Chuyện của bố và của con

Chuyện của bố và của con, Nguyễn Trung Tây


Giây phút đầu tiên nhìn thằng Ðức nhỏ tí xíu, mắt nhắm chặt, ngủ như chó con trong lồng kiếng, mẹ Tiến nói,

— Thằng này giống bố.

Tiến thoạt tiên lơ là không chú ý vào lời nói của mẹ. Tiến nghĩ mẹ chàng chủ quan! Mãi sau này khi thằng Ðức lên một, lên năm, lên mười, và sau cùng mười chín tuổi, Tiến mới dần dần thấm câu nói của mẹ.

oOo


Thằng Ðức lên Một. Nhìn tấm hình của thằng Ðức chụp hôm sinh nhật một tuổi, Tiến ngỡ ngàng nhận ra nét quen thuộc trên khuôn mặt của thằng con trong tấm hình. Chàng gãi đầu. Khuôn mặt này đã thấy ở đâu rồi? Chàng gãi trán. Nhìn quen quen, quen vô cùng. Chàng vô phòng lục lại xấp hình đen trắng cũ. So sánh tấm hình chụp lúc chàng một tuổi với hình của thằng Đức, Tiến kinh ngạc nhận ra thằng bố và thằng con nhìn giống hệt như nhau. Cũng cái mặt tròn xoe như bánh đúc, tóc lưa thưa vài sợi. Cũng cặp mắt so le, bên phải hai mí, to, bên trái một mí, híp. Tiến đưa cho Bích xem cả hai tấm hình. Nhìn hình, vợ Tiến giật mình. Nàng cười cười, nửa đùa nửa thật,

— Ðúng rồi, nó giống bố chứ đâu có giống mẹ!

oOo


Thằng Ðức lên Ba, vợ chàng đau. Bác sỹ gọi hai vợ chồng vô văn phòng. Nhận được bản tin, Tiến và Bích buồn thiu!

oOo


Thằng Ðức lên Năm, lớp Mẫu Giáo, hay đánh nhau trong lớp. Chiều ghé trường đón con, chàng nhận ra những vết bầm tím xây sát trên khuôn mặt của thằng Ðức. Cô giáo nhìn Tiến, giọng ngần ngại,

— Ðức…Ðức nó xô thằng bé đứng trước mặt té xuống sàn nhà trong khi xếp hàng ăn trưa... Tôi can mãi mới đẩy ra được cả hai. Y tá lấy dầu nóng BenGay bôi rồi! Ông yên tâm.

Nhìn mặt thằng Đức như cái mền rách, Tiến xót xa trong lòng, khó chịu với cô giáo. Trên đường về nhà, thằng Ðức ngồi im không liến thoắng như mọi hôm. Tiến gợi chuyện,

— Sao bầm dập vậy hả con?

Thằng bố hỏi, thằng con không trả lời, mắt nhìn xa vắng.

— Nói cho bố nghe đi…

Sau hai ba lần cóc bố xuống giọng ngọt ngào, cóc con mới chịu mở miệng,

— Tại nó…tại nó nói con…giống…giống con gái!

Tiến kinh ngạc trợn tròn mắt! Hồi nhỏ chàng trắng như bột, giọng nói nhỏ nhẹ. Trong lớp Tiến hay bị bạn bè gọi là con gái. Quê! Chàng nổi nóng. Tức! Tiến đánh lộn. Gần như ngày nào chàng cũng bị cô phạt, bị thầy đánh. Có bữa còn bị thầy bắt quỳ trên vỏ mít. Thời thơ ấu, chàng te tua như cái mền rách!

Tiến kể cho mẹ nghe chuyện thằng Đức bị bạn trong lớp gọi là con gái. Mẹ chàng cười nói thằng Ðức năm tuổi giống Tiến khi còn nhỏ từ tính tình cho tới vóc dáng. Chàng chép miệng, “Hèn chi”!

oOo


Thằng Đức lên Năm, lớp Mẫu Giáo, thỉnh thoảng bĩnh ra trong quần. Đón con về, chàng thấy thằng nhỏ mặc bộ quần áo mới. Cô giáo phân bua,

— Ðức…Ðức, nó…ấy ra trong quần!

Về tới nhà chàng kể cho bà nội nghe trường thiên tiểu thuyết hồi hai của thằng cháu. Mẹ Tiến cười nói khi chàng còn nhỏ, thỉnh thoảng sau giờ tan học tự nhiên trước cửa nhà có tiếng hò hét ồn ào như chợ vỡ, “Thằng Tiến ỉa đùn! Thằng Tiến ỉa đùn”! Mẹ chàng chạy ra nhìn thấy thằng con đang mãnh hổ nan địch quần hồ, một tay lúng túng che quần đùi, tay kia cố gắng xô đẩy những thằng bạn học yêu dấu ra khỏi sân nhà. Mang Tiến vào, mẹ chàng tắm rửa lại từ đầu. Nhưng chứng nào tật ấy, mèo lại hoàn mèo. Tiến ngoài mặt hung hăng, nhưng trong bụng chết nhát. Trong lớp nhột bụng, sợ thầy sợ cô, Tiến không dám giơ tay xin phép. Tiến cố gắng nhịn, nhịn tối đa, nhịn hết cỡ. Có những lúc được, có những lúc không. Lúc nhịn được, đời tiếp tục trôi qua trong thanh bình, trong hạnh phúc. Có những lúc không, thế là xong, thế là tàn đời, thế là mền rách, thế là te tua!

Bây giờ con chàng, thằng Ðức, học đòi tính nết của bố, ngoài mặt hung hăng, nhưng trong lòng chết nhát. Tiến bắt chước mười bảy vua Hùng Vương gọi, “Bố ơi! Về cứu”.

Cũng bởi chương thứ hai trong tập truyện dài của thằng Đức, mẹ chàng lại tiếp tục,

— Thằng này càng lớn càng giống bố!

Tiến không dám nói chi, nhưng nghĩ thầm trong bụng, “Nó là con của con, không giống bố nó thì giống ai? Chẳng lẽ giống ông hàng xóm hay sao”?

oOo


Thằng Ðức lên Mười, lớp Năm, học toán dốt. Toán thường thường ăn điểm F. Bích lo lắng,

— Sao thằng Ðức yếu môn toán quá?

— Cũng không hiểu. Hy vọng khi lớn lên một chút, nó khác đi. Hay là…

Tiến muốn nói hay là nó giống anh hồi nhỏ, nhưng kịp thời ngậm miệng lại. Một đời ở với nhau chưa bao giờ chàng dám hé miệng nói cho vợ biết hồi còn nhỏ chàng sợ toán hơn sợ ma. Nhiều lần chàng muốn bỏ học đi chăn vịt phương Nam bởi những bài toán đố của lớp Ba, lớp Bốn,

Một ngày có 24 tiếng đồng hồ. Một năm có 365 ngày. Một năm có bao nhiêu tiếng?

Một năm có bao nhiêu tiếng, ai mà biết! Tiến gãi gãi đầu thở than nhìn quanh quẩn kiếm tìm. Ánh mắt của Tiến đụng phải tia nhìn nghiêm khắc của ông thầy lớp Ba. Tiến cúi xuống cắn đầu viết chì, bây giờ làm toán chi? Cộng? Trừ? Nhân? Chia? Tiến lấy 365 chia đại cho 24. Nộp cuốn tập Toán đố lên. Ngày hôm sau, chàng nhận về cặp trứng vịt tròn vo. Lớp Sáu, chàng hoàn toàn mất căn bản về toán. Con gái trong lớp không thích chàng bởi Tiến dốt toán. Lớp Mười, lớp Mười Một, lớp Mười Hai, Tiến không có bồ, bởi con gái không thích cặp kè với một thằng dốt, một thằng coi trai phải thường xuyên cọp-dê những bài toán của những cô bạn học trong giờ thi. Những chuyện động trời như thế này, làm sao Tiến dám kể cho Bích nghe.

oOo


Thằng Đức lên Mười, lớp Năm, viết luận văn giỏi. Những bài luận tiếng Anh trong trường điểm rất cao. Tiếng Việt của thằng Ðức làm nhiều người ngạc nhiên. Từ khi thằng Ðức học Mẫu Giáo, Tiến bắt đầu dạy con tiếng Việt. Bà nội và cháu ở nhà đàm thoại tiếng Văn Lang với nhau hằng ngày. Bà yêu cháu, cháu yêu bà. Bố mẹ đi làm chưa về, thằng Ðức quấn lấy bà, hỏi hết chuyện này sang chuyện khác. Chuyện mùa thu, nhìn thấy lá vàng rơi, thằng Ðức nói,

— Bà ơi, cái lá đang bị té!

— Lá không có té. Ðức mới té. Cháu phải nói là cái lá đang rơi.

— Bà ơi, sao Ðức té mà cái lá không té?

Thằng Ðức đi học về, có chuyện gì vui kể cho bà nghe. Bà không hiểu tiếng Anh, dỗ cháu kể lại trong tiếng Việt. Tuần ba lần Tiến dạy con tiếng Việt. Cuối tuần chàng đưa con tới trường Việt Ngữ. Tiếng Việt thằng Ðức nói giọng Bắc khiến nhiều người kinh ngạc. Họ không tin con Tiến chôn nhau cắt rốn ở xứ Cờ Hoa, chưa bao giờ thấy nước non Hồng Bàng của nó.

(Trích trong truyện ngắn Chuyện Của Bố và Của Con, Nguyễn Trung Tây)

www.nguyentrungtay.com