Tía ơi, tía đi đâu rồi?

...Thằng Khôi nhớ lại hồi nhỏ nó vẫn hay lén má nó, bỏ ngủ trưa, đi theo mấy đứa trong xóm ra ngoài ruộng mò hang cua hứng cá bống. Cá bống hình dạng như trái ớt sừng trâu, hay sống trong vùng nước lợ, sanh sản quanh năm suốt tháng. Khoảng tới đầu mùa mưa, bống bỏ mương bỏ rạch, rủ nhau tháo chạy từng đàn như tuồng chạy giặc đâm bổ ra sông ngòi. Thằng Khôi với mấy đứa bạn trong xóm chỉ việc đặt rổ ngay đường nước nơi họ hàng nhà bống đang tháo chạy là được cả rổ đầy ăm ắp những chú cá bống trứng. Mang cá về tới nhà, gặp tía nó thì không sao, chớ gặp má nó, thím Tám dớt nó liền. Có lần nó né, mất đà, làm đổ nguyên cả rổ cá bống trứng ra mặt đất. Thằng Khôi tái xanh mặt nhìn má nó, nhìn tía nó, và nhìn những chú cá bống còn sống tươi cong người uốn nhảy trên nền đất khô, như vẫn đang muốn tìm đường tháo chạy. Nhìn mặt thằng Khôi xanh lét vì sợ, tía nó vội vàng giơ tay ra cản lại, má nó mới thôi. Rồi tía nó cúi xuống, ngồi nhặt phụ với nó những con cá bống vô trong rổ. Tía vuốt tóc nó, nói,

— Con chịu khó đi, rồi lớn chút nữa, tía gửi lên chợ huyện đi học ở trên đó với người ta. Chứ ở đây, lêu lổng chơi bời với bạn bè đầu đường xó chợ, học hành bữa mưa bữa nắng, thì dù có là ngọc thật cũng lu mờ, có là vàng ròng cũng mất nước. Mà gặp bạn bè tốt bụng thì không sao, chớ gặp cái thứ tâm địa ác độc, lòng dạ tiểu nhân thì rồi cũng tàn đời.

Thằng Khôi thương thì thương cả hai, thương đều nhau, nhưng thân với tía nó hơn má, bởi chú Tám Hiếu ít cự nự thằng Khôi. Chiều chiều, chú Tám còn hay nhắc bổng thằng Khôi ngồi lên đôi vai, đi dọc theo con đường đất của làng. Nó còn nhớ người hai bên đường, nhìn thấy chú Tám cõng nó đi chơi, họ thì thào,

— Bà nội của thằng chả ở tận ngoài Bắc lận, nghe nói đẹp nhất làng. Có lần xóm bị tây ruồng, bả chạy không thoát, rồi dính cái thai; cho nên phải bỏ làng, lưu lạc vô tận trong miền Nam.

— Nhìn cái thằng nhỏ đang ngồi trên vai của chú Tám kìa. Thằng này lượm được ngoài đường mà sao nhìn giống y như tía nó, như hai giọt nước vậy nghen! Kỳ hén?

Thằng Khôi càng lớn, người trong thôn càng thì thào to nhỏ chuyện thằng Khôi và tía nuôi của nó nhìn giống y chang như nhau, cứ như được đúc ra từ cùng một khuôn. Tiếng đồn thổi rồi cũng bay xuyên tới tai của thím Tám. Thím Tám phân vân đi ra đi vô không rõ thực hư. Người biết chuyện duy nhất về cội nguồn đích thực của thằng Khôi là má ruột nó. Nhưng mà bả ở đâu? Thím Tám chép miệng, có ai biết để mà hỏi cho ra đầu đuôi ngọn ngành. Nhưng còn chồng của mình, thím Tám ngồi chong ngọn đèn hột vịt nhìn thằng Khôi đang nằm ngủ say trên chõng tre bên khung cửa. Giờ này, chú Tám chắc lại đang lang thang đâu đó nhậu nhẹt, xướng hát đàn ca, ngâm thơ vọng nguyệt cho tới khi say khướt rồi mới chịu đứng dậy bỏ về nhà. Thím Tám nhớ lại tối hôm đó, nhớ tới giây phút thím mở bọc vải ra, thằng Khôi nằm nhỏ xíu ở trong, kiến bu đen khắp người. Thím nhíu mày, nếu đúng thằng Khôi là con riêng của chú Tám, thì chồng của thím, thím Tám chép miệng, đúng là kép chánh tài nghệ thượng thừa! Mà nếu vậy, ai là má thằng Khôi? Người má nào mà dám nhẫn tâm bỏ lại hạt máu cho tình nhân xách về đưa cho vợ nuôi từ khi còn đỏ hỏn? Thím ngồi nặn óc cố gắng nhớ lại vào cái khoảng thời gian khi nhặt được thằng Khôi, trong làng có đám cưới nào tuồng như vội vàng điệu như chạy giặc hay không? Nhìn ngọn đèn hột vịt khi tỏ khi mờ, rồi lại liếc nhìn thằng Khôi đang nằm ngủ trên cái chõng tre, thím Tám biết chắc chắn như đinh đóng cột là chồng mình thương thằng Khôi lắm. Thím Tám lại chép miệng. Hai vợ chồng không có con, ông Trời tặng cho thằng con nuôi thì ai mà chẳng mừng. Ngay cả thím, thím cũng thương thằng Khôi; nhưng thím sợ nếu cưng nó ra mặt, thằng nhỏ mai này lớn lên, cứng đầu, khó dạy. Chồng của thím thì ngược lại, ổng cưng thằng Khôi dàn trời. Khi chú Tám ngồi nhậu lai rai hoặc là tại nhà hoặc là ở nhà hàng xóm, thằng Khôi hay được xếp một chỗ ngồi ngay bên cạnh, chỉ trừ khi đêm khuya thanh vắng, chú bắt thằng nhỏ phải bỏ về nhà trước, đi ngủ sớm. Nhưng thím biết chồng mình chỉ cho thằng Khôi ngồi phá mồi mà thôi, chứ không cho nó uống, bởi chồng thím nói với thằng Khôi,

— Mai mốt con lớn, muốn uống gì thì uống. Bây giờ còn nhỏ, đừng có bầy đặt tập tành thói hư tật xấu của tía.

Thím Tám hay càm ràm chồng mình về vụ thằng Khôi,

— Thằng Hai mai mốt nó hư, thì mình đừng có đổ lỗi là tại tui không biết dạy nó à nghen! Mình uống thì mình cứ uống, tại sao cứ xốc nách thằng nhỏ, mang nó đi theo. Mình cưng quá, nó quen thói, lớn lên, cứng đầu, khó dạy.

Nhưng rồi, chiều hôm đó, vừa bước chân vô nhà, thằng Khôi thấy má nó đang ngồi trên chõng tre, miệng khóc rấm rứt. Thấy thằng Khôi với rổ cá bống, thím Tám như có dịp vỡ tung ra trong tiếng nức nở,

— Khôi ơi, tía bỏ má con mình đi mất tiêu rồi…

Thấy thím Tám ngồi khóc trên chõng tre, thằng Khôi hụt tay buông rơi xuống mặt nền đất nguyên một rổ cá bống. Nhưng lần này, không như lần trước, thằng Khôi chỉ đứng nhìn những chú cá bống oằn cong nhảy tưng tưng, đang bị đất đen bám đầy che kín những vệt màu đen đậm trên lưng. Không có tía ở nhà để nhặt từng chú cá bống bỏ vô trong rổ cho nó, thằng Khôi đứng yên nhìn lên trời, tìm kiếm bóng dáng tía nó. Nhưng nó không thấy chi ngoài trời mây xám xịt. Thằng Khôi không hiểu lời má nó nói “tía đi mất tiêu rồi” là đi đâu? Nhưng kể từ ngày hôm đó, thằng Khôi không còn thấy bóng dáng của tía nó trong căn nhà lá nữa. Tía nó đột nhiên biến mất ra khỏi cuộc đời của nó. Đêm đêm nằm trằn trọc trên chõng tre, thằng Khôi thắc mắc không hiểu tía đi đâu mà biệt dạng mất tăm. Vắt tay lên trán, rồi lại đan chéo hai tay gác dưới cần cổ, thằng Khôi theo dõi ánh trăng rằm chiếu xiên xiên qua bên khung cửa. Nhìn ánh trăng, thằng Khôi nhớ tới lời tía nó hay nói, “Trăng sông hồ đẹp hơn trăng thôn quê”. Thằng Khôi nói, “Tui thấy cũng vậy. Có chi khác đâu”. Tía nó lắc đầu, “Đợi con lớn lên một chút, tía sẽ giải thích cho tại sao trăng sông hồ lại đẹp hơn trăng thôn quê”. Bây giờ tía nó đi mất tiêu rồi. Ai sẽ nói cho nó biết tại sao trăng sông hồ lại đẹp hơn trăng thôn quê? Trong khi đó, ở giường bên trong, tiếng gỗ tre cọt kẹt thân mình chuyển động lăn qua lăn lại trộn lẫn tiếng khóc thì thầm nho nhỏ của má nó tiếp tục ngân vang trong đêm khuya. Tiếng khóc âm ỉ của má nó trong đêm trường khơi thêm sâu đậm mối thương tâm trong lòng khiến thằng Khôi bật miệng khóc theo. Từng hạt nước mắt rớt xuống trên khuôn mặt của thằng nhỏ kêu gọi tiếng chân của má nó bước tới chõng tre. Nhận ra má nó, thằng Khôi ngồi dậy, ôm chầm lấy thím Tám, bật tiếng khóc nức nở,

— Má ơi! Tui nhớ tía quá má ơi! Má ơi, tía đi đâu vậy hả má? Má hú gọi tía về cho tui đi má!...

(Trích trong truyện ngắn Má Ơi, Đừng Đánh Con Đau, Nguyễn Trung Tây)

www.nguyentrungtay.com