’Giáo Dân Đàng Ngoài Ở Tỉnh Bố Chính*’’

Miền truyền giáo Đàng Trong được tỉnh dòng Tên của Nhật Bản chính thức thành lập vào năm 1615, thuộc thẩm quyền của giám mục giáo phận Malacca ở thành Goa, Ấn Độ và miền truyền giáo Đàng Ngoài được chính thức thành lập vào năm 1627 thuộc thẩm quyền của giám mục giáo phận Macao (thuộc địa của Bồ Đào Nha, được trả lại cho Trung Hoa ngày 20 tháng 12 năm 1999 ). Được biết vào năm 1626, từ Đàng Trong, thừa sai Đắc Lộ cùng với bề trên của mình là thừa sai Pedro Marquez được gọi về Macao và được tỉnh dòng sai đi thành lập miền truyền giáo Đàng Ngoài. Hai vị đã đến cửa Bạng tỉnh Thanh Hóa nhằm ngày lễ kính Thánh Giuse, 19-3-1627. Tuy là bề dưới, nhưng thừa sai Đắc Lộ có khả năng hội nhập văn hóa cao nên đã nổi bật trên lãnh vực truyền giáo ở Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong từ năm 1627 cho đến khi bị trục xuất vĩnh viển khỏi Đại Việt đầu tháng 7 năm 1645.

Khi nói về việc thừa sai Đắc Lộ, vào năm 1629, đã có dịp giảng đạo và rửa tội cho một số tân tòng ở Bắc Bố Chính, tác giả Người Chứng Thứ Nhất đã viết một đoạn như sau:’’Nguyên mười lăm năm về trước (1629) sau một năm rưỡi truyền giáo tại xứ Bắc, giáo sĩ Đắc lộ bị chúa Trịnh trục xuất, giao xuống thuyền cho lính chở vào Đàng Trong để chờ tàu Bồ Đào Nha về Áo Môn [ Ma Cao ]. Trên đường phát lưu, giáo sĩ khuyên được 24 thủy thủ của chúa Trịnh trở lại đạo. Thế rồi, thay vì ‘’đầy ‘’ giáo sĩ vào Đàng Trong, họ cho giáo sĩ lên bộ tại Cửa chúa, trong miền Bắc Bố Chính. Giáo sĩ ở miền nầy bốn tháng, rửa tội rất nhiều người, đến đầu năm 1630, nhân có tàu Bồ Đào Nha chở mấy cha dòng Tên đến rước, cha Đắc Lộ mới rời địa phương nầy trở về Hà Nội ‘’ 1.

1. Cần thiết phải nói lại cho đúng

Người đọc có thể nhận ra đây là một đoạn giáo sử, tóm lược một số chi tiết có liên quan đến sự nghiệp truyền giáo của thừa sai Đắc Lộ, đồng thời liên quan đến một cộng đoàn mà thừa sai Đắc Lộ đã để lại trên đất Bắc Bố Chính sau lễ Phục Sinh năm 1629. Nhưng là những chi tiết được thuật lại không đúng với thực tế địa lý và sự kiện lịch sử.

Chúng tôi xin đan cử mấy điểm chính

a). ‘’Thế rồi, thay vì ‘’đầy’’ giáo sĩ vào Đàng Trong, họ cho giáo sĩ lên bộ tại Cửa chúa, trong miền Bắc Bố Chính’’. Người đọc phải hiểu rằng, ‘’ họ ‘’ đây là hai mươi bốn thủy thủ của chúa Trịnh, sau khi đã trở lại đạo, thay vì giải giao đoàn truyền giáo vào Đàng Trong như án lệnh trục xuất của Thanh Vương Trịnh Tráng, đã tự động làm một nghĩa cử bất ngờ là cho đoàn truyền giáo lên bộ tại cửa Chúa trong miền Bắc Bố Chính.

Sự thật không phải như vậy. Thứ nhất cửa Chúa không nằm trong phạm vi lãnh thổ Bắc Bố Chính, là vùng đất có ranh giới từ Đèo Ngang đến Sông Gianh - Nguồn Son. Cửa Chúa (theo thừa sai Đắc Lộ) tức cửa Quèn, đã được xác định vị trí ở cách Bến Thủy thuộc Thành phố Vinh mười cây số về phía đông nam, nay thuộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Điều hiển nhiên thứ hai, viên thuyền trưởng và đoàn thủy thủ, cho dù có lòng tốt với thừa sai Đắc Lộ cách nào, cũng không thể làm trái lệnh chúa Trịnh Tráng, khi chính họ nhận đoàn truyền giáo từ Kẻ Chợ ngày thứ bảy, 31-3-1629, gồm hai thừa sai Pedro Marquez, Đắc Lộ và hai thầy giảng người Việt có tên thánh là Inhaxu và Antôn tháp tùng, để giao nộp cho quan tri châu Bắc Bố Chính là tướng Nguyễn Khắc Kham. Họ đã hoàn thành trách nhiệm được giao phó, và khi công việc bàn giao đã thực hiện xong xuôi ở dinh quan tri châu Bắc Bố Chính trong ngày Chủ Nhật Phục Sinh,15-4-1629, họ không còn trách nhiệm và quyền hành gì nữa trên số phận của đoàn truyền giáo.

b). ‘’Giáo sĩ ở miền nầy bốn tháng, rửa tội rất nhiều người’’. Sự thật, thừa sai Đắc lộ và đoàn truyền giáo của Ngài chỉ lưu lại Bắc Bố Chính một thời gian ngắn ngủi trong tuần Bát Nhật Phục Sinh năm 1629, khoảng từ 15-4-1629 đến ngày 23-4-1629, được thong dong giảng đạo ở chốn phố phường và ngoài bãi biển, rửa tội tất cả là hai mươi bảy tân tòng, trong đó có một ông cử tinh thông Hán học. Liền sau đó, hai thừa sai đã được cung cấp cho một chiếc thuyền, các ngài đã vội vàng ra đi, với ý nghĩ’’từ tỉnh nầy chúng tôi nghĩ là có ích hơn nếu chúng tôi trở về Nghệ An, chúng tôi mới bỏ trước đây’’2

c). ‘’ Đến đầu năm 1630, nhân có tàu Bồ Đào Nha chở mấy cha Dòng Tên đến rước, cha Đắc Lộ mới rời địa phương nầy trở về Hà Nội’’. Nếu đúng như vậy, thì thừa sai Đắc Lộ đã lưu lại‘’địa phương nầy’’ tám tháng rưỡi, chứ không phải là bốn tháng. Rồi vấn đề là bằng cách nào mấy cha Dòng Tên đến rước cha Đắc Lộ về Hà Nội, rước ở đâu, và rước lúc nào ? Bởi vì thừa sai Đắc Lộ đã có cái may mắn, như một sứ mệnh đặc biệt, nối kín một vòng tròn truyền giáo mà một nửa vòng tròn là lộ trình tống xuất : Kẻ Chợ - Bắc Bố Chính; một nửa còn lại là lộ trình trở ra: Bắc Bố Chính - Kẻ Chợ, trên đó đoàn truyền giáo đã phải sống lén lút và giảng đạo trong hoàn cảnh lo sợ, thiếu thốn cơm ăn, áo mặc và cả nơi trú thân ở vùng ven biển gần cửa Rum, trước khi gặp được tàu người Bồ đến buôn bán ở cửa Chúa, tức cửa Quèn trong tỉnh Nghệ An.

2. Lộ Trình trở ra Kẻ Chợ từ Bắc Bố Chính

Để trả lời câu hỏi trên đây, thiết tưởng cũng nên vẽ lại lộ trình và cả thời gian đoàn truyền giáo của thừa sai Đắc Lộ rời Bắc Bố Chính sau tuần Bát Nhật Phục Sinh năm 1629 để trở ra Nghệ An, sống và hoạt động truyền giáo ở Nghệ An, chỗ gặp tàu người Bồ, thời gian lên Kẻ Chợ và địa danh nơi thừa sai Đắc Lộ từ giả lần cuối cùng giáo đoàn Đàng Ngoài năm 1630.

Bắc Bố Chính, là nơi khởi hành của lộ trình trở ra Kẻ Chợ. Ngày khởi hành có thể là Thứ Ba sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh, tức ngày 24 tháng 4 năm 1629. Đoàn truyền giáo rời Bắc Bố Chính trong hoàn cảnh lặng lẽ và gấp rút. ‘’Trong khi thuyền trưởng làm xong công tác và trở về kinh thành với thư giới thiệu với giáo dân tân tòng để họ nhận biết ông, thì chúng tôi không nhàn rỗi ở nơi chúng tôi dừng lại...Từ tỉnh nầy chúng tôi nghĩ là có ích hơn nếu chúng tôi trở về Nghệ An, chúng tôi mới bỏ trước đây’’.

‘’Nhà thứ nhất chúng tôi ở là nhà hai giáo dân sốt sắng, Phêrô và Anrê. Hai ông rất nhiệt thành chinh phục tất cả đồng hương và hết sức chuẩn bị tinh thần cho mọi người, đến nỗi chúng tôi không còn phải vất vả thêm lời giảng dạy, chúng tôi rửa tội cho một trăm mười hai người trong ba ngày cư trú ở đây. Rồi từ đây chúng tôi kéo thẳng tới bến chính của tỉnh gọi là Rum nơi ở của quan tỉnh niềm nở đón tiếp chúng tôi’’3.

Cần lưu ý về tên gọi và nhà của hai ông Phêrô và Anrê ở đây, khác với ông Ximon và Anrê mà thừa sai Đắc Lộ nói đến trên lộ trình từ Kẻ Chợ vào Bắc Bố Chính cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 1629. Để rõ hơn, cần đọc lại nguyên văn lời tường thuật của tác gỉa Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài: ‘’Rồi chúng tôi lên buồm đi từ tỉnh Thanh Hóa tới tỉnh Nghệ An và chúng tôi thấy hiện ra bến bà chúa mà người bản xứ gọi là cửa Chúa (tức cửa Quèn) [...] có một quân binh tốt lành tên là Ximon (Le bon soldat, nommé Simon)trên kia chúng tôi đã nói và đã nói về những phép lạ chữa bệnh bằng nước phép, ông nầy không ở xa bến. Được tin chúng tôi tới, ông vội vã ra đón và được thuyền trưởng cho phép chúng tôi đến tận nhà ông. Ở đây ông đã thu xếp cho nhiều họ hàng và bạn hữu đến xin chịu phép rửa. Ông cũng dọn sẵn nhiều chum vại đầy nước để chúng tôi làm phép theo nghi thức thông thường. Sau đó ông dẫn chúng tôi trở về thuyền vào ban đêm như ông đã hứa’’ (Chương 28, tr 148). Chỗ mà thừa sai Đắc Lộ nói là trên kia có nguyên văn như sau :’’Có một quân binh tên rửa tội là Ximon (Un certain soldat, nommé Simon en son baptême)[...] ông xin chúng tôi một lọ con đựng đầy nước thánh dể đem theo. Vừa tới nhà, ông thấy nhiều đồng hương bị bệnh, ông đã chữa cho lành hết, bằng cho uống một chút nước phép’’(Chương 18, tr 118). Về Anrê, thừa sai Đắc Lộ viết :’’Một quân binh khác tên là Anrê (Un autre soldat, nommé Andre, était sorti de Ville Royale en grande diligence pour prendre le devant, s’était figuré que nous venant rencontrer à ce port, éloigné quelques lieus de son pays), ông nầy bỏ kinh thành và vội vã về trước chúng tôi, ông tưởng sẽ gặp chúng tôi ở bến nầy, xa nơi ông ở chừng mấy dặm, như vậy ông có thể đưa chúng tôi về nhà và xin cho mẹ, mẹ vợ và vợ ông chịu phép rửa. Nhưng vì ông về trễ qúa sau khi chúng tôi đã khởi hành, lại cũng về đêm, không có thuyền để rượt theo, thế là ông đành đi theo đường bộ đưa mẹ, mẹ vợ đã có tuổi và vợ ông đi đường tắt thông qua rừng núi để gặp chúng tôi trước khi chúng tôi tới Đàng Trong. Mà vì ông sợ bị đuổi ở biên giới do chiến tranh giữa hai chúa, nên tất cả đã vác theo bị lúa gỉa vờ đem đi bán. Thiên Chúa đã ban cho họ được dễ dàng gặp chúng tôi ở nơi họ đã trù tính và được chịu ơn lành, họ đã sốt sắng mong mỏi và đã từ xa tìm đến với rất nhiều nghị lực’’ (Chương 28,tr 149).

Riêng đối với hai Ông Phêrô và Anrê gặp trên lộ trình từ Bắc Bố Chính trở ra Nghệ An, thừa sai Đắc Lộ nói rõ như sau:’’Le premier logis que nous somes, fut la maison des fervents chrétiens, Pierre et Andre...Nhà thứ nhất chúng tôi ở là nhà hai giáo dân sốt sắng, Phêrô và Anrê. Hai ông rất nhiệt thành chinh phục tất cả đồng hương và hết sức chuẩn bị tinh thần cho mọi người, đến nỗi chúng tôi không còn phải vất vã thêm lời giảng dạy. Chúng tôi rửa tội cho một trăm mười hai người trong ba ngày cư trú ở đây. Rồi từ đây chúng tôi kéo thẳng tới bến chính của tỉnh gọi là cửa Rum nơi ở của quan tỉnh niềm nở tiếp đón chúng tôi ‘ (Chương 30, tr 152).

Như vậy, cả hai ông Ximon và Anrê mà thừa sai Đắc Lộ gặp ở gần cửa Quèn (thừa sai Đắc Lộ viết là cửa Chúa), trên lộ trình từ Kẻ Chợ vào Bắc Bố Chính là hai quân nhân (les soldats), còn hai ông Phêrô và Anrê mà thừa sai Đắc Lộ ghé lại nhà tại ở gần cửa Sót là hai thường dân. Với tư cách khác nhau như vậy, chúng ta có thể biết Ximon trước khác với Phêrô sau và Anrê trước khác với Anrê sau. Cũng cần nói thêm, Ximon ở gần cửa Quèn là một tín hữu nhà binh có ơn làm phép lạ, chữa lành bệnh nhân bằng Nước Thánh, như thừa sai Đắc Lộ đã ghi nhận, ít là hai lần; còn ông Phêrô, thường dân ở gần cửa Sót không có ơn đặc biệt như vậy. Nếu cả hai là một thì ông Phêrô chắc chắn đã chuẩn bị nhiều chum vại đầy nước để các thừa sai làm phép như đã làm tại nhà ông Ximon. Đàng khác, cũng thật khó để có sự lầm lẫn giữa cửa Quèn ở huyện Nghi Lộc thuộc tỉnh Nghệ An với cửa Sót ở huyện Can Lộc thuộc tỉnh Hà Tĩnh, trong hai lần ghé khác nhau với hai lộ trình xét ra rất khác nhau về thời gian, về tâm lý, về nhân sự cũng như hoàn cảnh địa lý. Duy có một điều, do lời thừa sai Đắc lộ xác nhận, chúng ta biết rằng, tại cửa Sót, ít ra đã có hai giáo dân Công giáo sinh sống ở đó. Nhưng trước khi hai thừa sai Pedro Marquez và Đắc Lộ có mặt ở cửa Sót cuối tháng 4 năm 1629, thì chưa thấy một thừa sai nào đã tới cửa Sót để truyền giáo. Như vậy hai ông Phêrô và Anrê chắc chắn đã được rửa tội ở một nơi khác. Có thể họ là những thường dân hay cựu quân nhân đã có thời gian lưu ngụ tại Thăng Long, đã có dịp nghe lời rao giảng và nhận phép rửa từ các vị thừa sai truyền giáo, có thể trước hoặc sau khi hai thừa sai Pedro Marquez và Đắc Lộ có mặt ở Thăng Long sau tháng 3 năm 1627.

Như đã trình bày ở trên, trên đường trở ra Nghệ An, lần nầy hai thừa sai đã tá túc tại nhà hai ông Phêrô và Anrê ba ngày, trước khi tới một nơi gọi là Rum,hay cửa Rum. Trên bản đồ do chính thừa sai Đắc Lộ vẽ và công bố trong sách Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài, ấn bản Pháp Văn do Linh Mục Dòng Tên Henri Albi dịch và in tại Lyon năm 1651, người ta thấy từ bắc vào cho đến Bố Chính có ghi các địa danh như sau : Cua dai (Cửa Đại), Cua bic (Cửa Bích), Cua bang (Cửa Bạng), Cua Ciua (Cửa Chúa), Cua rum (Cửa Rum), Cua Sot (Cửa Só ). Cửa Sót nằm vị trí giữa Cửa Rum và Bố Chính. Như vậy, sau ba ngày cư trú ở nhà hai ông Phêrô và Anrê, thuyền của thừa sai Đắc Lộ đi thẳng tới bến chính của tỉnh gọi là Rum, cho ta hiểu rằng tại Cửa Sót hay gần Cửa Sót có nhà hai ông Phêrô và Anrê. Địa danh Cửa Sót nay đã được xác định nằm trong huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh. Tính ra đoàn truyền giáo có thể đã lưu lại tại vùng Cửa Sót trong các ngày 25, 26, 27 của tháng Tư năm 1629, không tính ngày đi đường là 24-4-1629, và chắc chắn đoàn truyền giáo của thừa sai Đắc Lộ đã có mặt ở Cửa Rum (Bến Thủy) vào những ngày cuối tháng Tư năm 1629.

Dù thừa sai Đắc Lộ không cho biết đích xác thời gian đoàn truyền giáo đã ở vùng Cửa Rum là bao lâu, nhưng nhờ một số chi tiết khác để có thể làm chứng được, chẳng hạn bốn ngày trước nhật thực năm 1629 nhằm ngày 25-8 thì thừa sai Đắc Lộ đang có mặt tại dinh quan tỉnh Nghệ An để mô tả những gì sẽ xảy ra trong hiện tượng nhật thực toàn phần. Mọi chi tiết đã xảy ra đúng như lời thừa sai tiên đoán, đến nỗi quan tỉnh đã phải thốt lên một lời khâm phục để đời khi nói về các nhà truyền giáo như sau :’’Nếu họ tiên đoán rất chắc chắn và xác thực về những bí mật trên trời và các tinh tú chúng ta không biết và vượt qúa khả năng của chúng ta, thì phải tin rằng họ không lầm trong sự nhận biết đạo Chúa trời đất và những chân lý họ rao giảng, mặc dầu những chân lý ấy rất xa lạ đối với tâm trí chúng ta và không dễ cho ta am hiểu’4. Rồi khi gặp lại các tu sĩ dòng Tên trên tàu người Bồ ở bến tỉnh Nghệ An, một cái bến hẻo lánh, trước đây chưa bao giờ và sau nầy không bao giờ có tàu người Bồ tới, nhằm đúng hôm sau là ngày lễ kính hai thánh Simon và Giuđê, tức ngày 28-10-1629, thừa sai Đắc lộ nói tiếp: ‘’Vì chúng tôi đã ở gần tám tháng mà không dâng thánh lễ bởi thiếu nguyên liệu nên vừa chổi dậy ban sáng, chúng tôi xin người Bồ dọn một nơi sạch sẽ trong tàu, chứ bên ngoài không có, để chúng tôi dâng thánh lễ. Họ làm theo và đó là vào ngày lễ thánh Simon và Giuđê, chúng tôi sung sướng dùng bánh hằng sống và thỏa lòng đói khát và thèm muốn tột bực từ rất lâu mong mỏi’’5. Như vậy, tính từ ngày rời Bắc Bố Chính 24-4-1629 đến ngày 28-10-1629, đoàn truyền giáo của thừa sai Đắc Lộ đã trải qua sáu tháng một ngày tại Nghệ An. Sở dĩ thừa sai Đắc Lộ nói là gần tám tháng không dâng thánh lễ là bao gồm thời gian bị quản thúc do án lệnh trục xuất ở Kẻ Chợ trước tháng Tư năm 1629, và cả thời gian ở Bắc Bố Chính trong tuần Bát Nhật Phục Sinh cho đến khi hai thừa sai được lên tàu người Bồ ngày 27 - 10 và sáng sớm hôm sau dâng thánh lễ là ngày 28-10-1629.

Lộ trình trở ra của đoàn truyền giáo còn một đoạn cuối cùng là Cửa Rum - Kẻ Chợ. Lần nầy, hai thừa sai phải nhờ uy thế của người Bồ mới được tháp tùng đoàn thương gia và các vị thừa sai mới đến để trở lại kinh thành, nơi có giáo đoàn đang mong ngóng được gặp lại các vị thừa sai khả kính của họ đã bị Trịnh Tráng trục xuất ngày 31-3-1629. Thừa sai Đắc Lộ viết:’’Ít ngày sau chúa sai một hoạn quan đem giấy thông hành để đưa tàu và các thương gia người Bồ tới kinh thành. Họ làm khó dễ cho chúng tôi muốn đi theo vì sắc lệnh trục xuất chưa bị hủy. Nhưng người Bồ nhất định từ chối nếu chúng tôi không đi cùng mấy cha họ mang theo. Sau cùng viên hoạn quan phải chịu, mặc dầu chưa có lệnh của chúa, để chúng tôi trở về kinh thành, nơi chừng tám tháng nay chúng tôi bị trục xuất’6.

Ít ngày sau (lễ thánh Simon và Giuđê), có thể là đầu tháng 11 năm 1629, đoàn truyền giáo của thừa sai Đắc Lộ đã có mặt ở Kẻ Chợ (Thăng Long, Hà Nội ).

Cuối cùng địa điểm hai thừa sai chào vĩnh biệt giáo đoàn Đàng Ngoài đầu tháng 5 -1630 là cửa Quèn, nay thuộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An ‘‘... sau khi đã đi qua các nơi và ban lời yên ủi và khuyên dụ thích hợp với hoàn cảnh, thì chúng tôi tới cửa bể gọi là cửa Chúa, nơi đây có tàu người Bồ đang chờ chúng tôi, và nơi đây phải ngừng lại một thời gian để cho giáo dân các miền lân cận kéo đến xin xưng tội cũng như chịu phép rửa tội. Chúng tôi đã làm phép thánh tẩy cho hai mươi hai người tân tòng, do hai giáo dân nhiệt thành và sốt sắng, Phaolô và Antôn từ kinh thành tới đây dạy dỗ và chờ chúng tôi đi qua. Từ đây chúng tôi sửa soạn lên buồm và phải từ biệt Phanxicô đã theo chúng tôi từ Kẻ Chợ’’7. Qua lời tường thuật của thừa sai Đắc Lộ, chúng ta biết thêm một chi tiết là đoàn thương gia người Bồ với hai thừa sai họ mang theo cọng thêm hai thừa sai Pedro Marquez và Đắc Lộ trong đoàn truyền giáo bị trục xuất, sau khi có giấy thông hành của chúa Trịnh, đã dùng phương tiện di chuyển bằng thuyền bè của người Việt để lên kinh thành Kẻ Chợ, còn tàu của người Bồ vẩn neo tại một bến ở bờ biển mà họ đã lựa chọn. Mục đích của thương gia Bồ đến Đại Việt là để bán hàng hóa và thu mua sản phẩm địa phương càng nhiều càng tốt. Chúng ta không ngạc nhiên thấy họ neo tàu một thời gian khá lâu tại một cửa bể nào đó, cho đến khi họ thấy đầy đủ và thuận lợi về thời tiết thì mới rời bến để về lại Ma Cao. Trong trường hợp nầy, thời gian tàu người Bồ neo tại bến cửa Quèn cũng là thời gian tái hoạt động truyền giáo của hai thừa sai Pedro Marquez và Đắc Lộ tại kinh thành Kẻ Chợ. Tính ra hai thừa sai đã trở lại với cộng đoàn Kẻ Chợ được hơn sáu tháng (đầu tháng 11-1629 đến đầu tháng 5-1630).

Thừa sai Đắc Lộ đã tính sổ:’’Giáo hội Đàng Ngoài đang ở trong tình trạng chúng tôi tường thuật cho tới đây. Chúng tôi đã hoạt động trong thời gian ba năm. Tính ra được năm ngàn giáo dân và những hạt giống đức tin đã được gieo trong đa số các tỉnh, hứa hẹn trong tương lai một mùa gặt lớn lao và rất phong phú 8. Đúng hơn, phải nói là ba năm hai tháng kể từ ngày đầu tiên tàu dạt vào Cửa Bạng, Thanh Hóa, 19 - 3 - 1627 đến ngày hai thừa sai phải vĩnh biệt giáo đoàn Đàng Ngoài đầu tháng 5 - 1630.

3. Chiếc thuyền bí mật trên lộ trình trở về :

Có một sự kiện, xét ra cũng khá quan trọng, mà không thấy tài liệu nào đề cập đến, kể cả trong hai cuốn sách của thừa sai Đắc Lộ. Chúng tôi muốn nói đến chiếc thuyền và đội ngũ chèo thuyền cho đoàn truyền giáo trên lộ trình trở ra Đàng Ngoài, ít ra trên đoạn hải hành từ Bắc Bố Chính đến Cửa Sót, nơi có nhà hai giáo dân Phêrô và Anrê. Linh Mục Đổ Quang Chính, trong tác phẩm La Mission au Viet Nam d’Alexandre de Rhodes chỉ nêu lên một chi tiết khi nói rằng:’’Đoàn truyền giáo rời Bố Chính trên chiếc thuyền do nhóm giáo dân tân tòng trao tặng..’’9 nhưng không nói đến người điều khiển và đội ngũ chèo thuyền để ra khơi, ghé Cửa Sót, rồi thẳng lên cửa Chúa...Không lẽ hai giáo sĩ tây phương và hai thầy giảng người Việt đảm trách luôn công việc chèo thuyền ? Nếu nhóm giáo dân tân tòng tặng cho hai thừa sai chiếc thuyền mà không cung cấp một đội ngũ chèo thuyền, nào có khác chi đem đoàn truyền giáo thả ra ngoài biển mặc cho sóng gío đẩy đưa ? Cũng nên biết rằng, vùng biển từ sông Gianh ra tới đèo Ngang có nhiều sóng dữ và cồn đến nỗi trong chuyến áp tải hai thừa sai vào Bắc Bố Chính, đoàn áp tải đã phải đổi thuyền khác cho đủ sức chịu đựng. Bởi vậy, giáo đoàn Bắc Bố Chính đã âm thầm cung cấp thuyền cho hai thừa sai thì cũng phải cung cấp đội ngũ chèo thuyền và các dụng cụ hải hành cần thiết để các ngài có thể đi ra, ít là tới cửa Sót. Ở chỗ nầy chúng tôi thấy hình như có một sự bảo mật hành tung chiếc thuyền và cả đội ngũ chèo thuyền. Phải thấy rằng hành tung chiếc thuyền và cả đội ngũ chèo thuyền đã không được thừa sai đả động tới một lời trong hai cuốn ký sự truyền giáo của ngài mà cứ sự thường, ngài vốn tường thuật tỉ mỉ từng chi tiết lớn nhỏ có liên quan đến công cuộc truyền giáo ở Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong. Có phải đây là một việc rất khác thường nơi ngòi bút của nhà truyền giáo vốn nổi danh tường thuật chính xác và tỉ mỉ các sự kiện lịch sử trong nhiều cuốn ký sự không? Xét ra quan tri châu Bắc Bố Chính Nguyễn Khắc Kham, dù có uy quyền và bao dung cách mấy, cũng không thể tiếp tục bịt mắt chúa Trịnh, khi đoàn truyền giáo đã không bị tống xuất vào Đàng Trong, lẽ nào lại có thể kéo dài thời gian hoạt động trên đất Bắc Bố Chính. Khi nêu lên một lý do khá tinh tế rằng:’’Từ tỉnh nầy, chúng tôi nghĩ là có ích hơn nếu chúng tôi trở về Nghệ An, chúng tôi mới bỏ trước đây’’, Chắc chắn thừa sai Đắc Lộ và nhóm giáo dân tân tòng của Ngài đã âm thầm thảo luận và thu xếp cho đoàn truyền giáo trở ra Nghệ An bằng thuyền do họ cung cấp để sớm giải quyết một vấn đề cư trú bất hợp pháp, và đó cũng là cách trả ơn tế nhị nhất mà thừa sai Đắc Lộ muốn thể hiện đối với thượng tướng Nguyễn Khắc Kham. Có lẽ không nên lấy làm lạ, tại sao thừa sai Đắc Lộ đã tuyệt đối bảo mật chi tiết tế nhị nầy trong những trang ký sự của ngài, trong khi ngài lại công khai nói ra chuyện viên thuyền trưởng đã xin tòng giáo với tên thánh là Augustinô và cả việc ông nầy phục tùng các thừa sai như cha mẹ. Chúng tôi nghĩ rằng việc tòng giáo là kết qủa tất nhiên của công cuộc truyền giáo. Người tòng giáo, dù là một ngư dân hay cùng đinh cho tới các quan triều thần, vương phi, ông hoàng, bà chúa đều cần được nêu danh như nhau. Có như vậy công cuộc truyền giáo mới tiếp tục tác động trên mọi thành phần xã hội. Trong khi đó chiếc thuyền là một phương tiện bất hợp pháp, nếu có người cung cấp cho các thừa sai khi các ngài còn chịu chi phối bởI án lệnh trục xuất của chúa Trịnh Tráng. Do đó, nếu công khai nói ra chuyện đoàn truyền giáo có thuyền để ra Nghệ An, vô tình càng làm cho nhiều người khác nghi ngờ quan tri châu Bắc Bố Chính, một lần nữa lại dành cho đoàn truyền giáo qúa nhiều ưu ái đặc biệt ! Đó là lý do chính đáng để giữ kín hành tung chiếc thuyền và đội ngũ chèo thuyền do nhóm giáo dân tân tòng cung cấp cho đoàn truyền giáo trong chuyến trở ra Nghệ An cuối tháng 4 năm 1629.

Nhưng có một điều đáng lấy làm ngờ là thái độ của chúa Trịnh Tráng ! Ký lệnh trục xuất rồi, truyền chỉ thị thực hiện việc giải giao rồi, thế mà nay những người đang mang án trục xuất lại xuất hiện giữa kinh thành Kẻ Chợ. Chuyện tưởng như đùa mà có thật. Rất khó để hiểu được thái độ của nhà đương cuộc Đàng Ngoài lúc bấy giờ đối với các giáo sĩ truyền giáo và trong trường hợp hy hữu nầy đối với thừa sai Đắc Lộ. Có phải, chiếc tàu của người Bồ đến thả neo tại cửa Quèn trong tháng 10 năm 1629 đã bất ngờ làm thay đổi thái độ của chúa Trịnh ? Qủa thật, chiếc tàu của người Bồ đã đến lãnh thổ Đàng Ngoài đúng lúc để gở cho Trịnh Tráng một mối lo đang đè nặng trong lòng nhà chúa, khi dư âm cuộc chiến năm 1627 còn đó, mà hình ảnh người lính chiến Bồ Đào Nha trong hàng ngũ quân đội Đàng Trong đã góp phần khủng khiếp, đến nỗi mới mở đầu cuộc tấn công, quân đội Đàng Ngoài đã mất tinh thần, rối loạn hàng ngũ và chịu thảm bại. Đàng khác, chiếc mâm đồng hai đáy do sứ giả Đàng Trong là Văn Khuông vừa mới mang ra với câu: Dư bất thụ sắc (Ta không nhận sắc) đang làm điên đầu Trịnh Tráng. Thế mà nay tàu người Bồ lại cập bến Đàng Ngoài, điều đó giúp củng cố ý định của chúa Trịnh và Đàng Ngoài khi họ đang chuẩn bị mở cuộc tấn công Đàng Trong lần thứ hai. Ngoài ra tàu người Bồ đang thả neo tại một cửa biển của Đàng Ngoài, có nghĩa là người Bồ đang chuyển hàng hoá vào lãnh thổ của chúa Trịnh và người Bồ thế nào cũng sẽ dâng lên phủ chúa châu báu, vàng bạc và những món hàng qúi giá như trước kia họ vẫn thường làm. Chỉ cần từng đó thôi, chúa Trịnh cũng như các quan chức Đàng Ngoài có thể tạm thời làm ngơ để cho các thừa sai được tiếp tục truyền giáo trong lãnh thổ của mình, đúng như thừa sai Đắc Lộ đã dự đoán:‘’Chúng tôi nghĩ là người ta không nỡ làm khó dễ cho chúng tôi, bao lâu người Bồ còn chuyển hàng hóa để rồi trẩy về Macao’’ 10.

4. ‘’ Giáo Dân Đàng Ngoài ở tỉnh Bố Chính ‘’

Sau ba năm hai tháng và trên từng chặng đường truyền giáo, dừng lại ở nhiều địa phương, với nhiều tình huống tâm lý và hoàn cảnh thực tế khác nhau, hai thừa sai Pedro Marquez và Đắc Lộ đã đem hết tâm trí và khả năng của mình để xây dựng những cộng đoàn Công giáo trên lãnh thổ Đàng Ngoài. Ít ra, khi vĩnh biệt Đàng Ngoài đầu tháng 5 -1630, hai thừa sa đã để lại bốn giáo đoàn lớn nhỏ, đó là giáo đoàn Cửa Bạng (Thanh Hóa) giáo đoàn Kẻ Chợ (Hà Nội), giáo đoàn Nghệ An (bao gồm Hà Tĩnh ngày nay) và giáo đoàn Bắc Bố Chính (vùng đất từ đèo Ngang đến Sông Gianh-Nguồn Son, tức phần bắc tỉnh Quảng Bình ngày nay).

Trong bốn giáo đoàn nói trên, có lẽ giáo đoàn Bắc Bố Chính chịu số phận hẩm hiu hơn cả. Như đã biết, đoàn truyền giáo của thừa sai Đắc Lộ dừng lại và giảng đạo ở Bắc Bố Chính trong một tình huống rất rất tình cờ và kỳ diệu. Tình cờ vì không ai ngờ, kỳ diệu vì khó mà xảy ra được như vậy. Vừa rao giảng vừa giáo huấn tân tòng trong tuần Bát Nhật Phục Sinh năm 1629, để khi ra đi trong cảnh âm thầm và gấp rút, hai thừa sai đã để lại trên đất Bắc Bố Chính một cộng đoàn vỏn vẹn chỉ có hai mươi bảy giáo dân tân tòng. Nhưng cũng thật may mắn cho cộng đoàn nhỏ nhoi nầy, khi tự trong nhóm của họ đã có một vị cử nhân tinh thông Hán học, người mà thừa sai Đắc Lộ đã đặt hết tin tưởng, giao cho ông trọng trách hướng dẫn và tiếp tục công việc giáo huấn cộng đoàn theo tài liệu giáo lý mà ông đã ghi chép được trong tám ngày nghe giảng dạy.

Rồi không ai biết được cộng đoàn nhỏ nhoi và đơn lẻ ở Bắc Bố Chính đã sinh hoạt, phát triển và trưởng thành như thế nào. Ngoài bí tích rửa tội, hai mươi bảy giáo dân tân tòng chưa được tham dự Thánh lễ, chưa được Rước lễ, dù chỉ một lần. Họ như đàn gà mất mẹ, như một đám trẻ mồ côi, phải tự xoay xở, lo liệu với nhau để giũ vững đức tin cho chính bản thân đồng thời phát triển Tin Mừng bằng gương sáng và lời rao giảng cho đồng hương của họ. Một chuyện thật khó tin nơi một giáo đoàn hoàn toàn vắng bóng các vị thừa sai trong 16 năm, nếu thừa sai Đắc Lộ không có chuyến đi thăm giáo đoàn phía bắc Đàng Trong gần Đồng Hới sau lễ Phục Sinh năm 1644, để ngài lại có cơ hội gặp được mười ông trùm trưởng của cộng đoàn Bắc Bố Chính lặn lội vào thăm trong một hoàn cảnh đặc biệt mà thừa sai đã mô tả bằng những hàng ký sự khá cảm động sau đây :‘’Giáo dân Đàng Ngoài ở tỉnh Bố Chính, khi được tin tôi đang ở biên giới Đàng Trong thì tưởng có thể dễ dàng thuyết phục tôi đi quá lên chút ít để đến yên ủi họ. Họ liền viết thư, nhân danh chung mọi giáo dân và riêng mỗi người. Họ khẩn nài tôi đừng từ chối ơn đi thăm họ. Lời lẽ trong thư rất tha thiết làm cho tôi mủi lòng. Tôi cũng ao ước hết sức để làm theo ý họ và tôi cũng tha thiết đến làm các bí tích họ muốn chịu. Nhưng người ta dẫn giải cho tôi biết, tôi không thể tới Đàng Ngoài được nếu không vượt lũy kiên cố phân chia ranh giới hai nước. Mà nếu vượt thì quan gác lũy sẽ cho chúa Đàng Trong biết tôi ra khỏi xứ nầy để trở qua bên xứ địch, việc nầy làm cho chúa nghi ngờ tôi và giận ghét giáo dân, như vậy cả hai đều chịu hậu qủa với giáo dân Đàng Trong hơn là chiều ý giáo dân Đàng Ngoài. Tôi chỉ viết một bức thư xin lỗi và phái thầy giảng rất sốt sắng Inhaxu 11 đến với họ. Thầy đã hoạt động rất đắc lực làm cho giáo dân rất ngoan đạo đó không muốn để thầy ra đi, sau khi đã làm biết bao việc tốt.

Thế nhưng, để làm cho kỳ được ý định đưa tôi về xứ họ, họ tưởng phái một đoàn có nhiều thế lực thuyết phục tôi hơn là một lá thư đơn thuần. Họ liền phái mười người trưởng giáo dân tỉnh Bố Chính đến gặp tôi ở Đàng Trong. Thú thực, khi trông thấy họ tâm hồn tôi cảm thấy hết các xúc động thương yêu, vui mừng, mong muốn của một người mẹ đối với các con yêu qúi.

Người thứ nhất trong phái đoàn là một giáo dân rất đạo đức tên là Simon tôi đã rửa tội ở Đàng Ngoài cách đây mười sáu năm. Vừa gặp nhau, hai chúng tôi ôm chầm lấy nhau khóc rưng rức. Ông kể cho tôi những sự đẹp đẽ Chúa đã làm qua ông, ở khắp các miền Chúa đã dựng nhà dựng cửa ở đó. Trong thôn ông đang ở, không còn một lương dân nào, hết các ma qủi đều bị trục xuất. Có ít là một nghìn giáo dân sống lành thánh, mặc dầu chưa bao giờ gặp linh mục.

Người đặc biệt giúp đỡ Simon trong việc đạo là một giáo dân khác tên là Phanxicô, một trong mười người đã vất vả đến thăm tôi. Ông nầy có ơn làm phép lạ, người ta kể cho tôi nghe một số lớn.

Ai cũng tưởng tôi thèm đi coi chuồng chiên mới của Chúa KiTô và cung cấp lương thực thiêng liêng các bí tích họ chưa bao giờ được chịu. Nhưng tôi đã trình bày các lý lẽ tôi viết trong thư. Họ ở lại vài ngày với chúng tôi, xưng tội rước lễ hết sức sốt sắng bề ngoài tỏ ra nhiệt thành bên trong. Và sau trăm ngàn âu yếm, họ rút về đầy hăng hái làm việc đắc lực hơn để thiết lập nước Chúa Kitô’’ 12..

Từ hai mươi bảy hạt giống đầu tiên được gieo vãi vội vàng trong cảnh gấp rút đã bám rễ, nẩy mầm, nở hoa, kết trái sum sê vì ‘’có ít là một nghìn giáo dân sống rất lành thánh, mặc dầu chưa bao giờ gặp linh mục’’. Qua lời tường thuật của thừa sai Đắc Lộ, chúng ta có thể nhận ra một số chi tiết đặc biệt thuộc về số phận của cộng đoàn Bắc Bố Chính như sau:

- Trong hơn 16 năm hoàn toàn vắng bóng các vị thừa sai truyền giáo, hai mươi bảy giáo dân tiên khởi ở Bắc Bố Chính vẫn tiếp tục giữ vững đức tin Công giáo, hơn nữa họ còn rao giảng Tin Mừng cho đồng hương của họ, bằng chứng là đã có một nghìn người tòng giáo sống trong mười xóm làng có mười ông trùm trưởng chăm sóc đời sống đạo đức cho từng cộng đoàn riêng biệt. Và có làng đã trở thành toàn tòng Công giáo như làng của ông trùm Ximon.

- Vị trùm trưởng mà thừa sai Đắc lộ nói:’’Vừa gặp nhau, hai chúng tôi ôm chầm lấy nhau khóc rưng rức’’ có thể hiểu, không ai khác hơn là vị cử nhân tinh thông Hán học mà thừa sai Đắc Lộ đã rửa tội mười sáu năm về trước ở Bắc Bố Chính có tên thánh là Ximon và trong thôn ông đang sống không còn một lương dân nào. Do chi tiết nầy, cho phép chúng ta nghĩ rằng : Thôn của ông Ximon có thể là Mỹ Hòa (trước gọi là Trung Hòa) vì Mỹ Hòa là một thôn có nhiều vị khoa bảng nhất trong vùng Bắc Bố Chính vào thời đó. Theo gia phả dòng họ Nguyễn ở xã Trung Hòa, châu Bố Chính (nay là Mỹ Hòa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) thì Mỹ Hòa đã có 18 vị quận công, 2 trạng nguyên, 2 phó vương, 3 tể tướng và hơn 100 tiến sĩ (Nguyên bản gia phả bằng chữ Hán, bản dịch Việt ngữ của Tiến sĩ Lý Kim Hoa, gồm 11 trang đánh máy) và Mỹ Hòa cũng là quê hương của quan tri châu Bắc Bố Chính Nguyễn Khắc Kham, người đã tiếp kiến thừa sai Đắc Lộ ‘’đối xử rất lịch thiệp lại còn rộng rãi chịu hết chi phí trong thời gian chúng tôi [đoàn truyền giáo] ở tỉnh ông’’. Mỹ Hòa ở gần Đan Sa, chỗ mà đoàn truyền giáo của thừa sai Đắc Lộ đã được thong dong giảng đạo [...] ngoài bãi biển trong tháng Tư năm 1629, và Mỹ Hòa cũng là họ giáo toàn tòng. Về sau, giáo xứ Đan Sa (bao gồm các họ giáo Đan Sa, Mỹ Hòa, Diên Phúc, Thuận Bài, Xóm Vọng và Hói Tre) là một trong bốn giáo xứ kỳ cựu nhất của giáo hạt Bình Chính thuộc giáo phận Vinh ngày nay, đó là Lũ Đăng, Đan Sa, Làng Ngang và Cồn Nâm như phúc trình của giám mục Retord Liêu viết ngày 23-7-1839.

- Ông Trùm Ximon có một trợ tá có tên thánh là Phanxicô, rất đắc lực giúp đỡ ông trong việc đạo, lại có ơn làm phép lạ. Ông Phabxicô nầy có thể là ông tổ Công giáo của làng Đoàn, tức làng Hòa Ninh sau nầy, bởi vì từ thuở ban đầu, giáo xứ Hòa Ninh đã chọn thánh Phanxicô Xaviê làm bổn mạng và ngôi nhà thờ đầu tiên của giáo xứ cũng dâng kính thánh Phanxicô Xaviê. Nhà thờ Hòa Ninh được ghi nhận là một trong bốn mươi nhà thờ có sớm nhất tại Bình Chính và là một nơi trong ba mươi thôn xóm có giáo dân mà các thầy giảng của dòng Tên đã tới được trong năm 1701 để công bố cho giáo dân biết Sắc chỉ của Tòa Thánh về việc xứ Đàng Ngoài không còn thuộc quyền giám mục Macao nữa mà thuộc quyền các giám mục đại diện Tông tòa. Ngoài ra, phần đông nam giới giáo dân Hòa Ninh từ trước tới nay thường nhận thánh Phanxicô Xaviê làm bổn mạng khi chịu phép rửa tội.

- Lòng khao khát muốn gặp một linh mục để được nhận các bí tích nơi cộng đoàn Bắc Bố Chính lúc bấy giờ (1645) qủa là chính đáng và quan trọng. Đối với hoàn cảnh một nghìn giáo dân đã sống đời sống đức tin Công giáo trong hy vọng và chờ đợi lâu năm mà một Thánh lễ họ cũng chưa biết như thế nào, thử hỏi có niềm khao khát nào to lớn hơn ? Thế nhưng, khi có tin thừa sai Đắc Lộ có mặt ở bờ nam sông Gianh, cộng đoàn Bắc Bố Chính vẫn phải tiếp tục hy sinh cho lợi ích truyền giáo của Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài !

5. Lịch sử nỗi cô đơn của giáo đoàn Bắc Bố Chính

Như chúng ta đã biết, khi hai thừa sai Pedro Marquez và Đắc Lộ rời Nghệ An ngày 28-10-1629 để lên Kẻ Chợ rồi sau đó bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài vào đầu năm 1630. Hai năm sau, 1632, thừa sai Jerome Majorica được tỉnh dòng phân công đến đặc trách xứ truyền giáo Nghệ An (bao gồm tỉnh Hà Tĩnh ngày nay). Ngài đã hoạt động truyền giáo và thi hành công tác mục vụ tại Nghệ An cho đến ngày từ trần vào đầu năm 1656. Trong hai mươi bốn năm ở Nghệ An, thừa sai Majorica đã biên soạn và phiên dịch nhiều sách giáo lý ra chữ Nôm, nhưng không hiểu vì sao, không thấy nói có lần nào ngài đã đặt chân tới Bắc Bố Chính. Cũng vậy, trong bản phúc trình viết ngày 12-10-1647 gữi Bề trên Tổng quyền dòng Tên, linh mục Jean Cabrat, lúc đó là kinh lược khu truyền giáo Đàng Ngoài, nói rất kỹ về tình hình truyền giáo ở Nghệ An, nhưng không có một chữ đả động tới giáo đoàn Bắc Bố Chính

Hai tác giả Nguyễn Hồng trong Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam và Vũ Khánh Tường trong Les Missions Jesuites au Vietnam(luận án tiến sĩ chưa xuất bản) dựa vào sử liệu của tác gỉa Bartoli nói rằng thừa sai Fontes có thời gian hoạt động truyền giáo ở Bắc Bố Chính 13. Điều nầy xét ra không có bằng chứng, bởi vì thừa sai Fontes đến Đàng Ngoài trong tháng 3-1631 và thường xuyên có mặt ở Thăng Long. Đầu năm 1632, ngài được phân công hoạt động truyền giáo tại Thanh Hóa. Và như thừa sai Đắc Lộ đã xác nhận cho đến tháng 3-1645, giáo đoàn Bắc Bố Chính chưa bao giờ gặp lại một linh mục kể từ khi hai thừa sai Pedro Marquez và Đắc Lộ rời khỏi Bắc Bố Chính sau tuần Bát Nhật Phục Sinh năm 1629.

Ngày 9-9-1659, Tòa Thánh công bố sắc lệnh thiết lập hai giáo phận đầu tiên tại Đạ: giáo phận Đàng Trong và giáo phận Đàng Ngoài, ranh giới giữa hai giáo phận là đường phân chia hành chánh, Sông Gianh-Nguồn Son, đã có sẵn từ năm 1630 do biến cố ‘’Tháng 9 năm ấy [Canh ngọ (1630)] quân Phúc Nguyên cướp phá, chiếm cứ châu Nam Bố Chính, giết quan cai trị châu ấy [Nguyễn Tịch] và lấy hết tiền của trong kho, cùng bắt hết dân nội tịch trong châu làm lính’’ 14 và dời phòng tuyến từ sông Nhật Lệ ra sông Gianh - Nguồn Son, từ đó Đàng Ngoài và Đàng Trong đã có đường ranh phân định biên giới giữa hai họ Trịnh, Nguyễn. Nhưng ranh giới nầy đã thực sự được xóa bỏ vào năm 1786 khi vua Quang Trung tiến quân ra Bắc diệt cả vua Lê lẫn chúa Trịnh. Riêng giáo hội Công giáo Việt Nam từ năm 1659 cho đến nay vẫn chưa xóa được đường phân chia không mấy phù hợp với vị trí tự nhiên giữa hai giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong (nay Sông Gianh - Nguồn Son vẫn là đường ranh giữa hai giáo phận Vinh và Huế).

Do sắc lệnh nói trên, Bắc Bố Chính là vùng cực nam của giáo phận Đàng Ngoài, và về sau, vào năm 1684, trở thành giáo hạt thứ chín thuộc vùng truyền giáo của dòng Tên ở Đàng Ngoài như thừa sai Manuel Ferreyra đã xác nhận trong bản phúc trình của ngài 15. Điều đáng ngạc nhiên là cùng năm đó (1684), ở Bắc Bố Chính tuy không có trụ sở truyền giáo của các thừa sai dòng Tên vì qúa gần biên thùy Đàng Trong của chúa Nguyễn, nhưng ở Bắc Bố Chính đã có bốn mươi nhà thờ trong ba mươi xóm làng Công giáo, trong đó có năm địa điểm các thầy giảng đã tới được vào năm 1701 để công bố sắc lệnh của Tòa Thánh như đã nói ở trên. Thế mà tuyệt nhiên không có bóng dáng một thừa sai nào tới Bắc Bố Chính vào thời điểm đó. Cũng vậy, trước đó tám năm, trong bản phúc trình viết tại Đàng Ngoài đề ngày 3-10-1676, chính thừa sai Manuel Ferreyra đã có một lưu ý rõ rệt khi ngài nhấn mạnh:’’ Lại còn phải thêm vào ba mươi xóm làng trong lãnh thổ Bố Chính là nơi gần biên thùy của Đàng Trong. Tại các xóm làng nầy người ta chỉ chấp nhận các cha của dòng Đức Chúa Giêsu (tức dòng Tên) và không chấp nhận các giáo sĩ (tức các thừa sai của Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Paris, viết tắt là MEP) bất cứ cách nào’’16. Nếu vào thời điểm nầy, sự xuất hiện của các linh mục thuộc Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Paris gặp khó khăn ở Bắc Bố Chính, thì tại sao các thừa sai dòng Tên thường xuyên có mặt ở Nghệ An lại không thể vào Bố Chính, ít là một lần, ít là một người như các thầy giảng đã đến được trong năm địa điểm khác nhau ở Bắc Bố Chính đó là Phu La, Con Doi, Ke Doi, Lang Doan và Ke Bang ? 17. Phải chăng đã có một sự tranh chấp nào đó mà giáo dân ở Bắc Bố Chính phải hứng chịu cảnh bỏ rơi như vậy ? Điều làm cho nỗi cô đơn của giáo đoàn Bắc Bố Chính thêm phần bi thảm hơn, khi biết rằng chấp nhận hay từ chối sự hoạt động của các thừa sai hoàn toàn không do họ chủ động và ở ngoài sự hiểu biết thông thường của họ.

Câu chuyện thuật lại sau đây có thể nói lên đôi nét của vấn đề: Vì nguyên do nào mà trong một thời gian dài, giáo đoàn Bắc Bố Chính không có thừa sai nào đến hoạt động truyền giáo và thực hiện công tác mục vụ cho giáo dân. Thừa sai Louis Neez, tác gỉa tập Tài Liệu Về Hàng Giáo Sĩ Đàng Ngoài (Documents sur le clergé Tonkinois), là Bề trên giáo phận Tây Đàng Ngoài từ năm 1718, khi viết về tiểu sử một linh mục Việt Nam có tên là Toma Mĩ (1668-1741), sinh quán tại Trang Trai, xứ Cầu Đòn, tỉnh Nghệ An, thụ phong linh mục ngày 19-10-1710, đã kể rằng:’’Ngài [Toma Mĩ] là một linh mục tốt lành. Trong thời gian phục vụ tại Bắc Bố Chính, có một việc làm ngài hết sức đau buồn vì cha Valentin [người Việt Nam], một linh mục dòng Tên ở Đàng Ngoài chết mà không được nhận các bí tích trong tỉnh Bố Chính, do lỗi các thầy giảng không muốn mời linh mục đến làm các bí tích cho người sắp qúa cố, mặc dầu linh mục nầy khi lâm bệnh đã yêu cầu điều đó. Linh mục Toma Mĩ lại càng đau buồn hơn khi được biết là cha Valentin trước khi chết, đã nói trước mặt nhiều giáo hữu rắng tất cả họ phải tới xưng tội với cha Toma Mĩ là chủ chăn đích thực của họ và cũng đáng buồn khi thấy chỉ có một số ít giáo hữu tới với cha Toma Mĩ, mặc dầu không còn một linh mục dòng Tên người Đàng Ngoài nào nữa ở Bố Chính và không một thừa sai châu Âu nào có thể vào được Bố Chính vì họ cho rằng các linh mục Việt Nam do các giám mục Pháp phong chức không đủ trình độ, nên cử hành các bí tích không thành’’18. Không rõ câu chuyện xảy ra năm nào, nhưng được biết vào năm 1730, linh mục Toma Mĩ được chuyển ra phục vụ tại Nam Định, rồi mất tại đó ngày 3-5-1741. Đây là lần đầu tiên, sau hai thừa sai Pedro Marquez và Đắc Lộ có mặt ở Bắc Bố Chính giữa tháng Tư năm 1629, danh tánh một linh mục dòng Tên người Việt [Valentin] và một linh mục khác, cũng là người Việt [Toma Mĩ] đến hoạt động mục vụ taị Bắc Bố Chính.

Một chuyện tương tự khác cũng đã xảy ra với một linh mục Việt Nam tên là Anrê Thông. Linh mục Anrê Thông sinh khoảng năm 1680 tại Bắc Bố Chính (không rõ làng xã), thụ phong linh mục ngày 3-6-1730 và được cử đi phục vụ tại Bắc Bố Chính là quê hương của mình. Nhưng vì có nhiều người gièm pha nên bề trên phải chuyển ngài ra hoạt động tại Nghệ An. Linh mục Anrê Thông có cuộc đời linh mục qúa ngắn ngủi. Ngài mất tại Nghệ An ngày 28-4-1734, an táng ở xứ Kẻ Đông (thuộc tỉnh Hà Tĩnh ngày nay) là nơi thừa sai Saint Gervais đóng trụ sở Tổng Đại Diện phụ trách giáo hạt Nghệ An.

Chúng tôi nghĩ rằng, sự tranh chấp quyền truyền giáo và hoạt động mục vụ hoàn toàn ở ngoài sự lựa chọn của cộng đoàn Bắc Bố Chính. Họ không có một lựa chọn nào khác, ngoài lòng khao khát có linh mục, có thừa sai, dù các ngài đến từ một tu hội nào đi chăng nữa, vì họ thực sự cần các ngài để được tham dự thánh lễ, được ơn xá giải, được rước lễ và nhận các bí tích khác. Nếu có sự đỗ lỗi cho giáo hữu [Bắc BốChính] không muốn tiếp nhận các linh mục không thuộc dòng Tên đến với họ, thì xem ra là cách qúa dễ dàng để ai đó cảm thấy mình ít trách nhiệm trong trường hợp có liên quan đến sự sinh tồn của đời sống đức tin của giáo dân.

Trong khi Bắc Bố Chính chịu sự cô đơn như vậy, thì ở Nghệ An chỉ có một khoảng trống sau khi thừa sai Jerome Majorica qua đời năm 1656, nhưng sau đó đã có thừa sai Onuphre Borgès lên thay làm Bề trên Đàng Ngoài. Không rõ ngài có được phép chúa Trịnh Tạc (1657-1682) cho vào hoạt động ở Nghệ An như thừa sai Majorica trước đó hay không. Năm 1679, giáo phận Đàng Ngoài được chia thành hai giáo phận, lấy sông Lô và sông Hồng làm ranh giới, đó là giáo phận Đông Đàng Ngoài và giáo phận Tây Đàng Ngoài. Nghệ An và Bắc Bố Chính trực thuộc giáo phận Tây Đàng Ngoài. Năm 1682 thừa sai Jean Louis Sarranie được phái tới giáo phận Tây Đàng Ngoài, sau ba tháng học tiếng Việt, ngài được gữi vào Nghệ An và hoạt động tại đó cho đến lúc qua đời ngày 17-2-1687. Hai năm sau, thừa sai Guisain được phái tới Nghệ An cho đến năm 1702 thì trở ra phụ trách chủng viện ở Phố Hiến.

Đầu năm 1713, các thừa sai người Pháp ở Phố Hiến gồm có giám mục Jacques De Bourges, giám mục phó Bélot và linh mục Guisain bị An Đô Vương Trịnh Cương (1709-1729) trục xuất. Đức cha De Bourges vì gìa cả nên đi thẳng sang Thái Lan và mất tại đó ngày 9-8-1741, còn đức cha Bélot và thừa sai Guisain đã nhanh chân trốn vào Thanh Hóa rồi chẳng bao lâu các ngài vào hoạt động tại Nghệ An, đến nỗi ngày 5-2-1713, đức cha Bélot đã có thể cử hành thánh lễ và ban ơn toàn xá tại nhà thờ Trang Nứa. Năm sau, 1714, ngài được tấn phong làm giám mục chính của giáo phận Tây Đàng Ngoài, trụ sở đặt tại xứ Trang Nứa cho đến khi ngài qua đời ngày 2-1-1717. Lúc bấy giờ ở Nghệ An chỉ còn lại một mình thừa sai Guisain. Hai năm sau,1719, có thêm thừa sai Saint Gervais được cử vào Nghệ An để làm Tổng Đại Diện. Thời gian linh mục Gervais làm Tổng Đại Diện, ở Nghệ An có bốn linh mục Việt Nam, trong đó có linh mục Anrê Thông quê ở Bắc Bố Chính và bốn mươi thầy giảng hoạt động trong toàn giáo hạt Nghệ An. Ngày 4-5-1721, thừa sai Guissain được cử làm giám mục giáo phận Tây Đàng Ngoài, nhưng vẫn hoạt động tại Nghệ An cho đến khi ngài qua đời ngày 17-11-1723.

Linh mục Cao Vĩnh Phan trong Lịch Sử Giáo Hạt Bình Chính (Sàgòn, 1999, tt 170-171) cho biết:’’Năm 1725, cha Phanxicô, bề trên các cha dòng Tên ở Bắc kỳ, xin đức cha Toma Bottaro De Sestri, địa phận Đông Bắc Kỳ [Đông Đàng Ngoài], đề cử linh mục coi sóc các giáo dân không có chủ chăn. Đức cha Toma, với tư cách là giám mục giám quản Tông tòa địa phận Tây Bắc Kỳ [Tây Đàng Ngoài] từ khi đức cha Guisain qua đời tháng 11-1723, ra lệnh cho các linh mục bản xứ coi sóc luôn các giáo dân thuộc quyền các cha dòng Tên trong địa hạt của họ. Vào lúc đó, cha Phaolồ Bang đang mở năm toàn xá ở Bố Chính. Các giáo dân không được nhận lãnh các bí tích từ nhiều năm qua, đều tuôn đến với cha. Cha cùng các thầy giảng làm việc không nghỉ ngơi cả ngày lẫn đêm, các thầy giảng lo dạy, cha lo giải tội đến độ sau đó cha phải nghỉ ngơi một thời gian mới lấy lại sức [...] Năm 1730, giáo dân Bố Chính xin cha đến cử hành lễ Phục Sinh nơi họ; cha nhận lời, nhưng vì đây là một làng gần biên giới và lính gác rất nghiêm ngặt, cha bảo dân làng đi xin phép quan. Viên quan nầy tuy không có đạo cũng bằng lòng cho phép và còn cho lính đến gác suốt tuần thánh. Vì vậy, mọi việc diễn ra êm thắm và giáo dân đến dự lễ rất đông’’.

Sau khi linh mục Tổng Đại Diện Saint Gervais qua đời ngày 23-12-1723 tại Nghệ An (an táng tại nhà thờ Mỹ Dụ) thì thừa sai Roux được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Đại Diện, tiếp tục hoạt động tại Nghệ An trong mười năm. Năm 1744 có thêm thừa sai Francois Griffé, nhưng vì ngài sớm ngã bệnh và qua đời ngày 30-6-1745. Thừa sai Tổng Đại Diện Roux mất tại Kẻ Đông ngày 23-2-1752 thì giám mục phó Deveaux được cử vào Nghệ An, bốn năm sau ngài qua đời tại Thọ Kỳ ngày 1-1-1756. Thừa sai Bertrand Reydellet được cử làm Tổng Đại Diện thay thế và ngày 19-10-1764 ngài được sắc phong làm giám mục, nên Nghệ An lại có Tổng Đại Diện mới đó là thừa sai Savary. Đây là vị Tổng Đại Diện có thời gian hoạt động lâu nhất tại Nghệ an và chính ngài cũng là vị thừa sai thuộc Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Paris được đức giám mục giáo phận Tây Đàng Ngoài chính thức chỉ định phụ trách giáo đoàn Bắc Bố Chính. Trong bức thư đề ngày 9-5-1771, giám mục Bertrand Reydellet viết :’’Thừa sai Savary, Tổng Đại Diện, một mình với mười một linh mục địa phương, phụ trách toàn xứ Nghệ, kể cả Bố Chính, là nơi có đông giáo hữu’’19. Ngoài ra, sử gia Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Paris là Launay còn ghi nhận: ’’Thừa sai Jean Roux được gữi vào Nghệ An [ khoảng năm 1786] ông nối nghiệp thừa sai Le Breton, tái lập tiểu chủng viện Trang Nứa bị triệt hạ mấy năm rồi, nhiều lần đi khắp các xứ đạo của phần cực nam nầy của giáo phận, cho tới biên giới Đàng Trong...’’20.

Sau một trăm bốn mươi hai năm (1629-1711), đây là lần thứ hai danh tánh một vị thừa sai được chính thức nói là có đến hoạt động tại Bắc Bố Chính. Cũng vậy, thừa sai Jean Roux, đã đi khắp các xứ đạo của phần cực nam...cho tới biên giới Đàng Trong, thì rõ ràng ngài đã đến Bắc Bố Chính. Riêng các linh mục việt Nam, dầu ít dầu nhiều, có thời hoạt động tại Bắc Bố Chính, phải kể tên : Valentin (dòng Tên), Toma Mĩ và Anrê Thông (và mãi cho đến năm 1725, mới có thêm linh mục Phaolồ Bang vào với giáo dân Bắc Bố Chính).

Năm 1786 biên giới Sông Gianh-Nguồn Son được Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ xóa sổ. Chính vào thời điểm nầy, thừa sai Longer Gia, quản xứ An Do tỉnh Quảng Trị, thuộc giáo phận Đàng Trong đã được điều động ra Đàng Ngoài đặc trách giáo đoàn Bắc Bố Chính. Có ai ngờ rằng, một chú giúp lễ theo thừa sai Longer Gia ra Bắc Bố Chính năm 1786, về sau trở thành một vị hiển thánh tử đạo của giáo hội Công giáo Việt Nam ? Thánh Vinsentê Nguyễn Thời Điểm, chính là chú giúp lễ của linh mục Longer Gia trước năm 1790, và khi đang làm quản hạt Bắc Bố Chính, thừa sai Longer Gia được đặc tuyển làm giám mục giáo phận Tây Đàng Ngoài từ đầu năm 1790.

6. Bắc Bố Chính, mảnh đất sinh tồn của Đức Tin

Trong một thời gian dài hiu quạnh, biệt lập với các giáo đoàn Đàng Ngoài ở phía bắc Đèo Ngang vì xa xôi cách trở, không thể tiếp xúc với các giáo đoàn Đàng Trong ở phía nam Sông Gianh vì chiến tranh đã thật sự khởi phát giữa hai họ Trịnh Nguyễn từ năm 1627, giáo đoàn Bắc Bố Chính bị cô lập trong một vị trí địa lý hiu quạnh, mà sự sống còn không ai hay biết, sự phát triển hoàn toàn tự túc trong âm thầm, lặng lẽ. Ai cũng tưởng, trong một hoàn cảnh cô đơn như vậy, giáo đoàn Bắc Bố Chính sẽ mòn mỏi, suy tàn và biến mất với thời gian như qui luật ‘’đem con bỏ chợ’’’. Không ngờ, từ con số hai mươi bảy giáo dân tiên khởi sau lễ Phục Sinh năm 1629, mười sáu năm sau, thừa sai Đắc Lộ đã bất ngờ thấy được một kết qủa cụ thể và rất khả quan là giáo đoàn Bắc Bố Chính đã sinh sôi nẩy nở thành mười họ đạo, có tổ chức, có mười ông trùm trưởng đại diện cho một ngàn giáo dân đã vào Đồng Hới hội kiến với thừa sai Đắc Lộ và khẩn khoản mời ngài ra thăm lại giáo đoàn do ngài khai sinh.

Góp phần làm cho giáo đoàn Bắc Bố Chính thêm phần hiu quạnh và đơn độc, là cuộc chiến bốn mươi lăm năm phân tranh giữa hai họ Trịnh Nguyễn (1627-1672). Khi thừa sai Đắc Lộ khai sinh cộng đoàn nhỏ bé của ngài trên bờ bắc Sông Gianh giữa tháng Tư năm 1629, thì Đàng Ngoài đã mở cuộc tấn công Đàng Trong được hai năm. Dù muốn dù không, giáo đoàn Bắc Bố Chính đã mắc cạn giữa làn tên mũi đạn, vì vùng non nước từ Đèo Ngang, qua Sông Gianh đến Nhật Lệ, Đồng Hới chính là bãi chiến trường được lựa chọn để quân đội chúa Trịnh ở miền Bắc liên tục thực hiện sáu cuộc tấn công, vây thành, phá lũy quyết dứt điểm họ Nguyễn ở miền Nam. Cũng vậy, khi chúa Nguyễn xua đại quân phản công họ Trịnh ở miền Bắc năm 1655, thì Bắc Bố Chính là nơi chịu sức tàn phá hủy diệt hơn bất cứ địa phương nào khác. Bốn mươi lăm năm mắc kẹt giữa cuộc chiến phân tranh Trịnh Nguyễn, Bắc Bố Chính nói chung và giáo đoàn Công giáo đầu tiên ở bên bờ bắc Sông Gianh là nạn nhân của một cuộc chiến tương tàn cốt nhục. Để sống còn đã là một chuyện khó, nói chi đến việc phát triển đời sống trên cả hai mặt thế tục và tôn giáo. Nhưng lạ lùng thay, từ con số hai mươi bảy giáo dân tân tòng tiên khởi sau lễ Phục Sinh năm 1629, đã thành một ngàn giáo dân trong mười giáo họ, có mười vị trùm trưởng lo việc sống đạo lành thánh cho giáo dân. Và lịch sử ghi nhận (theo tác gỉa Launay) vào năm 1798, giáo đoàn Bắc Bố Chính đã có mười ba ngàn giáo dân với bốn mươi nhà thờ rải rác trong ba mươi xóm làng Công giáo ở lưu vực Sông Gianh 21.

Phải chăng, sau khi cuộc chiến phân tranh Trịnh Nguyễn tàn lụi khá lâu thì cộng đoàn Bắc Bố Chính mới có cái may mắn gặp được một số thừa sai đến với họ trong tư cách chủ chăn tìm lại đàn chiên của mình đã bị bỏ quên trong hiu quạnh bấy lâu nay. Không có linh mục, giáo dân không được nhận lãnh các bí tích cần thiết để sống đạo, thử hỏi sức mạnh nào đã hổ trợ để cộng đoàn Bắc Bố Chính phát triển và tiến hành tổ chức đời sống đức tin Công giáo của họ trên qui mô lớn như vậy ? Có phải đây là nét đặc thù hiếm có do tinh thần và chủ trương truyền giáo của Tu Hội Dòng Tên biết hội nhập, tôn trọng văn hoá và truyền thống bản địa, dùng giáo dân làm tông đồ giáo dân, dùng cán bộ có uy tín trong làng xã đảm trách công việc truyền giáo trong làng xã, tôn trọng tập quán địa phương và truyền thống xã hội, coi trọng lớp sĩ phu theo tinh thần hương đẳng tôn ti để mọi người sống đức tin Công giáo mà không tạo nên sự xa cách với quê hương và đồng bào ruột thịt của họ.

Vào buổi bình minh lịch sử truyền giáo ở những vùng hẻo lánh như Bắc Bố Chính, trong khi thừa sai chợt đến chợt đi, rồi hoàn toàn vắng bóng trong một thời gian dài, nếu không có những tông đồ giáo dân nhiệt thành như vị cử nhân đảm trách nhiệm vụ Thầy Giảng, thì biết lấy ai làm chỗ cậy dựa cho cả giáo đoàn ?

Cuối cùng, giáo đoàn Bắc Bố Chính phải ghi nhận công ơn của hai thừa sai Pedro Marquez và Đắc Lộ hơn bất cứ địa phương nào hết. Như đã trình bày, trên hải trình vào Bắc Bố Chính, các thừa sai chỉ ghé nhà một tín hữu tên là Ximon có nhà ở gần cửa Quèn (tức cửa Chúa theo thừa sai Đắc Lộ) thuộc huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An ngày nay, để rửa tội cho những người do Ximon đã chuẩn bị sẵn, mà các thừa sai không cần thêm lời giảng dạy. Các thừa sai thật sự chính thức rao giảng Tin Mừng tại Nghệ An trên lộ trình từ Bắc Bố Chính trở ra khi các ngài ghé cửa Rum cuối tháng Tư năm1629. Bởi vậy, như một ưu tiên hiếm có, Bắc Bố Chính có diễm phúc trở thành địa điểm đón tiếp các thừa sai và nhận lãnh Tin Mừng đầu tiên trong lãnh thổ giáo phận Vinh ngày nay. Hạt giống Công giáo đã chính thức gieo xuống trên đất Bắc Bố Chính qua sự giảng dạy của đoàn truyền giáo dòng Tên, đặc biệt qua lòng thương mến của thừa sai Đắc Lộ, nên Bắc Bố Chính đã có một tập thể gồm hai mươi bảy con dân của mình, trở thành những Ki tô hữu tiên khởi, làm nền tảng khai sinh lịch sử truyền giáo của giáo phận Vinh ngày nay.

Ngày 20 tháng 5 năm 1998

Linh Phong và Hoàng Đình Hiếu

Chú Thích (*) Giáo sĩ Đắc Lộ đã gọi như vậy, nhưng đúng ra phải gọi là Bắc Bố Chính, tức phần đất từ đèo Ngang đến Sông Gianh + Nguồn Son ở phía bắc tỉnh Quảng Bình ngày nay.

1. Phạm Đình Khiêm, Người Chứng Thứ Nhất, Tinh Việt Văn Đoàn, Ban Sử Học, Sàigòn, 1959, tt 94 - 95.

2. Đắc Lộ, Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài, Bản Việt Ngữ của Hồng Nhuệ, UBĐK Công Giáo, Tp HCM, 1994, tr 152.

3. Đắc Lộ, Sđd, tr 152.

4. Đắc Lộ, Sđd, tr 153.

5. Đắc Lộ, Sđd, tr 157.

6. Đắc Lộ, Sđd, tr 157.

7. Đắc Lộ, Sđd, tr 166.

8. Đắc Lộ, Sđd, tr 163.

9. Đổ Quang Chính, La Mission au Viet Nam d’ Alexandre De Rhodes, Paris, 1969, p 155.

10. Đắc Lộ, Hành Trình và Truyền Giáo, (HTvTG), Bản Việt Ngữ của Hồng Nhuệ, UBĐK Công Giáo, Tp HCM, 1994, tr 83.

11.Cần phân biệt Inhaxu nầy khác với Inhaxu (Nhuận) và theo Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo Sử I, Cứu Thế Tùng Thư, Hoa Kỳ, 1979, tr 91, thì Inhaxu nầy sinh năm 1610 tại làng Liêm Công, thuộc Cửa Tùng, Quảng Trị, học thức rộng, thông thạo sử ký. Làm việc tại phủ ông Hoàng Khê là con của bà Vương Thái Phi, vợ lẻ của chúa Nguyễn. Năm 30 tuổi được thừa sai Đắc Lộ rửa tội. Hai năm sau ông từ chức để nhập vào đoàn thầy giảng, được cử làm trưởng đoàn.

Ở một chỗ khác trong Hành Trình và Truyền Giáo, thừa sai Đắc Lộ có nhắc đến ba người ở Đàng Trong, được Thiên Chúa dành cho phúc tử đạo, đó là Anrê (Phú Yên), Visentê và Inhaxu. Về Inhaxu, thừa sai viết :’’ Inhaxu con nhà sang trọng, vì là quan tòa, rất thông thạo chữ Hán, nhất là rất nhân đức [...] sau khi chịu phép rửa tội thì không muốn rời tôi, và thực ra tôi được gặp Inhxu thì không lấy gì làm sung sướng hơn (tr 117). Có thể đó là Inhaxu ở Liêm Công, Quảng Trị.

12. Đắc Lộ, HTvTG, Sđd, tt 133-135.

13. Trương Bá Cần, Lịch Sử Giáo Phận Vinh 1846-1996, TpHCM, 1998, tr 25.

14. Lê Qúy Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, Tập I, quyển 1,2 &3, Bản dịch của Lê Xuân Giáo, Tủ Sách Cổ Văn, UB Dịch Thuật, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa xb, Sàgòn 1972, tr 78.

15. Tường trình truyền giáo của linh mục Manuel Ferreyra, dòng Tên, sinh năm 1631, gia nhập dòng Tên và được cử đi truyền giáo ngày 19-4-1658. Thời gian từ 1673-1684, ngài ở Đàng Ngoài lần thứ nhất. Năm 1684 bị gọivề Roma. Nam 1696, được phép trở lại Đàng Ngoài lần thứ hai. Ngài qua đời tại Kẻ Sặt ngày 15-5-1699

(16) Tài liệu về một bảng phúc trình do linh mục Cao Vĩnh Phan, tác gỉa Lịch Sử Giáo Phận Vinh, Hoa Kỳ, 1996, cung cấp. Tác gỉa bản phúc trình cho biết :’’Những nơi có bổn đạo sống trong bốn phủ của Nghệ An là 195. Trong số những nơi nầy chỉ có 39 theo các giáo sĩ [MEP], và các nơi khác, tức là 156, theo các cha dòng Đức Chúa Giêsu[dòng Tên]. Bản phúc trình ghi rõ 195 địa danh. Bên cạnh mỗi địa danh, nếu còn thuộc về các thừa sai dòng Tên thì được đánh dấu hoa thị (*) và dấu thánh giá (+) chỉ xóm làng có nhà thờ đàng hoàng’’.

Nói là nhà thờ đàng hoàng, thật ra đó là những nhà tranh đơn sơ, có khác chăng là có cây thánh giá bằng gỗ dựng ở mặt tiền. Trong số các nhà thờ vào loại nầy, chắc không có nhà thờ nào được phép giữ Mình Thánh Chúa. Tình trạng nầy còn kéo dài cho đến năm 1869 khi giáo phận Vinh bắt đầu xây dựng cơ sở tại Xã Đoài, mớI nghĩ đến việc ‘’...xây một nhà nguyện để có thể giữ Mình Thánh Chúa một các trang trọng và an toàn’’ Mãi cho đến hết đời đức cha Pineau Trị (làm giám mục từ 1886 đến 1909) toàn giáo phận Vinh chưa được 1/3 nhà thờ có đủ điều kiện giữ Mình Thánh Chúa. Riêng tại giáo hạt Bình Chính vào năm 1872, đức giám mục phó Croc Hòa khởi sự xây tại Hướng Phương một nhà thờ đẹp lấy tên là Nhà Thờ Chánh Tòa Laranda (Laranda là hiệu tòa của đức cha Croc Hòa và ngài đặt trụ sở tại Hướng Phương) Nhà thờ nầy có trước nhà thờ chính tòa Xã Đoài, vì nhà thờ Xã Đoài cũng do đức cha Croc Hòa khởi công xây dựng khi ngài trở thành giám mục chính năm 1877, và hoàn tất dưới thời đức cha Pineau Trị.

17. Trương Bá Cần, Sđd, tr 46. Theo sự tìm hiểu của chúng tôi thì năm chỗ nói là các thầy giảng đã tới được, đem so với địa danh hành chánh ngày nay ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, cũng như đối chiếu tên các giáo xứ trong giáo hạt Bình Chính, thì ngoài địa danh Lang Doan, tức Làng Đoàn (sau đổi là Hòa Ninh) được xác nhận khá dễ dàng. Riêng bốn chỗ còn lại trở thành vấn đề biến đổi của địa danh, muốn biết rõ hơn cần phải tìm hiểu, so sánh và tra cứu để tìm ra sự tương đối khả tin. Ở đây chúng tôi nêu lên một ý kiến và mong có sự bổ túc của qúy vị cao minh.

Phu la = Phú La, có thể là tên ghép của hai làng Vạn Phú và La Hà nằm liền nhau trên một doi đất theo bờ Sông Gianh + Nguồn Nan. Gọi là Vạn khi ngư dân tập trung đông đảo ở một địa điểm nào đó để hành nghề chài lưới trên sông hoặc trên biển. Trường hợp dân ở Vạn Phú, họ có một nghề chuyên môn là đóng đáy ở chỗ hợp lưu của ba nguồn sông Gianh mà Vạn Phú - La Hà là doi đất rộng, đầu La Hà gối cửa Hác, đuôi Vạn Phú chạy dài gần tới cửa sông Gianh. Do nghề nghiệp mà Vạn Phú còn có tên nôm là Kẻ Đáy. Địa danh Vạn Phú có nghĩa là một làng nghề giàu có, tất nhiên Vạn Phú là một đơn vị hành chánh cả trên đất liền cả trên ghe thuyền. Đây là chỗ thích hợp cho ngư dân trên ba nguồn của sông Gianh tìm về, đặc biệt là chỗ ẩn náu cho giáo dân trong thời cấm đạo từ Minh Mệnh, qua Văn Thân rồi Cần Vương. Nếu buổi đầu Phú La là tên chỉ chung cho cả doi đất giữa Nguồn Nan và Nguồn Son, sau tách ra để có Vạn Phú toàn tòng Công giáo và La Hà toàn lương, thì có lẽ do biến cố phân tháp của thời cấm cách ngặt nghèo đã được áp dụng triệt để trên vùng đất nầy ?

Kẻ Doi = Kẻ Dừa, viết theo tiếng Pháp là Ke Doi, đọc là Ke Doa, phát âm theo tiếng Việt là Kẻ Dừa, cũng gọi là Cồn Dừa, tức giáo xứ Kinh Nhuận, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Kinh Nhuận là một giáo xứ khá kỳ cựu, thuộc tổng Thuận Lệ, phủ Quảng Trạch, xưa là một họ lẻ thuộc giáo xứ Làng Ngang (tức giáo xứ Vĩnh Phước ngày nay). Năm 1854, từ một hiọ lẻ, Kinh Nhuận được nâng thành một giáo xứ trong giáo hạt Bình Chính.

Con Doi = Cồn Giữa, viết theo tiếng Pháp là Con Doi, phát âm theo tiếng Việt là Cồn Giữa cũng gọi là Cồn Sẻ, thuộc tổng Lũ Phong, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cồn Giữa là một họ lẻ thuộc giáo xứ Vĩnh Phước (tên cũ là Làng Ngang). Ở đây, Cồn Giữa là Cồn Sẻ khác vói Cồn Trửa là Minh Cầm Nội. Minh Cầm là huyện lỵ của huyện Tuyên Hóa, nhưng về hành chánh, được chia thành ba phần có tên là Minh Cầm Nội (Cồn Trửa), Minh Cầm Trung và Minh Cầm Ngoại, cả ba thuộc tổng Thượng Lưu, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Cũng lưu ý rằng, người dân vùng Bình Chính có thói quen phát âm một số tiếng bắt đầu bằng /gi/ thành/ tr/ như Giữa thành Trửa, Gìa thành Tra, Giọt thành Trọt...Nếu không chú ý thì Cồn Giữa (tức Cồn Sẻ) cũng có thể lầm với Cồn Trửa (Minh Cầm Nội) theo cách phát âm khó phân biệt của người địa phương.

Ke Bang = Kẻ Đăng hoặc Kẻ Đan. Nếu Ke Bang là Kẻ Đang, tức Lũ Đăng, một địa điểm mà thừa sai Đắc Lộ gọI là chốn phố phường. Ngài đã giảng đạo và rửa tộI cho các tân tòng ở Lũ Đăng trước (ít là hai người) rồi Đan Sa sau (thừa sai Đắc Lộ gọi là ngoài bãi biển), tất cả có hai mươi bảy người. Có thể Lũ Đăng được giản lược thành Đăng rồi khi được nhắc đến thì đặt chữ Kẻ lên trước như cách người xưa hay gọi tên một làng, một xứ. Chẳng hạn, Kẻ Bồ (Bồ Khê), Kẻ Đờng (Đăng Đề), Kẻ Rồng (Phúc Long), Kẻ Thá (Mỹ Xá, Kẻ Bói (Bói Sơn) (Xem thêm bài Tên Đất của Nguyễn Thế Hùng trong Quê Hương Bọ Mạ, Tuyển Tập I, USA, 1994).

Cũng vậy, nếu Kẻ Bang là Kẻ Đan thì sự giản lược và gọi tên cũng theo một cách như vậy. Chỉ có hai nơi Lũ Đăng và Đan Sa, bao gồm Đan Sa, Diên Phúc, Mỹ Hòa, Nhân Thọ (cũng gọi Thọ Đơn hay Kẻ Tiếu) là có người tòng giáo đầu tiên ở Bình Chính.

18. Trương Bá Cần, Sđd, tr 47.

19. Trương Bá Cần, Sđd, tr 32

20. Trương Bá Cần, Sđd, tr 34.

21. Trương Bá Cần, Sđd, tr 35

Nguồn: www.dunglac.net