QUAN NIỆM CỦA HỘI ÐỒNG GIÁM MUC VIỆT NAM
VỀ TƯƠNG QUAN GIỮA TIN MỪNG CHÚA KITÔ
VÀ NHỮNG GIÁ TRỊ TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO,
PHONG TỤC TẬP QUÁN CỐ HỮU CỦA NGƯỜI VIỆT NAM


Năm hết Tết đến, các cộng đồng Công Giáo Việt Nam hải ngoại khắp nơi đang nhộn nhịp chuẩn bị Tết cổ truyền với nhiều sinh hoạt đạo đức, truyền thống, vui tươi đầy ý nghĩa. Để góp thêm ý cho mùa Xuân, chúng tôi xin trình bầy hầu quí vị đồng hương, đồng đạo một số nét rất đáng chú ý trong quan niệm của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về tương quan giữa Tin Mừng Chúa Kitô và những giá trị tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, tập quán của người Việt Nam ta. Đồng thời cũng nhân mùa Xuân, mùa cầu xin ơn thái hòa đất trời, chúng tôi xin giới thiệu vài nghi lễ thường được cử hành vào mùa Xuân, phổ biến trong dân gian, nhưng lại rất xa lạ đối với đa số các tín hữu chúng ta.

QUAN ĐIỂM CỦA HỘI ÐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

Tin Mừng Chúa Kitô đã được rao truyền sang Á châu thuộc vùng ảnh hưởng văn hóa Ấn - Hoa rộng mênh mông đã từ lâu lắm, nhưng rõ ràng số người tin theo cho tới nay có thể nói là rất ít. Riêng tại Việt Nam ta, hạt giống Tin Mừng cũng đã gieo ở đây 4 thế kỉ trước. Kết quả tương đối khả quan hơn so với tại các nước Á châu khác, ngoại trừ Phi Luật Tân, song cũng chỉ đạt khoảng 10% dân số tin theo Chúa.

Trong 4 thế kỉ qua, nếu người Công Giáo Việt Nam đã tích cực đóng góp được nhiều thành quả tốt đẹp cho quê hương đất nước, thì lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cũng có những trang đẫm máu và nước mắt. Cho tới nay, Cộng Sản Việt Nam và những kẻ thù nghịch vẫn đang tiếp tục lên án Giáo Hội Công Giáo Việt Nam với nhiều thứ tội (1).

Đã có một số tác giả đi tìm nguyên do những khó khăn gặp phải trong việc loan báo Tin Mừng tại Á châu và Việt Nam, nhưng đặc biệt hơn cả là tiếng nói chính thức của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mới đây trước Thượng Hội Đồng Giám Mục Á châu, tổ chức tại Vatican, từ ngày 19 tháng 4 tới ngày 14 tháng 5 năm 1998. Trong Hội nghị, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chỉ rõ cho Thượng Hội Đồng thấy (2):

-Tại Á châu: "Lục địa Á châu không phải là một vùng đất hoang mà chúng ta có thể gieo trồng bất cứ giống gì. Trái lại, đây là vùng đất của những tôn giáo và của những nền văn hóa lâu đời hơn nhiều so với Âu châu. Ở đây vốn đã sẵn có một vũ trụ quan, một nhân sinh quan, và một quan niệm tôn giáo rất phong phú và còn khá vững chắc. Tại đây phần lớn người ta không phải là không biết đến Thiên Chúa, trái lại họ cũng đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Người một cách nào đó, và gọi Người bằng những tên gọi khác nhau, như là Trời, là Thiên, là Brahman v.v...." (HĐGMVN. Bản Trả Lời Các Câu Hỏi. Định Hướng số 16, trang 85).

- Tại Việt Nam: "Hạt giống Tin Mừng đến Việt Nam từ 4 thế kỉ. Nhưng trước đó cả ngàn năm, trên vùng đất này đã có 3 tôn giáo lớn là Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo và một loại tín ngưỡng dân gian ăn sâu vào tâm hồn người Việt Nam. Phong tục tập quán, văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam đã được nhào luyện bởi tất cả những mầm sống cũng như giới hạn các tín ngưỡng đó. Vì vậy khi Tin Mừng Đức Kitô được loan báo cho người Việt Nam không khỏi xẩy ra va chạm -có khi đến mâu thuẫn- giữa cái cổ truyền với cái mới lạ, giữa cái được gọi là "quốc hồn quốc túy" với cái bị xem là ngoại lai. Đối với người Kitô giáo, cái mới đã làm đảo lộn nền luân lí và đời sống tâm linh của cá nhân cũng như cơ cấu và lề thói của xã hội, gây nhiều khó khăn cho việc chung sống với đa số đồng bào của mình..."(HĐGMVN. Bản Trả Lời Các Câu Hỏi. Định Hướng số 16, trang 81).

- Sau khi nhận định, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đệ đạt: "Hội Thánh ngày nay phải chấp nhận một sự đa dạng về Thần học. Nếu có lối suy tư diễn tả Thần học của Tây phương thì cũng cần có lối suy tư diễn tả của người châu Á, và điều này không ai làm thay cho người châu Á được. Đã đến thời mà người châu Á không còn bằng lòng sao chép, diễn dịch các tư tưởng Thần học phương Tây. Đức Giêsu là người châu Á, nhưng tư tưởng của Người đã phải đi vòng qua châu Âu rồi mới trở về châu Á. Bây giờ đã đến lúc tư tưởng của Người có thể đến thẳng với các dân tộc Á châu... Do đó chúng tôi nghĩ nên có một nền Kitô học châu Á và một nền Thần học châu Á mang một sắc thái nhân bản và hiện sinh hơn. Cùng với một nền Kitô học và Thần học như vậy, cũng cần phải xây dựng một Hội Thánh như một gia đình con cái Thiên Chúa, hơn là phẩm trật với những cơ chế và luật pháp kiện toàn. Một Hội Thánh như một cộng đồng gia đình sẽ dễ hội nhập vào trong xã hội Á châu."(HĐGMVN. Bản Trả Lời Các Câu Hỏi. Định Hướng số 16, trang 86, 87).

Về việc thực hành sứ mệnh rao truyền Tin Mừng cho đồng bào mình, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đề ra một cung cách riêng biệt cho mình, đó là: "Các tín hữu Công giáo sẽ đến với anh em đồng bào của mình không phải như những kẻ xa lạ...","không tìm cách thuyết phục, tuyên truyền, càng không phải là chinh phục kéo cho được đông người vào đạo nhưng trái lại là đi đến với mọi người (Matt.28:19), làm người với mọi người (Gal.1:14) như là nhân chứng của Chúa Kitô, hiện thân tình yêu của Cha trên trời" (HĐGMVN. Bản Trả Lời Các Câu Hỏi.Định Hướng số 16, trang 87,89).

Thú thật, sau khi đọc được quan điểm của Hội Đồng Giám Mục trình bầy trên đây, chúng tôi hết sức vui mừng phấn khởi và muốn bầy tỏ lòng biết ơn đối các vị chủ chăn ở quê nhà. Bởi vì hôm nay, trước Giáo Hội hoàn vũ, các Ngài đã nói lên thay cho toàn thể Giáo Hội Á châu nói chung và cho Giáo Hội Việt Nam nói riêng, bao tâm sự ấp ủ từ lâu mà đó đây chỉ dám nói tới vừa không đầy đủ vừa không có uy tín. Có thể nói, tiếng nói lần này của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam là hết sức "can đảm vì nói rõ cho mọi người biết văn hóa truyền thống Tây phương không phải là con đường duy nhất hướng về Chân lí và không thể tự đồng hóa với Kitô giáo...can đảm vì mở ra với chiều sâu Kitô giáo để đón nhận những giá trị cao đẹp của các tôn giáo bạn, các truyền thống tích cực của dân tộc mình" (Định Hướng số 16, trang 80).

Quan điểm của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trên đây đã là cảm hứng cho chúng tôi giới thiệu với quý vị đồng hương, đồng đạo vài nghi lễ cổ truyền rất phổ biến trong dân gian, thường được cử hành vào mùa Xuân: Lễ Kì Yên và lễ Xây Chầu, Đại Bội.

(Còn tiếp)