Iran điểm nóng mới trên thế giới (1)



Bài đúc kết vài nét chính về vương quốc Ba Tư thuở xưa và nay là quốc gia Iran, hoàn toàn không nhằm bày tỏ một thái độ chính trị hoặc phê phán tôn giáo nào. Chỉ vì hiện nay, Iran nổi lên là một điểm nóng trong vùng Tây Á và Trung Đông đầy biến động, thu hút sự quan tâm của toàn thế giới, cho nên chúng tôi thực hiện bài này để giúp qúy độc giả dễ dàng theo dõi tình hình đang diễn biến mà thôi.

TÌNH HÌNH

Ít lâu nay, với ý chí tái tục chương trình nghiên cứu nguyên tử của giới lãnh đạo cứng rắn ở Tehran và với những câu tuyên bố khiêu khích của vị tân tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã khiến cho Iran trở thành điểm nóng mới trên thế giới.

Đã 27 năm qua, từ ngày 16 tháng 1 năm 1979, quan hệ giữa Hoa Kì - Iran coi như bị cắt đứt sau khi người bạn của Hoa Kì là quốc vương Iran Mohammad Reza Shah Pahlavi bị lật đổ khỏi ngai vàng do cuộc cách mạng Hồi giáo lãnh đạo bởi giáo trưởng Ayatollah Ruhollah Khomeini và các nhân viên sứ quán Hoa Kì tại Tehran bị bắt giữ làm con tin.

Tuy nhiên sau biến cố 2 tòa nhà thương mại ở New York bị bọn khủng bố tấn công, dường như Iran đã ngầm ủng hộ cuộc tấn công của Hoa Kì vào Afghanistan; và người ta thấy bộ trưởng ngoại giao HK lúc đó là cựu tướng Colin Powell đã bắt tay thân thiện với bộ trưởng ngoại giao Iran là Kamal Kharrari tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. Giữa lúc tưởng như mối giao hảo đôi bên đang được phục hồi ấy thì ngày 29 tháng 1 năm 2002, trong bài diễn văn toàn quốc, TT George W. Bush đột nhiên tuyên bố Iran và những đồng minh khủng bố của Iran là nằm trong cái trục sự ác, đe dọa nền hòa bình của thế giới. Sau đó 2 ngày, cố vấn an ninh quốc gia lúc ấy là bà Condoleeza Rice bồi thêm: ‘Sự giúp đỡ của Iran cho bọn khủng bố khu vực và quốc tế cùng nỗ lực thủ đắc vũ khí giết người hàng loạt của Iran đã đi ngược lại với bất cứ thiện ý nào của nó đã biểu hiện trong những ngày sau cuộc tấn công khủng bố tệ hại nhất trên thế giới trong thời hiện đại’.

Rồi tình hình sôi động hẳn lên kể từ khi Mahmoud Ahmadinejad trở thành tổng thống Iran trong cuộc bầu cử vào tháng 6 năm 2005. Là một người có lập trường bào thủ cứng rắn, cho nên mặc dù ông tuyên bố chủ trương nhiệm kì tổng thống của ông nhiệm kì ‘hòa bình và ôn hòa’, nhưng ông lại bị cáo buộc là bảo trợ khủng bố, can thiệp vào Iraq, phá hoại các nỗ lực hòa bình ở Trung Đông và cho tiến hành chương trình nghiên cứu nguyên tử gây tranh chấp. Ông còn châm thêm dầu vào lửa khi tuyên bố ý đồ xóa tên nước Israel trên bản đồ thế giới và rằng cái gọi là lò sát sinh dân Do Thái (holocaust) dưới thời Đức quốc xã chỉ là một huyền thoại (myth).

Thế là tình hình cứ như ngọn lửa đang được châm thêm dầu!

Trong buổi tường trình với Quốc hội cách nay ít lâu, bộ trưởng ngoại gia Codoleeza Rice nói: ‘Không có một thách thức nào từ một quốc gia lại lớn hơn là cuộc thách thức chúng ta gặp phải từ Iran là nước có những chính sách nhằm phát triển một miền Trung Đông khác biệt 180 độ với một Trung Đông mà chúng ta muốn thấy’.

Còn TT George W. Bush dù đang phải lo nghĩ đến bạc đầu về cuộc chiến ở Iraq, cũng đã tỏ ra không chút nao núng. Một đàng ông chủ trương ngoại giao là giải pháp ưu tiên trong nỗ lực ngăn chặn ý đồ phát triển vũ khí nguyên tử của Iran. Đàng khác, trong bản tường trình về Chiến Lược An Ninh Quốc Gia đưa ra ngày 16 tháng 3 năm 2006, Tổng thống nói thẳng nếu những nỗ lực ngoại giao không thành công thì HK không loại bỏ giải pháp dùng vũ lực và Tổng thống tái xác nhận chiến pháp ‘tiên hạ thủ vi cường’ (strike first)của chính phủ ông: ‘Tuy nhiên, nếu cần, theo những căn bản đã có từ lâu, chúng ta không loại bỏ việc xử dụng vũ lực trước khi bị địch tấn công, ngay cả trong trường hợp ta chưa nắm rõ được nơi và giờ địch sẽ tấn công’.

Có phải đã tới thời thiên hạ đại loạn rồi chăng? Nước Iran sức vóc bao nhiêu, có những ‘bửu bối’ gì, mà vừa dám dương đầu với Tây Âu vừa dám thẳng thừng đe dọa sẽ cho Hoa Kì nếm mùi tổn hại và đau thương (harm and pain): ‘Hoa kì có sức mạnh gây tổn hại và đau thương, nhưng Hoa Kì cũng có thể bị làm cho tổn hại và đau thương. Vì vậy nếu đó là con đường Hoa Kì muốn đi thì cứ để cho nó diễn ra’. Đó là lời tuyên bố của ông Ali Asghar Soltanieh, trưởng phái đoàn Iran tại cơ quan nguyên tử năng Liên hiệp quốc IAEA nhân buổi họp của cơ quan này ở Vienna nước Áo hôm mồng 9 tháng 3.

Ngày 09 tháng 6 vừa qua, 5 cường quốc Anh, Pháp, Nga, Trung Hoa, Hoa Kì và Đức đã ra tối hậu thư cho Iran phải tạm ngưng chương trình nguyên tử, nếu không sẽ bị chế tài về chính trị và kinh tế. Hạn chót để Iran trả lời là ngày 31 tháng 8.

Thứ bảy 26 tháng 8, chẳng những Iran đã không đáp ứng yêu cầu của các cường quốc mà trái lại, tổng thống nước này là Mahmoud Ahmadinejad còn tới khánh thành nhà máy chế nước nặng là một trong những bước cần thiết cho việc chế tạo vũ khí nguyên tử. Iran tố ngược lại quyết định của Hội đồng Bảo an LHQ là ‘không hợp pháp’.

Tình hình Iran bị cuộc chiến giữa Israel-Hezbollah và Hamas làm lu mờ nay đang trở lại nóng bỏng khi hạn chót -31 tháng 8- phải đáp ứng yêu cầu của Hội đồng Bảo an LHQ đang tới gần.

(Còn tiếp)