NHÂN CUỘC CHIẾN TRANH LẦN THỨ NĂM GIỮA Ả RẬP VÀ ISRAEL (4)



IV- SỰ HÌNH THÀNH QUỐC GIA ISRAEL, GIẤC MƠ NGÀN ĐỜI CỦA DÂN TỘC DO THÁI

Sau vụ tầu Exodus, người Anh (với 200 ngàn lính) tiếp tục đàn áp người Do Thái (chỉ có nửa triệu dân) cách dã man không kém Đức quốc xã. Cũng bắt bớ, tra tấn, xử tử, treo cổ, ám sát. Chỉ còn thiếu lò hơi ngạt mà thôi. Mới ngày hôm qua còn là đồng minh, hôm nay đã là kẻ thù.

Về phía người Do Thái, họ bị đặt vào thế đường cùng cho nên đã phản ứng mạnh mẽ, cảm tử và mưu trí. Do Thái có 3 lực lượng chính, hoạt động khác nhau, nhưng đều lập được những thành tích sáng chói: Tổ chức ‘Stern’: chuyên ám sát các sĩ quan và những nhân vật quan trọng. ‘Irgoun’: chuyên tốc chiến tốc thắng, đánh bất ngờ, đánh đặc công, đánh ngay vào bộ chỉ huy của Anh, cướp các kho vũ khí, bắt cóc các sĩ quan. Quan trọng nhất là đoàn ‘Haganah’: chuyên đảm trách công tác huấn luyện, tổ chức tác chiến, cung cấp vũ khí.

Sau thế chiến thứ hai, Anh chưa lại sức, nay bị các lực lượng Do Thái làm cho càng kiệt quệ, nên đã phải mời Hoa Kì (nơi có nhiều người gốc Do Thái thành công và có uy tín lớn) để cùng tìm cách giải quyết vấn đề. Hai nước thành lập một hội đồng điều tra hoàn cảnh người Do Thái sau chiến tranh. Hội đồng này đề nghị Anh bãi bỏ lệnh hạn chế di cư và cho 100 ngàn người Do Thái được trở về Palestine. Anh bác bỏ. Liên đoàn Ả Rập (the Arab League) mới thành lập cũng lên tiếng phản đối.

Ngoại trưởng Anh là Ernest Bevin đưa sáng kiến hội nghi bàn tròn tay ba: Anh, Ả Rập, Do Thái. Nhưng thất bại. Ả Rập không thèm ngồi chung với Do Thái. Không bên nào chấp nhận bên nào.

Người Anh đã lỡ hứa cho người Ả Rập lẫn người Do Thái được độc lập, nay không biết giải quyết ra sao cho nên, ngày 14 tháng 02 năm 1947, đã tìm cách bán cái cho Liên Hiệp Quốc (LHQ). LHQ giao cho một ủy ban đảm trách vấn đề Palestine.

Ngày 21 tháng 8 năm 1947, Ủy ban này đề nghị chia Palestine cho mỗi bên một nửa, nhưng hình thù ranh giới hai miền trông rất kì dị, nham nhở. Mặc dù thế, Do Thái vẫn nhận. Có hơn không. Phía Ả Rập nhất định không chịu.

Ngày 29 tháng 11 năm 1947, Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu chấp thuận sự chia cắt này. Hoa Kì và Liên Xô đồng ý. Anh phủ quyết.

Người Ả Rập phản kháng quyết định của LHQ : ‘Đại Hội Đồng (LHQ) phân chia cái mà nó không có quyền phân chia. (Bởi vì) đó là một tổ quốc không thể phân chia được’. (Lời tuyên bố của lãnh tụ tương lai Yasir Arafat).

Giải pháp bế tắc khiến người Anh chán nản, tuyên bố rút quân vào ngày 01 tháng 8 năm 1948.

Khối Ả Rập cho việc chia cắt của LHQ là một hành động áp đặt thô bạo, không thể chịu nổi. Do đó, các nuớc thuộc khối Ả Rập hô hào chuẩn bị thánh chiến tiêu diệt Do Thái, bắt LHQ phải hủy bỏ quyết định ngày 29 tháng 11 năm 1947. Măc dù chiến tranh chưa thục sự bùng nổ giữa hai bên, nhưng các nước Ả Rập đã bắt đầu tuồn lực lượng vào phần đất của người Do Thái để đánh phá l3 tẻ: đốt phá, chém giết, phục kích, cắt đường. Ý đồ của họ là sẽ đánh úp Do Thái, ngay khi quân đội Anh triệt thoái.

Về phía Do Thái cũng tích cực chuẩn bị để sẵn sàng đánh trả. Họ lén chuyên chở thêm vũ khí vào, chế tạo chất nổ, biến chế xe thường thành chiến xa, biến các tháp nước thành tháp canh, biến các hầm rượu thành hầm trú ẩn, mỗi kibboutz là một đồn tự vệ và từ đó xuất kích…Tháng 4 năm 1948, Do Thái gọi Ben Gourion từ một Kibboutz trở về để lãnh đạo trong tình thế hết sức căng thẳng. Ngày 12 tháng 4 năm 1948, Ben Gourion đưa ra lời kêu gọi thế giới: ‘Xin thế giới hãy cho Israel có quyền được tự cứu mình. Xin thế giới cho Israel được có tiếng nói riêng của mình, được sống đời độc lập’.

Anh thấy rối ren quá đã tuyên bố rút quân sớm hơn 2 tháng rưỡi. Sang tháng 5, người Anh bàn giao 50 điểm chiến lược cho Ả Rập. Đúng 12 giờ một phút đêm 14 rạng ngày 15 tháng 5 năm 1948, quân Anh rút khỏi Jerusalem và các nơi khác. Họ lui sang đảo Cyprus chờ đợi khi Do Thái bị lâm nguy sẽ phải câu cứu họ.

Được tin quân Anh sắp triệt thoái,Ben Gourion báo cho Hoa Kì biết ý định lập quốc của người Do Thái, xin Hoa Kì đừng can thiệp. Bộ trưởng ngaọi giao Hoa Kì là Marshall khuyên Do Thái đừng lập quốc vì chỉ có 650,000 dân sao có thể chống lại được 3,4 triệu người Ả Rập ở Palestine và cả khối các nước Ả Rập chung quanh. Ben Gourion cũng cho người sang xin quốc vương Tranjordan (người duy nhất trong khối Ả Rập có thái độ tương đối ôn hòa hơn đối với Do Thái) đứng trung lập, nhưng quốc vương không chịu.

Hai vận động ngoại giao thất bại làm cho Ben Gourion khá bối rối. Thêm vào đó, ngày 12 tháng 5, 1,500 quân Ả Rập với xe tăng đại bác bắt đầu đánh vào Engion. Ben Gourion mời Ủy ban tối cao Do Thái gồm 13 nhân vật họp về việc lập quốc. Ủy ban đã bỏ phiếu chấp thuận. Ngày 14 tháng 5 năm 1948, hồi 16 giờ, Quốc hội Do THái họp tại Tel Aviv, Ben Gourion lên diễn đàn tuyên bố: ‘Tôi tuyên bố thành lập một quốc gia Do Thái Palestine. Kể từ hôm nayquốc gia đó lấy tên là Israel. Hỡi các đồng bào Do Thái ở khắp thế giới, xin các bạn nghe tôi đây. Các bạn đứng hết về phía Israel đi. Giúp cho quốc gia phát triển. Giúp dân tộc chiến đấu để thực hiện cái mộng ngàn năm của chúng ta, cái mộng cứu quốc và phục hưng Israel’.

Ngay lập tức, cuộc chiến tranh thực sự lần thứ nhất giữa Israel và các nước Ả Rập chung quanh thực sự bùng nổ.

CHIẾN TRANH ISRAEL-Ả RẬP LẦN THỨ NHẤT

Chiều ngày 14 tháng 5 năm 1948, quốc gia Israel được thành lập. Nửa đêm hôm nay, quân Anh cũng triệt thoái khỏi Palestine.

Các đạo quân Ả Rẩp cũng rầm rộ tiến vào Palestine, hướng về thủ đô Tel Aviv của Israel. Quân nước Transjordan từ Đông sang bao vây Jerusalem. Hai đạo quân Ai Cập tiến vào Gaza và Hebron. Iraq án ngữ Nam Galilee. Syria tấn công Tiberias và Safed. Lebanon đánh xuống Bắc Galilee, Haifa. Coi như Tel Aviv bị tấn công từ 3 mặt, mặt thứ tư là biển!

Khối Ả Rập dự trù chỉ trong 10 này sẽ tiêu diệt Israel. Quốc vương Transjordan định ngày 25 tháng 5 sẽ vào Jerusalem. Thế giới cũng nghĩ Ả Rập mạnh gấp 10 lần Israel.

Khởi đầu, Israel chới với. Dần dần họ củng cố lại được và bắt đầu đẩy lùi đạo quân của Lebanon và Iraq. Đạo quân Haganah tinh nhuệ của Israel thắng Ai Cập một trận lớn tại Fallouga. Quân Ai Cập phải đào tẩu trong hoảng loạn. Đạo quân của Transjordan bị Israel vây khốn ở gần Jerusalem.

Sau trận Fallouga, LHQ mới can thiệp, ra lệnh ngưng chiến. Israel lợi dụng chỉnh đốn hàng ngũ. Phía Ả Rập tiếp tục tấn công. LHQ lại bắt Ả Rập ngưng chiến và phái chủ tịch Hồng Thập Tự quốc tế là bá tước Bernadotte tìm cách hòa giải. Bá tước Bernadotte đề nghị chia cắt Palestine lại, có lợi hơn cho người Palestine và thánh địa Jerusalem sẽ được quốc tế hóa. Không may, tổ chức ‘Stern’ của Israel nghĩ là Bernadotte thiên vị Ả Rập cho nên đã ám sát ông chết. Tình hình lại xấu đi. Hai bên lại đánh nhau rồi lại ngưng. Cứ như thế tới lần thứ tư mới thật sự đình chiến.

Đầu năm 1949, lần lượt Israel kí 4 hiệp định đình chiến với 4 nước: Ai Cập, Syria, Lebanon và Tranjordan. Iraq không kí vì không có biên giới chung với Israel. Biên giới Israel được phân định gần giống đường ranh quân đội Israel chiếm đóng khi đình chiến, có nghĩa là Israel được lợi lớn về diện tích. Thành Jerusalem chia đôi: khu cổ thuộc Transjordan, khu mới của Israel. Ai Cập chiếm miền Gaza. Transjordan chiếm một vùng khá lớn lõm vào phía Đông Israel.

Sau trận chiến, Israel rực sáng trên bản đồ thế giới bao nhiêu thì Palestine càng lu mờ đi bấy nhiêu.

Kết quả này thiệt hại lớn cho người Ả Rập. Ai cũng nhận thấy Hoa Kì và Âu châu, ngoại trừ nước Anh, thiên vị Israel. Vì thế vòm trời Palestine vẫn u ám. Nguồn gốc chiến tranh vẫn còn đó. Chỉ đợi có dịp thì sẽ lại bùng nổ.

Tại sao chỉ có hơn một nử triệu dân số mà Israel đã có thể thắng trận một cách vẻ vang như thế?

Người Do Thái giải thích lí do họ chiến thắng: ‘Chúng tôi đã thắng vì hai lí do: một là Chúa Giúp sức cho dân tộc chúng tôi. Hai là sự dũng cảm của chiến sĩ chúng tôi. Họ chiến đấu hăng như sư tử’.

Bên phía Ả Rập thì chính Nasser, có tham dự chiến trận này với cấp bậc đại úy, đã đưa ra 3 lí do khiến cho Ả Rập bại trận:

1/ Khối Ả Rập không có chiến lược chung. Không lên lạc với nhau cho nên không cứu được nhau.

2/ Quân Ai Cập kém quân Israel rất xa về vũ khí, huấn luyên, quân nhu, quân dụng và tiếp tế. Đó cũng là tình trạng chung của quân đội các nước khác trong khối Ả Rập.

3/ Chính phủ Ai Cập coi trận chiến này là ‘chiến tranh chính trị’. Cốt sao chiếm nhiều đất, không nghĩ tới việc hao binh tổn tướng.

Chúng tôi nhận thấy một lí do nữa cũng rất quan trọng là dân tộc Do Thái đã chiến đấu trong ý thức hết sức rõ rệt là họ chiến đấu để tồn tại. Nếu họ thua, dân tộc họ sẽ bị tiêu diệt, quốc gia Israel vừa khai sinh của họ sẽ bị xóa bỏ vĩnh viễn trên bản đồ. Đây là trận chiến một mất một còn, sống hay là chết.

Một khía cạnh thâm sâu khác của sự thất bại về phía các nước Ả Rập là lòng tham lam ngấm ngầm đố kị nhau về đất đai. Các bên không muốn ai trong phe mình chiếm được thượng phong, sợ là nước ấy sẽ chiếm được nhiều đất hơn. Cho nên người ta nói không sai, chính các nước trong khối Ả Rập đã làm lu mờ một quốc gia cho người Ả Rập ở Palestine. Sau chiến tranh, các nước lên hệ đã kí hiệp định riêng rẽ với Israel. Ai Cập lấy được mảnh Gaza. Jordan mở rộng qua bờ Tây sông Jordan. Ngay chính Liên đoàn Ả Rập cũng không công nhận việc sát nhập thêm miền đất Tây ngạn sông Jordan này của Jordan.