IRAN ĐIỂM NÓNG TRÊN THẾ GIỚI (3)

THỜI ĐẠI TÔN GIÁO TRỊ

CUỘC CÁCH MẠNG HỒI GIÁO


Lãnh đạo cuộc cách mạng Hồi giáo tại Iran là đại giáo chủ Khomeini. Là một giáo sĩ cao cấp, nổi tiếng uyên thâm về luật pháp và giảng thuyết, ông luôn luôn viết lách và đăng đàn công kích chính sách canh tân đất nước của quốc vương, cho là theo tây phương, đe dọa luật lệ Hồi giáo.

Vào thời thập niên 1950,60 các vấn đề ở Trung Đông nổi bật trên chính trường thế giới, các nước Ả Rập hướng về sự lãnh đạo của tổng thống Ai Cập Nasser thì quốc vương Iran lại trở thành đồng minh của Tây phương và Do Thái. Do đó, càng khơi sâu hố chia cách giữa nhà vua và Khomeini cùng những người ủng hộ giáo chủ. Cao điểm là vào tháng 6 năm 1963, tại đền thờ thành Qom, Khomeini phát động những cuộc biểu tình tố cáo quốc vương là kẻ thù của Hồi giáo và khích động lòng quả cảm, sự hi sinh sẵn sàng tử đạo của tín đồ và liên kết tôn giáo vào chính trị. Ngay sau đó, Khomeini bị bắt, thế là các cuộc biểu tình bạo động nổ ra. Khomeini trở thành thần tượng, hình ảnh ông đầy rẫy khắp nơi. Quốc vương dùng quân đội để đàn áp, hàng trăm người bị thiệt mạng, hàng triệu đô la tài sản bị đốt phá. Sau gần một năm bị giam giữ, Khomeini phải đi lưu vong vào năm 1964. Nhưng ông đã thu được niều cảm tình hơn và uy tín của ông lên cao hơn.

Giữa lúc dân tình càng ngày càng trở nên bất lợi cho nền quân chủ, ngày 26 tháng 10 năm 1967, quốc vương lại cho tổ chức lễ trao vương miện rất xa hoa lãng phí. Nhà vua tự đội vương miện cho mình và cho vợ là bà Farah, rồi phong bà là hoàng hậu có quyền nhiếp chính cho hoàng tử lên 6 trong trường hợp quốc vương mất sớm. Quốc vương xưng là ‘vua các vua’ (king of kings), là nối dòng của các vị đại vương đế quốc Ba Tư thời tiền Hồi giáo. Để củng cố địa vị ‘vua các vua’, đồng thời chủ ý làm giảm uy tín và ảnh hưởng của Hồi giáo, năm 1971, quốc vương đã tổ chức đại lễ kỉ niệm cổ thành Persepolis rất tốn kém. (Thành Persepolis do đại vương Darius, 521-486 trước công nguyên, xây dựng). Quốc vương Pahlavi tổ chức lễ kỉ niệm thành Persepolis mục đích ca ngợi sự nghiệp lẫy lừng thời các đại vương Ba Tư trước khi Hồi giáo xuất hiện; đồng thời ngụ ý rằng quốc vương nối nghiệp các đại vương có đủ khả năng làm cho dân giầu nước mạnh không cần tới Hồi giáo và sự can thiệp của các giáo sĩ.

Trong khi đó giáo chủ Khomeini từ nơi lưu đầy, Thổ Nhĩ Kì, rồi Iraq, đã gọi những ai tham dự lễ kỉ niệm cổ thành Persepolis là những tên phản bội lại Hồi giáo, và ông liên tục lên tiếng kêu gọi dân Iran lật đổ triều Pahlavi để thiết lập một chính quyền Hồi giáo. Năm 1973, Ai Cập tấn công Do Thái. Hoa Kì vội vàng cứu nguy Do Thái, cho nên các nước Ả Rập mở cuộc cấm vận dầu lửa chống lại Hoa Kì và các đồng minh của Do Thái. Riêng Iran vẫn tiếp tục bán dầu cho Hoa Kì và đã thu được lợi nhuận khổng lồ. Có nhiều tiền quốc vương lại dùng để mua sắm vũ khí từ Hoa Kì.

Hoa Kì rất hài lòng có một đồng minh như quốc vương Pahlavi, và đã sẵn lòng cung ứng mọi thứ quốc vương yêu cầu. Mối giao hảo thân thiện ấy đã đưa nhiều nhân viên Hoa Kì sang Iran cùng với phim ảnh, y phục, ăn uống, hàng hóa …từ Mĩ. Lối sống và cách ứng xử kiểu Mĩ gây xúc phạm và căm phẫn rất lớn đối với quần chúng Iran.

Tháng 3 năm 1975, nhằm mục đích củng cố ngôi vị bằng những thắng lợi trong các cuộc bầu cử, quốc vương đã thành lập độc đảng Rastakhiz (the Resurgence Party) và ép mọi nam công dân gia nhập đảng. Hành động này của quốc vương có tác dụng ngược, chỉ gây thêm nhiều bất mãn. Sang năm 1976, quốc vương lại hành động thất sách khi bắt phải dùng lịch tính theo ngày đại vương Cyrus thành lập đế quốc Ba Tư thay cho lịch Hồi giáo tính theo năm giáo chủ Mohammad chạy trốn từ thành Mecca sang thành Medina. Giáo chủ Khomeini càng có thêm bằng chứng để khích động quần chúng. Để đối phó với tình hình, mật vụ Savak tăng cường khủng bố, đàn áp.

Năm 1977, tân tổng thống Jimmy Carter mời quốc vương Pahlavi sang thăm Hoa Kì. Nhân dịp này một số trí thức Iran gửi cho quốc vương một lá thư yêu cầu nhà vua bãi bỏ hệ thống độc đảng, bãi bỏ chế độ kiểm duyệt báo chí và những giới hạn các quyền tự do khác. Cũng nhân chuyến viếng thăm này, đã nổ ra các cuộc biểu tình phản kháng quốc vương ngay bên ngoài tòa Bạch Ốc, tại Tehran và nhiều thành phố ở Iran. Ngay sau đó, tổng thống Carter tới Tehran vào ngày cuối cùng bước sang năm mới để chúc mừng quốc vương về...: ‘sự vững bền… lòng kính trọng, thán phục và qúy mến của thần dân đối với quốc vương’. Vừa tiễn chân Tổng thống Carter, một tờ báo thân chính tung ra bài báo đả kích giáo chủ Khomeini dữ dội làm bùng nổ nhiều cuộc bạo loạn cũng tại thành phố Qom vốn là trung tâm đào tạo hàng giáo sĩ. Lực lượng cảnh sát thẳng tay trấn áp bạo loạn và đã gây tử thương 6 người. Vì biến cố này, thành phần ôn hòa đã nghiêng về phe giáo chủ Khomeini. Bạo loạn tiếp tục lan ra các thành phố khác, gây thêm chết choc khiến tình thế càng rối ren hơn. Trong khi quốc vương tỏ ra bất lực thì giáo chủ Khomeini, từ lãnh thổ Iraq, càng mạnh mẽ công kích quốc vương và hô hào lật đổ chế độ quân chủ, thiết lập chế độ Hồi giáo trị.

Họa vô đơn chí, đang khi tình hình nội chính như hết thuốc chữa thì quốc vương lại phải bí mật chống chọi với căn bệnh ung thư mới chỉ có các y sĩ và hoàng hậu biết mà thôi. Về chính trị, chính phủ Iran áp lực Iraq phải có biện pháp đối với giáo chủ Khomeini. Vì e sợ tư tưởng cách mạng Hồi giáo của Khomeini lây lan vào đa số người Iraq theo Hồi giáo hệ phái Shiite, cho nên Iraq đã đồng ý trục xuất giáo chủ Khomeini. Giáo chủ muốn tị nạn tại Kuwait, nhưng bị nước này từ chối, nên phải xin sang Pháp. Tổng thống Pháp Giscard d’Estaing đã hỏi ý kiến quốc vương Iran về việc này. Quốc vương Pahlavi đồng ý, vừa phần vì không muốn giáo chủ Khomeini cư trú tại một nước Hồi giáo gần cạnh Iran, vừa phần cho rằng nước Pháp không phải là một nước Hồi giáo lại ở quá xa, như thế sẽ bất lợi cho mặt trận tuyên truyền của giáo chủ. Thế nhưng thực tế cho hay quốc vương đã đi sai nước cờ này. Bởi vì chính ở Pháp tiếng nói của giáo chủ mới truyền đi xa đi rộng hơn, nhờ vào nơi đây có đủ mọi phương tiện truyền thông hiện đại; hơn nữa người phương Tây dễ bị mê hoặc bởi những hình tượng khôn khéo khoác lên mình bộ áo của cách mạng, của hi sinh đấu tranh vì cơm no áo ấm cho đồng bào bất hạnh, đang bị cường quyền, tham ô nhũng lạm đàn áp, tước bỏ mọi quyền tư do căn bản! Do tình hình diễn biến theo chiều hướng không ngờ này, mặc nhiên giáo chủa Khomeini đã được coi như là lãnh tụ có thực lực của người Iran.

Thứ Sáu Đen:

Tháng 9 năm 1978, lợi dụng dịp kết thúc tháng ăn chay Ramadan, các giáo sĩ đã tổ chức buổi cầu kinh quy tụ 100,000 tín đồ, rồi tuần hành qua các phố, hô to những khẩu hiệu suy tôn giáo chủ Khomeini. Đám đông tụ họp càng lúc càng đông hơn và liên tục đã 3 ngày. Họ công khai kêu gọi lật đổ nhà vua khiến chính quyền phải ra lệnh thiết quân luật nhưng đoàn người vẫn không giải tán. Ngày 8 tháng 9, quân đội đã nổ súng giết nhiều người trong đoàn nhân công biểu tình. Và lập tức ngày này được đặt tên là thứ Sáu Đen. Nhiều người trước đây đứng ngoài cuộc nay đã chống lại quốc vương vì những vụ giết người. Trong suốt thời gian tháng 10, 11, liên tiếp nhiều cuộc biểu tình nổ ra khắp nơi, kéo theo cả nhân công ngân hàng, báo chí, thợ mỏ, bưu điện và cả nhân viên nhà máy chính phủ nữa. Để thoa dịu, quốc vương ra lệnh thả tù chính trị, cải tổ chính phủ cùng với nhiều lời hứa hẹn. Song tất cả đều tỏ ra vô hiệu.

Đến tháng 12, khi tình hình đã vượt khỏi tầm tay của quốc vương thì đại sứ Hoa Kì đến đề nghị quốc vương nên rời xứ sở. Ông đại sứ hứa sẽ xin Tổng thống Hoa Kì chấp nhận cho quốc vương tạm trú tại Hoa Kì. Quốc vương đồng ý ra đi và tin là sẽ chỉ ra đi tạm thời, khi tình hình lắng dịu sẽ lại trở về như đã xẩy ra trước đây. Ngày 16 tháng 01 năm 1979 quốc vương và bà hoàng Farah rời khỏi xứ sở, trao chính quyền vào tay tân thù tướng Shapour Bakhtiar. Thế là triều đại Pahlavia sụp đổ. Cuộc cách mạng Hồi giáo bước đầu đã thành công. Đài phát thanh loan tin quốc vương vừa rời khỏi xứ sở khiến cho các phố phường tràn ngập những làn sóng người nhảy múa reo hò. Đâu đâu cũng thấy trương hình ảnh lãnh tụ Khomeini. Các tương đài quốc vương bị đâp phá tan tành. Các tướng lãnh xếp hàng, vừa khóc vừa hôn tay tiễn biệt quốc vương tại phi trường, nhưng chỉ ít lâu sau họ đều bị sát hại cùng với nhiều người có liên hệ mật thiết với quốc vương. Ngay cả tân thủ tướng Bakhtiar cũng chỉ tại vị được một tháng rồi phải đào thoát để bảo toàn sinh mạng!.

Trên thực tế, chính giới Hoa Kì cho rằng quốc vương là cản trờ chính cho sự ổn định tình hình ở Iran nên cần phải ra đi. Thế cho nên khi quốc vương tới Hoa Kì, ông không còn được tiếp đón như là một lãnh tụ quốc gia tại thù đô Washington nữa mà phải đáp xuống một phi trường quân sự miền bờ biển phía Đông, rồi được chuyển sang ở một dinh thự tư nhân khác tại Palm Spring, California. Sở dĩ chính phủ Carter cư xử cạn tàu ráo máng đối với quốc vương Pahlavi như thế (chỉ 2 năm trước đây quốc vương còn được TT Carter coi là người bạn thân thiết của Hoa Kì) còn bởi một lí do nữa là đã tin vào lời tuyên bố của giáo chủ Khomeini, lúc đó đang ở Pháp, rằng bất cứ quốc gia nào chấp nhận cho quốc vương trú ngụ để quốc vương mau rời khỏi Iran thì sẽ được chính quyền mới quan hệ tốt đẹp! Lịch sử sẽ chứng minh Hoa Kì lại phạm thêm một sai lầm nữa trong bàn cờ chính trị chiến lược này.

Sau khi quốc vương ra đi, thủ tướng Shapour Bakhtiar đưa ra nhiều biện pháp để vãn hồi trật tự: giải thể cơ quan mật vụ SAVAK, tuyên bố tự do báo chí, đe dọa cắt đứt quan hệ với Israel. Thủ tướng biết nếu giáo chủ Khomeini trở về trong lúc này sẽ gây trở ngại cho các nỗ lực của ông cho nên ông đã yêu cầu giáo chủ hãy tạm ở lại Pháp cho đến khi tình hình lắng dịu. Thế nhưng giáo chủ từ chối lời thỉnh cầu và đã trở về Iran ngày 01 tháng 02 năm 1979, sau 14 năm lưu vong.

Một triệu người ra đón giáo chủ Khomeini tại phi trường. Vị lãnh đạo tinh thần đọc bài diễn văn khẳng định Hồi giáo sẽ khắc phục mọi thối nát do chế độ Pahlavi để lại và kêu gọi trục xuất tất cả mọi người ngoại quốc.

Trong 10 ngày tiếp theo đó, chính quyền và quân đội cũ vẫn cố nắm giữ vị trí, họ phải đối phó với lực lượng ủng hộ giáo chủ, gồm cả một phần quân đội lẫn dân chúng. Phố phường đầy người, xe tăng và bạo loạn khắp nơi. Dân quân theo Khomeini vượt trội về quân số đã chiếm giữ các tòa nhà chính phủ, trại lính, nhà tù, các đài truyền thanh, truyền hình.

Đến ngày 11 tháng 2 năm 1979 thì Tehran đã nằm trọn dưới sự kiểm soát của lực lượng cách mạng. Khomeini liền tuyên bố nước Iran nay trở thành một nước Hồi giáo và chỉ định chính khách 72 tuổi Mehdi Bazargan làm thủ tướng chính phủ Hồi giáo đầu tiên. Những tuần lễ sau đó diễn ra hàng loạt những cuộc bắt bớ và xét xử vội vã. Hàng trăm sĩ quan và viên chức chế độ cũ bị tử hình, hàng ngàn người bị đuổi việc. Chế độ thần quyền dẹp bỏ các đảng phái, đóng cửa nhiều nhật báo và tạp chí. Tôn giáo chiếm lãnh các dinh thự và cơ sở kinh doanh trước đây do hoàng tộc hoặc các các kĩ nghệ gia giầu có làm chủ. Những người hấp thụ nền học vấn kiểu tây phương như các y sĩ, y tá, thầy giáo, chuyên viên kĩ thuật tìm cách trốn ra nước ngoài.

Thủ tướng Mehdi Bazargan phản đối cách trả thù như điên cuồng này, nhưng giáo chủ Khomeini lại cho phép. Điều mâu thuẫn này gây khó khăn cho thủ tưóng Bazargan, vì ông tuyên bố với thế giới là chính phủ của ông sẽ sửa chữa những vi phạm nhân quyền xẩy ra trong chế độ cũ nhưng nay lại xử tử người hàng loạt khiến cho khắp nơi lên tiếng phản đối. Người ta, trong và ngoài nước Iran, hiểu rõ bây giờ chính giáo chủ Khomeini là người nắm thực quyền chứ không phải vị thủ tướng. Thủ tướng Bazargan muốn tăng thêm giá trị hiến pháp cho thể chế bằng phương thức toàn dân bỏ phiếu chọn lựa giữa 2 hình thức chính quyền dân sự hay thần quyền, nhưng giáo chủ loại bỏ chính quyền dân sự mà chỉ cho phép dân bỏ phiếu ưng (màu xanh) hoặc đỏ (không ưng) chỉ một thể chế Cộng hòa Hồi giáo mà thôi. Toan tính ‘chắc ăn’ này cộng với sự thiếu kín đáo tại các phòng phiếu, cho nên giáo chủ Khomeini đã thu được tới 90% tổng số phiếu bầu chọn thể chế nước Cộng hòa Hồi giáo. Giáo chủ Khomeini còn áp đặt thay đổi những điều khoản quan trọng trong hiến pháp về cơ cấu tổ chức chính quyền:

Hiến pháp ban đầu phân chia công quyền ra 3 ngành: lập pháp, tư pháp và hành pháp do các viên chức dân sự đảm nhiệm với điều kiện các viên chức chấp nhận sự chỉ đạo cố vấn của các lãnh tụ Hồi giáo. Nhưng giáo chủ đã đặt thêm ngành thứ 4 cho guồng máy chính quyền, đó là Hội đồng bảo vệ (The Council of Guardians).

Ban đầu, hiến pháp cũng dự liệu ban cho vi tổng thống nhiều quyền hành và chỉ chịu sự cố vấn của các vị lãnh tụ Hồi giáo, nhưng sau đó hiến pháp đã bị áp đặt thêm vị lãnh đạo tối cao, tức faqih, là người có quyền quyết định tối hậu trên mọi hoạt động của nhà nước.

Thực ra có nhiều giáo sĩ cũng như nhiều thành phần dân chúng nhận ra guồng máy chính quyền này xem ra độc tài không kém chế độ vương quyền vừa bị lật đổ. Họ chờ đợi 2 tháng nữa đề tỏ thái độ hợp pháp trong cuộc đầu phiếu sẽ diễn ra vào tháng 12 năm 1979. Song không may, ngày 4 tháng 11 1979, lại xẩy ra biến cố sinh viên tấn công tòa đại sứ Hoa Kì tại Tehran. Tình hình chuyển biến tâm lí khiến cho dân chúng quên mọi bất đồng về chính kiến và sẵn sàng đứng sau lưng vị lãnh tụ tối cao Khomeini.

Ngày 25 tháng 01 năm 1980 là ngày bầu cử ra vị tổng thống đầu tiên của nước Cộng Hoà Hồi giáo. Vì biết có nhiều giáo sĩ bất đồng chính kiến, cho nên giáo chủ tìm cách ngăn cấm các giáo sĩ ra tranh chức vị tổng thống. Kết quả ông Albohassan Bani-Sadr 46 tuổi đắc cử tổng thống. Bani-sadr thuộc nhóm lưu vong của giáo chủ Khomeini ở Pháp trước đây, có khuynh hướng Macxít hơn là những giáo điều bảo thủ của giáo chủ. Khi đắc cử tổng thống ông muốn củng cố quyền hành cho chức vị tổng thống hơn là để cho các giáo sĩ thao túng mọi lãnh vực. Do đó các biện pháp ông muốn đưa ra đều xung khắc với ý đồ của giáo chủ Khoneini vì giáo chủ chỉ muốn một vị tổng thống ít quyền lực và phải phụ thuộc hoàn toàn vào giáo chủ là vị lãnh đạo tối cao. Tân tổng thống bị thất thế ngay trong cuộc bầu cử tổ chức vào tháng ba: Đảng Cộng hòa Hồi giáo (The Islamic Republican Party, IRP) chiếm lãnh quốc hội và tổng thống buộc phải chấp nhận một thủ tướng thuộc Đảng Cộng Hòa Hồi giáo. Hậu quả là cuộc đối đầu về các chính sách giữa tổng thống và thủ tướnh chính phủ.