Chuyện vãn: Trái cầu tuyết



Trẻ con, và đôi khi cả người lớn, ở vùng Bắc Mỹ vào muà đông thường có trò chơi lấy tuyết đắp thành dạng một người mập tròn, gọi là người tuyết. Khởi đầu chỉ là một nắm tuyết nhỏ, bọn trẻ con cứ tiếp tục nắm thêm tuyết vào cho nó lớn dần, rồi bắt đầu lăn trên mặt tuyết cho nó tròn hơn, lớn hơn, cho đến khi nó trở thành một khối tròn to, rất cứng chắc, dùng để tạo hình một người tuyết. Người tuyết này có thể đứng mãi trong suốt những ngày lạnh lẽo, cho đến khi trời nắng ấm mới bắt đầu tan thành nước.

Cái dạng mập tròn của người tuyết cũng là cái dạng của những người Mỹ bị mập phì. Ở nước Mỹ trong nhiều năm qua có vấn đề cần phải giảm cân, vì lý do thẩm mỹ, vì lý do sức khoẻ, và có lẽ là cả hai. Không thấy nói đến vấn nạn này ở các nước phát triển khác, và theo tôi thì phải có lý do về sự khác biệt đó. Nước Mỹ quá rộng lớn và các vùng dân cư lại phát triển mạnh, nên ngoại trừ ở những thành phố lớn nơi phương tiện di chuyển công cộng được sử dụng nhiều hơn và người ta có cơ hội đi bộ, còn lại đa số phải di chuyển bằng xe hơi. Thậm chí, có lẽ chỉ có ở Mỹ, những người làm tiếp viên hoặc rửa chén ở nhà hàng, đổ rác, hoặc lau chùi phòng ốc cũng phải đi làm bằng xe hơi, vì tuy nghèo nhưng nếu có việc làm thì vẫn dễ dàng mua được một chiếc xe cũ. Từ nhà đến hãng xưởng hay văn phòng đều khá xa, nhưng không thành vấn đề khi xe hơi chạy cả trăm cây số (km) một giờ trên những xa lộ thật tốt và an toàn. Dù sao, thời giờ di chuyển vẫn chiếm quá nhiều, khiến đời sống trở nên bận rộn. Nói chung, người ta không nhu cầu và không còn thời giờ để đi bộ hoặc đi xe đạp, và không có cơ hội để ở ngoài trời mỗi ngày.

Đi ngược lại một chút, trong nhiều thập niên qua, từ khi kỹ nghệ hoá các xí nghiệp bằng máy móc, các ngành công kỹ nghệ của Mỹ phát triển rất nhanh chóng. Các hãng xưởng tranh thủ sản xuất bằng cách cho máy móc chạy suốt ngày đêm, đòi hỏi phải có công nhân làm việc cả 3 ca sáng, chiều, và đêm. Một số lượng nhân công không nhỏ đã sống ngược với thiên nhiên. Theo lẽ tự nhiên, hầu như mọi loài đi ngủ khi mặt trời lặn khuất, và thức dậy để sinh hoạt khi mặt trời ló dạng. Tạo hoá xếp đặt cho trái đất xoay quanh mặt trời và xoay quanh chính nó, tạo ra ban ngày để mặt trời đem năng lượng đến cho muôn loài, và ban đêm để mọi loài nghỉ ngơi lấy lại sức. Nhân viên làm ca chiều, và nhất là ca đêm, phải sống ngược lại với chu kỳ tự nhiên; họ ngủ ban ngày và làm việc ban đêm, và đó là điều không được lành mạnh cho lắm. Thêm vào đó, làm cả 3 ca thì mức sản xuất tăng gấp 3 lần, và mức tiêu thụ cũng tăng theo gấp 2,3 lần, khiến người Mỹ ăn uống quá nhiều và quá bổ béo, vì thế người phát phì chiếm số lượng khá lớn trong dân số Mỹ, mà mập phì là nguyên nhân của nhiều bệnh, nhất là bệnh về tim và hệ thống tuần hoàn

Cuối cùng thì giới y tế khuyên mọi người nên dành ra ít nhất là nửa giờ mỗi ngày để đi bộ hoặc tập thể dục. Mục đích của việc này là để làm giảm cân và tránh được nhiều bệnh tật. Tuy nhiên, có rất nhiều người nhắm vào việc làm giảm cân để giữ cho thân hình được thon thả, đẹp đẽ. Những chương trình quảng cáo trên đài truyền hình cũng nhắm vào tâm lý thích làm đẹp, nên họ dùng những người mẫu có thân hình rất đẹp nhờ sử dụng các dụng cụ tập thể dục hoặc thuốc giảm cân. Phải công nhận kỹ thuật quảng cáo của người Mỹ thuộc hàng cao thủ, nên trong lãnh vực này đã làm cho người ta có cảm tưởng là cứ mua các dụng cụ về là có thể dễ dàng tập luyện và đạt mục đích trong một thời gian ngắn. Thật ra, giảm cân và có được thân hình thon thả hay sức khoẻ tốt, là hệ quả của ý thức và hành động. Từ ý thức về việc giữ gìn sức khoẻ, rồi tiếp theo là công trình luyện tập lâu dài, cộng thêm vấn đề kiểm soát ăn uống nữa. Cái ý thức về việc bảo vệ sức khoẻ có lẽ giúp người ta dễ dàng tập luyện hơn và không nhắm một mục đính nào có thể đo lường bằng con số. Còn nếu có mục đích làm giảm cân và có được thân hình đẹp đẽ, thì thường sẽ nhắm vào một con số nào đó, thí dụ như phải xuống 25, 30 cân, hoặc số vòng đo phải là bao nhiêu đó. Nhưng dù đặt mục đính nào, thì kết quả vẫn xảy ra một cách hết sức tiệm tiến. Nhiều người có cảm tưởng là tập mãi vẫn chưa thấy kết quả gì, nên rất dễ chán nản và bỏ cuộc, và vấn đề có thể bị coi như hoàn toàn bế tắc vậy.

May mắn thay, nếu bạn là người kiên trì, thì chắc chắc bạn đã khám phá ra những điều khá thú vị. Thử hỏi xem, nếu giảm cân là điều có thể xảy ra nhanh chóng, thì lên sự việc lên cân cũng đã có thể xảy ra nhanh chóng chứ. Giả sử như hôm nay ăn nhiều, mà ngày mai lập tức không còn cái áo nào mặc vừa nữa, hoặc cái cân nó nhảy vọt lên cả chục cân, thì có lẽ đã chẳng ai phát phì vì sợ quá. Thế thì tại sao lại có những người để cho thân thể phì nộn ra gấp 3,4 lần hay nhiều hơn, mà không lo ngăn chặn lại? Suy ra, tiến trình phát phì rất tiệm tiến, đến độ mắt thường không nhận ra tiến trình đó được. Ngược lại, thì tiến trình giảm cân cũng tiệm tiến đến độ mắt thường không nhận ra được ngay đâu. Nếu chấp nhận sự thật này, bạn mới có thể tiếp tục mà không nản chí và bỏ cuộc.

Rồi sau một ít tuần lễ tập luyện, dù chỉ thấy xuống một vài cân rồi lại đâu vào đấy, nhưng các cơ bắp đã săn chắc lại, khiến bạn trông gọn gàng hơn đôi chút. Nhiều người quen khi gặp bạn đã hỏi ngay: "Bộ tập dữ lắm sao mà thấy người gọn gàng vậy?" A, lời khen ấy quả thật là có sức mạnh. Nó xác nhận với bạn là đã có kết quả đấy, và nó làm bạn phấn khởi, cố gắng tiếp tục thu lượm kết quả, từng chút một cũng hay hơn là bỏ cuộc hẳn.

Ngoài ra, cơ thể của bạn cũng xác nhận với bạn những thành quả khác mà bạn đã đem đến cho nó. Chỉ cần 5 – 10 phút mỗi buổi sáng, bạn bỏ ra để co dãn các bắp thịt và "làm lỏng" các khớp xương ở cổ, cánh tay, bụng, thắt lưng, hông, chân.... thậm chí các cổ tay, cổ chân, và các ngón tay, ngón chân nữa, thì cơ thể của bạn sẽ được ở trạng thái trơn tru, mềm mại, và khoẻ khoắn suốt ngày, chứ không mệt mỏi vì xơ cứng hoặc rỉ sét. Nếu ở miền Bắc Mỹ, một buổi sáng mùa đông ra hốt tuyết trước nhà cho sạch để lui xe ra đi làm, anh nào tập thể dục, anh nào không, sẽ biết nhau liền. Anh nào lười, không tập thể dục bao giờ, các bắp thịt lâu ngày không co dãn đều đặn, các khớp xương không được nới lỏng thường xuyên, sẽ khiến chủ nhân của chúng kêu ầm lên là đau lưng và ê ẩm toàn thân ngay.

Qua những kinh nghiệm nói trên, bản thân tôi ghi nhận được một vài nguyên tắc làm việc để có thể đạt kết quả mong muốn. Những ghi nhận này đến với tôi tuy muộn màng, nhưng cũng giúp cho tôi dụng rất hiệu quả vào những điều tuy nhỏ bé nhưng vẫn khó vượt qua trong đời sống hiện tại. Những điều này mà tôi sắp trình bày chẳng có gì là mới mẻ, vì ai cũng biết rồi, nhưng tôi sẽ rất vui khi có người đọc và đồng ý với mình.

Ai cũng biết rằng nếu muốn đạt một mục đính khá cao và mong ước một thành quả lớn lao, thì cần phải "cắt" nó ra thành nhiều phần nhỏ, và chính cái thành quả của từng phần nhỏ, lại là điều cần thiết để công việc có thể tiếp tục cho đến khi hoàn tất. Điều quan trọng là trong khi để hết tâm trí để thực hiện cái phần nhỏ đó, thì hãy tạm quên cái thành quả lớn lao mà mình luôn ao ước. Lấy một việc vĩ đại là xây một cái nhà. Tuy phải lên kế hoạch toàn diện và ước lượng phí tổn cần thiết để hoàn tất, nhưng khi bắt tay vào những việc khởi đầu là đào móng, làm nền... thì cứ nhắm vào mỗi cái việc làm móng, đổ nền. Đến khi cái móng, cái nền hoàn tất rồi mới có thể bắt đầu việc kế tiếp là xây tường, và chưa vội bận tâm đến việc lợp mái làm chi. Việc nhỏ cũng thế. Cái nguyên tắc là mỗi lúc một việc, làm việc gì thì chỉ chú tâm vào việc đó mà thôi, chứ không lan man suy nghĩ hay bận tâm sang việc kế tiếp. Khi tất cả năng lượng được dồn vào một việc mà thôi thì việc đó sẽ được hoàn tất nhanh chóng và tốt đẹp. Điều này có liên quan đến môn vật lý học, khi năng lượng của ánh sáng mặt trời xuyên qua kính hội tụ, sẽ trở thành một điểm sáng thật nhỏ có khả năng đốt cháy một mảmh giấy mà nó tiếp xúc. Làm việc này mà suy nghĩ sang việc khác, thấy như không hề gì, nhưng suy nghĩ cũng làm tiêu hao rất nhiều năng lực và khiến năng lượng bị phân tán khỏi công việc đang làm. Đôi khi cần tạm ngưng công việc đang làm, để xem nó sẽ liên quan đến công việc kế tiếp ra sao, nhưng không vừa làm vừa xem xét cùng một lúc.

Một nguyên tắc về vật lý khác nữa, là lúc khởi đầu việc gì cũng khó, vì cần có cái đà. Việc lấy đà bắt đầu từ con số 0, và phải cố tăng dần lên. Giống như cái máy bay khi cất cánh, phải bắt từ từ lăn bánh trên phi đạo. Phi đạo phải khá dài, đủ cho máy bay tăng tốc độ thật nhanh trong một thời gian rất ngắn (tôi còn nhớ môn vật lý gọi cái này là "gia tốc"). Tuy là phải đốt rất nhiều nguyên liệu và xả hết ga để cất cánh, nhưng sau đó nó thì tàn tàn bay rất cao mà lại tốn ít nhiên liệu hơn. Có lần tôi lên kế hoạch dọn dẹp căn nhà của mình vào sáng thứ Bảy. Định bắt tay vào việc sau khi uống cà phê và ăn sáng, nhưng mãi đến quá trưa tôi vẫn ngồi đọc báo hết trang này sang trang khác, và vẫn không tài nào khởi sự dọn dẹp được, vì chưa có "đà". Cuối cùng, tôi quyết định tạo cho mình cái đà, tức là sự phấn khởi để từ đó sẽ cảm thấy hăng hái hoàn tất toàn bộ kế hoạch dọn dẹp. Dễ dàng và nhanh chóng nhất, là rửa cái bồn chén bát. Bát đĩa sạch sẽ gọn gàng là một thành quả rất dễ thấy, tạo hứng khởi để lau chùi cả cái bếp, sàn bếp... Rồi tới chùi sạch cái sàn gỗ trong phòng khách và phòng ăn, lau bụi bàn ghế và đồ đạc... Kế đó, là tổng tấn công phòng ngủ và quần áo. Sau đó sẽ thừa thắng xông lên để đánh gọn cái phòng tắm là nơi mất nhiều công sức vì phức tạp hơn những chỗ kia. Và cuối cùng là sẽ có quyền nhảy vào bồn tắm, đứng dưới vòi nước ấm với cảm giác sung sướng và nhẹ nhõm. Tính toán xong, tôi bắt tay vào việc và cứ thế mà làm, từng việc một....

4 giờ chiều hôm đó, tôi diện quần áo đẹp đẽ, rời nhà đi chơi, trong lòng thơ thới. Nghĩ đến thành quả của mình trong mấy giờ qua là căn nhà sạch sẽ, chỉ bắt đầu bằng cái bồn rửa chén... Tôi biết mình có thể mơ ước làm được những việc vĩ đại hơn. Một khi đã biết được mục tiêu và định hướng được rồi, tôi chỉ cần khởi đầu với một việc thật nhỏ bé, tầm thường. Đã có rất nhiều vĩ nhân khởi đầu công trình để đời của mình bằng những việc rất nhỏ gần như không đáng kể. Nó cũng là cái mà người sống ở vùng Bắc Mỹ lạnh lẽo này gọi là "the snowball effect", tạm dịch là "sự lớn dần của trái cầu tuyết", trong cái trò chơi tạo hình người tuyết vào mùa Đông của trẻ con.