IRAN ĐIỂM NÓNG MỚI TRÊN THẾ GIỚI (7)



VÀI NÉT VỀ CHẾ ĐỘ THẦN QUYỀN Ở IRAN HIỆN NAY

Thực chất chính quyền tại Iran không khác bao nhiêu so với các nước Cộng sản. Tại các nước Cộng sản tuy tổ chức chính quyền có đầy đủ các ban ngành, nhưng mọi quyền hành nằm gọn trong tay đảng Cộng sản. Đó là chế độ đảng trị. Cũng thế, từ khi cách mạng Hồi giáo thành công, ở Iran, bề ngoài người ta thấy tổ chức chính quyền không khác tổ chức chính quyền tại các nước dân chủ khác. Nghĩa là cũng tôn trọng nguyên tắc phân quyền: hành pháp có tổng thống, lập pháp có quốc hội và tư pháp có tối cao pháp viện. Song thực quyền lại nằm trong tay vị giáo sĩ lãnh đạo tối cao và các vị giáo sĩ cao cấp khác. Đó là một chế độ tôn giáo trị, còn gọi là thần quyền.

1. Tổ chức chính quyền:

Hành pháp: Tổng thống, dân cử, nhiệm kì 4 năm, tối đa 2 nhiệm kì. Thành lập nội các, thế nhưng nhiệm vụ chính là lo kinh tế. Về những nhiệm vụ hành pháp hệ trọng khác, theo hiến pháp, tổng thống không có quyền bằng vị giáo chủ lãnh đạo tối cao.

Lập pháp: Quốc hội, còn gọi Majlis. 290 thành viên. Dân cử, nhiệm kì 4 năm. Lo làm luật.

Tư pháp: Gồm Tối cao Pháp viện và hệ thống các tòa thấp hơn. Hầu hết các phiên xử đều kín. Chánh án phải là một giáo sĩ, kiêm luôn các vai trò khởi tố, công tố và bồi thẩm.

Luật pháp Iran sao chép theo luật Hồi giáo sharia. Năm 1983, bộ luật cho áp dụng trở lại một số những hình phạt đã bị luật pháp thời quân chủ bãi bỏ, chẳng hạn như chặt tay kẻ ăn cắp, ném đá đến chết kẻ phạm tội tà dâm, kẻ phạm tội sát nhân có thể bị xử tử bởi chính gia đình nạn nhân chứ không bởi nhà nước.

2. Cơ cấu thần quyền chi phối các các tổ chức quốc gia:

Lãnh đạo tối cao: Hiến pháp nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran thiết lập vị lãnh đạo tối cao gọi là velayat-e faqih (Islamic jurist). Vị lãnh đạo tối cao có thể giữ chức vụ suốt đời và là người nắm quyền lực lớn nhất nước. Ông chẳng những là vị lãnh đạo tinh thần cao nhất mà còn là người thủ lãnh số một của nhà nước: Ông có quyền trên tổng thống và mọi ban ngành trong chính phủ, có quyền phủ quyết bất cứ quyết định nào của tổng thống. Ông có thể tuyên chiến hoặc quyết định giảng hòa. Nếu ông phủ quyết một dự thảo luật của quốc hội thì nó không thể thành đạo luật được. Ông còn chỉ định các thành viên Tối cao pháp viện và vị đứng đầu hệ thống phát thanh và truyền hình quốc gia. Cũng chính ông là tổng tư lệnh, nắm quyền kiểm soát quân đội, cảnh sát, và các lực lượng an ninh tình báo, có quyền chỉ định 6 trong số 12 vị trong Hội Đồng Giám Sát.

Vị lãnh đạo tối cao tiên khởi là Ayatollah Khomeini. Người Iran vâng lệnh Khomeini tuyệt đối và vô điều kiện vì ông lãnh đạo thành công cuộc cách mạng Hồi giáo chống quốc vương Iran. Đồng thời ông còn là một học giả và là một tôn sư được nể vì. Kế vị ông là Ayatollah Seyed Ali Khamenei. Ông này không được trọng vọng nhiều vì sở học của ông không cao bằng vị tiền nhiệm.

Hội Đồng Bảo Hộ (The Council of Guardians): Gồm 12 người: 6 do Tối cao pháp viện lực chọn, 6 do vị đại giáo chủ lãnh đạo tối cao (velayat-e faqih) chỉ định. Có quyền hạn rất lớn: giám sát mọi lề luật, mọi hoạt động của chính phủ, mọi phán quyết của tòa án để bảo đảm tất cả không vi phạm luật Hồi giáo. Hội đồng giám sát còn có quyền phủ quyến một đạo luật, có quyền loại bỏ các ứng viên tổng thống và các ứng viên đại biểu quốc hội.

Hội Đồng Điều Hợp (The Expediency Council): Do giáo chủ Khomeini thành lập năm 1988. Là cơ quan cố vấn cho vị lãnh tụ tối cao, có quyền phán quyết tối hậu về những tranh cãi luật pháp giữa quốc hôi và hội đồng bảo hộ. Các thành viên Hội Đồng Điều Hợp do lãnh tụ tối cao chỉ định. Họ đều là những nhân vật tôn giáo, xã hội và chính trị xuất sắc. Năm 2002, chính tổng thống Bush, trong bài diễn văn đọc trước lưỡng viện quốc hội và chính phủ, đã phê phán Hội Đồng Điều Hợp ở Iran là nhóm có một ít người mà lại đàn áp những người khát vọng dân chủ. Đứng đầu Hội Đồng Điều Hợp hiện nay là Hashemi Rafsanjani là người vừa thất cử tổng thống trong năm 2005.

Hội Đồng Các Chuyên Viên (the Assembly of Experts): Gồm 86 thành viên. Toàn là các giáo sĩ, do Hội Đồng Bảo Hộ lựa chọn. Hội Đồng Các Chuyên Viên bầu chọn ra vị lãnh đạo tối cao, giám sát vị này và có quyền loại bỏ ông ta nếu xét thấy không còn xứng hợp nữa. Hội đồng họp 2 lần mỗi năm. Nhiệm kì dài 8 năm.

VÀI NÉT VỀ HỒI GIÁO Ở IRAN

Giáo chủ sáng lập: Giáo chủ Hồi giáo tên là Muhammad, sinh khoảng năm 570 tại thành Mecca, nay thuộc Saudi Arabia. Thời đó Mecca vừa là một trung tâm thương mại rất sầm uất vừa là địa điểm hành hương hàng năm của mọi sắc dân Ả Rập vì họ tin có một tảng đá đen linh thiêng rơi xuống từ trời.

Muhammad là một thương gia thành công, không ham mê cờ bạc rượu chè, trái lại ông ham mê tìm hiểu về Do Thái giáo và Kitô giáo do các thương gia mang tới từ nước ngoài. Rồi ông thường suy tư về thượng đế về cách thế con người thường biểu hiện niềm tin của mình. Vào năm 610, Muhammad được thị kiến thiên thần Gabriel hiện ra phán truyền cho ông phải tuyên giảng sứ điệp của thượng đế. Sau 3 năm do dự, cuối cùng ông đã bắt đầu rao giảng về sứ điệp ấy.

Nội dung sứ điệp là: Chỉ có một chúa trời thật là đức Allah và Mahummad là vị tiên tri của Ngài. Mọi người tin tưởng đức Allah đều bình đẳng, vì thế người giầu phải giúp đỡ người nghèo. Không được cho vay lấy lời. Không được bài bạc, rượu chè. Không được ăn thịt heo. Những luật này sau này ghi chép trong kinh Qur’an (Koran).

Càng ngày càng có nhiều người tin theo tôn giáo mới này khiến cho các nhà cai trị ở Mecca không hài lòng, vừa vì sợ mất đi các khách buôn bán vừa vì e ngại Muhammad sẽ trở thành nhân vật chính trị có thế lực. Do đó, họ bức bách Hồi giáo, khiến cho vào năm 622, Muhammad và các tín đồ phải tị nạn sang thành Medina. Cuộc tị nạn này mệnh danh là hejira (flight) và năm 622 này sẽ trở thành năm đầu tiên của bộ lịch Hồi giáo.

Ở Medina, Muhammad nổi lên là nhà lãnh đạo có tài cả về quân sự lẫn chính trị. Ông thành lập được đạo quân tuy còn nhỏ nhưng đã đánh bại được đạo quân của thành Mecca và đã chinh phục được thành Mecca vào năm 630. Tại Mecca, Muhammad đã cung hiến đền Kaaba chứa đựng tảng đá đen linh thiêng và biến Mecca thành trung tâm của Hồi giáo. Chẳng bao lâu hàng trăm bộ lạc khắp vùng Ả Rập tin theo Hồi giáo và thề hứa trung thành với Muhammad. Từ đó Muhammad đưa quân đi chinh phục các dân nước khác và bắt họ cải đạo, dần dần lập thành thế giới Hồi giáo rộng lớn như ngày nay.

Hai hệ phái Hồi Giáo: Hồi giáo Sunni (Sunni Muslims) và Hồi Giáo Shi’ite (Shi’ite Muslims)

Muhammad qua đời năm 632, nhưng không truyền đời lại cho ai, cũng chẳng quy định thể thức chọn người kế vị. Đương niên đã nổ ra cuộc tranh chấp về việc ai sẽ là người kế vị chân chính.

Một phe muốn chọn lựa người kế vị căn cứ trên tư cách, đạo đức xứng hợp với lời dậy bảo trong kinh sách.

Sau khi Muhammad qua đời, người anh em họ và cũng là con rể của tiên tri Muhammad là Ali Ibn-Abi-Talib đã tự nhận là người kế vị Muhammad, viện lí do ông là người thân gần nhất của vị tiên tri vừa quá cố. Ý muốn của Ali không thành vì Abu-Bakr (632-634) vừa là cha vợ của Muhammad vừa là đồng chí lâu năm của ngài đã được bầu làm vị thừa kế, và gọi là kalifah hay caliph. Song ông chỉ tại chức có 2 năm thì qua đời. Kế đến, Umar (Omar), là cố vấn của Muhammad, được chọn lên làm caliph. Đến năm 644, Umar bị giết, Uthman (Othman) lên thay. Ông này cũng bị giết năm 656. Những tín đồ cho 3 vị caliphs đầu tiên trên đây là những đấng kế vị đích thực của Muhammad mệnh danh là thuộc hệ phái Sunni.

Đang khi đó, một phe khác lại chủ trương, chỉ người có liên hệ huyết thống với Muhammad hoặc xuất thân từ bộ tộc Hashim của tiên tri Muhammad mới có thể là người kế vị chân chính. Họ là Hồi giáo hệ phái Shi’ite. Phe này tin Ali (Ali ibn Abi Talib) là imam (là người lãnh đạo và kế vị) đầu tiên (656-661). Theo những tín đồ này, từ khởi đầu, Đức Allah và vị tiên tri của ngài là Muhammad đã chỉ định Ali làm người kế vị, nhưng Ali đã bị 3 vị caliphs trước đó lừa gạt để nắm lấy chức vị caliph.

Năm 656 mới trở thành caliph thật sự đời thứ 4.

Ali vừa là anh em thúc bá vừa là con rể của Muhammad. Ali cưới con gái Muhammad tên là Fatimah. Họ sinh 2 con trai là Hasan và Husayn (Hussein). Ali xuất thân thuộc bộ tộc Hashim của Muhammad cho nên ông đã phải đối đầu với thống đốc Syria là Muawiyah Ibn-Abi-Sufiyan thuộc bộ lạc Umayyad, bởi vì Muawiyah chính là con trai của Abu Sufyan, kẻ thù lớn nhất của Muhammad. Cái chết của vị caliph thứ ba là Uthman đã làm nổ ra cuộc nội chiến thứ nhất (656-61). Đây vừa là mối thù truyền kiếp giữa 2 bộ tộc, vừa là chuyện tranh bá đồ vương vẫn thường xẩy ra. Hai bên giao chiến nhiều trận đẫm máu, rồi cả hai đồng ý tìm người làm trọng tài. Trọng tài yêu cầu hai bên hưu chiến 6 tháng. Sau 6 tháng, trọng tài yêu cầu cả hai từ chức. Ali chấp nhận từ chức, nhưng Muawiyah không chịu. Đang trong tình hình giằng co đó, năm 661 Ali bị ám sát chết. Ali qua đời, Muawiyah được tôn lên làm caliph (661-80). Suốt 20 năm trên cương vị caliph, Muawiyah đã dẹp yên các lực lương chống đối và chinh phục thêm các vùng tiếp cận. Tới năm 680, Muawiyah qua đời, lập tức lại xẩy ra cuộc nội chiến lần thứ hai (680-92) cũng do các phe phái cũ với cùng một nguyên do tranh chấp về cách bầu chọn vị caliph và vị caliph phải hội đủ những tiêu chuẩn nào mới xứng đáng. Phái Shi’ite tôn con trưởng của Ali là Hasan lên làm imam. Nhưng rồi Hasan cũng bị quân Umayyads giết chết. Em là Husayn lên thay.

Người Ba Tư công nhận Husayn vì ông ta thành hôn với con gái của vị đại vương cuối cùng của triều đại Sassanian.

Ngày 10 tháng 10 năm 680, Husayn và 72 thuộc cấp bị 4000 người thuộc hệ phái Sunni tấn công tại thị trấn Karbala (nay thuộc Iraq). Husayn bị đâm chết trong khi một tay còn cầm kiếm và tay kia cầm cuốn thánh kinh Qur’ran. Cái chết của ông được hệ phái Shi’ites coi là tử đạo và từ đây là sự chia cắt vĩnh viễn giữa hệ phái Shi’ite và hệ phái Sunni. Thời gian không chẳng những không hàn gắn được sự rạn nứt, trái lại càng đào sâu hố chia cách giữa 2 hệ phái, nguyên do quan trọng nhất vẫn là sự tranh cãi về phương cách chọn lựa người kế vị giáo chủ.

Mộ phần của thánh tử đạo Husayn ở Karbala trở thành vị trí hành hương linh thiêng của các tín đồ Hồi giáo Shi’ites, nhất là các tín đồ từ Iran. Và hàng năm, ngày tử đạo 10 tháng 10 (ngày Ashura tháng Muharram, lịch Hồi giáo) được phái Shi’ite cử hành hết sức long trọng.

Sau khi cha con Ali lần lượt bị sát hại, toàn thể đế quốc Hồi giáo phục tùng triều đại Umayyad. Từ đây chính thể cộng hòa thần quyền của những người kế vị Muhammad đã trở thành chế độ quân chủ thế tục cha truyền con nối và triều đại Umayyad sẽ bành trướng đế quốc Ả Rập chạy dài từ Ấn Độ tới Tây Ban Nha.

Riêng Hồi giáo hệ phái Shi’ite càng ngày càng nổi danh vì lòng mộ đạo nhiệt thành, song họ chỉ chiếm vào khoảng 20%, đang khi hệ phái Sunni là đa số chiếm tới 80% trên tổng số các tín đồ Hồi giáo trên thê giới. Đa số tín đồ Hồi giáo hệ phái Shi’ite tin rằng chỉ có 12 vị imams đích thật mà thôi. Vị imam cuối cùng là Muhammad al-Muntazar. Vị này mất tích vào năm 878 trong căn hầm của đền thờ vĩ đại ở Samarra không để lại con cái. Do vậy mà ngài được coi như một vị imam mai danh ẩn tích, rồi sẽ tới thời điểm ngài tái xuất hiện để khôi phục Hồi giáo chính thống, chinh phục toàn thế giới để tiến vào một thiên niên kỉ ngắn trước ngày cánh chung.

Ngũ Thường của Hồi giáo hệ phái Shi’ite:

Tín đồ Hồi giáo hệ phái Shi’ite phải tuân giữ 5 điều cột trụ sau đây:

1/ Phải tuyên tín chỉ có một Chúa trời duy nhất là Đức Allah mà Muhammad là thiên sai của Ngài.

2/ Phải cầu nguyện 3 lần mỗi ngày (Sunnis cầu nguyện 5 lần một ngày); 6 ngày mỗi tuần. Có thể cầu nguyện ở bất cứ chỗ nào. Ngày thứ sáu là ngày lễ Sabbath, thường phải cầu nguyện trong đền thờ. Lời cầu nguyện phải bằng tiếng Ả Rập là ngôn ngữ của kinh Qur’an. Khi cầu nguyện phải hướng mặt về phía thành Mecca.

3/ Phải bố thí 1/40 lợi tức cho người nghèo.

4/ Phải ăn chay ban ngày trong tháng đại lễ Ramadan.

5/ Phải thực hành hajj, tức là mọi tín đồ, nếu có đủ sức khoẻ và có khả năng tài chánh, phải hành hương viếng thánh địa Mecca một lần trong cuộc đời. Cuộc hành hương diễn ra vào thánh cuối cùng của niện lịch Hồi giáo.

Hàng giáo sĩ hệ phái Shi’ite

Hệ phái Shi’ite không có hàng giáo sĩ theo nghĩa bình thường, mà chỉ có những học giả chuyên giảng giải kinh Qur’an và lo những việc về tôn giáo. Họ được gọi là những mujahids hay là jurists. Họ phải học tập tại các trường tôn giáo tên là madreseh và phải thi tốt nghiệp. Có thể nói, các vị này là những người chuyên nghiệp về tôn giáo. Gọi họ là giáo sĩ không hoàn toàn chính xác. Bậc cao nhất của các vị này là ayatollah (sign of God). Một ayatollah được coi là một thẩm phán tối cao và phải có học vị tiến sĩ về tôn giáo. Ông được ‘hàng giáo sĩ’ nâng lên cấp bậc đó với điều kiện ông phải viết nhiều sách, dậy dỗ nhiều môn sinh, càng nhiều môn sinh càng có uy tín. Iran lúc nào cũng có tới 5 vị ayatollahs.

Kế hàng ayatollahs là các vị hojatolislams (proof of Islam). Xuống bậc nữa là các vị Mullahs. Các Mullahs chỉ cần học một hay hai năm là có đủ điều kiện lãnh chức.