Tầm nhìn xa hơn



Trong bài “Nhìn thế giới đi tới” phổ biến ngày 11.1.2008, chúng tôi đã đề cập đến “Tuyên Ngôn Thiên Niên Kỷ của Liên Hiệp Quốc” (UN Millennium Declaration) được công bố ngày 8.9.2000 do 152 nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới ký tên. Tuyên ngôn đã đưa ra một quan niệm và một chương trình mới để đưa các dân tộc đang bị nghèo đói vá áp bức đi lên trong thế kỷ thứ 21.

Trong bài nói trên, chúng tôi có trình bày: Các nước Tây phương cho rằng các chế độ cộng sản và độc tài trên thế giới đã dùng 3 thứ sau đây để chế ngự quần chúng: ĐÓI (Hungry), DỐT (Ignorance) và SỢ (Fear) . Chỉ cần phá vỡ ba thứ đó, các chế độ cộng sản và độc tài sẽ không còn đất dụng võ. Muốn phá vỡ những thứ đó, phải dùng “diễn biến hòa bình” chứ không thể dùng vũ lực hay cấm vận được. Đây chính là chủ trương của Liên Hiệp Quốc được ghi trong Tuyên Ngôn Thiên Niên Kỷ.

Hiện nay, Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (United Nations Development Programme – viết tắt là UNDP) đang thực hiện kế hoạch xóa đói giảm nghèo tại 166 quốc gia trên thế giới và đã đổ vào Việt Nam khoảng 4 tỷ 450 triệu USD. Tiêu chuẩn đầu tiên được Liên Hiệp Quốc đưa ra là đến năm 2015, không còn người lao động nào phải lãnh lương dưới 1 USD mỗi ngày, chấm dứt số người sống dưới mức nghèo khổ và chấm dứt tình trạng những người không có nước sạch để uống.

Trong bài nói trên, chúng tôi cũng đã nhận định rằng trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, có một số người đang chống lại chương trình xóa đói giảm nghèo của Liên Hiệp Quốc, vì cho rằng chương trình đó sẽ làm cho chế độ độc tài cộng sản tồn tại lâu hơn. Không phải chỉ những người có trình độ văn hóa thấp, mà một số người đang tự coi mình là “lãnh đạo cộng đồng” hay “hướng dẫn dư luận” cũng bênh vục quan niệm đó.

Dĩ nhiên, những nỗ lực lội ngược dòng như thế chẳng ảnh hưởng gì đến đường lối của các cường quốc Tây Phương và Liên Hiệp Quốc. Nhân loại vẫn tiếp tục đi tới. Năm 1954, chúng ta có ký Hiệp Định Genève đâu, nhưng rồi cuối cùng cũng phải bỏ miến Bắc chạy vào Nam. Năm 1973, chúng ta không đồng ý với nội dung của hiệp định Paris. nhưng rồi cũng phải ký và vài năm sau đua nhau bỏ đất nước đi lưu vong trên khắp thế giới. Tình trạng của những người đang lội ngược dòng rồi cũng thế thôi.

MỘT LOẠI GIẶC KHÓ THẮNG

Hôm nay, chúng tôi sẽ nói đến thảm họa thứ hai của nhân loại mà Liên Hiệp Quốc đang cố gằng chống lại, đó là GIẶC DỐT. Loại giặc này bao trùm trên nhiều lãnh vực và nếu đánh thắng được nó, các giặc khác như giặc đói và giặc sợ cũng sẽ đi đời nhà ma luôn. Mặc dầu đây là một cuộc chiến khá phức tạp, có khi gần như trừu tượng, nhưng vì nó liên hệ đến con đường tiến thủ của các dân tộc nghèo đói và bị áp bức, nên chúng ta cũng phải tìm hiểu và góp phần đánh thắng.

Cuộc chiến với giặc dốt là một cuộc chiến lâu dài và rất khó thắng. Khi đánh giặc đói, các chuyên viên LHQ sẽ hướng dẫn và giúp cho nông dân phương tiện để canh tác có nhiều hoa lợi hơn, cung cấp cho những người nghèo ở thành thị vốn để làm ăn, tạo công ăn việc làm cho họ, yêu cầu các chính phủ phải ban hành luật ấn định lương tối thiểu không được dưới 1 USD một ngày, v.v. Nhưng chống giặc dốt không giản dị như vậy. Sau đây là một vài thì dụ cụ thể:

Khi Pháp rời khỏi Đông Dương, Cao Nguyên miền Trung có khoảng 3 triệu người Thượng. Họ gần như làm chủ toàn vùng Cao Nguyên. Ngày nay số người Thượng tại Cao Nguyên chỉ còn khoảng một nữa. Sở dĩ người Thượng bị biến mất dần một phần vì cuộc Tây tiến của người Việt và phần khác vì cuộc sống thiếu văn minh của họ. Trước 1975, tôi và một vài kỳ giả có dịp đến Kontum và được dẫn đi xem cuộc sống của đồng bào Thượng. Người ta đưa chúng tôi đến thăm một sắc tộc có phong tục khác thường: Đàn bà mỗi khi sanh được đưa xuống suối để sanh chứ không vào nhà hộ sinh. Những người bệnh nặng đều được đưa ra phơi nắng, số ai còn sống thì lành, số ai tới kỳ quy tiên thì chết. Họ không chịu đưa vào bệnh xá để được chửa trị. Ông Quận Trưởng có dặn chúng tôi chớ nên có ý kiến gì vì sẽ làm họ nổi giận. Anh em dân vận đã khuyên họ nhiều rồi nhưng không thành công, vì họ thiếu kiến thức. Với tập quán sống này, tự diệt chủng là chuyện đương nhiên.

Giả thiết trong số họ có nhiều người được học hết cấp 1 hay cấp 2, có lẽ họ sẽ biết ít nhiều về khoa học, họ sẽ tự thay đổi cuộc sống để bảo đảm sự sinh tồn của sắt tộc, nhưng chỉ khoảng 2% biết đọc và biết viết mà thôi, nên cuộc sống của họ vẫn kéo dài trong tăm tối.

Vì thiếu trình độ văn hóa, nên khi bị cường hào ác bà ức hiếp như cướp đất, chèn ép, v.v., họ không biết làm gì để chống lại. Nếu trong buôn làng có một số người học hết cấp 2 hay cấp 3, họ có thể giúp chống lại cường hào ác bá như làm đơn kiện lên huyện. Nếu huyện không giải quyết sẽ đưa lên tỉnh và nếu tỉnh cũng im lặng sẽ đưa lên trung ương hay nhờ báo chí can thiệp.

Trong bài “Một Quan Niệm Giáo Dục” , Bảo Vũ có kể chuyện như sau: Tại phiên chợ mua bán súc vật Dol Dol ở Laikipia thuộc miền Bắc Kenya, Phi Châu, ông Johnson Kinyago, một người chăn súc vật thuộc bộ lạc Masai đã nói với một nhóm các bậc trưởng lão về hai đứa con trai của ông. Với vẽ tự hào, ông nói về đưa thứ nhất: "Một cháu đúng là thuộc loại thiên tài. Cháu có thể nhận diện được mọi con vật và có thể tìm được nguồn nước ở bất cứ nơi nào. Vì thế, cháu đang đi chăn dê". Với đứa thứ hai, ông nói với giọng không được vui cho lắm: "Còn cháu thứ nhì thì thuộc vào loại dốt nát. Dốt như vậy thì có lẽ cháu này không phải là con tôi. Cháu hiện đang đi học".

Các bậc trưởng lão, trên người quấn chăn màu sặc sỡ, đều gật đầu tỏ vẻ đồng ý với ông. Kết quả là hơn 90 % dân Masai mù chữ, và điều này khiến bộ tộc Masai dễ bị các bộ tộc láng giềng có nhiều chữ nghĩa hơn lấn lướt và bắt nạt.

Trước đây, khi những người Anh di dân đặt chân lên vùng đất của người Masai, vì không đủ chữ nghĩa, tổ tiên của họ đã nhượng tới 90% số đất đai của họ có lúc bấy giờ cho người Anh.

Trong trận hạn hán dài ba năm vừa rồi, hơn 80% gia súc của người Masai bị chết và dân bộ tộc Masai, một giống dân kiêu hùng, hiện đang phải sống nhờ vào nguồn thực phẩm viện trợ từ ngoại quốc. Để phá vỡ cái vòng luẩn quẩn đói nghèo, một nhóm người trẻ có học thuộc bộ tộc Masai đã cố gắng thiết lập các lớp học không chính thức trên vùng đồi núi lởm chởm Laikipia, nhưng đường đưa người Masai ra khỏi sự ngu dốt để đi lên còn dài thăm thẳm.

MỘT VÀI CON SỐ ĐỂ SO SÁNH

Trong các nước Hồi Giáo, vì bị tín ngưởng và tập quán khống chế, trình độ của các tín đồ Hồi Giáo, nhất là phụ nữ, rất thấp. Vì thế, mặc dầu một số nước Hồi Giáo có rất nhiều dầu hỏa, cuộc sống của người dân vẫn cùng cực và cuồng tín.

Theo tiến sĩ Farrukh Saleem, ước tính có hơn 1,4 tỉ người Hồi Giáo trên hành tinh: 1 tỉ ở châu Á, 400 triệu ở châu Phi, 44 triệu ở Liên Âu và 6 triệu ở châu Mỹ. Như vậy, cứ 5 người thì có 1 người Hồi Giáo, và cứ mỗi một người Hindu (Ấn Giáo) độc thân thì có 2 người Hồi Giáo, cứ mỗi một người Phật Giáo thì có 2 người Hồi Giáo và cứ mỗi người Do Thái thì có 100 người Hồi Giáo. Nhưng tại sao người Hồi Giáo đang bị yếu thế như hiện nay?

Đây là lý do: thế giới hiện có 57 nước thành viên của Tổ chức Hồi Giáo (Organisation of Islamic Conference-OIC), và tất cả các nước này tập họp chung quanh 500 trường đại học; một trường đại học cho mỗi 3 triệu người Hồi Giáo. Hoa Kỳ có 5,758 trường đại học và Ấn Độ có 8.407. Năm 2004, trường Đại Học Shanghai Jiao Tong xếp hạng các trường đại học trên thế giới trong danh sách “Academic Ranking of World Universities.” Người ta không thấy có một trường đại học nào của các nước có phần đông dân số là người Hồi Giáo lọt vào danh sách 500 trường đại học hàng đầu này.

Theo các số liệu do cơ quan UNDP thu thập được, người Thiên Chúa Giáo có kiến thức văn hóa (biết đọc, biết viết) chiếm tới 90% và tại 15 nước mà người Thiên Chúa Giáo chiếm đa số, dân số biết đọc biết viết lên tới 100%. Trong khi đó, ở một nước mà người Hồi Giáo chiếm đa số, sự tương phản rất rõ nét, tỉ lệ biết đọc biết viết trung bình khoảng 40% và không có nước đông dân Hồi Giáo nào chiếm tỉ lệ biết đọc biết viết 100%. Trong cộng đồng Thiên Chúa Giáo, dân số học xong bậc trung học chiếm tỉ lệ 98%, trong khi tỉ lệ này trong thế giới Hồi Giáo chưa tới 50%. Khoảng 40% người Thiên Chúa Giáo theo học đại học trong khi người Hồi Giáo chưa tới 2%!

Các quốc gia đông dân Hồi Giáo chỉ có 230 nhà khoa học trên mỗi 1 triệu dân. Hoa Kỳ có 4.000 và Nhật có 5.000. Trong thế giới Ả Rập, tổng số nhà nghiên cứu làm việc toàn phần là 35.000 và chỉ có 50 nhà kỹ thuật trên mỗi 1 triệu dân, trong khi trong thế giới Thiên Chúa Giáo có 1.000 nhà kỹ thuật trên mỗi 1 triệu dân. Điều này đã đưa tới kết luận: Thế giới Hồi Giáo thiếu khả năng tạo ra kiến thức.

Ở Pakistan, có 23 tờ nhật báo cho 1.000 dân trong khi Singapore là 360 tờ. Ở Anh, số tựa sách là 2.000t cho 1 triệu dân, trong khi ở Ai Cập chỉ có 20 tựa sách!

Một điều đáng chú ý nữa là tổng sản phẩm quốc gia hàng năm của 57 nước thuộc Tổ Chức Hội Nghị Hồi Giáo (Organization of the Islamic Conference) tổng hợp lại chưa tới 2.000 tỉ USD, trong khi tại Hoa Kỳ là 12.000 tỉ, Hoa Lục 8.000 tỉ, Nhật 3.800 tỉ và Đức là 2.400 tỉ.

Một vài con số so sánh này cho thấy người Hồi Giáo vì thiếu học vấn nên không ngóc đầu lên được. Các lãnh tụ Hồi Giáo lại muốn duy trì các tín đồ trong tình trạng ngu dốt để dễ thống trị.

MỘT CÁI NHÌN VỀ VIỆT NAM

Ngày 6.8.2007, ông Michael W. Marine, Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam lúc đó đã đọc một bài diễn văn tại Phân Khoa Kinh Tế Shidler thuộc trường Đại học Hawaii ở Saigon, nhấn mạnh đến những khuyết điểm của nền giáo dục Việt Nam hiện nay và các chương trình của Hoa Kỳ nhằm giúp đưa nền giáo dục Việt Nam đi lên. Đây là một bài diễn văn rất quan trọng nên chúng tôi thấy cần phải đăng lại những đoạn chính để đọc giả có thể thấy được tình trạng giáo dục ở Việt Nam hiện nay như thế nào và Hoa Kỳ đang làm gì ở đó.

Sau khi ca ngợi các thành quả mà Việt Nam đã đạt được về kinh tế, về địa vị của Việt Nam trên chính trường quốc tế, và mối quan hệ càng ngày càng mở rộng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, Đại Sứ Michael W. Marine đã nhận xét như sau:

“Ở khắp nơi, người ta thấy tiềm năng, phấn khởi và hy vọng. Nhưng đối nghịch với nhiều thành công của mình, Việt Nam đang đối diện với những thách đố quan trọng, mà thách đố về hệ thống giáo dục không phải là nhỏ. Trong khi sự tăng trưởng về kinh tế đã phát triển quá mức dự đoán, và người dân Việt tiếp tục đặt giáo dục làm ưu tiên hàng đầu, thì hạ tầng cơ sở cung cấp nguồn nhân lực vật lực tại đây đã không phát triển đủ để hỗ trợ cho nhu cầu tăng trưởng. Điều đó đúng ở mọi cấp bậc trong hệ thống giáo dục, nhưng tình trạng giáo dục cấp đại học tại Việt Nam đặt ra những quan ngại đặc biệt.”

1.- VN tụt lại phía sau rất xa

Tiếp theo, ông đề cập đến sự quá yếu kém của nền giáo dục Việt Nam. Ông nói:

“Vai trò căn bản của các đại học là cung cấp một nền giáo dục hữu dụng về mặt xã hội và kinh tế, làm phát sinh hiểu biết và đổi mới. Theo ý kiến chung, các đại học Việt Nam đã không làm tròn được các đòi hỏi thiết yếu này. Bản “Báo cáo về Phát triển trên Thế giới” năm 2006 của Ngân Hàng Thế Giới cho thấy Việt Nam tụt lại phía sau rất xa các nước khác trong khu vực vì chỉ có 2% dân số được đi học đủ 13 năm hoặc hơn nữa. Cũng theo báo cáo này thì Việt Nam đứng chót trong khu vực vì chỉ có 10% thanh thiếu niên trong hạng tuổi từ 20 đến 24 có ghi danh vào các trường đại học hoặc cao đẳng. Trái lại, Trung quốc có 15% sinh viên trong hạng tuổi này đã ghi danh, Thái lan có 41% và Nam Hàn có con số thật ấn tượng là 89%.

Một lý do làm cho con số sinh viên đại học Việt Nam quá thấp là khả năng dung nạp rất hạn chế đến mức báo động của chính các trường đại học. Tháng qua, tại đây có 1.8 triệu học sinh dự cuộc tuyển sinh, tranh dành nhau 300.000 chỗ ngồi trong các trường đại học cả nước. Tuy nhỏ, nhưng con số đó cũng là một gia tăng đáng kể so với con số sinh viên ghi danh vào đại học năm 1990 khắp nước chỉ có 150.000. Tuy nhiên, điều làm cho các chuyên viên phải bận tâm với thống kê đó, là con số giáo sư giảng dạy gần như không thay đổi đáng kể suốt 17 năm qua. Rõ ràng đây là một hệ thống giáo dục quá căng.”

Đi qua lãnh vực trí thức và đổi mới, ông đưa ra các con số để cho thấy Việt Nam không theo kịp các quốc gia lân cận. Ông nói tiếp:

“Nhiệm vụ thứ hai của một đại học là làm phát sinh ra trí thức và đổi mới. Về lãnh vực này Việt Nam một lần nữa không theo kịp các quốc gia lân cận. Năm 2006, các giáo sư và sinh viên Đại học Quốc gia Seoul (Hán Thành) công bố 4.556 ấn phẩm khoa học. Trường Đại học Bắc Kinh có gần 3.000. Để so sánh ta thấy cả Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Kỹ Thuật Quốc Gia Hà Nội chỉ thực hiện được 34 ấn phẩm.

Số đơn xin bằng sáng chế là thước đo hữu dụng để biết khả năng phát minh của một quốc gia. Báo cáo năm 2006 của Ngân Hàng Thế Giới cho biết Trung Quốc có 40.000 đơn xin bằng sáng chế, trong khi ở Việt Nam chỉ có 2 đơn!

2.- Hoa Kỳ muốn giúp đỡ Việt Nam

Đại sứ Michael W. Marine cho rằng Việt Nam đang cố gắng cải tiến về giáo dục và Hoa Kỳ muốn giúp đỡ. Ông phát biểu:

“Chính phủ Việt Nam cho thấy đã hiểu rõ tầm mức quan trọng của giáo dục cho công dân và thấy nhu cầu khẩn thiết phải có thay đổi. Có mong muốn thực sự về xã hội và chính trị để tạo ra cải tiến ở mọi cấp bậc học vấn tại Việt Nam, và chính quyền đã thông qua một số nghị quyết quan trọng về pháp luật – liên quan đến giáo dục và quản trị đại học trong hệ thống giáo dục – mà sẽ có tác động đáng kể, chỉ với điều kiện là nếu được và sau khi được thực hiện đầy đủ. Trong khi nguồn nhân lực và các nỗ lực cải tiến từ trước tới nay vẫn không đủ, nhưng đã có cam kết và ý chí. Hoa Kỳ muốn góp phần vào sự chuyển biến quan trọng này.

Hệ thống giáo dục Việt Nam có ông Bộ Trưởng Giáo Dục và Đào Tạo Nguyễn Thiện Nhân, một học giả của chương trình Fulbright đã đậu bằng tiến sĩ Đại Học Oregon, có theo vài chương trình hậu đại học tại Harvard, đã xác định các mục tiêu đặc biệt để thay đổi môi trường học vấn tại Việt Nam.

Các mục tiêu này gồm: cung ứng nền giáo dục đại chúng - đặc biệt chú trọng vào nữ giới, người thiểu số và những người kém may mắn là thành phần chưa được phục vụ đúng mức trong hệ thống giáo dục hiện nay - cải thiện các chương trình huấn luyện giáo viên, và kiểm tra toàn bộ chương trình các môn học ở mọi cấp bậc trong cả nước. Kế hoạch của ông cũng kêu gọi phát triển một tiến trình liên tục và chính thức nhằm thẩm định và khen thưởng, chú tâm vào công tác huấn nghệ để trang bị cho lực lượng lao động của Việt Nam vào thế kỷ 21, cộng tác với các cơ sở học vấn Đức và Hoa Kỳ, nâng cấp nhiều trường đại học Việt Nam lên hàng đầu và đạt tiêu chuẩn được quốc tế công nhận.

Như bản báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới cho thấy, Việt Nam rất cần nhiều người có văn bằng PhD cho các trường đại học đã “quá tải”, vì thế Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đặt mục tiêu huấn luyện 20.000 tiến sĩ mới từ nay đến năm 2020. Lý tưởng là 10.000 trong số đó sẽ nhận lãnh văn bằng tiến sĩ tại ngoại quốc, ít nhất 2.500 sẽ được huấn luyện tại Hoa Kỳ.

Ngoài các mục tiêu đặc biệt này, chính quyền còn nhận thấy sự quan trọng của việc dạy ngoại ngữ - đặc biệt là tiếng Anh – cho các học sinh bắt đầu ngay ở bậc tiểu học, cũng như gia tăng khả năng về Kỹ thuật Thông tin.

Trong các lãnh vực này, Hoa Kỳ không những chỉ có thể giúp đỡ mà còn muốn làm người cộng tác với chính phủ và nhân dân Việt Nam để giải quyết những thiếu sót và tạo lập một môi trường và hệ thống giáo dục mà người dân Việt Nam có thể tự hào.

Một trong các trao đổi học vấn hàng đầu là chương trình Fulbright, thành lập năm 1946 nhằm gia tăng hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, hiện nay đã phát triển ra 140 nước. Chương trình này thành lập ở Việt Nam năm 1992, nay nhận được đóng góp tài chánh nhiều nhất của chính phủ Mỹ.

Một cộng tác viên quan trọng nữa là Vietnam Education Foundation của Hoa Kỳ. Từ ngày hoạt động (tháng 3-2003) cơ quan này đã đạt được nhiều thành quả trong sứ mạng trao đổi giáo dục và đào tạo kỹ năng trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật cho Việt Nam.

Một số trường đại học toàn hảo – như Hawaii và Harvard – đã đi những bước quan trọng vào lãnh vực giáo dục hợp tác, và nhiều trường khác đang thăm dò khả năng hoạt động tại Việt Nam.

Thỏa thuận với Texas Tech University đã tạo ra chương trình trao đổi đầu tiên để các sinh viên Việt Nam có thể hoàn tất năm thứ hai của chương trình Tiến sĩ tại trường này để lấy bằng cấp tại Hoa Kỳ. Những thỏa thuận như thế giữa Việt Nam và các cơ sở giáo dục Hoa Kỳ sẽ mở cửa cho nhiều thanh thiếu niên Việt Nam bước vào hệ thống giáo dục cấp cao của Mỹ.

Trong lúc nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mau chóng, chính quyền nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải nâng cao trình độ Anh ngữ cho công dân. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính yếu của thương mãi và do vậy là một thách đố đặc biệt cho thương gia Việt Nam. Trong nhiều trường hợp, người dạy Anh ngữ lại không nói được chính ngôn ngữ này và ít được học về phương pháp dạy tiếng ngoại quốc. Nhóm Senior English Language Fellow của Hoa Kỳ sẽ làm việc một năm ròng với một nhóm đặc biệt của Bộ Giáo Dục để sửa đổi hoàn toàn chương trình giảng dạy Anh ngữ trong hệ thống giáo dục Việt Nam, từ cấp tiểu học tới đại học, gồm cả việc huấn luyện các nhân viên giảng dạy.

Sau cùng, Mỹ và Việt Nam đang cộng tác chặt chẽ để lập Đoàn Hòa Bình (Peace Corps), từ ngày thành lập (1961) đến nay đã có 187.000 người Mỹ tình nguyện phục vụ tại 139 quốc gia trong các lãnh vực giáo dục, nông nghiệp, y tế và HIV/AIDS, thương mãi và môi trường. Chương trình chính yếu nhất là dạy Anh ngữ, sẽ có ảnh hưởng quan trọng trong việc giảng dạy có hiệu quả ngôn ngữ này khắp nơi trong nước Việt Nam.”

20 NĂM SAU, 75% NỘI CÁC VN SẼ LÀ NHỮNG NGƯỜI ĐÃ DU HỌC MỸ!

Theo phúc trình về du học sinh năm 2007 được Viện Giáo Dục Quốc Tế Hoa Kỳ (Insitute of International Education) công bố vào cuối năm 2007, Việt Nam được xếp vào “top 20” những quốc gia có nhiều du học sinh nhất và mức tăng mạnh nhất: số du học sinh Việt Nam là 6.036, tăng 31% so với năm 2006.

Tuy nhiên, nếu so với một số quốc gia khác tại Á Châu, tổng số du học sinh Việt Nam ở Hoa Kỳ vẫn còn thấp: Ấn độ 83.833, tăng 10%; Trung Quốc, 67.723, tăng 8%, và Nam Hàn 62.392, tăng 6%.

Lên tiếng trước báo chí và cộng đồng Mỹ gốc Việt trước khi sang Hà Nội nhậm chức, Tân Đại Sứ Michael Michalak cam kết sẽ mang lại cơ hội đồng đều cho mọi người dân Việt Nam, nhất là trong lãnh vực giáo dục, và ông sẽ cố gắng nâng gấp đôi số du sinh Việt Nam được cấp học bổng sang Mỹ.

Cũng theo lời Tân Đại Sứ Michael Michalak: "Hai mươi năm sau, chúng ta sẽ không nói Mỹ đã vào Việt Nam để kiếm tiền, mà chúng ta sẽ nói rằng hơn 75% thành phần Nội Các Việt Nam là những người đã du học Mỹ."

Những lời phát biểu nói trên của hai ông cựu và tân Đại Sứ Hoa Kỳ đã nói lên kế hoạch xây dựng quyền lợi của nước Mỹ ở Việt Nam. Đây là một kế hoạch dài hạn và được thực hiện theo phương pháp “diễn biến hòa bình” . Đại Sứ Michael Michalak đã nói về triển vọng của 20 năm sau và rõ ràng là kế hoạch của Hoa Kỳ phần lớn đã đặt sự phát triển giáo dục trên cơ cấu thượng tầng: tạo đầy đủ chuyên gia để phục vụ quyền lợi Mỹ. Trái lại, người Việt phải chống Giặc Dốt từ hạ tầng cơ sở, đặc biệt là đối với nông dân nghèo và đồng báo các sắc tộc. Dĩ nhiên là kế hoạch của chúng ta sẽ khác kế hoạch của Hoa Kỳ và chúng ta cần đến sự giúp đỡ của Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc như các nước nghèo khác trên thế giới.

TRÓI BUỘC DÂN TRONG NGU DỐT

Ở Nhật, thời Minh Trị Thiên Hoàng, cuốn Khuyến Học của Fukuzawa Yukichi được coi là sách gối đầu của người dân Nhật. Chính cuốn sách này đã làm thay đổi tư duy của cả một dân tộc, giúp Nhật cường thịnh. Ông cũng đã dành khá nhiều công sức để thúc đẩy chương trình cải cách và khai sáng cho các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam. Tại Việt Nam, để tiếp thu tư tưởng duy tân của Fukuzawa, cụ Phan Bội Châu đã thành lâp phong trào Duy Tân và Đông Du, còn hai cụ Lương Văn Can và Phan Chu Trinh đã xây dựng Đông Kinh Nghĩa Thục. Nhưng rất tiếc, phong trào canh tân này đã không thành công ở cả Trung Quốc, Triều Tiên lẫn Việt Nam, vì lúc đó, triều đình và dân chúng của ba nước này vẫn tiếp tục miệt mài trong lối học từ chương của Trung Hoa. Họ không muốn tiếp thu những tư tưởng mới.

Ngày nay, phong trào canh tân về giáo dục đã được đón nhận tại Nam Hàn và Trung Quốc và đã làm cho hai nước này cường thịnh, nhưng khi đến Việt Nam, phong trào này đã bị khựng lại, vì Đảng CSVN vẫn theo đuổi chủ trương HỒNG hơn CHUYÊN. Đảng chỉ cần một số chuyên viên có trình độ kiến thức cao, thường được gọi là “trí thức xã hội của nghĩa” , để nghiên cứu và soạn thảo chính sách, còn các cấp thừa hành, kể cả thẩm phán, chỉ cần có trình độ đủ để chấp hành các chỉ thị được đưa ra. Nói cách khác, Đảng chỉ cần những người trung thành chứ không cần những người giỏi.

Để bảo vệ chủ trương trên, Đảng đã thực hiện chế độ độc quyền giáo dục với hy vọng sẽ uốn nắn mọi công dân phục tùng chế độ. Vì thế, mặc dầu nền giáo dục đang bị quá tải và hạ xuống một mức quá thấp, Đảng nhất quyết không cho tư nhân và các tôn giáo tham gia vào công tác giáo dục.

Với dân chúng, Đảng chỉ muốn mỗi người biết đọc và biết viết để có thể đọc các báo tuyên truyền của Đảng. Học cao hơn, họ có thể nhận ra những sai lầm của chế độ, nêu lên những tranh luận hay tổ chức đấu tranh, gây phiền phức cho chế độ. Học phí cứ được tăng dần lên để loại bớt những người muốn tiếp tục theo học. Nói một cách tổng quát. Đảng đã đặt quyền lợi và sự sinh tồn của Đảng trên quyền lợi của quốc dân.

Tuy nhiên, những nỗ lực bưng bít nói trên càng ngày càng trở nên vô hiệu quả, vì hàng chục ngàn người được đi du học trở về đang làm thay đổi cơ cấu của Đảng và chính quyền. Hơn 20 triệu người, nhất là giời trẻ, xử dụng Internet mỗi ngày, đã thu nhận vô số tư tưởng mới mà Đảng khó ngăn chận được. Một số người đi Việt Nam về cho biết nhiều người ở trong nước, từ Nam ra Bắc, đã đọc những bài của chúng tôi phổ biến trên Internet hàng tuần. Đây là những yếu tố đang làm thay đổi chế độ.

CON ĐƯỜNG TRƯỚC MẮT

Có nhiều người Việt chống cộng tưởng rằng cứ lật đổ chế độ cộng sản, đất nước sẽ phát triển và trở thành một trong một con rồng của Á Châu. Nhưng vấn đề không giản dị như vậy. Sau chế độ cộng sản, ngoài việc phải đối phó với thứ giặc mà Đặng Văn Nhâm đã đặt tên (nhiều người tin rằng khó tránh được), chúng ta còn phải chiến đấu lâu dài với GIẶC ĐÓIGIẶC DỐT mới đưa đất nước đất nước đi lên được. Cứ nhìn một số nước Á Châu không cộng sản như Thái Lan, Philippines, Bangladesh, Đông Timor... thì sẽ thấy.

Kinh nghiệm cho thấy, một quốc gia muốn trở thành quốc gia phát triển, phải có ít nhất 10% công dân tốt nghiệp đại học. Hiện nay Việt Nam chỉ mới có 2% công dân tốt nghiệp đại học, làm sao ngoi đầu lên được?

Có người đã hỏi Giào Sư Fukuzawa Yukichi: “Trong công cuộc khai hóa văn minh, dựa vào chính phủ mà làm có lợi hơn không, vì chính phủ có quyền lực?”

Ông đã trả lời: “Để khai hóa văn minh, không thể dựa vào chính phủ được. Như tôi đã nói, trên thực tế những gì mà chính phủ đang làm chưa có hiệu quả. Cũng không chắc tư nhân làm lại có kết quả, nhưng về lý luận nếu có khả năng làm được thì cần thiết phải làm thử. Chưa làm thử mà cứ ngồi lo thành công hay thất bại thì không thể gọi là dũng cảm.”

Cô Elena Trần có kể lại:

“Năm năm về trước, em có dịp về Việt Nam đi với một đoàn thiện nguyện cũng xây lớp học cùng với một số người bạn. Sau chuyến đi đó, em về Mỹ và chia xẻ kinh nghiệm thiếu thốn của những em ở miền quê Việt Nam. Em và những người bạn thân đã thành lập Sunflower Mission.”

Sau khi chứng kiến cảnh các em nhỏ ở vùng quê hẻo lánh không có cơ hội đến trường, cô cùng hội Sunflower Mission đã quyết định thực hiện các dự án xây các lớp học cho các em. Bằng nỗ lực của chính mình cùng các bạn trong nhóm, Elena Trần tìm đến xin các nhà hảo tâm, hoặc tổ chức các buổi “fashion show”, bán hàng gây quỹ để kiếm tiền xây lớp học ở vùng quê xa xôi.

Cô nói: “Năm đầu tiên em đi là đến Bến Tre, Thanh Thới A và Thanh Thới B. Lớp học mà Sunflower Mission xây là ở miền quê mà thôi. Lúc đầu là ở Đồng Tháp và Bến Tre. Hiện nay, đã xây thêm ở Phú Yên, An Giang và Kiên Giang.”

Cô cho biết, cho đến hôm nay, Sunflower Mission đã xây được hơn 60 lớp học tại Việt Nam ở những vùng như Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang và có hơn 100 hội viên tình nguyện.

Điều làm cho cô vui mừng hơn cả là thấy các em nghèo ở vùng thôn quê hẻo lánh, nơi các lớp học do Sunflower Mission đến xây dựng, đã có phương tiện học tập như mong ước của cô là giúp cho các em có một nền giáo dục căn bản. Có thế may ra mới giúp cải thiện đời sống nghèo nàn của người nông dân chân lấm tay bùn.

Chúng tôi mong rằng các tổ chức khác, nhất là các tổ chức tôn giáo, cũng làm như vậy để dần dần đưa đất nước thoát khỏi giặc dốt và tiến lên. Đừng chờ ở chính quyền.