BA NGÀY Ở CHI DÒNG ĐỒNG CÔNG CARTHAGE, MISSOURI

Sau một cuộc hành trình kéo dài hơn 40 tiếng đồng hồ qua 8 tiểu bang với 25 trạm ngừng, nhiều lần thay tài xế và hai lần thay xe, cuối cùng chúng tôi đã đến được Carthage, Missouri. Carthage là một thành phố nhỏ được nổi tiếng nhờ có Đại Hội Thánh Mẫu (ĐHTM) do Chi Dòng Đồng Công tổ chức vào tháng Tám hàng năm. Hành hương đến Carthage không ở vào thời điểm này đúng là một chuyến hành hương. . . trái mùa. Tuy trái mùa nhưng đối với chúng tôi lại rất tốt đẹp.

Tôi xin kể rõ tại sao chúng tôi đã làm một chuyến hành hương trái mùa như vậy và tại sao tuy trái mùa nhưng chúng tôi rất mãn nguyện với chuyến hành hương này.

Từ lâu tôi vẫn ao ước được một lần đi dự ĐHTM nhưng vẫn chưa thực hiện được vì còn nhiều điều chưa nắm vững nhất là về vấn đề nơi ăn chốn ở. Mặc dù theo những người đã đi dự ĐHTM thì chuyện rất đơn giản. Người già sẽ được ở trong nhà gym còn tất cả thì cắm lều trong khu vực của nhà Dòng. Nghe thì đơn gỉan nhưng tôi vẫn không rõ làm sao để có được chỗ ở trong nhà gym và cụ thể của việc cắm lều như thế nào. Chính vì những lấn cấn đó mà đã 30 lần diễn ra ĐHTM tôi vẫn chưa thực hiện được điều mong ước.

Thế rồi xảy ra sự việc là cuối tháng Tám vừa qua tôi được thoát chết trong một tai nạn mà tôi tin rằng Đức Mẹ, Đấng tôi rất sùng kính đã ra tay che chở cho tôi. Sau sự việc này tôi nghĩ phải làm một điều gì đó đặc biệt để tạ ơn Đức Mẹ và tôi đã nảy ra một ý nghĩ. Tôi nghĩ hành hương đến Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ ở Chi Dòng Đồng Công trong tháng Mân Côi là điều có ý nghĩa nhất. Cùng lúc đó hãng xe Greyhound lại giảm giá vé đến hơn phân nửa. Thế là tôi quyết định đi Missouri.

Tôi muốn đến Missouri vừa để tạ ơn Đức Mẹ vừa để tìm hiểu tình hình tại chỗ để chuẩn bị cho mình và cũng để chia sẻ kinh nghiệm với một số giáo dân trong Cộng đoàn. Họ cũng muốn đi dự ĐHTM vào năm tới.

Hai vợ chồng già khởi hành tại trạm xe Greyhound ở Burlington, Vermont lúc 7giờ 30 sáng thứ Năm 11 tháng Mười. Mới đi chưa được nửa đường chúng tôi đã thấy ê ẩm cả người vì thời gian ngồi trên xe quá lâu và xe ghé qua quá nhiều trạm. Chúng tôi phải bảo nhau hãy chấp nhận sự mệt mỏi như là một hy sinh nhỏ để dâng lên Đức Mẹ trong tháng Mân Côi. Từ đó chúng tôi thấy hăng hái hơn và không còn quan tâm đến quãng đường dài còn phải vượt qua nữa.

Chúng tôi đến Joplin thành phố bên cạnh Carthage vào lúc 2 giờ sáng thứ Bảy 13 tháng Mười. Phố xá vắng tanh không một bóng xe cộ qua lại. Xuống xe tại đây ngoài vợ chồng tôi chỉ có một nữ hành khách nữa được người nhà đem xe tới đón đã biến mất trong chốc lát. Chúng tôi hơi hoảng không biết làm sao có thể gọi được một chiếc taxi để đến Carthage còn cách xa khoảng 16 miles nữa. Nhưng rồi những lo ngại của chúng tôi đã trở nên dư thừa vì khi chúng tôi ngỏ ý với một nhân viên ở trạm này thì anh ta đã vui vẻ giúp đỡ. Chỉ khoảng 10 phút sau đã có một chiếc taxi đến đón để đưa chúng tôi về tới khách sạn khoảng 20 phút sau đó.

Sáng hôm sau chúng tôi đến nhà Dòng vào khoảng 9 giờ và đến thẳng khu vực tượng đài Đức Mẹ Cứu Người Vượt Biển. Thấy chúng tôi đang thơ thẩn ở đây, một thanh niên có dáng dấp giống một ca sĩ nào đó đến gặp chúng tôi. Sau đó chúng tôi được biết người tiếp xúc với chúng tôi là thầy Truyền. Thầy còn rất trẻ nhưng đã ở trong nhà Dòng được 10 năm rồi.

Với cử chỉ niềm nở và nói năng hoạt bát, thầy Truyền hỏi chúng tôi để hành lý ở đâu để thầy cho xe chở về nhà khách của nhà Dòng. Chúng tôi nói với thầy là đã trả tiền cho khách sạn đủ 3 ngày rồi nhưng thầy vẫn chỉ cho chúng tôi một phòng trong khu nhà khách của nhà Dòng. Thế là chúng tôi có hai phòng một lúc, một phòng ở nhà Dòng để nghỉ ngơi ban ngày và một phòng ở khách sạn để ngủ ban đêm. Căn phòng của chúng tôi ở nhà Dòng nằm trên lầu hai của một building hai tầng. Tầng dưới của building là nơi ở của các cha hưu dưỡng còn tầng trên dành tiếp đón các cha trong những dịp diễn ra ĐHTM.

Chỉ phòng xong thầy Truyền bảo chúng tôi trong thời gian ở đây thì sáng, trưa, chiều cứ đến nhà ăn dùng bữa với các cha, các thầy của nhà Dòng. Thấy chúng tôi ngần ngại thầy Truyền nói rằng ở đây không có một tiệm ăn Việt Nam nào, chỉ có nhà Dòng mới có thực phẩm Việt Nam mà thôi. Lúc đầu chúng tôi thấy hơi ngại nhưng trước cử chỉ thân mật và cởi mở của thầy chúng tôi nhìn nhau như ngầm nói với nhau đồng ý lời mời của thầy một lần xem sao đã. Thế rồi không phải chỉ một lần mà chúng tôi đã ăn uống ở nhà Dòng cho đến khi rời khỏi đây.

Bữa trưa hôm đó chúng tôi đứng trong hàng cùng với các cha, các thầy và các tập sinh để làm cho mình một tô phở theo ý muốn. Trong bữa ăn chúng tôi được ngồi cùng bàn với cha Nguyễn Đức Tuân. Ngài cũng thuộc địa phận Bùi Chu như tôi. Gia đình ngài là một gia đình thật đặc biệt. Ngoài ngài còn có 5 người em gái của ngài đều đi tu và người em út hiện đang là Bề Trên Tổng Quyền của Dòng Trinh Vương ở Việt Nam. Trong bữa ăn hôm đó cũng như những bữa ăn sau này, cha Tuân luôn ngồi cùng bàn với chúng tôi. Ngài luôn quan tâm đến chúng tôi. Ngài chuyện trò với chúng tôi trong suốt bữa ăn.

Sau bữa ăn, các cha, các thầy cũng như các tập sinh đều bắt tay vào việc dọn dẹp. Người rửa chén bát, ngươi lau chén bát cho khô, người lau bàn. .. Đầu bếp của nhà Dòng được mướn từ bên ngoài còn phụ bếp là các cha, từ cha bề trên tỉnh Dòng cho đến các thầy đều được phân công thay phiên làm việc trong nhà bếp.

Chúng tôi bắt đầu hòa nhập vào bầu khí cầu nguyện của nhà Dòng bằng buổi lần hạt và chầu Thánh Thể lúc 2 giờ 30. Sau giờ chầu Thánh Thể, cha Tuân cho chúng tôi biết chiều nay ngài sẽ dâng thánh lễ vào lúc 6 giờ nhân kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra ở Fatima cách đây đúng 90 năm. Thế là chúng tôi có dịp được hiệp dâng thánh lễ với ngài và được rước Mình Thánh Chúa trong dịp kỷ niệm đặc biệt này. Trong một căn phòng nhỏ dưới tầng hầm của Đền Thánh Khiết Tâm Me, ngài đã dâng thánh lễ kính Đức Mẹ mà giáo dân dự lễ chỉ là vợ chồng chúng tôi.

Trong thời gian chờ đến giờ dâng lễ, cha Tuân cũng đã để thì giờ lần hạt chung với chúng tôi trước tượng đài Đức Mẹ Cứu Người Vượt Biển. Đến 8 giờ chúng tôi lại tham dự giờ kinh chiều với các cha, các thầy. Sau đó lúc 8 giờ 30 chúng tôi được mời đến nhà ăn để dùng cơm tối. Sau bữa ăn thầy Truyền lấy xe đưa chúng tôi về khách sạn nghỉ đêm.

Sang ngày Chúa Nhật chúng tôi tham dự thánh lễ với nhà Dòng lúc 7 giờ 30 rồi với cộng đoàn ở đây vào lúc 10 giờ. Cộng đoàn này bao gồm giáo dân ở Carthage và những thành phố lân cận. Tuy chỉ là một cộng đoàn nhỏ nhưng tôi thấy tổ chức rất có qui củ. Họ hát cả nhà thờ và hát rất nhịp nhàng mặc dầu không có đàn.

Sau thánh lễ, biết chúng tôi từ xa đến, một số giáo dân đến gặp và nói chuyện với chúng tôi. Tôi đã bày tỏ với họ rằng họ là những người thật hạnh phúc được sống gần nhà Dòng, có linh mục của nhà Dòng coi sóc lại được dự ĐHTM hàng năm. Nhưng một vị đã không hoàn toàn đồng ý với tôi vì theo vị này thì có một số người chỉ lo làm ăn đã để mất đi cái hạnh phúc mà họ đang có.

Buổi trưa thầy Bỉnh nhắc nhở chúng tôi đến dùng bữa vào lúc 12 giờ 30. Đến

2 giờ 30 chúng tôi lại dự buổi lần hạt và chầu Thánh Thể. Sau đó thầy Bỉnh đưa chúng tôi đi thăm một số nơi ở trong và ngoài nhà Dòng. Sau đó chúng tôi xin thầy Bỉnh cho về khách sạn vì muốn có thì giờ tìm hiểu khu vực gần khách sạn.

Qua ngày thứ Hai chúng tôi tham dự thánh lễ lúc 7 giờ 30. Thánh lễ hôm nay được cử hành bằng tiếng Anh. Lẽ ra bài giảng cũng sẽ dùng Anh ngữ nhưng có lẽ vì có vợ chồng tôi và một giáo dân nữa hiện diện nên bài giảng đã được giảng bằng tiếng Việt. Được biết hàng tuần vào ngày thứ Hai nếu không trùng vào ngày lễ trọng thì thánh lễ được cử hành bằng Anh ngữ. Mục đích là để chuẩn bị cho các cha sẵn sàng khi được chỉ định trông coi một giáo xứ Mỹ. Sau thánh lễ thầy Bỉnh đưa chúng tôi đi thăm vài nơi còn lại trong nhà Dòng rồi đưa chúng tôi về khách sạn lấy hành lý trước giờ check out là 11 giờ. Sau giờ cơm trưa chúng tôi nghỉ ngơi chút ít rồi đến lần hạt và cầu nguyện lần cuối cùng tại Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ trước khi được thầy Bỉnh đưa trở lại trạm Greyhound ở Joplin.

Trong những ngày sống trong nhà Dòng, chúng tôi để ý thấy thánh lễ ở nhà Dòng đều là những thánh lễ đồng tế (ngoại trừ thánh lễ dành cho giáo dân). Thánh lễ hôm Chúa Nhật do thầy Nghĩa (sắp được thụ phong linh mục) giảng thuyết. Chủ đề của bài giảng hôm đó nói về sự biết ơn. Bài giảng của thầy dễ đánh động người nghe. Tôi vẫn còn nhớ một ý tưởng rất thực tế trong bài giảng của thầy. Thầy nói người Việt Nam luôn biết nhớ ơn. Khi được thi ơn người ta làm đủ cách để bày tỏ lòng biết ơn, nhiều người còn ghi khắc trên những tấm bảng để nói lên lòng biết ơn. Nhưng thật đáng tiếc bên cạnh đó lại có những người đang được sống trong hạnh phúc, không bị bệnh hoạn, không gặp những điều bất hạnh. . . đã không biết đó là ơn Chúa ban cho để mà tạ ơn Chúa.

Tham dự thánh lễ và những buổi cầu nguyện trong nhà Dòng tôi nhận ra là nhà Dòng đặc biệt quan tâm đến việc cầu nguyện cho dân tộc Việt Nam, cho các vị chủ chăn của giáo hội và cầu cho các linh hồn. Chúng tôi đến đây vào dịp nhà Dòng đang làm tuần 9 để cầu cho ý chỉ của những người xin.

Trong những ngày lưu lại trong nhà Dòng ngoài những dịp tham dự thánh lễ, chầu Thánh Thể và dự giờ kinh chiều với các cha, các thầy; chúng tôi cũng còn dành thì giờ để cầu nguyện riêng. Quỳ trước Thánh Thể trong Đền Thánh Khiết Tâm Me, tôi thấy tâm hồn thật thanh thản, rất thích hợp cho việc cầu nguyện. Trong thời gian ở nhà Dòng chúng tôi đã cầu nguyện cho mình, cho con cháu, cho thân quyến, cho cộng đoàn, cho những người đã xin chúng tôi cầu nguyện cho và chúng tôi cũng cầu nguyện cho các linh hồn nữa.

Chúng tôi không được gặp cha Bề Trên vì ngài đang ở Việt Nam thăm bà cố bị bệnh nặng. Nhưng chúng tôi đã có dịp nói chuyện với cha Cần, tiếp xúc với cha Phạm Minh Vận giám đốc Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ. Trước khi chúng tôi từ giã nhà Dòng cha giám đốc đã tặng chúng tôi 4 cuốn sách cầu nguyện với Phúc Âm của 4 thánh sử. Chúng tôi cũng có dịp tiếp xúc với thầy Phát phụ trách phòng kỷ vật, người luôn đứng đón chúng tôi ở nhà ăn. Tại phòng kỷ vật chúng tôi đã mua vài thứ trong đó có đĩa DVD về ĐHTM của năm 2007.

Chúng tôi cũng có dịp gặp một số cha hưu dưỡng và được biết các cha đang hưu dưỡng ở đây không hoàn toàn là các cha của nhà Dòng mà còn có các cha đến từ những nơi khác. Chúng tôi cũng có dịp gặp và nói chuyện với một vài em tập sinh trong đó có một em đã đến tìm hiểu nhà Dòng được 4 tuần. Em cho biết sẽ tiếp tục đi tìm hiểu ở những nhà Dòng khác nữa trước khi quyết định chọn một nhà Dòng cho việc tu trì.

Trong ba ngày ở trong nhà Dòng chúng tôi đã được đi thăm hết các cơ sở của nhà Dòng nhưng lại quên xin đi thăm tòa soạn báo Trái Tim Đức Me. Chúng tôi được biết tượng Các Thánh Tử Đạo bằng đồng và hai con sư tử bằng đá đặt trước Hội trường Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đều được gửi sang từ Việt Nam. Những tượng của những chặng đàng thánh giá ở khu đôì Can Vê cũng được đúc ở Việt Nam gửi sang. Hiện mới hoàn thành được 4 chặng (1,2,3 và 11) không biết đến kỳ ĐHTM năm tới có hoàn tất không.

Khi đến thăm building Đức Mẹ Lên Trời chúng tôi được hướng dẫn đến thăm “Phòng Anh Cả” là nơi trưng bày những kỷ vật của cha Đaminh MariaTrần Đình Thủ, vị sáng lập Dòng. Những thứ được trưng bày ở đây đều gồm những thứ mà ngài đã dùng khi còn sống. Trong số những kỷ vật trưng bày tôi để ý đến chiếc túi đựng đồ tiếp tế cho ngài khi ngài ở trong tù.

Nhìn thấy chiếc túi đựng đồ tiếp tế cho tù nhân tôi bùi ngùi nhớ lại những ngày tù tội của mình. Tôi thầm cảm tạ Chúa đã cho tôi sống sót để trở về với gia đình. Tôi cũng tạ ơn Chúa đã gìn giữ gia đình tôi còn nguyên vẹn không có sự sứt mẻ nào.

Chúng tôi rời nhà Dòng trong niềm lưu luyến và với tâm tình biết ơn đối với tất cả các cha, các thầy của nhà Dòng. Hoàn thành được tâm nguyện, chúng tôi thấy lòng thư thái. Trên chuyến hành trình trở về chúng tôi cảm thấy như đường được rút ngắn lại, không dài như lúc đi. Nhiều người hỏi chúng tôi đi chơi có vui không? Dĩ nhiên không vui và náo nhiệt như trong các dịp ĐHTM nhưng chúng tôi vẫn có được niềm vui. Niềm vui đó là được “đi tu” trong ba ngày ở trong tu viện. Bầu khí của tu viện đã giúp chúng tôi tăng thêm lòng đạo đức và cầu nguyện sốt sắng hơn.

Những lần tham dự thánh lễ, lần hạt, chầu Thánh Thể và dự giờ kinh tối với nhà Dòng, những bữa ăn bên cạnh các cha, các thầy; sự niềm nở và hiếu khách của Gia Đình Đồng Công tại Carthage là những kỷ niệm được ghi dấu trong tâm khảm chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhớ mãi, không bao giờ quên được.

Tôi thật sửng sốt nhận được tin cha Athanasio M. Bùi Anh Tuấn, một linh mục hưu dưỡng ngồi trên xe lăn gần 9 năm nay đã qua đời. Mới hôm Chúa nhật chúng tôi còn gặp và chào cha, cha cũng vui vẻ chào lại. Được biết chiều thứ Hai sau khi chúng tôi rời nhà Dòng thì cha cũng được đưa vào bệnh viện cấp cứu và đã qua đời hai ngày sau đó. Nguyện xin linh hồn cha Athanasio M. Bùi Anh Tuấn sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa

Vermont 20/10/2007