ABBÉ PIERRE, CON NGƯỜI NIỀM TIN VÀ TINH THƯƠNG



Chúa Quan Phòng chuẩn bị

Tên đầu đời của Abbé Pierre là Henry Grouès, sinh ra ngày 5 tháng 8 năm 1912, trong một gia đình giàu có vùng Lyon. Ông thân sinh chuyên nghề buôn tơ lụa, thân mẫu lo nội trợ và chăm sóc 8 mặt con, mà Henry Gouès đứng thứ năm. Cả hai ông bà nổi tiếng phúc hậu và đạo đức. Lớn lên, học giỏi, Henry Grouès ôm mộng ‘hoặc theo lý tưởng của thánh
Abbé Pierre
Phanxicô Khó nghèo hoặc nối chí anh hùng Napoléon’. Lúc 19 tuổi chàng đã chọn làm con thánh Phanxicô và được phép song thân vào dòng Capucins. Ba năm sau, thầy khấn tạm và mang tên là Philippe. Tới ngày 24 tháng 8 năm 1938 thày chịu chức linh mục và được bổ nhiệm làm phó nhà thờ chính tòa Grenoble. Nhưng chỉ sau mấy tháng, cha Philippe bị động viên với cấp bậc trung sĩ. Kể từ đó, cha xung vào hàng quân chiến đấu và chuyên giúp người Do Thái vượt biên giới qua Thụy sĩ tìm tự do. Một trong những người đã được cha cực nhọc giúp đỡ là em trai bị bệnh tê liệt của tướng de Gaule. Chính trong thời điểm này mà cha Philippe đổi tên là Abbé Pierre để tránh sự nhòm ngó của quân Đức. Dầu vậy, tháng 5 năm 1944, Abbé Pierre bị quân Đức bắt giam, nhưng ngài đã vượt ngục nhờ nằm guộn tròn trong sắc thư bưu điện, và được máy bay chở qua Madrid rồi tới Alger, thủ đô Algérie. Tướng de Gaule đến gặp ngài ở đây và bổ nhiệm ngài làm tuyên úy Thủy quân. Khi hòa bình trở lại trên đất Pháp, Abbé Pierre xin về làm mục vụ tại giáo phận Grenoble. Nhưng rồi theo lời khuyến khích của nhiều bạn bè, năm 1945, cha từ giã Grenoble lên Paris và được đức hồng y Shuard chấp thuận cho ra ứng cử dân biểu của vùng Meurthe et Moselle, trong liên danh Phong Trào Cộng Hòa Bình dân (MRV : Mouvement République Populaire), nhiệm kỳ 1945-1951. Thế giá của Nghị sĩ đã cho phép Abbé Pierre trở thành tiếng nói của dân nghèo… đến độ ngày nay người ta hãnh diện gọi ngài là ‘Giáo hoàng của dân vô gia cư’, ‘Cha sở của người không tiếng nói’, ‘Bố nuôi của những người khố rách và bụng đói’… là ‘người sáng lập Cộng Đồng Emmaus’ (1949). Tất cả như đã được Thiên Chúa Quan Phòng chuẩn bị cho Abbé Pierre thành con người của Niềm Tin và Tình Thương.

Tình thương vô biên giới.

Chứng kiến cảnh đổ nát chiến tranh để lại trên quê hương, nhất là cảnh đói khổ của lớp dân không việc làm, không bánh ăn, không áo mặc, không nhà ở, Abbé Pierre đã nhiều lần lên tiếng trên diễn đàn quốc hội… Nhưng không mấy ai lắng nghe, nhất là các ông bộ trưởng liên hệ, nên từ năm 1951, ngài đã vận động tiền mua nhiều khu đất ngay ở Ile – de – France để xây cât các‘khu nhà tạm trú khẩn trương’ : 19 khu tại Champ-Fleuri, 14 khu tại Coquelicots, 1 tại Lapépinière, 1 tại Bouquet và 1 tại Pomponne. Ngài xin chính phủ cho các gia đình trú ngụ tại các khu nhà khẩn trương tiền trợ cấp tối thiểu để sống. Vạn sự khởi đầu nan, nhiều người lo sợ, cho những việc làm của Abbé Pierre là bất hợp pháp và nguy hiểm :

Người đồng hành và tận tình giúp đỡ tôi ngay bưổi đầu là cô Coutaz. Phải nói thật, nếu không có cô động viên thì tôi không khởi sự gì được. Người xưa hay nói đùa : «Chỉ mình người cha, trong nhà không đồng xu dự trữ ». Cô lo tiết kiệm không phải gom góp để làm công trình lớn lao, nhưng để có tiền chi cho ngày mai. Cô là người cặn kẽ, thực tế và nhìn xa mọi việc. Cô thấy việc tôi sắp khởi sự là bất hợp pháp và điên rồ. Cô bảo tôi «Chuyện đó khó thành. Coi chừng cha vào tù đấy !». Nhưng khi thấy tôi cương quyết làm, cô nói thêm «Tôi không để cha làm một mình… » (Testament 1994).

Đêm 03. 01. 1954, khi các nghị sĩ bỏ thăm từ chối việc ngài xin ‘xuất qũy quốc gia một triệu francs để xây thêm các khu nhà cấp cứu khẩn trương’, thì một em bé ba tháng đã chết vì gía lạnh. Cha liền viết thơ yêu cầu chính phủ phải quan tâm đến số phận dân nghèo. Đến ngày 01.02.1954, Abbé Pierre kêu gọi trên làn sóng vô tuyến:

« Các bạn thân mến, hãy ra tay cứu trợ, hãy mở lòng giúp đỡ ! Sáng nay, giữa lòng thủ đô, trên vỉa hè đại lộ Sébastopol, một người đàn bà đã chết vì dói ăn và giá lạnh, trong tay còn cầm tờ giấy bị đưổi nhà… Ôi thương tâm !Mỗi đêm có hơn 2.000 người co quắp dưới gía lạnh, không bánh ăn, không mái nhà trú thân, không quần áo che mình… Trước những cảnh thương tâm hãi hùng này, những khu nhà cấp cứu khẩn trương hiện nay hoàn toàn bất lực… Chúng ta đành khoanh tay đứng chứng kiến anh chị em mình chết khốn khổ như vậy sao? Phải giúp mọi người ý thức, đừng để cảnh đau thương này kéo dài mãi ! Tôi tha thiết xin các bạn hãy ra tay làm ngay một cái gì tích cực để xóa bớt nỗi đau thương. Một chuyện tuyệt vời đáng làm là đánh động lòng bác ái vì ích lợi chung của dân tộc Pháp. Cám ơn, chân thành cám ơn» (Testament 1954 ).

Lời kêu gọi của Abbé Pierre được đáp ứng nồng hậu, chỉ vài ngày sau, cha nhận được 120 triệu francs, 120 tấn quần áo, 60 khu nhà cấp cứu huynh đệ được mở cửa trong vùng Paris, ga xe lửa Orsay cũng được trung dụng.

Lòng nhân hậu, chương trình bác ái của Abbé Pierre không đóng khung trong biên giới nước Pháp, nhưng mau mở rộng qua Phi châu, Á châu và Nam mỹ. Hiện nay các Cộng Đòan Emmaus đã có mặt trên 37 quốc gia. Quả là ‘tình thương vô biên giới’.

Niềm tin kiên vững.

Tình thương của Abbé Pierre dành cho người nghèo ‘trở thành vô biên giới’ nhờ đức tin vào Thiên Chúa Tình Yêu. Đức tin là động lực thúc bách ngài làm vinh danh Thiên Chúa bằng tận lực yêu thương và phục vụ dân nghèo khổ, không phân biệt mầu da, tiếng nói hay tôn giáo.

Người ta gọi Abbé Pierre là ‘Người của niềm tin và chiêm niệm’ (Un homme de foi et de contemplation) quả thật hữu lý. Bởi vì ngài đã biết nuôi dưỡng đức tin bằng tinh thần cầu nguyện. Cha đã tuyên chứng niềm tin của ngài trong cuốn phim ‘Mùa Đông 1954’ trình diễn tại Cannes năm 1988. Đức tin là chìa khóa của đời sống và mọi hoạt động của ngài. Theo ngài, đời sống tại thế là một chuỗi dài chuẩn bị đi gặp ‘Đấng là Tình Yêu Vĩnh Cửu’. Ngài đã củng cố niềm tin và tinh thần cầu nguyện đặc biệt trong những năm nhà tập tại tu viện. Đức tin và cầu nguyện đã giúp ngài mỗi ngày biết can đảm và có nghi lực thăng tiến.

«Cầu nguyện là việc tu luyện tự bản thân hơn là đựa theo quy luật. Nếu người ta chỉ muốn quy định việc cầu nguyện theo giáo luật, thì không trúng. Cầu nguyện kiểu đó không phải là động lực của các nhà bác học, các người chú giải Thánh Kinh và các vị lãnh đạo » (Dieu merci, 1995).

Abbé Pierre cho biết ngài được ‘ơn thờ phượng hay ơn chiêm niệm ngay từ lúc 16 tuổi. Ơn huệ này tồn tại và phát triển thêm mãi trong đời sống của ngài. Một trong những người giúp ngài đi sâu vào đời sống cầu nguyện và chiêm niệm hay thờ lạy là cha Maurice Zundel (1896-1975) sống tại Lausanne mà ngài nhận làm cha tiêng liêng và cha giải tội trong nhiều năm. Kể từ 1980, Abbé Pierre có thói quen cứ hai tháng một lần đến tu viện Saint-Wandrille cầu nguyện một ngày. Abbé Pierre còn trung thành với việc cấm phòng tháng, thường tại một tu viện dòng các cha Biển Đức.

Điểm đặc biệt nữa là Abbé Pierre có lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể cách tha thiết. Ngài rất quan tâm đến việc chầu Mình Thánh và việc dâng Thánh Lễ. Ngài luôn ngợi khen và cảm tạ Tình Yêu đã chiến thắng sự ác. Do đó, khi dâng lễ, ngài thích đọc kinh Vinh Danh trước kinh Cáo mình. Ngài bảo :

«Thật kỳ cục, đến với Chúa Giêsu Thánh Thể là được mời bởi một Đấng Yêu Thương tuyệt vời, thế mà lại đấm ngực xin lỗi trước. Tốt hơn ngay khi đến phải cám ơn và ngợi khen mới đúng chứ ! » (Dieu Merci, 1995)

Sống gần gũi với người nghèo trong mọi hoàn cảnh bi ai của họ, Abbé Pierre nghiệm thấy rằng chính những gương xấu xẩy ra trong Giáo Hội và xã hội làm lung lay đức tin của các tín hữu.

« Không phải đức tin, nhưng là chính những gương xấu của thế giới có thể gây khó dễ cho đời sống đạo của người có niềm tin. Vì thế, khắp nơi, Tin Mừng mời gọi can đảm sống trọn lành trong thế gian, cho dù bao cảnh thương tâm và bao tội ác trải dài trước mắt… Tiếc là người ta còn xa đường trọn lành lắm ! » (Testament 1994).

Như mọi kitô hữu, đặc biệt như các tu sĩ con cái thánh Phanxicô, Abbé Pierre có một lòng sùng kính cao độ đối với Trinh Nữ Maria. Lòng sùng kính đơn sơ nhưng trung thành. Như lời cha ghi lại dưới đây :

«Lúc còn nhỏ, có lần tôi đến hỏi cha P. Michel, một linh mục dòng Tên cao niên và đạo đức : « Con thấy các Thánh mà người ta thường kể chuyện, yêu mến đặc biệt Đức Mẹ Maria. Điều đó làm con lo sợ, vì thực tình, con chưa yêu mến Đức Mẹ cho đủ !». Bấy giờ cha bảo tôi : «Đừng lo nghĩ điên đầu, rất đơn giản, khi nào con ở một mình, con cứ đọc kinh Kính Mừng». Tôi đã làm và tôi giữ kỹ điều đó từ hơn 80 năm nay. Tôi không thể nhắm mắt ngủ khi chưa đọc kinh Kính Mừng !» (Testament 1994).

Không ai chối cãi lòng yêu mến Giáo Hội của Abbé Pierre. Đó là vang vọng của đời sống đức tin và cầu nguyện. Nhưng có một điều đáng ghi, là giống như thánh tổ phụ của ngài, Abbé Pierre ước mong một ‘Giáo Hội đích thực, khó nghèo và khiêm tốn’. Có lần ngài đã than thở :

«Tôi mong viện bảo tàng Vatican trở thành kho tàng của nhân loại hơn là kho tàng của Giáo Hội. Vì thế, tôi nghĩ, nếu được, Giáo Hội nên nhượng kho tàng này cho UNESCO’ (Cơ quan Văn Hóa quốc tế).

Là con người sốn đức tin và cầu nguyện chuyên cần, Abbé Pierre tự cảm thấy phải sống trung thành với thiên chức và tác vụ linh mục. Cụ thể mà nói, cha đã hoạt động bác ái bên cạnh những người nghèo khổ nhân danh Giáo Hội và với tư cách là linh mục. Cần đọc các bài viết của ngài để hiểu được ngài đã sống lý tưởng linh mục như thế nào. Ở đây, chỉ xin ghi lại hai điểm : Chiến đấu để trung thành và ý thức sứ mệnh tuyên chứng Tin Mừng.

«Tôi cố trung thành sống ba lời khấn phúc âm : Vâng lời, Khiết tịnh và Khó nghèo. Phải thú thực sống đức khiết tịnh khó nhất. Chỉ mình Chúa biết giá trị của những hy sinh và cố gắng của một linh mục khi phải từ chối suốt đời ‘sự dịu dàng của người nữ’… May thay, tôi cảm nghiệm được sự dịu dàng của Thiên Chúa, sự dịu dàng vô cùng phong phú đến với con người linh mục bằng trăm ngàn cách… » (Testament 1994).

«Linh mục là sứ giả của Tin Mừng. Linh mục phải nên nguồn suối các ơn sủng của Thiên Chúa chảy ra qua các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, đổ xuống để yên ủi, xoa dịu và chữa lành nhân loại, đặc biệt những người nghèo đói và đau khổ…Nhân loại thèm khát sự tuôn chảy hồng ân này, sự tuôn chảy hồng ân mà linh mục có thể đem đến cho mọi người… » (Testament 1994).

Đi vào mầu nhiệm.

Là một đứa trẻ gan dạ, Abbé Pierre đã nghĩ đến sự chết ngay từ lúc 6-7 tuổi, sau ngày ra đi vĩnh viễn của ông nội. Khi có dịp trao đổi về sự chết, cha thường nói «Chờ mong sự chết không phải vì thất vọng, nhưng vì khao khát nhìn ngắm mặt trời cách toàn vẹn ». Abbé Pierre tiếp tục suy nghĩ về ‘chị tử thần’ (soeur la mort) khi giúp đỡ song thân hay các ‘đồng chí Emmaus già nua’ trong những ngày cuối đời của họ…Ngài hay nói : «Khi người ta đặt tay vào bàn tay của người nghèo lâm tử, người ta tìm thấy bàn tay của Thiên Chúa trong bàn tay khác của mình» … Kể từ năm 1991, khi bệnh tim báo động, Abbé Pierre về ở Esteville, một làng quê vùng Normandie. Ngài sống trong khu nhà Emmaus này với nhiều ‘đồng chí già nua, nhiều bạn tật nguyền’ và hai đôi vợ chồng có con cái. Mỗi tuần ngài dành nửa ngày để ‘sống sa mạc’. Ngài đã ghi lại :

«Nhờ sống tĩnh lặng, tôi cảm nghiệm rõ rằng tôi là kẻ được Thiên Chúa ưu đãi… và nếu chỉ dùng lý trí mà khám phá mầu nhiệm, dù là mầu nhiệm sự chết, người ta sẽ chỉ thấy những điều phi lý vô nghĩa; còn lấy niềm tin mà khám phá mầu nhiệm, thì lập tức sẽ thấy như nhìn thẳng vào mặt trời chính ngọ, mắt sẽ tối sầm, không phải vì đêm xuống, nhưng vì quá nhiều ánh sáng» (Testament 1994).

Gia tài để lại.

Gia tài Abbé Pierre để lại cho các đồng chí của ngài, cũng là chúng ta tất cả, đó là ‘dựa vào đức tin, hoạt động tích cực theo tinh thần bác ái phúc âm’, là ‘nâng cao nhân vị con người’; đó là một màng lưới bao la trải dài trên 37 quốc gia những hoạt động của 440 cộng đoàn Emmaus. Emmaus tại Pháp được thành lập từ năm 1945 và hoạt động mạnh nhất, với 115 cộng đoàn, 4.000 đồng chí, 5.000 thiện nguyện và 1.000 nhân viên trả lương bình thường. Tại sao gọi là Emmaus, Abbé Pierre cắt nghĩa:

“ Emmaus chính là đi tìm những người xiêu bạt nhất, dẫn họ về sống xứng với nhân vị, với đời sống đầy đủ ý nghĩa… Bởi vì Ngôi Con Thiên Chúa đã đến trần gian để phục vụ chứ không phải để được phục vu. Emmaus như một cây to, cành lá xum xuê, trổ đầy hoa trái. Hạt cây rụng xuống mọc lên nhiều mầm cây khác, ở khắp nơi và nặng trĩu hoa lá suốt cả bốn mùa… Emmaus phải là que diêm nhỏ làm cháy sáng cả khu rừng lớn… Lửa của Emmaus là lửa của Niềm Tin và Tình Thương, lửa của Đấng là Tình Thương Vĩnh Cửu” (Emmaus Mouvement, 1999).

Abbé Pierre đã được Chúa gọi về cách êm ái lúc 5g25 sáng thứ hai, 22.01.2007, tại nhà thương quân đội Val de Grâce, Paris, hưởng thọ 95 tuổi (1912-2007) Cả đại gia đình Emmaus và cả dân tộc Pháp đều thẫn thờ xúc động. Tổng thống Jacques Chirac đã lên tiếng :” Nước Pháp đã mất đi một khuôn mặt vĩ nhân, một lương tri trong sáng, một tấm lòng nhân hậu khôn lường. Cả nước Pháp đều xúc động”. Và Tổng thống đã quyết định tổ chức lễ quốc táng cho Abbé Pierre tại vương cung thánh đường Notre Dame de Paris vào thứ sáu 26.02.07 lúc 11g00. Tham dự Thánh Lễ an táng, về phía chính quyền có sự hiện diện của Tổng thống Jacques Chirac, các cấp Chính phủ, Thượng viện, Hạ viện và Đại diện hầu hết các Đảng chính trị; về phía Giáo quyền có nhiều Hồng y, Giám mục, nhiều linh mục và 5.000 tu sĩ và giáo dân, trong dó có tới 1.000 các ‘đồng chí’ Emmaus. Thi hài của Abbé Pierre được đưa về an táng tại làng Esteville, Normandie. Điều mong ước chân thành của nhiều người hôm nay là “Abbé Pierre mau được Giáo hội tuyên phong Chân Phuớc”. Chúng ta hãy đồng tâm cầu nguyện với họ.(www.giaoxuvnparis.org)