ABBÉ PIERRE VỊ GIÁO HOÀNG CỦA NGƯỜI NGHÈO



Nhật báo Le Parisien số đặc biệt phát hành 23-1-2007, đã dành 18 trang A3 viết bài tưởng niệm L’Abbé Pierre đã viết tựa lớn ở trang nhất : ‘‘L’Abbé Pierre 1912-2007 Le Pape des pauvres’’ (L’Abbé Pierre vị giáo hoàng của người nghèo). Và các báo xuất bản trong dịp này nhất loạt nêu bật Cha là con người đấu tranh không ngừng cho đến cùng để người nghèo có nhà ở, cơm ăn áo mặc. Tờ báo La Croix đại diện cho nước Pháp ghi ‘‘Merci l’Abbé’’ (Cám ơn l’Abbé). Ông Martin Hirsch, chủ tịch Emmaus toàn quốc sau khi loan báo Cha Pierre ‘‘ra đi hết sức bình an và thánh thiện’’ và tuyên bố thêm : Người ta sẽ còn nhắc mãi đến Cha Pierre, cả những người không tín ngưỡng’’.

ƠN GỌI ÐẾN VỚI NGƯỜI NGHÈO

Nhập tu dòng Capucins, là thầy Henri Grouès (tên thật của Abbé Pierre) muốn đi theo con đường của Thánh tổ phụ Phanxicô khó khăn, với ba lời khấn : khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh. Khi khấn trọn đời cũng như khi thụ phong linh mục, và rất nhiều lần Ngài thường nói đi nói lại : Gia đình chúng tôi đông con không gì khá giả. Cha mẹ tôi để lại cho tôi gương thương giúp người nghèo. Nên tôi chọn con đường đến với những người nghèo. trước khi nhập dòng, Henri đã ghi trong nhật ký : Chúa đã cho tôi người mẹ dũng cảm tại sao tôi không trở thành anh hùng. Và Chúa đã cho tôi người cha quảng đại, tại sao tôi không nên thánh. Lối giáo dục của thân phụ đã ảnh hưởng đến chí khí cương nghị của người con. Một lần trong thời gian nội trú, cuối tuần về thăm nhà. Ông bố biết được ở trường bị điểm kỷ luật. Ông liền phạt Henri không cho đi chơi với anh em khác. Đ ến khi đi chơi về, anh em kể lại cho Henri nghe những gì vui thú khi đi chơi ở ngoài. Henri cáu lên và nói với anh em rằng : Có gì mắc mớ liên hệ đến tôi, vì tôi bị giam ở nhà. Ông bố biết chuyện, liền gọi Henri vào phòng đóng cửa lại và mắng : Nói như thế là con ích kỷ lắm, con chỉ nghĩ đến mình mà không biết đến người khác. Lời nói này làm Henri suy nghĩ và quyết đi con đường phục vụ người khác.

Phục sinh 1927, Henri có dịp theo chân cha Dòng Tên qua Sahara để tĩnh tâm, sau này ngài có dịp qua đây nữa vào 1961, 1992, 1998, sống giữa trẻ em trong vùng sa mạc. Ngay những ngày đầu (1927) ngài ghi lại cảm nghĩ : Tôi cảm thấy niềm vui tràn đầy khôn tả, vì tôi khám phá ra tinh thần Assise thực sự khi bên trẻ em trên ngọn đồi cát lộng gió mênh mông, hay trong những hang động nóng bức.

Từ 2003, Cha nhường cho ông Martin Hirsch làm chủ tịch Emmaus. Hơn nữa, từ 1983, sức khỏe báo động, Cha đã chọn nơi yên tĩnh hơn, ẩn mình tại dòng của các Cha Dòng Benedictin Saint Wandrille, ở Normandie. Nơi đây Cha đắm sâu vào Thánh Thể nguồn mạch tình yêu cho công tác phục vụ bác ái. Nhưng linh hồn của tổ chức vẫn là Cha. Như lời cha Massein, bề trên tại đây nhận xét : Một mình cha âm thầm cầu nguyện lâu giờ bất động trong phòng thánh. Thời gian tu tĩnh này Cha Pierre đã viết chúc thư vào 1994. Chúc thư được coi như đường tu đức và chỉ nam cho mọi hoạt động trong câu cuối cùng : Đời sống, là tập biết yêu (La vie, c’est apprendre à aimer). Cha nhấn mạnh :

Khi bạn đau đớn, bạn hãy yêu hơn nữa những người không còn nước mắt để khóc, những người đang bị giá lạnh cóng buốt mình mẩy chân tay, những người đói khát cùng cực khô miệng rỗng bụng. Đó là lúc khẩn thiết họ cần bạn nâng đỡ ủi an. Yêu họ, bạn sẽ được chúc phúc và lợi lộc vô vàn. Tôi chẳng muốn thay đổi con người, mà muốn dùng họ theo khả năng của họ.

Cũng theo di chúc này, sau khi qua đời, Cha không muốn có lễ nghi lớn, mà đem thi thể Cha về thẳng đặt trong nghĩa trang ở d’Esteville, Seine Maritime, miền Normandie nơi Cha đã lập trung tâm Emmaus, năm 1991, và nơi có phần mộ của nhiều người không nhà ở mà chính cha đã chôn cất họ trước đây. Đúng theo ước nguyện của Cha là ‘‘được nằm bên cạnh những người đồng hành với tôi’’.

Năm 1997, biết tin Mẹ Teresa qua đời, Cha nói : Đời Mẹ xứng đáng được gặp mặt Chúa Từ Ái. Đúng như vậy và cùng đích tuyệt hảo của Mẹ. Phần thưởng cho những ai phục vụ người nghèo. Vì Mẹ đã giúp tất cả những ai đau khổ mà Mẹ gặp trên đường đời.

TRONG NƯỚC PHÁP

1. Vận động nơi chính quyền

Đối với chính quyền, quan trọng nhất là kế hoạch và thủ tục cất nhà. Có lần Cha đã cất nhà ngay trên khu đất trống khi chưa có giấy phép.

Ngày 9-10-1990, tại Matignon, Cha gặp Thủ tướng Laurent Fabius và nhắc lại : xã hội chúng ta được mời sống chia sẻ, chia sẻ công ăn việc làm, chia sẻ lợi tức và chia sẻ cả những bộ môn giải trí, hầu đương đầu với cảnh nghèo đói đang gia tăng.

Tháng 5-1991, TT François Mitterand đi trực thăng đến đây gặp ngài. Nội dung chính phủ hậu thuẫn tài trợ chương trình của Cha về xây thêm nhà HLM Emmaus. (La Croix. 23-1-2007. tr. 5)

Ngày 27-7-1995, TT Jacques Chirac cũng đi trực thăng đến gặp Cha. Hôm sau Cha về Paris, vào Matignon trao cho thủ tướng Alain Juppé hồ sơ xin trợ cấp tiền cho người thuê nhà. (La Vie. 27-7-1995. tr.11)

Năm 2004, Cha Pierre đã gặp TT. Jacques Chirac và cảnh giác : Từ 1954 đến nay, sau 50 năm, tình trạng nghèo, không nhà, thất nghiệp, thiếu giáo dục... còn tệ hơn trước !

Năm 2005, những ngày xáo trộn nhất ở ngoại ô Paris, hàng 100 xe bị đốt phá, thanh thiếu niên bị bắt, nhà tù không còn chỗ chứa, cha nói : ‘‘Chính trị mà để người dân bên cạnh chỉ tổ cho người ta chán ghét’’ (Une politique qui consiste à mettre du côté toute une population est forcement vouée à la Haine. La Vie.1-12-2005. tr. 22).

2. Được sự tiếp tay giới văn nghệ sỹ và hảo tâm

Giới nghệ sỹ có tiếng nói mạnh với đại chúng nhất là người trẻ. Cha đánh mạnh vào tâm lý những người mộ mến văn nghệ. Để xin họ bớt vui chơi, giúp người nghèo một vé văn nghệ, một ly cà phê, một viên kẹo ngọt, một lần dạo phố. Các buổI văn nghệ giúp Emmaus được hưởng ứng nhiệt liệt, đông chật hội trường.

- Năm 1954, sau khi lãnh giải thưởng hòa bình, ông Charlie Chaplin đã chia phân nửa giải thưởng cho chương trình Emmaus, là 2 triệu quan.

- 1986, nghệ sỹ Coluche giúp Emmaus 1 triệu rưỡi quan, cho quán cơm xã hội của Emmaus.

- 1998, các nghệ sỹ và ca sỹ phối hợp tổ chức chung tại Zénit ở Paris và các nơi ‘‘Le Bal des Exclus’’ gây qũi cho Emmaus

- 1999, danh ca Jean Louis Aubert xuất bản tới 1 triệu CD ủng hộ Emmaus

- 2000, tại Palais des Sports, đạo diễn Robert Hossein dựng tuồng kịch giới thiệu và thâu qũi xây nhà cho Emmaus

- 2001, lực sỹ vô địch đô vật thế giới David Douillet vận động giúp người không nhà. Và danh ca Jhonny Hallyday tổ chức đêm văn nghệ lấy tiền cho trẻ mồ côi.

- 2003, cầu thủ Zinédine Zidane giúp tiền cho trẻ mồ côi.

3. Hậu thuẫn hưởng ứng của quần chúng

Rõ nhất là lời kêu gọi 1-2-1954, cha đã thành công trong việc vận động quần chúng dấy lên phong trào liên đới trợ giúp khẩn cho những người không nhà. Ngày 18-10-1954, Cha đã đặt viên đá đầu tiên xây nhà rẻ tiền ở Argenteuil. Đợt đầu Cha đã xây cất những căn nhà mái tôn, không cần điện nước. Tới 1956, Cha đã xây được 2.820 căn nhà, cho 2.000 gia đình có nhà ở. Tạo được 40.000 ngày làm việc và 300 người không bị trục xuất.

Năm 1994 và 2004, Cha kêu gọi tương tự như 1954, và Cha đưa ra những ‘‘loại người nghèo mới’’ đe dọa và càng ngày càng đem nền văn hóa xuống hố sâu.

Năm 1969, tuyên ngôn chung của Emmaus : phải ưu tiên phục vụ cho tất cả những ai ít hạnh phúc hơn mình.

Ngày 10-1-1989, tại hội trường đại học Sorbonne, Cha thuyết trình kêu gọi sinh viên : Phải rồi, tôi là ông già điên, đã 40 năm tôi tiếp tục tranh đấu cho mặt trận chống khốn khổ. Tôi tha thiết kêu gọi lòng từ tâm của các người trẻ như các bạn, cùng tiếp tay.(Pèlerin. Hors Série. 1-2007, tr. 43)

Ngày 6-6-1989, trước Hàn Lâm Viện Khoa Học và Chính Trị, Cha kêu gọi chống lại bất công, chà đạp nhân quyền. Chống lại 5 cơn bệnh khốn khổ trên thế giới là : không bánh mỳ, không nhà, không việc làm, không trường học và không được chăm sóc. (Bđd. tr. 44)

Hàng năm, cộng đồng Emmaus của Pháp phát động một ngày ‘‘Liên đới toàn quốc’’ và tuần lễ Bán hàng tại hội chợ ở Versailles, vào cuối tháng 5.

Emmaus chung sức với các cơ quan từ thiện khác, như Secours Catholique, Croix Rouge trong các dịp cứu nạn nhân bão lụt hay thiên tai...

4. Những việc làm cụ thể cho người nghèo

Thống kê mới nhất trong nước Pháp có :

- Các cộng đoàn Emmaus : 3.798 người đồng hành (compagnons) có thể thu nhận 3.680 chỗ. 92,5% là đàn ông. 11,74% đã ở từ 5 đến 10 năm. 16,88 % ở khoảng 3 tháng.

- Tiếp đón : 3 triệu người sống chui rúc. 86.500 người không nhà. 10.000 được đón tiếp ban ngày, trong một năm. 45.000 người được đón tiếp khẩn cấp, trong một năm. 40.000 ngườI được ở trong trung tâm Emmaus.

- Kế hoạch ngân sách cho việc làm : 2,82 triệu Euros cho năm 2004. 8,7 triệu Euros chung tất cả, trong đó có 2 triệu cho ngoại quốc. Hiện nay trên nước pháp có 120 trung tâm lớn Emmaus, và 34 trung tâm nhỏ chưa thành hình gọi ‘‘nhà bạn’’ (comité d’amis ). (Pèlerin. Hors Série, 1- 2007, ttr. 72-73)

Trong các trung tâm này, tùy lớn nhỏ, có những công việc phục vụ những loại người hay nhu cầu, mà cơ quan chính quyền không làm hết, như :

- Đón tiếp những người mẹ độc thân, những thiếu nữ có thai. Cho ăn ở, chờ ngày sinh, nuôi con lớn và kiếm việc làm nho nhỏ để họ quên đi những giây phút lỡ làng.

- Cung cấp sữa cho trẻ em trong những gia đình đông con, không đủ tiền mua sữa.

- Tiếp đón những người nghiền rượu, xì ke ma túy, giúp họ cai rượu, cai xì ke.

- Tiếp nhận những người tháng đầu ra khỏi tù, không còn thân nhân, chưa kiếm được nhà, hay việc làm, giúp họ làm lại giấy tờ để hội nhập xã hội

- Nhận những người tàn tật bướng bỉnh không nơi nương tựa, thích tự do, hơn là vào nhữngn nơi của chính phủ

- Nuôi các trẻ em mồ côi trong ngắn hạn chờ chính quyền làm thủ tục vào các cô nhi viện quốc gia.

- Nấu và phát cơm hay thực phẩm cho gia đình nghèo.

- Viếng thăm những người già, hớt tóc, thay quần áo, tắm giặt, cho ăn, đi chợ, làm việc nhà...

- Mở trạm xá, phát thuốc, băng vết thương nhẹ

- Cấp nhà, cho thuê nhà HLM Emmaus. Hoặc can thiệp cho các gia đình thuê khách sạn rẻ tiền trả góp.

- Cung cấp hay bán rẻ quần áo, chăn mền, vật dụng trong nhà

- Kiếm việc làm nhỏ, như : giặt ủi quần áo cũ, sửa TV, tủ lạnh, bàn ghế, dọn nhà, bán hàng, coi trẻ, giữ người già, đi chợ, nấu ăn, dẫn đi nghỉ hè hay dạo chơi, dẫn đi bác sỹ, dẫn đi nhà thờ, sinh hoạt? lựa những gì còn dùng được từ những đống rác...

QUA LÃNH VỰC QUỐC TẾ

Từ 1971, Emmaus phát triển, mở nhà ở ngoại quốc.

Hiện nay có 327 nhà Emmaus hoạt động tại Các quốc gia sau : Canada (có 2 trung tâm), Hoa Kỳ (2), Guatamala (2), Comombie (2), Pérou (7), Bolivie (3), Chili (6), Argentine (11), Uruguay (5), Brésil (9), Norvège, Suède, Pays Bas (19), Phần Lan (10), Belgique (10), Anh (7), Tây Ban Nha (6), Bồ Đào Nha (4), Đan Mạch (5) Ý (13), Thụy sỹ (11), Đức (6), Áo, Ba Lan (2), Estonie, Lettonie, Litualie, Roumanie (2), Croatie, Bosnie Herzégovine, Bulgarie, Ukraine, Liban, Tunisie, Benin (3), Mali, Sénégal, Burkina Faso, Côte d’Ivoire, Togo, Camroun (2), République Démocratique (2), Burkina (5) Angola, Afrique du Sud, Rwanda, Burundi, ấn Độ (4), Madagascar, Bangladesh, Indonesia (2), Nhật (10) và Nam Hàn (5) (La Vie. Hors sérire. 2004. tr. 62; Pèlerin. Hors Série. 1-2007, tr. 73)

Abbé Pierre đã liên kết với bác sỹ Bernard Kouchner trong hội Bác Sỹ Không Biên Giới, chăm sóc những nạn nhân thiên tai, tệ nạn xã hội hơn là những lãnh vực khác như ở Pháp. Tại ngoại quốc, tổ chức Emmaus không hoàn toàn như ở Pháp. Có những nơi mở trung tâm chuyên môn, như bên ấn Độ về làm bông dệt vải. Ở Bomivie chuyên thêu, đan. ở Mỹ làm nhà hàng. ở Colombie làm việc nhà. Từ 1993, các trung tâm của Emmaus quốc tế theo qui chế của tổ chức ONG Liên Hiệp quốc qui định.

Riêng các nước cộng sản Abbé Pierre chưa đem Emmaus vào được. Vì chưa có người cộng tác. Riêng thuyền nhân VN ở Hong Kong đã làm Cha theo dõi nhiều. Và nghe tin các thuyền nhân VN chúng ta ở đây bị trả về nước Cha đã phát biểu trên TV đài F2 rằng : Thế giới phải mở mắt ra vì trái đất này là của mọi người và phải để cho người ta sinh sống (12-1989)

MỌI NGƯỜI VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC

Từ ngày Abbé Pierre qua đời có rất nhiều người từ giáo quyền đến chính quyền và không biết bao nhiêu người mang ơn Ngài đã bày tỏ lòng biết ơn trong luyến tiếc đầy qúi mến.

Giáo quyền hãnh diện vì có Cha Pierre sống đúng tinh thần Tông Đồ của làng Emmaus xưa. ĐHY Roger Etchegaray gặp và đồng tế với Abbé Pierre nhiều lần tại dòng Phanxico Assise bên Ý xác nhận : Cha giống như Tông đồ Gioan, đã được hàng giáo phẩm khắp nơi quí mến. Vì ngài theo chân Chúa Giêsu cống hiến cả đời cho dân nghèo. ĐHY JM Lustiger so sánh Abbé Pierre có trái tim yêu thương như Mẹ Teresa Calcutta. Sống chiêm niệm cầu nguyện và thể hiện đúng tinh thần Phúc Âm giữa những người nghèo, giới trẻ và trẻ em bụi đời....

ĐHY Philippe Barbarin, TGM Lyon, bạn thân của Abbé. Khi nào Abbé Pierre về thăm gia đình, hai người cũng ăn chung, dâng lễ và bàn chuyện. ĐHY cho hay : Tôi thán phục Ngài và cho Ngài như thánh Vincent de Paul tân thời. Người luôn có con mắt nhìn xa, để lo chăm sóc cho những người vô gia cư, đánh thức những người mất nghị lực và mất niềm tin. Chìa khóa để sống của Ngài là phục vụ người khác. Vui khi thấy người khác sung sướng.

Chính khách hoan hô đồng thuận kế hoạch của Cha đã thay đổi bộ mặt xã hội Pháp.

TT. Jacques Chirac tuyên bố trên TV là cử hành đám táng của Cha theo quốc táng, và nói : Nước Pháp mất đi một khuôn mặt vĩ đại, con người có luân lý cao độ, và là người hiện thân cho sự thiện. Nước Pháp dành trọn con tim cho Ngài. Thủ tướng Dominique de Villepin qua lời giã biệt : Abbé Pierrre có trái tim rộng mở, bằng mọi con đường xả thân cho người khác. Cha có sức mạnh đánh động mọi con tim có lương tâm. Bộ trưởng Lao Động và Gia Cư Jean Louis Borloo tuyên bố đạo luật sắp ban hành ‘‘Mỗi người có một mái nhà’’ sẽ mang tên Abbé Pierre.

Những người chịu ơn nức nở tiếng khóc vì từ nay ‘‘cha tôi đã chết’’, lấy ai nâng đỡ. Đan cử ba trường hợp.

- Mùa đông 54, tại ven rừng gần Lagny, Pierre Kother mới 6 tuổi, không nhà cửa, đói không gì bỏ bụng, khóc lang thang... được trở nên ‘‘một trong những đứa con của Abbé Pierre’’. Được nuôi ăn học, ra trường là kỹ sư điện toán. (Paris Match. 25-1-2007, tr. 47)

- Năm 1951, tại Place Clichy, trên vỉa hè, đã lâu ngày có bà mẹ ôm đứa con gái ngồi trên tấm matelas, chờ chồng đi làm về. Được biết, hai đứa con trai của bà vừa chết. Còn bé gái còn sống này chân run như con chó, mặt mày xanh mét... Abbé Pierre đem cả nhà cho ở trong khu nhà Emmaus vừa mới cất. Cô bé năm xưa tên là Annie. Sau hành nghề luật sư. (Bđd, tr. 34)

- Năm 1970, tại Nantes, Joseph Hummeury từ Algérie về kiếm được việc làm của thợ làm sườn nhà. Ít năm bị thất nghiệp. Đã gần 50 tuổi làm sao kiếm việc lại được. Năm 1980, Emmaus nhận làm tài xế chở hàng đi xa. Mừng quá và vui hơn nữa. Năm 1983, Abbé Pierre làm đám cưới cho anh. Sau, vợ lại bị nghiện rượu, bệnh hoạn hoài, rồi qua đời. Cha cho phép đem xác vợ anh mai táng trong nghĩa trang Esteville, tận Normandie, không mất đồng nào. Tháng tháng, khi có dịp anh đến thăm mộ vợ. Nghe tin Abbé Pierre cũng sẽ an nghỉ nơi đây. Anh khóc. Vì sẽ có dịp viếng thăm cả hai người. (Le Figaro. 23-1-2007, tr. 8)

Khắp nơi đồng loạt tưởng niệm cha chung.

Vừa nghe Cha mất, trước nhà thương Val de Grâce, người qua lại đặt hoa, hình, đốt nến khấn xin đôi lời. Có những người phát biểu chân thành : Ngài là thánh như Mẹ Teresa Calcutta.

Đồng loạt trong các nhà thờ, người ta tự động tổ chức giờ kinh, đốt nến cầu nguyện như tiễn đưa, và cám ơn Cha. Như nhà thờ Saint Eustache, Paris 1. Trung tâm Fondation Abbé Pierre, 3-5 rue Romainville, Paris 19. Trung tâm tiếp đón Emmaus cho người không nhà Agona, 32 rue des Bourdonnas, Paris 1. Hiệp hội Emmaus, 179 quai de Valmy, Paris 20. Tại Lyon, nơi sinh quán, gia đình và thân thuộc đã vây kín căn nhà Ngài sinh ra. Rất đông các cháu hội họp đọc lại những sách của ngài. Các trung tâm Emmaus khắp nơi và trên thế giới đã dành nhũng phút yên lặng để tang vị sáng lập.

Trong hai ngày 24 và 25-1-2007, quan tài Ngài để trong nhà nguyện Val De Gâce để cho dân chúng vào kính viếng. Ước lượng 3.000 đã được vào. Bên cạnh những vòng hoa và nến sáng, người ta còn đọc lại nhiều lời Ngài mời gọi, như : Các trung tâm huynh đệ cấp bách có sẵn. Bạn hãy vào, ngủ nghỉ, ăn uống tìm lại hy vọng. ở đây người ta qúi mến bạn. (1-2-1954)

Đêm 25-1-2007 tại vận động trường Bercy, tổ chức Emmaus đã phối hợp tổ chức đêm tiễn đưa Ngài thật cảm động, đầy đẫm lệ. Những lời phát biểu đủ mọi hạng người.

- Trẻ em mồ côi được đem về nuôi, cho ăn, đi học và thành người.

- Những người vô gia cư, túng thiếu bần cùng có chỗ nương tựa, kiếm được công ăn việc làm và làm lại cuộc đời.

- Đoàn người bất hạnh, bơ vơ, cô đơn tìm ra ánh sáng chân lý cuộc đời, và ngay cả hạnh phúc vĩnh cửu mai sau trên quê trời.

Tất cả và tất cả đều sâu nặng mang ơn, và ai cũng có thể gọi Cha là ‘‘Cha tình thần’’ của mình.

Từ nhỏ, thân xác Abbé Pierre gầy yếu và sức khỏe yếu kém. Tất cả, Cha đã vào nhà thương 24 tháng và bị mổ 6 lần. Từ 70 tuổi cha bị Parkinson và từ 1991 bị cơn đau tim. Lúc nào Cha cũng sợ lạnh, vì không đủ sức chống lại thời tiết cả mùa hè cũng như đông. Nên lúc nào Cha cũng mang manteau, đội béret, chống gậy, vì ‘‘sợ gió bay’’. Nhưng sức phấn đấu phi thường. Có khi Cha nổi giận vì thấy ít ai quan tâm đến người khác, chỉ ích kỷ cho mình. Bài học Abbé Pierre để lại là khiêm nhường, kiên trì đấu tranh cho nhân quyền và đem lại quyền làm con Thiên Chúa. Để ‘‘cuối cùng, tất cả ai cũng có một chỗ ở đàng hoàng trên Thiên Đàng’’ (Enfin un endroit où tout le monde est bien logé. Paradis - Pèlerin. 23-1-2007, tr. 10).(www.giaoxuvietnamparis.org)