Chuyện phiếm: BÁC LÀM VƯỜN



Ông H.O. vừa thấy tôi một cái là trách ngay. Rằng Tình Yêu là một đề tài bao la bát ngát mà sao tôi thu hẹp lại có mấy trang báo kỳ vừa qua, như vậy là không đúng. Ông bảo ông đọc xong mấy chuyện về tình yêu mà thấy không đã chút nào, và ông khuyên tôi không nên đóng lại nhanh như vậy, tôi phải mở ra thêm nữa.

Tôi đoán trong bụng ông này chắc đã có nhiều chuyện lắm, bèn xin ông mở cho tôi một cửa.

Ông bảo khó gì và thiếu gì. Chẳng hạn yêu nhau đắm đuối, lấy được nhau, rồi bị người yêu hành hạ, mới trắng nhã mắt ra. Cái mặt này cũng gay cấn lắm. Mục Sư Phan Thanh Bình ở Cali trong Tin thư ‘Ánh Sáng’ số 535, tháng Năm, 2005 viết về đề tài trên rất hay. Khi chưa lấy được cô gái mình yêu thì anh con trai cầu nguyện với Chúa như thế này :

Con qùy xin Chúa trên trời
Sao cho con lấy được người con yêu


Anh ta phải chạy đến cầu xin với Chúa tức là anh yêu cô gái say đắm, yêu đắm đuối lắm rồi. Nghe đến đây, ông ODP liền nói chen vào ngay : Tôi xin phép ngắt bài diễn văn của anh một chút để góp liền mấy ý kiến. Hai tiếng ‘say đắm’ và ‘đắm đuối’ mà anh vừa dùng hay hết sức vậy đó. Tiếng VN của chúng ta thật tuyệt vời, không có ngôn ngữ nào trên thế giới đã diễn tả tình yêu chết mê chết mệt này sống động bằng tiếng VN. Yêu mãnh liệt đến độ như bị say rồi chìm trong biển mê, như chết đuối vì sóng tình. Tiếng đắm chìm và đắm đuối này của VN đã đẻ ra 2 câu đối danh tiếng bên Tàu : Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách / Sắc bất ba đào dị nịch nhân. Cơn mưa không khóa mà giữ được khách, Nhan sắc không sóng gió mà làm con người chết chìm. Tuyệt qúa chứ. Rồi ông quay sang hỏi Anh John : Trong Anh ngữ có động từ nào diễn tả tình yêu mãnh liệt sống động như tiếng VN không ? Anh John đang ngồi nghe say sưa liền đáp ngay : Tiếng Anh và tiếng Pháp không hề có từ nào diễn tả hay như vậy ! Ông ODP liền cám ơn và trả diễn đàn cho ông H.O.

Ông H.O. xin được bình luận tiếp :

Nhưng đến khi lấy được người yêu rồi, sống với người yêu rồi, thì anh ta lại cầu nguyện với Chúa, lần này anh cầu lời khác :

Con qùy lạy Chúa trên trời
Sao cho con trốn được người con yêu
Rằng con thiếu nợ đã nhiều
Nàng còn mua sắm đủ điều Chúa ơi
Con cày hai job hụt hơi
Người yêu con lại đua đòi chơi xe
Biểu gì con cũng phải nghe
Nếu con cãi lại là te tua đời
Trước đây con tưởng gặp thời
Chúa ban con được lấy người con yêu
Giờ đây thân xác tiêu điều
Đời con phải chịu qúa nhiều đắng cay
Thân con chẳng khác trâu cày
Nợ nàng con trả dài dài chưa xong
Con giờ như cá lòng tong
Sụt ba chục kí, ốm nhom rã rời
Thế mà đâu hết nợ đời
Nấu cơn, rửa chén,lại còn đòi tù ti
Người đâu gặp gỡ mà chi
Để con khổ thế, còn gì là xuân
Chúa ơi con khổ vô ngần
Chúa mà không cứu là thân con tàn.


Đó là mặt yêu nhau và lấy được nhau. Còn một mặt khác, cũng kinh khủng lắm, đó là yêu nhau nhưng yêu lầm, xém chết, như chuyện kể trên internet Calitoday, số ra ngày 26.8.2004. Chuyện cảm động qúa. Không thấy ghi tác giả. Tôi xin phép tác gỉa ẩn danh để chép chuyện ra đây. Đoạn kết thật là cay đắng, nhưng cái chất cay đắng này làm cho câu chuyện thành hay thấm thía. Nó thật qúa, cuộc đời qúa.

...Sang Úc định cư với mẹ từ năm lên hai tuổi, ký ức về Việt Nam của tôi là con số không. Năm 25 tuổi tôi nhận nhiệm vụ sang làm việc tại văn phòng đại diện công ty ở Việt Nam. Là một chuyên gia kinh tế nên tôi đi công tác nhiều.

Không chỉ ở Saigon, tôi còn đi các tỉnh, thành phố khác. Một lần đến Hà nội, tôi đã quen và làm việc với ông Thành Long. Ông giám đốc một công ty xuất nhập khẩu. Chúng tôi đã bị tiếng sét ái tình. Mặc dầu ông Long lớn gấp đôi tuổi tôi, nhưng có hề gì !Ông trông trẻ hơn tuổi rất nhiều. Ăn nói lịch thiệp, tác phong sang trọng, trông ông thật thu hút đối với phụ nữ. Nhất là ông lại độc thân. Vợ mất đã lâu, ông có hai con trai đều học nước ngoài, gia cảnh thật rảnh rang.

Thế là chuyện tình của ông Long và tôi diễn ra như nó phải diễn ra. Tôi liên tục bay ra Hà Nội. Nếu tôi bận việc không ra được, ông Long lập tức bay vào Saigon.Bạn bè ông Long ai cũng bảo rằng : “ Chắc chắn họ sẽ cưới nhau”. Kỳ hạn một năm công tác tại VN của tôi sắp hết. Tôi tức tốc bay về Úc để xin gia hạn thêm một năm nữa. Tôi cũng muốn nhân dịp này thông báo với gia đình chuyện tình cảm của mình để xin tiến tới hôn nhân với ông Long. Đầu tiên mẹ tôi hơi ‘sốc’ khi biết tôi yêu một người lớn hơn mình hai mươi bốn tuổi. Nhưng sau đó bà bảo không cấm đoán tôi, miễn là để chính mắt bà nhìn thấy người ấy. Bà muốn tìm hiểu xem ông ta có yêu tôi thât sự không, hay muốn lợi dụng tôi để được định cư tại nước ngoài. Tôi có giải thích : với khả năng tài chính của ông Long hiện nay, ông ấy không cần phải làm thế. Nhưng mẹ tôi vẫn không tin.Bà quyết định mua vé máy bay đi cùng tôi về Việt Nam để gặp mặt ông Long. Tôi đã chuẩn bị lần gặp mặt này rất chu đáo. Ông Long cũng hồi hộp. Thật ra ông rất lúng túng khi phải đứng trước bà mẹ vợ tương lai còn nhỏ hơn ông mấy tuổi. Ông chỉ mong rằng mẹ tôi sống ở nước ngoài mấy chục năm, sẽ có tư tưởng phóng khoáng hơn và cho phép chúng tôi lấy nhau.

Không ngờ, chỉ một phút sau khi ông Long bước vào, mọi chuyện đã đổ vỡ một cách tồi tệ ! Mẹ tôi đứng vụt dậy nhìn ông Long rồi lảo đảo ngã ngồi xuống ghế, ôm mặt khóc òa. Trong lúc đó ông Long cũng loạng choạng vịn vào ghế. Mồ hôi tứa ra trên trán, ông sững sờ nhìn mẹ tôi. Ông kêu như hụt hơi : “Duyên ? Có phải Duyên không ?”

Me tôi ôm mặt khóc rưng rức.’Sao lại có chuyện oan nghiệt thế này ? Trời ơi !’ Đứng giữa hai người, tôi ngơ ngác. không hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Nhưng chắc họ quen nhau từ trước rồi. Hóa ra, hai người đã từng là vợ chồng. Lúc đó cả hai người còn qúa trẻ, ăn chưa no, lo chưa tới. Cuộc sống hôn nhân gẫy đổ chỉ sau một năm chung sống, với một chứng nhân là tôi, lúc đó được đặt tên Thanh Thùy, chỉ vừa hai tháng tuổi. Ông bà ngoại tôi sang định cư tại Úc, đưa theo cả con gái cả cháu ngoại. Mẹ tôi đổi tên thành Claudine Kim Phượng, như muốn rũ bỏ tất cả qúa khứ của mình.

Mẹ khóc : ‘ Khi nghe con bảo yêu một người tên Long, lại chừng ấy tuổi, mẹ đã nghĩ không lẽ ông trời lại tréo ngoe như thế ? Vì vậy mẹ mới muốn đích thân về gặp. Thật sự mẹ chỉ mong ông ấy là một người khác.’

Trái tim tôi đau nhói như bị kim đâm. Hàm tôi cứng đơ không thốt nên lời.Nhìn hai người, tôi chỉ ước mình chết ngay đi lúc đó. Tôi đã rời VN ngay sau lúc đó. Để lại lá thư ở khách sạn cho mẹ, tôi viết : ‘Mẹ cứ tin ở con. Con không làm gì dại dột đâu. Con về Úc để xin chấm dứt công tác ở VN và sang nước khác ngay.. Trong lúc này con không muốn gặp mẹ hay bất cứ ai. Cứ nghĩ đến chuyện con và ông ấy có thể đã làm chuyện loạn luân, con cảm thấy kinh khủng qúa. Cũng may mà cả con và ông ấy đều đàng hoàng, tỉnh táo, không bị tình cảm chi phối trong thời gian qua. Con không trách mẹ điều gì. Nhưng giá mẹ đừng đổi tên Thanh Thùy của con. Hoặc mẹ kể cho con về ông ấy trước kia, có lẽ sẽ không xảy ra chuyện oái oăm như vậy. Mẹ giữ gìn sức khoẻ. Bao giờ quên được chuyện này, con sẽ về.’

Tôi biết mẹ tôi sẽ đau khổ lắm. Cả bố tôi nữa...

Nghe xong câu truyện, cả làng tôi ngẩn ngơ. Mãi rồi cô Cao Xuân mới lên tiếng : Rõ ràng yêu là chết trong lòng một tí nha. Cô bạn Tôn Nữ nói ngay : Chết cả cõi lòng chứ chết một tí sao được. Cụ B.95 thì cứ kêu luôn miệng : Mô Phật ! Mô Phật ! Tình yêu gì mà ngang trái làm vậy!

Cụ Chánh chủ nhà thấy câu truyện yêu lầm trên đây làm cả làng ngột ngạt bèn xin ngưng đề tài này, rồi yêu cầu dọn bữa trưa ra ngay. Mãi rồi không khí vui tươi mới trở lại với bàn ăn. Hôm nay làng tôi ăn một món lạ, hơi ngược thói quen, đó là món cháo vịt. Món cháo thiên hạ thường ăn vào ban tối, ấy thế mà làng tôi ăn vào bữa trưa. Sở dĩ có sự lạ như vậy là do lời xin tha thiết của Cô Cao Xuân. Cô cho biết là người Bắc nấu cháo vịt khác lối người Nam, do đó Cô xin được ăn cả hai món cháo trong một bữa. Và cô đã được toại nguyện.

Ai cũng ăn hai tô để cho biết đủ mùi Bắc Nam. Cô Cao Xuân bá cáo với cả làng : Bữa nay tôi đến sớm, vừa phụ bếp vừa học cách nấu cháo với hai sư phụ. Dễ thôi. Tôi thấy cụ B.95 nấu cháo vịt Bắc Kỳ thế này : chặt vịt ra thành từng miếng, xào với hành và gừng, rồi đổ nước. Khi nước sôi già thì cho gạo vào. Khi gạo chín thành cháo thì múc ra tô. Còn cháo vịt Nam Kỳ thì Chị Ba nấu thế này : ướp cả con vịt với hành, gừng và muối, rồi đem luộc chín, lấy con vịt chín ra, cho gạo đã rang vàng vào. Khi hạt gạo rang nở bung như hoa là được. Đem chặt con vịt luộc ra nhiều miếng nhỏ, bỏ vào tô, múc cháo nóng cho vào tô, thêm mấy miếng tiết vịt luộc, chút hành xanh, chút gừng vàng, chút tiêu. Mời các cụ xơi cho nóng.

Quả là ngon, các cụ ạ. Chỉ một loáng là hai nồi cháo vịt đã hết.

Trong bữa ăn hôm nay, ông H.O. nói nhiều nhất. Thấy ai cũng khen cháo vịt bổ cả âm cả dương, ông H.O. lắc đầu bảo không phải : Muốn bổ cả âm cả dương, quý ngài phải nhậu 2 món quý của dê. Ngày xưa tôi là dân nhậu số một ở Chợ Cũ Saigon đây. Món ‘ngọc’ của sư phụ thì vừa ngon vừa bổ có tiếng rồi. Món vú nướng của sư mẫu còn siêu hơn nữa. Nó vừa giòn sừn sựt, vừa beo béo, thật trên đời không có món gì ngon bằng. Nó bổ cả âm cả dương. Món này nhậu với bánh bò thì ngon quên chết.

Chị Ba Biên Hoà nghe tới bánh bò thì hỏi ngay : Tại sao tên nó là bánh bò ? Miếng bánh có thấy thịt bò ở trong đâu ? Dân nhậu H.O. trả lời tỉnh bơ : bò đây không phải là thịt bò, mà là bột nó bò. Khi làm bánh, người ta đổ bột vào cái chén nhỏ, khi hấp thì bột nở, bột nở bò lên miệng chén, do vậy có tên là bánh bò.

Thấy cả làng thán phục, ông H.O. đi tới luôn. Ông hỏi : quý vị ngạc nhiên về cách làm bánh bò lắm sao ? Thế qúy vị có biết cách làm bánh Tầm Bì ở miền Tây không ? Bánh này phải do các bà các cô làm mới ngon. Tôi đã thấy cách họ làm. Các bà các cô ngồi xắn quần lên, se bánh trên đùi. Nó ngon là thế. Cả làng ồ lên một tiếng ngạc nhiên. Kể đến đây, ông H.O. cười hắc hắc. Nghi ông quá. Chắc ông có thêm mắm thêm muối vào đây. Cụ nào biết làm bánh Tầm Bì, xin chỉ cách cho tôi với.

Cụ B.95 nghĩ rằng ông H.O. đang lái sang các chuyện tục chuyện mặn liền xin chuyển đề tài. Cụ xin Anh John kể chuyện thời sự. Bèn có ngay.

Chuyện nổi bật trong tháng Tám là đồng đô la Canada lên giá so với đồng mỹ kim, do vậy dân Canada chạy sang Mỹ mua sắm ào ào. Chuyện thứ hai là sau khi phỏng vấn 14 triệu du khách trong năm qua, Skytrax, một công ty nghiên cứu về hàng không quốc tế có bản doanh tại Anh quốc, đã tuyên bố hãng máy bay Air Canada được xếp hạng tốt nhất Bắc Mỹ. Tôi hoàn toàn đồng ý như vậy. Các cụ đã bao giờ đi Air Canada chưa ? Một điều mà tôi thích nhất về hãng này là nó chỉ bay một đường trực tiếp, không có ngừng nơi nào để lấy thêm khách cả. Ví dụ cụ đi Paris thì Air Canada bay thẳng từ Toronto đến Paris. Cụ đi Los Angeles ? Air Canada bay thẳng từ Toronto đến Los Angeles. Chỉ có một điều làm những vị khách sồn sồn không thích mà thôi, đó là các nữ chiêu đãi viên trên máy bay thường gìa qúa. Họ già là vì luật nhân quyền của Canada. Cô đã làm cho Air Canada là cô sẽ làm suốt đời, từ lúc còn hơ hớ tuổi xanh cho tới lúc hoàng hôn cuộc đời.

Một chuyện thời sự cũng nổi cộm trong mùa hè này là trong năm qua nhiều người Mỹ đã di cư sang Canada sinh sống. Năm 2006 đã có 11 ngàn người lận. Lý do di cư là vì nếp sống ở Canada hiền hòa và đời sống bằng an. Mà chẳng riêng gì người Mỹ mới di cư sang đây. Nhiều công dân Đức Quốc và Hòa Lan cũng chọn Canada làm nơi di dưỡng tuổi già. Nhóm dân Âu Châu này thích miền duyên hải phía đông của Canada nhất.

Các cụ thắc mắc tại sao lại nhiều di dân đến Canada ư ? Theo bảng nghiên cứu của nguyệt san Economist Intelligence, sau khi đã khảo sát 132 thành phố nổi tiếng toàn cầu thì báo này tìm ra 10 thành phố đáng sống nhất trên thế giới. Đứng đầu là thành phố Vancouver ở miền tây Canada và Toronto miền trung Canada được xếp hạng 5, còn 8 thành phố khác là Melbourne, Perth, Adelaide và Sydney ở Úc Châu, Vienna, Copenhagen, Geneva và Zurich ở Âu Châu. Tờ báo đã căn cứ vào các tiêu chuẩn an ninh, y tế, văn hóa. Không nghe nói gì tới Hà Nội và Saigon cả.

Tin cuối cùng là Hoa Kỳ đang bán 20 tỷ đô la khí giới cho các nước Trung đông. Hai mươi tỷ nha. Mỗi tỷ là một ngàn triệu. Cụ Chánh nghe đến đây thì giơ hai tay lên trời. Cụ bảo Hoa Kỳ vừa đi chữa cháy nhà, vừa đổ dầu vào đám cháy. Lạy Chúa tôi !

Anh John vừa hết chuyện thời sự thì ông ODP giơ tay xin tiếp. Ông bảo vì anh John không rành tin thời sự cộng đồng VN nên ông xin bổ túc. Đó là tin các cộng đồng VN ở khắp Canada đang rầm rộ chiến dịch bảo trợ cho các đồng bào thuyền nhân cuối cùng từ Phi Luật Tân sang Canada. Các cụ còn nhớ những đồng bào xấu số này của chúng ta chứ. Cách đây chừng 10 năm, PLT là một trong những nước ở ĐNA đóng cửa các trại tỵ nạn và cưỡng bách ty nạn VN về nước. Chứng kiến cảnh đồng bào ta bị lôi kéo lên máy bay dã man qua, Hội Đồng Giám Mục PLT đã can thiệp xin chính quyền PLT ngưng trục xuất thuyền nhân, Hội Đồng Giám Mục PLT sẽ chịu trách nhiệm về an sinh cho tỵ nạn VN, và một làng tỵ nạn VN tại Palawan đã được lập ra. Lúc đó con số lên tới hai ngàn người. Rồi do các cuộc vận động, nhiều thuyền nhân đã được đi dịnh cư ở các nước thứ ba, con số hai ngàn đã giảm xuống còn mấy trăm người. Bây giờ con số mấy trăm người này đang ở trong giai đoạn chót, giai đoạn đóng lại một trang sử về thuyền nhân VN. Canada tuyên bố sẽ mở cửa lần chót. Các cụ đã thấy Canada nhân đạo qúa sức chưa ?

Rồi đến chương trình văn nghệ. Các bà trong làng liền yêu cầu ca sĩ H.O. hát. Các cụ còn nhớ kỳ họp lần trước ông H.O. đã hát nhạc Trịnh Công Sơn ở ngoài công viên chứ ? Ông hát để tặng Cụ Nguyễn Hữu Đang ngày xưa có mối tình đẹp như thơ với bà Huyền Nhiên ấy mà. Ông H.O. trả lời ngay : Bữa nay tôi không hát nhưng xin kể chuyện về một câu hát ngày xưa mà tôi bị hố. Rằng hồi trước 1975 tôi là tiểu đoàn trưởng. Bữa đó là ngày cấm trại, tôi cho lính tổ chức văn nghệ, và tôi cũng tham dự. Giữa buổi có tiết mục hát cộng đồng. Anh trung úy MC bày ra trò chơi hát giây chuyền. Câu hát là ‘ Bắt con chuột í a hò lơ, bắt con chuột chặt đuôi í a hò lờ’. Chỉ có một điệu hát như vậy, nhưng tên con vật được thay đổi từng lần. Anh quản trò chỉ vào ai thì người đó phải hát với tên một con vật mới, như bắt con vịt í a, bắt con rệp í a... Sau mấy vòng thì cái anh MC ma quái này chỉ vào tôi... Tôi đâu có chuẩn bị gì, mặt thộn ra, quê qúa sức. Tức thì có tên lính đứng bên nhắc tuồng : bắt con cọp đi thiếu tá. Tôi ngây thơ hát liền “ bắt con cọp í a hò lơ...”. Bỗng cả hội trường bò ra cười. Nhiều tên lính cười bò lăn bò càng. Mãi rồi tôi mới hiểu rằng tên lính xúi bậy. ‘Bắt con cọp’ là nói lái lối Bắc Kỳ. Câu hát hóa ra tục qúa.

Mấy nhà quân tử Bắc Kỳ trong làng tôi hiểu ngay câu nói lái này cũng phá ra cười. Còn phe các bà ai cũng ngơ ngác. Bắt con cọp thì có tục gì đâu. Mãi rồi Cụ B.95 cũng hiểu ra. Cụ chỉ ông H.O. rồi vừa cười vừa la : Bậy lắm nha ! Các cụ đã thấy ‘ bắt con cọp’ tục chỗ nào chưa ?

Cụ Chánh cười khà khà một lúc, mãi rồi mới nín được. Phe các bà mãi về sau mới hiểu câu nói lái Bắc Kỳ. Các bà cười chảy cả nước mắt nước mũi, lại còn đấm nhau thùm thụp. Khi cả làng đã hết cơn cười, Chị Ba Biên Hoà lên tiếng : từ nay phe chúng tôi sẽ không bao giờ xin anh H.O. hát hay kể chuyện về hát nữa. Tầm bậy qúa.

Ông H.O. vui vẻ hết sức. Ông xin được nói lời cuối : Bữa nay quý vị được cười hả hê, tối nay chắc chắn quý vị sẽ ngủ ngon, như vậy quý vị phải cám ơn tôi chứ. Ai khó ngủ, tôi xin mách quý vị một toa thuốc ngủ ngon. Đây là kinh nghiệm cá nhân : Quý vị cứ mở nhạc ru con ru em ra mà nghe, cam đoan bài ca không chỉ ru em bé mà ru cả chúng ta vào giấc ngủ nữa. Nhạc ru con ru em ở đâu cơ ? Xin mời vào hiệu bán đĩa nhạc, hỏi mua các đĩa ‘lullaby’ là có ngay. Nhạc tây ru em cũng hiệu nghiệm lắm. Thuốc ngủ thần tiên đấy.

Người gật gù đồng ý với ông H.O. mạnh nhất là anh John. Chị Ba Biên Hoà biết là chồng mình có điều gì muốn chia sẻ bèn dục anh nói. Được vợ khuyến khích, anh John lên tiếng ngay :

Trước bữa ăn chúng ta nói về các chuyện tình yêu. Vì có chuyện tình ngang trái nên cụ Chánh mới xin ngưng. Nhưng trong lòng tôi có sẵn một chuyện về tình yêu, chuyện vợ chồng trọn đời yêu nhau, mà cho tôi là đẹp quá, vậy bây giờ xin cho tôi kể ra đây để chia sẻ với cả làng.

Chuyện này có chép trong văn học sử nước Anh. Đó là chuyện nhà văn lớn Bernard Shaw ( 1856-1950 ). Nhà văn này thích làm vườn. Một hôm ông đang nhổ cỏ trong vườn thì có một bà bạn của vợ từ xa đến thăm. Bà khách nói chuyện với ông :

- Bác làm vườn cho nhà này lâu chưa ?

- Thưa bà, đã hai mươi lăm năm

- Chà lâu dữ ha. Làm lâu như vậy thì chắc bà chủ trả lương cho ông cao lắm nhỉ ?

- Thưa không đâu ạ, vẫn chỉ quần áo và cơm ăn thôi ạ

Nghe đến đây thì bà khách tỏ ra ngạc nhiên hết sức. Bà nói ngay với ông :

- Như vậy thì bà chủ nhà này tệ qúa. Nhà tôi cũng đang cần một người làm vườn. Hay bác đến làm vườn cho nhà tôi đi. Ngoài cơm áo ra, tôi sẽ trả tiền công nữa.

Bernard Shaw lắc đầu :

- Xin cám ơn Bà có lòng tốt, nhưng tôi không thể bỏ nơi đây vì tôi đã ký với bà chủ một hợp đồng làm vườn cho tới mãn đời.

Bà khách thảng thốt kêu lên :

- Cái hợp đồng gì mà bắt ông làm vườn cho tới mãn đời vậy ?

- Thưa, tên cái hợp đồng là hôn thú ạ.

Kính chúc các cụ nhà nào cũng có một ông Bernard Shaw làm vườn.