IRAN ĐIỂM NÓNG MỚI TRÊN THẾ GIỚI (5)

TẤN CÔNG TÒA ĐẠI SỨ HOA KÌ VÀ CẦM GIỮ CON TIN

Cuộc tấn công lần đầu:

Sau khi quân đội của vương triều Pahlavi sụp đổ, chỉ với 13 lính thủy quân lục chiến Mĩ bảo vệ và một ít cảnh sát Iran đóng gần đó, ông đại sứ William Sullivan đã ý thức được an ninh tòa đại sứ đang bị đe dọa và ông đã báo cáo về Hoa Thịnh Đốn. Nhưng người ta cho là ông đại sứ quá lo xa. Hoa Thịnh Đốn đã lại sai lầm!

Sáng ngày 14 tháng 02 năm 1979, nghe thấy nhiều tiếng súng nổ và toà đại sứ bắt đầu bị những kẻ tấn công tràn ngập từ mọi phía. Nhân viên sứ quán lo thu góp tài liệu, đang khi lính thủy quân lục chiến cố gắng ngăn chặn cuộc tấn công bằng lựu đạn cay. Nhưng cuối cùng cánh cổng chính của tòa đại sứ bị phá tung và tòa đại sứ phải đầu hàng.

Thế nhưng ngay sau đó, ông Ibrahim Yazdi, một dược sĩ tốt nghiệp ở Hoa Kì rất thân cận với giáo chủ Khomeini đã chỉ huy một lực lượng sinh viên đông hơn và được vũ trang đầy đủ hơn đã tấn công vào tòa đại sứ mục đích để giải vây cho tóa đại sứ. Lực lượng thứ nhất đã chấp nhận điều kiện không gây thiệt hại gì cho các nhân viên sứ quán Hoa Kì để chính họ được rời khỏi sứ quán an toàn. Nhờ thế cuộc tấn công lần thứ nhất vào tòa đại sứ Hoa Kì đã được giải quyết một cách tương đối êm thắm.

Cuộc tấn công lần thứ hai:

Ngót 9 tháng sau cuộc tấn công vào tòa đại sứ Hoa Kì lần thứ nhất, sẽ diễn ra cuộc tấn công lần thứ hai. Sự thể như sau:

Như đã tường thuật, chính phủ Carter đang coi quốc vương Pahlavi là một đồng minh thân thiết thì xẩy ra cuộc cách mạng Hồi giáo. Đại sứ Hoa Kì tới đề nghị quốc vương đi lưu vong và hứa sẽ đệ trình tổng thống Carter tiếp đón quốc vương. Quốc vương ra đi song vẫn nghĩ là chỉ ra đi tạm thời, đợi tình hình ổn định sẽ lại trở về. Song tình hình diễn biến đem tới thắng lợi tuyệt đối cho giáo chủ Khomeini. Uy tín của quốc vương hoàn toàn sụp đổ, vĩnh viễn chận mất đường về của ông. Với óc thực tiễn, chính phủ Carter quên ngay những lời hứa hẹn với người ‘bạn đồng minh’ thân thiết mới ngày hôm qua! Hoa kì, hôm nay, tính toán sẽ bắt tay được với chính quyền mới tại Tehran! Do đó quốc vương Pahlavi đã phải ‘lang thang’ đi từ Ai Cập sang Ma Rốc, rồi Bahamas. Chỉ tới khi căn bệnh ung thư đe dọa trầm trọng sinh mạng của quốc vương và sau nhiều tuần lễ lưỡng lự, ngày 22 thánh 10 năm 1979, Hoa Kì mới chấp thuận cho quốc vương được vào chữa trị tại bệnh viện ở New York. Bởi vì bên ngoài rất ít người biết rõ về tình trạng sức khoẻ kiệt quệ của quốc vương, cho nên đối với người Iran, việc quốc vương tới Hoa Kì đã tạo nên mối nghi ngờ rằng ông tới mưu tìm hậu thuẫn chính trị để trở về nắm lại chính quyền. Hậu quả của sự nghi ngờ là tinh thần chống Mĩ tại Iran bùng lên cao ngất. Đương nhiên tòa Đại sứ Hoa Kì tại Tehran bị đe dọa tấn công đầu tiên.

Quả nhiên, vào sáng ngày 4 tháng 11 năm 1979, khởi đầu là một đoàn phụ nữ bận chadors cổ truyền màu đen tràn vào tòa đại sứ và hô ‘Death to America’ (đả đảo nước Mĩ)! Tiếp theo, các sinh viên ồ ạt xâm nhập, họ bắt trói và bịt mắt tất cả 52 nhân viên sứ quán. Trong 2 ngày sau đó, bọn xâm nhập vẫn cố thủ trong tòa đại sứ để chờ xem thái độ của giáo chủ Khomeini ra sao. Người ta thấy sự thù ghét nước Mĩ bộc lộ mạnh mẽ qua các tờ truyền đơn, các bích chương khẩu hiệu và những đoàn người tụ họp reo hò bên ngoài để ủng hộ những kẻ tấn công tòa đại sứ. Sau 2 ngày chờ đợi, cuối cùng đài phát thanh Tehran loan báo giáo chủ Khomeini ‘chúc phúc’ cho việc chiếm đóng tòa đại sứ. Sự kiện này kéo theo toàn bộ chính phủ của thủ tướng Bazargan từ chức. Nước Iran đặt dưới sự kiểm soát của Hội đồng Cách mạng (The Revolutionary Council). Chỉ trong vòng một tháng sau, hiến pháp được sửa đổi để giao những quyền tối cao vào tay giáo chủ Khomeini. Vụ tấn công toà đại sứ Hoa Kì và cầm giữ con tin được coi như là một chiến thắng vẻ vang đối với nhiều ngưòi Iran. Thế nhưng đối với tổng thống Mĩ Carter, đây chính là một thảm kịch.

Ngày 24 tháng 4 năm 1980, chính quyền Carter tổ chức đổ bộ xuống tòa đại sứ Hoa Kì tại Tehran để giải cứu con tin. Từ hàng không mẫu hạm Nimitz đậu trên biển Ả Rập (The Arabian Sea), 8 chiếc trực thăng chở biệt kích tiến về mục tiêu ở Tehran xa 275 dặm. Không may, cuộc hành quân gặp phải bão cát làm tê liệt 2 chiếc trực thăng, 2 chiếc khác đụng nhau bốc cháy. Ý đồ thảm bại nhục nhã, khiến 8 lính biệt kích tử thương, phi cơ để lại trên sa mạc và con tin vẫn còn bị cầm giữ tại Tehran.

Giáo chủ Khomeini tuyên bố đó là ý Trời. Bão cát chính là dấu chỉ nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ chiến thắng kẻ thù. Đó cũng là điềm báo nhắn bảo với tổng thống Bani-sadr rằng tôn giáo chứ không phải chính trị sẽ quyết định tương lai của nước Iran!.

Cơn khủng hoảng con tin chỉ chấm dứt vào phút chót trước khi nhiệm kì tổng thống của Jimmy Carter chấm dứt. Vừa phần muốn được giải tỏa tài khỏan bị niêm phong ở Hoa Kì vừa phần không thể tiên liệu được tân tổng thống Ronald Teagan là người thế nào cho nên Chính quyền Cách mạng Hồi giáo mới chịu thương tuyết về vấn đề con tin, và cũng chỉ tới đúng lúc tổng thống Ronald Reagan tuyên thệ nhậm chức thì các con tin mới được đưa lên phi cơ rời khỏi Iran sau 444 ngày bị cầm giữ.