Từ ngày 24-28 tháng 10 năm 2007, tại Đại học Assumption, Thái Lan, đã diễn ra hội nghị về Đối thoại trong đào tạo luân lý và tôn giáo trong giáo dục, được tổ chức bởi Văn Phòng về Giáo Dục và Tuyên Uý Sinh Viên (Office of Education and Student Chaplaincy – OESC), trực thuộc Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC). Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin đã cử linh mục đại diện tham dự Hội nghị này. Bài viết sau đây là những ghi nhận tóm lược từ những gì diễn ra tại Hội nghị nêu trên. Xin trân trọng giới thiệu.
+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Giám mục Giáo phận Mỹ Tho
Chủ Tịch UBGLĐT
Ghi chép từ hội nghị FABC về giáo dục tại Thái Lan
(24-28.10.2007, Assumption University)
Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) là tổ chức xuyên quốc gia nhằm liên kết Hội Đồng Giám Mục của các quốc gia tại Á châu trong tình hiệp thông, và chia sẻ với nhau những suy tư cũng như nỗ lực trong công cuộc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc Á châu. Để thực hiện mục đích trên, FABC có nhiều Văn Phòng (Offices), mỗi văn phòng đặc trách một lãnh vực trong sinh hoạt mục vụ đa dạng của Hội Thánh. Như tên gọi của nó, Văn Phòng về Giáo Dục và Tuyên Uy Sinh Viên (Office of Education and Student Chaplaincy – OESC) quan tâm đặc biệt đến lãnh vực giáo dục và trong những năm qua, Văn phòng này đã tổ chức nhiều hội nghị về nhiều chủ đề khác nhau như : Đối thoại với Hồi giáo (2005), Công giáo gặp gỡ Khổng giáo, Lão giáo, và tôn giáo bình dân (2006), Dạy giáo lý trong gia đình : những thách đố từ thực tế của châu Á (2006). Cũng Văn phòng này đã tổ chức hội nghị về Đối thoại trong đào tạo luân lý và tôn giáo trong giáo dục, từ 24-28 tháng 10 năm 2007 tại Đại học Assumption, Thái Lan.
Hội nghị đã quy tụ khoảng 40 tham dự viên từ 15 quốc gia, hầu hết là đại diện các Ủy ban về giáo dục thuộc các Hội đồng giám mục. Phía Giáo hội Việt Nam có một linh mục đi thay cho Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc (Chủ tịch Ủy ban Giáo lý đức tin), một bạn trẻ hiện đang học tại Manila, Philippines, và một bạn trẻ Việt Nam đang làm việc cho văn phòng Thanh Sinh Công châu Á tại Manila, Philippines.
TỪ NHỮNG GÌ ĐƯỢC NGHE
Trong ngày làm việc đầu tiên, hội nghị đã lắng nghe hai bài thuyết trình của cha Charles Morerod, O.P., khoa trưởng khoa Triết học tại Đại học Thánh Tôma, Roma, và của cha Vimal Tirimanna, Cssr., Thư ký thường trực của Ủy ban Thần học FABC. Với tựa đề Bốn thập niên đối thoại, cha Charles Morerod đã dựa vào những giáo huấn chính yếu của Công đồng Vaticanô II và của các vị giáo hoàng từ Đức Phaolô VI đến Đức Bênêđitô XVI để cho thấy quan điểm của Giáo Hội công giáo về đối thoại tôn giáo. Một đàng đối thoại là chọn lựa rõ ràng và xuyên suốt của Giáo Hội, đàng khác cần xác định những chuẩn mực để tránh những quan điểm sai lầm, vd. chủ thuyết loại trừ (exclusivism) hoặc chủ trương đa nguyên tôn giáo (religious pluralism), đồng thời để có thể tiến hành cuộc đối thoại thật sự hữu ích và phong phú. Bài thuyết trình của cha Vimal vẫn nhấn mạnh đến đối thoại tôn giáo nhưng đặt nó trong một bối cảnh cụ thể hơn là châu Á, đồng thời mang tính mục vụ hơn là lý thuyết khi tìm cách đưa cuộc đối thoại đó vào trong việc đào tạo luân lý và tôn giáo cho con người ngày nay.
Cùng với những bài thuyết trình mang tính lý thuyết và định hướng trên là những chia sẻ kinh nghiệm của nhiều anh chị em giáo dân về nỗ lực đào tạo luân lý và tôn giáo trong môi trường họ làm việc : giáo sư đại học, người cha trong gia đình, lãnh đạo sinh viên, phóng viên... Riêng phía Việt Nam, một bạn trẻ thuộc giáo phận Xuân Lộc hiện đang học ngành Truyền giáo tại Manila đã trình bày đề tài Giới trẻ Việt Nam trong tiến trình toàn cầu hoá ngày nay : những thời cơ và thách đố. Bài trinh bày này đã được hội nghị đón nhận rất tích cực và đầy thiện cảm.
Sau khi lắng nghe những định hướng thần học cũng như chia sẻ kinh nghiệm sống, sang ngày thứ hai, hội nghị tập trung vào việc phân tích và suy nghĩ về tình hình giáo dục luân lý và tôn giáo tại Á châu. Công việc này được tiến hành bằng cách tổng kết những bài tường trình của các quốc gia. Trước khi tham dự hội nghị, mỗi Giáo hội địa phương được yêu cầu gửi bài tường trình về tình hình giáo dục tại đất nước mình. Á châu là một đại lục mênh mông chiếm gần 2/3 dân số thế giới, vì thế tuy cùng sống tại Á châu nhưng tình hình giáo dục trong mỗi quốc gia có thể rất khác nhau. Trong khi Philippines được coi là đất nước đại đa số công giáo, thì tại nhiều đất nước khác, người công giáo chỉ là một thiểu số hết sức khiêm tốn. Trong khi hầu hết các Giáo hội hoạt động rất mạnh trong lãnh vực giáo dục học đường thì Việt Nam và Myanmar không hề có trường công giáo... Vì thế, những bản tường trình của các quốc gia giúp cho hội nghị có một tầm nhìn bao quát hơn về chủ đề đang quan tâm, đồng thời phát huy tình liên đới giữa các giáo hội chị em trong Á châu rộng lớn. Tình liên đới này được cụ thể hoá hơn nữa trong những buổi họp nhóm theo từng miền : Nam Á, Đông Nam Á, Trung Á, và Đông Bắc Á châu, bởi lẽ trong những cuộc họp nhóm đó, các tham dự viên không chỉ nghe những bài tường trình mà còn gặp gỡ chính con người và có thể đặt những câu hỏi mà mình quan tâm.
Ngày cuối cùng của hội nghị được dành cho việc tổng kết và lên kế hoạch. Ban Tổ chức sử dụng phương pháp SWOT (Strengths, Weaknesses, Opportunities, Threats – Những diểm mạnh, Những điểm yếu, Thuận lợi, Đe doạ) để tổng kết tình hình đào tạo luân lý và tôn giáo chủ yếu trong giáo dục học đường. Tất cả những tổng kết này sẽ được dùng làm tư liệu góp ý cho các giám mục Á châu để các ngài suy nghĩ và có những định hướng cụ thể.
ĐẾN NHỮNG ĐIỀU ĐỂ NGHĨ
Mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ hết sức khiêm tốn là 2%, Giáo Hội công giáo lại đóng vai trò rất tích cực trong công cuộc giáo dục tại Á châu đến nỗi giáo dục được coi là yếu tố chính yếu cho sự hiện diện của Giáo Hội trên đại lục này (x. Ecclesia in Asia, số 37). Hãy thử lấy đại học Assumption, nơi diễn ra hội nghị, làm ví dụ minh hoạ. Bất cứ ai đến đây đều phải ngỡ ngàng trước tầm vóc và quy mô rộng lớn của đại học này. Toạ lạc trên một vùng đất rộng 200 mẫu, campus của Assumption University là một tổng thể kiến trúc vĩ đại và hài hoà được dùng làm nơi học tập, nghiên cứu, sinh hoạt của 20.000 sinh viên đến từ 74 quốc gia, dĩ nhiên phần lớn từ các nước Á châu, trong đó có Việt Nam. Một đất nước như Thái Lan chỉ có 0.5% dân số là công giáo nhưng lại có một đại học công giáo ngang tầm với những đại học lớn trên thế giới, chưa kể đến những đại học công giáo khác như St. John University... Sự kiện đó đủ nói lên vai trò của Giáo Hội công giáo trong công cuộc giáo dục tại Á châu.
Tuy nhiên việc đào tạo luân lý và tôn giáo, và sâu hơn nữa là chính căn tính công giáo của những đại học đó lại đang bị đặt thành vấn đề. Có thể nói đến những lý do từ phía bên ngoài cũng như từ phía bên trong. Thế giới ngày nay in đậm dấu ấn của chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa tương đối, theo đó những giá trị tinh thần và đạo đức bị đặt xuống hàng thứ yếu. Đây quả là một thách đố rất lớn cho việc giáo dục luân lý nói chung, và cách riêng trong giáo dục học đường. Trong xu thế cạnh tranh giữa các đại học, các trường công giáo cũng phải phát huy nghiên cứu chuyên môn (academic research) đến mức tối đa, và nhiều khi coi nhẹ việc đào tạo luân lý, tôn giáo. Hơn thế nữa, đôi khi vì để theo kịp cái gọi là “xu thế tiến bộ của thời đại,” các trường công giáo cũng chấp nhận những lập trường về luân lý hoặc những khuynh hướng thần học vốn không phù hợp với giáo huấn truyền thống của Giáo Hội. Cuối cùng, như một trắc nghiệm cụ thể, câu hỏi được đặt ra cho giáo dục công giáo là liệu nền giáo dục đó có mang lại hiệu quả tích cực cho đời sống xã hội không? Trong một buổi họp nhóm, câu hỏi này đã được đặt ra cho một vị đại diện người Philippines : trong một đất nước mà nền giáo dục công giáo được coi là thống lĩnh và những nhà lãnh đạo đất nước đều được đón nhận nền giáo dục đó, tại sao tình trạng tham nhũng và bất công vẫn cứ lan tràn? Chắc chắn đây là câu hỏi rất đau đớn nhưng không nhằm công kích mà chỉ được nêu lên để tự tra vấn về giáo dục công giáo.
Đặt mình vào bối cảnh trên mới thấy rõ hơn ý nghĩa của chủ đề hội nghị là Đối thoại trong đào tạo luân lý và tôn giáo trong giáo dục. Nói đến định hướng mục vụ của FABC là nói đến cuộc đối thoại ba mặt : (1) với các tôn giáo, (2) với các nền văn hoá, (3) với người nghèo. Vì thế không lạ gì khi hai bài thuyết trình chủ chốt của hội nghị đều nhấn mạnh đến đối thoại tôn giáo. Tuy nhiên tôn giáo nào cũng cần quan tâm đến nền văn hoá hiện đại, hay như người ta nói ngày nay là văn hoá hậu hiện đại. Chính nền văn hoá đó đã và đang xói mòn và hủy diệt những giá trị đạo đức và tôn giáo, và đó là mối đe doạ cho mọi tôn giáo chứ không riêng gì công giáo. Do đó, việc đối thoại với nền văn hoá đó sẽ trở thành miền đất chung (common ground) cho cuộc đối thoại giữa các tôn giáo, nhằm bảo vệ và phát huy những giá trị tinh thần và tôn giáo thông qua con đường giáo dục.
Trông người lại nghĩ đến ta. Xem ra Giáo Hội Việt Nam có vẻ lạc lõng quá! Đi họp về giáo dục học đường trong khi mình không có lấy một trường công giáo thì lạc lõng là phải rồi. Nhưng chính trong hoàn cảnh khó khăn và eo hẹp đó, có thể ta lại quan tâm hơn đến những lãnh vực khác mà người có phương tiện không quan tâm đủ.
Trước hết là một lãnh vực liên quan trực tiếp đến giáo dục học đường, tức là những nhà trẻ do các nữ tu đảm trách. Không ít người trong Giáo Hội chỉ thấy đây là cách kiếm kế sinh nhai của các nhà dòng. Dĩ nhiên không thể phủ nhận sự thật này nhưng nếu chỉ có thế thì thật đáng buồn, nếu không nói là sự xúc phạm đối với các nữ tu. Tại sao lại không thấy giai đoạn nhà trẻ là giai đoạn hết sức quan trọng trong việc hình thành nhân cách của một con người? Tại sao lại không thấy giai đoạn này là giai đoạn căn bản để gieo trồng những giá trị đạo đức và tinh thần cho các em? Và nếu các phụ huynh – không chỉ công giáo mà rất nhiều người ngoài công giáo – mong ước được gửi con đến những nhà trẻ của các nữ tu công giáo, chẳng phải vì họ hi vọng rằng con cái họ sẽ được gieo trồng những giá trị đạo đức căn bản cho cuộc sống làm người trong tương lai đó sao? Đặt những câu hỏi như thế để nêu bật tầm quan trọng của công việc giáo dục nhà trẻ mà nhiều nhà dòng đang dấn thân vào. Đó thật sự là một dấn thân tông đồ rất đáng khuyến khích và cần phải phát huy hơn nữa, phát huy khả năng và nghiệp vụ chuyên môn cũng như phát huy ý thức sắc bén về việc giáo dục đạo đức và tôn giáo cho các em.
Một lãnh vực khác cần được nhắc đến ở đây là các lớp tình thương. Trong hội nghị, một bạn trẻ đại diện của Thái Lan than thở là học phí tại các trường công giáo đều quá cao so với mức sống trung bình của người dân, nên muốn vào cũng không được. Chính các vị có trách nhiệm về giáo dục công giáo tại Thái Lan cũng không phủ nhận sự thật đó. Giáo Hội dường như đứng trước ngõ bí vì nếu muốn phát triển trường học ở mức độ cao, đòi hỏi phải trang bị phương tiện hiện đại, đội ngũ giảng viên có trình độ và tiếng tăm... và như thế bắt buộc phải lấy học phí cao. Vậy phải làm gì để nền giáo dục công giáo cũng được mang tới cho những thành phần nghèo trong xã hội? Tại Việt Nam, trong hoàn cảnh không được mở trường công giáo, nhiều dòng tu và giáo xứ lại cố gắng mở các lớp tình thương để lo cho những trẻ em nghèo, những trẻ em đường phố, những trẻ em trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn... để các em cũng được học hành như các thiếu nhi khác, và để cuộc đời các em không sớm bị những tệ nạn xã hội quật ngã. Lại chẳng phải là sự dấn thân tông đồ tuyệt vời trong lãnh vực giáo dục đó sao?
Ngoài hai hình thức liên quan trực tiếp đến giáo dục học đường nêu trên, làm sao không thể không nói đến vai trò của gia đình trong việc giáo dục, đặc biệt là đào tạo những giá trị luân lý và tôn giáo. Một trong những nét văn hoá truyền thống của các dân tộc châu Á là nhấn mạnh đến gia đình. Gia đình chính là nhà trường đầu tiên và xuyên suốt cho việc đào tạo những giá trị đạo đức và tôn giáo. Hơn thế nữa, gia đình còn là nơi giáo dục hiệu quả nhất vì ở đó, những bài học luân lý và tôn giáo không chỉ được thông truyền như những kiến thức xuông mà như kinh nghiệm để sống và bầu khí quyển để thở. Những nhà giáo dục trong ngôi trường này là các bậc cha mẹ cũng không chỉ làm công việc giảng dạy như một công việc được trả lương nhưng như công việc của tình yêu (labor of love, một châm ngôn của các nhà giáo dục dòng Gabriel). Chính vì thế gia đình là nơi không thể thay thế trong công việc thông truyền những giá trị đạo đức và tinh thần cho con người, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên trong tiến trình toàn cầu hoá ngày nay, đời sống gia đình tại nhiều nước châu Á đang bị đe doạ. May mắn thay là tại Việt Nam, mối dây gia đình, cách riêng gia đình công giáo, còn khá bền chặt, và vì thế gia đình vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đào tạo cho những giá trị đạo đức và tôn giáo cho thế hệ tương lai. Dù vậy, những gì đang diễn ra tại nhiều nước châu Á cũng như tại Việt Nam khiến ta không thể không quan tâm đến sự liên kết mật thiết giữa Mục vụ Gia đình và công việc giáo dục đức tin.
Cuối cùng, một điểm son của Giáo Hội Việt Nam là vai trò của các giáo xứ. Trong nhiều đất nước có trường công giáo, việc giáo dục đạo đức và tôn giáo được trao cho nhà trường, còn giáo xứ chỉ đóng vai trò khiêm tốn trong lãnh vực này. Tuy nhiên trong khuôn khổ học đường, nhiều khi việc giảng dạy các giá trị đạo đức và tôn giáo chỉ được coi như một môn học cung cấp kiến thức chứ không nhằm chuyển thông sự sống đức tin, và như thế chưa thể nói là đã đạt hiệu quả. Tại Việt Nam, việc giáo dục đức tin công giáo hoàn toàn do các giáo xứ đảm nhận. Trong khuôn khổ giáo xứ, các lớp giáo lý được tổ chức không chỉ nhằm chuẩn bị cho các thiếu nhi rước lễ lần đầu và chịu phép Thêm sức, nhưng còn tiếp tục huấn luyện cho đến khi trưởng thành. Hơn thế nữa, những giờ giáo lý tại các giáo xứ được gắn liền với đời sống phụng vụ và những sinh hoạt của xứ đạo, do đó có khả năng thông truyền sự sống đức tin cách sống động và hiệu quả hơn. Đây quả là điểm tích cực mà các giáo xứ cần phát triển mạnh mẽ hơn cho dù có không ít khó khăn.
Để kết
Dù phải sống trong hoàn cảnh còn eo hẹp về mặt giáo dục học đường, Giáo Hội công giáo tại Việt Nam vẫn luôn cố gắng để chu toàn trách nhiệm đào tạo đạo đức và tôn giáo cho thế hệ tương lai. Dẫu sao việc dấn thân xa hơn vào lãnh vực giáo dục học đường vẫn là niềm thao thức và mơ ước của nhiều người trong Giáo Hội, không để cạnh tranh quyền lực với bất cứ ai nhưng chỉ để chu toàn sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô trên quê hương mình. Cũng ở đó phát sinh một lời hỏi : giả như ngay bây giờ, Giáo Hội được phép mở trường học như tại các quốc gia khác, liệu Giáo Hội đã sẵn sàng chưa, và có thể làm công việc đó với hiệu quả tốt nhất chưa?
UBGLĐT
+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Giám mục Giáo phận Mỹ Tho
Chủ Tịch UBGLĐT
ĐÀO TẠO LUÂN LÝ VÀ TÔN GIÁO TRONG GIÁO DỤC
Ghi chép từ hội nghị FABC về giáo dục tại Thái Lan
(24-28.10.2007, Assumption University)
Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) là tổ chức xuyên quốc gia nhằm liên kết Hội Đồng Giám Mục của các quốc gia tại Á châu trong tình hiệp thông, và chia sẻ với nhau những suy tư cũng như nỗ lực trong công cuộc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc Á châu. Để thực hiện mục đích trên, FABC có nhiều Văn Phòng (Offices), mỗi văn phòng đặc trách một lãnh vực trong sinh hoạt mục vụ đa dạng của Hội Thánh. Như tên gọi của nó, Văn Phòng về Giáo Dục và Tuyên Uy Sinh Viên (Office of Education and Student Chaplaincy – OESC) quan tâm đặc biệt đến lãnh vực giáo dục và trong những năm qua, Văn phòng này đã tổ chức nhiều hội nghị về nhiều chủ đề khác nhau như : Đối thoại với Hồi giáo (2005), Công giáo gặp gỡ Khổng giáo, Lão giáo, và tôn giáo bình dân (2006), Dạy giáo lý trong gia đình : những thách đố từ thực tế của châu Á (2006). Cũng Văn phòng này đã tổ chức hội nghị về Đối thoại trong đào tạo luân lý và tôn giáo trong giáo dục, từ 24-28 tháng 10 năm 2007 tại Đại học Assumption, Thái Lan.
Hội nghị đã quy tụ khoảng 40 tham dự viên từ 15 quốc gia, hầu hết là đại diện các Ủy ban về giáo dục thuộc các Hội đồng giám mục. Phía Giáo hội Việt Nam có một linh mục đi thay cho Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc (Chủ tịch Ủy ban Giáo lý đức tin), một bạn trẻ hiện đang học tại Manila, Philippines, và một bạn trẻ Việt Nam đang làm việc cho văn phòng Thanh Sinh Công châu Á tại Manila, Philippines.
TỪ NHỮNG GÌ ĐƯỢC NGHE
Trong ngày làm việc đầu tiên, hội nghị đã lắng nghe hai bài thuyết trình của cha Charles Morerod, O.P., khoa trưởng khoa Triết học tại Đại học Thánh Tôma, Roma, và của cha Vimal Tirimanna, Cssr., Thư ký thường trực của Ủy ban Thần học FABC. Với tựa đề Bốn thập niên đối thoại, cha Charles Morerod đã dựa vào những giáo huấn chính yếu của Công đồng Vaticanô II và của các vị giáo hoàng từ Đức Phaolô VI đến Đức Bênêđitô XVI để cho thấy quan điểm của Giáo Hội công giáo về đối thoại tôn giáo. Một đàng đối thoại là chọn lựa rõ ràng và xuyên suốt của Giáo Hội, đàng khác cần xác định những chuẩn mực để tránh những quan điểm sai lầm, vd. chủ thuyết loại trừ (exclusivism) hoặc chủ trương đa nguyên tôn giáo (religious pluralism), đồng thời để có thể tiến hành cuộc đối thoại thật sự hữu ích và phong phú. Bài thuyết trình của cha Vimal vẫn nhấn mạnh đến đối thoại tôn giáo nhưng đặt nó trong một bối cảnh cụ thể hơn là châu Á, đồng thời mang tính mục vụ hơn là lý thuyết khi tìm cách đưa cuộc đối thoại đó vào trong việc đào tạo luân lý và tôn giáo cho con người ngày nay.
Cùng với những bài thuyết trình mang tính lý thuyết và định hướng trên là những chia sẻ kinh nghiệm của nhiều anh chị em giáo dân về nỗ lực đào tạo luân lý và tôn giáo trong môi trường họ làm việc : giáo sư đại học, người cha trong gia đình, lãnh đạo sinh viên, phóng viên... Riêng phía Việt Nam, một bạn trẻ thuộc giáo phận Xuân Lộc hiện đang học ngành Truyền giáo tại Manila đã trình bày đề tài Giới trẻ Việt Nam trong tiến trình toàn cầu hoá ngày nay : những thời cơ và thách đố. Bài trinh bày này đã được hội nghị đón nhận rất tích cực và đầy thiện cảm.
Sau khi lắng nghe những định hướng thần học cũng như chia sẻ kinh nghiệm sống, sang ngày thứ hai, hội nghị tập trung vào việc phân tích và suy nghĩ về tình hình giáo dục luân lý và tôn giáo tại Á châu. Công việc này được tiến hành bằng cách tổng kết những bài tường trình của các quốc gia. Trước khi tham dự hội nghị, mỗi Giáo hội địa phương được yêu cầu gửi bài tường trình về tình hình giáo dục tại đất nước mình. Á châu là một đại lục mênh mông chiếm gần 2/3 dân số thế giới, vì thế tuy cùng sống tại Á châu nhưng tình hình giáo dục trong mỗi quốc gia có thể rất khác nhau. Trong khi Philippines được coi là đất nước đại đa số công giáo, thì tại nhiều đất nước khác, người công giáo chỉ là một thiểu số hết sức khiêm tốn. Trong khi hầu hết các Giáo hội hoạt động rất mạnh trong lãnh vực giáo dục học đường thì Việt Nam và Myanmar không hề có trường công giáo... Vì thế, những bản tường trình của các quốc gia giúp cho hội nghị có một tầm nhìn bao quát hơn về chủ đề đang quan tâm, đồng thời phát huy tình liên đới giữa các giáo hội chị em trong Á châu rộng lớn. Tình liên đới này được cụ thể hoá hơn nữa trong những buổi họp nhóm theo từng miền : Nam Á, Đông Nam Á, Trung Á, và Đông Bắc Á châu, bởi lẽ trong những cuộc họp nhóm đó, các tham dự viên không chỉ nghe những bài tường trình mà còn gặp gỡ chính con người và có thể đặt những câu hỏi mà mình quan tâm.
Ngày cuối cùng của hội nghị được dành cho việc tổng kết và lên kế hoạch. Ban Tổ chức sử dụng phương pháp SWOT (Strengths, Weaknesses, Opportunities, Threats – Những diểm mạnh, Những điểm yếu, Thuận lợi, Đe doạ) để tổng kết tình hình đào tạo luân lý và tôn giáo chủ yếu trong giáo dục học đường. Tất cả những tổng kết này sẽ được dùng làm tư liệu góp ý cho các giám mục Á châu để các ngài suy nghĩ và có những định hướng cụ thể.
ĐẾN NHỮNG ĐIỀU ĐỂ NGHĨ
Mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ hết sức khiêm tốn là 2%, Giáo Hội công giáo lại đóng vai trò rất tích cực trong công cuộc giáo dục tại Á châu đến nỗi giáo dục được coi là yếu tố chính yếu cho sự hiện diện của Giáo Hội trên đại lục này (x. Ecclesia in Asia, số 37). Hãy thử lấy đại học Assumption, nơi diễn ra hội nghị, làm ví dụ minh hoạ. Bất cứ ai đến đây đều phải ngỡ ngàng trước tầm vóc và quy mô rộng lớn của đại học này. Toạ lạc trên một vùng đất rộng 200 mẫu, campus của Assumption University là một tổng thể kiến trúc vĩ đại và hài hoà được dùng làm nơi học tập, nghiên cứu, sinh hoạt của 20.000 sinh viên đến từ 74 quốc gia, dĩ nhiên phần lớn từ các nước Á châu, trong đó có Việt Nam. Một đất nước như Thái Lan chỉ có 0.5% dân số là công giáo nhưng lại có một đại học công giáo ngang tầm với những đại học lớn trên thế giới, chưa kể đến những đại học công giáo khác như St. John University... Sự kiện đó đủ nói lên vai trò của Giáo Hội công giáo trong công cuộc giáo dục tại Á châu.
Tuy nhiên việc đào tạo luân lý và tôn giáo, và sâu hơn nữa là chính căn tính công giáo của những đại học đó lại đang bị đặt thành vấn đề. Có thể nói đến những lý do từ phía bên ngoài cũng như từ phía bên trong. Thế giới ngày nay in đậm dấu ấn của chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa tương đối, theo đó những giá trị tinh thần và đạo đức bị đặt xuống hàng thứ yếu. Đây quả là một thách đố rất lớn cho việc giáo dục luân lý nói chung, và cách riêng trong giáo dục học đường. Trong xu thế cạnh tranh giữa các đại học, các trường công giáo cũng phải phát huy nghiên cứu chuyên môn (academic research) đến mức tối đa, và nhiều khi coi nhẹ việc đào tạo luân lý, tôn giáo. Hơn thế nữa, đôi khi vì để theo kịp cái gọi là “xu thế tiến bộ của thời đại,” các trường công giáo cũng chấp nhận những lập trường về luân lý hoặc những khuynh hướng thần học vốn không phù hợp với giáo huấn truyền thống của Giáo Hội. Cuối cùng, như một trắc nghiệm cụ thể, câu hỏi được đặt ra cho giáo dục công giáo là liệu nền giáo dục đó có mang lại hiệu quả tích cực cho đời sống xã hội không? Trong một buổi họp nhóm, câu hỏi này đã được đặt ra cho một vị đại diện người Philippines : trong một đất nước mà nền giáo dục công giáo được coi là thống lĩnh và những nhà lãnh đạo đất nước đều được đón nhận nền giáo dục đó, tại sao tình trạng tham nhũng và bất công vẫn cứ lan tràn? Chắc chắn đây là câu hỏi rất đau đớn nhưng không nhằm công kích mà chỉ được nêu lên để tự tra vấn về giáo dục công giáo.
Đặt mình vào bối cảnh trên mới thấy rõ hơn ý nghĩa của chủ đề hội nghị là Đối thoại trong đào tạo luân lý và tôn giáo trong giáo dục. Nói đến định hướng mục vụ của FABC là nói đến cuộc đối thoại ba mặt : (1) với các tôn giáo, (2) với các nền văn hoá, (3) với người nghèo. Vì thế không lạ gì khi hai bài thuyết trình chủ chốt của hội nghị đều nhấn mạnh đến đối thoại tôn giáo. Tuy nhiên tôn giáo nào cũng cần quan tâm đến nền văn hoá hiện đại, hay như người ta nói ngày nay là văn hoá hậu hiện đại. Chính nền văn hoá đó đã và đang xói mòn và hủy diệt những giá trị đạo đức và tôn giáo, và đó là mối đe doạ cho mọi tôn giáo chứ không riêng gì công giáo. Do đó, việc đối thoại với nền văn hoá đó sẽ trở thành miền đất chung (common ground) cho cuộc đối thoại giữa các tôn giáo, nhằm bảo vệ và phát huy những giá trị tinh thần và tôn giáo thông qua con đường giáo dục.
Trông người lại nghĩ đến ta. Xem ra Giáo Hội Việt Nam có vẻ lạc lõng quá! Đi họp về giáo dục học đường trong khi mình không có lấy một trường công giáo thì lạc lõng là phải rồi. Nhưng chính trong hoàn cảnh khó khăn và eo hẹp đó, có thể ta lại quan tâm hơn đến những lãnh vực khác mà người có phương tiện không quan tâm đủ.
Trước hết là một lãnh vực liên quan trực tiếp đến giáo dục học đường, tức là những nhà trẻ do các nữ tu đảm trách. Không ít người trong Giáo Hội chỉ thấy đây là cách kiếm kế sinh nhai của các nhà dòng. Dĩ nhiên không thể phủ nhận sự thật này nhưng nếu chỉ có thế thì thật đáng buồn, nếu không nói là sự xúc phạm đối với các nữ tu. Tại sao lại không thấy giai đoạn nhà trẻ là giai đoạn hết sức quan trọng trong việc hình thành nhân cách của một con người? Tại sao lại không thấy giai đoạn này là giai đoạn căn bản để gieo trồng những giá trị đạo đức và tinh thần cho các em? Và nếu các phụ huynh – không chỉ công giáo mà rất nhiều người ngoài công giáo – mong ước được gửi con đến những nhà trẻ của các nữ tu công giáo, chẳng phải vì họ hi vọng rằng con cái họ sẽ được gieo trồng những giá trị đạo đức căn bản cho cuộc sống làm người trong tương lai đó sao? Đặt những câu hỏi như thế để nêu bật tầm quan trọng của công việc giáo dục nhà trẻ mà nhiều nhà dòng đang dấn thân vào. Đó thật sự là một dấn thân tông đồ rất đáng khuyến khích và cần phải phát huy hơn nữa, phát huy khả năng và nghiệp vụ chuyên môn cũng như phát huy ý thức sắc bén về việc giáo dục đạo đức và tôn giáo cho các em.
Một lãnh vực khác cần được nhắc đến ở đây là các lớp tình thương. Trong hội nghị, một bạn trẻ đại diện của Thái Lan than thở là học phí tại các trường công giáo đều quá cao so với mức sống trung bình của người dân, nên muốn vào cũng không được. Chính các vị có trách nhiệm về giáo dục công giáo tại Thái Lan cũng không phủ nhận sự thật đó. Giáo Hội dường như đứng trước ngõ bí vì nếu muốn phát triển trường học ở mức độ cao, đòi hỏi phải trang bị phương tiện hiện đại, đội ngũ giảng viên có trình độ và tiếng tăm... và như thế bắt buộc phải lấy học phí cao. Vậy phải làm gì để nền giáo dục công giáo cũng được mang tới cho những thành phần nghèo trong xã hội? Tại Việt Nam, trong hoàn cảnh không được mở trường công giáo, nhiều dòng tu và giáo xứ lại cố gắng mở các lớp tình thương để lo cho những trẻ em nghèo, những trẻ em đường phố, những trẻ em trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn... để các em cũng được học hành như các thiếu nhi khác, và để cuộc đời các em không sớm bị những tệ nạn xã hội quật ngã. Lại chẳng phải là sự dấn thân tông đồ tuyệt vời trong lãnh vực giáo dục đó sao?
Ngoài hai hình thức liên quan trực tiếp đến giáo dục học đường nêu trên, làm sao không thể không nói đến vai trò của gia đình trong việc giáo dục, đặc biệt là đào tạo những giá trị luân lý và tôn giáo. Một trong những nét văn hoá truyền thống của các dân tộc châu Á là nhấn mạnh đến gia đình. Gia đình chính là nhà trường đầu tiên và xuyên suốt cho việc đào tạo những giá trị đạo đức và tôn giáo. Hơn thế nữa, gia đình còn là nơi giáo dục hiệu quả nhất vì ở đó, những bài học luân lý và tôn giáo không chỉ được thông truyền như những kiến thức xuông mà như kinh nghiệm để sống và bầu khí quyển để thở. Những nhà giáo dục trong ngôi trường này là các bậc cha mẹ cũng không chỉ làm công việc giảng dạy như một công việc được trả lương nhưng như công việc của tình yêu (labor of love, một châm ngôn của các nhà giáo dục dòng Gabriel). Chính vì thế gia đình là nơi không thể thay thế trong công việc thông truyền những giá trị đạo đức và tinh thần cho con người, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên trong tiến trình toàn cầu hoá ngày nay, đời sống gia đình tại nhiều nước châu Á đang bị đe doạ. May mắn thay là tại Việt Nam, mối dây gia đình, cách riêng gia đình công giáo, còn khá bền chặt, và vì thế gia đình vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đào tạo cho những giá trị đạo đức và tôn giáo cho thế hệ tương lai. Dù vậy, những gì đang diễn ra tại nhiều nước châu Á cũng như tại Việt Nam khiến ta không thể không quan tâm đến sự liên kết mật thiết giữa Mục vụ Gia đình và công việc giáo dục đức tin.
Cuối cùng, một điểm son của Giáo Hội Việt Nam là vai trò của các giáo xứ. Trong nhiều đất nước có trường công giáo, việc giáo dục đạo đức và tôn giáo được trao cho nhà trường, còn giáo xứ chỉ đóng vai trò khiêm tốn trong lãnh vực này. Tuy nhiên trong khuôn khổ học đường, nhiều khi việc giảng dạy các giá trị đạo đức và tôn giáo chỉ được coi như một môn học cung cấp kiến thức chứ không nhằm chuyển thông sự sống đức tin, và như thế chưa thể nói là đã đạt hiệu quả. Tại Việt Nam, việc giáo dục đức tin công giáo hoàn toàn do các giáo xứ đảm nhận. Trong khuôn khổ giáo xứ, các lớp giáo lý được tổ chức không chỉ nhằm chuẩn bị cho các thiếu nhi rước lễ lần đầu và chịu phép Thêm sức, nhưng còn tiếp tục huấn luyện cho đến khi trưởng thành. Hơn thế nữa, những giờ giáo lý tại các giáo xứ được gắn liền với đời sống phụng vụ và những sinh hoạt của xứ đạo, do đó có khả năng thông truyền sự sống đức tin cách sống động và hiệu quả hơn. Đây quả là điểm tích cực mà các giáo xứ cần phát triển mạnh mẽ hơn cho dù có không ít khó khăn.
Để kết
Dù phải sống trong hoàn cảnh còn eo hẹp về mặt giáo dục học đường, Giáo Hội công giáo tại Việt Nam vẫn luôn cố gắng để chu toàn trách nhiệm đào tạo đạo đức và tôn giáo cho thế hệ tương lai. Dẫu sao việc dấn thân xa hơn vào lãnh vực giáo dục học đường vẫn là niềm thao thức và mơ ước của nhiều người trong Giáo Hội, không để cạnh tranh quyền lực với bất cứ ai nhưng chỉ để chu toàn sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô trên quê hương mình. Cũng ở đó phát sinh một lời hỏi : giả như ngay bây giờ, Giáo Hội được phép mở trường học như tại các quốc gia khác, liệu Giáo Hội đã sẵn sàng chưa, và có thể làm công việc đó với hiệu quả tốt nhất chưa?
UBGLĐT