân thời. Hiện tượng: trong một ý niệm mà lại chứa đựng nhiều ý nghĩa khác nhau như thế đã khiến Abaelard kết luận rằng, sự đa phức của các ngôn từ và của các văn tự chính thức của Giáo Hội là dịp đưa tới sự sai lạc về ý nghĩa, một điều mà người ta có thể tránh được khi biết diễn tả một cách rõ ràng minh bạch. Nhưng đàng khác, Abaelard lại cho rằng – ví dụ: Kinh Thánh – nếu được cắt nghĩa một cách độc điệu thì sự nhất trí quá đơn giản và dễ dàng sẽ dẫn tới sự nhàm chán.

«Sự hoài nghi theo phương pháp được biểu lộ qua việc thường xuyên cật vấn về ý nghĩa bản văn, thì đối với Abaelard không gì khác hơn là việc con người thường xuyên biết mở rộng lòng mình đón nhận chân lý của Thiên Chúa.»

Mặc dù chính Abaelard không tự coi mình là người sáng lập nên phương pháp biện chứng – trong thực tế, công trình nghiên cứu của ông về tất cả các vấn đề được coi như là sách gối đầu của các học trò của ông – nhưng ông đã quảng bá sự sử dụng phương pháp biện chứng một cách sâu rộng, đến nỗi giờ đây nó đã có thể được đem sử dụng trong việc trình bày các chân lý thuộc lãnh vực thần học. Đó là một phương pháp đã làm cho ông trở thành một trong những cha đẻ của phái Kinh Viện và được các nhà tư tưởng thời danh lúc bấy giờ như Johannes von Salisbury hoặc Petrus Lombardus đón nhận, cũng như được các nhà thần học như Tôma d’Aquinô kiện toàn thêm.

Qua các bản sao chép tác phẩm của ông cũng như qua các lập trường chống đối của các đối thủ của ông, người ta nhận thấy rằng các tác phẩm của ông đã gây được ảnh hưởng rất rộng rãi, đến nỗi khoa phương pháp học của ông đã vượt ra khỏi biên giới Kinh Viện để trở thành nguyên tắc cho nền khoa học Tây phương.

Thật ra, Abaelard đã không hề đặt lại vấn đề quyền bính Giáo Hội theo đúng nghĩa, cũng như ông cũng không hề chủ trương cần phải duyệt xét lại tính cách trung thực của các văn tự chính thức của Giáo Hội. Theo Abaelard, các văn tự đó phải được coi là hoàn toàn đúng, còn các sai sót trong các bản văn là do lỗi của người viết. Trái lại, những phát biểu của các Giáo Phụ không thuộc các văn tự chính thức của Giáo Hội (nicht-kanonische Schriften) thì có thể bị đưa ra phê bình mổ xẻ trong toàn bộ của chúng. Ngoài ra, Abaelard cũng quan niệm rằng ngay cả một số văn tự chính thức của Giáo Hội đã được viết ra trong một hoàn cảnh đặc thù nào đó, thì chỉ có thể được coi như những ý kiến hay những đề nghị, chứ không thể là những chân lý khách quan có tính cách bó buộc. Trong khi đó, một bản văn thuộc những văn tự không chính thức thì đương nhiên chứa đựng đầy cả cái đúng và cái sai. Nếu thế, phương thức tìm hiểu mổ xẻ có tính cách phê bình như thế là một điều được chính Thiên Chúa đòi hỏi: «Các ngươi hãy tìm thì các người sẽ gặp. Các ngươi gõ cửa thì cửa sẽ mở ra cho các ngươi.»

Nói tóm lại, đối với Abaelard, sự hoài nghi theo phương pháp được biểu lộ qua việc thường xuyên tìm hiểu mổ xẻ bản văn không gì khác hơn là thái độ con người thường xuyên biết mở rộng tâm hồn mình đón nhận chân lý của thiên Chúa.

________________

Sách tham khảo:

Petrus Abaelardus: «Sic et Non». Minerva Verlag, Frankfurt 1981, 464 Seiten.