NHÂN CUỘC CHIẾN TRANH LẦN THỨ NĂM GIỮA Ả RẬP VÀ ISRAEL (9)

HAMAS

Hamas là một tổ chức kháng chiến lớn nhất, nhiều ảnh hưởng nhất của người Palestine. Hamas trong tiếng Ả Rập có nghĩa là nhiệt huyết. Từ này ghép lại các chữ đầu của cụm từ trong tiếng Ả Rập ‘Harakat al-Muqawama al-Islamiya’ có nghĩa là Phong trào Kháng chiến Hồi giáo (Islamic Resistance Movement).

Hamas là một tổ chức khủng bố dưới con mắt của Hoa Kì, Tây Âu và nhiều nước khác. Hamas cũng bị cấm hoạt động ở Jordan.

Nguồn gốc

Hamas phát xuất từ Tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo (the Muslim Brotherhood), một tổ chức thành lập ở Ai Cập có chi nhánh tại các nước Ả Rập.

Cuối những năm 1960, nhà sáng lập và lãnh đạo tinh thần Sheikh Ahmed Yassin rao giảng và làm việc từ thiện ở vùng Tây ngạn và vùng Gaza, cả hai nơi lúc đó bị Israel chiếm đóng sau cuộc chiến 6 ngày 1967. Đến năm 1973, Yassin thành lập Trung tâm Hồi giáo (the Islamic Center) để phối hợp các hoạt động chính trị của tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo ở Gaza. Rồi Yassin thành lập Hamas như là một chi nhánh chính trị địa phương của tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo vào tháng 12 năm 1987, ngay sau vụ intifada đầu tiên bùng nổ. Intifada có nghĩa là cuộc nổi dậy của người Palestine chống Israel bằng cách ném đá, súng, dao, bom…

Mục tiêu

Hamas công bố hiến chương chính thức vào năm 1988.

Hamas kết hợp chủ nghĩa quốc gia với chủ nghĩa bảo căn Hồi giáo (Islamic fundamentism). Hiến chương Hamas quyết tâm tiêu diệt Israel; thay thế thẩm quyền Palestine PA (Palestinian Authority) bằng nhà nước Hồi giáo ở Gaza và Tây ngạn, và ‘giương cao ngọn cờ đức Allah trên mỗi một tấc đất của Palestine’.

Hiến chương 1988 chỉ rõ: ‘Chúa là cứu cánh, Vị Tiên tri (Muhammad) là mẫu mực, Qur’an là hiến pháp. Jihad là con đường và là sự chết vì Chúa, đó là cao qúy nhất’.

Các lãnh tụ của Hamas gọi các vụ đánh bom tự sát là những ‘F-16’ (loại phi cơ chiến đấu oanh tạc nổi tiếng của Hoa Kì) của dân tộc Palestine.

Hamas cho rằng các cuộc hòa đàm chẳng ich lợi chi. Ratissi nói hồi tháng 4 năm 2004: ‘Chúng tôi không tin chúng tôi có thể sống chung với kẻ thù’. Ông còn bảo holocaust (lò hỏa thiêu người Do Thái hồi đệ nhị thế chiến) chỉ là âm mưu của người Do Thái và Đức quốc xã để tuồn người Do Thái về chiếm đất Palestine!.

Hamas cho Israel nay đã quân sự hóa toàn quốc cho nên họ có thể giết bất cứ người Do Thái nào, không phân biệt già trẻ, dân sự hay quân sự.

Lãnh tụ chính trị của Hamas là Khaled Mashaal nói: ‘ Cuộc chiến đấu của chúng tôi không có tính cách tôn giáo mà là chính trị. Chúng tôi không có vấn đề với người Do Thái nào không tấn công chúng tôi. Vấn đề của chúng tôi là với những kẻ tới đất của chúng tôi, áp đặt bằng sức mạnh lên chúng tôi, tiêu diệt xã hội chúng tôi và xua đuổi dân tộc chúng tôi’.

Cuộc tấn công bom tự sát đấu tiên xẩy ra vào tháng 4 năm 1993. 5 tháng sau, Yasir Arafat, nhà lãnh đạo của Tổ chức Giải phóng Palestine PLO, và Yitzhak Rabin, thủ tướng Israel, đã kí hòa ước Oslo. Thủ tướng Rabin bị một tên cuồng tín cực hữu ám sát chết vào tháng 11 năm 1995. Chủ tịch Arafat qua đời tháng 11 năm 2004.

Các lãnh tụ

Các lãnh tụ sáng lập Hamas như: Ahmad Yassin, ‘Abd al-Fattah Dukhan, Muhammad Shama’, Ibrahim al-Yazuri, Issa al-Aziz Ratissi, Dr. Mahmud Zahar.

Và các lãnh tụ khác: Sheikh Khalil Qawqa, Isa al-Ashar, Musa Abu Marzurq, Ibrahim Ghusha, Khalid Mish’al…

Lực lượng:

Cánh quân sự Hamas hơn 1,000 chiến binh và hàng ngàn những người ủng hộ cũng như những cảm tình viên. Ngày 22 tháng 3 năm 2004, trên 200 ngàn người Palestine tham dự lễ an táng lãng tụ Yassin. Rồi ngày 18 tháng 4 năm 2004 cũng một số đông đảo như thế quy tụ để tiễn đưa lãnh tụ Rantissi.

Hoạt động:

Hamas dồn hết nỗ lực vào 2 công tác chính.

Một là công tác xã hội: Hamas có ngân sách hằng năm tới 70 triệu để chi vào việc xây trường học, bệnh viện, những công tác phục vụ cộng đồng và tôn giáo. Thẩm quyền Palestine PA (the Palestinian Authority) thường lơ là những công tác xã hội. Hơn nữa các viên chức thuộc đảng Fatah còn mang tiếng xấu tham nhũng. Đó cũng là lí do giải thích sự thắng cử vẻ vang của Hamas trong cuộc tổng tuyển cử năm 2006.

Hai là công tác quân sự do những lữ đoàn Izzedine al-Qassam đảm trách, tổ chức những trận đánh đẫm máu nhằm vào các mục tiêu Israel. Đó là những vụ nổ bom tự sát, bắn súng cối và các hỏa tiễn tầm ngắn. Hamas mở các cuộc tấn công cả ở Gaza lẫn vùng Tây ngạn và trong lãnh thổ Israel.

Nguyên vụ đánh bom khách sạn Netanya ngày 27 tháng 3 năm 2002 giết 30 ngưuời và 130 người bị thương.

Tính chung từ tháng 11 năm 2000 tới tháng 4 năm 2004, Hamas thực hiện 425 vụ tấn công, giết 377 người Do Thái vừ dân vừa lính, và làm cho 2,076 người bị thương.

Phụ nữ Hamas cũng mang bom tự sát, trong đó có 2 bà mẹ còn con nhỏ.

Riêng khu định cư Do Thái Gush Katif đã bị nã 5,500 quả pháo.

Từ năm 2002, Hamas xử dụng hỏa tiễn tự chế đánh vào vùng Negev.

Từ tháng 5 năm 2006, Hamas nắm chính phủ, hứa hẹn sẽ còn nhiều vụ tấn công vào Israel.

Nguồn tài trợ:

Hiên nay, Hamas ở vị trí chính quyền nên có thể xử dụng nguồn tài chính chính thức.

Trước kia, Hamas nhận sự giúp đỡ tài chánh từ những người Palestine ở nước ngoài, những tiền dâng tặng tư nhân từ Saudi Arabia và từ những quốc gia dầu lửa. Iran cũng là nguồn cung cấp tiền bạc đáng kể, khoảng 20 tới 30 triệu hằng năm. Thêm vào là những qũy từ thiện Hồi giáo quyên góp ở Hoa Kì, Canada, và các nước Âu châu. Tháng 12 năm 2001, chính phủ Hoa Kì niêm phong tài khoản của Tổ chức Thánh Địa (the Holy Land Foundation) là tổ chức từ thiện Hồi giáo lớn nhất tại Hoa Kì, vì cho rằng đã gửi tiền về cho tổ chức Hamas.

Âu châu cũng cắt tài trợ lên tới 500 triệu một năm nếu chính phủ Hamas không từ bỏ bạo lực, không công nhận quyền tồn tại của Israel và không chấp nhận tiến trình hòa bình của hòa ước Oslo năm 1993.

Ngay khi Hamas thành lập chính phủ, Israel ngưng chuyển giao cho chính phủ Hamas số tiền 55 triệu tiền thuế mà Israel thay mặt chính quyền Palestine thâu hàng tháng. Số tiền này để trả lương cho 165 ngàn viên chức chính quyền và an ninh, cảnh sát. Nhờ đó có thể nuôi sống 1/3 dân Palestine.

Hamas chiêu mộ những người đánh bom tự sát như thế nào:

Họ chấm định những tay trẻ tuổi và sùng đạo, cũng có một ít người đã lớn tuổi. Không chọn những kẻ chán đời, bệnh hoạn muốn tự tử. Những người được chọn phải có nghề nghiệp. Bọn họ có một điểm rất chung đó là lòng căm thù Israel. Sau mỗi vụ đánh bom, tổ chức tặng cho gia đình từ 3,000 tới 5,000 $ và quả quyết con em họ là vị tử đạo trong cuộc thánh chiến.

Huấn luyện người đánh bom:

Người đánh bom phải học tập giáo lí, nghe giảng, ăn chay trường. Một tuần lễ trước, có 2 chiến binh Hamas luôn luôn trông chừng tay đánh bom xem có triệu chứng chi không. Trước vụ nổ, kẻ đánh bom phải quay video đọc lời di chúc. Để lên tinh thần, hắn phải coi video của chính hắn nhiều lần và cả video của những tay đánh bom trước hắn. Để thêm phần long trọng, hắn được làm lễ tắm gội và mặc đồ sạch sẽ chuẩn bị cho cuộc tử đạo. Các giáo sĩ Hamas bảo đảm với kẻ đánh bom tự sát rằng cái chết của hắn không hề đau đớn và có hằng tá trinh nữ đang chờ đợi hắn trên thiên đường! Mỗi vụ đánh bom tốn vào khoảng 150$.

Tham gia sinh hoạt chính trị:

Hamas tẩy chay cuộc bầu cử tổng thống thẩm quyền Palestine (PA) vào tháng 01 năm 2005. Ngay trước thắng lợi của Hamas trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2006, Hamas đã thắng thế trong những cuộc bầu cử địa phương, nhất là ở Gaza.Thế nhưng Hamas thua sút trong cuộc bầu cử hồi tháng 9 năm 2005 ở Tây ngạn bởi vì đảng Fatah được lợi thế do việc Israel rút quân, cho nên đã chiếm 54 % số phiếu, đang khi Hamas chỉ chiếm 26% số phiếu.

Trong cuộc bầu cử ngày 25 tháng 01 năm 2006, Hamas bất ngờ thắng đảng Fatah của đương kim tổng thống và chủ tịch PLO là Mahmoud Abbas với 74 trên tổng số 132 ghế Quốc hội.

Lí do thắng lợi củaHamas: Một là vì lập trường chống Israel mạnh mẽ. Hai là Hamas hoạt động phục vụ phúc lợi cho dân có hiệu lực và tỏ ra ít tham nhũng.

Tuyên cáo của Hamas sau thắng lợi bầu cử 2006:

Sau khi dành được đa số ghế trong Quốc hội và thành lập chính phủ, không thấy Hamas kêu gọi tiêu diệt Israel nữa, thay vào là đòi hỏi thành lập một quốc gia độc lập cho người Palestine với thủ đô là Jerusalem. Tuy nhiên một số lãnh tụ Hamas vẫn chưa từ bỏ quyết tâm xóa tên Israel trên bản đồ bằng bạo lực jihad (thánh chiến).

Vào tháng 5 năm 2006, một số lãnh tụ Hamas đe dọa phát động một cuộc nổi dậy mới chống Israel (intifada) và sẽ chặt đầu bất cứ ai lật đổ chính phủ do Hamas lãnh đạo hiện nay.

Nội các Hamas

Sau khi Hamas dành được 74 trên 132 ghế Quốc hội, thủ tướng thuộc đảng Fatah là Ahmed Qurei và nội các của ông từ chức.

Ngày 20 tháng 3 năm 2006, một lãnh tụ của Hamas là Ismail Haniya lên làm thủ tướng và thành lập chính phủ. Các bộ quan trọng đều do Hamas nắm giữ.

Căng thẳng giữa Fatah và Hamas

Từ khi nội các Hamas ra mắt ngày 20 tháng 3 năm 2006, quan hệ giữa đảng Fatah của tổng thống Mahmoud Abbas và chính phủ của thủ tướng Hamas do Ismail Haniya lãnh đạo trở nên càng ngày càng căng thẳng.

Theo tin của báo The Sunday Times thì cơ quan an ninh Israel cho biết đã phát giác âm mưu ám sát tổng thống Abbas do Hamas chủ trương. Hamas phủ nhận nguồn tin này.

Ngày 08 tháng 5 năm 2006, tại miền Nam dải Gaza, xẩy ra xung đột giữa lực lượng Hamas và Fatah làm cho 3 người thiệt mạng, 10 người bị thương.

Ngày 6 và 7 tháng 5 năm 2006, hàng trăm người Palestine biểu tình ở Gaza và ở Tây ngạn đòi trả lương.

Nhưng vào ngày 27 tháng 6 năm 2006, thì Hamas và Fatah lại đồng ý với nhau về Tài Liệu Các Tù Nhân (the Prisoners’ Document), trong đó bao gồm việc thành lập chính phù hợp nhất.

Xung đột giữa chính phủ Hamas và Israel năm 2006

Ngày 09 tháng 6 năm 2006, xẩy ra vụ nổ trên bãi biển Gaza, khiến cho 9 thường dân bị thiệt mạng. Hamas đổ tội cho Israel. Israel phủ nhận. Nhân đó Hamas chấm dứt thỏa thuận ngưng bắn với Israel có hiệu lực từ 16 tháng.

Ngày 25 tháng 6, Hamas tấn công lực lượng Israel, giết 2 binh sĩ và bắt giữ hã sĩ Gilad Shalit.

Ngày 28 tháng 6, Israel tấn công sang Gaza để giải thoát tù binh Israel bị Palestine bắt. Không quân Israel oanh tạc một số cơ quan của Palestine như bộ nội vụ, văn phòng của thù tưóng Ismail Haniya.

Ngày 29 tháng, Israel bắt giữ 64 viên chức Palestine. Trong số đó có 8 người là bộ trưởng, 20 người là dân biểu trong Quốc hội, cùng một số viên chức các hội đồng dân cử địa phương, thị trưởng và phó thị trưởng của Qalqilyah.

Sang ngày 6 tháng 8, Israel bắt thêm chủ tịch Quốc hội Aziz Dweik tại nhà ông ở Tây ngạn.