Kỉ niệm 100 năm Phong Trào Hướng Đạo



Ngày 1/8/2007 kỉ niệm 100 năm thành lập Phong Trào Hướng Đạo. Vào lúc 8 giờ sáng, hằng triệu hướng đạo sinh nam nữ trên khắp thế giới nâng cao bàn tay 3 ngón hướng lên trời đọc lại 3 lời thề nguyền của Hướng Đạo để mừng ngày kỉ niệm trọng đại mà một thế kỉ trước đây ông Robert Baden Powell, một viên sĩ quan người Anh quốc đã thổi tiếng tù “kudu” làm bằng sừng trâu, khai mạc trại Hướng Đạo đầu tiên tại hải đảo Brownsea nằm cạnh bờ biển gần thành Sorset bên Anh quốc.

Bá tước Baden Powell, sáng lập Hướng Đạo
Trại huấn luyện Hướng Đạo đầu tiên này chỉ vỏn vẹn có 20 em trai người Anh quốc vào ngày 1/8/1907 nhưng tới nay đã có 38 triệu Hướng Đạo Sinh nam nữ trên khắp thế giới, bao gồm 155 quốc gia khác nhau.

Vào ngày kỉ niệm hôm nay một Trại Họp Mặt Quốc Tế Jamboree lần thứ 21 cũng được tổ chức tại Anh quốc. Tuy nhiên Phong Trào Hướng Đạo Thế Giới cũng ra thông báo rằng tất cả các Đoàn Hướng Đạo tại mỗi địa phương thuộc bất kỳ quốc gia nào trên thế giới vào đúng 8 giờ sáng cũng làm lễ chào quốc kỳ và tuyên lại Lời Hứa Hướng Đạo: Tôi xin lấy vinh dự hứa rằng:

Tôi xin lấy Danh Dự hứa cố gắng hết sức :

  • Làm bổn phận đối với Tín Ngưỡng Tâm Linh và Tổ Quốc
  • Giúp đở mọi người bất cứ lúc nào
  • Tuân theo Luật Hướng Đạo.
Chính Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khuyến khích phong trào Hướng Đạo Sinh Công giáo tiếp tục các mục đích cao qúy là đào tạo các bạn trẻ sống các lý tưởng cao của lòng tin Kitô, tình liên đới hiệp nhất và xây dựng hòa bình. Đức Thánh Cha đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong thư gửi Đức Hồng Y Jean Pierrre Ricard, Tổng Giám Mục Bordeaux, kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập phong trào Hướng Đạo Sinh.

Đức Thánh Cha ca ngợi lý tưởng của phong trào là đào tạo các người trẻ sống lý tưởng làm việc thiện và xây dựng hòa bình. Qua các trò chơi, các cuộc thám hiểm, việc tiếp xúc với thiên nhiên, cuộc sống theo nhóm và tinh thần phục vụ tha nhân, phong trào Hướng Đạo cống hiến cho các bạn trẻ một sự đào tạo toàn vẹn. Được Tin Mừng làm cho phong phú nó không chỉ là nơi giúp trưởng thành về nhân bản mà, còn là nơi trưởng thành về tinh thần và thiêng liêng nữa.

Đức Thánh Cha gửi tới mọi thành viên phong trào Hướng Đạo Pháp cũng như Âu châu lời chúc mừng nồng nhiệt, và lập lại lời Đức Gioan Phaolô II kêu gọi phong trào ngày càng hiệp nhất và biết cộng tác với nhau hơn trong việc đào tạo người trẻ sống lý tưởng Hướng Đạo Sinh và làm chứng tá cho Thân Mình của Chúa Kitô là Giáo Hội, trong đó mọi chi thể đều liên kết và nâng đỡ nhau. Ngài cảm tạ Chúa vì các hoa trái của phong trào trong 100 năm qua và ban phép lành tòa thánh cho mọi nghành và thành phần khác nhau của phong trào cũng như các tuyên úy, gia đình và thân nhân của họ.

Nhân đây, chúng tôi xin được tóm gọn về:

  • Lịch sử Phong Trào Hướng Đạo Thế Giới
  • Lịch sử Phong Trào Hướng Đạo Việt Nam trải qua các thăng trầm lịch sử và chiến tranh
  • Lịch sử Hướng Đạo Công Giáo Việt Nam (sẽ được trình bày vào ngày 2/8/2007)
  • Lịch sử Hội Nghị Hướng Đạo Công Giáo Quốc Tế
LỊCH SỬ PHONG TRÀO HƯỚNG ĐẠO THẾ GIỚI

Phong trào Hướng Đạo do ông Robert Smith Stephen Baden Powell sáng lập vào năm 1907. Các Hướng Đạo Sinh sau này thường gọi thân tình là BiPi (B.P). Baden Powell là người Anh quốc sinh ngày 22 tháng 2 năm 1857 và qua đời ngày 8 tháng 1 năm 1911.

Sau một thời gian phục vụ trong quân ngũ ở Nam Phi và trở về cố hương Anh quốc vào năm 1907, BP nhận thấy giới trẻ Anh quốc đang chao đảo và cần hướng dẫn và ông muốn muốn giúp đở các người trẻ này, và đó cũng là nguyên nhân phát sinh Phong Trào Hướng Đạo. Baden Powell lúc đó tuyên bố: “Các người trẻ đã từng sống với tôi bên vùng thuộc địa, Họ cường tráng và hăng hái bởi vì đời sống của họ vất vả đầy phiêu lưu (ông có ý nói các thiếu sinh thành Ma-phơ-kinh). Ở đây (Anh quốc) nơi tràn đầy ánh sáng văn minh, các thiếu niên cũng cần phải có một đời sống tương tự như các bạn đồng lứa đồng tuổi bên thuộc địa để có trở thành những công dân xứng đáng”.

Cũng vào năm này 1907, ông đích thân điều khiển một trại huấn luyện thí nghiệm trên đảo Brownsea với 20 em. Cuộc thí nghiệp đó thành công và Năm sau (1908), B.P cho xuất bản cuốn sách hướng dẫn: ”Hướng đạo cho trẻ em”. Tiếp theo là hàng vạn thiếu niên Anh Quốc đã hăng hái tham gia Hướng Đạo. Sự Thành công của B.P. đã gây được một tiếng vang chẳng những ở nước nhà mà còn các lân quốc nữa.

Sau đây vài nét chính về sức bành trướng của phong trào Hướng Đạo :

NĂM BIẾN CỐ VÀ SINH HOẠT
1907 Trại huấn luyện đầu tiên trên đảo Brownsea
1908 Sách “Hướng Đạo cho trẻ em”
1910 Thành lập Nữ Hướng đạo
1916 Thành lập Ngành Ấu - Xuất bản cuốn "Sách Sói Con"
1918 Thành lập Ngành Tráng
1920 Họp bạn Thế Giới đầu tiên tại Luân Đôn. Có 20 quốc gia tham dự.
1922 Họp bạn Thế Giới lần thứ II tại Copenhague, thủ đô Đan Mạch. Có 40 quốc gia tham dự.
1929 Họp bạn Thế Giới lần III tại Birkenhead (Anh). Có 43 quốc gia tham dự.
1933 Họp bạn Thế Giới thứ IV tại Godolo (Hungary). Có 25.000 Hướng Đạo Sinh tham dự.
1937 Họp bạn Thế Giới thứ V tại Vogelenzang (Hòa Lan). Có 30.000 Hướng Đạo Sinh tham dự.
1946 Thành lập Ngành Kha
1947 Họp bạn Thế Giới lần VI tại Moisson (Pháp)
1951 Họp bạn Thế Giới thứ VII tại Bad Ischi (Áo quốc)
1955 Họp bạn Thế Giới thứ VIII tại Niegara(Canada)
1957 Họp ban Thế giới thứ IX tại Anh, kỷ niệm 100 tuổi B.P. và 50 năm Phong trào Hướng Đạo.
1959 Họp bạn Thế Giới thứ X tại Makiling, Phi luật Tân (Lần đầu tiên HĐVN tham dự với 59 HĐS).
1961 Họp bạn Thế Giới thứ XI tại Hy Lạp
1967 Họp bạn Thế Giới thứ XII tại Tiểu Bang Idaho (Mỹ quốc)
... ....
2003 Họp bạn Thế Giới thứ XX tại Thái Lan – (có 4 HĐS Việt Nam tham dự)
Họp bạn Thế Giới cứ 4 năm họp bạn một lần tại một quốc gia hội viên trên khắp Thế Giới. Trong khoảng thời gian từ năm 1937 đến 1946 vì lý do Thế chiến lần thứ II nên không có họp bạn Thế Giới.

Mục đích của các cuộc Họp bạn Thế Giới này là để nối kết và thực hiện "Tình Huynh Đệ Thế Giới" của Phong trào, được mắt thấy tai nghe tiếng cười nói của những người anh em xứ lạ từ bốn phương trời họp lại.

Để tiện việc liên lạc và theo dõi sự phát triển của Hướng đạo tại các quốc gia. Tổ chức Hướng Đạo Thế Giới được chia thành 5 miền : A Rập - Châu Âu - Liên Mỹ - Phi Châu và Viễn Đông.

Hướng Đạo Việt Nam chúng ta ở trong khu vực Viễn Đông. Văn phòng đặt trụ sở tại Manila thủ đô Phi luật Tân.

PHONG TRÀO HƯỚNG ĐẠO VIỆT NAM

Một quảng đường dài, suốt theo đó lịch sử của phong trào Hướng Ðạo Việt Nam gắn liền với lịch sử đất nước. Năm 1930, khi một số các người tiên phong Việt Nam lập số số thiếu đoàn Hướng Ðạo đầu tiên tại Hà Nội, đã mang đến cho người trẻ Việt Nam một sinh động mới và phong trào đã lôi cuốn rất nhiều người trẻ tham gia.

Hướng Ðạo Việt Nam, tuy chỉ là một phong trào thuần túy giáo dục thanh thiếu niên, cũng bị lôi cuốn vào những biến động lịch sử của đất nước trong suốt quá trình khai sinh, phát triền và lớn lên từ năm 1930 cho đến ngày nay.

1930-1945: Quá trình thành lập

Trưởng Nguyễn Ngọc Thơ và Trưởng Trần Văn Khắc
Năm 1930, ở phố Tô Hiến Thành có đoàn Hướng Đạo Lê Lợi do trưởng là Trần Văn Khắc lập và Đoàn Hướng Đạo Sinh Hùng Vương do trưởng Trần Duy Hưng phụ trách. Cùng thời gian này ông Hoàng Đạo Thúy lập Đoàn Vạn Kiếp, một Ấu đoàn đầu tiên cho các em mặc đồng phục (áo nâu). Tiếp theo sau những đoàn Hướng Đạo mới khác xuất hiện ở Hà Nội, Hải Phòng... khởi đầu cho phong trào HÐVN.

Khi Hội Hướng đạo được thành lập, kỹ sư Nguyễn Lễ được mời làm Hôị trưởng và và bác sĩ Trần Văn Lai làm phó hội trưởng. BCH họp tại trường Trí tri (Hàng Quạt). Phong trào Hướng Đạo Việt Nam xin nhập vào Liên đoàn Hướng đạo Pháp.

Tiếp theo Phong trào Hướng Đạo đến Trung Bộ (có trưởng Võ Thanh Minh);

Sau đó, trưởng Trần Văn Khắc vào Nam Bộ và phát triển hướng đạo ở đây; Trưởng Khắc đã tổ chức thành công trại họp bạn Nam Bộ, các đoàn HĐS từ Bắc Bộ và Trung Bộ đều vào tham dự, có Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng, Mai Liệu, Trần Văn Thao, v.v....

Năm 1937, Raymond Schlemmer (Uỷ viên Liên đoàn HĐ Pháp) sang Việt Nam, gặp vua Bảo Đại. Nhà vua cấp 3000 đồng để xây dựng tại núi Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) một khu trại trường làm nơi huấn luyện huynh trưởng hướng đạo Việt Nam, giao tráng sinh Bạch Văn Quế phụ trách thành công;

Năm 1939, một số các Trưởng kỳ cựu tham gia Trại Bạch Mã đầu tiên tại Đà Lạt, nhiều thanh niên, sinh viên đến với hướng đạo. Sau đó ra tờ báo “Tráng sĩ” (cho tráng sinh hướng đạo);

Năm 1940, họp bạn ở Rừng Sặt - mừng 10 năm phong trào hướng đạo xuất hiện tại Việt Nam;

Tóm lại, những năm đầu Hướng Đạo có những hoạt khởi sắc và sôi nổi tại miền Bắc. Tuy số hướng đạo sinh không nhiều, nhưng có phải ngẫu nhiên không mà tráng đoàn Lam Sơn tại Hà Nội trong những năm 1930 qui tụ rất đông những nhân vật sau này giữ những vai trò trọng yếu trên chính trường miền Bắc cũng như miền Nam. Tráng đoàn Lam Sơn trở thành một tráng đoàn huyền thoại trong lịch sử HÐVN. Chỉ trong vòng 15 năm đầu tiên 1930-1945, phong trào hướng đạo đã thu hút một số không nhỏ những nhà trí thức đương thời, những nhân vật như Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng, Lưu Hữu Phước, Mai Liệu, Trần văn Thao, Tôn Thất Tùng, Đinh văn Phức, Võ Thành Minh, Phạm Ngọc Thạch, Trần Văn Tuyên, Phạm Biểu Tâm... Rõ ràng là lý tưởng hướng đạo có một sức lôi cuốn mãnh liệt đối với những thanh niên thao thức vì thời cuộc, nóng lòng vì đất nước. Vào những năm 1930, nền đại học tại Việt Nam còn phôi thai, số trí thức rất hiếm hoi, vậy mà Tráng đoàn Lam Sơn đã qui tụ được những người sinh viên ứu tú, sau này một số xuất thân làm bác sĩ và một số những người lãnh đạo trong chính quyền cả hai phía.

1945-1955: Phân rẽ vì ý thức hệ Quốc Cộng

Khi Việt Minh lên nắm chính quyền tại Hà Nội vào năm 1945, một số trưởng Hướng Đạo ở miền Bắc đã tham gia chính quyền Cộng Sản thời Hồ Chí Minh vào năm 1945 gồm có: ông Nguyễn Hữu Ðang, Bộ trưởng Văn hóa Giáo dục, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Y tế, và Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Quốc phòng. Ngoài ra, Bác sĩ Trần Duy Hưng, một tráng sinh Lam Sơn, được bổ nhiệm Thị trưởng Hà Nội. Năm 1946, thêm một trưởng hướng đạo khác tham gia chính quyền là Luật sư Trần Văn Tuyên, giữ chức vụ Thứ trưởng Ngoại giao.

Ông Nguyễn Hữu Ðang đã bị bắt giữ vào năm 1956 trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, bị xử biệt giam 15 năm tù, sau đó thêm 25 năm quản thúc tại nguyên quán. Ông là một trong những người chủ xướng trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm đòi hỏi tự do cho văn nghệ sĩ miền Bắc.

Ông Tạ Quang Bửu, cựu Tổng Ủy viên Hội Hướng Ðạo Trung Kỳ, là người thay mặt chính quyền Việt Minh ký tên vào hiệp định Geneva năm 1954. Sau đó, ông giữ chức bộ trưởng Bộ Ðại học trong chính quyền Hà Nội. Ðầu thập niên 80, ông xin từ chức, về Huế hưu dưỡng rồi tạ thế ở đó.

Năm 1948, luật sư Trần Văn Tuyên ông ủng hộ giải pháp Bảo Ðại, và làm tổng trưởng Thông tin trong chính phủ quốc gia đầu tiên ở Sài Gòn. Sau đó, ông tiếp tục hoạt động trong chính trường miền Nam. Năm 1965 làm Phó Thủ tướng chính quyền miền Nam, sau đó làm đại sứ tại Anh quốc. Năm 1975 ông bị Cộng Sản bắt, đưa vào trại cải tạo. Ông mất trong trại giam.

Từ cuối năm 1946, khi chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ Hướng Ðạo Việt Nam không có hoạt động gì đáng kể.

Trong cuộc chiến, gia đình Hướng Ðạo Việt Nam, cũng như phần lớn các gia đình Việt Nam phân tán kẻ bên này, người bên kia.

Trong khi gần như toàn thể Bộ Tổng Ủy viên hội HÐVN thành lập năm 1946 đi theo Trưởng Hoàng Ðạo Thúy vào mật khu, một số trưởng tham gia chính quyền Cộng Sản tại Miền Bắc. Trong thời gian kháng chiến, Ông Hoàng Ðạo Thúy lựa chọn phục vụ trong hàng ngũ Việt Minh, làm giám đốc Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, mang quân hàm đại tá trong quân đội Cộng Sản Việt Nam.

Khi Ông Trần Văn Khắc vào sống tại Sài Gòn lập ra Hội Hướng Ðạo Nam Kỳ, trong khi đó Ông Hoàng Ðạo Thúy vẫn giữ nhiệm vụ Tổng Ủy viên của Hội Hướng Ðạo Bắc Kỳ. Cuộc đời của hai người được xem là những người sáng lập ra phong trào HÐVN là những trường hợp tiêu biểu cho những lựa chọn đối nghịch.

Tại Miền Trung và Miền Nam, bên cạnh các trưởng và tráng sinh đã có mặt trong phong trào hướng đạo từ lúc đầu gồm một số khuôn mặt lớn gia nhập phong trào khoảng cuối thập niên 1930 và đứng về phe Quốc Gia và tái thiết Phong Trào Hướng Đạo tại Miền Nam, như các Trưởng: Mai Liệu, Phan Như Ngân, Cung Giũ Nguyên, Trần Ðiền... và một số trưởng kế tiếp trong thập niên 1950 : Trần Văn Thao, Trần Trung Ru, Lê Trường Thọ, Ðoàn Văn Thiệp, Nguyễn Trung Thoại, Nghiêm Văn Thạch...

Trại Huấn Luyện Trưởng Hướng Đạo tại Washington DC 2007
Dù muốn dù không, phong trào Hướng Ðạo Việt Nam có những liên hệ mật thiết với những diễn biến của một thời kỳ hết sức sôi động của lịch sử đất nước. Trong những năm đầu thành lập phong trào hướng đạo, khi lý tưởng hướng đạo có một sức quyến rũ rất mạnh đối với những người thao thức trước vận mạng đất nước, bài hát của một tráng sinh Lam Sơn, Lưu Hữu Phước: "Nâng cao lá cờ Hướng Ðạo nhuộm oai hùng..." trở thành hành khúc chính thức của Hướng Ðạo Việt Nam. Sau đó, chính phủ quốc gia của cựu hoàng Bảo Ðại chọn bài Tiếng gọi thanh niên cũng của Lưu Hữu Phước làm bài quốc ca cho chính thể quốc gia; rồi sau này, trong thập niên 1960, cũng chính Lưu Hữu Phước sáng tác bài hát chính thức của Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Chỉ một người là tác giả của ba bài hát thật đặc biệt...

Thêm một trớ trêu khác của lịch sử: Tại Geneva năm 1954, ngay sau khi quân đội Pháp thất trận tại Ðiện Biên Phủ, khởi đầu cuộc hội nghị nhằm tiến tới một giải pháp chính trị cho cuộc chiến tại Việt Nam. Một nhân vật quan trọng trong phái đoàn Việt Minh là Tạ Quang Bửu,thứ trưởng Quốc phòng, cũng là cựu Tổng Ủy viên Hướng Ðạo. Bên phía đối nghịch, trong phái đoàn Việt Nam quốc gia, hai trưởng hướng đạo khác: Trần Văn Tuyên và Cung Giũ Nguyên. Và ở giữa hai phe, Trưởng Võ Thành Minh cắm lều, thổi sáo bên bờ hồ Leman để phản khán kế hoạch phân chia đất nước. Ông đã được báo chí trong và ngoài nước đặt tên là "người thổi sáo bên bờ hồ Leman". Các Trưởng Trần Văn Tuyên và Cung Giũ Nguyên đã ra tận lều thăm Trưởng Võ Thành Minh trong tình anh em hướng đạo.

Hiệp định Geneva được ký kết. Ðất nước bị phân chia. Trụ sở Hội Hướng Ðạo Việt Nam chuyển từ Hà Nội vào Huế rồi Sài Gòn.

1955-1975 Phong Trào Hướng Đạo Việt Nam tại Nam Việt Nam phát triển mạnh mẽ:

Trên phần đất phía Nam, phong trào HÐVN có cơ hội thật sự bước vào giai đoạn phát triển và trưởng thành. Trại trường quốc gia Tùng Nguyên được thành lập tại Ðà Lạt dưới quyền điều khiển của Trại trưởng Cung Giũ Nguyên, nơi đào tạo hầu hết các trưởng của thế hệ 55-75. Hội Hướng Ðạo Việt Nam được công nhận là hội viên Tổ chức Hướng Ðạo Thế Giới vào năm 1957 và chính thức gia nhập cộng đồng thế giới của phong trào hướng đạo. Hướng Ðạo Việt Nam tham gia vào việc thành lập Vùng Châu Á - Thái Bình Dương và được vinh dự trở thành hội viên sáng lập Vùng lớn nhất của Tổ chức thế giới. Trại họp bạn "Phục Hưng" năm 1959 tại Lâm Viên Quốc Gia đánh dấu giai đoạn hưng khởi này của phong trào.

Hai trại họp bạn toàn quốc cuối cùng phải được tổ chức trong vùng phụ cận Sài Gòn, vì tình hình an ninh: chiến cuộc mỗi ngày lan rộng và tiến gần hơn đến thủ đô miền Nam. Trong không khí ngột ngạt của chiến tranh, các đơn vị HÐVN cố gắng thích ứng với hoàn cảnh và tiếp tục phát triển từ Quảng Trị đến Cà Mau. Một tinh thần hướng đạo sắt son được rèn luyện trong suốt hai thập niên khói lửa.

Vào năm 1975, sau khi Cộng Sản Việt Nam chiếm Miền Nam, Hội Hướng Ðạo Việt Nam đã phải tạm ngưng hoạt động.

Một số Hướng Ðạo Sinh Việt Nam đi định cư các nước, bắt đầu xây dựng lại sinh hoạt cho các cựu Hướng Ðạo Sinh Việt Nam tại hải ngoại.

Năm 1975, Ông Trần Văn Khắc từ miền Nam di tản sang Canada. Ông góp một phần đắc lực trong việc xây dựng một phong trào HÐVN tại hải ngoại. (Ông Hoàng Ðạo Thúy và Trần Văn Khắc đều mất vào năm 1990, cách nhau vài tháng, một người tại Hà Nội, một người tại Ottawa).

Riêng phần Hướng Đạo Công Giáo Việt Nam (sẽ được trình bầy vào ngày mai)

Thẳng Tiến VII tại Nam California 2006


HỘI NGHỊ HƯỚNG ĐẠO CÔNG GIÁO QUỐC TẾ (International Catholic Conference of Scouting)

Hội Nghị Hướng Đạo Công Giáo Quốc Tế (International Catholic Conference of Scouting) một tổ chức được thành lập năm 1948 và Giáo Hội chính thức thừa nhận và đã có nguồn gốc từ Trại Họp Bạn Jamboree Thế Giới vào năm 1920.

Hội Nghị Hướng Đạo Công Giáo Quốc Tế (viết tắt là ICCS) có tên trong Niên Giám các Hội Đoàn Quốc Tế có tên trong Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân (Pontifical Council for the Laity) thuộc Tòa thánh Vatican.

Khởi đầu ICCS được gọi với tên là Văn Phòng Quốc Tế Hướng Đạo Sinh Công Giáo (International Office of Catholic Scouts) được thành lập năm 1920 trong kỳ Họp Bạn Hướng Đạo Thế Giới lần đầu tiên (World Jamboree) do linh mục Dòng Tên người Pháp là Jacques Sevin (Hội Hướng Đạo Pháp), cùng với Bá tước Mario di Carpegna (Hội Hướng Đạo Công Giáo Ý đại lợi) và giáo sư Jean Corbisier (thuộc Hội Hướng Đạo Bỉ) thành lập.

Sáng kiến này được ĐGH Benedictô XV chúc lành vào tháng 7 năm 1922, và qui luật của tổ chức được các quốc gia sau đây chấp thuận: Argentina, Austria, Belgium, Chile, Ecuador, France, Italy, Luxembourg, Poland, Spain và Hungary.

Giữa khoảng thời gian từ 1946 và 1947, các viên chức thuộc Liên Hội Hướng Đạo Công Giáo được tái thiết lập lại sau khi vì Thế Chiến II đã bị gián đoạn, và từ đó quyết định cứ mỗi năm họp nhau một lần.

Vào tháng 6 năm 1962 Tòa Thánh Vatican chấp thuận bản Hiến Chương và Điều Lệ của tổ chức và đổi danh xưng là Hội Nghị Hướng Đạo Công Giáo Quốc Tế (International Catholic Scouting Conference, viết tắt là ICSC), và sau lại đổi lại với tên là International Catholic Conference of Scouting (ICCS). Với vị thế là một tổ chức Công giáo Quốc tế, ICCS đương niên là thành phần của Tổ chức Công Giáo Quốc Tế (ICO), và cũng có vị thế là Cố Vấn trong Ủy Ban Hướng Đạo Thế Giới (World Scout Committee).

Hàng trước (từ phải) Các Trưởng: Mai Liệu, Chị Bích (người lập Nữ HĐVN), Phức, hàng sau: Thuật, Nghị, Đạt
Hội Nghị Hướng Đạo Công Giáo Quốc Tế là một diễn đàn cho các Trưởng Lãnh Đạo Hướng Đạo và các Nhà Giáo dục có cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm giáo dục thanh thiếu niên, và nha65n lãnh ấp thụ những kiến thức và thông tin về Đức Tin.

Mục đích đặc biệt của Hội Nghị Hướng Đạo Công Giáo Quốc Tế này là cống hiến một chương trình giáo dục thanh thiếu niên đầy đủ qua phương pháp giáo dục của Hướng Đạo được ánh sáng Đức Tin Công Giáo soi dẫn; để bảo đảm sự hiện diện tích cực của Hướng Đạo Sinh Công Giáo trong Giáo Hội; và để khuyến khích cuộc đối thoại giữa Giáo Hội Công Giáo và Phong Trào Hướng Đạo Thế Giới.

Hai móc nối quan trọng với Giáo Hội Công Giáo và với Phong Trào Hướng Đạo Thế Giới tạo cho Hội Nghị Hướng Đạo Công Giáo Quốc Tế có khả năng liên kết các tổ chức quốc gia và quốc tế với nhau trong đó là nhiệm vụ dấn thân để hổ trợ và phát triển các chương trình giáo dục trong đức tin và bảo vệ sự chọn lựa và diễn tả đức tin của Hướng Đạo Sinh.

Hội Nghị Hướng Đạo Công Giáo Quốc Tế ICCS theo đuổi những mục tiêu của mình bằng cách tổ chức các cuộc hội thảo và các khóa huấn luyện mang chiều hướng linh hướng và tinh thần của nền Giáo Dục Hướng Đạo, tạo cơ hội cho sự liến kết và đối thoại liên tôn trong Hướng Đạo.

Hội Nghị Hướng Đạo Công Giáo Quốc Tế ICCS đóng vai trò trong các sinh hoạt quốc tế của Giáo Hội Công Giáo như Ngày Giới Trẻ Thế Giới (World Youth Days) và các diễn đàn và hội thảo về Giới Trẻ, đặc biệt là các cuộc Họp Bạn Jamborees cấp Miền hay cấp Quốc gia và các Nghị Hội Hướng Đạo Thé Giới.

Hội Nghị Hướng Đạo Công Giáo Quốc Tế làm việc dựa vào Hiến Chương Phong của Trào Hướng Đạo Thế Giới (Constitution of the World Organization of the Scout Movement) và đựa trên Hiến Chương Hướng Đạo Công Giáo (Scouts I Catholic Charter) đã được Tòa Thánh phê chuẩn vào năm 1977.

Tổ chức Hội Nghị Hướng Đạo Công Giáo Quốc Tế ICCS cứ 3 năm họp một lần và tất cả các viên chức thành viên của các quốc gia đều được mời về tham dự.

Hội Nghị Hướng Đạo Công Giáo Quốc Tế được điều hợp bởi một Tổng Thư Ký, có văn hòng thư ký và các các Tổng thư ký thuộc bốn Miền Thế Giới phụ giúp công tác. Bốn miền đó là: Miền Phi Châu, Á Châu Thái Bình Dương, Mỹ châu, và Âu châu Địa Trung hải. Các Hội Hướng Đạo Công Giáo và các Hội Đồng và Ủy Ban Liên Tôn Hướng Đạo cũng là thành viên của tồ chức ICCS.

Hiện nay Hội Nghị Hướng Đạo Công Giáo Quốc Tế ICCS có 53 Hội Hướng Đạo thành viên thuộc về 50 quốc gia trên khắp hoàn cầu.

Đặc san của Hội Nghị Hướng Đạo Công Giáo Quốc Tế có tờ Info và tờ Signes, được phát hành một năm 3 lần, và tờ đặc săn định kỳ 6 tháng một lần là tờ Cahiers,trong đó có các bài viết về suy tư, giáo dục, đức tin. Tất cả 3 tờ báo trên đều được ấn hành bằng 3 ngôn ngữ là Pháp, Anh và Tây ban nha.

Đại Bản Doanh của Tổ Chức ICCS tại: Conference Internationale Catholique du Scoutisme, Piazza Pasquale Paoli, 18; 00186 Roma – Italy. Tel. (39) 0668.65270 -- Fax 0668.65211, E-mail: cics-iccs@cics.org, Web site: www.cics.org

Tài liệu tham khảo:

  • http://huongdaovietnam.org/
  • http://www.huongdao.org/
  • http://www.hdvietnam.net/
  • http://huongdaovn.netfirms.com/
  • http://en.wikipedia.org/wiki/Vietnamese_Scout_Association
  • http//: www.cics.org
  • Tư liệu Trưởng Trần Văn Thao