IRAN ĐIỂM NÓNG MỚI TRÊN THẾ GIỚI (6)

CHIẾN TRANH IRAN-IRAQ

Cuộc cách mạng Hồi giáo thành công ở Iran, khiến cho giáo chủ Khomeini say men chiến thắng muốn xuất cảng ý tưởng thần quyền sang các nước Hồi giáo khác. Bắt đầu là nước Iraq có 60% dân số thuôc hệ phái Hồi giáo Shi’ite giống như bên Iran và là nước có một chính quyền dân sự không chịu ảnh hưởng giáo quyền. Trong nhiều tháng liên tiếp, giáo chủ Khomeini hô hào dân Iraq theo Hồi giáo hệ Shi’ite hãy lật đổ chính quyền dân sự. Điều này vừa chọc giận vừa gây lo ngại cho tổng thống Iraq là Saddam Hussein.

Ngoài ra, đôi bên đã từng tranh chấp với nhau ngay từ những năm 1970 một vài vị trí đất đai quan yếu. Iraq đòi chủ quyền trên vùng lãnh thổ tỉnh Khuzestan nhiều dầu lửa nhất và cửa biển chiến lược Shatt al-Arab.

Và chiến tranh đã xẩy ra. Ngày 22 tháng 9 năm 1980, 50,000 quân Iraq tấn công Iran khởi đầu cho cuộc chiến dài 8 năm, đem tới hậu quả khốc hại: các giếng dầu và các xưởng lọc dầu bị đánh bom. Hàng triệu người Iran không cửa không nhà. Khoảng 300,000 người Iran chết do chiến tranh và trên 600,000 ngàn người khác bị thương tật.

Vào khoảng cuối tháng 8 tới giữa tháng 9 năm 1985, Hoa Kì đã dùng Israel để chuyển giao vũ khí cho Iran để đổi lấy việc thả các con tin Mĩ đang bị quân du kích Hezbollah cầm giữ ở Li Băng. Bởi vì quân du kích Hezbollah ở Li Băng có liên hệ mật thiết với Iran.

Cuối cùng, về phía Iraq, Saddam Hussein nhận ra không thể đè bẹp quân Iran. Về phía Iran, nhờ cuộc xâm lăng của Iraq mà Khomeini có thể đoàn kết được toàn dân, vô hình chung củng cố thêm vững chắc cho chế độ thần quyền đang gặp nhiều thử thách. Ngược lại, Khomeini cũng nhận ra giấc mộng ‘xuất cảng’ cách mạng Hồi giáo cùng với chế độ thần quyền của ông không được các nước Hồi giáo khác hoan nghênh. Do tình hình đó khiến cho đôi bên phải chấp nhận đình chiến vào tháng 7 năm 1988.

LÃNH ĐẠO IRAN SAU KHOMEINI:

Năm 1989, đại giáo chủ Khomeini chết, thọ 87 tuổi. Khoảng 2 triệu người tham dự tang lễ. Dân chúng khóc lóc, xô lấn nhau xé cho được một miếng vải liệm để giữ làm ‘thánh tích’, đến nỗi thi hài giáo chủ đã rơi xuống đất, quân đội phải can thiệp và phải dùng trực thăng đáp xuống mới di chuyển được thi hài giáo chủ tới vị trí an táng. Ngày nay, mỗi năm hàng trăm ngàn người vẫn tới viếng thăm đền Khomeini gần thủ đô Tehran.

24 giờ sau khi giáo chủ Khomeini qua đời, giáo chủ Seyed Ali Khamenei lên kế tục ngôi vị lãnh đạo tinh thần và chính trị tối cao. Sau đó ít lâu, chủ tịch quốc hội Ali-Akbar Hashemi Rafsanjani cũng tuyên thệ nhậm chức tổng thống. ( Rafsanjani sẽ làm tổng thống 2 nhiệm kì liên tục, năm 1989 và năm 1993). Rafsanjani là người có óc thực tiễn, cố gắng đối phó với nạn lạm phát và nạn thất nghiệp, nhưng ông chỉ đạt được những thành quả giới hạn.

Sang nhiệm kì 1997, Seyed Mohammad Khatami được bầu làm tổng thống. Ông là một người ôn hòa, muốn cải tổ chính trị và xã hội: Thêm tự do cho báo chí, thêm độc lập cho ngàng tư pháp, thêm cơ hội cho phụ nữ và giới trẻ. Vào năm 2000, trong cuộc bầu cử quốc hội, phe chủ trương ôn hòa đã thắng thế vẻ vang, thu đươọc 70% phiếu bầu.

Mạc dù thế, những cố gắng cải tổ không di đến đâu. Những dự luật mới do chính phủ của tổng thống Khatami đưa ra đếu bị các giáo sĩ có quyền giám sát ngăn cản. Các giáo sĩ còn kiểm soát hệ thống tòa án và đả trừng phạt bất cứ hành vi thái độ nào được coi là không thuộc Hồi giáo. Chế độ kiểm duyệt rất khắt khe, hàng tá ấn bản hô hào cải tổ bị đình chỉ. Các nhà bất đồng chính kiến bị bắt giam, có khi bị giết chết. Các tôn giáo thiểu số khác bị bách hại. Nhiều cuộc bạo động chết người của sinh viên nổ ra như cơm bữa. Nạn hút sách tràn lan, nhất là trong giới trẻ.

Tháng 6 năm 2001, Khatami tái đắc cử tổng thống với số phiếu áp đảo 77% và tổng thống tiếp tục đẩy mạnh cải tổ, thêm dân chủ, thêm tự do cá nhân cho Iran. Song cũng như trong nhiệm kì đầu, bao nhiêu nỗ lực cải thiện của tổng thống Khatami đều ra vô hiệu vì đụng phải bức tường cực kì bảo thủ của giới giáo sĩ nắm thực quyền.

VÀI NÉT VỀ TỔNG THỐNG IRAN HIỆN NAY: MAHMOUD AHMADINEJAD

Tân tổng thống Iran hiện nay là Mahmoud Amadinejad sinh năm 1956. Hồi còn là sinh viên, ông đã hoạt động tích cực trong cao trào cách mạng Hồi giáo. Là thành viên sáng lập tổng hội sinh viên và lãnh đạo tổng hội sinh viên chiếm giữ tòa đại sứ Hoa Kì tại Tehran năm 1979; nhưng ông đã phủ nhận có tham gia vào vụ bắt giữ con tin! Ông còn là sĩ quan thuộc đội vệ binh cách mạng (Revolutionary Guards). Tháng 6 năm 2005, đang giữ chức thị trưởng thủ đô Tehran, ông ra tranh cử và đã đánh bại cựu tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani để trở thành vị tổng thống xuất thân dân sự đầu tiên sau 24 năm không thuộc hàng giáo sĩ. Ông ăn mặc đơn giản, thái độ bình dân và có tài lợi khẩu, rất được lòng dân. Mặc dù khi ra tranh cử ông hứa hẹn một nhiệm kì ‘hòa bình và ôn hòa’, nhưng ông lại có lập trường cực kì bảo thủ. Ngay từ khởi đầu nhiệm kì, TT Amadinejad đã biến Iran thành điểm nóng trên thế giới với những lời tuyên bố đầy khiêu khích Israel, Tây phương và Hoa Kì. Việc ông nhất quyết tiến hành chương trình nguyên tử đã trở thành một thách thức lớn mà các cường quốc đang phải đối đấu hiện nay.

Còn tiếp