Sau khi phổ biến bài viết “Đại Học hay Học Đại”, tôi nhận được khá nhiều “thắc mắc” của bà con người Việt về việc “chọn ngành – chọn nghề” ở Mỹ. Điều tôi ngạc nhiên hơn cả là số phụ huynh hỏi về vấn đề học lại nhiều hơn các bạn trẻ. Có thể cái nhìn của tôi về việc học đại học không thích hợp với các bạn trẻ mới lớn ở Mỹ vì “có lẽ anh đã quá già dặn khi bước vào giảng đường. Với tuổi đời và kinh nghiệm sống, anh xét việc xét người đã chín chắn. Còn lớp trẻ từ trung học bước lên, chắc là hơi khác” như tâm tình của một bạn trẻ đã viết cho tôi; hoặc cũng có thể các bậc phụ huynh có con em đang học trung học tự cảm thấy mình tới Mỹ muộn màng, nhưng ước mong cho con cháu thành đạt nơi xứ người nên quan tâm đến vấn đề học hành nhiều hơn các bạn trẻ đang ở độ tuổi vui chơi.

Hôm nay tôi mạo muội viết lên đây một vài gợi ý và chia sẻ dựa vào những câu hỏi của bà con ta với hy vọng sẽ được các bậc cha anh giúp thêm ý kiến, và hướng dẫn để các bạn trẻ có được hành trang cần thiết chuẩn bị vào đời. Tôi cũng tha thiết kêu gọi các bạn trẻ mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm của các bạn để chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau, giúp nhau cùng tiến về một tương lai tốt đẹp hơn.

Theo tài liệu thống kê của Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ, trong niên khóa 2005-2006, gần 70% sinh viên không biết chắc mình sẽ học ngành gì khi mới bước chân vào đại học. Điều này cũng dễ hiểu vì hầu hết các trường đại học ở Mỹ không bắt buộc sinh viên phải chọn “ngành học chính” (major) cho tới cuối năm học thứ hai, ngoại trừ những trường 2 năm. Thêm vào đó, rất nhiều sinh viên ở Mỹ đổi ngành học ít là một lần trong những năm học ở đại học. Do đó, nếu bạn chưa biết chắc chắn sẽ học ngành gì khi mới vào đại học cứ bình tĩnh, đừng quá lo lắng (don’t panic). Nói thì dễ, nhưng trên thực tế nhiều khi cũng rắc rối... Ví dụ như có người bà con tới nhà chơi và biết bạn đang học đại học, một trong những câu hỏi đầu tiên sẽ là “Cháu học ngành gì?” Cha mẹ bạn sẽ ăn nói làm sao khi bạn trả lời là “cháu không biết!”

Để chuẩn bị cho tương lai và trước mắt là việc chọn ngành học ở đại học, bạn nên bắt đầu tự hỏi chính mình xem bạn thích làm nghề gì, hay ít là tự nhìn lại quá trình học tập trong những năm ở trung học xem bạn học khá những môn học nào. Nếu hoàn cảnh thuận tiện, hãy thử tìm hiểu hay quan sát một số công việc của những người chung quanh xem loại công việc nào bạn thích. Có người thích làm những việc xã hội, giúp đỡ người khác; có người thích ngồi một mình trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu tìm tòi...

Công việc nào cũng tốt cả, điều quan trọng là tìm lấy một ngành nghề thích hợp với khả năng của chính bạn, và chọn lựa ngành học thích hợp để giúp bạn tiến thân sau này. Người Việt chúng ta thường có quan niệm “Cha truyền con nối” theo kiểu “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa phải quét lá đa”. Vì thế, một số bạn trẻ theo học Y Khoa vì cha hay mẹ là bác sĩ, hay ghi danh học Luật vì cha mẹ là luật sư... Điều đó rất tốt nếu bạn có khả năng thích hợp, nhưng thử nghĩ xem tương lai sẽ ra sao nếu bạn theo học ngành bác sĩ giải phẫu, nhưng cứ thấy máu lại xỉu, hoặc đi học làm luật sư nhưng khi đứng trước công chúng lại “run như cầy sấy”, miệng lắp bắp nói không nên lời! Chúng ta đang sống ở xã hội Tây Phương, bạn nên suy xét cẩn thận để chọn ngành nghề thích hợp với khả năng và sở thích của chính mình, bạn đừng quá ỷ lại và lệ thuộc vào cha mẹ. Bạn phải chuẩn bị đầy đủ hành trang vào đời sau những năm đại học hầu có thể tự mình vững lái “con thuyền” của chính mình giữa biển đời, để không phải tuyệt vọng vì “bao giờ dân nổi can qua, con vua thất thế lại ra quét chùa”.

Sau khi nghiên cứu và tìm hiểu, tôi mạo muội chia sẻ một vài gợi ý hầu giúp các bạn trẻ có thể tự mình định hướng cho tương lai... Tôi xin nhắc lại, đây chỉ là một vài gợi ý dựa vào những tài liệu tôi có dịp đọc qua hoặc theo kinh nghiệm của cá nhân tôi. Các bạn có thể đọc và cố gắng tìm ra những cách thức thích hợp với hoàn cảnh cá nhân của mỗi người chứ đừng áp dụng một cách máy móc. Hy vọng rằng sẽ có những chia sẻ và góp ý khác của nhiều người để chúng ta cùng giúp nhau học hỏi.

Trong sách Binh Pháp của Tôn Tử có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” . Do đó, trước khi quyết định sẽ chọn ngành nào để học, chúng ta phải tự tìm hiểu chính mình để nhận ra mặt mạnh và mặt yếu của bản thân. Việc tự xét này đòi hỏi thời gian và cần sự giúp đỡ cha mẹ, anh em hay thầy cô ở trường vì theo sự thường chúng ta rất dễ ngộ nhận về khả năng của mình. Thêm vào đó, ở tuổi mới lớn, chúng ta chưa va chạm nhiều với thực tế nên nhiều khi chỉ phán đoán theo tình cảm nhất thời. Do đó bạn cần phải thử đi thử lại nhiều lần mới hy vọng tìm ra sự thật về chính mình, chẳng hạn như vào một ngày đẹp trời, hay mới được phần thưởng danh dự ở trường, hoặc cha mẹ mới mua cho một chiếc xe mới, bạn sẽ có những nhận định về bản thân mình khác hẳn với lúc vừa mới bị la vì hôm trước đi chơi về khuya quá. Bạn có thể dựa vào một số câu hỏi gợi ý dưới đây để tự hỏi chính mình:

Trong thời gian đi học, bạn thích những môn học nào? Bạn thích những sinh hoạt nào? Kể cả những sinh hoạt đoàn thể đạo đời hay các môn thể thao. Hãy tự mình tìm hiểu xem tại sao mình thích những môn học hay sinh hoạt đó? Tiến xa hơn một tý, bạn thử tìm hiểu xem những ngành nghề nào cần tới những môn học bạn thích. Bạn cũng có thể nghĩ lại xem trong cuộc sống hằng ngày, bạn thích làm gì? Bạn thích khoa học hay buôn bán? Bạn thích làm việc ngoài trời hay trong văn phòng? Sau vài lần tự hỏi chính mình, bạn hãy thử viết ra một công việc (job description) mà bạn cảm thấy thích nhất, rồi hỏi những người quen biết xem có ai đang làm cái “job” bạn mới tưởng tượng ra không. Nếu như bạn viết ra một công việc bạn rất thích, nhưng nó lại đòi hỏi những môn học mà bạn yếu kém thì đừng thất vọng, cứ tiếp tục tìm hiểu thêm. Có thể bạn sẽ tìm ra một công việc khác thích hợp với khả năng của mình hơn, hoặc biết đâu nhờ đó bạn lại chú tâm vào những môn học cần thiết và càng ngày càng học giỏi hơn. Đây chỉ là bước đầu trong việc tìm hiểu cái mạnh cái yếu của chính mình. Điều quan trọng hơn là tìm cách phát triển cái hay, loại trừ cái dở hoặc tìm cách trau dồi thêm để biến cái yếu thành cái mạnh cho chính mình...

Song song với việc tự xét về khả năng của mình, bạn cũng nên thu thập tài liệu về các ngành học của các trường đại học tuỳ theo ngành nghề bạn thích. Bạn cũng có thể tìm gặp những giáo sư hướng dẫn ở trường, hay những trung tâm hướng nghiệp tại nơi mình sống để có một cái nhìn tổng quát về ngành nghề bạn muốn theo đuổi. Thêm vào đó, chúng ta đang sống trong thời đại tin học, hầu như tất cả các tài liệu bạn cần đều có thể tìm thấy trên mạng lưới toàn cầu (internet). Cái khó ở đây không phải là tìm kiếm tài liệu, nhưng là biết cách loại bỏ những thứ mình không cần. Đừng ngại ngùng khi phải hỏi ý kiến những người có kinh nghiệm, nhất là cha mẹ và anh em họ hàng. Bạn càng biết rõ về mình, biết rõ về con đường phải đi, bạn càng dễ quyết định một cách đúng đắn, thay vì lãng phí thời gian một cách vô ích.

Bạn đừng chọn quá nhiều ngành và cũng đừng tự hạn chế mình vào một ngành nhất định. Trái lại, bạn nên lựa lấy vài ba ngành khác nhau hoặc liên quan với nhau trước khi quyết định chọn “ngành học” (major). Khi chọn lựa một ngành nghề để học, bạn nên viết ra những lý do tại sao bạn chọn ngành đó; tương tự như thế, khi bạn quyết định “không” bạn cũng nên viết ra lý do tại sao không. Những gì bạn tìm hiểu được và ghi lại hôm nay có thể giúp bạn quyết định một cách đúng đắn, và nếu cần, bạn cũng không phải tốn thì giờ tìm kiếm thêm tài liệu khi bạn muốn chuyển ngành. Ai biết được ngày mai sẽ ra sao? Ngành bạn thích hôm nay có thể sang năm bạn lại không thích nữa, hay ngược lại. Thêm vào đó, nếu bạn có khả năng, bạn có thể chọn “double majors” (học một lúc 2 ngành), hoặc có thêm một “minor” (ngành học phụ) hỗ trợ cho ngành chính của bạn. Mặc dầu đã suy nghĩ chín chắn và quyết định, nhưng nếu nửa chừng bạn nhận ra mình không thích hợp với ngành nghề đã chọn, hãy can đảm bắt đầu lại. Sự lựa chọn ngành học cũng là một hình thức giúp bạn học rồi đó, và những môn học ở trường chỉ là những hướng dẫn căn bản để giúp bạn biết cách tự học hỏi thêm trên trường đời. Do đó, điều quan trọng nhất là biết cách học chứ không phải chỉ ghi nhớ một mớ kiến thức trong sách vở để mang ra áp dụng ngoài đời một cách máy móc. Thực tế lắm khi rất phũ phàng!

Sau khi đã quyết định ngành học, nếu có thể được, bạn nên tìm cách tham gia những sinh hoạt ở trường hay những công việc thiện nguyện, hay công việc mùa hè liên quan đến ngành học của mình để có cơ hội va chạm với thực tế và giúp bạn có một cái nhìn chính xác hơn về ngành học của mình. Người Việt chúng ta có câu “Học thầy không tầy, học bạn” . Do đó, đừng học một mình. Những buổi hội thảo, những chia sẻ kinh nghiệm với bạn bè cùng trường, cùng ngành học là cơ hội giúp bạn hiểu rõ hơn về ngành nghề của bạn. Thêm vào đó, những sinh hoạt này cũng làm cho đời sinh viên đẹp hơn. Những năm ở đại học, nếu bạn biết tận dụng một cách thiết thực, sẽ là thời gian chuẩn bị đích thực cho quãng đời còn lại của bạn và gia đình. Điều quan trọng nhất sau khi bạn đã suy nghĩ, bàn hỏi và chọn đúng ngành học là phải quyết tâm và tự tin vào chính mình. Học ngành nào cũng có cái vui, cái buồn, bài khó, bài dễ...

“Đường đi khó,

Không khó vì ngăn sông cách núi;

Nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông.”

Bạn đã biết rõ cái mạnh cái yếu của bạn. Bạn đã suy nghĩ, nghiên cứu và bàn hỏi kỹ lưỡng trước khi quyết định chọn ngành học theo khả năng của chính mình. Tôi tin chắc rằng bạn sẽ thành công vì như cha ông ta đã nói: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Cầu chúc bạn thành công.