TUỔI TRẺ: TUỔI ANH HÙNG HAY TUỔI NÃO NÙNG

Chương III:

SỰ BÌNH THƯỜNG VÀ BẤT BÌNH THƯỜNG NƠI TUỔI TRẺ

I. VÀI NHẬN XÉT

Nhiều bậc cha mẹ và ngay cả những nhà giáo dục nữa nhiều khi bối rối khi phải phê phán em này bình thường, em kia bất bình thường; đặc biệt với lứa tuổi vị thành niên các em thay đổi như chong chóng, các em ngang ngược và nhiều hành động thật chướng tai gai mắt...

- Nhìn vào Loan, đứa con gái tới tuổi cập kê dậy thì, nhiều lúc nó buồn vu vơ, không biết nó có bình thường hay đang bị khủng khoảng dồn nén? Loan hoảng hốt khi bị lên cân, lúc cái eo hơi lớn ra một chút!

- Quan sát thằng Hùng, lớn lên như thổi, lông lá râu ria bắt đầu lộ hiện, quần áo mua không kịp... thế rồi tính tình nó lì lợm, nhiều hành vi như khùng khùng điên điên... Đặc biệt nó thích lạ đời: sỏ lỗ tai, xiên lỗ mũi, tóc hớt bờm ngựa!

- Ghé mắt qua nhà hàng xóm, thằng John cũng không kém, nó mua quần mới nhưng rồi lấy dao rạch thành tua, nó đeo những giây nịt to thật là to! tay đeo đầy vòng...

Ba mẹ của các em tự hỏi không biết Loan, Hùng và John có bình thường hay bất thường? Để các em như vậy hay phải sửa dậy? Phải chạy chữa? Nhưng sửa dậy ra sao? Chạy chữa nơi đâu?

Tệ hại hơn nữa làm cha mẹ mất ăn mất ngủ, suy nhược khi con bỏ nhà ra đi! Lý do gì thúc đẩy các em bỏ nhà? Có phải mẹ cha qúa khắt khe? Có phải em sợ cha mẹ buồn vì mình học hành thua sút? Hay vì bạn bè đồng lứa rủ rê?

Cũng có trường hợp em bị tâm thần như trường hợp bé Bruce mà tiến sĩ Rey nêu ra như một ví dụ điển hình : Bruce được cha mẹ quan tâm các đặc biệt, cha mẹ thương em thật nhiều và tập dậy cho em sống thật ngăn nắp và gọn gành sạch sẽ. Ông bà để cho Bruce dùng khăn tắm, xà phòng, thuốc gội đầu riêng của em... Em tắm thật lâu và làm cho những người trong gia đình phải đợi chờ thật lâu mới có phòng tắm mà xử dụng. Và cũng vì qúa kỹ nên dù dậy sớm nhất thế mà em lúc nào cũng trễ giờ đi học. Đã thế em còn qúa kỹ đến không dám ăn uống đồ ăn do người khác sửa soạn vì sợ không được sạch sẽ đủ... Những cái qúa kỹ lưỡng đó làm cha mẹ của Bruce không kiên nhẫn nổi với em mà sinh ra cải vã.

Thái độ của Bruce đi tới cực đoan. Đây có phải là một loại tâm bệnh không? Vì qúa kỹ lưỡng em cũng bị bạn bè xa lánh, có phải tại em thiếu xã hội tính không? Có phải lỗi cha mẹ vì giáo dục em qúa kỹ về ngăn nắp và sạch sẽ không? Em sẽ ra sao khi em trưởng thành?

Đó là những vấn nạn và còn trăm ngàn những vấn nạn, những thắc mắc mà các bậc phụ huynh âu lo, tự hỏi và cố tìm câu trả lời mà nhiều khi không tìm được một lời đáp trả thỏa đáng...

II. TRẺ BÌNH THƯỜNG

Khi nhìn vào lứa tuổi đồng trang lức với em, trong trường lớp, nếu các em có một chỉ số thông minh trung bình như đại đa số thì đó là bình thường. Chỉ có một vài học sinh thật xuất sắc hay thua kém qúa; chúng ta cũng có thể nhận ra khi có em phát triển chiều cao qúa đáng hay bị lùn qúa sức! Em bị béo phì hay còm cõi qúa... Tất cả những trường hợp ngoại hạng đều là bất bình thường, có thể em thông minh ngoại hạng mà cũng có thể là khờ khạo kém thông minh!

Tuy thế thực tại không đơn giản như thế! Có thể có những em rất bình thường ấy vậy mà tới một cái tuổi nào đó em tự thay đổi trở nên bất bình thường! Và tiến sĩ Rey kết luận “Có thể một em rất bình thường ở giai đoạn này mà lại bất bình thường ở vào một giai đoạn khác. Nên việc khám phá ra thời điểm thay đổi của trẻ là một mốc điểm quan trọng! Ví dụ như có thời gian người ta định gía người to béo là đẹp có thời điểm cho là thon ốm mới là xinh đẹp v.v... Vì vậy bình thường hay bất thường cũng còn tùy thuộc ở yếu tố xã hội, gía trị và cái nhìn của văn hóa và chủng tộc nữa”

Một trong những định gía bình thường hay bất bình thường là do những học hỏi, thí nghiệm của y khoa, của các ngành tâm sinh lý để đưa ra những tiêu chuẩn phân biệt người bình thường và người bệnh hoạn.

III. TRẺ BẤT BÌNH THƯỜNG VÀ RỐI LOẠN TÂM THẦN

Nếu chúng ta cảm thấy bối rối phân vân trước sự phân biệt tình trạng bình thường và bất thường của con em chúng ta, thì chúng ta cũng đừng qúa lo lắng vì đó là tình trạng rất chung và bình thường mà hầu hết các bậc cha mẹ hay các nhà giáo dục đều gặp phải. Việc nhận định này là một việc khó khăn, tuy thế y học và khoa học đề ra nhiều phương cách để chúng ta lượng định được phần nào. Ví dụ dưới nhãn quan y học, chúng ta phân biệt được hai loại bất bình thường:

- Bất bình thường về thể lý: Đây có thể là một tiến trình được kết tụ bởi nhiều triệu chứng, xảy ra theo thời gian. Trẻ em bị rối loạn, thể lý các em có thể bị run rảy, tim đập mạnh, cảm thấy nghẹt thở và chóng mặt làm mất ngủ và bức rức... Ví dụ trường hợp của em Bruce mà chúng ta đề cập tới ở phần trên, có thể em đã rơi vào trường hợp đồ ăn bị ngộ độc, làm phương hại tới sức khoẻ thể lý của em, ảnh hưởng của những cơn đau ăn sâu vào tâm trí em, khiến em đâm ra nghi nan mọi thứ có thể bị dơ bẩn, em cần phải tự tay sửa soạn đồ ăn thức uống cho mình em mới yên tâm.

- Bất bình thường về tâm lý có thể là xáo trộn về cảm xúc, sợ sệt và tâm thần bạc nhược làm cho trẻ chán chường, bướng bỉnh tại gia đình, thái độ bất cộng tác và bất cần tại trường mà bỏ học và xa lánh bạn bè xã hội. Chứng tâm thần rối loạn thường xảy ra nơi tuổi trẻ mà theo tiến sĩ Rey có tới 20% giơi trẻ rơi vào chứng này... Có em sợ cao, sợ mập, sợ gầy, sợ tiếp xúc, sợ trách nhiệm, sợ không đạt được ước mơ và nguyện vọng của người trên v.v... nhưng có tới 80% các em sẽ thích nghi và vượt thắng được những xáo trộn tâm thần trên. Những em không thích nghi và vượt thắng được thường tự ti mặc cảm, coi mình thua kém, chán nản và thất vọng mà cái tệ hại nhất là đưa các em tới ý tưởng quyên sinh. Thường những em rơi vào hoàn cảnh này lại dễ bị bạn bè cô lập bỏ rơi nên các em bị cô đơn! Các em dễ tìm quên trong hút sách hay rượu bia...

Khi tham dự khóa “Cấp Cứu Tâm Thần” dành cho các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, chúng tôi ý thức về trường hợp những rối loạn tâm thần hay những lệch lạc về tâm lý bất bình thường sẽ trở thành bệnh nếu đương sự bị tình trạng kéo dài liên tục trên hơn 2 tuần lễ. Họ cần tới những nâng đỡ tinh thần của các nhà lãnh đạo tinh thần nâng đỡ và chia sẻ với họ và họ cần tìm đến các chuyên viên tâm lý.

Theo sự nghiên cứu của ngành Tâm sinh bệnh lý, làm chúng ta ngạc nhiên là cứ ba người thì có một người bị xáo trộn tâm lý trong cuộc sống. .. Theo tài liệu “Sách Chỉ Dẫn Thực Hành Cấp Cứu Y Tế Tâm Thần” do Đại học Quốc gia Úc Đại Lợi xuất bản thì tỉ lệ người trưởng thành ở Úc bị một bệnh tâm thần trong cuộc sống như sau:

Loại bệnh Nam Nữ Trung bình

Lo âu qúa độ 7.1% 12.0% 9.7%

Lạm dụng thuốc/rượu 11.1% 4.5% 7.7%

Trầm cảm 4.2% 7.4% 5.8%

Một loại tâm bệnh khác 17.4% 18.0% 17.7%

Thường một nửa bị xáo trộn trong thời gian của tuổi vị thành niên mười mấy đôi mươi! Nên việc khám phá ra bệnh sớm mà chạy chữa là điều tối quan trọng.

Việc chữa trị nên tìm tới các chuyên viên tâm lý hay bác sĩ tâm thần. Đây là một lãnh vực mà người Việt chúng ta cần ý thức hơn để chạy chữa đúng nơi, đúng người; vẫn biết theo văn hóa truyền thống dân tộc Việt, những chuyện không hay này hay được giữ kín hoặc chạy tới các vị lãnh đạo tinh thần hay tự tìm cách chữa trị tư riêng âm thầm kín đáo. Khoa học chuyên ngành hôm nay với những phương cách chữa trị và kinh nghiệm chuyên môn, chúng ta nên lợi dụng hầu chữa trị được cho chính chúng ta và con em chúng ta. Ngay cả các vị lãnh đạo tinh thần cũng cần ý thức điều đó để khích lệ và giới thiệu những ai tìm đến với mình được gởi tới những chuyên viên trong lãnh vực cần thiết. Richard Parsons cho chúng ta một lời khuyên khi nào và người nào chúng ta cần phải tìm đến?

Chúng ta cần tìm đến những sự giúp đỡ chuyên môn khi con em chúng ta yêu cầu trực tiếp; một khi các em không yêu cầu nhưng chúng ta nhận ra những triệu chứng và dấu hiệu như: sức khoẻ thể lý các em bị sa sút vì nhức đầu, đau bụng... hay khi các em tự rút vào ốc đảo riêng mình xa gia đình và bạn bè, khi các em không còn hứng thú học hành hay sinh hoạt và khi các em ăn uống ngủ nghỉ bất thường.

Những ai chúng ta cần tìm đến? Bác sĩ, tâm lý hay nhân viên cố vấn gia đình tại trường học hay các bác sĩ tâm lý và chuyên viên làm việc cho giới trẻ v.v...

IV. ĐÂU LÀ NGUYÊN DO CỦA SỰ RỐI LOẠN

Nguyên do có thể đưa tới tình trạng rối loạn tâm thần nhiều khi rất là đơn giản, mà cũng do nhiều yếu tố cấu tạo nên, những biến cố và kinh nghiệm của cuộc sống kết tụ thành, bối cảnh xã hội và bạn bè trang lứa, gia đình của em có là một gia đình yêu thương đùm bọc săn xóc nhau hay một địa ngục của những hải đảo chiến chinh! Cũng có khi tuổi trẻ được sống trong một bối cảnh được săn xóc thái quá cũng có nguy cơ đưa dẫn tới sự rối loạn tinh thần.

Điều quan yếu là biết cẩn phòng và định bệnh càng sớm càng tốt hầu ngăn ngừa được hậu họa tệ hại cả cuộc đời. Ví dụ ai luyện tập thể dục thể thao quân bình thì sức khỏe sẽ tốt hơn một người không biết điều độ, cũng chẳng xiên năng tập luyện gì cả. Cũng như người biết ăn uống chừng mực điều độ thì tốt hơn là người say sưa nhậu nhoẹt!

Trong hạn hẹp bài này, chúng tôi không nhằm đưa ra các nguyên nhân của từng tâm bệnh, chúng tôi chỉ nêu ra một số điểm tích cực mà Tiến sĩ Rey đề ra hầu có thể giúp ngăn ngừa và giảm nguy cơ đưa tới chứng rối loạn tâm thần như sau:

- Không có nguy cơ gia truyền từ gia đình

- Thông minh biết suy nghĩ

- Tính tình ôn hòa và tốt

- Được cha mẹ săn sóc tốt lúc còn thơ

- Được sống trong một mái gia đình êm ấm và thương yêu

- Thành đạt trong việc học hành cũng như trong các sinh hoạt

- Được bạn bè yêu chuộng

- Có những người bạn tốt

- Có một sức khỏe lành mạnh.