NHÂN CUỘC CHIẾN TRANH LẦN THỨ NĂM GIỮA Ả RẬP VÀ ISRAEL (7)

CHIẾN TRANH LẦN THỨ TƯ NĂM 1973 GIỮA ISRAEL-Ả RẬP



Tình hình từ năm 1967 tới năm 1974:

Quan hệ Hoa Kì-Liên Xô: Vẫn chiến tranh lạnh. Song vẫn ‘sống chung hòa bình’. Những xung đột ở Việt Nam, Trung Đông…cả hai bên đều nhúng tay vào. Ở Trung Đông, bên này đổ thêm vũ khí, bên kia cũng đổ thêm vũ khí. Mặc nhiên bảo các bạn cứ đánh nhau, chúng tôi đứng canh chừng, khi nào mệt thì chúng tôi bảo ngừng. Chúng tôi không muốn đánh nhau. Tới năm 1972, tổng thống Nixon còn sang Bắc Kinh bắt tay chủ tịch Mao Trạch Đông.

Khối Ả Rập:

- Hội nghị Khartoum của các nước khối Ả Rập tháng 8 năm 1967 thất bại. Khối chia ra 2 phe: cách mạng và bảo thủ. Hội nghị không dám chủ chiến vì chưa đủ lực; cũng không chủ bại vì sợ mất mặt.

- Tháng 11 năm: 1967: Hội đồng Bảo an LHQ ra quyết nghị: Israel phải trả đất. Ả Rập phải nhìn nhận Israel. Ả Rập bằng lòng nhưng Israel không chịu trả đất.

- Đến tháng 7 năm 1968, Ai Cập dịu đi, chấp nhận Israel là một thực thể, không hô hào tiêu diệt Israel nữa. Nhưng chính phủ mới lên ở Syria lại quyết liệt đè bẹp Israel, làm cho tình hình lại căng thẳng. Lại xẩy ra những cuộc va chạm ở các biên giới. Bao giờ Israel cũng trả đũa dữ dội hơn.

- Tháng 9 năm 1969, Ai Cập-Israel không chiến lớn ở bờ kênh Suez. Nữ thủ tướng Israel bảo: Ả Rập ‘vẫn chưa học được bài học tháng 6 năm 1967’. Thái độ quá tự tin này sẽ dẫn tới việc Israel bị tấn công bất ngờ lần này (1973).

- Sau trận không chiến, Các nước khối Ả Rập họp hội nghị tại thủ đô Cairo của Ai Cập.

Hội nghị lên án việc đốt một thánh đường Hồi giáo ở Jerusalem của một công dân Úc sống trong khu vực người Do Thái; đòi Do Thài trả đất đã chiếm trong trận 1967; ủng hộ Mặt trận Giải phóng Palestine.

- Nhưng chỉ 3 tháng sau, tháng 12 năm 1969, một hội nghị thượng đỉnh khác họp tại Rabat, Morocco, thì lại chia rẽ, không đưa ra được quyết nghị nào.

- Giữa năm 1970, Hoa Kì đề nghị hai bên hưu chiến. Liên Xô và cả hai bên bằng lòng.

Israel đề nghị: Trả 70% đất đã chiếm ở Tây ngạn sông Jordan, nhưng cần lập một vùng phi quân sự; vẫn chiếm giữ cao nguyên Golan. Bù lại, Ả Rập phải thừa nhận quốc gia Israel; Istrael được xử dụng kênh Suez và Ai Cập phải nhường vài vị trí trên kênh Suez cho Israel.

- Mặt trận Giải phóng Palestine phản đối đề nghị của Israel. Họ còn âm mưu ám sát quốc vương Hussein của Jordan vì cho là quốc vương chủ hòa. Hussein ra lệnh đàn áp Mặt trận dữ dội. Palestine gọi vụ đàn áp này là vụ Tháng Chín Đen.

- Nasser đứng ra hòa giải, nhưng bất ngờ chết vì đau tim ngày 28 tháng 10 năm 1970, thọ 52 tuổi. Tổng thống Ai Cập Nasser là người có chí lớn, có tài. Tuy mộng không trọn vẹn nhưng vị trí của ông trong lịch sử đứng ngang hàng với Mustafa Kemal (1881-1938, người khai sáng nền cộng hòa và là tổng thống Thổ Nhĩ Kì từ 1823-38).

- Chủ tịch quốc hội Answar Sadat lên thay. Bên Syria cũng có tổng thống mới là tướng Assad, chủ trương ôn hòa hơn. Tổng thống Sadat muốn kí hòa ước với Israel chịu thừa nhận Israel và đưa đề nghị Israel trả cho Ai Cập một phần bán đảo Sinai. Thủ tướng Israel Golda Meir bác bỏ đề nghị này của tổng thống Sadat, khiến LHQ và Hoa Kì bất mãn. Nỗ lực ngoại giao của tổng thống Sadat thất bại khiến cho ông bị phe tả muốn lật đổ ông, bắt buộc ông phải thẳng tay đàn áp.

- Năm 1971, hai bên căng thẳng trở lại trong tình trạng chiến tranh.

- Năm 1972 xẩy ra 3 sự kiện đáng chú ý: Một là quốc vương Hussein của Jordan muốn bắt tay với Isreal thành lập một vương quốc liên hiệp Ả Rập-Israel ở bờ Tây ngạn sông Jordan. Đề nghị này bị Mặt trận Giải phóng Palestine và khối Ả Rập phản đối. Hai là tổng thống Sadat xin thêm viện trợ của Liên Xô không được nên đã trục xuất 15,000 cố vấn quân sựLiên Xô, rồi quay sang nhờ cậy Hoa Kì. Hoa Kì không đáp ứng, 4 tháng sau Sadat lại trở về nhờ cậy Liên Xô.

Tóm lại:

Quốc vương Hussein của Jordan chủ hòa nhưng bị dân tị nạn Palestine lưu vong ở nước ông chống đối muốn giết ông. Ông phải khôn khéo lắm mới giữ được tính mạng.

Lebanon tuy ghét người Do Thái nhưng lại thân Tây phuơng.

Saudi Arabia vì quyền lợi bán dầu lửa cho nên chỉ ủng hộ phe Ả Rập bằng miệng mà thôi.

Ai Cập là chủ chốt, nhưng mất đi nhiều uy tín từ khi nhà lãnh đạo Nasser qua đời.

Trong tình hình này, lại thêm việc Israel chưa thực tâm muốn hòa giải, cho nên những nỗ lực vãn hồi hòa bình ở Trung Đông không mang lại kết quả nào.

Bên cạnh tình hình các quốc gia Ả Rập trước khi cuộc chiến thứ 4 xẩy ra như trên, cũng phải kể thêm những hoạt động của Mặt trận Giải phóng Palestine trong giai đoạn này:

Mặt trận Giải phóng Palestine (the Palestine Liberation Organisation, PLO) do Ai Cập khuyến khích thành lập năm 1964 để phối hợi các nhóm nhười Palestine quyết thành lập quốc gia Palestine dân chủ, dân sự và loại bỏ quốc gia Israel. Mặt trận hoạt động ở Jordan do Yasir Arafat lãnh đạo từ năm 1969. Chưa thành lập được quốc gia, non 3 triệu người Palestine phải sống lưu vong ở các nước Ả Rập, đông nhất là ở Jordan (chiếm ¾ dân số Jordan). Lực lượng của họ chủ yếu là các cảm tử quân chuyên đánh đặc công phá hoại, ám sát. Năm 1970, Mặt trận gây nội loạn ở Jordan, khiến quốc vương Hussein trục xuất PLO sang Lebanon và Syria. Đối với Tây phương, PLO được biết tới do những vụ đánh khủng bố. Các vụ không tặc và các phi trường quốc tế là những mục tiêu quen thuộc của họ. Năm 1972, tại thế vận hội Munich, Tây Đức, 8 tên thuộc nhóm Tháng 9 Đen bắt 9 lực sĩ Israel đòi Israel thả 200 tù nhân người Palestine. Mọi cuộc thương lương và cách thế giải cứu đều thất bại. Kết cuộc 5 tên khủng bố bị giết cùng với tất cả 9 lực sĩ Israel. Bao giờ Israel cũng trả đũa mạnh mẽ mỗi khi xẩy ra một vụ khủng bố của PLO. Thành ra cuộc đọ sức giữa PLO và Israel diễn ra như những pha hồi hộp, lạnh gáy trên phim ảnh!

Về phía Israel:

Cuối năm 1969, thủ tướng Levi Eskhol qua đời, bà Golda Meir lên thay. Bà cùng với tướng Moshe Dayan chủ trương ‘diều hâu’, từ chối những đề nghị hòa giải của LHQ cũng như của phía Ả Rập. Bà Golda Meir từng tuyên bố: ‘Người ngoại quốc chưa bao giờ định biên giới cho chúng tôi, và trong tương lai chúng tôi cũng miễn cho họ việc ấy. Hiện nay chúng tôi đóng ở đâu, thì đó là biên giới của chúng tôi’ (1969).

Thế nhưng Isarel cũng có một quan niệm ôn hòa hơn. Đại diện là bộ trưởng ngoại giao Abba Eban. Ông bộ trưởng chủ trương trả đất để sống chung hòa bình. Nếu cứ thực dân và hiếu chiến thì có ngày sẽ chung số phận của Napoléon và Hitler. Đang khi đó Israel phải tiêu tới 75% lợi tức quốc gia vào quốc phòng thì dân không chịu cực khổ được lâu nữa. Những trận đánh du kích tiêu hao của Ả Rập làm tổn thất nhân mạng cao hơn số tử vong trong trận chiến 1967!.

Trong bối cảnh tình hình phức tạp của vùng Trung Đông như đã sơ lược trên đây, có mấy điểm đáng chú ý: Một là hồi tháng 7 năm 1972, tổng thống Sadat của Ai Cập trục xuất một lúc 15,000 cố vấn Liên Xô. Hai là vào tháng 9 năm 1972, tổng thư kí LHQ Kurt Waldheim đi thị sát Trung Đông về đã tuyên bố rằng các nước bên đó muốn hòa bình. Ba là từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 9 năm 1972, hội nghị các nước phi liên kết diễn ra tại Alger, Algeria, cho thế giới có cảm tưởng họ không đoàn kết và chỉ lên án Israel lấy lệ. Riêng có lãnh tụ Mặt trận Giải phóng Palestine là Arafat đưa ra đề nghị trừng phạt các nước Âu Mĩ đã ủng hộ Israel bằng biện pháp cấm vận dầu lửa. Đây không phải là ý kiến mới mẻ gì, vả lại,vì quyền lợi kinh tế riêng, nhiều nước có dầu lửa không chấp nhận ý kiến này. Sau này người ta nghi ngờ 3 diễn biến trên đây đều là kế nghi binh của Liên Xô và các nước Ả Rập nhằm làm cho Israel đang mắc bệnh chủ quan (rằng các nước Ả Rập không dám tấn công Israel trong lúc này) bị đánh úp bất ngờ sẽ không trở tay kịp.

Diễn tiến cuộc chiến tranh lần thứ tư

Lần này, các nước Ả Rập ra tay trước, lợi dụng yếu tố bất ngờ.

1/ Giai đoạn 1, từ ngày 6 đến ngày 10 tháng 10 năm 1973: Chiều thứ 7 ngày 6 tháng 10, trong khi người Do Thái đang cử hành lễ Kippour (lễ đền tội) thì liên quân Ai Cập và Syria cùng lúc ồ ạt tấn công Israel. 120 ngàn quân Ai Cập, 2,000 chiến xa, 500 chiến đấu cơ tràn qua kênh Suez. Đồng thời 100 ngàn quân Syria cùng với 1,400 chiến xa tấn công tái chiếm cao nguyên Golan.

Isarel chỉ có 90 ngàn quân hiện dịch cố gắng chống đỡ ở cả hai mặt trận Bắc, Nam. Phải vội gọi quân trừ bị chuẩn bị phản công. Ngày 9 tháng 10, Israel thua tại Sinai, phải bỏ phòng tuyến tối tân Barlev, mất một đoàn xe tăng.

Khối Phi liên kết và các nước Cộng Sản lên tiếng ủng hộ Ả Rập. Morocco và Sudan gửi quân tăng viện. Iraq quốc hữu hóa 2 công ti dầu của Hoa Kì. Hoa Kì tuyên bố ủng hộ Israel, Liên Xô ủng hộ Ả Rập. Pháp giở giọng: Họ trở về nhà của họ thì không thể bảo là họ xâm lăng được. Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi ngưng bắn. Không ai nghe.

Sau 4 ngày đầu, Israel thiệt trên 1 tỉ Mĩ Kim.

2/ Giai đoạn 2, từ ngày 10 đến 18 tháng 10: Israel phản công dữ dội. Thắng ở cao nguyên Golan, tiến cách thủ đô Damas của Syria có 30 km. Iraq tăng viện 16 ngàn quân và 100 phi cơ. Jordan chỉ gửi một đoàn kị binh giúp Syria. Nhưng Israel tiêu diệt cả hai đạo quân Syria lẫn Jordan. Ả Rập đã thua tại mặt trân phía Bắc.

Tại mặt trận phía Nam, Ai Cập tiến qua kênh Suez được 15, 20 km thì bị Israel chặn lại. Một trận đại chiến xẩy ra ở trung bộ Sinai, không phân thắng bại. Thêm nhiều nước tham chiến như: Algeria, Tunisia, Saudi Arabia. Phe Ả Rập cấm vận dầu lửa sang Hoa Kì và Hòa Lan. Âu châu lo lắng kêu gọi ngưng bắn và Israel phải trả đất đã chiếm của Ả Rập năm 1967.

Hoa Kì và Liên Xô vội vã gửi thêm vũ khí cho đàn em. Hoa Kì gửi xe tăng GM60, đại bác, đạn ‘bò cạp, hỏa tiễn Sidewinder và Sparrow cho Israel. Liên Xô gửi Mig21, hỏa tiễn Sam6 để hạ phi cơ và Sam7 để đánh chiến xa. Hoa Kì điều hàng không mẫu hạm Roosevelt vào Địa Trung Hải, Liên Xô cũng phái 3 chiến hạm và nhiều tầu nhỏ vào vùng biển đang có giao tranh.

Ngày 16 tháng 10, hai bên có vẻ muốn thương lương. Các chính khách hàng đầu của Liên Xô và Hoa Kì tấp nập hoạt động ngoại giao con thoi.

3/ Giai đoạn 3, từ ngày 19 đến 23 tháng 10: Israel có vẻ thắng thế. LHQ ra lệnh ngưng bắn: Phía Bắc, Syria cố phản công, nhưng bị Israel bẻ gẫy. Phía Nam, Ai Cập bắt đầu núng thế. Ngày 19 tháng 10, Isarel chẻ đôi quân Ai Cập ở Siani. Ngày 21 tháng 10, 15 ngàn quân cảm tử Isreal vượt Hồng Hải luồn vào phía sau quân Ai Cập phá hủy các dàn hỏa tiễn phòng không, nhờ thế Isreal lại làm chủ không trung. Bao vây cả quân đoàn 3 của Ai Cập. Israel tiến cách thủ đô Cairo của Ai Cập 80 km.

Kissinger qua Liên Xô thu xếp để cho LHQ có thể ra lệnh:

- Ngưng bắn tại chỗ từ 18 giờ 52 phút ngày 22 tháng 10 năm 1973.

- Thi hành nghị quyết 22 tháng 11 năm 1967 của LHQ (5 năm trước Israel không chịu). Isreal phải trả đất chiếm năm 1967 và tôn trọng quyền sinh sống của người Palestine. Ả Rập phải tôn trọng biên giới của Israel và nhìn nhận tính hợp pháp của quốc gia Israel…

Lúc đầu Israel và Ai Cập ngưng bắn, như thế là cuộc chiến kéo dài 17 ngày. Nhưng vì Syria, Iraq và Palestine không chịu nên Israel và Ai Cập lại đánh nhau thêm một ngày nữa. Sang ngày 23 tháng 10 mới chấm dứt hẳn, cho nên gọi là cuộc chiến 18 ngày.

Tổn thất:

Israel: chết 4,100 lính; mất 107 phi cơ; 840 chiến xa, 1 tầu.

Ai Cập: chết 7,500 lính; mất 242 phi cơ, 895 chiến xa, 20 tầu.

Syria: chết 7,300 lính; mất 179 phi cơ, 880 chiến xa.

Hậu quả:

Israel chiếm được 300 dặm vuông ở Syria, 475 dăm vuông ở Ai Cập.

Các nước Ả Rập sản xuất dầu lửa đoàn kết với nhau để trừng phạt Hoa Kì, Hòa Lan và các nước ủng hộ Israel. Cuộc cấm vận dầu lửa này làm xáo trộn đáng kể đời sống của nhiều nước. Nhật vội vàng yêu cầu Israel phải trả đất cho Ả Rập để mong Saudi Arabia tiếp tục bán dầu cho.

Kissinger vận động ráo riết để triệu tập hội nghị Genève vào ngày 21 tháng 12 do tổng thư kí LHQ chủ tọa. Tham dự có Isreal, Ai Cập, Jordan, Hoa Kì, Liên Xô, (Syria không chịu họp). Khó gỉi quyết nhất là vấn đề Jerusalem và vấn đề người Palestine. Làm sao có một tổ quốc cho gần 3 triệu người Palestine đang sống lây lất ở các nước chung quanh Jordan, Lebanon, Syria, Kuwait, Saudi Arabia, dải Gaza và trên đất Israel. Còn vấn đề Jerusalem là thánh địa của 3 tôn giáo: Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Sau chiến thắng năm 1967, Israel thề sẽ không bao giờ rời bỏ thành thánh Jerusalem nữa.

Như thế con đường tiến tới hòa bình ở vùng này vẫn là con đường thiên lí đầy gian nan đau khổ.

Xin xem:

Stewart Ross. Causes and Cosequences of the Arab-Israel Conflict. RSVP, 1996.

Nguyễn Hiến Lê. Bài Học Israel. Xuân Thu.