NHÂN CUỘC CHIẾN TRANH LẦN THỨ NĂM GIỮA Ả RẬP VÀ ISRAEL (6)

CHIẾN TRANH LẦN THỨ BA NĂM 1967 GIỮA ISRAEL - Ả RẬP

Tình hình:

Một khi các siêu cường đã thò tay vào thì vùng Trung Đông đã rối ren càng xáo trộn thêm. Họ thi nhau đổ vào vùng này tiền bạc, vũ khí, tình báo. Rồi những vụ bạo loạn, ám sát, đảo chánh liên tiếp xẩy ra ở Lebanon, Iraq, Jordan, Yemen.

Riêng tình hình Israel thì dọc theo biên giới luôn luôn căng thẳng. Nhất là từ khi Nasser thành lập cơ quan giải phóng Palestine giao cho Ahmed Choukeiri cầm đầu. Cơ quan này đóng bản doanh ở Jerusalem. Có nhiệm vụ gây rối ở những nơi nào có dân tị nạn. Đây là cơ quan có rất nhiều tiền do các nước Ả Rập đóng góp bằng loại thuế có tên là ‘thuế hồi hương’. Nhờ vậy cơ quan thành lập được một đạo quân 16 ngàn người do Trung Cộng huấn luyện. Đạo quân của Choukeiri quấy phá tại biên giới với Syria, Jordan, Lebanon.

Tình hình đến thánh 5 năm 1967 coi như là rất xấu, cả Ai Cập lẫn Israel sẵn sàng lâm chiến bất cứ lúc nào.

Giọt nước cuối cùng làm tràn li:

Đó là việc vào ngày 23 tháng 5 1967, Nasser quyết định phong tỏa eo biển Tiran trong vịnh Aqaba, ngăn các tầu của Israel cập bến ở Elat, cửa ngõ của Israel ra Hồng Hải.Trước đó 3 ngày, 4,000 giáo đường ở Ai Cập kêu gọi tín đồ tham dự thánh chiến. Tại Gaza, 12,000 quân của Choukeiri và một số quân cảm tử Fedayin áp sát biên giới Israel.

Chiến tranh không thể tránh được nữa.

Hoa Kì lên tiếng cảnh cáo Ai Cập làm cho tình hình nguy hiểm và phải chịu trách nhiệm.

Liên Xô liền phản ứng dọa kẻ nào dám xâm lăng sẽ đụng lực lượng của liên minh Ả Rập và Liên Xô.

Được Liên Xô hậu thuẫn, Nasser cảm thấy yên tâm.

Tương quan lực lượng đôi bên:

Ai Cập có 270 ngàn quân; đã di chuyển 100 ngàn quân tới bán đảo Sinai. Syria tập trung 60 ngàn quân ở biên giới với Israel. Jordan có 60 ngàn quân do một tướng Ai Cập chỉ huy. Lebanon có một đạo quân nhỏ. Iraq, Algeria và Kuwait chỉ gửi số quân tượng trưng.

Về võ khí, Ai Cập và Syria được Liên Xô và Tiệp Khắc cung cấp đầy đủ phi cơ, xe tăng, hỏa tiễn, tầu, ngầm, khu trục hạm.

Nasser rất tin tưởng sẽ đè bẹp Israel. Đài phát thanh Ai Cập cao rao: ‘Hai gọng kìm Egypt và Syria đã xiết chặt vào cổ Israel”. ‘8 họng súng Ả Rập đã chĩa vào Israel’.

Lực lượng Israel có từ 250 tới 300 ngàn quân. Khi có lệnh động viên, 100% thanh niện nhập ngũ ngay. Riêng nhảy dù và thiết giáp, thanh niên nhập ngũ lên tới 130%! Chưa có lệnh cũng tình nguyện. Không có một lá thư xin phép nghỉ suốt trong thời gian chiến dịch diễn ra. Phụ nữ trên 55 và trẻ em trên 12 cũng được giao nhiệm vụ. Các nhân viên đã về hưu cũng trở lại lãnh nhiệm vụ. Học sinh thi đua đào hầm. Xe tư nhân tự nguyện vận tải vũ khí, quân nhu.

Không còn nấc thang giá trị xã hội, sang hèn đều bình đẳng trong mọi công tác. Nối đuôi nhau hiến máu. Thanh niên gốc Do Thái khắp thế giới ra phi trường tình nguyện về Israel cứu quốc. Nghĩa là vận động toàn dân chiến đấu. Sức mạnh tinh thần của Israel cao ngất trời.

Những trận đánh thần kì của quân đội Israel:

Mãi tới ngày 01 tháng 6, do dân biểu tình đòi hỏi, Moshe Dayan mới được trở lại nắm bộ quốc phòng. Tư tưởng của Dayan là nếu Israel muốn không bị đánh bại thì phải ra tay trước. Tiên hạ thủ vi cường.

1/ Mặt trận Sinai:

8 giờ sáng ngày 5 tháng 6 năm 1967, tất cả chiến đấu cơ của Israel nhất loạt tuá lên bầu trời về hướng Ai Cập, bay rất thấp, xuyên qua các lỗ hổng của hệ thống phòng không. Họ tiêu diệt hầu như toàn bộ phi cơ, phi trường của Ai Cập. Israel không tấn công Cairo, không phá đập Aswan, không bỏ bom khu dân cư,không phá nhà máy, cầu cống. Phi cơ Israel đánh trúng mục tiêu như có phép mầu nào! Chỉ trong vòng 80 phút, tư lệnh không quân là tướng Hod báo cáo cho tướng tham mưu trưởng Rabin: ‘Sianai đã trống không’.

Ngay sau đó, cũng như trận đánh năm 1956, đại quân Israel chia ra 3 mũi dùi đánh thốc xuống kênh Suez. Đạo quân 1 do tướng Tal chỉ huy, đánh 3 ngày tới bờ kênh Suez. Đạo quân ở giữa do tướng Yaffee chỉ huy, đánh 4 ngày tới Talata bắt tay được với đạo quân của tướng Tal. Đạo quân trục Nam của tướng Sharon đánh 4 ngày thì tới Mitla.

Các đạo quân đều đánh liên tục, không ngơi nghỉ. Tới ngày 08 tháng 6, quân Israel làm chủ hoàn toàn bán đảo Sinai mênh mông. Cùng ngày, hải quân Israel giải tỏa eo biển Tiran và vịng Aqaba.

Sau 88 giờ chiến đấu, tướng Gavish, tư lệnh mặt trận Sinai, báo cáo cho tướng Rabin: ‘Quân đội chúng ta đóng ở bờ kênh Suez và Hồng Hải. Tất cả bán đảo Sinai ở trong tay chúng ta. Chiến dịch Sinai kết thúc.’

Đại diên Ai Cập là Muhammad Awad El Kouni khóc nấc khi báo cho Hội đồng Bảo an LHQ rằng chính phủ Ai Cập bằng lòng ngưng chiến.

Về tổn thất: 10 ngàn lính Ai Cập tử thương; 5,000 tù binh, trong đó có 5 tướng lãnh, 350 cấp tá và úy; 400-500 phi cơ bị hủy,; 400 xe tăng bị bắn cháy, 300 chiếc xe tăng bị ‘bắt sống’. Israel tử trận 275; 800 bị thương; 61 xe tăng bị bắn cháy.

2/ Mặt trận Jordan:

Lúc đầu, Israel phán đoán Jordan vốn thân Tây phương, mãi tới ngày 31 tháng 5 năm 1967 mới theo về Nasser, thì thế nào cũng không tham chiến một cách tích cực. Phán đoán này sai. Quân Jordan đang tiến công về phía Tel Aviv, khiến một lữ đoàn nhảy dù Israel đang lên máy bay ra mặt trận Sinai ở mạn Nam đã phải hoãn bay để đánh thẳng sang Jerusalem. Sau đó một lữ đoàn thiết giáp tới tăng viện. Cuộc đánh chiếm Jerusalem rất khó khăn vì phải tiến từ căn nhà này sang căn nhà khác và phải tránh phá hủy các di tích cổ. Cuối cùng Israel cũng chiếm được Jerusalem với Bức Tường Than Khóc thiêng liêng mà đã từ 20 năm qua, không một người Do Thái nào được tới đây cầu nguyện. Lính Israel chen lấn nhau tới áp má lên bức tường mà khóc. Cờ Israel bay trên cổ thành. Mọi người đồng thanh hô lớn: ‘Năm nay về Jerusalem’. Các tướng Dayan, Rabin và ông Eshkol cũng tới và tuyên bố từ nay sẽ không bao giờ rời khu đất có Bức Tường Than Khóc thiêng liêng đó nữa.

Tiếp tục chiến dịch, một cánh quân tiến về sông Jordan và đánh chiếm thành cổ Jericho vào ngày 08 tháng 6.

Thế là Israel chiếm hết miền đất Tây ngạn sông Jordan.

Về tổn thất: Jordan thiệt mất 6,000 lính; 760 bị thương; 460 tù binh; 100 chiến xa bị phá hủy; mất toàn bộ phi cơ. Israel chết mất 350 lính; 300 bị thương.

3/ Mặt trận Syria:

Mặt trận này đầy gian nan. Syria rất hiếu chiến và tự tin. Với 75 ngàn quân cùng 400 thiết giáp, lại có địa lợi vì cao nguyên Golan rất hiểm trở và vũ khí tối tân. Israel phải chịu hi sinh nhiều chiến sĩ mới có thể đẩy lui quân Syria.

Hồi 18 giờ ngày 10 tháng 6, LHQ ra lệnh cho hai bên phải ngưng chiến.

Sau trận này, Israel chiếm trọn cao nguyên Golan rộng 20-30 km2 bên bờ phía Đông sông Jordan.

Về tổn thất: Syria chết 200 lính; 5,000 bị thương; mất 80 xe tăng, 40 chiếc bị Israel ‘bắt sống’. Israel chết 115 lính, 306 bị thương.

Nguyên nhân thắng lợi:

1/ Các nước Ả Rập chỉ đoàn kết ngoài mặt. Khi tới việc thì thiếu phối hợp.

2/ Israel có các tướng lãnh tài ba, như các tướng Moshe Dayan, Yitzhak Rabin, Ariel Sharon, Mordekhai Hod…

3/ Tinh thần quân đội Israel cao ngất. Họ chiến đấu để sống còn. Một mặt là đại dương, 3 mặt là quân thù.

4/ Quân đội Israel được huấn luyện kĩ lưỡng. Vả lại, nói chung, binh lính của Israel có trình độ văn hóa cao hơn. Nhiều người trong hàng binh lính và hạ sĩ quan là những người đã tốt nghiệp đại học.

5/ Nhờ có các vị chỉ huy tài ba cho nên tùy theo hoàn cảnh của mỗi mặt trận, quân đội Israel đã xử dụng chiến thuật tác chiến uyển chuyển khác nhau để đạt thắng lợi tối đa và mau lẹ nhất.

6/ Sau cùng phải kể tới công to lớn của các cơ quan tình báo Israel đã cung cấp tin tức về địch quân vô cùng tỉ mỉ và chính xác, giúp cho các vị chỉ huy soạn thảo kế hoạch hành quân hoàn hảo nhất. Tướng Moshe Daya đã phải thốt lên: ‘Bất kì một quân đội nào trên thế giới cũng phải tự hào có được cơ quan tình báo như vậy’.

Hậu quả:

Về phía Ả Rập:

1/ Nasser cay đắng trách cứ Liên Xô hứa nhiều rối bỏ rơi Ai Cập. Ông dâu có ngờ Liên Xô và Hoa Kì đã bắt tay chung sống hòa bình. Bên ngoài họ đứng về hai bên khác nhau để thủ lợi. Khi hữu sự họ phủi tay, đứng nhìn.

2/ Sau khi thua trận và thiệt hại hầu như toàn bộ vũ khí, cho nên các nước Ả Rập phải xin Liên Xô cung cấp đủ các loại vũ khí thay thế.

3/ Nasser mất mặt, mất nhiều uy tín và xin từ chức. Dân chúng Ai Cập phải yêu cầu ông tiếp tục ở lại vị trí lãnh đạo.

4/ Dư luận thế giới khâm phục Israel vì tài năng và dũng cảm. Khối Ả Rập mất đi nhiều thiện cảm vì nạn chia rẽ khá trầm trọng.

5/ Hội nghị các nước Ả Rập vào tháng 8 năm 1967 tại Khartoum, Sudan, chẳng những đã không làm cho họ đoàn kết hơn mà lại làm cho hố phân cách càng sâu đậm hơn. Các nước trong hội nghị chia thành 2 phe: Phe ‘cách mạng’ và phe ‘bảo thủ’. Phe ‘cách mạng’ gồm có: Ai Cập, Algeria, Syria, Sudan, Yemen, Iraq. Phe ‘bảo thủ’ gồm có: Saudi Arabia, Jordan, Morocco, Tunisia, Lybia, Lebanon, Kuwait. Phe ‘bảo thủ’ sợ Liên Xô hơn sợ Israel và muốn tiếp tục bán dầu cho Âu Mĩ. Phe ‘cách mạng’ muốn cấm vận dầu lửa Âu Mĩ để trừng phạt họ đã tỏ thiện cảm với Israel.

Về phía Israel:

1/ Sau trận 1967 này, Israel chiếm được trọn bán đảo Sinai của Ai Cập, trọn miền Tây ngạn rộng lớn của Joradan, trọn cao nguyên chiến lược Golan của Syria và trọn thành cổ Jerusalem.

2/ Israel cũng thu được số vũ khí trị giá 2 tỉ Mĩ kim.

3/ Tinh thần và uy tín lên rất cao. Có tiếng nói mạnh tại LHQ.

4/ Tại LHQ, Israel có thái độ tự chế, tuyên bố không tham vọng đất đai chỉ yêu cầu các nước Ả Rập thương thuyết trực tiếp với Israel; bảo đảm biên giới Israel; Israel được thông thương trên kênh Suez và vịnh Aqaba; Israel sẵn sàng giúp các nước Ả Rập phát triển kinh tế; bằng lòng cho Jordan con đường ra biển. Tóm lại là buộc các nước Ả Rập công nhận sự hiện hữu của nước Israel.

Về phía Liên Xô:

Liên Xô bị Ai Cập trách móc bỏ rơi đồng minh cho nên bề ngoài Liên Xô phải tỏ ra cứng rắn với Israel, thực ra bên trong Liên Xô muốn dùng biện pháp ngoại giao hơn là vũ lực. Liên Xô được mối lời to nhờ cung cấp vũ khí tân trang cho quân đội các nước Ả Rập vừa thua trận.

Về phía Hoa Kì:

Hoa Kì được ưu thế hơn về chính trị ở vùng Trung Đông, nhưng bề ngoài cố tránh làm mất mặt Liên Xô. Cũng không muốn làm cho các nước Ả Rập ‘bảo thủ’mất lòng cho nên chỉ đứng sau lưng Israel một cách kín đáo. (Còn tiếp)