MA TÚY VỚI GIÁO LÝ CÔNG GIÁO



PHẦN I: MA TÚY

Ma là cây gai, là thói quen không thể chừa được. Túy là say. Các loại ma túy thường thấy :

1. Cần sa (cây cần sa tiếng Anh gọi là cannabis, tiếng Pháp gọi là chanvre indien, còn có những tên địa phương như marijuana, ganjale v.v…) là nhựa của loại hoa cannabis hay loại gai. Cây cần sa thường được trồng để lấy sợi, nhưng nếu trồng ở khí hậu nhiệt đới (nắng nhiều) như ở miền Ấn Độ, Mễ Tây Cơ v.v… cây cần sa sẽ cho nhựa. Từ nhựa này người ta tạo ra một thứ chế phẩm để hút.

Chất cần sa gây ra tình trạng hưng phấn nơi người hút, giải tỏa sự ức chế của thần kinh, con người trở thành cởi mở với người khác, cử chỉ lanh lợi, nhìn màu sắc thấy tươi sáng khác thường, mọi âm thanh nghe du dương, tự tin, sảng khoái, ăn nói lưu loát. Nhưng đi theo tình trạng sảng khoái đó là giảm trí phán đoán, ý chí lụn bại, tình trạng quên sót, đang nói tự nhiên quên, không nhớ là nói gì, thụ động, lười biếng. Cơn say cần sa kéo dài từ hai giờ đến mười giờ, mất khả năng định hướng nên rất nguy hiểm khi say cần sa mà lái xe.

Người hút cần sa sẽ trở thành người ghiền cần sa, bị cần sa điều khiển, họ trở thành một người nghiện ngập, lười biếng, bạc nhược.

2. Cocain (cocaine) là hóa chất từ lá cây coca, là chất bột trắng hòa tan trong nước. Y học dùng làm thuốc tê. Dần ghiền hòa bột cocain trong nước để uống hoặc để chích vào tĩnh mạch. Nó gây cảm giác sảng khoái vì nó là một chất kích thích thần kinh : tim đập nhanh, vận động cơ thể dễ dàng, sảng khoái. Dùng lâu và dùng nhiều con người rơi vào nghiện ngập cocain, cơ thể suy yếu, ý chí lụn bại, sống cô độc vì không muốn tiếp xúc với ai, xuất hiện những ảo giác và mê sảng, dễ rơi vào tình cảm rối loạn và hung dữ.

3. Á phiện (thuốc phiện) là nhựa của trái cây thuốc phiện (pavot, poppy) người ta chế ra thành một chất đen để hút. Thuốc phiện gây sảng khoái, quên đi những đau khổ khi say và sinh ra nghiện ngập. Người nghiện thuốc phiện, cơ thể bị suy tàn dần, lười biếng.

Khoa dược chế từ thuốc phiện ra các loại thuốc làm giảm đau, trị tiêu chảy dưới dạng xi-rô, elixir, laudanum và chiết suất ra hoạt chất mang tính alcalloid như chế phẩm morphine dùng để giảm đau. Dùng morphine để giảm đau lâu ngày, bệnh nhân sẽ bị ghiền morphine.

Từ morphine, người ta bào chế ra bạch phiến (héroine). Héroine ngoài y lệnh của thầy thuốc ra, nó là một thứ độc dược gây nghiện ngập nặng cho kẻ hút hoặc chích nó. Cơ thể con người bị suy sụp dần dần theo liều lượng dùng mỗi ngày một tăng thêm. Ban đầu, một cử hút, chích dần dần tăng lên sáu cử v.v…, thân thể điêu tàn, con người trở nên thất thểu, ma quái và hung dữ. Cơn ghiền đến, cơn đói thuốc đòi hỏi, người ghiền tìm bao nhiêu cách miễn là có tiền để mua thuốc (trộm cắp, cướp, hung dữ với người thân, với cha mẹ…)

Cai nghiện héroine không phải là dễ dàng vì ý chí con người bị tàn lũi không thể chống lại những cơn vật vã, khổ cực của cơn đói thuốc (vã mồ hôi, co giật, cảm thấy như ngàn mũi kim đâm vào thịt, như triệu con giòi bò lúc nhúc trong thịt). Những người cai nghiện được sáu tháng, một năm, biết nguy hiểm của héroine đã làm khổ mình, gia đình mình hết sức, nhưng về nhà lại tái nghiện vì ý chí bị suy sụp.

Tai hại lớn nhất là từ héroine đến HIV/AIDS : bao nhiêu người nghiện dùng một ống tiêm (chích), chỉ cần một người nhiễm HIV chích chung sẽ làm lây nhiễm qua đường máu cho kẻ khác một cách dễ dàng.

Tuổi thọ của người nghiện héroine chỉ đếm được trên mấy đầu ngón tay, có người chích xong lăn đùng ra chết. Làm sao mà không chết khi đưa chất độc với những tạp chất (pha chế thêm) vào mình. Nếu người nghiện héroine nhiễm HIV thì rất mau sang giai đoạn AIDS vì cơ thể đã suy sụp, HIV nhân bản mỗi ngày 10 tỉ siêu vi khuẩn, chỉ cần vài tuần, con người đó trở thành “con vật HIV”.

4. Các chất kích thích

Xin tóm lại như sau :

a. Những chất ức chế thần kinh :

thuốc phiện và những chất chiết xuất từ thuốc phiện; các loại thuốc ngủ thuộc barbituric như Gardenal, Cortidasmyl, Phenobacbitan (của Việt Nam); thuốc an thần, thường dùng nhất là méprobamate, có các tên : Andaxin (Hungary), Anthraxin (Nhật), Cyrpon (Đức), Deprol (Mỹ), Equanil (Mỹ) Equasic (Mỹ), Lenactos (Pháp), Pertanquil (Ý). Dược phẩm Diazépam dẫn xuất từ Benzodiazépine, có nhiều tên biệt dược khác : Valium, Séducène, thuộc bảng A (tức là thuốc độc) theo dược điển Pháp, uống quá liều sẽ gây sảng khoái, chếnh choáng như say.

b. Những chất thuốc kích thích thần kinh :

Cocain, Amphétamine. Amphétamine sulfate là dược phẩm có nhiều tên biệt dược khác : Phetanin (Nga), Benzedrine (Mỹ), Psychedrine (Ba Lan), Ortenal (Pháp), Maxiton (Pháp), Psychoton (Tiệp Khắc), ghiền trước đây gọi Mác hoặc Xì cọt. Doping vận động viên hay dùng.

Học sinh, sinh viên cũng dùng Amphétamine (Maxiton, Phêtamin) để tăng sức học vì thuốc này kích thích thần kinh, tăng huyết áp, tim đập nhanh, con người nở ra, độ đường huyết tăng, óc suy tư dễ dàng, tăng sáng suốt, hoạt bát, dễ dàng cởi mở với người khác. Tuy nhiên, lạm dụng thuốc này sẽ đưa tới nghiện. Dân nghiện chích thuốc này vào tĩnh mạch, tạo ra cho con người một cảm giác phi (phê) : sảng khoái, bay bổng.

Amphétamine được bào chế ở độ mạnh gấp mười lần, gấp năm chục lần thành độc dược có tên là MDM, MPPP, gọi là thuốc “lắc”. Chúng tạo nên cơn hưng phấn quá độ, say sưa quá độ, quay cuồng quá độ, lệch về thị giác, cơ thịt ở đầu và cổ co thắt, khô miếng, miệng khó chịu, con người quay đầu, lắc lư trong ba, bốn giờ.

c. Những chất kích thích làm rối loạn hoạt động của thần kinh:

Cần sa (cannabis), chất THC (Tetrahydrocanabinol), chiết xuất từ cần sa. Chất LSD (acid lysergic) gây ảo giác, chất mescalin chiết xuất từ loại xương rồng peyote, Psilocybin chiết xuất từ một loại nấm đều gây ảo giác.

d. Bữa ăn ma túy tổng hợp:

Trước năm 1975, dân nhà giàu ghiền ma túy dùng một bữa ăn ma túy theo thứ tự như sau :

  • - Uống thuốc kích thích quá liều (họ sẽ bị ngộ độc)
  • - Hút cần sa, thuốc phiện (có tác dụng giải độc lượng thuốc kích thích quá độ đương sự đã uống vào).
  • - Uống thuốc ngủ (Vénoral, Gardénal, Binoctal, Imménoctal v.v…) có tác dụng kéo dài ảo giác “phi” (phê) thêm một thời gian nữa.
Thân thể họ tàn tạ và mỗi ngày họ tàn tạ thêm vì khi họ nốc cả một liều thuốc kích thích thừa sức giết chết mấy mạng người, rồi lại đi hút, đi hít một thứ độc dược khác để tạo thế “độc giải độc”, tiếp đến lại dùng thuốc ngủ quá độ ???

Hiện nay, một nhóm thanh niên mê say ma túy sử dụng thuốc “lắc”. Uống xong mười mấy phút, họ đứng lắc đầu, không còn biết gì ngoài việc lắc rồi uống nước do tác dụng của thuốc, quay cuồng, xốc áo, vén quần, tự bôi nhọ nhân cách của mình !! Có loại tân dược tiêm (chích) chứa trong ống tiêm, chỉ cần mở hộp thuốc lấy ống tiêm là có thể tiêm thuốc vào cơ thể. Phải đề phòng loại “mì ăn liền” này vì có loại thuốc gây nghiện.

e. Rượu (alcool éthylique, ethyl alcohol):

Rượu uống ít có tác dụng “khu phong hoạt huyết” (giải gió độc, máu lưu thông nhanh và mạnh), kích thích sự tiết dịch vị ở dạ dày, nước bọt do rượu trực tiếp tác dụng vào dạ dày làm phóng thích gastrin, uống một ly nhỏ có dung lượng 30ml thôi, uống nhiều, rượu trở thành một chất độc phá hại cơ thể.

Có hai hiện tượng sinh lý đối với rượu :

- Cơ thể hấp thụ cồn êtylic : hấp thụ một phần ở vách dạ dày và phần lớn ở ruột non với một tốc độ trong vòng nửa giờ so với sự hấp thụ của thực phẩm khác. Một người có trọng lượng 60 kgrs, nếu uống 1/5 lít rượu Whisky (200ml) có nồng độ 50% cồn êtylic hoặc uống 1 xị đế có nồng độ 40% (tức (250ml) một lần thì trong vòng nửa giờ, nồng độ cồn êtylic ở trong máu là 0,15%, sẽ bị say nặng, có thể ngã gục mà không biết gì.

- Cơ thể nỗ lực thải rượu ra ngoài : khoảng 10% cồn êtylic được thải ra ngoài bằng đường tuyến mồ hôi, phổi (nên mùi rượu bay ra) và đường thận. Khoảng 90% qua đường gan do hai phản ứng :

Cồn êtylic – nhờ enzym dehydrogenaz -> acetaldehid

Acetaldehid – nhờ aldehid dehydrogenaz -> Acetat

Acetat được đưa trở lại trong máu và cuối cùng sẽ được oxýt hóa thành dioxytcarbon và nước.

Hai phản ứng trên cần một enzym phụ ADH alcool nicotinamid-adenin-dinucleotid) và cần thời gian để tạo phản ứng nên nếu uống số lượng nhiều hơn khả năng lọc của gan, cồn êtylic sẽ được tích lũy trong máu. Đối với một người khỏe mạnh, chất cồn được ghi nhận là : 15ml cồn êtylic trong máu trong một giờ khi uống một lần 30ml Whisky có độ 50% hoặc một chai 33 có dung lượng 330ml.

Độ say sưa theo dung lượng uống và theo thời gian như sau : (Uống một lần hoặc nhiều lần trong 4 giờ, 8 giờ lượng rượu 200ml Whisky 50% hoặc 7 chai bia 330ml) :

Nồng độ êtylic


Vậy, trong nửa giờ uống 7 chai bia 33, nồng độ rượu trong máu là 0,15, sẽ bị say khướt. Trong hai giờ uống 7 chai 333, nồng độ rượu trong máu là 0,14 cũng say mềm. Trong 3 giờ, uống 7 chai bia 333, nồng độ cồn trong máu là 0,12 (say). Trong bốn giờ, uống 7 chai bia 333, nồng độ cồn trong máu là 0,10 (ngây ngất say) v.v… Tuy nhiên, cũng có những hạng người uống có cồn trong máu 0,09 đã say có người uống nồng độ 0,3 vẫn đi lại bình thường. Nếu có thức ăn trong dạ dày, rượu được uống vào sau sẽ được hấp thụ chậm hơn, nếu được pha với nước có gaz như soda, nước ngọt đóng chai sẽ được hấp thụ nhanh, người mau say hơn. Ở nồng độ cồn 0,4 trong máu thì hầu như ai cũng say mềm. Ở nồng độ cồn 0,5 – 1% trong máu, các trung tâm thần kinh kiểm soát nhịp tim và nhịp thở sẽ bị tê liệt khiến người say rượu dễ dàng đi đến tử vong.

Người nghiện rượu lâu năm sẽ đưa đến tình trạng tích mỡ trong gan dần dần biến sang chứng gan cứng cản trở máu đen của phần dưới thực quản, bao tử, lá lách và ruột về tim và cuối cùng có thể tới bệnh xơ gan cổ trướng. Rượu còn gây thiếu nhóm vitamin B, làm hại tới thần kinh trung ương : rối loạn nhận thức, kém trí nhớ, sức chú ý kém, suy giảm ý chí, làm hại tới thần kinh ngoại biên : viêm đa thần kinh làm rối loạn cảm giác và vận động, có thể đưa tới liệt tứ chi, liệt toàn thân, làm hại tới hạch nội tiết : gây teo buồng trứng (mất kinh trước tuổi), liệt dương, tạo nên cơ thể suy yếu, sức đề kháng yếu đi không còn sức chống lại nhiễm trùng lao v.v…

Nếu uống rượu đế, rượu không loại bỏ các tạp chất sẽ nguy hiểm cho cơ thể, gồm có :

  • - Cồn Mêtylic rất độc, uống một chung nhỏ (20ml) sẽ bị ngộ độc, và ngộ độc một cách “không ngờ”, vì cồn Mêtylic được oxýt hóa rất chậm nên hiện tượng ngộ độc (nhức đầu, ói mửa, đau bụng trên rốn, hôn mê) xảy ra sau khi uống từ 8 giờ đến 36 giờ.
  • - Cồn Propyl, Butyl, Amyl là loại chất độc.
  • - Chất Aldehid làm cho tuần hoàn, tiêu hóa mạnh, gây choáng váng, nhức đầu, huyết áp tăng. Rượu đế chứa cồn nầy luôn luôn vượt quá gấp năm lần tiêu chuẩn cho phép của Nhà Nước trong rượu đế.
  • - Chất Furfural (Furfurol) làm dung môi cho nước sơn, chất nhựa, gây độc hại cho bộ tuần hoàn, hệ thần kinh.
Đối với gia đình, người cha nghiện rượu không còn để ý tới con cái, tới gia đình. Ông ta chỉ để ý tới bữa rượu của mình, xem mình như có quyền trên tất cả, không nhận ra sai trái của mình, bắt ai cũng phải tuân phục mình. Rượu chè trên cảnh cực khổ của cả gia đình.

Rượu say làm mất nhân phẩm, nhân cách. Khi vào bàn rượu, thì còn là người, đến khi say thì chỉ là “ngượm” và cuối cùng là “tởm” (nực mùi rượu, thổ ra v.v…).

Đối với thanh niên, tụ nhau lại uống đế hoặc uống bia đến lúc trí không còn sáng suốt nữa, cải nhau, đánh nhau và đưa tới án mạng. Qua rượu, người trẻ có nhu cầu về tình dục mạnh hơn bình thường, tới các cô gái mại dâm, lây nhiễm HIV lúc nào không biết. Cuối cùng, gia đình tan nát vì chồng bị nhiễm HIV.

(Tạp chí tham khảo : Khoa học phổ thông, Khoa học và đời sống, Tuổi trẻ, Thanh niên, Công an Tp. HCM, Kiến thức ngày nay, Thế giới mới, Sciences et Avenir, Nature).

(... còn tiếp)