NHÂN CUỘC CHIẾN TRANH LẦN THỨ NĂM GIỮA Ả RẬP VÀ ISRAEL (11)

AL-QA’IDA



Thành lập và mục tiêu:

Al-Qa’ida có nghĩa là nền tảng, cơ sở, căn cứ.

Tổ chức khủng bố Al-Qa’ida do Usama Bin Ladin sáng lập năm 1988 gồm những chiến binh Hồi giáo Ả Rập tình nguyện chiến đấu chống Nga Xô viết ở Afghanistan. Tổ chức này đã giúp đỡ tiền bạc, vận chuyển vũ khí, huấn luyện các chiến binh Hồi giáo hệ phái Sunni cực đoan cho kháng chiến Afghanistan.

Sau khi quân đội Nga Xô viết triệt thoái khỏi Afghanistan năm 1989, mục đích của tổ chức Al-Qa’ida đổi ra là đoàn kết các tín đồ Hồi giáo để đánh Mĩ. Đánh Mĩ là phương pháp hữu hiệu để tiêu diệt Israel. Đồng thời Al-Qa’ida còn nhằm đánh đổ các chế độ không Hồi giáo, đuổi bọn Tây phương và bọn không Hồi giáo ra khỏi các nước Hồi giáo. Cuối cùng là thiết lập sự thống trị của Hồi giáo trên toàn thế giới.

Tháng 2 năm 1988: Al-Qa’ida ra tuyên bố với khẩu hiệu: ‘Mặt trận Hồi giáo thế giới thánh chiến chống bọn Do Thái và bọn Thập tự chinh’. Bổn phận của mọi tín đồ Hồi giáo là phải giết các công dân Hoa Kì, dân sự cũng như quân sự, và đồng bạn của chúng ở khắp nơi trên thế giới.

Lãnh đạo:

Trên màn ảnh truyền hình người ta đã thấy ít nhất là 2 lần, bin Ladin xuất hiện chung với Ayman al-Zawahiri và Sleiman Abu Gheith.

Al-Zawahiri là lãnh tụ nhóm cực đoan Ai Cập có tên là Thánh chiến Hồi giáo Ai Cập (Egyptian Islamic Jihad). Nhóm này là thủ phạm ám sát chết tổng thống Ai Cập Anwar Sadat năm 1981 và các vụ đánh bom các tòa đại sứ Hoa Kì ở Phi châu và tòa đại sứ Ai Cập ở Pakistan. Al-Zawahiri được coi là bộ óc của tổ chức Al-Qa’ida và có nhiều ảnh hưởng đối với bin Ladin.

Sleiman Abu Gheith vốn là một vị giáo sĩ trông coi một thánh đường Hồi giáo ở Kuwait. Ông là phát ngôn viên của tổ chức Al-Qa’ida.

Muhammad Atef: có lẽ đã chết ở Afghanistan vào tháng 11 năm 2001 do phi cơ Hoa Kì oanh tạc. Ông này cũng từ nhóm Thánh chiến Hồi giáo Ai Cập. Chuyên lo tuyển mộ, huấn luyện. Có thể là ông ta đã can dự vào những vụ tấn công quân đội Hoa Kì ở Somalia vào các năm 1990 và cả những vụ đánh bom các tòa đại sứ Hoa Kì ở Phi châu.

Abu Zubaydah: Sinh ở Saudi Arabia, nhưng gốc gác là người Palestine. Cũng phụ trách tuyển mộ. Dự mưu đánh bom đoàn du khách viếng thăm Jordan vào cuối năm 1999.

Abu Musab al-Zarqawi: Đây là nhân vật lãnh đạo al-Qa’ida tại Iraq, đã gây kinh hoàng cho khắp nơi trên thế giới về những hành động tàn bạo đẫm máu của y. Zarqawi sinh năm 1966 tại Jordan. Thời trẻ nổi tiếng là tay anh chị. Tới tuổi trưởng thành đã là tội phạm chính trị chống lại vương triều Joradan để thành lập chế độ thần quyền. Bị kết án 7 năm tù. Ra khỏi tù, Zarqawi trốn biệt tích. Đã từng tham gia kháng chiến ở Afghanistan. Trước khi Hoa Kì tấn công vào Iraq, Zarqawi chưa thuộc mạng lưới của al- Qa’ida, chỉ nhận tiền của bin Ladin và giao thiệp cách lỏng lẻo. Từ khi Hoa Kì đánh vào Iraq, Zarqawi lãnh đạo Nhóm Thánh Chiến (Holy War Group), một mạng lưới của tổ chức al- Qa’ida tại Iraq. Ngày 21 tháng 10 năm 2004, Zarqawi công bố nhóm của y có liên hệ với al-Qa’ida. Ngày 27 tháng 12 năm 2004, hệ thống truyền hình Al Jazeera công bố cuốn băng bin Ladin gọi Zarqawi là ‘hoàng tử al-Qa’ida tại Iraq’ (the prince of al-Qa’ida in Iraq) và yêu cầu các chiến binh nghe lệnh của Zarqawi. Chỉ trong vòng mấy năm tên tuổi Zarqawi rung động khắp thế giới. Tổ chức của y đã thực hiện hàng trăm vụ tấn công bằng súng, bằng nổ bom tự sát, bằng bắt cóc, bằng cắt cổ con tin… Đối tượng tấn công của Zarqawi là người Mĩ, người Tây phương, các viên chức và các nhân viên an ninh thuộc chính quyền Iraq. Những vụ nổ xe mang bom giết hại hàng trăm thường dân. Hầu hết họ là tín đồ Hồi giáo hệ phái Shi’ite. Điều này gây phản ứng bất lợi cho tổ chức al-Qa’ida. Nhiều giới Hồi giáo lên tiếng phê phán. Chính phủ Hoa Kì đã treo giải thưởng 25 triệu nếu bắt được Zarqawi.

Ngày 07 tháng 6 năm 2006, Zarqawi bị phi cơ Hoa Kì oanh kích chết. Abu Ayyub al-Masri thuộc nhóm Thánh Chiến Hồi Giáo Ai Cập lên thay thế Zarqawi lãnh đạo mạng lưới al-Qa’ida tại Iraq.

Lực lượng

Đầu tiên, Al- Qa’ida tập trung ở Afghanistan. Từ khi liên quân do Hoa Kì chủ động tiến vào đánh bật quân Taliban thì lực lượng Al-Qa’ida cũng phân tán đi khắp nơi trên thế giới.

Không có con số chính xác, chỉ ước lượng Al-Qa’ida có khoảng từ 3,000 tới 5,000 chiến binh, cộng thêm những người và những tổ chức theo cùng một ý hệ với Al-qa’ida. Chẳng hạn như các nhóm: Islamic Jihad và Gamaa Islamiya ở Ai Cập; nhóm Harak ul-Ansar ở Pakistan; nhóm Mặt trận Quốc gia Hồi giáo (the National Islamic Front) ở Sudan, Phong trào Hồi giáo Uzbekistan…Al-Qa’ida còn tiếp xúc với nhóm Hezbollah ở Lebanon.Tất cả đều muốn phát động thánh chiến trên phạm vi toàn cầu nhằm mục tiêu tối hậu là tiến tới một nhà nước Hồi giáo duy nhất trên phạm vi toàn thế giới.

Al-qa’ida có chi nhánh hoạt động tại nhiều nước: Afghanistan, Pakistan, Saudi Arabia, Yemen, Sudan, Uzbekistan, Ai Cập, Syria, Lebanon, Jordan, Palestine, Algeria, Libya, Eritrea, Somalia, Bosnia, Chechnya, Indonesia, The Philippines, Malaysia, Germania, Anh, Hoa Kì.

Tài chánh

Al-Qa’ida là một tổ chức phi chính phủ cho nên không có nguồn tài chánh của một nhà nước. Nguồn cung cấp tiền bạc là tiền của riêng bin Ladin; tiền dâng cúng từ các giáo đường, trường học hoặc các tổ chức từ thiện Hồi giáo.

Hoạt động của Al-Qa’ida

- Tháng 12 năm 1992: Huấn luyện và trợ giúp người Somalia tấn công quân đội Hoa Kì.

- Cũng tháng 12 năm 1992, thực hiện 3 vụ đánh bom vào quân đội Hoa Kì ỏ Aden,Yemen.

- Tháng 10 năm 1993, bắn rơi máy bay và giết 18 lính Mĩ tại Mogadishu, Somalia.

- Bin-Ladin đã trợ giúp tài chánh cho Ramsi Ahmed Jousef, người tổ chức tấn công tòa nhà thương mại quốc tế ở New York năm 1993.

- Năm 1993, âm mưu ám sát tổng thống Mubarak của Ai Cập.

- Năm 1995, đánh bom tòa đại sứ Ai Cập ở Pakistan.

- Tháng 8 năm 1998, đánh bom tòa đại sứ Hoa Kì tại Kenya và Tanzania, giết 301 người và làm cho 5,000 người bị thương.

- Tháng 12 năm 1999, âm mưu tấn công đoàn du khách viếng thâm Jordan.

- Ngày 12 tháng 10 năm 2000, tấn công chiếc tầu USS Cole tại cảng Aden, Yemen, giết 17 thủy thủ, làm 39 binh sĩ bị thương.

- Ngày 11 tháng 9 năm 2001, 19 chiến binh Al-Qa’ida không tặc tự sát bắt 4 máy bay chở hành khách đâm thẳng vào 2 tòa nhà thương mại quốc tế ở New York, Ngũ giác đài và một đâm xuống cánh đồng Shanksville, Pensylvania.

- Ngày 06 tháng 19 năm 2002, tấn công tự sát chiếc tầu M/V Limburg ngoài khơi Yemen, giết 1 thủy thủ và làm cho 4 binh sĩ bị thương.

- Ngày 08 tháng 10 năm 2002, tấn công vào quân Mĩ ở Kuwait, giết 1 lính, làm 1 binh sĩ bị thương.

- Ngày 04 tháng 11 năm 2002, đánh bom lửa vào một thánh đường Do Thái ở Tunisia, giết 19 người, 12 người bị thương.

- Trợ giúp bọn khủng bố đánh bom một vũ trường ở Bali, Indonesia, giết hơn 200 người.

- Ngày 28 tháng 11 năm 2002, đánh bom vào khách sạn ở Mombasa, Kenya, giết 11 người, 40 người bị thương.

- Ngày 12 tháng 5 năm 2003, đánh bom một chung cư ở Riyadh, giết 30 người, 216 người bị thương.

- Ngày 16 tháng 5 năm 2003, tấn công một trung tâm Do Thái, vũ trường, nhà hành và khách sạn ở Casablanca, Morocco, giết 33 người, 101 người bị thương.

- Ngày 05 thánb g 8 năm 2003, tấn công khách sạn Marriott tại Jakarta, Indonesia, giết 12 người, 149 người bị thương.

- Ngày 09 tháng 11 năm 2003, tấn công một chung cư ở Riyadh, giết 17 người, 122 người bị thương.

- Ngày 15 tháng 11 năm 2003, đánh bom tự sát vào 2 giáo đường Do Thái ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kì, giết 20 người, 300 người bị thương.

- Ngày 20 tháng 11 năm 2003, xẩy ra vụ đánh bom tòa lãnh sự Anh ở Istanbul và ngân hàng HSBC, giết 41 người, 555 người bị thương. Vụ này có liên hệ mật thiết với tổ chức Al-Qa’ida.

- Tháng 12 năm 2003, âm mưu ám sát tổng thống Musharraf của Pakistan.

- Năm 2004, Al-Qa’ida phối hợp với những phần tử cực đoan tổ chức 11 cuộc tấn công vào người Mĩ, các người Tây phương và các nhân viên an ninh của Saudi Arabia tại Riyadh, Yanbu, Jeđha và Dhahran, giết tất cả 60 người, trong đó có 6 người Mĩ, 225 người bị thương. Phương tiện tấn công là xe gài bom, bắt cóc, chặt đầu, đặc công…

Một số vụ âm mưu đánh phá của Al-qa’ida đã bị khám phá, không thể thi hành được, chẳng hạn như vụ âm mưu đánh bom phi trường quốc tế Los Angeles năm 1999; vụ tên Richard Colvin Reid toan tấn công chiếc phi cơ bay từ Paris tới Miami bằng bom dấu trong giầy hồi tháng 12 năm 2001…

Đã có lo ngại từ phía chính quyền Hoa Kì về việc Al-Qa’ida có khả năng chế tạo loại ‘bom dơ’ (dirty nukes) sẽ nguy hiểm không sao lường trước được!

Ngày nay Al-Qa’ida đã lợi dụng sự phát triển mau chóng của máy vi tính làm một vũ khí hữu hiệu trong chiến đấu. Người ta gọi là cyberterrorism. Dùng kĩ thuật vi tính để truyền tin, để phát đi các chỉ thị, để truyền bá ý hệ, để thực hiện tâm lí chiến: tạo mối lo âu thường xuyên cho đối thủ.

Vài nét về Usama bin Ladin

Usama bin Ladin sinh năm 1957. Là con thứ 17 của một nhà thầu xây dựng giầu nhất ở Saudi Arabia với tài sản trị giá 5 tỉ. Phần chia của bin Ladin được 300 triệu. Tuy sinh sống ở Saudi Arabia, cha của bin Ladin là người Nam Yemen và mẹ là người Syria.

Sau khi tốt nghiệp, do cảm hứng cuộc cách mạng thần quyền thành công ở Iran năm1979 và xúc động do cuộc xâm lăng Afghanistan của quân đội Nga Xô viết, bin Ladin sang Afghanistan hoạt động chống quân xâm lược. Ông cung cấp tiền bạc, thăm viếng thương binh, xây cầu đường, trợ cấp các gia đình ‘tử đạo’.

Sau 9 năm kháng chiến, cuối cùng quân Nga Xô viết đã phải triệt thoái vào năm 1989. Kết quả này làm cho bin Ladin cảm thấy sung sướng tột cùng. Ông say sưa chiến thắng và đưa ra kết luận thánh chiến Hồi giáo có thể đánh thắng bất cứ kẻ thù nào, ở bất cứ đâu.

Năm 1990, bin Ladin trở về quê hương Saudi như là một vị anh hùng vào đúng thời kì xẩy ra cuộc chiến tranh vùng vịnh. Ông đề nghị với quốc vương Saudi Arabia dùng thánh chiến mujahideen (các chiến binh Hồi giáo tham gia thánh chiến) để bảo vệ Saudi Arabia, nhưng quốc vương không dùng ông. Ông bỏ nước đi xuống Sudan.

Trong cuộc chiến vùng vịnh, quân đội Hoa Kì tập trung quá đông ở Saudi Arabia làm cho bin Ladin liên tưởng tới quân Nga Xô viết ở Afghanistan trước đây. Do đó, ông càng căm thù người Mĩ hơn.

Năm 1994, bin Ladin bị tước quyền công dân Saudi Arabia.

Năm 1996, do áp lực của Hoa Kì, bin Ladin bị trục xuất khỏi Sudan, nơi ông đã đóng góp công sức rất nhiều.

Từ đó, bin Laden trở lại Afghanistan. Chính quyền Taliban hoan nghênh ông. Ông cũng được nhà lãnh đạo tinh thần Mullah Omar tỏ thịnh tình.

Sau khi chế độ Taliban bị liên quân do Hoa Kì lãnh đạo loại khỏi Afghanistan, bin Ladin đã ẩn náu trên vùng núi non tại biên giới Pakistan.

Tin tường thuật bin Ladin không được dồi dào sức khỏe, nhưng thỉnh thoảng ông vẫn lên tiếng trên hệ thống truyền hình Al Jazeera.

Tổng thống G.Bush đã treo giải thưởng 25 triệu cho việc bắt được ông, dù sống hay chết!

.