Nguyễn Trường Tộ: DI THẢO SỐ 9: VỀ VIỆC MUA TÀU LONDON (*)

(Khoảng tháng 2 hoặc 3 năm 1866)

Nguyễn Trường Tộ kính bẩm.

Cái hỏa thuyền này nếu quả không có giấy tờ của phái viên thì cũng không quan ngại gì, nhưng trước hết xin hãy nói rõ nguyên do và đệ trình gấp cho Tây soái biết, thì dù họ không chịu rút lui mà lái về Hương Cảng để cầu viện quan họ, Tây soái cũng sẽ dàn xếp cho ta. Vì theo Hòa ước thì nước nào muốn sinh sự với nước ta cũng phải có quan Tây tham dự để xem xét phải trái. Một mặt ta phải tư cho Hiệp biện đại nhân đem đầu đuôi sự việc nhờ Nguyễn Đức Hậu viết rõ ra bằng chữ Tây và kèm theo bản dịch ra chữ Hán một bên.

Hôm trước Hiệp biện đại nhân đã giao giấy cho ông ta làm gấp gửi hỏa thuyền nhật trình đệ về Hương Cảng giao cho viên lãnh sự Pháp biết rõ để viên lãnh sự phân giải với quân Anh cho ta. Hơn nữa, hôm trước ở Gia Định đã có nhật trình nói rõ rằng: “Thuyền này là thuyền của người Anh, nước Nam chưa mua xong”, đó cũng là một chứng cớ. Nhưng tôi đã suy nghĩ kỹ thì dù họ không thể bắt ép ta mua nhưng trước đây ta đã giao hẹn và lần này họ đến Gia Định ta lại không kịp nói gấp với họ để họ tiện việc khiến đến nay họ phải qua lại tốn kém, thì khoản tổn phí đó ta phải bù cho họ mới tránh cái tiếng xử sự không phải với thiên hạ. Hoặc là nói với họ rằng mua thì cần mua nhưng phải đổi cho chiếc khác mà phải đúng là binh thuyền mới được. Rồi theo lẽ công bằng ta nhờ người xem xét và định giá cho. Khi đó, nếu họ đòi giá cao mà ta trả giá hạ, nếu họ bán thì ta mua được cái tốt, thế cũng chẳng sao. Nếu họ không bán, thì họ tự chịu lấy và khó bắt ta trả tiền phí tổn. Như thế mới khỏi mang tiếng không tốt. Tuy nhiên cũng phải tốn nhiều vận động lắm mới xong được việc. Một đằng là không mua mà phải trả phí tổn, một đằng là đổi rồi mới mua để tránh tiếng. Tóm lại chỉ có hai con đường đó mà thôi xin đại nhân tham khảo.

Chú thích

(*) Nguyên văn chữ Hán: Hv 189/4 tờ 3.

Không ghi ngày tháng năm, nhưng chắc vào khoảng tháng 2 hoặc 3 năm 1866, bởi vì trong văn bản Nguyễn Trường Tộ có đề nghị là nên tư cho Phan Thanh Giản ở Vĩnh Long tới Sài Gòn xin Tây soái can thiệp và theo bản báo cáo của La Grandière ngày 30-1-1866 (Kho lưu trự Bộ Pháp quốc hải ngoại Indochine A 30 (9) Centre 11), thì hôm 22-1-1866, Phan Thanh Giản trên đường từ Huế đi Vĩnh Long có ghé Sài Gòn mà không nói gì tới việc này. Hơn nữa chúng ta đượcbiết là theo báo cáo của Trần Tiễn Thành thì ngày 25-3-1866, Nguyễn Trường Tộ đã rời Huế đi Quảng Bình. Trong thư gửi Trần Tiễn Thành ngày 19-3-1866 (văn bản số 10), Nguyễn Trường Tộ có nói rằng: “Tôi phân công việc về đây, chẳng mấy tháng mà bệnh cũ đã tăng lên”. Như thế là Nguyễn Trường Tộ phải có mặt ở Huế từ cuối tháng 1-1866 cho tới 1-4-1866. Di thảo này phải được viết trong thời gian Nguyễn Trường Tộ ở Huế.