Nguyễn Trường Tộ

DI THẢO SỐ 7 VỀ VIỆC ĐÀO TẠO NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN VÀ SỬA CHỮA THUYỀN MÁY (*)

(Tháng 2 năm 1865)

Tôi là Nguyễn Trường Tộ xin dâng lên đại nhân soi xét.

Hiện nay thuyền của Tây đã đến Kinh, tôi đã ngầm hẹn với ông Hoằng cùng đi với tôi là có thâm ý riêng:

Một là, lần này thuyền Tây đến trả lời thẳng là không trả 3 tỉnh, mà còn tin cho biết sẽ đòi tiền bồi thường hằng năm. Tôi nghĩ có lẽ Triều đình đã có lời bàn riêng với họ, nhưng viên thông ngôn đã bị họ sai khiến, nên hễ có lời nói nào không hợp với họ, thì hắn ta bênh che không dám nói hết lời. Như thế thì thật hỏng việc. Như việc phiên dịch của Trung Quốc đối với các nước ngoài trước kia, vì do những sự thêm bớt sự việc mà đến hỏng việc nước. Cho nên tôi đã thầm hẹn với ông Hoằng cùng nhau đến đấy. Nếu Triều đình có những việc gì cần nói cứng hoặc cần đấu dịu cứ việc nói thẳng không ngại gì.

Hai là, trước đây phái viên tung tin ra rằng Phan đại nhân và Phạm đại nhân có sai người đến hỏi ông Hoằng về việc hỏa thuyền. Lúc bấy giờ chưa thể trình bày rõ, nay nếu cần hỏi tỉ mỉ rõ ràng thì có ông Hoằng ở đây. Nếu có điều gì ông chưa hiểu thấu thì tôi sẽ cùng ông ta bàn bạc rồi sẽ bẩm rõ. Vả chăng vì việc đại thuyền và cơ khí thì trước đấy tôi đã trình bày sơ lược rồi. Nếu muốn mua những thứ đã có sẵn thì phải theo cách đó mới được (trước đây đã trình bày rõ). Họ8c muốn sang nước họ học tập chế tạo những thứ đó, theo tôi phải có những người khéo tay chọn lấy khoảng ba bốn mươi người từ ba mươi tuổi trở lên, đi học chế tạo, lại cần có những người thông minh chọn lấy mười người từ hai mươi lăm tuổi trở lên, đi học đại số, vi phân cùng các môn trọng lực học, hóa học, quang học v.v… Hai khoản này nếu thiếu một không thể thành việc. Lại phải sang kinh thành nước Pháp hoặc kinh đô nước Anh học khoảng 8, 9 năm mới biết được đại khái. Vì rằng sang học tại nơi đô thị của họ, thì một là kiến văn rộng rãi việc học dễ thành đạt; hai là ở lâu với người nước họ, thông hiểu được ngôn ngữ, phong tục của họ, sau này có việc gì sai phái đi về cũng dễ. Còn như ở Sài Gòn, các loại máy móc hiện có chế tạo từ bên Pháp chở qua đây chẳng qua là những loại xấu, hư hỏng mà thôi, không có gì đáng học.

Nếu Triều đình muốn thực hiện hai thứ vừa kể trên tôi và ông Hoằng xin tình nguyện ra sức cùng sang Tây với hai lớp người nói trên, thông dịch ngôn ngữ, giải quyết những điều họ chưa hiểu rõ, phụ giúp cho những chỗ họ không theo kịp thì không ngoài mười năm, việc học sẽ thành đạt. Bởi vì đối với lý thuyết của hai khoản này tôi đã biết được những điều quan yếu. Lại thêm ông Hoằng là người rất giỏi tiếng Pháp, giải thích, phiên dịch được rõ ràng, nếu cùng đi với những người này thì sẽ trực tiếp và dễ dàng hơn. Hiện nay Nhật Bản, Miến Điện cũng đã phái người đến kinh đô nước Pháp học kỹ nghệ. Đến như nước Nga ở phương Tây mà cũng cho người đến nước Anh nước Pháp học tập. Tuy phải dụng công lâu dài, chi phí rất lớn, nhưng cũng thu hoạch được nhiều. Vì rằng muốn thành đại sự phải mất hàng trăm năm chứ đâu phải một ngày là được. Cho nên người quân tử lo toan mọi việc chẳng những ở đời mình mà còn cho con cháu nữa. Như nước Nga 100 năm nay vẫn thường cử người đến Bắc Kinh học tập Hán văn, cứ 10 năm lại đổi một loạt người khác, lại cho người đến Thiên Trúc học tập âm ngữ (1). Ý của họ là xin lửa thì chi bằng lấy cái gỗ kéo lửa, xin nước thì chi bằng đào giếng uống. Hiện nay cuộc diện chưa biết sẽ đến đâu. Họ đã không trả cho ta ba tỉnh ngoài, mà ba tỉnh trong cũng đã nằm trong ý định của họ rồi (trong tờ trình trước đã nói tới). Mà Y Pha Nho cũng đến miền Bắc, nếu không đến nhờ người giúp để khiến cho họ yên đi không dám động (trước đây khi ở Sài Gòn tôi đã có tờ trình rõ với hai vị phó sứ bồi sứ, nay không nói tới nữa), lấy cái mưu mà các nước bị mắc với họ để đánh lại họ, lại lấy cái họ đã từng thi hành ở các nước để đè bẹp họ. Vì hiện nay ở thế tung hoành nếu không như vậy thì chưa thấy kế hoạch gì khác có thể trấn áp được họ (trong tờ trình năm ngoái tôi cũng đã nói tới). Đại nhân mang trọng trách của Nhà nước xin sớm liệu định, e rằng nếu để chậm thì đã khó lại càng thêm khó. Tôi ở xa nhưng vẫn là dưới quyền của đại nhân, không có cái gì biết mà tôi không nói, nếu có gì không hợp với sự kiêng kỵ về thời sự, xin đại nhân tha thứ cho. Lại xin đại nhân nếu có bản chép về quốc sử từ Lê đến Tây Sơn nếu có thể cho xem xin gửi cho một bản, nhờ đó tôi có nhiều giải thuyết để chống lại những phù thuyết của giặc. Tôi lại xin gởi kèm theo đây một cái hộp gỗ thô kính tặng quí công tử dùng đựng thuốc hút, mong đại nhân nhận cho. (Tôi hiện nay bị bịnh tê thấp chưa khỏi. Xin quí công tử thương tình cho tôi 5 đồng cân quế quỳ. Sau này lành bệnh tấm lòng khuyển mã chẳng dám quên ơn).

Đêm khuya bối rối nhiều việc thời sự chưa kịp trình bày tường tận. Một lần nữa kính chúc hai phó bồi sứ đại nhân vạn phúc.

Nay kính bẩm.

Chú thích

(*) Nguyên văn chữ Hán: Hv 189/1 tờ 65-66 và Hv 634/4 tờ 73-77.

Bản văn này cũng không có ghi ngày tháng năm, nhưng chắc chắn là được viết vào khoảng giữa tháng 2-1865 tại Huế. Bởi vì trong bản văn có nói tới việc tàu Pháp đã đến kinh. Đây là tàu do trung uý hải quân Chavalier tới Huế (từ 10 đến 17 tháng 2-1865) để chính thức báo tin là chính phủ Pháp vẫn giữ nguyên Hòa ước 5-6-1862 và đòi Triều đình Tự Đức trả tiền bồi thường chiến tranh hàng năm như đã quy định.

(1) Tiếng Phạn.