HÁT RU DÂN GIAN VÀ HÁT RU GIÁO LÝ

I. HÁT RU LÀ GÌ ?

Hát ru là một thể loại đặc biệt trong kho tàng âm nhạc dân gian. Nó đã tồn tại lâu đời và có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới. Đối với dân tộc Việt Nam, hát ru không đơn thuần là một truyền thống trong khuôn khổ sinh hoạt gia đình mà còn là nếp thuần phong mỹ tục, đạo lý làm người. Có người gọi nó là hình thức diễn xướng dân gian tiêu biểu của văn hóa dân tộc. Ở đó, tác giả, khán giả và người diễn xướng chỉ là một.

Trong ngôn ngữ Việt Nam mỗi dấu là một nốt nhạc. Khi hát ru các dấu đó uyển chuyển luyến láy tạo ra những cung bậc diệu kỳ. Những cung bậc ấy, các nhà âm nhạc học nói là: “Tạo ra sự yên tĩnh dìu dặt trong tâm hồn người nghe.” ( Trong hát ru thì có hát ru em ngủ, hát ru tình đời, hát ru tình người, khát vọng hạnh phúc ). Ta chọn định nghĩa hát ru là “nghệ thuật hát đưa trẻ thơ vào giấc ngủ êm đềm.”

II. CÂU, BÀI HÁT RU:

Đó chính là nguồn ca dao, cấu trúc là những câu thơ lục bát ( 6 / 8 ) rất phổ biến trong văn học dân gian. Ca dao bộc lộ thái độ chủ quan của con người trước hoàn cảnh khách quan, vì vậy chất trữ tình nỗi lên khá rõ nét. Ca dao phản ánh lịch sử, phong tục tập quán, bộc lộ tâm hồn cá nhân, đời sống gia đình xã hội, thậm chí đối kháng quyền lực, phong kiến, xâm lược...

Phong phú nhất là mảng ca dao truyền tình. Ta thấy bộc lộ những đối đáp với nhiều sắc thái: May mắn / hạnh phúc – Mơ ước / nhớ nhung oán trách / ngang trái – Thất bại / khổ đau. Hát ru được chia thành 3 nhóm ứng với 3 miền Bắc Trung Nam. Mỗi nhóm có nhiều loại, xếp chung thành 2 dạng cơ bản.

Dạng 1: Hát ru mang tính chất nói, ngâm ngợi

Dạng này có từ ngàn xưa ở miền Bắc:

“Con ơi ! Con ngủ cho lành

Để mẹ gánh nước rửa bành ông voi

Muốn coi lên núi mà coi

Coi bà Triệu tướng cỡi voi đánh cồng”.

Dạng 2: Hát ru mang tính ca xướng

Dạng này phát triển ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Nhờ Huyền Trân công chúa ta có Châu Ô, Châu Lý – Quảng Trị Thừa Thiên – khoảng 700 năm và ổn định miền Nam khoảng 300 năm. Điệu ru này mang tính cải biên từ điệu Hò, điệu Lý. Mỗi vùng, mỗi dân tộc có những làn điệu riêng. Giữa những câu thơ 6 / 8, có những tiếng đệm, tiếng đưa hơi là “À ơi, ù ơ, ầu ơ, bống bang, hỡi hời, ru hời...”

Ở miền Bắc, bài phổ thông được nhiều người hát là bài Con Cò. Trong xã hội xưa Con Cò tượng trưng cho thân phận lam lũ tảo tần của người phụ nữ.

“Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao...”

“Cái cò, cái vạc, cái nông

Ba cái cùng béo, vặt lông cái nào ?...”

“Con cò đi đón cơn mưa,

Tối tăm mù mịt ai đưa cò về.

Cò về thăm quán cùng quê,

Thăm cha thăm mẹ, cò về thăm anh”.

“Con cò lặn lội bờ sông,

Gánh gạo nuôi chồng, tiếng khóc nỉ non...”

Ở miền Trung, từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vào Quảng Trị, Thừa Thiên, qua Bình Định, Quảng Nam, Phú Yên... mỗi nơi đều có những giọng hát ru đặc thù của địa phương mình. Đặc biệt tiếng đệm, tiếng đưa hơi là “Ru hời, hỡi hời...”

Ở miền Nam, từ Sài-gòn – Gia Định xuống miền Đông, Tây Nam Bộ thì tiếng đệm là “Ầu ơ...”

“Ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh,

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó qua...”

“Ầu ơ, quạ kêu nam đáo nữ phòng,

Người dưng khác họ, chẳng nọ thời kia...”

“Ầu ơ, gió đưa cây cải về trời,

Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”.

“Ầu ơ, ngó lên đám đất Thủ Thiêm

Thấy anh cắt cỏ, lưỡi liềm giắt lưng...”

Cái ngủ mày ngủ cho lâu,

Để mẹ đi cấy ruộng sâu cho bà...”

“Thằng bờm có cái quạt mo,

Phú ông xin đổi ba bò chín trâu,

Bờm rằng bờm chẳng lấy trâu,

Phú ông xin đổi ao sâu cá mè.

Bờm rằng bờm chẳng lấy mè,

Phú ông xin đổi một bè gỗ lim.

Bờm rằng bờm chẳng lấy lim,

Phú ông xin đổi con chim đồi mồi,

Bờm rằng bờm chẳng lấy mồi,

Phú ông xin đổi nắm xôi, bờm cười”.

“Vào vườn hái quả cau xanh

Bổ ra làm sáu mời anh xơi trầu.

Trầu này têm những vôi tầu,

Giữa độn cát cánh, hai đầu quế cay,

Trầu này ăn thật là say,

Anh xơi một miếng để đây vừa lòng...”

Hôm qua tát nước đầu đình,

Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen...”

“Một thương tóc bỏ đuôi gà,

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.

Ba thương má lúm đồng tiền,

Bốn thương răng nhánh, hạt huyền kém thua...”

Trên trời có đám mây xanh,

Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng,

Ước gì anh lấy được nàng,

Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân”.

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh...”

III. DIỄN TIẾN CỦA HÁT RU

Hát Ru trải qua 3 giai đoạn theo tình trạng của cháu bé.

Giai đoạn 1: Cháu bé chưa ngủ:

Quấy khóc vật vã, lăn lộn, có khi do đói, có khi do buồn ngủ ( gắt ngủ ).Lúc đó, bé được ôm sát vào lòng, vỗ vai, xoa nhẹ trên lưng. Lời ru có tốc độ nhanh, nhịp dồn dập. Giọng rua cao hơn tiếng khóc. Hai cánh tay đung đưa, dỗ dành, nựng nịu. Nếu nằm võng, võng lắc mạnh hơn, lời ru hối hả như vừa hát vừa nói.

Giai đoạn 2: Cháu bé ngưng khóc:

Lời ru chậm dần, dịu êm, ve vuốt, kết hợp với nhịp võng khoan thai dìu dặt.

Giai đoạn 3: Cháu bé ngủ say:

Khi trẻ đã vào giấc ngủ lời ru tiếp tục dìu dặt. Khi là kể chuyện tâm tình, khi là than thân trách phận, khi là đối đáp giao duyên, khi là nhắn gửi chuyện chồng chuyện con.

IV. CHUYỂN TẢI CỦA HÁT RU:

Những câu ca dao, những dòng thơ những giai điệu đơn giản được hát lên sẽ thấm dần, thấm dần vào tiềm thức tuổi thơ. Với các dấu ấn ấy trẻ thơ lớn lên trong tình thương cha mẹ gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước, con người. Cái tốt, cái thiện hảo gieo cấy qua ca dao, được ấp ủ nuôi dưỡng, mang lại thật nhiều hữu ích cho các bé thơ trong tương lai: nhân cách dần dần hình thành. Nguồn thơ, nguồn nhạc dẫu chưa học cũng đã được ghi kỹ trong tâm hồn.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nói: Chẳng có bài hát hay nào trên thế giới vượt qua được Bài Hát Ru của mẹ. Giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê: Thanh niên thiếu nữ nông thôn không hề học nhạc ở trường lớp nào, vậy mà khi lớn lên trong lúc đi cày đi cấy cất lên được những câu hò tình tứ đưa duyên, chính là nhờ vốn liếng thi ca tiếp thu từ những Bài Hát Ru thuở còn nằm nôi. Nhà thơ Xuân Diệu: Cái hồn của ca dao chỉ lộ ra được khi ta sống với nó, khi ca dao làm thành không khí ta thở. Nhà thơ Liên Xô Rasum Gamzatop: Kẻ nào không được nghe tiếng mẹ hát ru thì cũng thể như là “mồ côi”...

“Con ơi, muốn nên thân người,

Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.

Gái thời chăm chỉ việc nhà,

Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa.

Trai thời đọc sách ngâm thơ,

Miệt mài kinh sử để mà kịp khoa.

Nữa mai nối được nghiệp nhà,

Trước là đẹp mặt, sau là hiển thân”.

“Công Cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra,

“Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Bầu ơi thương lấy bí cùng,

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Cá không ăn muối cá ươn,

Con không vâng lời cha mẹ trăm đường con hư”.

“Một cây làm chẳng nên non,

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Thế kỷ trước, nhà thơ Nguyễn Bính có bài “Trăng sáng vườn chè” mang âm điệu ca dao, phảng phất thơ ca dân gian, hát trong lúc Ru em nghe cũng thú vị:

“Sáng trăng sáng cả vườn chè,

Một căn nhà nhỏ đi về có nhau.

Vì tằm tôi phải chạy dâu,

Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay...”

V. HÁT RU NGÀY NAY:

Xã hội Việt Nam ta ngày nay đang đựơc hiện đại hóa, công nghiệp hóa và cả đô thị hóa. Khắp nơi khắp chốn người ta nghe tiếng động của đời sống văn minh hiện đại: xe cộ rung chuyển ngày đêm, truyền thanh, truyền hình, cùng mọi thứ tiếng động được khuếch đại... tạo nên bầu khí thật ồn ào, có lúc choáng váng, mất hết bầu khí trầm lặng cần có của cuộc sống thanh bình yên tĩnh. Lời Hát Ru chỉ đựơc cất lên, đựơc trau chuốt, được vang vọng mượt mà trong bầu khí yên tĩnh của nông thôn Việt Nam. Liệu thôn quê có tồn tại lâu dài không ? Điều đó hãy để thời gian trả lời. Ta hãy nghe những điệu ru đạo hạnh của người Ki-tô giáo.

- Mười thương ( bài 2, đã đăng trên Halleluyah 29 )

- Truyền tin ( bài 6, đã đăng trên Halleluyah 29 )

- Chịu đòn ( bài 12, đã đăng trên Halleluyah 30 )

Sau cùng, những khi rảnh rỗi, đúng hơn là lúc bé đã ngủ say, truyện Kiều cũng được đem ra ngâm hát, lúc đó không phải để cháu bé nghe mà là để người hát ( người mẹ, người chị ) tự ru mình, dìm mình vào những dòng thơ của văn học bác học nhưng đã chuyển hóa như những lời lục bát dân gian.

Tả chị em Thúy Kiều và Thúy Vân ( câu 15 – 18 ):

“Đầu lòng hai ả Tố Nga,

Thuý Kiều là chị, em là Thuý Vân,

Mai cốt cách, tuyết tinh thần,

Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”

Tả cảnh Thúy Kiều gặp Đạm Tiên ( câu 51 – 54 ):

“Tà tà bóng ngả về Tây,

Chị em thơ thẩn dan tay ra về,

Bước dần theo ngọn tiểu khê,

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh”

VI. HỘI NHẬP VĂN HÓA:

Ví dụ 1: Nhớ ơn ông bà cha mẹ

“Trứng rồng lại nở ra rồng

Hạt thông lại nở cây thông rườm rà

Có cha mẹ mới có ta

Làm nên nhờ bởi Mẹ Cha vun trồng”.

“Ngồi buồn nhớ Mẹ ta xưa

Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương”.

Làm trai giữ trọn ba giềng

Thờ Cha, kính Mẹ, vợ hiền chớ mong”.

“Cây khô đâu dễ mọc chồi

Mẹ già đâu dễ sống đời với con”.

Ví dụ 2: Chị Ru Em

“Em ngủ thì chị thêu thùa

Mẹ Cha lặn lội nắng mưa dãi dầu”.

“Mẹ nghèo cơm nguội cá ươn

Nín đi em hỡi, em thương mẹ nghèo”.

“Má ơi đừng đánh con đau

Để con kho cá bằm xoài má ăn”.

“Bồng em đi dạo vườn dưa

Dưa đà có trái chị chưa có chồng”.

Ví dụ 3: Ru tình đời, Ru tình người

“Nói lời thì giữ lấy lời

Đừng như con bướm đậu rồi lại bay”.

“Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

“Khi ăn chẳng nhớ đến ai

Đến khi bị bỏng cứ tai mà rờ”.

“Đấy vàng đây cũng đồng đen

Đấy hoa Thiên lý, đây sen Nhị hồ”.

“Rượu lạt uống lắm cũng say

Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”.

Ví dụ 4: Ru giao duyên, khát vọng hạnh phúc

“Núi sao núi chẳng có chim

Để anh sách súng đi tìm lung tung”.

“Ước gì anh lấy đựơc nàng

Để anh mua gạch Bát Tràng về xây...”

“Có gà diều mới lượn quanh

Có em anh mới bộ hành đến đây”.

“Cau tơ mới trổ nửa buồng

Anh chưa có vợ như tuồng có con”.

“Trèo lên cây bưởi hái hoa,

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân...”

Bác NGUYỄN CHÍ THÀNH, Giáo Xứ Bùi Phát, Sài-gòn

HÁT RU GIÁO LÝ

Trên Halleluyah số 29 và 30 các lần trước, chúng tôi đã đăng tải được 12 bài thơ, kỳ này xin tiếp tục gửi đến quý độc giả những bài khác. Hy vọng với tài liệu này, các anh chị Giáo Lý Viên có thể cho các em các lớp Giáo Lý khác nhau cùng sinh hoạt hát ru, mặt khác có thể hướng dẫn lại cách ru cho các đôi bạn đến xin học Giáo Lý Hôn Nhân để các cháu bé tương lai được chính cha mẹ mình nâng niu dạy dỗ Giáo Lý Tin Mừng bằng tình tự quê hương ngay từ khi còn được bồng ẵm trên tay hoặc ru ngủ trong chiếc nôi bé bỏng...

13. MÃO GAI

À á a à ời, à ơi à, à á ơi à, à á a à ơi...

Vàng thì thử lửa, thử than,

Chuông kêu thử tiếng, người khôn thử lời.

Nín đi, sao cứ khóc hoài,

Phải qua đau khổ, tới ngày vinh quang.

À á a à ời, à á a à ơi...

Giê-su, Vua rất nhân từ,

Đất trời bái phục, nghe Danh Thánh Ngài.

Nhưng nay Chúa đội mão gai,

Cam tâm ngậm đắng, nuốt cay ê chề.

Tỉnh chưa người thế u mê ?

Tội ngươi làm Chúa trăm bề khổ đau.

À á a à ời, à á a à ơi...

Trần gian là chốn bể dâu,

Mẹ ơi ! Thương mến, chuyển cầu cho con.

Chịu muôn sỉ nhục bằng lòng,

Qua bao cay đắng, vững mong Quê Trời.

À á a à ời, à á a à ơi...

Gẫm suy cuộc sống con người,

Khác nào ân huệ Chúa Trời ban cho.

Có Lời của Chúa Ki-tô:

Hãy lo tìm kiếm lấy kho Thiên Đàng.

À á a à ời, à ơi à, à á ơi à, à á a à ơi...

14. THẬP GIÁ

À á a à ời, à ơi à, à á ơi à, à á a à ơi...

Vàng tâm xuống nước vẫn tươi,

Anh hùng lâm nạn vẫn cười, vẫn vui.

Khổ đau là phân con người,

Giúp ta nên giống cuộc đời Thiên Sai.

À á a à ời, à á a à ơi...

Chúa mang thập giá trên vai,

Đường xa, dốc thẳm, chân tay rã rời.

Xác thân bầm tím muôn nơi,

Mấy bà đạo đức ngậm ngùi lệ sa.

Ngài rằng: Chớ khóc thương ta !

Nhưng thương con cháu trong nhà các ngươi.

À á a à ời, à á a à ơi...

Cảm thương Đức Mẹ Chúa Trời,

Quyết tâm theo Chúa đến nơi đích cùng.

Con nay một dạ thuỷ chung,

Chu toàn bổn phận, phục tùng Chúa luôn.

À á a à ời, à á a à ơi...

Mỗi khi gặp cảnh ưu phiền,

Ta nên suy niệm về Con Chúa Trời.

Long đong muốn kiếp con người,

Chịu muôn đau khổ trên đời trần gian.

À á a à ời, à ơi à, à á ơi à, à á a à ơi...

15. CHÚA CHẾT

À á a à ời, à ơi à, à á ơi à, à á a à ơi...

Con kiến, mày kiện củ khoai,

Tao đánh cho chết, hỏi ai cứu mày ?

Ngủ đi, em ngủ thật say

Suy về Chúa chết ngất ngây tâm hồn:

À á a à ời, à á a à ơi...

Gió mây sa lệ u buồn,

Biển sông cảm động, núi non rụng rời.

Khóc thương con Đức Chúa Trời,

Đắng cay đã chết, vì người dương gian.

Ấy là tế lễ vẹn toàn,

Hiến dâng Cha Thánh Chí Nhân trên Trời.

À á a à ời, à á a à ơi...

Thánh Tâm Con Chúa nhiệm khơi,

Máu hồng với nước, rửa người trần gian.

Trôi đi, tội lỗi vô vàn !

Cho con cùng mẹ, hưởng nhan Ngôi Lời !

À á a à ời, à á a à ơi...

Ngủ đi con ngủ đi thôi,

Mẹ còn suy niệm cuộc đời hiến dâng.

Mặc ai chác lợi, mua danh

Ta nay quyết chí thực hành Phúc Âm.

À á a à ời, à ơi à, à á ơi à, à á a à ơi...

16. PHỤC SINH

À á a à ời, à ơi à, à á ơi à, à á a à ơi...

Con ơi, ngáp đói, ngáp no ?

Có phải ngáp ngủ ta cho lên giường ?

Hỏi ai có biết hay không ?

Ki-tô Cứu Thế làm xong phận mình.

À á a à ời, à á a à ơi...

Ki-tô Con Chúa Phục Sinh,

Như Lời Người phán chân tình xưa kia.

Hoang mang trong cảnh chia lìa,

Tông Đồ thấy Chúa bừng tia khải hoàn.

À á a à ời, à á a à ơi...

Chúa Ki-tô thắng thế gian,

Cho con sống lại về phần thiêng liêng.

Giúp con tin kính vững bền,

Ba Ngôi một Chúa, ở trên Thiên Đàng.

À á a à ời, à á a à ơi...

Ai ơi muốn tới Thiên Đàng,

Hãy yêu Đức Mẹ cao sang trên trời.

Giu-se cũng ở trên trời,

Luôn luôn bầu cử cho người trần gian.

À á a à ời, à ơi à, à á ơi à, à á a à ơi...

17. LÊN TRỜI

À á a à ời, à ơi à, à á ơi à, à á a à ơi...

Đố ai quét sạch lá rừng

Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.

Ngủ say, em ngủ thật say,

Ta vui kể nốt truyện này cho xong.

À á a à ời, à á a à ơi...

Ki-tô khi sống lại xong,

Lên Trời, ngự giữa bệ vàng cao sang.

Hân hoan nơi cảnh Thiên Đàng,

Thiên thần, chư Thánh đồng vang tiếng hoà:

À á a à ời, à á a à ơi...

Chúa con bên hữu Chúa Cha.

Công minh thống trị giao hoà thế gian,

Cho con hướng tới Thiên Đàng,

Sau cùng chư Thánh hưởng Nhan Thánh Ngài.

À á a à ời, à á a à ơi...

Sau này ai sẽ hơn ai ?

Nói về việc ấy tương lai sẽ tường.

Nếu em muốn tới Thiên Đường,

Thì nay hãy sống khiêm nhường đơn sơ.

À á a à ời, à ơi à, à á ơi à, à á a à ơi...

18. HIỆN XUỐNG

À á a à ời, à ơi à, à á ơi à, à á a à ơi...

Tháng ngày cha mẹ hy sinh,

Kiếm tiền nuôi sống gia đình chúng ta.

Trong muôn công việc cửa nhà,

Cha yêu, mẹ mến chan hoà hy sinh.

À á a à ời, à á a à ơi...

Hiệp lòng với Đức Nữ Trinh,

Tông Đồ tín hữu, kính tin nguyện cầu.

Bỗng dưng từ chốn trời cao,

Gió thiêng, lửa mến, dạt dào tâm can.

Ơn thiêng của Chúa Thánh Thần.

Tái tạo thế giới, canh tân tâm hồn.

À á a à ời, à á a à ơi...

Chung vui một mối hiệp thông,

Mến yêu minh chứng trong lòng chúng con:

Niềm tin Giáo Hội trường tồn,

Vì Ngôi Ba Chúa, ban ơn Thánh Thần.

À á a à ời, à á a à ơi...

Con ơi hãy ngủ bình an,

Khóc chi cho tiếng nên khàn vậy sao ?

Thánh Thần ngự chốn trời cao,

Cầu mong Người sẽ ngự vào lòng con.

À á a à ời, à ơi à, à á ơi à, à á a à ơi...

19. MẸ VỀ TRỜI

À á a à ời, à ơi à, à á ơi à, à á a à ơi...

Đêm thanh vằng vặc ánh sao,

Đố ai đếm được bao nhiêu sao trời ?

Con ơi ! Hãy nhoẻn miệng cười,

Vui lên vì có Chúa Trời bên ta.

À á a à ời, à á a à ơi...

Ma-ri-a rất hiền hoà,

Mẹ về hưởng phúc thiên toà cao sang.

Sứng danh Mẹ Chúa Thiêng Đàng,

Xác hồn hưởng phúc vinh quang trên Trời.

À á a à ời, à á a à ơi...

Trần gian nay khắp mọi nơi,

Tung hô Đức Mẹ về Trời vinh quang.

Xin cho con chết yên hàn,

Để cùng Mẹ ngắm Thánh Nhan Chúa Trời.

À á a à ời, à á a à ơi...

Con ơi ! Nếu muốn lên Trời

Hãy yêu Đức Mẹ hơn đời trần gian.

Giu-se vị Thánh vẻ vang,

Giúp ta tránh mọi điều gian trên đời.

À á a à ời, à ơi à, à á ơi à, à á a à ơi...

20. MẸ NỮ VƯƠNG

À á a à ời, à ơi à, à á ơi à, à á a à ơi...

Con kiến leo phải canh đa,

Leo trúng cành cụt, leo ra leo vào.

Con kiến leo trúng cành đào,

Leo phải cành cụt leo vào leo ra.

À á a à ời, à á a à ơi...

Ma-ri-a, Mẹ chúng ta,

Chúa thương ân thưởng nơi toà cao sang.

Triều thiên chiếu toả Thiên Đàng,

Nữ Vương quyền phép nhân gian cây nhờ.

À á a à ời, à á a à ơi...

Cạnh bên toà Chúa Ki-tô,

Cùng Giu-se Thánh, Mẹ chờ đón con.

Sau khi con trút linh hôn,

Mẹ thương dẫn tới Chúa Con nhân lành.

À á a à ời, à á a à ơi...

Cháu ơi ! Cháu ngủ thật nhanh,

Ông còn đi lễ, chân thành cầu xin.

Mong sao cháu giữ niềm tin,

Để còn minh chứng với tình mến yêu.

À á a à ời, à ơi à, à á ơi à, à á a à ơi...