IRAN ĐIỂM NÓNG MỚI TRÊN THẾ GIỚI (10)



NHẬN ĐỊNH VỀ HỒI GIÁO CỦA ĐỨC GIÁO CHỦ BIỂN ĐỨC

Đạo Hồi (Islam)

(Kí giả Peter Seewald hỏi) Sự hiểu biết lãng mạn về Đông phương đưa đến việc đổ đồng hình ảnh Đông phương và Hồi giáo, một hình ảnh không luôn phù hợp với thực tế. Tuy nhiên đừng quên rằng Hồi giáo tự bản chất có những quan điểm khác hẳn với hệ thống giá trị Tây phương. Chỉ xét nguyên chỗ đứng cá nhân hoặc sự bình đẳng nam nữ đã thấy Đông Tây đánh giá khác hẳn nhau. Những cuộc ném bom khủng bố của các nhóm Hồi giáo quá khích đang làm giảm uy tín cho Hồi giáo; cả ở Âu châu càng ngày càng sợ bọn giết người cuồng tín đó. Ai cũng biết là cần phải có nhiều nỗ lực tìm hiểu đả thông giữa các nền văn hóa. Nhưng trên nền tảng nào?

(Hồng y Joseph Ratzinger trả lời) Câu hỏi thật khó. Tôi nghĩ trước hết phải biết Hồi giáo không phải là một thực thể thống nhất. Nó cũng không có thẩm cấp thống nhất, vì thế đối thoại với Hồi giáo luôn là đối thoại với những nhóm nhất định.Không ai có thể nói thay cho toàn thể Hồi giáo. Có thể nói Hồi giáo không có quy luật chính thống chung. Ngoài hai phái chính Su-nít và Si-ít thực sự phân li, còn có nhiều phái khác nữa. Có một Hồi giáo ‘cao qúy’ với đại diện điển hình là quốc vương nước Ma-rốc, còn có một Hồi giáo quá khích, khủng bố, nhưng ta không nên đồng hoá nó với toàn thể Hồi giáo, vì làm như vậy thật là bất công.

Điểm quan trọng ông cũng đã nói tới là Hồi giáo nói chung có mô hình tổ chức xã hội, chính trị và tôn giáo khác hẳn ta. Khi người phương Tây ngày nay bàn về khả năng thiêt lập các phân khoa thần học Hồi giáo hoặc về quy chế công nhận tôn giáo này như một pháp nhân công quyền, thì điều kiện cần có là mọi tôn giáo phải có cơ cấu giôốg nhau, đều chấp nhận một hệ thống dân chủ với những quy chế luật pháp và những khu vực tự do được quy định bởi quy chế này. Nhưng bản chất Hồi giáo mâu thuẫn với điểm này. Hồi giáo tuyệt đối không chấp nhận việc tách rời chính trị với tôn giáo, như Kitô giáo từ đầu vẫn chủ trương. Koran là một bộ luật tôn giáo toàn trị, quy định toàn thể đời sống chính trị và xã hội cũng như áp đặt quy luật Hồi giáo lên đời sống cá nhân. Luật Sharia in dấu lên xã hội từ đầu đến cuối. Như vậy Hồi giáo có thể hưởng một số quyền tự do theo hiến pháp của ta quy định, nhưng cùng đích của Hồi giáo lúc này không thể là: vâng, bây giờ chúng tôi cũng là một pháp nhân công quyền, bây giờ chúng tôi cũng hiện diện như những người Công giáo và Tin lành. Đó chưa thực sự là đích điểm của Hồi giáo, nó hãy còn xa lạ với tôn giáo này.

Hồi giáo có quan niệm về toàn thể luật pháp khác hẳn, nó bao trùm tất cả, luật lệ của Hồi giáo khác hẳn ta. Nữ giới hoàn toàn lệ thuộc nam giới; hình luật cũng như mọi liân hệ trong cuộc sống đều được quy định nghiêm khắc và trái ngược với những quan niệm trong xã hội tân tiến của ta. Phải thấy rõ rằng, đây không phải là một tôn giáo có thể thu nạp vào môi trường tự do của xã hội đa nguyên. Ngày nay đôi khi chúng ta cứ nhìn Hồi giáo theo mô hình Kitô giáo, chứ không theo bản chất của đạo này. Vấn đề đối thoại với Hồi giáo như vậy dĩ nhiên phức tạp hơn nhiều so với đối thoại với các giáo hội Kitô giáo.

(Kí giả Seewald hỏi) Cũng có thể hỏi ngược lại: Sự lớn mạnh toàn cầu của Hồi giáo có ý nghĩa gì đối với Kitô giáo?

(Hồng y Joseph Ratzinger trả lời) Sự lớn mạnh này là một hiện tượng nhiều mặt. Một mặt là khía cạnh tài chính. Sức mạnh tài chính các nước Ả Rập đạt được cho phép họ xây dựng nguyện đường Hồi giáo lớn khắp nơi, nuôi dưỡng được những viện văn hóa Hồi giáo và những việc tương tự khác. Nhưng đây mới chỉ là một yếu tố. Yếu tố thứ hai là sự trỗi dậy của căn tính Hồi giáo, một niềm tự tin mới của người Hồi.

Trong bối cảnh văn hóa thế kỉ 19 và tiền bán thế kỉ 20, nghĩa là tới khoảng thập niên 60, những nước Kitô giáo tiến bộ vượt bậc về kĩ nghệ, văn hóa, chính trị và quân sự, khiến Hồi giáo bị đẩy xuống hàng thứ yếu, và Kitô giáo, hay ít ra những nền văn hóa dựa trên nền tảng Kitô giáo, hiện diện như thế lực chiến thắng trong lịch sử thế giới. Nhưng rồi bùng nổ cuộc khủng hoảng luân lí rộng lớn trong thế giới Tây phương, vốn được coi là thế giới Kitô giáo. Đứng trước những mâu thuẫn luân lí sâu xa và sự mất hướng trong thế giới Tây phương, đồng thời với sự trỗi dậy về kinh tế của các nước Ả Rập, hồn Hồi giáo bừng tỉnh: chúng tôi đây cũng như ai, căn tính của chúng tôi tốt hơn, tôn giáo chúng tôi đứng vững, còn các bạn chẳng còn gì nữa.

Đó là cảm quan của thế giới Hồi giáo hôm nay: Các nước Tây phương không có những thông điệp luân lí để truyền đi nữa, họ chỉ còn có thể cống hiến cho thế giới những hiểu biết chuyên môn; Kitô giáo đã thoái trào, nó không tồn tại như một tôn giáo nữa; Kitô hữu chẳng còn luân lí và niềm tin nữa, họ chỉ còn rơi rớt đâu đây dăm ba ý tưởng của thời Ánh sáng; nhưng Hồi giáo chúng tôi vẫn đứng vững.

Như vậy người Hồi giáo ngày nay nghĩ rằng, tôn giáo họ kết cuộc là tôn giáo có sức sống mạnh hơn, có nhiều điều để nói cho thế giới và là sức mạnh tôn giáo nền tảng của tương lai. Trước kia luật Sharia và những gì liên quan đã chìm trong bóng tối, nay niềm tự hào có dịp trỗi dậy. Từ đó bừng lên một đà sống mới với cường độ mới mà Hồi giáo muốn sống. Sức mạnh lớn của họ là đây: Chúng tôi có một thông điệp luân lí, nó tồn tại từ thời các tiên tri và chúng tôi sẽ chỉ cho thế giới biết phải sống ra sao. Những tín hữu Kitô nhất định không làm nổi chuyện này. Hẳn ta phải đương đầu với sức mạnh nội tại mới này của Hồi giáo, một sức mạnh làm mê hoặc cả môi trường đại học.

(Joseph Ratzinger Biển Đức XVI. Muối Cho Đời. Trao đổi với Peter Seewald. Bản dịch của Phạm Hồng Lam và Bs.Trần Hoành. Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại xuất bản, 2006. Trang 253-256).