Tinh thần ẩn chứa trong vật chất

Một cái thoáng nhìn vào lịch sử triết học:Nữ triết và thần học gia Alma Von Stockhausen giải thích về sự nhập thể của Logos(*).

«Không bị đóng khung trong cái vĩ đãi nhất, nhưng tự giam mình trong cái nhỏ bé nhất – đó chính là tính cách của Thiên Chúa.» Hàng chữ được ghi trên mộ bia của thánh Ignatius này rất có thể được chọn làm tựa đề cho bản sơ thảo về lịch sử triết học của Alma Von Stockhausen. «Sự nhập thể của Logos, điểm nòng cốt của lịch sử tư tưởng» là bản viết mới được soạn thảo lại và đã được bổ túc thêm vào rất nhiều của tập tài liệu nghiên cứu xuất bản năm 1981 với tựa đề: «Huyền thoại, Logos, sự tiến hóa». Đây là một tác phẩm triết học rất được giới trí thức tìm đọc.

Đối với Stockhausen, vấn đề trọng tâm của triết học là nhịp độ tương quan giữa tinh thần và vật chất. Sự nhập thể của Logos, một yêu tố nền tảng của thần học, có thể đưa ra một câu trả thỏa đáng cho vấn đề. Theo sự bình giải đó, thì lịch sử tinh thần được chia ra thành: Sự sửa soạn về tư tưởng, sự thấu triệt và sự chối từ của biến cố làm người của Thiên Chúa qua ba giai đoạn: Huyền thoại, Logos và sự tiến hóa.

Huyền thoại bắt đầu khi con người chủ trương rằng trật tự của vũ trụ tự xuất phát từ tình trạng hỗn mang buổi ban sơ. Các thần linh, con người và vũ trụ đều bắt nguồn từ sức mạnh thiên nhiên. Sự mâu thuẩn của cái vô hữu luôn luôn là một nguyên tắc linh động. Chính nguyên tắc mâu thuẩn nội tại đầy tính chất linh động đó sản sinh ra không ngừng các hữu thể.

Trong khi đó, giai đoạn Logos lại ngược lại – dựa theo khuynh hướng triết học Platon và Aristote – hoàn toàn phân biệt cái hữu ra khỏi cái vô hữu. Vâng, đối với tư tưởng Hy-lạp, Thiên Chúa không phải là một sản phẩm, nghĩa là được sản sinh ra bởi một hữu thể khác, nhưng là có tính cách nguyên thủy, thuần túy tinh thần, thuần túy tư duy, thuần túy sinh động. Vì Thiên Chúa là nguyên lý hiện hữu của mọi hữu thể và của biến hóa, nên Người không thể là kết quả của một sự phát triển được, tức một hữu thể được hình thành qua sự biến hóa. Sự loại suy chỉ có giá trị đối với linh hồn và lý trí con người, cũng như đối với các hình thức bản thể các sự vật.

Trong khi đó, vật chất lại hoàn toàn khác biệt: luôn luôn trong tình trạng giao động và biến hóa. Vì thế nó mang trong mình sự khả hữu thụ động, sẵn sàng cho một sự biến đổi. Tuy nhiên, tính chất vô hữu, sự hữu hạn và sự chết của vật chất luôn luôn vẫn tạo ra cho tư tưởng Hy-lạp, cũng như tư tưởng cá thể riêng tư của từng người một sự rắc rối bế tắc. Bởi vì, người ta vẫn luôn luôn đánh giá vật chất trên cùng một mức độ với hữu thể tuyệt đối. Những mâu thuẩn này trong tư tưởng Hy-lạp tìm gặp được một câu trả lời rất tích cực qua câu chuyện tường trình về công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa trong Sách Sáng Thế.

Nhờ đó, giai đoạn của Logos đạt được một cấp bậc mới. Bởi vì, cùng với giáo lý về tội nguyên tổ và đặc biệt nhất là trong sự nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, những mâu thuẫn đó đòi hỏi một ý niệm mới về vật chất. Một điều minh nhiên là vật chất đã được tạo dựng nên. Nhưng sự chết và sự hữu hạn của vật chất không phải là tính chất nguyên thủy. Thật ra, vật chất là sự khả hữu gặp gở và là một «hình thức hiện thân» của tinh thần. Chỉ do tội nguyên tổ, vật chất đã đánh mất đi phẩm chất này mà thôi.

Trở về trong huyền thoại

Tính cách cá thể của nhân vị, một tư tưởng Kitô giáo thuần túy, và vì thế phải được đánh giá tích cực. Để thấu triệt được một cách đầy suy tư những chân lý mặc khải, Stockhausen đã nại tới thanh Toma Aquinô.

Ý niệm «ngôi vị» trong thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi nơi nhà thần học Duns Scotus – xét theo phương diện ảnh hưởng - chỉ đóng vai trò khiêm tốn, nhưng rất có hệ thống. Vì thế, dựa theo truyền thống Toma, Đức Bênêđíctô XVI đã nhắc đến trong bài diễn thuyết của ngài tại đại học Regensburg, thuyết Duy Chí (Voluntarismus) của Scotus và gọi là một sự dọn đường cho sự phân biệt giữa đức tin và lý trí.

Stockhausen đã không muốn đưa ra một sự phân tích chi tiết về phái hậu Kinh Viện. Thay vào đó, bà đã khảo xét môn khoa học tự nhiên hiện hành rất tỉ mỉ. Dĩ nhiên, trong việc khảo sát đó Stockhausen đã không chỉ đặt nặng tất cả chú ý có tính cách một chiều vào cái «có thể sáng chế ra được» trước mắt, nhưng là vào quan điểm mang tính cách lịch sử tinh thần đã đạt được như là hiệu quả của sự suy tư triết học về sự nhập thể của Thiên Chúa.

Vấn đề được trình bày chỉ có tính cách thuyết phục ra sao đối với khoa học thiên nhiên tân tiến, chính là khi giá trị của vật chất trần thế được phục hồi nhờ biến cố nhập thể. Khi bình giải khoa vật lý của Newton, triết gia Kant cũng đã nhận thấy thành quả đó còn chứa đựng nhiều tiêu cực. Nhưng Stockhausen lại nhìn thấy cái mâu thuẩn và cái nguồn gốc phức tạp đối với triết học tiên nghiệm của Kant ở trong khuynh hướng thần học của Luther, chứ không phải ở trong khoa vật lý Newton. Từ đó Stockhausen đã cương quyết tìm cách loại bỏ tính cách chống báng tư tưởng Hy-lạp trong tư duy thời tân đại và trong giai đoạn thứ ba của lịch sử tư duy. Lý do không chỉ vì việc chối bỏ tư duy Hy-lạp vì đã giới hạn cái bao la của thế giới lý trí, nhưng vì khuynh hướng tư duy thời tân đại đã cố tình tạo ra tính chất tiêu cực nơi Đấng Tuyệt Đối, sự mâu thuẩn nơi Thiên Chúa. Stockhausen đã điểm mặt điều đó một cách rõ ràng trong triết học Hegel.

Người ta coi triết học Hegel như một hệ thống hóa thần học, tương tự như Heidegger đã biểu thị chủ nghĩa duy lý Đức là trường phái «Kinh viện Tin Lành». Đối với hegel, sự nhập thể là «điểm nòng cốt của lịch sử vũ trụ», nhưng dĩ nhiên theo một nghĩa lệch lạc, tức ông coi sự nhập thể như một thay đổi của sự tiến triển từ thiên nhiên thành tinh thần. Tư tưởng này sau khi đã đóng vai trò quyết định nơi chủ nghĩa duy vật biện chứng của Karl Marx, còn được tiếp tục trong ý nghĩa những luận đề của Nietzsche «không có Hegel thì đã không có Darwin», cha đẻ của thuyết tiến hóa sinh vật.

Stockhausen đã thành công khi cho thấy sự liên kết mang tính cách biện chứng của tinh thần và vật chất trong toàn bộ giai đoạn đó đã thất bại ra sao. Vâng, sự mâu thuẩn luôn luôn là nguyên tắc linh động. Ví dụ: Sự hiện hữu phát xuất từ sự phủ nhận của sự phủ nhận, nói cách khác: Sự phát triển cao độ của cái này là nhờ sự tiêu diệt của cái kia. Đây chính là sự quay trở về trong huyền thoại, như phái tân Mác-xít của một Theodor W. Adorno (1903-1969) đòi hỏi qua sự loại bỏ lý trí trong chính khuynh hướng chủ thể. Thuyết tân tiến hóa Darwin của một Jaques Monod và Manfred Eigen cuối cùng cũng đã được những minh chứng của khoa học tự nhiên vạch trần những tiêu cực và thiếu sót còn chứa đựng trong đó.

Sau cùng, với khuynh hướng triết học của hai triết gia người Đức trong thế kỷ vừa qua – Martin Heidegger ( 1889-1976) và Edith Stein (1891-1942) - Stockhausen đã đạt tới được suy niệm cuối cùng. Stockhausen đã xếp triết gia Heidegger, vị thầy của bà, vào truyền thống biện chứng. Còn tư tưởng của Edith Stein xem ra thân cận với tác giả, cũng như những trình bày ở đó về tương quan của lý trí và đức tin xem ra phản ảnh lại những suy tư của bà. Sau cùng, môn «khoa học về Thánh giá» trở thành một môn quy phạm quyết định thực tiễn. Trong chương cuối cùng, Stockhausen đã trình bày những tổng đề thần học của bà, đặt trọng tâm vào Bí tích cứu độ và bà đã kết thúc bằng những trình bày mang tính cách phê bình đối với Teilhard de Chardin va Karl Rahner.

Nói tóm tắt, nhìn tổng thể thì tác phẩm nói trên của Alma Von Stockhausen là một sự bình giải toàn diện rất có giá trị với những trình bày chi tiết mang tính cách giáo dục. Tuy nhiên, những trình bày đó ở nhiều chỗ vẫn chưa đề cập đầy đủ được các khía cạnh và các phương diện tiểu tiết cần thiết. Nhưng đứng trước bao trách nhiệm dồn dập đối với học viện Gustav-Siewerth do bà thành lập – dưới sự khuyến khích của Đức Hồng Y Josef Ratzinger trước kia – người ta có thể thông cảm được cho sự thiếu sót đó. Vào thánh 5. 2007, Đức Bênêđíctô XVI đã trao tặng Alma Von Stockhausen huân chương «Gregorius » (Dame des Gregoriusordens), để thưởng công cho những đóng góp rất đáng trân trọng của bà trong lãnh vực thần học và triết học.

_____________________

(*) Logos (tiếng Hy-lạp) có nghĩa là lời nói, lời phát biểu, ngôn ngữ. Trong CƯ có nghĩa là Lời Thiên Chúa; còn trong TƯ có nghĩa là Con Thiên Chúa.

Sách tham khảo:

Alma von Stockhausen: „Die Inkarnation des Logos – Der Angelpunkt der Weltgeschiochte“. Verlag der Gustav-Siewerth-Akademie, 547 trang.