KỶ NIỆM 60 NĂM TỔ CHỨC CỨU TRỢ CÔNG GIÁO

Tưởng nhớ Cha Jean Rodhain, vị sáng lập


Ngày 21 và 22 tháng 10 2006, nhiều cuộc tập họp lớn của những người thiện chí và những người đang sống trong hoàn cảnh khó khăn, đãđược tổ chức trên toàn nước Pháp để kỷ niệm và đẩy mạnh sự phát triển của tổ chức Cứu Trợ Công Giáo (Secours Catholique). Chúng tôi xin ghi lại đôi dòng để trước nhất là tưởng nhớ Cha Jean RODHAIN, vị sáng lập, và sau đó nhìn lại những giai đoạn chính của tổ chức này trong nhãn giới chứng nhân cuả niềm tin Kitô giáo.

1. Những năm tháng cuộc đời Cha Jean Rodhain :

1900 : Sinh tại Remirement (miền Vosges, nước Pháp)

1918 : Vào dại chủng viện St-Dié

1924 : Lãnh chức Linh mục

1935 : Tuyên úy tổ chức Thanh Lao Công

1939 : Lệnh động viên nhập ngũ, bị cầm tù

1940 : Vượt ngục, Tuyên úy các tù nhân chiến tranh

1944 : Tổng tuyên úy quân đội Pháp

1946 : Thành lập Hội Cứu Trợ Công giáo

1962 : Chuyên viên tại Công Đồng Vatican II

1970 : Chủ tịch Hội Cứu trợ Công giáo quốc tế

1977 : An nghỉ vĩnh viễn tại Cư xá Thánh Phêrô, Lộ Đức

2. Quê quán cha mẹ :

Sinh ra trong gia đình công giáo truyền thống tại Remirement, miền Vosges, đông bắc nước Pháp. Cha là ông Rodhain làm nghề buôn bán, chủ một tiệm tạp hoá. Mẹ là giáo viên tiểu học. Hai người quen nhau qua các buổi “bán hàng bác ái” (vente de charité) của giáo xứ. Sau khi kết hôn, họ có 2 người con : Jean và Elisabeth. Ngay từ khi còn nhỏ, tuy sức khỏe mỏng manh, nhưng Jean đã tỏ ra có óc tổ chức và siêng năng làm việc. Ngoài việc học, Jean giúp đỡ và học hỏi nhiều với cha cậu trong nghề buôn bán : tháo vát tổ chức công việc, tính toán giá cả hàng hoá. Đồng thời qua ảnh hưởng giáo dục của mẹ, Jean cũng thích nghề dạy dỗ, giáo dục trẻ em và giúp đỡ người khác trong cuộc sống. Ơn kêu gọi chớm nở trong tâm hồn cậu.

3. Ơn kêu gọi linh mục :

Năm 18 tuổi, Jean xin vào học tại đại chủng viện Saint-Dié. Sau 6 năm đào tạo, Jean lãnh chức linh mục và nhận nhiệm vụ cha phó tại giáo xứ Saint Maurice, thuộc miền Epinal. Với tính tình cương trực, hoạt bát, những hoạt động tông đồ đầu tiên tuy mang lại nhiều kết qủa tốt, nhưng lại gây một số mâu thuẫn trong việc quản trị giao xứ. Đức giám mục Epinal quyết định chuyển cha về Mandres-sur-Vaires, một miền quê hẻo lánh, nghèo nàn, vừa khô chồi về vật chất lẫn tinh thần đạo. Quyết định này của đức giám mục được coi như là thử thách đầu tiên cho cuộc đời linh mục. Nhưng Cha Jean đã cầu nguyện và vâng lời. Cha viết : Không có việc ‘đi đầy’ đối với một linh mục; chính lúc linh mục tưởng mình bị thất sủng là lúc Chúa ban đầy ơn thánh.

Sau khi người cha mất đi, em gái của cha Jean là Elisabeth cũng dâng hiến cuộc đời, thành chị nữ tu bénédictine. Người mẹ già cũng tình nguyện vào nhà xứ nghèo lo cho người con linh mục.

Năm 1929, cha Jean được đức giám mục ủy thác nhiệm vụ tuyên úy Thanh Lao Công miền Neuf-Chateau. Lúc này phong trào Thanh Lao Công bắt đầu phát triển mạnh tại Pháp, cha Jean đã đóng góp tích cực cho phong trào. Vì thế năm 1934, cha được ủy thác trách nhiệm liên đoàn Nữ Thanh Lao Công vùng Paris. Năm 1937 một đại hội toàn quốc được cha Jean phối hợp tổ chức tại Paris, qui tụ trên 80 ngàn người trẻ lao động. Cha Jean đã chứng tỏ thiên tài tổ chức và hoạt động cộng đồng của mình. Năm 1939 đại chiến bùng nổ. Cha Jean bị động viên vào quân ngũ, rồi bị cầm tù. Không bao lâu cha vượt ngục, và được Hội Đồng Giám Mục Pháp trao trách nhiệm Tổng Tuyên úy tù binh chiến tranh, trong số này, có khoảng 6000 linh mục và chủng sinh cần được giúp đỡ. Sau ngày giải phóng, cha Jean Rodhain được bầu làm Tổng Tuyên úy quân đội Pháp.

4. Sáng lập Hội Cứu Trợ Công Giáo :

Sức tàn phá kinh khủng của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, cả về vật chất lẫn tinh thần, đã làm cho đời sống nhân dân vô cùng cơ cực. Giáo hội công giáo Pháp nhận thấy trách nhiệm khẩn cấp phải nâng đỡ dân chúng, nhất là những người đang lâm vào hoàn cảnh nghèo đói khốn khổ. Năm 1946, HĐGM mong muốn tổ chức và hợp nhất các hoạt động bác ái xã hội. Các ngài đã ủy thác cho cha Jean Rodhain công tác này. Sẵn có tài tổ chức, lại được tôi luyện qua những kinh nghiệm trong cuộc chiến vừa qua, cha Jean Rodhain suy nghĩ, cầu nguyện và bắt tay vào việc. Lần đầu tiên các hoạt động bác ái xã hội của Giáo Hội Pháp được quy tụ vào một tổ chức duy nhất, lấy tên là Hội Cứu Trợ Công Giáo. Ngay từ đầu, cha Jean đã chỉ ra hướng đi của tổ chức : kết hợp mọi khả năng của tất cả những người thiện chí, tìm mọi cách giúp đỡ những người đau khổ, nhất là những người nghèo và những người bị xã hội bỏ rơi. Châm ngôn của Hội là : Chúa Kitô tiếp tục hành động trong cuộc sống. «Ở đâu tấm bánh được chia sẻ, ở đó có sức sống của Chúa Kitô». Cha Jean Rodhain đã sớm nhận ra viễn tượng ‘sứ mệnh tiên tri’ của tổ chức. Chia sẻ tức là liên đới trong đời sống. Chia sẻ chén cơm manh áo, cũng như chia sẻ tình thương yêu đùm bọc trong chiều hướng công bằng xã hội. Chính là tinh thần chia sẻ mà sách Sứ Vụ Tông Đồ đã rao giảng. Đức tin và Tinh thần chia sẻ là hai khí cạnh của một nền giáo huấn xã hội của Giáo Hội nhằm tranh đấu cho nhân phẩm của những người nghèo khổ nhất. Ý thức trách nhiệm chia sẻ như một sứ vụ tông đồ, cha Jean Rodhain đã suy nghĩ, bàn luận nhiều về tinh thần này trong khi ngài làm chuyên viên của Công Đồng Vatican II. Ngài nhấn mạnh trên 3 điểm cần thiết sau đây : Đào sâu thần học bác ái, thiết lập chức phó tế chuyên lo thừa tác bác ái, thiết lập cơ quan có tầm mức quốc tế tiêu biểu cho thừa tác mục vụ của Giáo Hội bên cạnh những người nghèo. Chính ĐGH Phaolô 6 đã thực hiện điểm thứ 3 này khi Ngài lập ra Hội Đồng Giáo Hoàng Cor Unum năm 1971 và cũng chính Ngài đã phong cho cha Jean Rodhain tước hiệu Giám mục không địa phận (chorévêque).

Cha Jean Rodhain đã hoạt động không mệt mỏi cho phong trào Cứu trợ Công giáo, nhất là những năm cuối đời, khi ngài làm Chủ tịch Tổ chức Bác ái Quốc tế (Caritas internationalis). Cha đã an nghỉ vĩnh viễn tại cư xá Thánh Phêrô do chính ngài lập ra, ngay bên hang đá Lộ Đức, dưới ánh mắt dịu hiền của Mẹ Maria.

5. Vài nét về sự phát triển của tổ chức Cứu Trợ Công Giáo

1946-1955 : Giai đoạn kêu gọi ban đầu

Thành lập ngay sau thế chiến do cha Jean Rodhain qua lời kêu gọi của Hội nghị các Hồng y và Giám mục Pháp. Các hoạt động của những năm đầu nhằm đi vào tất cả các khía cạnh nghèo của đời sống (bệnh tật, già nua, đau khổ, nghèo đói…). Năm 1951, Cứu Trợ Công Giáo hợp tác xây dựng Hội Nghị Quốc Tế các hoạt độnh bác ái công giáo, sau này trở thành Hội Bác ái Quốc tế (Caritas internationalis).

1956-1965 : Giai đọan cất cánh của tổ chức

Đây là giai đoạn các cư xá cứu trợ : tại Paris, Lộ Đức… và nhiều nơi khác, các cư xá cứu trợ mọc lên trên đất Pháp. Năm 1961, đề nghị tổ chức và phát triển một số những hoạt động nhỏ dành trợ giúp các nước nghèo trong thế giới đệ tam.

1966-1975 : Giai đoạn tranh luận

Cũng như các tổ chức khác, CTCG trải qua giai đoạn trưởng thành về đường hướng. Nhiều cuộc tranh luận đã xảy ra. CTCG phải làm việc theo đường hướng nào trước nhất : bác ái hay công bằng xã hội ? Trung thành với sứ mệnh của mình, CTCG khẳng định phải thực hiện cả hai mục tiêu : lấy tình thương Kitô giáo làm nền tảng, đồng thời cũng công nhận chiều hướng có tính cách chính trị của công việc làm. Phải hành động cho người nghèo và với người nghèo. Trên bình diện quốc tế, phong trào cứu trợ nạn đói tại Biafra là đỉnh cao của tổ chức.

1976-1985 : Giai đoạn hoạt động theo hướng công bình xã hội

CTCG muốn hướng các hành động để ảnh hưởng vào tận gốc rễ vấn đề nghèo đói. Hai hiện tượng xã hội mới : nạn thất nghiệp của đám đông dân chúng và vấn đề thiếu thốn nhà cửa của dân nghèo, đã cung cấp cho tổ chức CTCG một cơ hội chuyển mình quan trọng.

1986-1995 : Giai đoạn mang huy hiệu quốc gia

Tổ chức CTCG nhắm đi vào các phương tiện truyền thông xã hội và vươn ra ngoài biên giới Giáo hội. Năm 1988, CTCG được vinh dự gắn huy hiệu « vì sự nghiệp lớn của quốc gia », từ đó phát động phong trào ‘hãy cởi trói tâm hồn của bạn’ trên tất cả các phương tiện truyền thông. Tại Pháp, CTCG đã tham gia vào việc thiết lập ‘số lương trợ cấp tối thiểu‘ cho người nghèo. Trên thế giới, tổ chức Caritas phát động chiến dịch cho Rwanda và cựu Nam Tư.

1996-2006 : Giai đoạn các thách đố mới

Năm 1997, CTCG công bố 3 hướng hoạt động :

a. Cổ động sự thăng tiến chỗ đứng và tiếng nói của người nghèo.

b. Hành động cho việc chuyển đổi xã hội và cho công bằng xã hội.

c. Sống sứ mệnh được trao phó trong lòng Giáo Hội :

Năm 1998, nhiều tổ chức xã hội, trong đó có CTCG, đã tranh đấu cho ra đời khoản luật chống việc khai trừ trong xã hội (loi contre l’exclusion). Năm 2004, tổ chức CTCG đã phát động phong trào cứu trợ đặc biệt rộng lớn giúp đỡ nạn nhân sóng thần và động đất tại vùng Đông Nam Á châu. Hiện nay tổ chức CTCG có 106 phái đoàn đại biểu các địa phận với 4200 tổ chức địa phương và khoảng trên 70 000 người thiện chí tình nguyện. Tổ chức CTCG có mặt trên hầu hết các địa bàn hoạt động xã hội tại Pháp : giúp cho những người không nhà cửa, người di dân, tù nhân, người thất nghiệp, những gia đình trong cảnh bấp bênh, thanh thiếu niên gặp hoàn cảnh khó khăn, trẻ em bị bỏ rơi, những người sống kiếp du mục, tổ chức những bữa cơm miễn phí cho người nghèo …v.v; Và trên bình diện quốc tế, CTCG với tổ chức Caritas France đề nghị và tham gia rất nhiều chương trình tài trợ xuyên qua các tổ chức Caritas địa phương không những trên lục địa châu Âu, nhưng đặc biệt tại Phi châu, Á châu va Nam mỹ. Hàng năm có tới trên 600 chương trình hoạt động được tài trợ ở khắp nơi.

Nói một cách cụ thể, Cứu Trợ Công Giáo đã đi vào đời sống thường ngày của xã hội Pháp cũng như đóng góp cụ thể vào chương trình cứu trợ thế giới.

Để đánh giá tổ chức CTCG, ông Richard Bohringer, một nhạc sĩ và diễn viên điện ảnh đã viết : «CTCG sau 60 năm thành lập, đã và sẽ là 1 yếu tố chủ chốt cho xã hội Pháp… Từ lúc tôi tham gia vào phong trào rầm rộ phổ biến khẩu hiệu : ‘hãy cởi trói tâm hồn của bạn’ trên đài phát thanh và tại Parc des Princes, tôi cảm thấy rất gần những người làm việc từ thiện này, trong đó có nhiều người mà tôi muốn dấn thân hoạt động với họ, vì họ đã mang lại cho tôi một điều căn bản : họ là con tim của nhà nước Cộng Hoà (la République). Chính họ giúp tôi gìn giữ được điều này là phải chú ý tới người khác, tới những vết thương của họ, tới những tiếng kêu cứu thất vọng, che dấu cảnh khốn cùng … CTCG là nơi có thể phát biểu bằng đức tin để thoa dịu nỗi đau khổ của con người. Giúp đỡ người khác như CTCG đang làm, không phải chỉ là ký một tấm ngân phiếu trên góc bàn, nhưng cũng còn là những cử chỉ như đưa tay dắt một cụ già cùng một chung cư với tôi, đang sống trong cảnh cô đơn, thất vọng. Cứu Trợ Công Giáo đang tiếp tục hoạt động mỗi ngày, và điều này làm cho tôi cảm thấy rất vui ».

Viết theo tuần báo La Vie, 12 octobre 2006 (www.giaoxuvietnamparis.org)