DI THẢO SỐ 3: BÀI TRẦN TÌNH (*)

(Ngày 26 tháng 3 năm Tự Đức 16, tức 13 tháng 5 năm 1863)

Tôi thuở bé không được dạy bảo, lớn lên lưu lạc nhiều nơi, nhưng những hoài bão và việc làm của tôi có chỗ khác hơn người.

Từ bé tôi đã thận trọng trong việc giao du, thích yên tĩnh, đối với tất cả những sự cầu danh, lấn lướt, giành công, tham lợi tôi đều coi như mây bay nước chảy. Vả lại, tôi không ham thích kinh doanh, không thích chuyện vợ con, đoạn tuyệt với hai cạm bẫy tài sắc. Người ta ở đời sở dĩ không được thanh thản tự do mà phải chìm đắm trong lưới trần tục, lạc theo phường phản nghịch, đều do hai cạm bẫy này mà ra cả. Tôi thoát khỏi vòng đó, cho nên việc làm của tôi có khác người, như những điều sau đây là những bằng chứng xác thực. Đấy là điều khác thứ nhất.

Đến lúc lớn lên tôi chu du các nước, những điều mắt thấy tai nghe góp lại thành một sự ích dụng lớn. Về việc họ, không môn nào tôi không để ý tới: cái cao của thiên văn, cái sâu của địa lý, cái phiền toái của nhân sự, cho đến luật lịch, binh quyền, tạp giáo, dị nghệ, các môn cách trí, thuật số, không môn nào tôi không khảo cứu, nhất là để ý nghiên cứu về sự thế dọc ngang, tan hợp trong thiên hạ. Thường những người học được như vậy hay dùng đó làm phương tiện để cầu vinh, để tiến thân, còn tôi thì dùng để đền đáp lại cái mà trời đã cho tôi học được, chứ không mong kiếm chác một đồng tiền nào. Đấy là điều khác thứ hai.

Đến lúc đạo sắp bị diệt, tôi qua sông vượt biển để giữ lấy cái chân lý. Tuy nhiên đến các nước ngoài, trước mặt những người quyền quý, lời nói việc làm của tôi đều giữ thể diện cho nước mình. Nếu ai làm nhục đến các bậc công khanh nước ta, tôi đều biện bác ngay không chút sợ sệt. Như người khác ở địa vị tôi lúc ấy, tất hạ mình tôn xưng người, cúi đâu luồn luỵ để được yên thân. Còn tôi thì tôi biện bác ngang nhiên, tỏ rõ tài năng của mình, tán dương rất mực những điều sở trường của nứơc mình và che đỡ những điều sở đoản. Tôi không có chức phận của người sứ giả ngoài bốn phương, mà làm được như thế. Đấy là điều khác thứ ba.

Kịp đến lúc người Pháp gây hấn với ta, tôi đã cực lực chối từ lời mời của họ. Nhưng sau nghĩ rằng tình thế nước ta hiện nay tạm hòa là thượng sách. Vì chưa đủ sức chống chọi được với họ, cho nên, phải uốn nắn mà theo họ. Như thế may ra góp được một phần nhỏ đối với việc bàn hòa. Nỗi khổ tâm của tôi phải uyển chuyển để được chu toàn thật không bút mực nào tả được. Nhưng ở lâu với nước Tề đâu phải là chí nguyện (1). Tôi đã dự định trong lòng từ lâu, nếu như việc đó được thành công thì tôi lại bay bổng cao xa ngao du khắp bốn bể. Như trước kia tôi có đưa cho người bạn Trung Quốc câu thơ rằng: “Thành công tôi sẽ ngao du” (Công thành ngã diệc tâm hãn mạn). Đấy là nguyện vọng của cả đời tôi. Như thế thì tuy sống cảnh giang hồ mà lòng vẫn lo tưởng đến nơi lăng miếu Triều đình. Đấy là điều khác thứ tư.

Sau đó rồi đại đồn (2) thất thủ, người Pháp giao cho tôi giữ việc giấy tờ. Tôi thật như mũi tên nằm trên lòng cung. Thế nhưng lời lẽ trong các giấy tờ, một bên tôi gọi là “quan binh”, một bên tôi gọi là “triều binh”. Hễ có những lời thô bỉ nhục mạ, tôi đều sửa lại cho được trang nhã nghiêm chỉnh, không khi nào dựa thế mà quên đại nghĩa. Người xưa ở trong hàng trận mà không thất lễ vua tôi. Chỉ chừng đó cũng đã được bề trên yêu quý. Còn tôi đang ở trong lòng địch, không quyền không thế, chúng tác uy tác phúc trên đầu mà giữ được lễ nghĩa như thế lẽ nào lại không hơn những người xưa đó hay sao? Hơn nữa tôi còn làm trung gian điều hòa hai bên, để giảm bớt sự hà khắc gay gắt của kẻ địch, để cứu giúp nhân dân khỏi vòng nước lửa. Đối với những người chịu sự giúp đỡ kín đáo đó, tôi cũng không lấy đó làm điều ơn đức. Mỗi khi thấy các quan của triều đình bị nhục, tôi coi họ như cha mẹ mình mà âm thầm tỏ lòng cung kính, an ủi, tìm cách sắp xếp cách cư xử, để tránh sự ngược đãi của kẻ địch. Nhưng tôi cũng phải khéo léo không để lộ dấu tích, sợ kẻ địch sinh nghi. Việc nay xin hỏi quan lãnh binh thì biết rõ. Nếu như người khác ở địa vị ấy sẽ hoạnh hoẹ cầu lập công, thêm dầu thêm lửa, xui địch giết hại, để thỏa mãn thù hằn. Còn tôi, tôi vẫn nghĩ tới luân thường đạo lý, không dám ôm lòng phẫn nộ, để tổn thương danh phận. Đấy là điều khác thứ năm.

Sau đó khâm sai Nguyễn đại nhân (3) đến bàn việc hòa hiếu. Tôi vui sướng không biết bao nhiêu mà kể. Thường khi gặp phái viên ở trên tàu, tôi giả vờ chỉ trời chỉ đất như nói những chuyện không đâu, mà thực ra ở trong có vô số những mật thuyết cơ mưu, mong phái viên nghe được mà đem về chuyền đạt. Tức như đảng giặc Quảng Yên lúc ấy tuy chưa phát lộ, mà tôi đã nói rõ với quan Phan (4) để bẩm lên Triều đình biết mà đề phòng trước (việc ấy là vào khoảng tháng ba năm Tự Đức 14). Đến lúc bọn giặc đó nổi lên, tôi lại hết sức nói với mọi người rằng: Bọn chúng không làm gì được. Ai mà theo chúng tất sẽ làm quỷ không đầu. Cũng có nhiều người nghe đến thế lực của chúng to lớn đã phụ họa theo, tôi lại cực lực ngăn cản và nói rằng: Nếu trời không có mắt, chúng nó mới hoành hành được. Tôi nói tôi sẽ lẻn về, họp những ngừơi oán ghét chúng, chết cũng quyết đánh, thề không chịu làm dân của chúng nó (5). Những lời nói đó của tôi hiện những tín đồ trong bản đạo và người ngoài ai cũng biết. Ngày trước tôi cũng có đưa cho Phan đại nhân một câu thơ:

Quảng Yên cá chậu sống bao lâu,

Gia Định lừa (6) kêu kế đã cùng.

Xin xem câu ấy thì biết ý tôi. Bấy giờ đường vận chuyển lương thực cho quân thứ ở Biên Hòa gặp khó khăn. Có một lần tàu Pháp tuần hành nhặt được một bó công văn. Quan Pháp dùng những chữ số 1, 2, 3, 4… viết lên trên mỗi trang rồi đưa về tàu giao tôi phiên dịch. Trong đó tôi đã chọn lấy một hai điều không liên quan đến việc quân sự đem dịch ra, số còn lại thì tôi dịch tráo trở lời văn làm cho họ không hiểu được. Trong đó có một khoản nói về kế hoạch bí mật vận chuyển lương thực. Tôi bèn lấy một tờ giấy khác đánh số rồi đem tráo vào đó, bí mật lấy tờ giấy kia giao cho tri phủ Phan Văn Khả mang về.

Lại có một lần nữa, người Pháp bắt được bản ghi tên các nhà bá hộ ở Phước Lộc, Tân Hòa bấy lâu lén lút chở lúa gạo lương thực đến Phước Tuy như Phạm Cự Chung v.v… Tôi cũng đưa thay đổi cất giấu, nếu không thì mấy người này cũng không có đất mà ẩn náu nữa!

Còn như các hòa ước của hai bên trao đổi hàng chục lần thì trong chữ Pháp có chỗ nào nhục mạ không khiêm tốn, tôi đều bỏ hết không dám viết ra. Còn những công văn có lý thẳng lời hay có ích cho việc nước tôi đều dịch rất rõ ràng đầy đủ. Lúc ấy hòa ước tuy chưa thành nhưng tướng Charner cũng đã dần dần có thái độ hòa dịu, đã chịu bớt cho số bạc bồi thường và giảm số đất phải nhượng. Chẳng may, có một bận tôi có việc phải đi xa, quan Pháp vớ được một đạo công văn giao cho viên giám đốc người Pháp nhờ một người Hoa phiên dịch, trong có mấy khoản nói về việc treo giải thưởng cho những người chém được quân và quan Pháp. Tướng Pháp thấy thế, liền cho là Triều đình giả hòa. Tôi tuy đã nhiều lần giải thích, nhưng trong giấy lại có ghi ngày tháng làm căn cứ nên không thể làm sao được, trong lòng lấy làm lo ngại. Do đấy tướng Charner chán nản thất vọng thu xếp về nước.

Tôi lại gởi cho Nguyễn đại nhân một bức thư. Khi ấy tôi đã dò biết tướng Bonard sắp sang. Ba tỉnh sắp mất. Phía trong phong bì bức thư đó, tôi lấy bút chì mật viết mấy hàng: “Xin đại nhân phái gấp một người lanh lợi có trí nhớ tốt, đến chỗ ở của tôi, tôi có vài điều bí mật cần nói để người đó về trình lại, xin điều đình ngay để kịp cứu vãn tình thế”. Ở phía ngoài, mặt sau phong bì tôi có viết mấy chữ: “Xin xem bên trong phong bì”. Nếu phong bì ấy còn đến ngày nay, thì hiện dấu chữ của tôi đủ làm bằng chứng. Không biết vì sao không thấy Nguyễn đại nhân phái người đến hỏi. Tôi mong đợi đến mấy ngày. Rồi tướng Charner xuống tàu về nước, để lỡ mất cơ hội ấy. Tôi đành ngậm ngùi than thở mà tự nghĩ rằng: Phải chăng ý Trời khiến thế? Người dẫu có cao mưu tài trí cũng không thể cưỡng được. (7) Đứng trước tình thế khó khăn ấy, nếu quả tôi là kẻ có lòng phản bội Tổ quốc thì sao tôi lại có thể cẩn thận suy nghĩ, bí mật lo liệu được như vậy?Kế đó tướng Bonard sang. Tôi thấy ông ta có những hành động nghịch lại việc bàn hòa. Tình thế đã khó lại khó thêm, tôi mới quyết định xin thôi không làm việc nữa. họ không chịu xét. (8) Tôi nhất định từ, không nhận bổng lộc. Ai cũng chê cười tôi là ngu. Mặc dầu họ có sai người đến cố nài ép trao cho tôi, tôi cũng bỏ đi lánh mặt. Thấy lòng tôi quyết định, chí tôi vững chắc họ lại đem quan chức ra dụ tôi. Tôi nói: “Nhận quan chức thì được bổng lộc, không nhận thì dù bần cùng đến phải làm đứa ăn xin cũng htà làm đứa ăn xin chứ không chịu theo mà phụng sự cho họ. Câu nói này hiện có cố Hòa (9) và những người lúc bấy giờ cùng nghe. Xem thế thì thấy tôi đã cương trực đến như thế nào. Hơn nữa, mội khi nói chuyện với những bậc trí thức, tôi đều nói đến những hành vin và chính sách hà khắc của họ. Tuy nhiên cũng còn giữ lễ của kẻ trượng phu nên chưa dám nặng lời, và ngay đối với hạng ngu phu nô dịch tôi cũng dùng lời lẽ nhẹ nhàng. Nhưng về sau đến lúc quá quắt không chịu được nữa (ở đây tôi đã dùng rất nhiều lời lẽ để nói), đã ví họ như người đàn bà mới về làm dâu, thói xấu tật hư chưa manh nha lộ dạng. Đối với hạng ưa chuộng quyền thế lợi lộc thì tôi bảo như thế là vì “miếng ăn mà không nghĩ gì đến tư cách của mình”. Đối với hạng người cho chúng là lớn mạnh mà sợ thì tôi giận ra mặt và bảo như thế là “làm tăng trưởng nhuệ khí người ta, mà tự diệt uy phong của mình”. Đối với hạng người cho chúng là giàu có thì tôi mắng nhiếc rằng: “thứ ăn mày đến cửa nhà ai cũng chúc tụng”. Đối với hạng người cho rằng chúng có thế lực vững, có nhiều lợi thế hơn có thể chịu đựng lâu dài thì tôi bảo rằng “chuyện hưng thịnh suy vong là điều vô thường”. Tôi lại đem những lợi hại của phương Tây xa xôi ra so sánh để thấy rằng chúng mạnh chỉ là tạm thời mà dễ yếu, còn ta tuy yếu mà dễ mạnh được lâu dài. Đó là điều tôi thường đem ra tranh luận mãi không thôi. Xin hỏi những người chung quanh sẽ biết tôi nói có đúng không. Vì vậy, ngày trước tôi có đưa cho Phan đại nhân một câu thơ rằng:

Khói lửa trời Nam rồi sẽ dứt,

Phương Tây binh giáp tạm hùng thôi (10)

Tôi nghĩ rằng thời kỳ khôi phục nước nhà đã có xác chứng ở bốn bể, dự tính được ở tương lai. Đi theo con đường nào mới được? Con đường phải theo không thể tìm ở trong nước mà phải tìm ở trong thiên hạ. Như trong tờ bàn về việc nên hòa năm xưa (11), tôi đã mật trình với Nguyễn đại nhân rằng: một là mình phải khéo léo ngăn chặn đừng để họ tìm cớ sinh sự làm lan rộng ra; hai là hãy thong thả sắp đặt đợi lúc họ sơ hở; ba là để dân thư thái củng cố sức lực. Như đoạn cuối trong bài có nói: Dân đã yên rồi thì sau sẽ đưa những người tài hiền đi ra bốn bể để học tập các nước lớn những phương pháp tấn công, phòng thủ, phân tán, tập hợp. Ở chung với họ lâu ngày thì mới đo lường các đức tính, các lực lượng mà biết tình trạng của họ. Học được tinh thông rồi mới có kỹ xảo. Kỹ xảo giỏi thì mới mạnh, dưỡng uy súc nhuệ đợi thời mà hành động. Như thế thì tuy mất miền Đông mà lấy được miền Tây (12) cũng chưa lấy gì làm muộn.

Còn những điều mà Triều đình thâm mưu mật nghị cố nhiên không phải là những điều mà kẻ thảo dã này dám bàn luận ước lượng đến. Nhưng tình thế lớn trong thiên hạ biến đổi vô cùng, thường thường có những cái mà con người không tính trứơc được. Dù là thánh nhân cũng không thể không học mà hay. Huống chi ta với họ phương Đông và phương Tây, đường đất xa nhau, mắt chưa thấy tai chưa nghe, tình cảm chưa thông hiểu, sự cơ chưa rõ hình. Chưa ra khỏi nhà nửa bước, thì làm sao biết được họ? Cho nên, Mục công (13) đời Tần tuy có Bách Lý Hề, Thúc Kiến, Mạnh Minh là những người hiền nhưng xảy đến sự thế Tây Nhung cũng phải đợi Dư Do báo tin rồi mới biết. Lẽ nào ở trong triều có ba hiền lương như bọn Lý Hề, Thúc Kiến, Mạnh Minh mà lại không bằng một Dư Do sao? Rõ thực con người dầu là trí tuệ cũng có chỗ không đủ, dù là thông minh cũng có chỗ không biết. Đến như Hán Cao Tổ không phải không thông minh, thế mà việc để tang Nghĩa Đế phải đợi Đổng Trọng Công nói rồi mới phát tang. Khổng Tử không phải là không có trí tuệ cao vượt, thế mà bị người dân quê bắt mất ngựa cũng phải đợi người giữ ngựa nói hộ rồi mới được trả lại. Đó là vì việc lớn trong thiên hạ không phải một mình có thể biết hết. Tính tình con người mỗi nơi mỗi khác, nếu không phải cùng nòi giống, không thể hiểu rõ được. Tôi tuy phận thấp hèn nhưng tình thế lớn dọc ngang trong thiên hạ, tình trạng lợi hại của những nước ngoài cũng đều biết sơ qua một vài điều. Từ lâu ôm ấp trong lòng chưa được nói ra! Cho nên trước kia tôi có đưa cho Phan đại nhân một bài thơ rằng:

Dệt mướn thôn Tây chẳng phải nghèo?

Khung cửi nhà người sẵn đấy theo

Gấm vóc cung Đông như hỏi đến

Kim vàng trân trọng nắn đường thêu (14).

Tôi lại đưa cho Phan đại nhân mấy câu:

Mặt trời cho dẫu không soi đến

Hướng Dương xin vẫn nếp hoa quỳ (15)

Xem đây cũng đủ thấy tấm lòng nhiệt huyết của tôi.

Trước kia cũng có một lần Hiệp lãnh Phạm đại nhân (16) đến chỗ ở của Giám mục Hậu (17) tôi thấy đại nhân có lòng lo cho việc nước bảo vệ công lý, hỏi han ân cần chu đáo. Thấy vậy tôi mừng thầm và xin hẹn với ngài hôm nào cải trang ăn mặc thường đến chỗ tôi ở để tiện việc mật trình. Nhưng lúc bấy giờ vì quan Pháp nghi ngại Phạm đại nhân quá lắm, đề phòng rất kỹ càng. Tôi sợ việc lộ ra sẽ luỵ đến đại nhân nên phải có thái độ giấu đầu che đuôi. Rồi không biết Phạm đại nhân nghi ngờ làm sao đã không đến chỗ tôi ở. Tôi thất vọng vô cùng.

Xem mấy việc trên đủ biết dụng tâm sâu kín của tôi như thế nào. Nay ở Gia Định, những người ở trong tình cảnh đáng lo sợ, trừ các thuộc quan nhỏ của Triều đình ra, chỉ có mình tôi mà thôi. Ví lúc trước tôi có đi với người Pháp, bất đắc dĩ phải làm cái việc thân ở Hán tâm ở Hàn. Về tình thế tuy không thẹn, nhưng ai thấu rõ nguồn cơn? Xưa nay những người sa chân lỡ bước lưu lạc tha hương cũng nhiều. Tuy sống ở đất khách nhưng người nào chả có gốc, ai lại vong tình cố quốc được. Về sau cũng có người nhân đấy lập công, cũng có người suốt đời sống lưu lạc, nhưng cả hai đều không tránh được công luận để án lại nghìn thu. Tôi mỗi lần đọc thư trả lời của Lý Lăng (18) gởi Tô Vũ không lúc nào không rơi lệ rởn tóc. Thật là một lần sa chân lỡ bước mà nuốt hận suốt đời. Những lúc gặp phải cảnh trái ngược như thế thật là khó xử trí. Bởi vì trong danh giáo hạng người biết xét rõ nguồn cơn để rộng lượng khoan hồng, biết đặt pháp luật ra ngoài mà xét theo tình để không hà khắc, biết viện những lý lẽ trong pháp luật ra mà bênh vực kẻ cùng đường lỡ bước, chẳng qua chỉ được một hai người. Còn những kẻ chỉ biết nhìn và coi trọng việc trước mắt thì có đến hàng nghìn vạn. Cho nên, hễ hợp nhau thì tuy nói là sơ nhưng lại càng thân, còn việc đã nghịch nhau rồi thì dù có nói thật cũng nghi. Thế thường nhân tình là vậy. Bởi thế những kẻ sĩ khi gặp cảnh trái ngang, thường thường thân bại danh liệt, lưu lạc không về, luống đem khí uất ức tâm lý mà vùi chôn nơi cát vàng cỏ úa mà thôi. Đấy chính là sự thế của tôi ngày nay. Cảnh ngộ tuy có khác nhưng bản lĩnh của tôi không vì hoàn cảnh mà đổi đời. Nương thân nơi cửa người nhưng thề quyết không bày mưu cho họ. Như năm trước tôi có gởi cho người bạn Trung Quốc một câu thơ rằng:

Nguỵ Tào sống gởi: Từ Nguyên Trực

Tần Lã không thờ: Lỗ Trọng Liên (19)

Cũng có lúc nghĩa khí ở trong lòng vì sự tức giận mà bộc lộ ra. Anh em bạn của tôi cho rằng, đã có cái chí khí như vậy sao không bí mật làm nội ứng? Ý ấy trước kia tri phủ họ Phan cũng đã nói đến. Tôi đã lấy câu hỏi của Dự Nhượng (20) rằng: “Không muốn làm việc dễ mà làm việc khó” để trả lời và xin đợi đến ngày sau sẽ biết. Xem thế đủ thấy thâm ý của tôi là giữ lấy cái chính không dám làm điều sai lầm. Nhưng điều dụng tâm kín đáo khó khăn của tôi bị nhùng nhằng trở ngại, lại càng gay go hơn thế nữa.

Từ lúc tôi lớn lên, bước chân ra xứ khác, chẳng được Triều đình biết đến, thế mà không sợ phạm tội, quên mình là kẻ hèn mọn dám nói đến việc cao xa, chẳng tránh hiềm nghi dám trình bày lợi hại. Như thế thật là ngạo mạn. Đó là tội thứ nhất.

Ở Triều đình tôi không có địa vị, yến tiệc tôi không dự. Những việc trọng đại tôi không có liên quan gì, thế mà không biết giữ mình sống bấp bênh theo chúng là hơn. Huống chi ở trong vòng của quân địch mà lại ôm chí khác. May ra dẫu thành công cũng không tránh khỏi sự chê bai. Như trường hợp vợ cũ của Mãi Thần quay đầu trở về xin chịu tội (21). Cho dù lượng bể bao dung cũng chưa chắc không khỏi có điều lo ngại về sau. Lỡ ra lòng người khó chắc, sa cơ bại lộ thì thân chịu một mình, nào ai biết đến. Thế thì tội gì mà làm như vậy? Đó là tội thứ hai.

Xưa nay những kẻ trung thần nghĩa sĩ, ai chẳng muốn đem tài ra giúp nước. Nhưng một mai việc không thành bị dèm che thì thân danh bại hoại sự nghiệp tiêu tan. Huống gì tôi ở vào hoàn cảnh khó biện bạch, dễ bị nghi kỵ, mà lại làm việc vượt ngoài phạm vi của mình, không biết giấu tên che dạng để cầu toàn thân lại còn đem thân hèn mọn hiến dâng ý kiến. Một giọt nước bổ ích gì cho núi sông? Sao mà ngu vậy! Đó là tội thứ ba.

Vì tôi là kẻ tự biết rõ mình, thấy mình một cách chính xác, bao nhiêu những việc thế tình nham hiểm, hoạn hải ba đào không việc gì không biết, nên mới cam tâm chịu ba tội ấy. Chuốc lấy mối lo không phải thuộc phận sự của mình, ôm lấy những việc khó làm, chí đó mới có thể giữ được. Người xưa xét người không xét ở thành bại mà xét ở chỗ có hay không có tấm lòng. Có lòng mà gặp thời đắc dụng là điều may. Có lòng mà gặp phải trắc trở luân lạc, là điều không may. Có lòng mà gặp thời không tốt, đến phải cô quạnh không chốn nương thân lại còn mắc tội, là điều rất không may. Nhưng nếu lấy điều khoan dung nhân hậu mà xét, thì nhìn vào lầm lỗi của một người có thể biết được lòng nhân hậu của người đó. Huống chi tôi nay như con cá voi ở giữa bể, trong gia đình không hệ luỵ vợ con, ngoài xã hội không lo bị kềm chế, thế mà biết nhớ về cố đô, căm giận quân thù. Cho dầu một ngày kia may mà thành sự, tôi vẫn biết khó tránh khỏi lời dị nghị mà yên thân được. Hơn nữa tôi cũng biết rõ rằng tội trước khó chuộc và kẻ có tài thì dễ rước lấy tai ương. Tôi vốn là người hiểu sâu đạo giáo. Việc đời được mất vinh nhục tôi đều xem như ngoại vật, chỉ cần bảo toàn lấy cái điều rất quý ở nơi mình là đủ rồi, nhưng thấy người có việc bất bình cũng phải tuốt gươm cứu giúp, mà bản thân không mong người đó báo ơn. Chỉ khi nào không mong người báo đáp người ta mới làm được những việc phi thường, khẳng khái. Hơn nữa, tôi còn thấy một cái gì cao thượng hơn sự so đo đền ơn trả nghĩa theo cách thường tình ở đời. Như trước kia tôi đã thiêu huỷ cả một tập văn thư có ghi tên Phạm Cự Chung đó là một chứng cứ. Ngoài ra những việc làm như minh oan cứu người, nói những lời lợi cho nước thì không thể kể hết. Tôi vốn không có trách nhiệm về việc công, không mong khen thưởng, không mong bao đáp sau này, mà làm được như thế, không phải là khác hơn người đó sao?

Xưa, Đông Phương Sóc dâng thư tự tiến cử mình, toàn khoe khoang những tài năng bản lĩnh của mình không hề giấu giếm tý nào. Tôi tuy không hài hoạt kê không bằng Phương Sóc nhưng thâm hiểu nhân tình thế thái, biết rõ điều lợi hại, những đạo lý cao sa, những điều bí ẩn tinh vi, so với Phương Sóc còn có phần hơn, cho nên không sợ ghen ghét nghi ngờ cứ nói ra hết thảy, để thấy rắng kẻ sĩ trong thiên hạ không bị ràng buộc thì cách cư xử của họ thường vượt ra ngoài khuôn sáo. Thê thì không nên lấy cái luận đoán thường tình mà câu thúc họ, để rồi khiến cho họ cũng sẽ chết già trên mặt biển, cũng buồn thảm như những người xưa mà thôi.

Cúi xin đại nhân lấy quan niệm cao cả rộng lượng mà vượt ra ngoài những xét đoán hẹp hòi, thương kẻ vong thân bất hạnh này, bỏ qua những hình tích bề ngoài mà xét thấu tấm lòng thành của tôi. Nếu như đại nhân vui lòng nhận những lời lẻ vụn vặt nay, tôi kính xin dâng mấy bài Thiên hạ phân hợp đại thế luần, Tế cấp luận, Giáo môn luận… để cho ngụp nước nơivũng chân trâu dặm may ra có thể chảy thấu ra biển cả. Được thế thì nước đó qua trăm dặm may ra có thể giúp được ít nhiều. Như thế, tôi dẫu chết vùi nơi chốn mường mọi cũng tỏ được tám lòng không quên nguồn gốc.

Muôn nhờ ơn. Kính bái.

Chú thích

(*) Nguyên văn chữ Hán: Hv 189/1 tờ 53-64, Hv 135 tờ 129-145, Hv 634/1 tờ 85-103, NAM PHONG số 117 trang 54-59

Bản Hv 189/1, so với ba bản sau, có nhiều câu, nhiều chữ chỉnh hơn. Đây có lẽ là bản mà Nguyễn Trường Tộ, khi sao chép lại để gởi cho một vị đại thần nào đó, có chấp bút thêm; ở đầu bài ghi: Tự Đứcnăm 17, trong lúc thực sự bài Trần tình này, theo như ba bản kia và các tác giả khác như ông Nguyễn Lân và ông Đào Duy Anh nói: 26 tháng 3 năm Tự Đức 16.

Bản chính thức gởi cho Trần Tiễn Thành được lưu giữ tại thư viện Bảo Đại; trước năm 1945 các ông Trần Mạnh Đàn, Đào Đăng Vỹ, Nguyễn Lân đều đã tham khảo. Điều đáng chú ý là ông Nguyễn Lân, trong sách đã dẫn ở trang 57 có trích một đoạn nằm trong số khoảng 428 chữ mà ba bản văn Hv 135, Hv 634/1 và NAM PHONG không có. Đoạn này liên quan đến thái độ lật lọng của Pháp có thể do NAM PHONG tự ý đục bỏ. Các bản văn Hv 135 và Hv 634/1 có lẽ đã được sao chép từ một bản gốc giống như bản được sao chép cho NAM PHONG. Còn bản chính thức lưu giữ lại Thư viện Bảo Đại cũng như bản Hv 189/1 lưu giữ trong gia đình Nguyễn Trường Tộ thì có đủ.

Về đầu đề, thì Hv 135 và NAM PHONG nói: Trần tình khải; Hv 634/1 Trần tình. Riêng Hv 189/1 thì không có đầu đề, nhưng có mào đầu: “Ti Nguyễn Trường Tộ trần tình khấu bẩm: Tôi Nguyễn Trường Tộ cúi đầu bày tỏ nỗi lòng”.

(1) Nguyên văn: Cửu Tề phi chí: trích lời của Mạnh Tử, có ý nói: ở lâu với nước Tề không phải là bản chí của Mạnh Tử, và ở lâu với nước Pháp không phải là bản chí của tác giả.

(2) Tức là đồn Kỳ Hòa bị tràn ngập ngày 23-24 tháng 2-1861.

(3) Tức Nguyễn Bá Nghi được phái đến thương thuyết với Charner tháng 3 và 4/1861.

(4) Nguyên văn là “Phan quý viên” tức một viên chức họ Phan, chứ không phải Phan Thanh Giản bởi vì trong đoạn sau khi nói tới Phan Thanh Giản, thì tác giả nói “Phan đại nhân”. Vả chăng Phan Thanh Giản chỉ tới Sài Gòn để ký hòa ước 5-6-1862 (Tự Đức 15). Quan Phan nói ở đây là Phan Văn Khả ở đoạn sau?

(5) Đảng giặc “Quảng Yên” mà tác giả nói đến đây là đảng Lê Duy Minh, cũng có nơi gọi là Lê Duy Phụng hay Tạ Văn Phụng, tự xưng là dòng dõi họ Lê đứng lên chống lại nhà Nguyễn. Theo linh mục Le Grand de la Lyraie, thông dịch viên của quân đội Pháp (1858-1873), người có quen biết Lê Duy Minh là thầy giảng của linh mục Castex, thì Lê Duy Minh theo Ba Khuất hoạt động tại vùng Quảng Yên từ năm 1851 nhưng thất bại sang ở với các thừa sai Pháp tại Hồng Kông (đổi tên là Phụng), và năm 1858 theo Le Grand de la Lyraie về Đà Nẵng làm thông dịch cho Pháp, tìm cách làm áp lực để Tướng Pháp đánh thẳng lên Huế, nên bị trả về Hồng Kông, đầu năm 1861, được Charner đem về Sài Gòn để manh nha lập đồ đảng quấy phá ở Bắc bộ (điều mà Nguyễn Trường Tộ đã phát hiện và phản ánh với “Phan quý viên”) năm 1862 là lúc Lê Duy Phụng được Pháp hỗ trợ mạnh để làm áp lực bắt Triều đình Huế phải ký hòa ước 1862. Lúc này là lục Nguyễn Trường Tộ trao cho Phan Thanh Giản câu thơ “Giặc ở Quảng Yên như cá ở trong chậu”, tức không sống được lâu, sang năm Tự Đức 19 (1866) thì đảng Lê Duy Phụng bị tiêu diệt hoàn toàn và Lê Duy Phụng bị bắt và xử tử.

(6) “Lừa kêu”: Trích truyện của Liễu Tống Nguyên, nhà văn thời Đường, có kể là ở đất Kiếm vốn không có lừa, nhưng một người đã đem một con lừa từ nơi khác đến thả trong rừng. Hổ thấy lừa to lớn, thì tưởng là vị thần, nghe lừa hí thì sợ, nhưng rồi dần dần nghe quen, nên lại gần, lừa tức giận tung vó đá hổ. Hổ sấn tới nhảy lên cắn cổ lừa ăn thịt. Do đó câu thơ “Gia Định lừa kêu kế đã cùng” có nghĩa là bọn Pháp ở Gia Định cũng giống như con lừa ở đất Kiếm đã hí lên thì tài năng cũng đã để lộ ra hết rồi, chẳng có gì đáng sợ nữa.

(7) Đoạn chữ xiên “Đứng trước tình thế khó khăn… Xin hỏi những người chung quanh sẽ biết tôi nói có đúngkhông. Vì vậy” không có trong NAM PHONG và Hv 135.

(8) Đoạn chữ xiên “Tôi nhất định từ… mà phụng sự cho họ” lại có trong Từ Ngọc Nguyễn Lân sđd trang 27.

(9) Tức linh mục Croc, có tên Việt là cố Hòa, sau này là Giám mục giáo phận Vinh.

(10) Nguyên văn hai câu thơ có chữ Ly hỏa và Đoài kim.

Ly hỏa: Ly ở phương Nam thuộc hỏa, ám chỉ việc binh đao ở nước ta có ngày sẽ khắc phục được; Đoài kim: Đoài ở phương Tây thuộc kim, ám chỉ nước Pháp tạm thời xưng hùng.

(11) Lời bàn về việc nên hòa (Hòa từ) là một bản văn của Nguyễn Trường Tộ đã gởi cho Nguyễn Bá Nghi tháng 3-4/1861. Đây có thể là bản “Thiên hạ đại thế nguyên tập” đăng trên NAM PHONG số 100 tháng 11-1925.

(12) Nguyên văn: “Thất chi Đông ngung, thu chi tang du” câu trong Hậu Hán thư, Phùng Dị truyện. Ý nói mất miền Đông (mặt trời mọc) mà lấy lại miền Tây (mặt trời lặn).

(13) Mục Công, vua nước Tần đời Xuân Thu.

(14) Bài thơ này ngụ ý nói rằng: Cũng như những cô gái đi dệt thuê ở thôn Tây không phải vì nghèo mà vì muốn học nghề để có thể dạy cho đồng hương nếu cần, Nguyễn Trường Tộ đi với Tây cũng không phải vì nghèo mà vì muốn học hỏi để giúp Triều đình nếu Triều đình cần đến.

(15) Có ý nói rằng: Tuy Triều đình không dùng, nhưng lòng tác giả vẫn luôn hướng về Triều đình, lo toan đến quốc sự.

(16) Tức Phạm Phú Thứ.

(17) Tức Giám mục Gauthier, có tên Việt là Hậu.

(18) Lý Lăng, một viên tướng thời Vũ đế nhà Hán, cầm quân đánh nhau với Hung Nô, nhưng vì thế yếu lại không nhận được viện binh nên buộc phải tạm đầu hàng. Vũ đế được tin Lý Lăng đầu hàng đã giết vợ con họ hàng Lý Lăng. Sau Tô Vũ đi sứ sang Hung Nô, Lý Lăng viết thư cho Tô Vũ kể hết nỗi lòng.

(19) Nguyên văn:

Ký thân Tào thị, Từ Nguyên Trực

Bất đế Dinh Tần, Lỗ Trọng Liên

Đời Tam Quốc, Từ Nguyên Trực theo Lưu Bị, bị Tào Tháo bắt mất mẹ, nên phải về theo họ Tào, nhưng nhất định không bày mưu cho họ Tào.

Đời Chiến Quốc, Lỗ Trọng Liên cho nước Tần là man rợ, nên không chịu tôn Tần Thuỷ Hoàng làm hoàng đế. Ông nói: Thà nhảy xuống sông mà chết chứ không chịu làm dân nhà Tần.

(20) Dự Nhượng, người nước Tần, thời Chiến Quốc, đồ đệ của Trí Bá, Trí Bá bị Triệu Trương Tử giết, Dự Nhượng làm đủ cách để cải trang nhằm giết cho được Triệu Dương Tử.

(21) Chu Mãi Thần, đời Hán, nghèo bị vợ bỏ. Sau ông được làm quan, vợ xưa trở lại, ông lấy bát nước đầy đổ xuống đất và bảo vợ nếu múc lại đổ đầy được, ông chịu tái hợp.