DẪN NHẬP VĂN HOÁ GIA ĐÌNH VIỆT NAM (2)

Bài 2 : Khái niệm về Văn hoá :Chữ Văn hoá dịch từ chữ ‘Culture’

Trong thời Pháp thuộc (1862-1954), nước Việt Nam ta chịu ảnh hưởng nặng nề văn hoá Âu châu, trong đó một nền văn học mới đã được khai sinh, văn học quốc ngữ. Nhiều khái niệm mới từ văn hoá Âu Châu cũng dần dà xâm nhập vào Văn Hoá Việt Nam. Một trong những khái niệm đó là khái niệm ‘Văn Hoá ‘. Khái niệm này chiếm một vai trò quan trọng trong tranh luận về văn hoá và thiên nhiên mà nhiều triết gia Âu Châu đã đề cập đến. Người Việt ta đã bắt chước người Nhật và người Tầu dùng chữ ‘văn hoá’ để dịch chữ ‘culture‘ của Âu Châu.

21. Trong cuốn ‘ Văn hoá và đức tin’[[1]], tôi đã đề cập đến ý nghĩa của chữ ‘culture ‘ mà ta có thể gợi lại như sau : ‘Chữ ‘culture’ của pháp, từ rất xưa và từ rất lâu, vẫn được dùng để biểu thị một thực tại xã hội cao, dành cho giới khoa bảng trí thức, giới nghệ sĩ chính chuyên, giới quan chức quí tộc.

Ý nghiã này của chữ văn hoá đã được Cicéron (106-45 trước tây lịch) dùng để chỉ những hoạt động ‘triết học’ đào tạo và giáo dục tâm hồn con người. Từ thời Trung cổ, nhều tác gia, như Erasme, Thomas More, Francis Bacon, Fénélon, J.J. Rousseau, Voltaire,. .dùng chữ văn hoá để ám chỉ những hoạt động tri thức và văn học[[2]].

Tóm lại, chữ văn hoá bao gồm những hoạt động và những tác phẩm của những người học cao, tài lớn, tiền nhiều, chức cả. Theo quan niệm này, nói đến văn hóa Hy lạp, người ta nghĩ ngay đến văn hóa Hy lạp thời Platon, Aristote; Nói đến văn hóa La mã, người ta lộn ngay với văn hoá La mã thời Auguste; Nói đến văn hóa Anh quốc người ta nghĩ ngay đến văn hóa thời nữ hoàng Elizabeth, nói đến văn hóa Pháp, người ta nghĩ ngay đến văn hóa Pháp thế kỷ Ánh Sáng XVIII. Giản tiện hơn, trên phương diện địa lý, văn hóa Anh thường được đồng hóa với văn hóa Luân đôn, văn hóa Pháp với văn hóa Paris, văn hóa Việt Nam với sinh hoạt ở Hà Nội.

Cách hiểu này về chữ ‘văn hóa’ quá hạn hẹp. Nó chỉ bao gồm có văn học nghệ thuật, với những tác giả nổi tiếng, với những nghệ sĩ tài cao. Nó lẫn một phần với toàn thể. Nó lẫn Paris với Pháp. Nó lẫn Hà Nội với Việt Nam.

Ba khoa học mới, dần dà xuất hiện : nhân loại học (Anthropologie), nhân chủng học (Ethnologie) và xã hội học (Sociologie) đã dọi ánh sáng vào những khía cạnh mới của ‘văn hóa’.

Giá trị nhận thức của những sự kiện bình nhật, bình dân, thông thường, tự nhiên, vô nghĩa... đã được tỏ rõ. Bây giờ người ta ý thức rằng cách ăn uống, ngủ nghỉ của người dân quê Pháp ở thế kỷ XVII cũng dậy cho chúng ta hiểu về văn hóa Pháp không kém gì cuốn ‘Phương pháp luận’ của Descartes..

Một quan niệm mới dần dà đã được thành hình. Ngay từ thế kỷ XVII, triết gia đức Samuel von Pufendorf (1632-1694) đã dùng chữ văn hoá để biểu thị tất cả những gì không phải là tự nhiên, tức là tất cả những gì mà con người làm ra hay học được trong xã hội, tóm lại văn hoá là nhân tạo.

Vào cuối thế kỷ XIX, nhiều nhà nghiên cứu danh tiếng đã góp công vào việc nới rộng ý nghĩa của chữ ‘văn hóa’ này : E.B. TYLOR, E. DURKHEIM, K. MARX, C. LEVI-STRAUSS, M. MAUSS, B. MALINOWSKI, M. WEBER, P. BOURDIEU, J.C. PASSERON,...

Một nghĩa thứ hai của chữ ‘văn hóa’ đã được thành hình, khai triển, nghiên cứu và chấp nhận. Nó rộng hơn nghĩa thứ nhất. Nó bao gồm tất cả những khía cạnh ‘văn’ vẻ đã góp phần giáo ‘hóa’ con người, từ cách ăn uống, may mặc, cư trú, hành nghề, ngủ nghỉ, giao thiệp, tín ngưỡng, suy tư, ăn nói, viết lách, cười tươi, khóc thảm. Văn hóa là toàn thể những phong thái, gặp gỡ, hội họp, xã hội, liên đới... Nó bao gồm tất cả những xử sự, kiến thức, biểu lộ của con người, bình dân cũng như bác học, từ báo chí, sách vở, đến thảo luận, xuất bản, thư liệu, kiến trúc, nhạc kịch, hát ca... Tất cả những gì mà con người, dưới khía cạnh là một sinh vật xã hội, biểu lộ và sản xuất ra, cũng như tất cả những gì mà nó học được từ các thế hệ trước, cũng như những gì mà nó truyền lại cho các thế hệ sau đều là văn hóa cả. Chữ ‘văn hóa’, như vậy, hàm chứa tất cả những hành động và nghiên cứu, không chỉ giới hạn vào văn học và văn nghệ, mà còn nới rộng cả vào những lãnh vực giáo dục, xã hội, tôn giáo... nữa.

Ý nghiã này của chữ văn hoá thực ra đã được văn sĩ Đức J. G. Herder (1744-1803) sáng tạo và xử dụng ngay từ thế kỷ Ánh Sáng để chỉ ’Một hình thức sinh sống của một dân tộc, một quốc gia, một tập thể’. Nhưng người đàu tiên đã đưa ra một định nghiã đầy đủ cho chữ văn hoá là nhà nhân chủng học người Anh, E.B. TYLOR (1832-1917) khi cho in tác phẩm ’Văn hoá sơ khai’ vào năm 1871. Theo Tylor thì văn hoá là ‘Cái tổ hợp bao gồm kiến thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, luật lệ, phong tục và tất cả những hình thức, tập quán mà con người có được trong một xã hội’[[3]].

22. Trong chiều hướng ý nghĩa của chữ ‘văn hoá ‘ dịch từ chữ ‘culture‘[[4]], Đào Duy Anh, người Việt Nam đầu tiên tìm hiểu về văn hoá Việt Nam, đã ấn hành tập sách ‘Việt Nam Văn hoá sử cương’[[5]] vào năm 1938.

Trả lời câu hỏi ‘Văn hoá là gì ?’, Đào Duy Anh viết : ‘Người ta thường cho rằng văn hoá là chỉ những học thuật tư tưởng của loài người, nhân thế mà xem văn hoá vốn có tính chất cao thượng đặc biệt. Thực ra không phải như vậy. Học thuật tư tưởng cố nhiên là ở trong phạm vi của văn hoá nhưng phàm sự sinh hoạt về kinh tế, về chính trị, về xã hội cùng hết thảy các phong tục tập quán tầm thường lại không phải là ở trong phạm vi văn hoá hay sao ? Hai tiếng văn hoá chẳng qua là chỉ chung tất cả các phương diện sinh hoạt của loài người cho nên ta có thể nói rằng : Văn hoá là sinh hoạt’[[6]].

Ý tưởng này của Đào Duy Anh về văn hoá đã được dựa theo ý tưởng của Félix SARTIAUX trình bày trong cuốn ‘La Civilisation’. Trong lời ‘Tựa‘ Đào Duy Anh đã xác định rõ rệt điều ấy khi ông viết : Quyển sách bỉ nhân soạn đây chỉ cốt hiến một mớ tài liệu cho những người quan tâm về điều thứ nhất, là muốn ôn lại cái vốn văn hoá của nước nhà, chứ không có hy vọng gì hơn nữa.

Theo giới thuyết của Félix Sartiaux thì ‘Văn hoá về phương diện động, là cuộc phát triển tiến bộ mà không ngừng của những tác dụng xã hội về kỹ thuật, kinh tế, tư tưởng, nghệ thuãt, xã hội tổ chức, những tác dụng ấy tuy liên lạc mà vẫn riêng nhau. Về phương diện tĩnh thì văn hoá là trạng thái tiến bộ của những tác dụng ấy ở một thời gian nhất định, và tất cả các tính chất mà những tác dụng ấy bày ra ở các xã hội loài ngườĩ ‘.

Bỉ nhân biên sách này, cũng dựa theo giới thuyết của Félix Sartiaux mà chia đại khái ra ba bộ phận như sau này : 1- Kinh tế sinh hoạt, 2- Xã hội sinh hoạt, 3- Trí thức sinh hoạt.

Đối với mỗi vấn đề bao hàm trong ba bộ phận ấy, bỉ nhân gắng biên chép rõ ràng con đường diên cách xưa nay cho đến trạng thái hiện tại, thản hoặc có chỗ sơ lậu là bởi tài liệu còn thiếu, chưa có thể tìm ra’[[7]]

Qua những lời biện bạch trên, cũng như F. Sartiaux, Đào Duy Anh không phân biệt cách biệt giữa hai khái niệm ‘văn hoá ‘ và ‘văn minh’. Tác phẩm mà Đào duy Anh dựa vào không dùng chữ ‘culture’ (văn hoá), nhưng dùng chữ ‘civilisation’ (văn minh). Và nét độc đáo khác nữa của tư tưởng về văn hoá của Đào Duy Anh là văn hoá chỉ là ‘Một mớ tài liệu cho những người quan tâm về điều thứ nhất, là muốn ôn lại cái vốn văn hoá của nước nhà ‘.

23. Trong chiều hướng mở rộng ra với bên ngoài và qua một phong trào bột phát, văn hoá đã là một đề tài được nghiên cứu rộng lờn từ ba chục năm nay, từ 1975. Việt kiều ở nước ngoài, trực tiếp sống trong môi trường văn hoá Âu Mỹ, có dịp và có tự do, cảm nhận nhu cầu về nguồn đã lập ra nhiều mạng tin học về văn hoá[[8]]. Người việt trong nườc, được ổn định về kinh tế và chính trị, được đi du học hoặc tu nghiệp ở nước ngoài, được giao lưu nhiều hơn với bên ngoài nhờ các mạng lưới điện tử, đã rõ rệt ý thức tầm quan trọng của văn hoá vượt trên giáo điều đảng phái, đã đề ra những chương trình học tập và nghiên cứu về văn hoá và đã dựng được những tác phẩm đáng chú ý, như ‘Cơ sở văn hoá Việt Nam’[[9]] của Trần Ngọc Thêm in từ năm 1991, ‘Văn hoá gia đình Việt Nam’[[10]] của Vũ Ngọc Khánh in năm 1998, ‘Hành trình văn hoá Việt Nam’[[11]] của Đặng Đức Siêu in năm 2002. Hai trong ba tác giả vẫn còn theo chiều hướng quá khứ và lẫn lộn văn hoá văn minh, kiểu Đào Duy Anh. Một chiều hướng mới về nghiên cứu văn hoá đã được Trần Ngọc Thêm, cựu sinh viên ngữ văn tại Nga và hiện là giáo sư văn hoá học ở thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra. Đó là tiếp cận cấu trúc và hệ thống, theo đó văn hoá được nâng lên hàng khoa học và là đề tài nghiên cứu của khoa học văn hoá (Culturologie, The science of culture[[12]]). Và theo đó, ‘Văn hoá là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích kũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội’[[13]]. Dẫu rằng quan niêm ‘khoa học văn hoá ‘ là quan niêm về văn hoá mà các nước cộng sản cũ ở Đông Âu đẩy mạnh để lưu nhiệm đạo quân giáo viên triết học Mác Xít Lê Nin thời cộng sản, để bổ xung cho đội ngũ cán bộ quản lý văn hoá, nhưng tiếp cận cấu trúc và hệ thống này về văn hoá cũng là cập nhật hơn cả. Đây cũng là một dữ kiện chứng tỏ có giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và thế giới bên ngoài, trong đó vai trò của ba triệu việt kiều hải ngọai thực là không thể chối cãi được.

Qua những ý niêm và ý nghĩa khác nhau về văn hoá vừa trình bày trên đây, ta có thể bảo rằng : Văn hoá là một khái niêm phức tạp. Một đàng văn hoá vẫn gần kề với nghệ thuật hơn là khoa học và kỹ thuật. Đàng khác, với những khái niệm như ‘văn hoá khoa học’, ‘văn hoá kỹ thuật’, văn hoá như đã hoà trộn vào khoa học và kỹ thuật. Thêm vào đó, vẫn lưu luyến văn học, văn vật và văn nghệ, văn hoá càng ngày càng đi vào đời sống bình dân thường ngày. Sau nữa, chưa hoàn toàn dứt khoát thoát khỏi suy lý triết học, văn hoá rõ rệt đã là đối tượng nghiên cứu có tính chất khoa học[[14]] và phương pháp, có tiếp cận đa phương lịch sử, môi trường, kinh tế, chính trị, nhân chủng, xã hội, tâm lý,... Và sau cùng văn hoá và văn minh vẫn là một cặp liên kết quan trọng, vì rằng : ‘Một sinh vật được tồn sinh theo những yếu tố di truyền mà nó đã lãnh nhận từ dòng giống, và được phát triển theo những yếu tố môi trường nơi nó cư ngụ. Nơi con người, cái biểu lộ tổng hợp xã hội của hai yếu tố di truyền và môi trường đó gọi là văn hóa. Cái biểu lộ tổng hợp xã hội của những thành quả và sáng chế dụng cụ của hai yếu tố đó gọi là văn minh. Văn hóa được biểu lộ nhiều ở tính tình, cách sống và sinh hoạt của một xã hội. Văn minh được xác định bởi những dụng cụ, di vật, công trình mà xã hội ấy sáng chế, sản xuất và xây dựng nên.’[[15]]

Từ những nhận định trên, định nghĩa sau đây về văn hoá sẽ được xử dụng để dẫn nhập vào văn hoá gia đình Việt Nam : ‘Văn hoá là một hệ thống tổ hợp biểu lộ tác phong, bao gồm thiết kế nhận thức (cô đọng trong tín ngưỡng, nghệ thuật, luật lệ, khoa học..), hành động tổ chức (qui định trong chính trị, giáo dục, văn học, phong tục, tập quán) và tất cả những cải tiến ứng xử (biểu lộ qua những hình thức sinh sống) của tập thể con người sống thành xã hội. Cái tổ hợp này biến chuyển theo thời gian và môi trường mà một trong những tính chất độc đáo của nó là có hệ thống hữu cơ‘.

GS Trần Văn Cảnh

(Xin xem tiếp bài 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9)

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Trần Văn Cảnh; Cây văn hoá Việt Nam trồng tại Giáo xứ Paris’ trong ‘Văn hoá và Đức tin’ Paris : Giáo xứ Việt Nam Paris; 2004, tr. 510-511

[2] -Grand Larousse universel avec actualia, Paris : Larousse; 1987, tr 2839

-FERREOL Gilles et JUCQUOIS Guy; Dictionnaire de l’altérité et des relations interculturelles; Paris : Armand Colin; tr. 81 và tiếp theo

[3] JOURNET Nicolas. La culture de l’universel au particulier; Auxerre : Sciences humaines; 2002, tr. 11

[4] Thực ra tác phẩm mà Đào duy Anh dựa vào không dùng chữ culture (văn hoá), nhưng dùng chữ civilisation (văn minh). Đó là cuốn ‘La civilisation’ của F. Sartiaux.

[5] Đào duy Anh : Việt Nam văn hoá sử cương (1938)

[6] Đào duy Anh : sđd, tr. 13

[7] Đào duy Anh; sđd, tr. VII-VIII

[8] Đặc biệt là Mạng lưới Dũng Lạc www.dunglac.net

[9] Trần Ngọc Thêm : Cơ sở văn hoá Việt Nam; Thành phố Hồ chí Minh, Nhà xuất bản Giáo dục : tái bän lần thứ hai, 1999, 336 trang

[10] Vũ Ngọc Khánh : Văn hoá gia đình Việt Nam; Hà nội, Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc, 1998, 304 trang

[11] Đặng Đức Siêu : Hành trình văn hoá Việt Nam; Hà nội, Nhà xuất bản Lao Động, 2002, 492 trang

[12] L. White : The science of Culture; New York, 1949

[13] Trần Ngọc Thêm, sđd, tr. 10

[14] Hiện nay một vài Đại học ở Pháp đã mở khoá trình Cao học chuyên biệt (5 năm đại học) về khoa học văn hoá.

[15] Trần Văn Cảnh, sđd, tr. 634