NHÂN CUỘC CHIẾN TRANH LẦN THỨ NĂM GIỮA Ả RẬP VÀ ISRAEL(10)

PLO



Thành lập:

The Palestine Liberation Organization hay PLO là một tổ chức chính trị và quân sự của người Palestine được các nước Ả Rập coi là đại diện hợp pháp duy nhất của người Palestine.

Năm 1964, tại thủ đô Ai Cập Cairo, Liên Đoàn Ả Rập lập ra một tổ chức đại diện cho người Palestine. Đây là sáng kiến của tổng thống Ai Cập Gamal Abdul Nasser lúc bấy giờ. Tham vọng của Nasser là thống nhất các quốc gia Ả Rập về một mối, đứng đầu là Ai Cập. Thủ đoạn đầu tiên Nasser muốn dùng để kết hợp các quốc gia Ả Rập là hô hào tất cả đoàn kết để tiêu diệt Israel.

Ngày 29 tháng 5 năm 1964, Hội đồng Quốc gia Palestine (the Palestine National Council) họp tại Jerusalem để ra Tổ chức Giải phóng Palestine PLO.

Mục tiêu khởi đấu là tiêu diệt quốc gia Israel bằng quân sự, thay vào là một quốc gia Palestine độc lập, nằm giữa sông Jordan và biển Địa Trung Hải.

Mãi mới đây, PLO thay đôi lập trường, chịu chấp nhận giải pháp 2 quốc gia Israel và Palestine sống bên cạnh nhau.

Song vẫn còn những điểm tranh cãi chính yếu về: Quyền tự quyết của nguời Palestine trên chính đất đai của họ; người Palestine lưu vong có quyền trở về đất cũ của họ.

Năm 1988, tu chính Hiến chương Liên Hiệp Quốc nhìn nhận Israel và thành lập quốc gia cho người Palestine. PLO có quan sát viên tại LHQ.

Thành phần:

PLO bao gồm tương đối lỏng lẻo các thành viên là những tổ chức quân sự hay chính trị. Các thành viên này chấp nhận hiến chương của PLO và chấp hành các quyết định của Ban chấp hành PLO.

Vì bao gồm nhiều tổ chức và không gắn bó chặt chẽ cho nên một số các thành viên có khi giãn ra rồi lại tái gia nhập, tùy theo tình thế thay đổi.

Các thành viên của tổ chức PLO:

1/ Fatah: Là thành viên lớn nhất, chủ trương tập quyền và quốc gia.

2/ Mặt trận Bình dân Giải phóng Palestine (The Popular Front for the Liberation of Palestine PFLP): Lớn thứ nhì, chủ trương quân sự cực đoan và Cộng sản.

3/ Mặt trận Dân chủ Giải phóng Palestine (the Democratic Front for the Liberation of Palestine DFLP): Lớn thứ ba, Cộng sản.

4/ Đảng Dân tộc Palestine (the Palestine People’s Party, PPP): Cộng sản cũ, không chủ trương quân sự.

5/ Mặt trận Giải phóng Palestine (the Palestine Liberation Front, PLF): Tả phái.

6/ Mặt trận Giải phóng Ả Rập (the Arab Liberation Front, ALF): Liên hệ vơí đảng Ba’ath ở Iraq.

7/ As-Sa’iqa: Do đảng Ba’ath ở Syria lèo lái.

8/ Liên Hiệp Dân chủ Palestine (the Palestine Democratic Union, FIDA): Tả phái, không chủ trương quân sự.

9/ Mặt trận Tranh đấu Bình dân Palestine (the Palestine Popular Struggle Front, PPSF): Tả phái.

10/ Mặt trận Ả Rập Palestine (the Palestinian Arab Front, PAF): Nhóm nhỏ.

Quyền hạn thực của tổ chức PLO nằm trong tay Ban chấp hành (the PLO Executive Committeee) gồm 15 thành viên do Hội đồng Quốc gia Palestine (the Palestine National Council PNC) bầu lên.

Ban chấp hành PLO có nhiệm vụ phối hợp các phong trào Palestine tranh đấu giải phóng Palestine và thành lập một quốc gia độc lập của người Palestine.

Các chủ tịch của Ban chấp hành tổ chức PLO (the PLO Executive Committee):

Ahmad Shukeiri (10/6/64- 24/12/67)

Yahya Hammuda (24/12/67-02/02/69)

Yasser Arafat (02/02/69-11/11/2004)

Mahmoud Abbas (29/10/2004-cho tới nay)

Hiến chương PLO

Bản hiến chương PLO năm 1968 có nhiều câu hô hào tiêu diệt Israel. Gần trước thời điểm diễn ra việc kí kết Hòa ước Oslo năm 1993, trong các bức thư trao đổi với thủ tướng Yitzhak Rabin, chủ tịch Yesser Arafat đồng ý bãi bỏ những câu đòi tiêu diệt Israel trong bản hiến chương. Mặc dù thế, chưa bao giờ thấy có một bản hiến chương mới thay thế. Có những tổ chức ở Palestine lập luận không có bản mới thay thế thì những lời hứa của Arafat là không có giá trị. Có tổ chức cho rằng bản hiến chương mới ấy sẽ là bản hiến pháp của quốc gia Palestine sắp tới. Bản nháp của hiến pháp tương lai sẽ có câu: Lãnh thổ của Palestine ‘là một đơn vị không thể phân chia dựa trên biên giới ngày mồng 04 tháng 6 năm 1967’ (tức là biên giới trước khi xẩy ra cuộc chiến 6 ngày giữa Israel và các nước Ả Rập). Một điểm đáng lưu ý nữa là bản hiến chương 1968 của PLO chủ trương xử dụng vũ lực để chống lại chủ nghĩa đế quốc Sion.

PLO có phải là một tổ chức khủng bố không?

Năm 2003, Quốc Hội Hoa Kì tuyên bố PLO là một tổ chức khủng bố theo Đạo luật chống khủng bố năm 1987 (the Anti-Terrorism Act 1987).

Các chính phủ Israekl cũng coi PLO là tổ chức khủng bố vì những vụ thảm sát thường dân Do Thái trong và ngoài nước Israel.

Một số vụ khủng bố điển hình:

Năm 1970, các chiến binh Palestine tấn công xe bus chở học sinh của trường Avivim, giết chết 9 học sinh, 3 người lớn, 19 bị thương.

Bắt đầu từ 06 tháng 9 năm 1970, thành viên lớn thứ hai của PLO là Mặt trận bình dân Giải phóng Palestine (the Popular Front for the Liberation of Palestine, PFLP) tổ chức một số vụ không tặc: một chiếc máy bay của SwissAir, một của TWA ở Zarqa và một chiếc BOAC ở Cairo. Rồi một chiếc của British Airways tại thủ đô Amman của Jordan với mục đích: ‘Để dậy cho người Mĩ một bài học vì đã ủng hộ Israel lâu dài’. Sau khi di chuyển các con tin, các máy bay bị cho nổ tung trước ống kính truyền hình. Những vụ này đã chọc giận quốc vương Hussein của Jordan khơi mào cho cuộc đối đấu giữa quốc vương và lực lượng PLO trên đất nước Jordan (từ ngày 16 tháng 9), kéo theo cả sự dính líu của Syria, Hoa Kì và Israel. Cuối cùng với sự thiệt hại nhân mạng lên tới chục ngàn người, lực lượng PLO bị quốc vương Hussein trục xuất sang Lebanon.

Vì cuộc khủng hoảng này, thành hình một nhóm hoạt động khủng bố táo bạo mới lấy tên là Nhóm Tháng 9 Đen.

Năm 1972, Nhóm Tháng 9 Đen bắt cóc và thảm sát hàng chục lực sĩ Do Thái đang tham dự Thế Vận Hội tại Munich, Tây Đức. Nhóm này cũng không tặc một phi cơ đi từ Bỉ tới Tel Aviv.

Năm 1974, Mặt trận Bình Dân Giải phóng Palestine cũng thực hiện vụ thảm sát tại Kiryat Shmona khi tấn công một cao ốc, giết 18 người, trong đó có 9 là trẻ em.

Cùng năm, Mặt trận Dân chủ Giải phóng Palestine (the Democratic Front for the Liberation of Palestine, DFLP), là thành viên lớn thứ ba của PLO, gây vụ thảm sát Ma’a lot, tấn công trường học giết 26 học sinh và người lớn, 70 bị thương.

Vụ nổi tiếng nhất xẩy ra năm 1976 khi một máy bay của Pháp chở 258 hành khách bị không tặc bắt đáp xuống Entebbe, Uganda. Lực lượng đặc nhiệm của Israel đã đánh đặc công giải thoát con tin và tiêu diệt gọn bọn không tặc.

Ngày 11 tháng 3 năm 1978, một toán đặc công Palestine đổ bộ lên bờ biển phía Bắc thủ đô Tel Avic của Israel, bắt cóc một xe bus và giết 39 người Do Thái.

Về các hành động này, những người ủng hộ PLO và một số luật gia quốc tế cho là chính đáng vì người Palestine có quyền hành động chống lại sự chiếm đóng của Israel theo tinh thần công ước Geneva 1949. Công ước Geneva 1949 không được toàn thể mọi quốc gia công nhận là luật quốc tế, trong đó có Israel và Hoa Kì ủng hộ quan điểm này.

Riêng về việc các nhóm khủng bố mặc nhiên đánh giết tất cả mọi người Do Thái không phân biệt dân sự, quân sự, già trẻ lớn bé vì họ cho rằng mọi người dân Do Thái đã được quân sự hóa cho nên tất cả đều trở thành mục tiêu tấn công tiêu diệt được cả!

PLO dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Yesser Arafat

Yesser Arafat là chủ tịch của PLO từ năm 1969 tới năm 2004 là năm ông qua đời.

Cuộc chiến 6 ngày giữa Israel và các quốc gia Ả Rập năm 1967, các quốc gia Ả Rập thất bại nhục nhã, làm cho uy tín của Ai Cập, Syria và Jordan bị sứt mẻ đáng kể, chủ tịch Arafat nghiêng sang chủ trương chiến tranh du kích và thành công trong việc tách tổ chức PLO đứng độc lập dưới quyền của các thành viên kháng chiến của người Palestine, không lệ thuộc các nước Ả Rập nữa.

Tại Hội nghị Quốc gia Palestine họp tại Cairo năm 1969, đảng Fatah của Arafat nắm được Ban chấp hành của tổ chức PLO và Yesser Arafat là chủ tịch.

Ban đầu, PLO đặt bản doanh tại Jordan; từ đó, hoạt động quân sự để chống Israel. Tới năm 1970, tình hình căng thẳng giữa PLO và quốc vương Hussein của Jordan trở nên căng thẳng gây ra nội chiến tại Jordan. Nhà vua trục xuất PLO sang Lebanon.

Mặc dù thế, PLO vẫn không ngừng lớn mạnh và tăng thêm uy tín.

Tháng 10 năm 1974, các quốc gia Ả Rập họp tại Cairo đã công nhận PLO là tiếng nói chính thức của toàn thể những người Palestine.

Sau đó PLO được Liên Hiệp Quốc và nhiều quốc gia khác công nhận.

Tuy nhiên, cho tới lúc đó PLO vẫn chưa được Israel nhìn nhận. Đây là điểm rất hệ trọng. Còn phải cần nhiều thời gian và nhiều cuộc thương thảo nữa, Isreal và PLO mới công nhận lẫn nhau.

Năm 1982, Bản doanh của PLO phải chạy sang Tunis, Tunisia do cuộc xâm lấn vào miền Nam Lebanon của quân đội Israel diễn ra trong 6 tháng.

Nhưng ngày 01 tháng 10 năm 1985, không lực Israel lại oanh tạc bản doanh của PLO ở Tunis gây tử thương cho 60 người.

Năm 1987, nổ ra cuộc intifada đầu tiên (intifada có nghĩa là cuộc bạo động của người Palestine chống Israel bằng mọi cách như ném đá, đốt phá, và cả bằng các loại vũ khí…).

Năm 1988, quốc vương Hussein của Jordan bằng lòng trao cho người Palestine miền Tây ngạn với quyền tự trị. Và Hội đồng Quốc gia Palestine (The Palestinian National Council) đưa ra Bản Tuyên ngôn Độc lập tại Algiers, Algeria. Trong đó công nhận quyền tồn tại của quốc gia Israel trong phạm vi biên giới trước chiến tranh 1967, và thành lập nhà nước của người Palestine ở Tây ngạn và dải Gaza. Hoa Kì đồng ý với Bản Tuyên ngôn này và bắt đầu tiếp xúc với các viên chức PLO. Tuy Bản Tuyên ngôn vẫn chưa lập xong được một quốc gia cho người Palestine nhưng đã có trên 100 quốc gia công nhận một nhà nước Palestine (the State of Palestine).

Hòa ước Oslo 1993: Hòa ước này là một nỗ lực giải quyết một cách hòa bình vấn đề xung đột Palestine-Israel giữa chủ tịch Yeser Arafat và thủ tướng Israel Yitzhak Rabin.

Hòa ước Oslo ngày 20 tháng 8 năm 1993 được kí chính thức tại Washington DC. Vào ngày 13 tháng 9 năm 1993. Theo đó, người Palestine có quyền tự trị ở Tây ngạn, Gaza và Jericho dưới sự lãnh đạo của cơ quan Thẩm quyền Palestine (the Palestinian Authority, PA), đứng đầu là chủ tịch Yesser Arafat. Trong cuộc bầu cử vào tháng 01 năm 1996, chủ tịch Arafat được bầu làm tổng thống. Bản doanh của PLO dời về Ramallah tại Tây ngạn.

Ngày 09 tháng 9 năm 1993, chủ tịch Arafat ra tuyên cáo báo chí công nhận quốc gia Israel tồn tại trong hòa bình và an ninh.

Sau Hoà ước Oslo, trong cuộc thăm dò dư luận, đa số người Do Thái nghĩ nên có một quốc gia cho người Palestine. Tuy nhiên một số khác vẫn chưa đồng ý, kể cả các vị thủ tướng như Yitzhak Rabin và Shimon Peres. Riêng thủ tướng Benjamin Netanyahu chưa dứt khoát thái độ. Ông muốn xem xét lại nhiều điểm, chẳng hạn như PLO phải từ bỏ khủng bố trước khi hai bên có thể thương thảo với nhau.

Hai năm sau hòa ưóc Oslo, thủ tướng Yitzhak Rabin bị một sinh viên cực hữu ám sát chết ngày 04 tháng 11 năm 1995. Còn chủ tịch PLO Yesser Arafat cũng bị các phần tử Palestine cực đoan đả kích.

Cuối nhiệm kì 2, tổng thống Bill Clinton đã đưa đuợc tới Washington DC. chủ tịch Yesser Arafat và thủ tướng Ehud Barak, là người có lập trường ôn hòa, để hai bên thương thảo giải quyết các vấn đề biên giới Israel, quốc gia Palestine, phân chia cổ thành Jerusalem và vấn đề người Palestine tị nạn. Nhưng đáng tiếc hội nghị đã đổ vỡ vì những khác biệt còn quá lớn. Ngay sau đó nổ ra cuộc intifata lần thứ 2. Nguời Palestine lại dùng đủ mọi hình thức đánh phá tấn công người Do Thái. Đương nhiên binh lực Israel phải phản ứng. Kết quả, những cuộc đụng độ từ năm 2000 tới năm 2004 đã gây tử thương cho 3,223 người Palestine và 950 người Do Thái.

Chủ tịch Yesser Arafat qua đời ngày 11 tháng 11 năm 2004. Mahmoud Abbas lên thay thế làm chủ tịch tổ chức PLO.

Vì uy tín quá lớn của chủ tịch Arafat, cho nên khi ông còn sống, tổ chức Fatah của ông vẫn còn được tín nhiệm nắm quyền đại diện cho nguời Palestine. Nay ông đã nằm xuống thì tổ chức Hamas có lập trường cực đoan sẽ nhảy ra chính trường. Và chỉ trong một thời gian ngắn, Hamas sẽ thu được thắng lợi vẻ vang.

Tháng 01 năm 2005. diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Palestine. Tổ chức Hamas tẩy chay bầu cử. Chủ tịch Abbas đắc cử tổng thống. Nhưng trong mùa bầu cử những chức vụ thị xã địa phương từ tháng 01 đến tháng 5, 2005 thì Hamas thu được một những thắng lợi đáng kể.

Đến thời kì này, tổ chức Fatah của chủ tịch Abbas bị tổ chức cực đoan Hamas cạnh tranh mạnh mẽ. một phần vì tổ chức Hamas tỏ ra hữu hiệu hơn trong các công tác phục vụ cộng đồng, một phần Hamas lại được tiếng thơm làm việc không tham nhũng như các viên chức thuộc tổ chức Fatah. Cho nên trong cuộc bầu cử các đại biểu Quốc hội ngày 25 tháng 01 năm 2006, tổ chức Hamas đã bất ngờ thắng vẻ vang với 74 trên 132 ghế đại biểu Quốc hội. Kết quả là tổ chức Hamas đứng ra thành lập chính phủ.

Tình hình này đưa tới sự đố kị giữa một bên là tổ chức Hamas cực đoan và một bên là tổ chức Fatah tương đối ôn hòa của tổng thống Mahmoud Abbas, đến nỗi hai bên đã xẩy ra xô xát bằng vũ lực. Mặc dù bên trong còn bất đồng trầm trọng về chính kiến, nhưng ít ra bên ngoài cả hai tổ chức đã tiến tới được một thỏa thuận vào ngày 27 tháng 6 năm 2006 về một tài liệu có tên là Tài Liệu Các Tù Nhân (the Prisoners’ Document) trong đó bao gồm việc thành lập một chính quyền Palestine thống nhất. Tuy nhiên mới ngày 25 tháng 7, lực lượng Hamas đã tấn công giết chết 2 binh sĩ và bắt đi một binh sĩ Israel châm ngòi cho cuộc đối đầu vũ trang mới giữa Israel và người Palestine, như đã trình bầy trong phần nói về tổ chức Hamas.