IRAN ĐIỂM NÓNG MỚI TRÊN THẾ GIỚI (8)

Lịch sử nhân loại sẽ mãi mãi ghi dấu ấn sâu đậm của chủ nghĩa Cộng sản trong thế kỉ 20. Và với những gì đang xẩy ra hiện nay, người ta có thể tiên đoán Hồi giáo cũng sẽ có khả năng gây sóng gió trong thế kỉ 21.

Ngay từ khởi đầu, trong những vùng ảnh hưởng Hồi giáo, thần quyền và thế quyền không phân lập rõ rệt. Thậm chí, hiện nay, có những nơi giáo quyền thống lãnh toàn bộ sinh hoạt quốc gia, chẳng han như trường hợp nước Iran mà chúng tôi đã trình bầy trên đây.

Theo chủ đích bài viết, chúng tôi chỉ nhắm cung cấp một sự hiểu biết đại cương về một quốc gia Hồi giáo đặc biệt là nước Iran, hoàn toàn không có ý định khai thác và đánh giá khía cạnh thế sự của Hồi giáo.

Thế nhưng để độc già VietCatholic có thêm tài liệu về khía cạnh tôn giáo của Hồi giáo, chúng tôi trích nguyên văn nhận định của 2 vị giáo chủ Giáo hội Công giáo. Nhận định của Đức giáo chủ Gioan Phaolô II trích trong cuốn Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng. Cuốn sách này là những câu hỏi do kí giả Vittorio Messori đặt ra để Đức Giáo chủ Gioan Phaolô II trả lời. Thủ bản bằng Ý ngữ. Linh mục Hồ Ngọc chuyển ý và Dân Chúa xuất bản năm 1995. Nhận định thứ hai về Hồi giáo của Đức giáo chủ Biển Đức XVI trích từ cuốn Muối Cho Đời. Cuốn sách này cũng là những câu hỏi do kí giả Peter Seewald đặt ra cho Đức giáo chủ Biển Đức trả lời (lúc đó ngài còn là hồng y Joseph Ratzinger). Thủ bản bằng Đức ngữ. Phạm Hồng Lam & Bs.Trần Hoành dịch thuật và Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại xuất bản năm 2006.

NHẬN ĐỊNH VỀ HỒI GIÁO CỦA ĐỨC GIÁO CHỦ GIOAN PHAOLÔ II

Mahômét?

(Kí giả Vittorio Messori hỏi). Cuộc tranh luận của chúng ta sẽ hoàn toàn khác hẳn khi nó dẫn chúng ta vào các giáo đường Hồi giáo ( cũng như các giáo đường Do Thái), nơi tụ tập những người cùng thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất.

(Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trả lời).Vâng, chắc chắn chúng ta phải dùng một lối văn khác, khi đề cập tới những tôn giáo nhất thần rộng lớn, khởi sự với Hồi giáo. Trong tuyên ngôn đã được trích dẫn nhiều lần Nostra Aetate, chúng ta đọc thấy: ‘Giáo hội cũng tôn trọng các tín đồ Hồi giáo, vì họ cũng thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và hằng hữu, từ bi và toàn năng, đấng tạo thành trời đất’ (n.3). Nhờ vào chủ thuyết độc thần của họ, những người tin vào Allah gần gũi với chúng ta một cách đặc biệt.

Tôi còn nhớ lại một biến cố của tuổi thanh xuân. Lúc đó chúng tôi đang chiêm ngưỡng những bức bích họa của á thánh Angelico (họa sĩ và tu sĩ Đa Minh, sống từ năm 1387-1455), trong tu viện thánh Marcô tại Florence (tức Firenze, Bắc Ý). Bỗng tự lúc nào có một người khách lạ đến nhập bọn với chúng tôi. Tuy rất ngưỡng mộ nét vẽ tuyệt vời của người nghệ sĩ tu hành lẫy lừng ấy, nhưng ông ta không ngại ngùng bình phẩm thêm: ‘Chẳng gì có thể so sánh được với nhất thần đạo tráng lệ của Hồi giáo chúng tôi’. Lời tuyên bố ấy không ngăn cản chúng tôi tiếp tục cuộc thăm viếng và đàm đạo với nhau một cách thân thiện. Cơ hội ấy hầu như đã cho tôi chính thức nếm thử trước sự đối thoại giữa Kitô giáo và Hồi giáo, mà người ta cố gắng phát triển một cách có hệ thống trong thời hậu Công Đồng.

Ai đã hiểu biết Cựu và Tân Ước rồi đọc Coran, sẽ nhìn thấy tỏ tường rằng quá trình thu gọn Mạc Khải của Thiên Chúa đã hoàn thành trong đó. Không thể nào làm khác hơn là phải ghi nhận ở đây việc tách xa những gì Thiên Chúa đã nói về chính mình, trước hết trong Cựu Ước qua các tiên tri, và sau đó trong Tân Ước, bằng một cách tối hậu, qua chính con một của Ngài. Tất cả vẻ phong phú của sự tự mạc khải của Thiên Chúa, những gì xây nền móng cho di sản của Cựu và Tân Ước, đều bị gạt ra một bên trong Hồi giáo.

Thiên Chúa của kinh Coran được tặng cho những danh hiệu đẹp đẽ nhất của ngôn ngữ nhân loại. Nhưng xét cho cùng, đó vẫn là một Thiên Chúa đứng bên ngoài thế giới, chỉ là một Thiên Chúa uy nghiêm, nhưng không bao giờ là Emmanuel, Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Hồi giáo không phải là một tôn giáo cứu độ. Hồi giáo không dành một chỗ nào cho Thánh Giá và sự Phục Sinh. Chúa Giêsu tuy có đươợ nhắc nhở tới, nhưng chỉ như một tiên tri, dọn đường cho tiên tri cuôố cùng là Mahômet. Mẹ Maria, Thánh Mẫu đồng trinh của Ngài cũng được nhớ tới, nhưng thảm kịch cứu độ lại hoàn toàn vắng bóng. Do đó, không những thần học, mà cả nhân chủng học của Hồi giáo thật cách xa học thuyết của Kitô giáo.

Tuy vậy, lòng đạo đức của các tín đồ Hồi giáo thật đáng kính phục. Người ta không thể nào không thán phục, thí dụ, sự trung thành trong việc cầu nguyện của họ. Hình ảnh một tín đồ tin vào Allah, không câu nệ vào thời giờ cũng như nơi chốn, quỳ gối xuống và chìm đắm trong kinh nguyện, đáng làm gương mẫu cho những ai tuyên xưng Thiên Chúa thật, cách đặc biệt cho các Kitô hữu đã lánh những đại thánh đường nguy nga của họ và chỉ còn cầu nguyện đôi chút, hay chẳng thèm biết tới kinh nguyện nữa.

Công đồng đã kêu gọi Giáo hội đối thoại với cả các môn đồ của ‘Tiên tri’ và Giáo hội cũng đi theo con đường ấy. Chúng ta đọc thấy trong Nostra Aetate: ‘Mặc dầu trong quá khứ, giữa Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo có những mối bất hòa và hiềm thù nhau không ít, thánh Công Đồng kêu gọi mọi người nên quên đi những chuyện đã qua để cố gắng thành thật tìm hiểu nhau, cùng nhau bảo vệ và cổ võ công bình xã hội, thuần phong mỹ tục, cũng như hòa bình tự do cho hết mọi người’ (n.3).

Trên quan điểm này, như tôi đã từng nhấn mạnh, những buổi Gặp Gỡ Cầu Nguyện tổ chức tại Assisi (đặc biệt buổi cầu nguyện cho hòa bình ở Bosnia, vào năm 1993), chắc chắn phải đóng một vai trò quan trọng. Những buổi gặp gỡ với các tín đồ Hồi giáo, trong những cuộc du hành tông đồ tại Phi châu hay Á châu của tôi, cũng không kém phần quan trọng. Đôi khi xẩy ra trong một nước ở đó tín đồ Hồi giáo chiếm đa số: thế nhưng đức thánh cha vẫn được đón tiếp một cách rất nồng hậu và cũng được lắng nghe một cách không kém rộng lượng.

Cuộc thăm viếng tại Maroc, thể theo lời mời của vua Hassan Đệ Nhị, quả là một biến cố lịch sử. Đây không phải chỉ là một cuộc viếng thăm theo phép lịch sự thông thường, nhưng còn mang tính cách mục vụ thật sự nữa. Làm sao quên được buổi gặp gỡ với giới trẻ tại vận động trường ở Casablanca (1985). Tâm hồn cởi mở của các bạn trẻ, chăm chú lắng nghe đức thánh cha chú giải về đức tin và một Thiên Chúa duy nhất, thật là cảm động. Chắc chắn đó là một biến cố từ xưa tới nay chưa từng xẩy ra bao giờ.

Tuy nhiên, cũng không thiếu những nỗi khó khăn cụ thể. Tại những nước mà những trào lưu chính thống lên cầm quyền, thì nhân quyền và nguyên tắc tự do tôn giáo, thật đáng tiếc, lại chỉ được cắt nghĩa theo một chiều: tự do tôn giáo được hiểu là quyền tự do cưỡng chế các công dân phải theo một ‘đạo thật’. Tình trạng của các Kitô hữu trong các quốc gia ấy đôi khi thật là thảm thiết. Các thái độ chính thống quá khích như vậy làm cho vấn đề tiếp xúc hỗ tương giữa đôi bên thêm phần khó khăn. Mặc dầu thế, Giáo hội vẫn giữ nguyên thái độ cởi mở để đối thoại và cộng tác.

(Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng. Trả lời ký giả Vittorio Messori. Lm. Hồ Ngọc chuyển ý. Dân Chúa, 1995. Trang 153-157).